Phát Bồ đề Tâm |

Phát Bồ đề Tâm

Bồ Đề Tâm

Sau khi thiền định về quy y, chúng ta phát Bồ đề tâm ứng vói các phương pháp yoga Kim Cương thừa. Điều này có nghĩa là cảm thấy sự tha thiết nhiệt tình tột độ để đạt được sắc thân Heruka nhanh chóng – càng nhanh càng tốt – sao cho chúng ta có thể đẫn dắt chúng sanh hữu tình là mẹ chúng ta đến bản tánh Heruka trong thời gian ngắn nhất. Nếu chúng ta cảm thấy như vậy rồi thì chúng ta không bao giờ có thể lười biếng. Chẳng hạn, nếu người mẹ thân yêu của bạn bị kẹt trong đám lửa hực sáng thì bạn làm sao ? Bạn không thể nghĩ ngợi và nói : “Cứ để bà ấy bị cháy. Giờ đây tôi không có thì giờ đưa bà ấy ra khỏi lửa. Tôi sẽ làm việc ấy sau.” Dĩ nhiên bạn sẽ ngưng ngay mọi việc đang làm vào lúc đó, cho dù công việc quan trọng thế nào, và lập tức đến cứu mẹ ra. Tương tự như vậy, khi bạn nhận ra rằng các chúng sanh hữu tình là mẹ của mình đang bị kẹt và bị đốt trong đống lửa của những ý niệm và hành vi bất thiện, mê lầm thì bạn không có cách nào lười biếng được.

Bạn phải chuyển hóa mọi hành động trong cuộc sống đời bạn như ăn, ngủ, làm lụng, thành ra Trí huệ Pháp. Trong từng giây phút bạn không thể tự mình cho phép đi lệch vào cung cách, thái độ của chúng sanh luân hồi sanh tử.

Thế đấy, nhưng chúng ta cứ lười biếng. Tâm bất tịnh của chúng ta đã để cho chúng ta sống một cuộc sống như thể một tiệc trà. “Hãy để bà mẹ bị cháy bỏng – khi nào thưởng thức xong bữa tiệc tôi sẽ đưa bà ta ra khỏi đám lửa.” Dĩ nhiên chúng ta không nói ra thành lời những điều này nhưng cảm giác nội tâm phản ảnh thái độ này. Cho nên, chúng ta hãy thận trọng : chúng ta thường hay cư xử như thế đấy. Hãy tưởng tượng một việc : tôi đang ngồi trong một tiệm ăn sang trọng, ăn uống thoải mái chợt một người học trò của tôi chạy vội vào bảo với tôi rằng mẹ tôi đang ở trong ngọn lửa. Tôi vẫn ngồi đó trả lời : “Chậm lại đã, tôi phải ăn xong món tráng miệng !” Ý tôi muốn nói là các bạn muốn dộng tôi một cú vì tính ích kỷ của tôi, phải không các bạn ? Dĩ nhiên tôi phóng đại câu chuyện một ít nhưng câu chuyện chỉ cho ta thấy loại thái độ mà chúng ta đang có.

Nhưng, chúng ta đừng nên quá nhạy cảm. Nếu tôi “bơm” cho các bạn quá nhiều, các bạn sẽ quá nhiệt tình và sẽ không muốn làm cái gì khác, chỉ biết có việc là chạy vội vào núi ẩn cư thiền định. Điều đó lại trở thành một trở ngại khác nữa. Nên tôi không có ý làm cho các bạn quá hưng phấn thích thú. Tốt hơn nên có một Trí huệ thấu biết và tỉnh lặng. Như tôi đã nói, ở Tây Tạng, thường sau khóa học lam-rim, các học trò với tâm tràn ngập lòng nhiệt tình hưng phấn đến nỗi họ chỉ muốn mỗi một việc là rời ngay tu viện và chạy vội vào núi ẩn cư thiền định như Milarepa. Trên thực tế, rất nhiều tăng sinh đã đi vào núi, và dĩ nhiên, sau đó ít ngày đa số đã quay trở lại tu viện.

Tuy nhiên, điều này nói lên oai lực của Pháp mãnh liệt như thế nào. Đôi khi người ta cảm thấy các vị Lama có oai lực, họ đã làm thay đổi đời bạn. Thật ra chính là Pháp Trí huệ đã thay đổi tâm con người. Trí huệ Pháp đi vào tâm thức của bạn và như vậy thái độ tâm linh của bạn thay đổi. Đó là năng lực của Pháp, chứ không phải sự thần kỳ của các Lama. Ngay cả chúng tôi đây không biết điều thần kỳ nào cả !

Khi bạn thực hành việc tu hành (sadhana) Heruka Vajrasattva, các câu kinh quy y và phát Bồ đề tâm được đọc ba lần. Tại sao lập lại nhiều lần ? Để bảo đảm rằng bạn có đủ thời gian tập trung tâm bạn và thâm nhập được ý nghĩa của lời kinh. Nếu không, sẽ có thể xảy ra việc : bạn đang lướt nhanh lời kinh còn tâm bạn đứng yên một chỗ, không chuyển động bởi lời kinh.

Tuy nhiên như tôi đã lưu ý rồi, và như tôi lúc nào cũng giải thích cho các bạn Tây phương rằng quy y không phải đơn thuần là tụng kinh. Các bạn có thể đọc ra tiếng kinh quy y bằng tiếng Anh, tiếng Tây Tạng, Sanskrit hay các bạn có thể quy y trong im lặng, việc chính là cái gì đang xảy ra trong tâm bạn. Nếu bạn có sự thiết tha trọn vẹn và không ngừng thấu hiểu rằng mục đích tối hậu của bạn là Trí huệ siêu việt thiêng liêng vĩnh cửu, bạn hoan hỷ không ngừng nỗ lực khám phá Trí huệ đó trong tâm bạn, thì không có lúc nào mà bạn không đang quy y. Còn nếu bạn không nhận thức được như vậy, thậm chí bạn đọc một triệu lần : “Namô guru, namô Phật…” bạn cũng chẳng có tiến bộ nào, và chỉ uổng phí thời gian và sức lực mà thôi.

Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, chúng tôi chuẩn bị cho việc tịnh hóa, thực hiện quy y một trăm ngàn lần, dâng một trăm ngàn mạn đà la, lạy một trăm nghìn lần, và vân vân… Sở dĩ làm như vậy là để bảo đảm chúng ta làm những điều đó không chỉ với thân chúng ta, với lời mà cũng còn với trái tim nữa. Bạn có thể liến thoắng tụng: “Namô Phật, namô Pháp, namô Tăng…” và cho rằng bạn đã hoàn tất việc quy y, nhưng rất có thể trong khi miệng của bạn đang quy y, thì tâm của bạn đang uống coca cola. Như vậy bạn rút ra được điều lợi ích nào từ những lời kinh mà bạn đã ngâm nga ? Có lẽ những lời kinh có năng lực riêng của nó, và cứ cho là như vậy, thì cũng đáng nghi ngờ không biết lời kinh đó đã có ảnh hưởng đến bạn nhiều không nếu tâm bạn ngập tràn những tham luyến phiền não và bạn đã không tỉnh thức trong khi đọc chúng.

Do vậy bạn có thể thấy rằng, tất yếu, việc quy y không thể dễ dàng được. Và khi một nhóm người quy y với nhau, mỗi người đều làm khác nhau. Cách mà một người quy y tùy thuộc vào sự chứng ngộ và thấu hiểu của họ, và những việc này cũng khác nhau tùy theo người. Mặc dầu chúng ta tụng cùng lời kinh, đọc cùng mật chú nhưng mỗi người trong chúng ta cảm thấy một sự rung động khác, nó tương ứng với mức độ và kinh nghiệm tâm linh riêng từng người. Khi chúng ta bắt đầu thực hiện việc phát Bồ đề tâm, bạn sẽ thấy được nhiều cách để giúp đỡ chúng sanh. Hạnh Bồ tát là hoàn tất “lục độ” (sáu Ba la mật) nhưng việc chứng ngộ lục độ phải mất nhiều thời gian. Không phải công việc một hai ngày. Khi bạn tu hành lục độ, bạn cảm thấy bạn đang làm ích lợi cho cuộc đời bạn. Nếu bạn cảm thấy bạn không đang làm gì ích lợi, và rằng bạn không thể giúp được ai, có thể bạn gần như mê muội. Có thể việc bạn chỉ quan tâm đến những vấn đề của bạn sẽ chỉ làm cho bạn “chật hẹp” dần. Bạn sẽ bị ám ảnh với ý nghĩ : “Tôi có quá nhiều trở ngại, trở ngại này, trở ngại kia, ôi ! Các trở ngại của tôi…” và khư khư không biết tới những vấn đề mà chúng sanh phải đương đầu khắp cả không gian. Và kết quả là, bạn sẽ không cảm thấy từ bi với họ.

Việc tự mình ám ảnh như vậy có thể đưa người ta đến chỗ tự tử. Đừng có ngưỡng mộ họ vì lý do bạn cho là cuối cùng họ đã hiểu được những vấn đề của riêng họ. Người mà tự tử thì không thấu hiểu được những vấn đề của họ tí nào cả. Sự việc là tại sao họ lại tự sát. Cái nhìn của họ chật hẹp. Tự tử không bao giờ bắt nguồn từ những chứng ngộ. Ở xứ Ấn Độ xưa, có một vị vua ông ta giết người cha. Khi ông nhận thức được điều ông làm, ông ta qua đỗi hối hận, hoàn toàn tuyệt vọng không có khả năng suy nghĩ nữa. Cuối cùng ông đến hỏi ý kiến đức Phật, Phật bảo : “Việc sát hại cha ông thì đáng nên làm.” Bằng cách nào đó, lời nói này đã xốc mạnh làm ông ta tỉnh lại và đầu óc ông ta bắt đầu hoạt động bình thường trở lại. Ông ta suy nghĩ sâu sắc về điều mà đức Phật đang thực sự nói là rằng ông ta nên giết chết sự tham ái dính mắc và tâm dối trá, chính nó đã đưa ông tái sanh vào vòng sanh tử luân hồi. Thông qua sự chứng ngộ này ông ta trở thành vị A la hán. Điểm nổi bật ở đây là ông vua trở nên quá ưu phiền, ám ảnh bởi các vấn đề, các phiền não của mình đến nỗi những cảm xúc mê muội này chiếm đầy trong tâm và không có chỗ cho Trí huệ hiểu biết. Nếu tâm chúng ta quá chật chội đến nỗi chúng ta không thể làm lợi lạc nổi cho chính mình thì làm sao chúng ta có thể mong có khả năng giúp ích cho ai?

Đức Lama Thubten Yeshe

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung