Phẩm Nhẫn nhục – Nhập Bồ Tát Hạnh |

Phẩm Nhẫn nhục – Nhập Bồ Tát Hạnh

Tham khảo Thực hành

Bài kệ 111:

Thế nên, nhờ dựa vào tâm sân

Nên mới có thể sinh ra nhẫn

Điều ấy chính là nhân của nhẫn

Nên như thắng pháp, đáng kính cung

– “Thế nên, nhờ dựa vào tâm sân/ Nên mới có thể sinh ra nhẫn”: “Nhẫn” ở đây là nhẫn nhục. Đối tượng của tâm sân chính là kẻ thù của mình. Khi thấy kẻ thù, ta sinh ra tức giận. Vì sinh ra tức giận nên ta phải cố gắng nhẫn nhục, từ đó sinh ra nhẫn.

– “Điều ấy chính là nhân của nhẫn/ Nên như thắng pháp, đáng kính cung”: Do nhìn thấy kẻ thù mới sinh ra tâm sân hận và vì có tâm sân hận nên cần phải thực hành nhẫn, từ đó sẽ sinh ra nhẫn nhục. Chỗ tâm sân đó sẽ là nơi phát sinh ra tâm nhẫn, nên giống như thắng pháp. Vì là giáo pháp tối thắng nên đáng để ta kính cung. Ở đây, ta kính trọng kẻ thù giống như thắng pháp vì nhờ kẻ thù, ta mới sinh ra nhẫn.

– Cần lưu ý là cần phải có người kích động cơn nóng giận của mình, ta mới thực hành nhẫn nhục được. Nghĩa là khi thực hành nhẫn nhục thì cần phải có điều kiện. Điều kiện để thực hành nhẫn nhục là phải có kẻ thù kích động cơn tức giận của mình. Nếu không có kẻ thù kích động cơn nóng giận của mình, ta sẽ không thể nào thực hành nhẫn nhục được.

Bài kệ 112:

Do vậy: “Cõi này của chúng sinh

Là cõi Phật”, lời Phật đã dạy,

Ở đây làm nhiều điều hoan hỷ

Thì viên mãn đến bờ bên kia

– “Ở đây làm nhiều điều hoan hỷ”: “ở đây” có nghĩa là ở cõi chúng sinh. “Làm nhiều điều hoan hỷ” là những điều giúp ta có được nhiều phước lành, nhiều công đức. Ta thường được học là khi thực hành, ta hướng về Ruộng Phước, hướng về đức Phật, về cõi tịnh độ gieo trồng ước nguyện của mình thì ta sẽ có được công đức. Nhưng ở đây nói thêm một điều là kể cả khi tâm mình hướng về chúng sinh thì ta vẫn có thể tích góp được công đức. Bằng cách nghĩ đến chúng sinh và làm điều lợi lạc cho chúng sinh thì ta cũng tích góp được nhiều công đức, chứ không phải chỉ hướng về cõi Phật mới tích góp được công đức.

– Cõi Phật và cõi chúng sinh đều là nơi có thể phát sinh ra công đức cho ta. Phật dạy rằng cõi chúng sinh cũng chính là cõi Phật vì ở nơi đó ta cũng tích góp được phước đức.

– “Thì viên mãn đến bờ bên kia” nghĩa là nếu chúng ta làm lợi lạc cho chúng sinh, khiến chúng sinh hoan hỷ thì sẽ nhanh chóng chứng đắc Phật quả. Để thực hành điều này rất đơn giản: Hãy nghĩ thử xem mỗi một ngày bản thân ta có làm cho người khác vui và cười hay không?

– Điều cốt để làm chúng sinh hoan hỷ là ta phải thiền và thực hành về tâm từ và tâm bi. Đó là điểm cốt yếu nhất của đoạn kệ này.

Bài kệ 113:

Từ chúng sinh cũng như từ Phật

Thành tựu Phật pháp đều như nhau,

Như lòng cung kính đối với Phật

Chẳng với chúng sinh, là thế nào?

– Để thành tựu Phật pháp, phải dựa vào cả 2 đối tượng: Phật và chúng sinh. Từ cả 2 đối tượng này, ta mới thành tựu được Phật quả, nếu thiếu một trong hai thì cũng không thành Phật được. Nhờ Phật mà ta mới thành Phật nên ta cung kính Phật và nhờ chúng sinh, ta mới thành Phật nên ta cũng phải cung kính chúng sinh giống như cung kính Phật.

– Như vậy, Phật và chúng sinh đều có vai trò quan trọng như nhau với việc thành Phật của mình. Cho nên ta làm Phật hoan hỷ thế nào thì cũng phải làm chúng sinh hoan hỷ giống như vậy. Thế nhưng, trên thực tế, ta chỉ muốn làm Phật hoan hỷ Phật chứ đâu làm chúng sinh hoan hỷ. Cho nên “Như lòng cung kính đối với Phật/ Chẳng với chúng sinh, là thế nào?” nghĩa là ta có tâm cung kính đối với Phật thì tại sao ta lại không cung kính như thế đối với chúng sinh? Ở đây đặt câu hỏi như thế.

– Nhân để khiến ta thành Phật là dựa vào 2 đối tượng: Phật và chúng sinh. Từ 2 đối tượng này, đúc kết lại một đối tượng duy nhất là đạo sư của mình. Nếu mình nương tựa vào đạo sư, làm đạo sư hoan hỷ thì cũng giống như làm cả Phật và chúng sinh hoan hỷ.

– Để thành Phật, một người cần phải thiền và thực hành như thế nào? Ở đây có 2 quan điểm là quan điểm theo Đại thừa Hiển giáo và Đại thừa Mật giáo. Đại thừa Hiển giáo nói rằng khi trong tâm không còn vô minh, nghĩa là đã diệt trừ hết mọi vô minh là đã đủ để thành Phật. Trong khi đó, Đại thừa Mật giáo nói rằng tâm hết vô minh cũng chưa đủ để thành Phật mà tất cả mọi trình hiện trước tâm thức của mình đều phải trở nên thanh tịnh. Nếu tất cả mọi trình hiện trước tâm thức của mình không thanh tịnh thì cũng không thành Phật được. Đó là quan điểm của Đại thừa Mật giáo.

– Để hiểu những trình hiện trước tâm thức của mình là bất tịnh hay thanh tịnh, lấy ví dụ nếu bây giờ ta vẫn còn thấy cái xấu, khuyết điểm của người khác thì đó là những biểu hiện của bất tịnh. Khi lửa làm phỏng tay mình hoặc lửa đốt một căn nhà, thì đó không phải là lỗi của lửa mà chính bản chất nóng của lửa khiến tay ta bị phỏng hay làm căn nhà bị cháy… Ta phải thấy được như thế.

– Quan điểm của tổ Tsongkhapa nói rằng để thành Phật, cần cả 2 điều kiện: phải diệt trừ hết mọi vô minh và đồng thời phải thanh tịnh được tất cả mọi trình hiện của tâm thức. Đủ cả 2 điều kiện đó thì mới thành Phật được.

– Thầy nói rằng chúng ta không cần vội vã thành Phật, chỉ cần hiểu con đường thành Phật và hoan hỷ tận hưởng, vui vẻ trên con đường thực hành từ đây cho đến thành Phật. Chúng ta đừng bám chấp vào chuyện thành Phật vì sẽ tự tạo căng thẳng cho mình và ta sẽ không tận hưởng và vui vẻ quá trình đó.

Bài kệ 114

Tâm tư đức hạnh chẳng như mình,

Nhưng về thành quả thì tương tự

Các chúng sinh đều có đức hạnh

Thế nên tất cả đều ngang bằng

– “Tâm tư đức hạnh chẳng như mình/Nhưng về thành quả thì tương tự”: Tâm tư đức hạnh của chúng sinh thì mỗi người mỗi khác, nhưng về thành quả thì tương tự, vì tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật.

– “Các chúng sinh đều có đức hạnh”: “Đức hạnh” ở đây là Phật tánh, là khả năng thành Phật của chúng sinh.

– Bài kệ này nói rằng đối với các chúng sinh khác, ta không có kính trọng họ vì ta nghĩ rằng họ không có tâm tư đức hạnh giống như mình. Nhưng về thành quả thì các chúng sinh khác cũng sẽ thành Phật được giống như mình. Họ thành Phật được như mình vì họ có Phật tánh, tức khả năng thành Phật. Phật nói rằng khả năng này ở chúng sinh nào cũng có, nên xét về khả năng thành Phật thì ta và các chúng sinh khác đều ngang bằng như nhau.

– Ta nghĩ rằng các chúng sinh không có đức hạnh nên ta không có kính cung, nhưng xét trên thực tế, nhờ chúng sinh đó nên ta mới thành Phật nên rất đáng kính cung. Thứ hai là tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tức là có khả năng thành Phật, nên ta phải tôn trọng họ. Vậy ta phải tôn trọng tất cả mọi chúng sinh như thế nào? Cụ thể là tôn trọng mạng sống của chúng sinh và tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của chúng sinh.

+ Tôn trọng mạng sống của tất cả chúng sinh: Lấy ví dụ, một con muỗi đến chích mình, ta hãy nghĩ rằng con muỗi cũng có Phật tánh, cũng có khả năng thành Phật nên ta cần tôn trọng mạng sống của con muỗi đó và không giết nó. Hành động đó giúp ta từ bỏ tà hạnh sát sinh, đồng thời giúp ta thực hành kiên nhẫn. Chính công đức này khiến ta càng gần đến Phật quả hơn.

+ Tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của chúng sinh: Trong các bài văn dạy luyện tâm có khuyên chúng ta không được đem người khác ra làm trò đùa. Vì mọi chúng sinh đều có tâm tư, cảm xúc riêng nên nếu ta đem người nào đó ra giễu cợt, làm trò đùa thì sẽ khiến họ bị tổn thương. Lập tức lúc đó ta nghĩ rằng ta và các chúng sinh khác đều có Phật tánh. Xét về phương diện đó, ta và họ đều ngang bằng, nên không nên làm tổn thương họ.

BÀI TẬP THỰC HÀNH TRONG TUẦN:

Chúng ta hãy thực hành tôn trọng tất cả các chúng sinh khác. Hãy nghĩ tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật giống như mình nên hãy tôn trọng mạng sống và tôn trọng tâm tư của tất cả mọi chúng sinh. Khi đã thực hành được tôn trọng người khác, ta thực hành thêm tâm hoan hỷ. Nghĩ rằng vì tôn trọng người khác giúp ta mau thành Phật hơn. Tâm hoan hỷ giúp ta tận hưởng niềm vui an lạc lâu dài hơn.

Khangser Rinpoche

Nguồn: Phẩm Nhẫn nhục – Nhập Bồ Tát Hạnh

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung