Patrul Rinpoche – Orgyen Jigme Chokyi Wangpo (1808-1887), một hành giả lang thang trong truyền thống cổ xưa của các khất sĩ không nhà, đã trở thành một trong những đạo sư tâm linh đáng kính nhất trong lịch sử Tây Tạng, nổi tiếng là một học giả và tác giả trong khi cùng lúc, sống cuộc đời vô cùng đơn giản. Là người ủng hộ mạnh mẽ những niềm vui của sự cô tịch, Ngài luôn nhấn mạnh tính vô nghĩa của những theo đuổi và tham vọng thế gian. Ký ức về tấm gương cuộc đời Ngài vẫn còn vô cùng sống động cho đến ngày nay, cung cấp nguồn cảm hứng tươi mới cho hành giả của Phật giáo Tây Tạng.
Là vị trì giữ mẫu mực những tư tưởng Phật giáo thanh tịnh nhất về xả ly, trí tuệ và lòng bi mẫn, Patrul Rinpoche dành phần lớn cuộc đời để lang thang khắp các ngọn núi và sống trong hang động, rừng rậm và ẩn thất xa xôi. Khi rời một nơi, Ngài rời đi mà không có điểm đến đặc biệt nào; khi ở đâu đó, Ngài không có kế hoạch cố định nào. Ở chốn hoang vu, thiền định yêu thích của Ngài là thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm – mong muốn cứu mọi hữu tình chúng sinh khỏi khổ đau và đưa họ đến tự do rốt ráo của giác ngộ.
Thời trẻ, Ngài Patrul nghiên cứu với những đạo sư xuất chúng khi ấy. Với trí nhớ đặc biệt, Ngài thuộc lòng hầu hết các giáo lý truyền miệng mà Ngài từng nghe, như thế, trở nên có khả năng làm sáng tỏ những khía cạnh phức tạp nhất của triết học Phật giáo mà không cần tham khảo một trang của bản văn, chẳng cần làm vậy ngay cả khi giảng dạy trong nhiều tháng liền.
Hoàn toàn không bận tâm đến những vấn đề bình phàm, Ngài Patrul tự nhiên từ bỏ tám bận tâm thế tục, điều bao gồm những hy vọng và sợ hãi bình phàm của mọi người – hy vọng lợi ích và sợ hãi tổn thất; hy vọng lạc thú và sợ hãi đau đớn; hy vọng tán dương và sợ hãi trách mắng; hy vọng danh tiếng và sợ hãi ô nhục.
Patrul Rinpoche được nhớ đến như một thiền gia và học giả, người mà nhờ hành trì, đã đạt được chứng ngộ cao nhất của sự thực rốt ráo.
Ngài Patrul thường từ chối chấp nhận các cúng dường, thứ thường được dâng lên một vị thầy hay một nhân vật tâm linh đáng kính theo truyền thống. Được trao những món quà giá trị như vàng và bạc, Ngài thường để chúng trên mặt đất, từ bỏ chúng dễ dàng như người ta từ bỏ nước bọt trong đất. Tuy nhiên, khi lớn tuổi, Ngài bắt đầu chấp nhận một số cúng dường, thứ mà Ngài trao cho những người ăn xin hay dùng để đúc tượng, xây dựng tường Mani (những bức tường tuyệt vời, đôi khi gồm hàng trăm nghìn viên đá được khắc Chân ngôn Mani – Om Mani Padme Hum), dâng cúng dường đèn bơ và tham gia vào các hoạt động phước lành khác.
Lúc qua đời khi cuối tuổi thất tuần, những tài sản cá nhân ít ỏi của Patrul Rinpoche vẫn như khi Ngài mới bắt đầu là một vị khất sĩ: hai bản văn (Nhập Bồ Tát Hạnh và Căn Bản Kệ Trung Đạo), một bát khất thực, một túi len đỏ giữ khăn choàng tu sĩ màu vàng, một Kinh luân, gậy chống và một bình kim loại nhỏ để đun trà.
Patrul Rinpoche ngày nay được những đạo sư đương thời lỗi lạc nhớ đến như một vị thiền gia và học giả, vị mà nhờ hành trì đã đạt được chứng ngộ cao nhất của sự thực rốt ráo. Dilgo Khyentse Rinpoche khẳng định rằng Ngài Patrul là vô song về sự chứng ngộ tri kiến, thiền định và hành động của Dzogchen. Đức Dalai Lama thứ mười bốn thường tán thán giáo lý của Patrul Rinpoche về Bồ đề tâm, điều mà bản thân Ngài vẫn thực hành và trao truyền.
Trong lúc nhập thất tại những nơi xa xôi, Ngài Patrul đã viết các bộ luận gốc sâu xa, hầu hết vẫn còn tồn tại. Ngài tự nhiên biên soạn nhiều bài thơ và những lời khuyên tâm linh; nhiều trong số chúng biến mất vào tay của những cá nhân mà chúng vốn được viết cho.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài, được soạn trong một hang động phía trên Tu viện Dzogchen, là Lời Vàng Của Thầy Tôi. Được biên soạn bằng sự hòa quyện của tiếng Tạng kinh điển và tiếng Tạng thông tục đẹp đẽ, đây là một trong những giáo lý chỉ dẫn được đọc rộng rãi nhất về các thực hành sơ khởi của trường phái Nyingma. Được kính trọng bởi cả bốn trường phái của Phật giáo Tây Tạng, tác phẩm đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ.
Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi có thể thu thập, trong hơn ba mươi năm, một lượng lớn những câu chuyện truyền miệng về Patrul Rinpoche, điều được kể lại với tình yêu thương và sự nhiệt thành lớn lao bởi các vị kế thừa tâm linh trong truyền thừa Ngài, một vài trong số đó thực sự đã gặp những đệ tử trực tiếp của Patrul Rinpoche. Trong nền văn hóa mà sự truyền miệng vẫn đóng vai trò quan trọng, người Tây Tạng nổi tiếng về khả năng ghi nhớ và kể lại những câu chuyện một cách chi tiết. Khi nghe chúng, người ta thường có cảm giác chứng kiến các sự kiện như chúng xảy ra. Chúng cung cấp cái nhìn thoáng qua sống động về cách thức của một bậc chứng ngộ cao khi Ngài tương tác với mọi người, truyền tải giáo lý Phật cả chính thức và không chính thức, và sống cuộc sống thường nhật, điều vừa gây kinh ngạc và mà cũng thật bình thường, thường khá hài hước và là minh họa hoàn hảo về sự tự do nội tại.
Ngài Patrul Và Góa Phụ
Trong lúc Patrul Rinpoche đang đi bộ qua cao nguyên Golok bao la, phía Bắc của Dzachukha, Ngài gặp một phụ nữ, mẹ của ba đứa con; chồng bà ấy vừa bị giết bởi Changthang Dremong, gấu lớn của thảo nguyên Tây Tạng, một con thú nguy hiểm hơn nhiều so với Dremong trong rừng. Patrul Rinpoche hỏi người phụ nữ rằng bà ấy đang đi đâu và bà ấy nói rằng bà đang hướng về Dzachukha với ba đứa con để xin ăn, bởi việc người chồng qua đời đã để lại họ trong cảnh cơ cực.
Sau đó, bà ấy bắt đầu khóc.
Patrul Rinpoche nói, “Ka-ho! Đừng lo lắng. Tôi sẽ giúp bà. Tôi cũng sẽ đến Dzachukha. Hãy đi cùng nhau”.
Bà ấy đồng ý và như thế, họ đã đi bộ cùng nhau trong nhiều ngày. Ban đêm, họ ngủ bên ngoài, dưới bầu trời. Patrul Rinpoche thường ôm một hay hai đứa bé vào trong áo choàng da cừu của Ngài và người phụ nữ tương tự sẽ giữ đứa còn lại. Ban ngày, Patrul Rinpoche cõng một đứa trên lưng, người phụ nữ cõng đứa thứ hai và đứa còn lại thường đi bộ đằng sau.
Khi người phụ nữ đi xin ăn trong làng và các trại du mục mà họ đi qua, Patrul Rinpoche thường đi xin ăn cùng, hỏi xin Tsampa, bơ và pho-mát. Những người du hành mà họ gặp cho rằng họ là một gia đình ăn xin. Không ai – ít nhất là người phụ nữ mới góa chồng – đoán được danh tính vị đồng hành xoàng xĩnh của bà ấy.
Cuối cùng, họ đến được Dzachukha. Hôm ấy, người phụ nữ đi xin đồ ăn và Ngài Patrul cũng làm vậy. Buổi tối, khi họ trở về, người góa phụ nhận ra rằng khuôn mặt Patrul Rinpoche trông thật buồn rầu.
Người phụ nữ hỏi, “Có chuyện gì vậy? Ông có vẻ bực mình”.
Ngài Patrul gạt đi, bảo rằng, “Chẳng có chuyện gì. Tôi có một nhiệm vụ phải hoàn thành, nhưng mọi người ở đây sẽ không để tôi hoàn thành. Họ chỉ đang nhặng xị lên chẳng vì điều gì”.
Ngạc nhiên, người phụ nữ hỏi, “Ông thì có thể có việc gì ở quanh đây cơ chứ?”.
Patrul Rinpoche đáp, “Đừng bận tâm, hãy cứ đi thôi!”.
Họ đến một Tu viện ở bên một ngọn đồi, nơi Ngài Patrul dừng lại.
Ngài hướng về người góa phụ và nói, “Tôi phải vào trong. Bà cũng có thể, nhưng không phải bây giờ. Hãy đến sau vài ngày”.
Người phụ nữ nói, “Không, xin đừng tách rời; hãy vào cùng nhau. Cho đến giờ, ông vẫn luôn tử tế với tôi. Chúng ta có thể kết hôn. Nếu không, ít nhất hãy để tôi ở bên. Tôi được lợi lạc từ lòng từ của ông”.
“Không, không phải vậy”, Ngài Patrul kiên quyết đáp lại. “Cho đến nay, tôi đã làm hết sức để giúp bà, nhưng mọi người ở đây là những kẻ gây rắc rối. Chúng ta không thể vào cùng nhau. Hãy quay lại sau vài ngày; bà sẽ thấy tôi ở bên trong”.
Như thế, Ngài Patrul đi lên đồi để đến Tu viện, trong khi người góa phụ và những đứa con ở lại chân đồi, đi xin ăn.
Ngay khi Ngài vào trong Tu viện, trái với thói quen từ chối đồ cúng dường, Ngài Patrul yêu cầu rằng bất kỳ nhu yếu phẩm nào được cúng dường cho Ngài cần được giữ lại và để sang một bên cho một vị khách rất đặc biệt mà Ngài đang chờ, người sẽ cần các nhu yếu phẩm này.
Hôm sau, mọi người trong thung lũng nghe tin về sự trở lại của vị đạo sư vĩ đại.
Họ nói, “Patrul Rinpoche đến rồi! Ngài sẽ ban giáo lý về Nhập Bồ Tát Hạnh!”.
Nam và nữ, già và trẻ, Tăng và Ni, hành giả cư sĩ nam và nữ, mọi người hối hả để được nghe Patrul Rinpoche vĩ đại. Người ta bắt đầu tập hợp thành một đám đông lớn, mang theo ngựa và Yak để chở lều và nhu yếu phẩm.
Khi người góa phụ nghe tin, bà ấy quá đỗi vui mừng, nghĩ rằng, “Một đạo sư vĩ đại đã đến! Đây sẽ là cơ hội dâng cúng dường và thỉnh cầu những lời cầu nguyện vì người chống quá cố của tôi!”.
Cùng với mọi người, bà ấy leo lên Tu viện, mang theo ba đứa con mồ côi cha.
Người góa phụ nghèo và gia đình phải ngồi ở rìa phía xa của đám đông để nghe Patrul Rinpoche giảng. Bà ấy ngồi quá xa nên chẳng thể thấy rõ Ngài. Lúc kết thúc, như mọi người, bà ấy đứng trong hàng dài, chờ được thọ nhận sự gia trì của đạo sư vĩ đại.
Cuối cùng, bà ấy tiến dần lên trong hàng dài cho đến khi đến đủ gần để thấy được đạo sư vĩ đại, Patrul Rinpoche, chính là người bạn cùng du hành xoàng xỉnh, tử tế, chân thành của bà.
Xúc động bởi lòng sùng mộ và sự kinh ngạc, bà ấy đến gần Ngài Patrul, thưa rằng, “Xin tha thứ vì con không biết Ngài là ai! Ngài giống như Đức Phật thực sự! Xin tha thứ vì khiến Ngài phải cõng con của con! Xin tha thứ vì yêu cầu Ngài cưới con! Xin hãy tha thứ về mọi chuyện!”.
Ngài Patrul nhẹ nhàng gạt đi lời xin lỗi của bà ấy, nói rằng, “Đừng nghĩ vậy nữa!”.
Hướng về các thị giả của Tu viện, Ngài bảo họ, “Đây là vị khách rất đặc biệt mà Ta vẫn chờ! Hãy đưa tất cả bơ, pho-mát và nhu yếu phẩm mà chúng ta đã để riêng cho bà ấy!”.
Ngài Patrul Buồn Bã & Biến Mất
Đức Jamyang Khyentse Wangpo[1] có những khác biệt lạ thường trong quan điểm về Ngài Patrul – thậm chí gọi Ngài là “kẻ mất trí ấy” vào một dịp. Tuy nhiên, Đức Jamyang Khyentse Wangpo vô cùng ngưỡng mộ Ngài Patrul.
Như một cách bày tỏ lòng kính trọng, Ngài soạn một lời cầu nguyện sùng mộ dài tán thán Patrul Rinpoche, kể lại câu chuyện cuộc đời vị này. Lời cầu nguyện dài này đóng vai trò là nền tảng cho Cam Lồ Niềm Tin, bản tiểu sử sau này do Khenpo Kunpal[2] soạn.
Đức Jamyang Khyentse Wangpo gửi trước tác của Ngài trong một bức thư đến Patrul Rinpoche cùng với chút Mendrup, một chất ăn được đặc biệt làm từ thảo dược trộn với nhiều xá lợi và thánh hóa trong nghi lễ một tuần.
Patrul Rinpoche đang ban giáo lý khi Ngài nhận được thư của Đức Khyentse. Thính chúng chứng kiến Ngài dùng chút Mendrup và đọc bức thư. Sau khi đọc, Patrul Rinpoche lập tức trở nên buồn bã và hét to, “Vị Jamyang Khyentse Wangpo ấy là một đạo sư thật đáng sợ!”. Patrul Rinpoche bỗng nhiên ngừng thuyết giảng, điều hoàn toàn không giống Ngài. Ngài biến mất trong nhiều ngày. Khi Ngài cuối cùng trở về và sắp tiếp tục giảng dạy, mọi người biết được điều trong bức thư đã làm Patrul Rinpoche buồn – đấy là những lời tán thán của Đức Khyentse dành cho Patrul Rinpoche.
Khi Mendrup của Đức Khyentse được phát cho tất cả những vị có mặt, Patrul Rinpoche tán thán vô lượng phẩm tính tốt lành của Đức Jamyang Khyentse Wangpo. Sau đó, Patrul Rinpoche chỉ ra rằng sự tán thán và danh tiếng gây ra các chướng ngại thực sự cho những vị giảng dạy Giáo Pháp. Ngài giải thích rằng, sau khi đọc những đoạn kệ của Đức Jamyang Khyentse Wangpo tán thán Ngài, Ngài cần thời gian để quán chiếu và đảm bảo rằng sự tán thán hào phóng như vậy không ảnh hưởng đến tâm trí Ngài.
Một trong những đoạn kệ từ bài thơ tán thán này được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay:
Bên ngoài, Ngài là con chư Chiến Thắng – Đấng Tịch Thiên,
Bên trong, Shavaripa, chúa tể chư thành tựu,
Bí mật, đích thực Thánh Thù Thắng Tự Giải Thoát Khổ:
Jigme Chokyi Wangpo, con cầu nguyện đến Ngài!
Ngài Patrul Và Geshe Uyên Bác
Lần nọ, một Geshe uyên bác, học giả lỗi lạc từ truyền thống Geluk, quyết định tranh luận với học giả nổi tiếng Mipham Rinpoche[3]. Ngài Mipham khi ấy đang ở Dzachukha tại Tu viện Juniong; vì thế, vị Geshe khởi hành về phía đó. Dọc đường, ông ấy chợt nghĩ rằng ông ấy cần kiểm tra các kỹ năng tranh luận của mình trước bằng cách tranh luận và đánh bại một vài học giả Nyingma nhỏ hơn.
Một đêm, khi dừng lại, ông ấy hỏi dân chúng trong vùng rằng họ có biết bất kỳ môn đồ Nyingma nào gần đó, người biết đủ triết học để có thể tranh luận. Một người nói, “Ồ, trong một túp lều trong rừng có Patrul. Ông ấy biết đôi chút về các cuốn sách”.
Vị Geshe thất vọng khi không tìm được học giả nổi tiếng nào để tập luyện. Tuy nhiên, ông ấy đi vào rừng và leo lên ẩn thất của Ngài Patrul. Vị giúp đỡ nhập thất của Ngài Patrul đã cảnh báo cho Ngài về ý định viếng thăm và thực hành tranh luận của vị Geshe.
Ngay khi người giúp đỡ thưa rằng Geshe đã đến, Ngài Patrul nhặt chiếc áo khoác da cừu đã mòn sờn, lộn từ trong ra ngoài và mặc vào để tất cả lông đều ở bên ngoài. Ngài nằm trên giường, hướng đầu về phía cuối giường và chân ở đầu giường đặt trên gối.
Vị Geshe gõ cửa, nhưng Ngài Patrul không đáp. Sau khi gõ nhiều lần, vị Geshe từ từ mở cửa. Ông ấy thấy Ngài Patrul đang nằm trên giường, chân để trên gối và đầu ở cuối giường, mặc áo da cừu với lông lộn ra ngoài.
Vị Geshe nói, “Sao ông lại nằm như thế? Ông không biết đầu giường với cuối giường à?”.
“Lama thân mến, ông cũng chẳng giỏi về lô-gic lắm,” Ngài Patrul nhanh trí đáp. “Đầu tôi ở đâu thì đấy là đầu giường tôi. Cuối giường là chỗ tôi để chân”.
Bối rối, vị Geshe nhận xét, “Thật kỳ quặc khi ông mặc áo da cừu trong ra ngoài, với lông ở bên ngoài mà không phải ở trong”.
Ngài Patrul nhún vai và chỉ ra, “Tôi đang mặc lông ở bên ngoài và da ở mặt trong – giống như con cừu vậy!”.
Sau khởi đầu đầy kích thích này, vị Geshe hỏi Ngài Patrul về các tri kiến Nyingma. Ngài Patrul đáp lại với sự tự tại đáng kinh ngạc và kiến thức rộng lớn.
Khi ông ấy rời đi và đi bộ quay về từ ẩn thất của Ngài Patrul, vị Geshe tự nhủ, “Người ta bảo vị Patrul này biết ‘một chút về các cuốn sách’, nhưng nếu ta còn chẳng thể tranh luận và đánh bại ông ấy thì làm sao ta có thể tranh luận và đánh bại Mipham vĩ đại? Ta sẽ chỉ rước nhục!”.
Vì thế, vị Geshe từ bỏ và về nhà.
Khu Trại Của Ngài Patrul
Ban đầu, chỉ có một lều, lều lông Yak đen nhỏ của Ngài Patrul.
Theo thời gian, người ta đến và tự dựng lều của họ. Dần dần, khu lều trại lớn dần, từ chỉ rất ít đến rất nhiều. Lúc đỉnh điểm, có hàng trăm lều lông Yak đen và lều cốt-tông trắng tụ tập lại theo phong cách du mục, che chở cho hàng nghìn hành giả Giáo Pháp sùng mộ, những vị đến nghe Ngài Patrul giảng. Khu trại của những hành giả này được biết đến là Patrul Gar.
Ngài Patrul dạy mọi người sống ở đó điều mà Ngài gọi là Ba Cơ Hội, một thực hành để thanh lọc ý định.
Cơ hội đầu tiên xảy ra khi thức dậy; đừng vội tỉnh giấc như cách của bò hay cừu trong bãi rào kín, mà hãy dành một khoảnh khắc trong lúc vẫn còn trên giường để thư thái tâm. Hãy nhìn vào trong và kiểm tra ý định của bản thân.
Cơ hội thứ hai tại Patrul Gar xảy ra trên đường đến các buổi giảng Pháp. Người ta phải chen qua một đoạn đường hẹp để đi qua một bảo tháp trên đường đến lều thuyết giảng. Khoảnh khắc chen qua cần được dùng làm lời nhắc nhở trưởng dưỡng Bồ đề tâm và mong ước làm lợi lạc chúng sinh khác bằng cách tránh ác hạnh và làm thiện hạnh.
Cơ hội thứ ba xảy ra trong lúc giảng dạy, một dịp khác để biết về mục tiêu và thiết lập ý định:
Mỗi khoảnh khắc, hãy đưa trái tim vào đó một lần nữa.
Mỗi khoảnh khắc, hãy nhắc nhở bản thân một lần nữa.
Mỗi giây, hãy kiểm tra bản thân một lần nữa.
Đêm và ngày, hãy quyết tâm lần nữa.
Buổi sáng, hãy cam kết lần nữa.
Mỗi thời thiền, hãy kiểm tra tâm kỹ lưỡng.
Đừng bao giờ rời xa Giáo Pháp, dù chỉ vô tình.
Liên tục, đừng quên.
Khi người ở Patrul Gar không nắm được điểm chính yếu, Ngài Patrul thực sự sẽ đuổi họ đi.
Ngài thường nói, “Các con đang lừa ta và ta đang lừa các con; thật vô nghĩa! Hãy đi đi, đi đi, hãy làm điều gì đó hữu ích với cuộc đời con! Hãy đi đi, kết hôn, kinh doanh, sinh con! Mục đích của việc không phải là một hành giả và không là người thế gian là gì chứ? Hãy cứ là người thế tục đi, chỉ là hãy nhớ có trái tim tốt lành!”.
Những Ngày Cuối Đời
Ngài Patrul bắt đầu trải qua những vấn đề về sức khỏe. Từ ngày Mười ba tháng Tư Âm lịch năm Hỏa Hợi đực (1887), Ngài cảm thấy không khỏe. Với bất cứ điều gì mà người ta hỏi Ngài, Ngài trả lời, theo cách khá lạ thường, “Hãy làm điều con muốn. Con biết rõ hơn”.
Thầy thuốc của Ngài, Jampel, vị cũng là thủ lĩnh của Ling La (một cộng đồng du mục), được mời đến. Các nghi lễ trường thọ được cử hành vì Ngài Patrul.
Khi chữa trị cho Patrul Rinpoche, Jampel hỏi Ngài, “Abu, từ điều Ngài nói trong nhiều dịp, con rút ra rằng chúng ta cần cầu nguyện tái sinh Tây Phương Tịnh Độ Cực Lạc của Phật A Di Đà. Đúng vậy không ạ?”.
Ngài Patrul ngưng lại một chút, rồi đáp rằng, “Ồ, với các con, Tây Phương. Với Ta, Đông Phương” – có lẽ liên quan đến Đông Phương Tịnh Độ Hiện Hỷ của Kim Cương Tát Đỏa.
Sau đó, Patrul Rinpoche hỏi thị giả của Ngài, Sonam Tsering, “Ai đã yêu cầu Cúng Dường Chư A La Hán được tụng tối qua?”.
Sonam Tsering đáp rằng các đệ tử đã tự quyết định làm vậy. Ngài Patrul nói, “Khi con cử hành nghi lễ đó, Ta cảm thấy buồn ngủ một chút. Khi đến đoạn về A La Hán Yanlagjung, Ta tỉnh dậy và nghe một giọng nói, ‘Con sẽ làm lợi lạc chúng sinh ở phía Đông!’ Làm sao mà ai đó như Ta có thể thực sự làm lợi lạc chúng sinh?”.
Sonam Tsering đã không hỏi điều mà Ngài ám chỉ.
Theo thị giả của Ngài, vào ngày Mười bảy tháng Tư Âm lịch năm Hỏa Hợi đực (1887), Ngài Patrul dùng chút đồ ăn, tụng Mật Điển Sám Hối Vô Cấu và lạy vài lạy. Ngài tiến hành các bài tập du già năm phần. Ngài cũng tiến hành bài tập để tăng dòng chảy tự do của khí trí tuệ qua các kinh mạch tại luân xa tim.
Vào ngày Mười tám, lúc sáng sớm, Ngài ăn chút sữa đông và uống chút trà. Lúc bình minh, Ngài cởi y phục, ngồi thẳng trong thế thiền định, bắt chéo chân trong tư thế kim cương và để hai tay trên đầu gối.
Khi Khenpo Kunpal mặc lại y phục cho Ngài, Patrul Rinpoche chẳng nói gì.
Ngoài thị giả Sonam Tsering, ba người ở bên Patrul Rinpoche đêm đó: Khenpo Kunpal, một người tên Kungyam và thầy thuốc của Ngài, Jampel.
Vào một thời điểm, Sonam Tsering kể lại, Ngài Patrul nhìn thẳng vào hư không và búng tay bằng cả hai tay. Ngài để tay trên y áo trong ấn bình thản. Sau đó, Patrul Rinpoche nhập vào hư không vô tận, chói ngời vượt sinh và tử, thanh tịnh nguyên sơ.
Người ta thường nói:
Một Yogi hoàn toàn chứng ngộ có thể trông giống người bình phàm, nhưng tâm Ngài trụ trong giác tính thanh tịnh không nỗ lực… khi Ngài xả bỏ thân vật lý, thần thức Ngài hòa làm một với Pháp thân, giống như không khí trong bình hòa vào không gian xung quanh khi chiếc bình bị vỡ.
Matthieu Ricard
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Patrul Rinpoche Là Ai?