Nuôi dưỡng con cái bằng Bồ Đề tâm |

Nuôi dưỡng con cái bằng Bồ Đề tâm

Bồ Đề Tâm Thực hành

Trọng trách nuôi dưỡng, hướng dẫn và chăm lo cho con trẻ của các bậc làm cha làm mẹ là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ là Phật tử còn có một trọng trách đặc biệt hơn nữa, đảm bảo rằng con trẻ không chỉ được nhận một nền giáo dục thế tục tốt đẹp, mà còn cần được giáo dục để trở thành những con người có trái tim thiện lành. Lama Zopa Rinpoche đã có những lời khuyên hữu ích và nhấn mạnh tới trách nhiệm của các bậc cha mẹ là Phật tử phải giáo dục con cái mình những phẩm chất và hành vi thiện lành khi chúng vẫn còn nhỏ. Cha mẹ cũng nên là tấm gương tốt và thực hành các đức hạnh mà ngài phác họa là cần thiết để đạt được cả hạnh phúc hiện tại và dài lâu.

Theo quan điểm của Phật giáo, các bậc cha mẹ và tất cả tất cả chúng sinh, vô lượng chúng sinh, từ loài quỷ đói, động vật, loài người, bán thiên, thiên và các chúng sinh đang trong trạng thái trung gian, tất cả đều thuộc một đại gia đình. Điều này là bởi vì mọi loài trong đó đã từng là mẹ của chúng ta không chỉ trong một đời mà vô lượng đời từ vô thủy tới nay.

Tất cả chúng sinh đều đã vô số lần mang lại cho chúng ta một thân, không chỉ là một thân người mà còn rất nhiều thân của nhiều loài khác nhau. Mỗi lần chúng ta được sinh ra từ bào thai hay từ quả trứng, cha mẹ đã mang lại cho chúng ta một thân. Chỉ cần suy xét vô số lần được sinh ra làm thân người, tất cả mọi chúng sinh đã sinh ra chúng ta vô số lần. Khi là người mẹ của chúng ta trong hình tướng loài người, họ đã rất từ ái với chúng ta: bảo vệ cuộc đời của chúng ta khỏi những hiểm nguy trong đời sống thường nhật; dạy dỗ chúng ta nghề nghiệp, tri thức của thế giới; phải trải quả những cực nhọc với mong muốn cho chúng ta được hạnh phúc; và tạo ra một số lượng lớn những nghiệp bất thiện chỉ với mong muốn chúng ta được hạnh phúc. Tất cả chúng sinh, tất cả mọi chúng sinh ở địa ngục, ma đói, tất cả động vật, con người, các loài thiên và bán thiên, đều đã từng làm điều này cho chúng ta. Tương tự, khi mỗi người phải sinh ra trong thân một loài động vật, người mẹ của họ đã rất từ ái, ví như loài chim, ngày qua ngày, chim mẹ đã đi tìm thức ăn, giết hại nhiều côn trùng và các loài sâu để cho con ăn. Thực sự không thể tin được những người mẹ này đã từng bảo vệ con của mình như thế nào, trải qua nhiều vất vả và phải tạo ra nhiều ác nghiệp vì hạnh phúc của con mình. Chúng ta có thể bắt đầu tưởng tượng ra được lòng tốt của vô lượng chúng sinh trên thế giới này không?

Nhưng thật không may, hầu hết tất cả mỗi hành động của các bậc cha mẹ đều dễ dàng trở thành bất thiện bởi vì được thực hiện bởi tâm bám chấp và luyến ái. Để tránh xảy ra điều này, cách tốt nhất khi nuôi dạy con cái mình là hãy nhớ nghĩ về chúng đơn giản là một chúng sinh hơn là quan niệm: “đây là đứa con duy nhất của tôi, là đối tượng duy nhất tôi cần chăm sóc, giáo dưỡng.”

Ví như, khi chúng ta phát khởi tâm Bồ đề vì lợi ích của tất cả chúng sinh ở phần đầu của mỗi nghi thức thực hành, như khi tụng đọc một lời cầu nguyện, thực hành một thời khóa nhập thất hay thậm chí chỉ là trì tụng một câu chân ngôn, chúng ta làm với mục đích vì lợi ích của tất cả chúng sinh, vô lượng chúng sinh ở địa ngục, quỷ đói, động vật, loài người, bán thiên và thiên và các chúng sinh đang ở trạng thái trung gian. Bởi vì con trẻ của chúng ta cũng đều là chúng sinh, chúng ta từng nhận tất thảy những hạnh phúc trong suốt vô số đời từ chính con trẻ của mình. Chúng ta cũng nhận được hạnh phúc hiện thời và những hạnh phúc của các đời tương lai từ chúng. Thêm nữa, chúng ta nhận được sự giải thoát khỏi luân hồi từ chúng và cũng sẽ nhận được sự chứng ngộ trên toàn bộ con đường tiến tới giác ngộ từ chúng. Nhận ra và thấu hiểu được điều này, các bậc cha mẹ sẽ thấy rằng con cái của mình là những người đáng trân quý và thân thương nhất trong cuộc đời của mình.

Khi bắt đầu một pháp thực hành với động cơ Bồ đề tâm, tư tưởng đạt tới giác ngộ vì lợi ích của tất thảy chúng sinh, hãy nhớ nghĩ rằng con trẻ của mình là một trong những chúng sinh và thực hành với sự tỉnh thức về tư tưởng này. Tương tự, khi kết thúc nghi thức thực hành với sự hồi hướng giác ngộ vì lợi ích của tất thảy chúng sinh, hãy nhớ nghĩ rằng con trẻ của mình là một trong số các hữu tình này.

Tất nhiên, tất cả các chúng sinh khác đều hoàn toàn giống như con trẻ của chúng ta, họ rất đáng trân quý và từ ái, nhưng bởi vì chúng ta, với tư cách là cha mẹ, có sự kết nối nghiệp đặc biệt với con cái mình và chịu trách nhiệm cho các chúng sinh cụ thể đó, cho nên các bậc cha mẹ có sự chăm sóc đặc biệt tới chúng.

Với việc nhớ nghĩ theo cách thức này, quý vị sẽ có một thái độ hoàn toàn khác tới con trẻ; sẽ không có một tư tưởng tiêu cực dù là nhỏ bé nhất bị chi phối bởi tám động cơ thế tục, mà thay vào đó quý vị sẽ chăm sóc chúng với động cơ tích cực mong muốn mang lại niềm an vui cho một chúng hữu tình cụ thể.

Mặt khác, nếu các bậc cha mẹ chịu ảnh hưởng của tám động cơ thế tục, khi con trẻ làm điều gì hài lòng họ, một điều gì họ ưa thích, họ sẽ rất hạnh phúc chăm sóc chúng. Tuy nhiên, khi chúng làm điều gì khác với ý thích của họ, một điều gì làm họ thất vọng hay sân giận, họ sẽ hoàn toàn phiền não với chúng. Điều này làm thay đổi thái độ của họ với chúng bởi vì họ bám chấp vào hạnh phúc của bản thân và muốn tránh rắc rối, khổ đau. Với Bồ đề tâm, các bậc cha mẹ sẽ thấy con trẻ của mình là người đáng trân quý nhất và thân thương nhất trong cuộc đời. Nếu giữ thái độ này, các bậc cha mẹ sẽ chăm sóc chúng với một tâm thức tích cực, lành mạnh hơn là một tâm thức đầy xúc cảm, tiêu cực và một sự đớn đau của bám chấp, luyến ái.

Là bậc cha mẹ, quý vị có thể tự mang lại bình an cho mình với tư tưởng: “Thật là tuyệt vời, cuộc đời của tôi có thể lợi lạc cho một chúng sinh này. Thật là tuyệt vời, tôi có thể chăm sóc cho một chúng sinh này. Thật là tuyệt vời tôi có thể hữu ích khi chăm sóc và mang lại hạnh phúc cho chúng sinh này.”

Đặc biệt khi cha mẹ gặp phải khó khăn khi con trẻ không chịu lắng nghe, khi cha mẹ không thể kiểm soát được chúng nữa và khi cha mẹ cảm thấy thất vọng đối với chúng, sẽ là tuyệt vời nếu biết hoan hỷ theo cách này. Với một mong muốn chân thành muốn giúp đỡ con trẻ, cha mẹ không phải phiền rầu và mệt mỏi với mong muốn từ bỏ chúng. Được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm, cha mẹ sẽ có thể hoan hỷ khi có cơ hội được giúp đỡ chúng.

Tương tự như vậy, khi phải đảm nhận trọng trách chăm sóc con cái của người khác hay chăm sóc người già, các bậc cha mẹ vẫn có thể giữ dòng tâm này, “đây là người đáng trân quý và tốt đẹp nhất” mà tôi đang chăm sóc. Với động cơ Bồ đề tâm, tất cả mọi khó khăn họ trải qua và tất cả những phụng sự mà họ hướng tới cho người khác sẽ tịnh hóa những nghiệp xấu đã tích lũy thông qua vô số đời trong quá khứ. Bổn phận của họ sẽ trở thành một phương tiện để tích lũy công đức to lớn và một cơ hội để thực hành tất cả sáu Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, kiên nhẫn, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.

Ví như để thực hành trí tuệ, họ có thể suy nghĩ rằng bản thân mình, người đang chăm sóc, giáo dưỡng kẻ khác và đối tượng mà mình đang chăm sóc thực sự không tồn tại một cách cố hữu và thuần túy chỉ là sự định danh của dòng tâm thức. Được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm, tất cả những gì các bậc cha mẹ làm để chăm sóc, giáo dưỡng mọi người đều trở thành nhân tiến tới giải thoát, giác ngộ.

Trong các kinh văn Phật giáo đã được nhắc rằng, thậm chí đức Phật Di Lặc phát tâm từ bi và Bồ đề tâm sớm hơn đức Phật Thích Ca, nhưng đức Phật Thích Ca đã thành tựu giác ngộ trước bởi vì tâm từ bi của ngài mạnh mẽ hơn. Tâm từ bi của ngài mạnh mẽ hơn giúp ngài tích lũy được công đức rộng lớn và tịnh hóa được những nghiệp bất thiện to lớn đã tích lũy trong quá khứ. Lấy ví dụ như, trong một đời quá khứ, hai anh em hoàng tử là tiền thân của hai ngài đã gặp một gia đình của năm chú hổ đói, ngài Di Lặc đã không cúng dường thân mình cho chúng trong khi đức Phật Thích Ca lại cúng dường cả thân mình cho các chú hổ.

Nếu cha mẹ có thể khởi phát tâm từ bi mạnh mẽ với con trẻ của mình, và thay cho việc bị luyến ái vào chúng, họ sử dụng chúng để thực hành Pháp, con trẻ của họ sẽ mang lại cho họ công đức to lớn.

Cũng như vậy, nếu được thúc đẩy bởi động cơ Bồ đề tâm, khi các bậc cha mẹ có thể làm các công việc như chăm sóc con cái của người khác hay chăm sóc người già, họ sẽ nhận được công đức to lớn từ những người đó. Thậm chí nếu họ chỉ cần trông nom một con vẹt với động cơ này, họ cũng sẽ nhận được công đức to lớn từ chúng sinh đó. Khi ấy hãy phụng sư họ với việc nỗ lực giúp họ vượt thoát khổ đau và mang tới cho họ hạnh phúc. Đây là thái độ của một vị Bồ tát hướng tới tất thảy chúng hữu tình.

Đức Kyabje Lama Zopa Rinpoche

Trích dịch: La Sơn Phúc Cường

Nguồn: Joyful Parents, Successful Children, Lama Zopa Rinpoche, Amitabha Buddhist Center

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung