Tìm hiểu Tính Không
Tại sao thực hành phương pháp nội qui y của mật tông quá khó? Tại vì nó được hoàn thành bởi tâm, ở trong tâm. Để bắt đầu công việc này, qui y phải được thực hiện bằng tất cả trái tim, trọn vẹn cả tâm hồn. Qui ykhông phải là lặp đi lặp lại một vài câu nói trong khi tâm không có một chút rung động nào. Có nhiều người qui y vì tập tục, xã giao. Miệng thì tụng: “ Namo Thầy, namo Phật, namo Pháp, namo Tăng ” mà không hiểu một chút ý nghĩa gì và tâm không một chút rung cảm nào. Một số người khác thì lặp đi lặp lại theo những người chung quanh như một con vẹt. Đó không phải là qui y, nó giống như dùng một bữa ăn sáng, như đi nhà thờ theo thói quen hoặc vì bắt buộc, mà không có một chút thay đổi gì, không có một chút cảm nhận nào, là chúng ta đang đặt chân lên con đường giải thoát.
Như tôi đã nhấn mạnh ở trên, khi chúng ta dùng phương pháp nội qui y thì tâm của ta trở nên làm một với Phật tính, làm một với Đại lạc, làm một với Trí tuệ và chúng ta chuyển tất cả vào cảnh giới thánh thiện thanh tịnh của Heruka. Đừng kiếm tìm những đối tượng nào khác ở bên ngoài để qui y! Tôi biết rằng qúy vị đang nghĩ nó ở đâu đó trước mặt qúy vị. Tâm nhị nguyên của chúng ta nghĩ, “Tôi đang qui y.” Chúng ta đang ngồi đây, nhưng làm một vài việc ở ngoài kia. Tâm nhị nguyên của chúng ta phân biệt chủ thể và đối tượng (nhị nguyên: tôi/qui y, chúng ta/đây….–Dg). Ngay khi chúng ta nghĩ chúng ta đang làm một việc gì thì lập tức, một cách rất tự nhiên, chúng ta nghĩ đến một hành động ở bên ngoài. Điều này xẩy ra bởi vì chúng ta đã có quá nhiều dấu vết nhị nguyên, dấu vết hay phân tích và so sánh trong tâm khảm của chúng ta (đây chính là những tiền ý niệm đã có sẵn ở trong đầu chúng ta, đã huân tập do tập quán, thói quen, kinh nghiệm… từ muôn vàn kiếp trước –Dg).
Vì thế, khi áp dụng phương pháp nội qui y thì chính tâm ta trở nên niềm an lạc cho chính tâm ta. Khi ta phát khởi lòng tin mãnh liệt vào chân tính thì ngay lập tức nó biến chuyển và xuất hiện trong ta như là Heruka. Ta hoàn toàn cảm nhận ta và Heruka là một. Trong tinh thần đó ta qui y. Phương pháp này cực kỳ hữu hiệu và ơn ích. Có thể rất khó hiểu nhưng chúng ta nên làm thử.
Để hiểu phương pháp qui y này, bắt buộc chúng ta phải hiểu Tính Không. Nếu không, công việc chuyển hóacủa tâm ta vào đại lạc, vào sự vĩnh cửu của trí tuệ sẽ khô cằn như một ý niệm bình thường, thay vì đó chính là sự sung mãn của một kinh nghiệm nội tại. Nếu ta đã hiểu rõ ràng về tâm bản nhiên, nếu tâm ta đã từng có những kinh nghiệm về tính không thì đó là mối liên hệ thật dễ dàng cho tâm ta trở nên làm một với trí tuệ, để chuyển hóa và hòa nhập ta là một với Heruka. Với phương pháp này tâm ta hòa nhập trong nguồn năng lượng đại lạc của Heruka thay vì những ganh ghét, những tham lam và những bám víu thông thường.
Nếu thực sự tâm ta đã hòa nhập trong niềm an lạc đó thì ta không cần phải cầu nguyện, không cần phải tụng những câu: “ Namo Phật… vân vân…” Lời nói không qui y! Những kẻ yếu hèn thường cần ngôn từđể truyền thông nhưng ngôn từ chỉ có ý nghĩa, giá trị của ngôn từ. Nếu ta đã thực sự kết hợp với nguồn đại lạc thì ta đâu cần qui y bằng những lời thốt ra từ môi miệng. Như vậy, dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ gì, trong bất cứ thời điểm nào, ta vẫn có thể qui y trong từng giây từng phút, vì ta đã là một với những sự việc này rồi. Chúng ta biết rằng sự vĩnh cửu, niềm an lạc của trí tuệ thì vô cùng sâu thẳm và trong sáng. Qui y không phải là ngồi bắt chéo chân như trong lúc thiền định. Sự thành tựu của con đường này là một sự tiềm ẩn tự nhiên không tùy thuộc vào những hành vi bên ngoài. Như vậy qua phương pháp tu tập thanh tẩy này chúng ta có thể đạt giác ngộ một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Sự đạt ngộ tính không có một giá trị hạnh phúc vĩnh cửu thường hằng. Ngược lại, niềm vui của thế gian thì ngắn ngủi và thường để lại đớn đau khi nó biến mất. Nếu chúng ta không bám víu vào những thú vui vật chất thì chúng ta sẽ không đau khổ khi nó ra đi.
Nếu chúng ta không hiểu thấu đáo tính không bằng những thực chứng thì ít ra chúng ta cũng phải có một ý niệm rõ ràng về nó, để chúng ta có thể vượt qua được những ý niệm sai lầm trên con đường chúng ta đi, đó là những vết hằn đã in sâu trong tâm khảm chúng ta. Thông thường, những ý niệm mà chúng ta đã có về chúng ta thì rất tự nhiên. Tôi nghĩ, “Tôi là Thubten Yeshe” nên trong tâm tôi đã có một hình ảnh rõ rệt nào đó về cái đầu, tay chân cùng những giác quan của tôi. Cho tới khi nào chúng ta còn nhìn chúng ta theo kiểu này thì chúng ta không thể nào hòa hợp tâm thức của chúng ta với sự bất diệt, với niềm an lạc. Khi có sự hiểu biết về tính không thì chính sự hiểu biết này sẽ là nguyên nhân để phá vỡ những hành động xấu xẩy ra hàng ngày, đây là luật liên đới của dòng tư tưởng, nó làm việc một cách tự nhiên, tự động trong tâm của chúng ta.
Nếu chúng ta có một trí thông minh bén nhậy, thì không khó lắm để hiểu tính không. Chúng ta không cần phải học những bài triết phức tạp, cũng không cần phải nghiên cứu những bài tập của các vị Lạt ma. Dĩ nhiên, chúng ta có thể học trong sách hoặc qua một vị thầy, nhưng nếu chúng ta có khả năng, chúng ta có thể học qua phương pháp vô cùng đơn giản này: đừng tin những gì do ngũ quan đem lại. Không cần phải nghiên cứu sâu xa hơn cũng không cần phải khôn ngoan hơn nữa để biết rằng cái gì đã ngăn che không cho chúng ta nhìn ra được tính không. Hãy nhận xét đơn giản rằng tất cả những gì chúng ta cảm nhận được hàng ngày trong cuộc sống qua thế giới cảm giác thì hoàn toàn sai lầm. Đó là những nhận thức sai lầm của cái tôi. Ngay khi chúng ta phát giác ra điều này thì những quan điểm sai lầm tự nó sẽ biến mất. Điều cốt tủy mà phương pháp tu tập tuyệt diệu này mang lại là nó sẽ giúp chúng ta nhìn ra ngay được những phóng chiếu sai lầm của cái tôi để rồi cắt đứt nó hoàn toàn.
Chúng ta luôn luôn cảm thấy bất an, lo lắng. Trên đường đến gặp một người, ta thường nghĩ, “ có thể cô ta không thích tôi, không biết anh ta có thiện cảm với tôi không? ước gì tôi là người dễ thương” hoặc “ có thể cô ta không thích giọng nói của tôi,” …vân…vân… Những tư tưởng đa nghi như vậy thường đến từ những ý niệm sai lầm, từ những lối diễn dịch sai lạc của một tâm vô minh. Chúng ta nên sớm nhận ra rằng tất cả sự vật đều bị sơn một lớp bởi tâm vô minh của chúng ta, những quan niệm hão huyền, những tư tưởng và những cảm xúc của chúng ta đều không có một liên hệ thực tế nào. Chúng hoàn toàn cá biệt, ta nên chấm dứt ngay những cảm nghĩ bất tịnh này. Ngay cả khi người khác khinh thường ta, gọi ta là kẻ trộm cắp, ta cũng nên kiểm soát lại và không nên buồn khổ. Đó là những ơn ích thực tế mà sự hiểu biết này mang lại.
Vì đang sống trong thế giới cảm giác nên ta cho rằng những ý niệm sai lầm và những phóng chiếu của tâm vô minh là thật. Chúng ta thường nghĩ nhìn được là tin được: “Tôi đã nhìn thấy cái đó thì nó phải thật chứ!” Lại có những người tin một cách say mê, mù quáng rằng triết thuyết của họ mới thực là lý tưởng cho xã hội, cộng sản hay tư bản, đều sai lầm hết, đều là ảo tưởng hết! Nếu chúng ta cứ tin theo kiểu này, chúng ta sẽ không bao giờ khám phá được tính không, nó sẽ ở xa mãi tận đâu đâu. Khi chúng ta nhận ra được quan điểm của chúng ta về thế giới này hoàn toàn là huyễn ảo, quan điểm của chúng ta về thực tại thì lờ mờ như một tấm màn hư ảo dầy đặc thì cái quan niệm sai lầm đó sẽ tự biến mất, cái còn lại là những nghịch lý của nó, đó là quan niệm đúng về tính không. Ở ngay giây phút vượt thoát ra ngoài tâm nhị nguyên, là lúc chúng ta kinh nghiệm tính không.
Vì thế, chúng ta có thể học được tính không trong từng giây phút, trong từng ngày. Ngũ quan của ta không thể rời khỏi những bám víu vào thế giới cảm giác, chính vì thế mà ta vẫn thường tin rằng bất cứ cái gì ta thấy được đều thật như nó xuất hiện. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục nghiên cứu những nhận thức và những điều mà chúng ta tin thì chúng ta sẽ biết được rằng không có lúc nào mà chúng ta không học tính không, tiếp cận tính không. Đôi khi sách vở và triết học còn làm chúng ta rối mù hơn là giúp chúng ta hiểu được tính không; vì nếu chúng ta không biết làm cách nào để phối hợp chữ nghĩa với kinh nghiệm thì chữ nghĩa sẽ gây ra rất nhiều trở ngại, phiền toái cho tâm ta. Nếu ta ý thức được công việc này thì ngay một chữ cũng đủ cho ta hiểu trọn cả vấn đề.
Những người nào nghĩ rằng để hiểu được tính không, cần phải nghiên cứu hàng ngàn vạn tài liệu, phải nhớ từng chữ của những bài tập, thì họ sẽ bị nhàm chán và điên đầu. Rồi họ cho rằng, cố gắng hiểu tính không trong cuộc đời của họ là một điều không tưởng. Nhưng chúng ta có thể hiểu tính không một cách dễ dàng khi chúng ta nhìn nhận bất cứ điều gì, bất cứ quan niệm nào được nhận xét bởi một tâm vô minh thì đều huyễn ảo, đều không có thật, ngay cả những gì liên hệ đến nó. Mặc dù, trong vô lượng kiếp cái tôi của chúng ta đã thâu thập, đã bám víu vào những sự kiện mà bây giờ nó bắt chúng ta phải tin rằng “cái này thật, cái kia thật,” đó là nguyên nhân của đau khổ. Cho tới khi nào tâm ta còn vô minh thì ta sẽ nhìn thấy bất cứ một đối tượng nào cũng đều nằm trong vòng nhị nguyên, trong vòng phân biệt. Bất cứ đối tượng nào được cảm nhận theo kiểu này cũng đều là những cảm nhận không có thật.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói rằng chẳng cái gì có thực: “ Mũi tôi, lưỡi tôi, miệng tôi — không có cái gì của tôi là thực.” Làm thế nào chúng ta có thể nói rằng không có ánh sáng, không có cái bàn? Cái kiểu lý luận phủ nhận này hoàn toàn sai. Tốt hơn, chúng ta hãy nhận xét: dù có hay không có quan niệm của tôi về cái bàn thì cái bàn vẫn có thực, lúc đó ta sẽ thấy rằng cái nhận xét của ta hoàn toàn không có thực. Hãy nhận xét, tất cả những quan niệm của chúng ta về bất cứ sự việc gì, chúng ta cũng đều nhận thấy rằng không có một cái nào tồn tại (thực có) như nó xuất hiện. Chúng ta luôn luôn nói về sự vật theo kiểu này: “ Nước Nepal như thế này, nước Mỹ như thế này, Âu châu giống như thế này…vân…vân…” Chúng ta đang nói một điều vô nghĩa lý. Nước Nepal, nước Mỹ và Âu châu mà chúng ta đang nói đều không có thật như vậy, rồi chúng ta lại nghĩ: “ Ồ, cái lớp thiền này khó quá!” hay “ tu tập theo kiểu này cũng mang lại đau khổ thôi! ” Chúng ta đang sống trong một thế giới mộng tưởng của những đối tượng huyễn ảo. Cái tâm mộng mị của chúng ta đang làm chúng ta đau khổ,
Quan điểm này không có nghĩa là chúng ta hãy từ chối sự hiện diện của thế giới cảm quan. Điều này hoàn toàn không hợp lý. Chúng ta không nên quan tâm về một nước Nepal có hay không có; công việc của chúng ta là hãy kiểm chứng xem sự diễn giải của tâm ta về một nước Nepal như thế nào? có thực hay là không? Vấn đề ở đây là, những ý niệm sai lầm của chúng ta đã xây dựng lên một quan điểm về một nước Nepal mà nó hoàn toàn không giống một chút nào với một nước Nepal thực ở ngoài thiên nhiên, ngay cả những vấn đềliên quan đến nó, chúng ta đã hoàn toàn bám víu vào nó. Cái tâm vô minh của tôi xây dựng về tôi như thế này: “ Thubten Yeshe như thế này, thế này, thế này….” — nhưng điều này hoàn toàn không đúng một chút nào so với bản tính chân thật của tôi — tôi đã bám víu vào những điều không có thực này, thật là tội nghiệpcho những phóng tưởng này! Chúng ta đã phát triển những bám víu qua muôn vàn kiếp sống, vì tin rằng nếu không có cái gì để bám vào thì sẽ bị mất mát, bị hụt hẫng. Khi chúng ta tin vào sự vật vô thường thì chúng ta sẽ bị mất, thí dụ, trong tiến trình của sự chết, ta thực sự sợ hãi vì ta cảm thấy mất tất cả.
Để chứng nghiệm được chân tính, tính không, trước nhất chúng ta phải tìm kiếm và khám phá ra nó đang ở trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta tìm kiếm chân tính ở những hiện tượng bên ngoài như cây cối, cái bàn hoặc ở một người nào khác thì chúng ta sẽ không bao giờ tìm được. Theo kinh nghiệm của các hành giả Ấn Độ và các vị Lạt ma Tây Tạng, tính không không bao giờ được chứng nghiệm theo kiểu này.
Chúng sinh trong luân hồi tự nhiên là thích nhìn ra bên ngoài. Chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta có thể hiểu được thực tại bằng cách nhìn vào những gì người khác làm. Chúng ta cố gắng có được những tiến bộbằng cách dòm ngó những người hàng xóm. Họ có cái gì? Làm sao họ có được những thứ đó? Chính những xu hướng này đã nói lên chúng ta không thể tìm được thực thể. Nếu đây là những thái độ của chúng ta thì chúng ta sẽ không bao giờ chứng nghiệm được tính không, mặc dù có học hỏi cả một đời.
Để khám phá nội tâm, để có được những chứng nghiệm nội tại của tính không, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tìm kiếm bản lai diện mục của chúng ta. Khi đã khám phá được thực thể nội tại đó, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá ra thực thể của thế giới hiện tượng này. Nguyên lý căn bản của tính không không đến từ trí thông minh, như việc nghiên cứu những lời dạy bảo của các vị thầy hay từ những buổi thảo luận tâm linh. Nếu chỉ qua những phương tiện đó, chúng ta không thể chứng nghiệm được tính không. Chúng ta cũng phải kiểm soát tâm để xác định được những ý niệm sai lầm, những quan điểm mù quáng và nên thực hành phương pháp thanh tẩy.
Chân tính, tính không, nằm ngay ở tâm mà tại sao chúng ta chưa khám phá ra được, mặc dầu chúng tađã học hỏi cả nhiều năm trời? Tại vì những rung cảm xấu xa, tội lỗi đang che kín, đang ngăn cản chúng talàm việc này. Do đó, để cho chân tính được hiển lộ trong tâm, một điều vô cùng quan trọng khi học hỏinhững lời dạy bảo về tính không và kiểm soát tâm là chúng ta nên tẩy rửa những chướng ngại bằng phương pháp thanh tẩy, như phương pháp thờ lạy tôn kính và phương pháp hợp nhất với Phật Kim Cang Tát Đỏa. Nói cách khác, để tinh tiến trong việc nghiên cứu tính không và thực chứng, chúng ta cần thực hành hai điểm: phát triển sự hiểu biết về tính không và thanh tẩy những căn bệnh tâm thần, như những ý niệm sai lầm, những quan điểm mù quáng mà chúng ta đã khám phá ra chúng khi chúng ta phân tích tâm. Sức mạnhcủa sự phối hợp này sẽ dẫn chúng ta trên con đường chứng ngộ tính không một cách dễ dàng hơn.
Ngày xưa, khi đại lạt ma Tây tạng Tsong Khapa đang nghiên cứu và phân tích tính không theo sự dạy bảo của phái Madhyamaka (Trung đạo), thì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát xuất hiện trước mặt ngài và nói: “ Không có ai trên quả đất này có thể dạy con tính không.” Vì thế,Lạt ma Tsong Khapa đã đi vào những hang cốc cô tịch, thực hành phương pháp thanh tẩy và thiền định, sau cùng ngài đã trực ngộ tính không, nó vượt hẳn ra ngoài những ý niệm về tính không theo quan điểm Trung đạo của Long Thọ. Như vậy, phương pháp Heruka Vajrasattva chẳng những vô cùng tuyệt diệu trong lãnh vực thanh tẩy mà còn giúp chúng ta khám phá chân tính một cách dễ dàng, nội tâm của chúng ta có một mãnh lực tự phá hủy những ý niệm sai lầm.
Sở dĩ chúng ta phải bàn thảo dài dòng về tính không là để cắt nghĩa vấn đề nội qui y. Để thực hiện nghi lễ nội qui y một cách đúng đắn, chúng ta phải hiểu được tính không và thanh tẩy những quan niệm sai lầm của chúng ta về những phóng chiếu, về những vọng tưởng của bản ngã. Khi chúng ta nghĩ “Tôi như thế này, thế khác, sinh ở đây, mang những đặc tính này… vân…vân…” là những trở ngại bắt đầu kéo đến. Những phóng chiếu của bản ngã là nguyên nhân của những vấn đề. Thí dụ, một người sinh ra trong một gia đình Do thái, ngay khi họ xác nhận họ thuộc chủng tộc Do thái là ngàn năm lịch sử đến với họ. Cho tới khi nào cái tôi còn đó, là những vấn đề, những trở ngại tự động xẩy ra.
Gía trị tuyệt vời của tâm lý học Phật giáo là nó có thể diệt trừ tận gốc rễ mọi vấn đề, chấm dứt hoàn toàn và mãi mãi tất cả những nguyên nhân của vấn đề. Như vậy, gía trị này hoàn toàn khác biệt với giá trị tâm lý học của Tây phương, tâm lý học Tây phương chỉ làm giảm bớt những triệu chứng của khổ đau, nhưng gốc rễ của khổ đau vẫn còn đó, khi thay đổi một sự kiện nhỏ trong một toàn thể rộng lớn lại là nguyên nhân cho một vấn đề khác nổi dậy. Chúng ta nên hiểu thấu vấn đề này và hãy biết ơn Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta một phương pháp tâm lý học tuyệt vời để điều trị tận gốc những vấn đề của con người.
Khi chúng ta thành tâm thực hành phương pháp tu tập này là chúng ta tự chuyển hoá chúng ta trong thần tính của Heruka, chúng ta nên hiểu rằng tất cả tiến trình chuyển hoá này đều được tự thể hiện qua sức mạnh của tính không trong chính tâm của chúng ta. Nó tuyệt đối không là gì cả nếu đem so sánh với sự kiệntrở nên một cái gì, thí dụ, trở nên một cây nến. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng ta phải tuyệt đốihiểu thấu vấn đề này. Rất nguy hiểm nếu chúng ta không sáng tỏ vấn đề. Tôi nghĩ rằng những người Tây phương phải mất một thời gian rất dài mới hiểu được. Chúng ta bắt buộc phải nhìn ra được sự khác biệt này.
Khi hiểu được tính không, chúng ta sẽ có một sức mạnh đem tâm chúng ta kết hợp làm một với đại lạc của chân tính, điều này hoàn toàn khác biệt với những phóng chiếu, với những vọng tưởng của bản ngã. Đại lạcnày được chuyển hoá trong thần tính. Chúng ta có thể nhìn được sự khác biệt to lớn giữa sự trở nên Heruka Vajrasattva và trở nên một cây nến. Nếu chúng ta không có sự hiểu biết sâu thẳm về sự tự phát triển của phương pháp này thì khi có người phê bình sự thực hành của chúng ta “cái gì là sự khác biệt khi trở nên một Heruka hay một cây nến? Tốt hơn hết hãy trở nên một đoá hoa hồng, ít ra anh còn có mùi thơm!”, chúng tasẽ cứng họng mà không trả lời được. Rồi chúng ta bắt đầu nghi ngờ việc tu tập: “ Đây là một ý kiến hay. Tôi không trả lời được câu hỏi. Có lẽ toàn thể công việc thực hành của tôi sẽ không mang lại ơn ích gì mà chỉ cố gắng trở nên một cây nến.” Nếu đây là trình độ hiểu biết của chúng ta trong vấn đề này thì nó còn kém hơn cả cái chẳng có gì. Chúng ta nên hiểu sự khác biệt này.
Hầu như tất cả chúng ta khi thực hành những phương pháp thiền định đều quán tưởng Đức Phật Thích Ca hay Quan Thế Âm Bồ Tát. Nếu chúng ta có một chút hiểu biết về tính không, chúng ta sẽ quán tưởng được dễ dàng. Nếu không như vậy thì với những ý niệm sai lầm và những vọng tưởng vật chất sẽ là những trở ngại rất lớn cho chúng ta trong việc quán tưởng về sự chuyển hoá của chân tính vào thần tính Heruka. Nói một cách khác, nếu lúc nào chúng ta cũng ấp ủ, cũng mang hình ảnh Phật đi khắp mọi nơi, thì chính niềm tin tưởng này sẽ làm chúng ta dễ quán tưởng đến Ngài, rồi một ngày nào đó bất chợt Ngài sẽ hiện diện ngay trước mặt chúng ta. Như tôi đã từng giải thích ở trên, toàn bộ sự quán tưởng sẽ xuất hiện cùng một lúc, chúng ta không cần bắt đầu quán tưởng về một Đức Phật nhỏ rồi từ từ lớn dần, lớn dần thành một Đức Phật lớn.
Như vậy, con đường qui y theo phương pháp mật tông không dễ dàng chút nào. Nó khó hơn nếu so sánh với phương pháp qui y thông thường (bề ngoài) theo kinh sách mà chúng ta thường đọc. Tuy nhiên, một khi tâm chúng ta đã đạt đến một trình độ nào đó trong việc phát triển trí tuệ thì chúng ta có thể thực hiện phương pháp nội qui y một cách dễ dàng hơn. Chúng ta cũng nên hiểu rằng phương pháp nội qui y này không có gì đi ngược lại Phật Pháp. Phương pháp mật tông không phê bình phương pháp kinh điển là tốt hay xấu! Phương pháp khác biệt này được mang ra dạy bảo là vì tâm của chúng sinh có nhiều trình độ phát triển khác nhau. Đến đây tôi thiết nghĩ không còn gì phải giải thích thêm về sự qui y bí mật nữa.
PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Tiếp theo nghi lễ qui y, chúng ta phát nguyện Tâm Bồ Đề theo phương pháp mật tông. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phát khởi lòng hăng say đạt quả vị Heruka càng nhanh càng hay, như thế chúng ta mới có đủ khả năng hướng dẫn những chúng sinh khác đến quả vị Heruka, cũng trong một thời gian rất ngắn. Làm như vậy thì không bao giờ chúng ta còn lười biếng. Thí dụ, chúng ta sẽ làm gì nếu một con nai mẹ đang bị kẹt trong bụi lửa. Chúng ta không thể ngồi thoải mái mà nói: “Hãy để nó cháy đi, tôi không có thời giờ để lôi nó ra bây giờ, tôi sẽ làm lát nữa.” Dĩ nhiên là chúng ta phải ngưng ngay những công việc mà chúng ta đang làm, không cần biết nó quan trọng đến thế nào, chúng ta phải vội vàng cứu con nai ra khỏi đống lửa ngay. Cũng giống như vậy, một khi chúng ta biết chúng sinh đang bị trói buộc và cháy trong lửa dục vọng, trong lửa mê lầm thì chúng ta không thể lười biếng được nữa. Chúng ta sẽ mau mau chuyển hóa tất cả những sinh hoạt trong đời sống như ăn, ngủ, làm việc vào Đạo Pháp. Ta sẽ không cho phép ta đắm chìm trong biển trầm luân một giây phút nào nữa.
Nhưng thực sự chúng ta vẫn lười biếng. Cái tâm xấu xa của chúng ta vẫn đẩy chúng ta vào cuộc sống đầy hưởng thụ: “Hãy để mẹ tôi cháy, tôi sẽ cứu bà ấy ra sau khi tôi hưởng thụ xong.” Dĩ nhiên là chúng ta không nói những lời như vậy, nhưng những thái độ của chúng ta trong đời sống phản ảnh những cảm nghĩ ở nội tâm của chúng ta. Hãy thận trọng! Chúng ta thường có những thái độ này. Hãy tưởng tượng : Tôi đang ngồi thưởng thức những món cao lương mĩ vị trong một nhà hàng sang trọng thì học trò của tôi hối hả thông báomẹ tôi đang bị cháy. Tôi vẫn ngồi thản nhiên trả lời, “khoan đã, tôi còn ăn tráng miệng nữa!” Có phải qúy vị nghĩ ngay đến lòng ích kỷ của tôi phải không? Dĩ nhiên, lời nói trên hơi quá đáng nhưng nó cho chúng ta biết một chút về thái độ của chúng ta trong đời sống thường ngày.
Dĩ nhiên, chúng ta không nên tức giận, không nên quá xúc động trong vấn đề này. Nếu tôi khích động quý vị thật mạnh, quý vị sẽ chẳng muốn làm bất cứ điều gì mà chỉ muốn từ bỏ hết để đi vào rừng núi sâu mà thiền định. Nếu làm như vậy, chúng ta lại tạo thêm một vấn đề nữa rồi. Tôi không muốn làm quý vị quá hăng say, tốt hơn hết chúng ta nên từ tốn, thoải mái, nên tìm hiểu và giải quyết mọi vấn đề bằng trí tuệ. Như tôi nói ở trên, thường thường ở Tây tạng, sau những buổi học tập về phương pháp tu tập, các thiền sinh trở nên quá hăng say, họ vội vã muốn rời lớp học, từ giã tu viện để đi vào những hang động trong núi sâu để sống và thiền định như Milarepa. Thực ra, có rất nhiều người đã ra đi và dĩ nhiên, hầu hết đã quay trở về sau vài ngày.
Điều này cho chúng ta biết sức mạnh của Đạo Pháp như thế nào. Có nhiều người nghĩ rằng đây là quyền lựccủa Lạt ma có thể thay đổi đời sống của con người. Nhưng đây chính là sức mạnh của Đạo Pháp đã thay đổi tâm của con người. Đạo Pháp tác động tâm thức của chúng ta làm thái độ tâm linh của chúng ta thay đổi. Đó là sức mạnh của Đạo Pháp, chẳng phải bùa phép của Lạt ma. Chúng tôi không biết một chút huyền thuật nào!
Khi chúng ta thực tập diệu pháp Heruka Vajrasattva, chúng ta lặp lại lời tụng niệm 3 lần mỗi khi qui y và phát nguyện Tâm Bồ Đề. Tại sao phải lập lại như vậy? Chúng ta làm như vậy để khẳng định rằng chúng ta có thời giờ để thiền và để thẩm thấu ý nghĩa của từng lời tụng vào tâm chúng ta. Nếu không như vậy, chúng ta sẽ làm cho qua lệ và tâm hồn sẽ trở nên khô cằn, không có một chút rung cảm nào với những lời cầu nguyện.
Tuy nhiên, như tôi đã từng nhắc và khuyên bảo nhiều lần, qui y không phải đơn giản là lặp đi lặp lại những lời tụng niệm. Chúng ta có thể tụng lên bằng tiếng Anh, tiếng Tây tạng, tiếng Phạn…vân vân… hay chúng ta có thể im lặng. Một điều vô cùng quan trọng là hãy ý thức cái gì đang xẩy ra trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta có một niềm tin mãnh liệt và có một trí hiểu biết liên tục lâu dài thì đạt quả vị Phật chính là mục đích của chúng ta trên con đường tu tập. Nếu không như vậy, dù có niệm “ Nam mô Phật, nam mô Thầy …” cả triệu lần cũng chẳng có gì xẩy ra. Thật là phí giờ và tốn công sức!
Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, chúng ta nên thực hiện nghi lễ qui y cả ngàn lần, tiến dâng mạn đà la (đạo tràng) cả ngàn lần, quì lạy cả trăm ngàn lần …vân vân… Làm như vậy có nghĩa là chúng ta tu tập, qui y bằng tất cả thân khẩu và nhất là trọn vẹn cả tâm hồn của chúng ta. Nếu miệng lẩm bẩm “ Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng ” rồi nghĩ rằng chúng ta đã qui y xong thì rất có thể miệng thì qui y mà tâm thì uống coca cola. Như vậy chúng ta sẽ được những ơn ích gì khi tụng niệm những lời chú đó? Có thể một vài câu chú có những mãnh lực riêng, nhưng dầu vậy, chúng ta vẫn có quyền nghi ngờ nó không có ơn ích gì cả nếu tâm chúng ta còn bận rộn, bám víu vào những vấn đề khác mà không thực tâm chú ý vào lời tụng niệm.
Vì thế, qui y không dễ chút nào. Khi qui y tập thể, mỗi người lo chuyện riêng của mình, mỗi người để tâm một nơi khác nhau. Tùy theo sự hiểu biết và tùy theo ý thức mà mỗi người qui y khác nhau. Mặc dầu chúng ta tụng những câu chú giống nhau, lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện giống y hệt nhau mà mỗi người có sự rung cảm, có những chứng nghiệm khác nhau, điều này nói lên mỗi người trong chúng ta có những kinh nghiệm, có những tâm cảm khác nhau.
Khi bắt đầu thực hành Tâm Bồ Đề, chúng ta sẽ biết có rất nhiều đường để cứu độ chúng sinh. Bổn phận của Bồ Tát là thực thi sáu hạnh nguyện (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.) nhưng phải cần một thời gian rất lâu để những hạnh nguyện này thực sự thấm nhập vào tâm hồn chúng sinh. Nó không có kết quả liền trong một ngày, một giờ. Khi thực hành những hạnh nguyện, chúng ta sẽ cảm thấy chúng tađã làm được một công việc hữu ích trong cuộc đời chúng ta. Mỗi khi ta cảm thấy ta đã không làm được công việc gì hữu ích, không giúp gì được cho chúng sinh thì ta phải biết rằng ta đã không từ bi chút nào. Một khi ta chỉ để ý đến những vấn đề riêng tư thì ta càng trở nên ích kỷ hơn, hẹp hòi hơn, cô đơn hơn. Chúng ta sẽ bị ám ảnh “Tôi có quá nhiều vấn đề… trở ngại này… khó khăn kia… vấn đề của tôi… vấn đề của tôi…” và như vậy chúng ta sẽ không còn để ý đến những vấn đề của người khác chung quanh chúng ta nữa. Kết quả là ta không còn một chút từ bi nào dành cho họ.
Những ám ảnh đó là những nguyên nhân đem đến sự tự hủy hoại mình. Đừng bận tâm về họ vì ta nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ hiểu được những vấn đề của họ chăng? Những người muốn tự tử không hiểu một chút gì về những vấn đề của họ. Đó là lý do họ tự giết mình. Cái nhìn của họ quá hẹp hòi, quá chật hẹp, quá nhỏ bé. Tự tử không bao giờ là kết quả của thực tế.
Trong thời cổ Ấn Độ, có một ông vua giết cha của mình, khi ông trực nhận ra điều ông đã làm, ông bắt đầu hối hận, bắt đầu hối tiếc, buồn đến độ ông không còn dám nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Cuối cùng, ông ta đến với Phật, Phật hỏi ông “Giết cha của anh có đáng giá không.” Tự nhiên, ông xúc động, tâm ông bắt đầu tỉnh lại. Ông suy nghĩ sâu xa về câu nói của Phật, và cuối cùng ông ngộ ra rằng mục đích chính của lời Phật dạy là ông nên giết đi cái tâm bám víu và cái tâm lường gạt, chính tâm vọng tưởng đã đem ông vào cuộc sống luân hồi này. Qua sự thực chứng đó, ông đã trở nên một la hán. Điểm quan trọng ở đây là ông ta đã quá bận tâm, đã bị ám ảnh quá nhiều bởi những vấn đề riêng, những cảm xúc vô minh này đã tràn đầy tâm ông đến nỗi không còn một chỗ trống nào cho sự bình an thanh thản. Nếu tâm chúng ta quá hẹp hòi, quá nhỏ bé thì sẽ không còn một chỗ nào cho cả chính chúng ta, còn nói chi dành cho người khác?
Chiếc-bình-thiền-định : thực tập chín vòng hơi thở
Sau khi qui y và đối tượng qui y đã chảy tan thành ánh sáng rồi hòa tan vào ta, ta hãy tập trung thiền định vào một điểm là Heruka Vajrasattva hay Vajradhara (tùy theo sự chọn lựa đối tượng để quán tưởng và qui y của mỗi người –Dg) cho đến khi nào ta trở nên làm một với Ngài. Nếu những ý tưởng nhị nguyên bắt đầu phát khởi, hãy phát nguyện Tâm Bồ Đề, như tôi đã giải thích ở trên.
Bắt đầu từ điểm này của diệu pháp, ta không còn quán tưởng như những hình thức thông thường; thay vì như vậy, vì đã trở nên làm một với Heruka nên ta xuất hiện như Heruka hoặc Vajradhara. Do đó, ta không còn nghĩ rằng “ tôi là thế này…thế khác…” hay tưởng tượng đây là thể xác được tạo bởi xương, thịt, máu nữa…– nhưng cũng đừng bám víu vào những hình tượng thần thánh này. Điều này có nghĩa là ta quán tưởng ta là Heruka nhưng đừng phát triển lòng tin ta là Heruka (nếu bám víu vào đối tượng, chấp vào đối tượng sẽ tạo cho ta chấp vào cái tôi, kiêu căng ngã mạn – Dg). Sau này, ta sẽ làm giống như vậy khi ta tụng niệm mật chú trong lúc thực hành phương pháp sức mạnh của sự điều chỉnh.
Bây giờ, trong lúc quán tưởng mình là thần linh, ta hãy thực hiện phương pháp chiếc-bình-thiền-định. Theo phương pháp này, hãy chỉ thở bằng mũi, miệng ngậm lại. Thở vào và thở ra chậm chậm, tự nhiên, hoàn toànkhông đứt quãng, nhưng khúc giữa của hơi thở hơi mạnh hơn khúc đầu và khúc cuối. Nó giống như hình dạng của hạt gạo, hai đầu nhỏ lại, khúc giữa phình ra một chút. Đừng sử dụng cách thở gò bó mà ta thường thấy trong một vài phương pháp của Ấn Độ giáo.
Có rất nhiều kênh thần lực (psychic energy channels) trong con người chúng ta. Ở đây chúng ta chỉ để ý đến ba kênh chính (ba đường kinh mạch chính -Dg). Kinh mạch trung tâm là một ống sáng trong suốt to khoảng ngón tay út, chạy ở giữa cột xương sống thẳng từ luân xa trên đỉnh đầu (luân xa 7, huyệt bá hội-Dg) xuống luân xa dưới cùng (luân xa 1, huyệt trường cường -Dg). Ở bên phải và bên trái của kinh trung tâm này cũng có hai ống sáng nhưng nhỏ hơn ống giữa, chúng chạy từ hai lỗ mũi lên luân xa đỉnh đầu, ở đây chúng uốn vòng xuống như cái cán của cây dù, rồi chạy xuống dọc theo hai bên của kinh trung tâm, đến một điểm cách phía dưới rốn chừng 4 ngón tay chúng chạy vòng vào bên trong rồi nhập vào kinh trung tâm.
Hãy quán tưởng những kênh thần lực này, hơi thở thứ nhất khí vào qua lỗ mũi trái: chậm chậm, từ từ mạnh, rồi chậm chậm. Quán tưởng khí đi vào kinh mạch bên trái, tràn đầy, đi xuống rồi bắt vào kinh mạch bên phải, đi trở lên và ra ở lỗ mũi phải. Hãy đẩy khí này ra bên ngoài hấp lực của trái đất, bên ngoài thái dươnghệ, ra đi mãi mãi, mang theo tất cả những nguồn năng lượng tiêu cực như những bám víu, những tham vọng, những nghiệp chướng của chúng ta. Hãy làm như vậy 3 lần.
Hãy tập trung và theo dõi sự chuyển động của khí trong đường kinh mạch này, hãy để tâm trở nên làm một với sự di chuyển của luồng khí lực này. Đừng nghĩ đến những vấn đề nào khác. Đừng cho rằng những đường kinh mạch này là thể chất được cấu tạo bằng xương thịt, mà hãy nhớ rằng ta đang quán tưởng chính ta đang là thần linh và những kinh mạch này là những đường thần lực. Nhưng ta cũng đừng nắm giữ, đừng bám víu vào cái thể tinh thần này mà hãy thanh lọc nó như đã trình bày ở trên. Hãy lặp lại sự thực tập này 3 lần cho lỗ mũi bên phải, khí đi vào lỗ mũi phải và đi ra bằng lỗ mũi trái. Khí đi xuống bằng kinh mạch bên phải rồi chạy ngược lên bằng kinh mạch bên trái, đẩy ra ngoài không gian vô tận tất cả những ám chướng, tham lam, sân hận và ngu si, có nghĩa là tất cả những gì ta không muốn có ở trong ta.
Rồi bây giờ hít vào bằng cả hai lỗ mũi, khí đi vào cả hai đường kinh mạch bên phải và bên trái tới cái điểm mà nó nối với đường kinh mạch trung tâm (dưới rốn 4 ngón tay). Để giúp ta theo dõi dễ dàng, ta có thể nuốt nước miếng khi khí đi xuống. Khi khí đi đến chỗ kinh mạch trung tâm, hãy hóp bắp thịt khu xương chậu lại rồi dẫn luồng khí lực đi ngược lên, từ luân xa cuối cùng vào đường kinh mạch trung tâm, lên luân xa hoả đại (luân xa 3, vùng đan điền -Dg), ở đây nó sẽ gặp và hoà tan vào khí lực từ trên xuống. Một luồng khí an lạc sẽ xuất hiện ở đây, hãy giữ hơi thở và tập trung vào điểm này. Điều này rất quan trọng. Cho tới khi nào không còn cảm thấy thoải mái thì hãy thở ra một cách tự nhiên bằng mũi. Nhưng thay vì thở ra ngay, khí mà ta đã giữ sẽ đi trở lên và hòa tan trong đường kinh mạch ở trung tâm. Hãy làm như vậy 3 lần.
Việc thực tập này rất hữu ích trong khi phát huy nguồn năng lượng an lạc trong hệ thần kinh của chúng ta. Kinh nghiệm an lạc là một phần quan trọng của phương pháp thực hành mật tông. Do đó việc thực tập này vô cùng cần thiết và mang lại nhiều ơn ích. Đây là suối nguồn an lạc, xẩy ra trong tâm của chúng ta – chính tâm của chúng ta, không phải của ai khác – nó được chuyển hoá vào tòa sen cùng với chủng tử HUM khi chúng ta tiếp tục thực hành diệu pháp này.
Như vậy, chắc chắn một điều là chúng ta sẽ được an lạc và thanh thản khi đến đoạn cuối của việc thực tậpchiếc-bình-thiền-định này. Tâm của chúng ta sẽ không còn cơ hội để nghĩ đến những hoạt động mờ ám hay trở về con đường xưa đau khổ nữa. Chúng ta có thể kiểm soát được tâm của chúng ta và chúng ta có thể chọn bất cứ đối tượng thiền định nào mà chúng ta muốn. Chúng ta không thể thiền nếu tâm còn bị quấy nhiễu, còn bị lay động. Ngòai ra còn một ơn ích khác do công việc thực tập này mang lại là nó sẽ phá hủybản tính hung hăng, kiêu ngạo, thích khoe khoang của chúng ta; nó sẽ giảm bớt những mê tín dị đoanvà giúp chúng ta vững mạnh trên con đường hoàn thành phương pháp tu tập này.
Do đó, điều quan trọng để kinh nghiệm sự an lạc là chúng ta nên giữ hơi thở và tập trung nó tại luân xa 3 (khí tụ đan điền -Dg). Hãy chú ý thường xuyên đến niềm an lạc. Niềm an lạc này đi ngược lại với những cảm giác thích thú thường tình mà chúng ta thường kinh nghiệm trong đời sống vô minh hàng ngày, chúng chỉ là những kinh nghiệm vô ý thức. Tại sao hai kinh nghiệm này lại khác nhau? Tại vì một đến từ trí tuệ, một đến từ vô minh. Một trở thành con đường giải thoát, còn một đưa đến đau khổ, bám viú, tham lam. Qua sự thực tập này, chúng ta có thể khám phá ra chúng ta là ai, cũng không cần tôi phải nói, qúy vị sẽ tự biết.
Quán tưởng nguồn năng lực hòa tan trong kinh mạch trung tâm khi chúng ta thở ra là hình ảnh của công việc thực hành phương pháp luyện nguồn tâm hỏa kundalini. Vì thế, hãy thận trọng khi làm việc này và đừng nghĩ rằng chúng ta sẽ tiêu phí khí lực trong lúc thực hành. Sau khi đã thực tập xong 9 vòng hơi thở của chiếc-bình-thiền-định, chúng ta có thể tiếp tục bước vào con đường chính của phương pháp tu tập.
Lama Yeshe Rinpoche
Trích từ nguyên tác: The Tantric Path of Purification của Lama Yeshe Do Wisdom Publications xuất bản – Vô Huệ Nguyên trích dịch