Để có thể thụ nhận quán đỉnh, hành giả phải phát tâm thụ nhận ân đức gia trì, thực hành những giáo pháp tương ứng trong tương lai và phát tâm tức thời thực hành giáo pháp được truyền thụ. Để thành tựu, lễ truyền pháp quán đỉnh cần hội đủ ba nhân duyên điều kiện sau:
– Động cơ của bậc Thượng sư phải thanh tịnh dựa trên cơ sở tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bậc Thượng sư cũng phải đã từng đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh và bản thân có kinh nghiệm tu chứng.
– Người đệ tử phải có tín tâm không chút nghi báng về sự hợp thức của buổi lễ và phẩm hạnh của Thượng sư. Người Thầy phải được hiểu là hiện thân của Đức Phật và bậc Thượng sư của chính Ngài. Những phẩm chất cá nhân thường nhật của người Thầy không quan trọng bằng vai trò Kim cương Thượng sư của Ngài.
– Những pháp khí biểu tượng trong buổi lễ như tranh ảnh, hình tượng, bình quán đỉnh bumpa, Torma (phẩm vật cúng dàng truyền thống dùng trong các nghi lễ Mật thừa, được làm chủ yếu từ bột mì và bơ) và những phẩm vật cúng dàng được chuẩn bị đầy đủ khác.
Quán đỉnh bao gồm rất nhiều khía cạnh khác nhau, từ phẩm chất của sự chuẩn bị và thực hành trong cả một đời bậc Thầy và đặc biệt là phẩm chất và sự chuẩn bị nơi người đệ tử. Bởi quán đỉnh là sự truyền trao năng lực giác ngộ từ tâm đến tâm, là kết quả của mối quan hệ giữa Thượng sư và đệ tử nên thành tựu của pháp này hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết và tin tưởng rất mạnh mẽ từ cả hai phía. Đây được gọi là “gia trì” và quán đỉnh, theo nghĩa đích thực của nó, phải dẫn chúng ta đến việc đón nhận gia trì cùng sự chuyển hóa thật sự nơi thân tâm hướng về giác ngộ. Điều tương tự cũng đúng với các phương pháp thiện xảo khác trong Kim Cương thừa như trì tụng chân ngôn, thực hành thiền định, kỹ năng quán tưởng,… Chúng đều có cùng một mục tiêu: sự chuyển hóa hoàn toàn của Thân, Khẩu, Ý và toàn bộ sự tồn tại của chúng ta. Bởi quán đỉnh liên quan đến bốn điều này nên trong Kim Cương thừa cũng có bốn thứ lớp quán đỉnh.
Nguồn: http://kimcuongthua.org/thuc-hanh/nhung-yeu-cau-de-duoc-thu-nhan-quan-dinh/