[Lòng kính ngưỡng đúng đắn đối với thiện tri thức (Đạo sư) mang lại cho ta tám lợi lạc. (1) Trong bài này chỉ đề cập đến lợi lạc thứ tám, đó là:
TA SẼ THÀNH TỰU MỌI ƯỚC MUỐN NHẤT THỜI VÀ TỐI THƯỢNG CỦA TA MÀ KHÔNG CẦN NỖ LỰC]
Như một kết quả của việc thực hiện lời dạy của Đạo sư và phụng sự ngài, mọi ước muốn nhất thời và tối thượng của ta được đáp ứng nhanh chóng. Việc hiến mình một cách đúng đắn cho Đạo sư củng cố cội gốc của mọi hạnh phúc trong tương lai, kể cả sự giác ngộ. Mọi sự – những công việc đối với bản thân và chúng sinh – đều thành công và chúng ta nhanh chóng đạt được giác ngộ.
Trong đoạn kệ đầu tiên của Nền tảng của Mọi Thiện đức, Lama Tsongkhapa nói: Nền tảng của Mọi Thiện Đức là Đạo sư tốt lành và toàn hảo; Lòng kính ngưỡng đúng đắn đối với ngài là cội gốc của con đường.
Bằng cách nhận ra rõ ràng điều này và áp dụng nỗ lực vĩ đại, Xin gia hộ để con nương tựa Đạo sư ấy với lòng tôn kính lớn lao.
Các phẩm tính tốt lành không chỉ bao gồm mọi chứng ngộ từ sự tái sinh làm người toàn hảo cho đến sự giác ngộ, mà còn bao gồm mọi hạnh phúc trong quá khứ, hiện tại và tương lai của ta.
Nó bao gồm mọi hạnh phúc được kinh nghiệm trong những tái sinh từ vô thủy, hạnh phúc trong hiện tại và hạnh phúc trong tương lai của ta cho tới sự giác ngộ. Đạo sư là nền tảng không chỉ của các chứng ngộ thực sự về con đường dẫn tới giác ngộ mà cũng là nền tảng của mọi hạnh phúc nhất thời và tối thượng, kể cả sự giác ngộ.
Tóm lại, vô số điều tốt lành mà ta kinh nghiệm trong đời này và những đời sau đều tùy thuộc vào lòng kính ngưỡng đúng đắn đối với Đạo sư. Như Lama Tsongkhapa cũng nói: Việc nỗ lực thực hành lòng kính ngưỡng đúng đắn bằng tư tưởng và hành động đối với thiện tri thức linh thánh – bậc biểu thị con đường – là cội gốc đích thực chuẩn bị hoàn hảo cho mọi điều tốt lành của đời này và những đời sau. Nhờ nhận ra điều này, không từ bỏ Đạo sư ngay cả vì lợi lạc của đời bạn, hãy làm vui lòng Đạo sư bằng cách dâng hiến sự hoàn thành công việc theo lời dạy của ngài.
Nếu ta không hiến mình một cách đúng đắn cho các Đạo sư của ta, kể cả Đạo sư đã dạy ta mẫu tự abc và Đạo sư mà ta thường ăn và sống chung, cội gốc của mọi điều tốt lành sẽ bị hư hỏng.
Vì thế ta nên hết sức cẩn trọng.
Giáo lý Mật thừa Đại dương Trí tuệ Siêu việt nói: Nếu ta thực hành theo lời dạy của Đạo sư, mọi ước muốn của ta được thành tựu và ta nhận được vô vàn may mắn.
Trong một bài nguyện khẩn cầu, Bồ Tát vĩ đại Thogme Zangpo cũng nói: Nếu con nương tựa ngài với lòng kính ngưỡng lớn lao, Không nỗ lực, ngài nhanh chóng ban mọi ước muốn nhất thời và tối thượng: Pháp Vương tôn quý, con khẩn cầu ngài.
Bài kệ này bao gồm tất cả tám lợi lạc của lòng kính ngưỡng đúng đắn đối với thiện tri thức. Mọi chứng ngộ, từ sự tái sinh làm người toàn hảo cho tới giác ngộ viên mãn đều đến từ cội gốc là lòng kính ngưỡng Đạo sư, cũng được bao gồm trong mọi ước muốn nhất thời và tối thượng.
Nếu ta hiến mình một cách đúng đắn cho thiện tri thức, như Đức Phật Đạo sư Thích Ca Mâu Ni, Milarepa và Lama Tsongkhapa đã làm, mọi ước muốn của ta sẽ thành tựu nhanh chóng và dễ dàng. Điều này bao gồm mọi ước muốn nhất thời và tối thượng; nó bao gồm mọi ước muốn của ta về cuộc đời này, chẳng hạn như nhận được mọi điều kiện cần thiết để thực hành Pháp, và mọi ước muốn về những đời sau, chẳng hạn như tìm được một thân người toàn hảo một lần nữa hay được sinh trong một cõi thuần tịnh, cũng như mọi ước muốn tối thượng của ta, chẳng hạn như việc thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của chúng sinh.
Nếu ta hiến mình một cách đúng đắn cho Đạo sư, mọi ước nguyện của ta sẽ thành công mà không cần nỗ lực. Nếu ta thực hiện một khóa nhập thất, ta có thể hoàn tất khóa tu và nó rất thành công. Nếu chúng ta đang nghiên cứu, ta có thể tiếp tục các việc nghiên cứu của ta không gặp chướng ngại và sẽ tốt đẹp. Ta thành công đến mức độ nào trong việc nghiên cứu Giáo Pháp, ta có bao nhiêu cơ hội để nghiên cứu và hoàn tất mỹ mãn việc nghiên cứu của ta thì tùy thuộc vào sự thực hành lòng kính ngưỡng Đạo sư. Đời sống tu sĩ của ta cũng tương tự như thế.
Trong các tu viện, đôi khi xảy ra việc một tu sĩ đã chấm dứt việc học tập và đến ngày thi lấy văn bằng geshe, mặc dù tu sĩ này nổi tiếng là thông thái, vào lúc ông phải tranh luận và trả lời những câu hỏi trước mặt hàng ngàn tu sĩ uyên bác, ông ta không thể nhớ được những câu trả lời hay trả lời sai lạc. Mặc dù ông học lớp cao nhất, lớp lharam, và được kỳ vọng là sẽ đỗ thủ khoa nhưng ông đã xếp hạng thấp. Vào ngày thi, ông đã không thành công. Trái lại, một tu sĩ đơn sơ không học nhiều hay không nổi tiếng là thông thái có thể rất thành công vào ngày đó bởi ông có thể nhớ lại và đưa ra những câu trả lời đúng đắn. Bằng cách này hay cách khác, mọi sự tiến hành hết sức thành công. Khi bạn kiểm tra lại cuộc đời của những người đó thì thấy tất cả mọi sự đều liên quan đến việc họ đã thực hành lòng kính ngưỡng Đạo sư tốt đẹp tới mức độ nào.
Nếu ta hiến mình một cách đúng đắn cho Đạo sư, ngay cả khi ta chết, ta sẽ thành công. Không có bất kỳ trở ngại nào, ta sẽ có thể áp dụng những thiền định vào lúc chết và thành công trong việc chuyển di tâm thức của ta tới một cõi tịnh độ một cách yên bình. Ta thường nghe những câu chuyện về những người đặc biệt thành công vào lúc chết. Mặc dù có những câu chuyện hay về cách họ đã sống, tất cả đều liên quan đến cách họ đã hiến mình một cách đúng đắn cho các thiện tri thức của họ. Ta có thể thành công tới đâu trong việc thực hành và làm lợi lạc chúng sinh thì tùy thuộc vào lòng kính ngưỡng Đạo sư của ta.
Tinh túy Cam lồ nói: Tóm lại, bằng cách hiến dâng cho thiện tri thức, về mặt tương đối, ta tìm được Thân tướng của một vị trời hay người, thoát khỏi những trói buộc; Về mặt tuyệt đối, ta chấm dứt mọi đau khổ của sinh tử Và thành tựu trạng thái thiêng liêng của điều chắc chắn tốt lành.
Trạng thái thiêng liêng của điều chắc chắn tốt lành có nghĩa là niết bàn và giác ngộ. Những trạng thái này thật rõ ràng trong ý nghĩa không có sự thay đổi từ niết bàn sang sinh tử hay từ giác ngộ sang niết bàn hay sinh tử.
Mọi thành công của ta trong việc hiểu biết giáo lý và thành tựu các chứng ngộ về con đường thì tùy thuộc vào cội gốc, là việc hiến mình một cách đúng đắn cho thiện tri thức. Ta có thể phát triển sự hiểu biết và chứng ngộ đến mức độ nào trong cuộc đời này và chúng trở nên dễ dàng ra sao thì tùy thuộc vào cội gốc này.
Năm mươi Bài Kệ về lòng Kính ngưỡng Đạo sư cũng nói rằng sự phát triển tâm thức của ta, có nghĩa là sự chứng ngộ, thì tùy thuộc vào Đạo sư: Đấng Hộ trì Kim Cương (Đức Kim Cương Trì) nói rằng việc thành tựu tùy thuộc vào Đạo sư kim cương. Bởi hiểu rõ điều này, hãy làm hài lòng Đạo sư trong mọi sự.
Một trích dẫn khác từ Năm mươi Bài Kệ về lòng Kính ngưỡng Đạo sư giải thích mục đích của việc làm hài lòng Đạo sư: Hãy làm bất kỳ điều gì làm hài lòng Đạo sư. Hãy từ bỏ tất cả những gì làm phật lòng Đạo sư. Nếu bạn có thể làm điều này, nhất định là bạn sẽ thành tựu những chứng ngộ thông thường và siêu việt ngay trong đời này.
Việc đọc từ đầu đến cuối những tiêu đề trong tiết mục tám lợi lạc của lòng kính ngưỡng Đạo sư (1) cũng có tác động mạnh mẽ, sau đó hãy tụng bài kệ sau đây trích từ Sáu-Khóa Đạo sư Du già và hãy thiền định về ý nghĩa của nó: Khi nhận ra rằng mọi chứng ngộ thông thường và siêu việt đều tùy thuộc vào lòng kính ngưỡng đúng đắn của bản thân con đối với ngài, đấng giải thoát, con từ bỏ thân thể và ngay cả cuộc đời con. Xin gia hộ để con chỉ thực hành những gì làm ngài vui lòng.
Việc ta có thể làm lợi lạc chúng sinh và Phật Pháp trong đời này và những đời sau rộng lớn tới đâu thì tùy thuộc vào việc ta hiến mình đúng đắn ra sao cho các thiện tri thức của ta. Lama Atisha, Dromtönpa, Milarepa, Lama Tsongkhapa và rất nhiều học giả và yogi trong quá khứ có thể hiến tặng lợi lạc phi thường cho chúng sinh và giáo lý là bởi các ngài đã thực hành toàn hảo pháp kính ngưỡng Đạo sư.
Việc Lama Tsongkhapa đã có thể thực hiện những công việc rộng lớn cho chúng sinh và giáo lý là kết quả của lòng kính ngưỡng đúng đắn của ngài đối với các thiện tri thức. Thậm chí ngày nay, nhờ nghiên cứu giáo lý của Lama Tsongkhapa, nhiều ngàn tu sĩ và cư sĩ có thể hiểu rõ và phát triển không lầm lạc toàn bộ con đường dẫn đến giác ngộ. Lama Tsongkhapa đã làm sáng tỏ những vấn đề vi tế nhất, chẳng hạn như tánh Không và huyễn thân, là những điểm không rõ ràng trong nhiều giáo lý khác. Các giáo lý của Lama Tsongkhapa rõ ràng đến nỗi bạn cảm thấy: “Nếu tôi thực hành giáo lý này, nhất định là tôi có thể thành tựu giác ngộ” với sự hoàn toàn tin tưởng, hỉ lạc và không do dự.
Chính nhờ Lama Tsongkhapa mà các tu sĩ trong các tu viện Sera, Ganden và Drepung có thể nghiên cứu rộng rãi ý nghĩa đúng đắn của các Kinh điển và Mật điển. Mặc dù Lama Tsongkhapa đã thị tịch rất lâu nhưng công việc của ngài vẫn tiếp tục mang lại lợi lạc. Tất cả những điều này đến từ việc Lama Tsongkhapa đã hiến mình đúng đắn cho các thiện tri thức của ngài.
Lama Atisha vĩ đại có 152 Đạo sư nhưng ngài không hề phạm một lỗi lầm với bất kỳ vị Thầy nào. Cách thức ngài hiến mình cho các Đạo sư của ngài thì không ai sánh nổi. Chính Lama Atisha đã nói: “Tôi có nhiều Đạo sư nhưng không làm một điều gì khiến các ngài phật lòng.” Nói cách khác, không ai trong 152 Đạo sư đó không hài lòng Lama Atisha.
Đó là lý do tại sao Lama Atisha có thể mang lại lợi lạc bao la như bầu trời cho các giáo lý và chúng sinh ở Ấn Độ và Tây Tạng. Thậm chí ngày nay các công hạnh thiêng liêng của ngài vẫn còn làm việc cho chúng ta, kể cả việc nhờ lắng nghe giáo lý lam-rim mà tâm ta được chuyển hóa về Pháp. Thậm chí ngày nay giáo lý Ánh sáng của Con Đường của Lama Atisha có thể mang lại lợi lạc cho tâm thức của rất nhiều chúng sinh ở nhiều quốc gia, không chỉ ở Đông phương mà cả ở Tây phương.
Trước khi ta nghe lam-rim, tâm ta hoàn toàn u tối, không hiểu về những gì nên làm và những gì nên tránh. Chính nhờ thiện tâm của Lama Atisha mà giờ đây chúng ta có một chút trí tuệ về Pháp, nó khiến cho ta phân biệt được phải trái, các nguyên nhân của hạnh phúc và nguyên nhân của đau khổ. Đây là tất cả những công hạnh thiêng liêng của Lama Atisha trong việc dẫn dắt chúng ta.
Nếu Lama Atisha không viết Ánh sáng của Con Đường thì ngày nay không có giáo lý lam-rim ở Tây phương; chúng ta sẽ không có cơ hội để nghe lam-rim. Giáo lý lam-rim mà các Lạt ma Tây Tạng giảng dạy là những luận giảng của Ánh sáng của Con Đường. Mặc dù Lama Atisha đã thị tịch, những công hạnh thiêng liêng của ngài vẫn còn làm việc cho chúng sinh và giáo lý, ngay cả ở Tây phương, và đây là kết quả của thực hành kính ngưỡng Đạo sư của ngài.
Không chỉ ở Đông phương mà ngay cả ở Tây phương, nhiều người đã đọc tiểu sử của Milarepa và khó có thể tìm thấy ai không thích tiểu sử đó. Đôi khi người ta nhận thấy là thật khó liên kết những gì Milarepa đã làm với cuộc đời của họ nhưng tất cả những ai đọc tiểu sử của ngài đều phát triển ước muốn được giống như ngài. Đó là hành động thánh thiện của Milarepa; đó là Milarepa làm việc cho chúng sinh. Chỉ riêng việc phát khởi ước muốn giống như ngài đã là một nguyên nhân để trở thành Milarepa, để trở nên giác ngộ. Điều đó vô cùng quan trọng, bởi nhờ ước muốn này mà dần dần một người bắt đầu được dẫn dắt. Ngay cả danh hiệu Milarepa thiêng liêng của ngài đã mang lại sự gia hộ to lớn; nó rất hiệu quả trong việc điều phục tâm thức. Và thậm chí năng lực của danh hiệu thiêng liêng của ngài cũng đến từ việc ngài thực hành hoàn hảo pháp kính ngưỡng Đạo sư.
Chú thích: (1) Tám lợi lạc của lòng kính ngưỡng Đạo sư: (i) Ta đến gần giác ngộ hơn (ii) Làm hài lòng tất cả chư Phật (iii) Không bị ma quân và ác tri thức hãm hại (iv) Những mê lầm và ác hạnh của ta ngừng dứt một cách tự nhiên (v) Mọi chứng ngộ của ta về các con đường và quả vị tăng trưởng (vi) Ta sẽ không bao giờ thiếu các thiện tri thức trong mọi đời sau (vii) Sẽ không rơi xuống những cõi thấp (viii) Ta sẽ thành tựu mọi ước muốn nhất thời và tối thượng mà không cần nỗ lực.
Lama Zopa Rinpoche
Trích dịch từ Chương 7 trong “The Heart of the Path” by Lama Zopa Rinpoche Lama Yeshe Wisdom Archive ấn hành.
Thanh Liên dịch sang Việt ngữ