Với lòng sùng mộ, xin đỉnh lễ và quy y dưới gót sen vô cấu nhiễm của đấng quy y duy nhất của chúng con, cha và chúa tể của chư thành tựu giả, vua của Giáo Pháp! Xin hãy gia trì để chúng con, những đệ tử may mắn, có thể khiến tâm hòa hợp với Giáo Pháp linh thiêng.
Vì các con, đệ tử của Ta, tu sĩ cũng như Mantrika, những vị có niềm tin và nỗ lực vì giải thoát, Ta sẽ trao vài lời khuyên phổ thông về tinh túy của các chỉ dẫn khẩu truyền.
Có vô số lối vào để thâm nhập các trao truyền kinh văn của giáo lý xuất sắc mà Phật Thế Tôn đã tuyên thuyết, nhưng chúng đều có thể được tóm lược thành hai kiểu là Kinh và Mật. Con đường của các Kinh điển là chung cho cả Tiểu thừa và Đại thừa trong khi con đường của Mật điển là nét độc đáo của Đại thừa. Các Giáo Pháp của Đại thừa, dù là Kinh hay Mật, được gói gọn trong ba sự rèn luyện cao hơn; vì thế, chúng chính xác là điều mà chúng ta cần.
Ba sự rèn luyện cao hơn bao gồm các thực hành về giới, định và tuệ. Theo con đường Kinh điển, có vô số cách mà trong đó, ba tuyển tập giáo lý quý báu (Phạn: tripiṭaka) giải thích ba sự rèn luyện này và chúng có thể được biết đến từ các nguồn khác. Ở đây, Ta sẽ giải thích chúng theo ý nghĩa của các Mật Điển Vô Song, theo lối phù hợp với tất cả, tu sĩ cũng như Tantrika.
Nhìn chung, nền tảng của Luật (Vinaya) trong Kim Cương thừa là tránh các ác hạnh tự nhiên và bị cấm theo những giới luật của sự giải thoát cá nhân, Bồ Tát giới và giới của Mật thừa. Cụ thể, con không nên vi phạm bất kỳ giới nào liên quan đến bốn quán đỉnh hay điều cần áp dụng hoặc tránh về [giai đoạn] thiền và hậu thiền, đồ ăn hay năm điều cần duy trì. Đấy là sự rèn luyện cao hơn về giới.
Theo ý định của các Mật điển cha, sau đây là ba kiểu giới: giới của việc từ bỏ hành động tiêu cực là trói bám chấp của con với các hình tướng bình phàm (gây ra bởi những tập khí thói quen) là ấn của vị Tôn đặc biệt của con. Giới của việc thu thập thiện hạnh là nỗ lực tăng trưởng sự tích lũy công đức nhờ giai đoạn sinh khởi và sự tích lũy trí tuệ nhờ giai đoạn hoàn thiện. Giới của việc làm lợi lạc chúng sinh là nỗ lực thiết lập các hoàn cảnh phụ thuộc lẫn nhau của phương tiện thiện xảo, điều làm lợi lạc chúng sinh và giáo lý, chẳng hạn các hoạt động giác ngộ như tức tai, tăng ích, kính ái và điều phục phẫn nộ.
Phương tiện thiện xảo và trí tuệ là bất khả phân vào mọi lúc trong các giai đoạn của sinh khởi và hoàn thiện. Hãy lấy những điểm trọng yếu của hành vi về sáu sự hoàn hảo siêu việt làm nền tảng: bố thí bao gồm thực hành cúng dường có hay không có các quan niệm; trì giới là tiến hành các thực hành như vậy một cách không sai sót; nhẫn nhục là khả năng chấp nhận bất kỳ kiểu khó khăn hay khổ đau bên ngoài hoặc bên trong nào như là sự hỗ trợ để thực hành; tinh tấn là không suy giảm trong bất cứ điều gì mà con tiến hành; thiền định là tập trung nhất tâm vào các mục tiêu cho đến khi hoàn thành chúng; trí tuệ là hiểu, trải nghiệm và chứng ngộ cách thức mà mọi thứ là. Sau đấy, khi đã thiết lập cấu trúc thiền định với ba mươi bảy yếu tố của sự giác ngộ, hiểu cách mà mọi thứ là với tri kiến của mười tám kiểu tính Không là sự rèn luyện cao hơn về định.
Theo ý định của các Mật điển mẹ, sau đây là ba kiểu định: định của chúng sinh bình phàm là điều được thực hành bởi những người như các con, những vị chỉ mới bắt đầu trên con đường của Mật điển và lấy mong ước làm con đường. Định của sự nhận thức hoàn hảo xảy ra khi sự hiểu phát triển thành kinh nghiệm. Định của chư Như Lai xảy ra khi, trong một khoảnh khắc của sự thực, con nhận ra các lỗi lầm của luân hồi và Niết Bàn nhờ những ví dụ, ám chỉ và dấu hiệu, sở hữu mắt vô cấu nhiễm của Giáo Pháp và hiện thực hóa ấn vĩ đại của hỷ lạc rỗng rang.
Khi trí tuệ của bản tính hoàn hảo – cách thức mà mọi thứ an trụ ở cấp độ tuyệt đối, điều chẳng thể nghĩ bàn và chẳng thể diễn tả – được hiện thực hóa dựa trên các chỉ dẫn cốt tủy của đạo sư và nhờ tri kiến Trekcho, thứ nằm ngoài tâm quan niệm, các phản chiếu về luân hồi và Niết Bàn của bản tính phụ thuộc được đưa vào cõi giới của bốn linh kiến tịnh quang và như thế, các tập khí thói quen mê lầm của bản tính bị quy cho tan biến trong nền tảng nguyên sơ của hư không căn bản. Đấy là sự rèn luyện cao hơn về tuệ.
Theo ý định của các Mật điển bất nhị, sau đây là ba kiểu tuệ. Tuệ của lắng nghe xảy ra khi ý nghĩa được hiểu đơn giản nhờ lắng nghe các chỉ dẫn tâm linh của một đạo sư chân chính. Tuệ khởi lên từ quán chiếu xảy ra khi mà, sau khi bền bỉ phân tích ý nghĩa của điều được giảng dạy, sự hiểu về các hiện tượng khởi lên phụ thuộc lẫn nhau trở nên sâu sắc hơn. Tuệ khởi lên từ thiền định xảy ra khi ý nghĩa của tất cả những giáo lý này được gom lại nhờ thiền định về nền tảng của Trekcho và con đường Togal, để sự chứng ngộ ló dạng từ bên trong, khiến các dấu hiệu tiến bộ trên con đường chín muồi ở bên ngoài.
Nếu Ta giải thích điều này dựa trên các bản văn vĩ đại, sẽ thật khó để các con có thể lĩnh hội. Vì thế, sẽ sâu xa hơn nhiều nếu tuân theo truyền thống của các chỉ dẫn cốt tủy. Bất cứ thiện hạnh nào mà con làm cần được tiến hành với ba nguyên tắc cao quý trong tâm. Đây là điểm trọng yếu và then chốt trong thực hành; vì thế, đừng thờ ơ!
Là những hành giả Đại thừa, đầu tiên, hãy quy y Tam Bảo và xem ba điều cần tránh, ba điều cần làm và ba giới luật bổ sung là nền tảng. Sau đó, hãy quán chiếu về cách mà vạn pháp hữu vi là vô thường, cách mà bất cứ thứ gì ô nhiễm đều gây ra khổ, cách mà Niết Bàn là an bình hoàn toàn và cách mà vạn pháp thực sự rỗng rang và vô ngã. Chúng tạo thành tri kiến của bốn ấn, thứ là dấu hiệu phân biệt của giáo lý Phật, điều được tuân theo bởi các môn đồ. Biết rằng cả tri kiến và hành vi của những kẻ bên ngoài – các ngoại đạo – thực sự rất khác biệt và từ phía của chính chúng ta, sau khi biết những điểm trọng yếu, thứ ngăn người ta nhầm lẫn điều cần làm và điều cần tránh, người ta tiến đến thực hành thực sự, điều có ba phần.
1. Thiện Lành Lúc Bắt Đầu
Về sự bắt đầu thiện lành, có chỉ dẫn về tịnh hóa tâm nhờ các thực hành sơ khởi phổ thông. Đầu tiên, trong lúc quán chiếu về những lý do tại sao các tự do và thuận duyên lại khó đạt, hãy rèn luyện trong quy y và tụng bài quy y một trăm nghìn biến, không nhầm lẫn từ ngữ hay ý nghĩa, trong một tháng.
Sau đó, trong lúc làm quen với những lý do tại sao thế giới và cư dân lại vô thường, hãy phát tâm giác ngộ một trăm nghìn biến, cũng không nhầm lẫn từ ngữ hay ý nghĩa, trong một tháng.
Tiếp đó, hãy dành một tháng rèn luyện tâm con bằng cách nhận ra những lỗi lầm của luân hồi. Với sự hiểu về tính chân thật của khổ đau, hãy quán tưởng và tụng Chân ngôn Kim Cương Tát Đỏa, vị tịnh hóa nghiệp và cảm xúc tiêu cực, thứ gây ra khổ đau, cho đến khi các dấu hiệu xuất hiện. Ít nhất, hãy tụng Chân ngôn trăm âm một trăm nghìn biến và Chân ngôn sáu âm một triệu biến.
Sau đó, trong một tháng, hãy làm quen với các nguyên nhân và kết quả của nghiệp và rèn luyện trong điều cần làm và điều cần tránh. Theo cách này, con sẽ vứt bỏ con đường của các bất thiện hạnh, sự thật về nguyên nhân, thứ cần phải bị từ bỏ. Nương tựa phương tiện thiện xảo của sự thật về con đường mà nhờ đó, người ta hiện thực sự hóa sự thật về sự ngừng lại, chẳng hạn mười thiện hạnh [điều cần làm], hãy hiểu con đường tám phần của chư vị Tôn Quý[3]. Điều quan trọng là con nỗ lực nhất tâm trong thực hành cúng dường Mandala như một phương tiện thiện xảo để thu thập các tích lũy [về công đức và trí tuệ]. Hãy cúng dường ít nhất một trăm nghìn Mandala.
Sau đó, trong lúc quán chiếu về các lợi lạc của giải thoát, trong một tháng, hãy dấn thân trong các phần sơ khởi, chính yếu và hoàn mãn của Chod, thực hành sâu xa của Kusali, vị thiếu các phương tiện khác để thu thập tích lũy. Lang thang quanh những nơi ma ám và tương tự chỉ dành cho những vị có được chút hơi ấm trong các thực hành sinh khởi và hoàn thiện và như một phương tiện để tăng cường sự chứng ngộ; nó không liên quan đến điều đang được giải thích ở đây và vì thế, không cần được áp dụng trong thực hành.
Sau đó, với sự hiểu tỉ mỉ về cách nương tựa một thiện tri thức tâm linh, cả bằng tâm và thực sự, và trong lúc nhớ về những phẩm tính của chư vị tôn quý, hãy thiền định về Đạo Sư Du Già. Hãy tụng đoạn sau đây trước lời cầu nguyện bảy nhánh:
Để đạt giác ngộ, con và mọi hữu tình chúng sinh khác
Đỉnh lễ từ tận đáy lòng đến tất cả
Đấng Chiến Thắng và chư vị kế thừa,
Những vị trụ trong vô số Tịnh độ khắp mười phương!
Kết nối từ ngữ với ý nghĩa, hãy cúng dường trăm nghìn lễ lạy. Ngay sau đó, hãy tụng lời cầu nguyện bảy nhánh một trăm nghìn biến và như được giải thích trong luận giải Áp Dụng Chính Niệm[4], Chân ngôn Guru-Siddhi mười triệu biến. Sau đấy, hãy hoàn mãn bằng cách tụng những lời nguyện Đại thừa và v.v. Đây là truyền thống không sai lầm của Đạo Sư Toàn Tri của chúng ta.
2. Thiện Lành Ở Giữa
Thiện lành ở giữa liên quan đến các chỉ dẫn chung về giai đoạn sinh khởi và hoàn thiện. Các thệ nguyện Samaya của sự quân bình thiền định kết nối với quán đỉnh bình là các giai đoạn của sinh khởi. Chúng có thể được biết đến từ Chiếc Thang Lên Akanistha[5]. Các thệ nguyện của sự quân bình thiền định kết nối với quán đỉnh bí mật là thực hành của phương tiện thiện xảo nương tựa thân thể của bản thân và thực hành về prāṇāyāma. Chúng có thể được biết từ Như Ý Bảo Châu – Cuộn Kinh Của Truyền Thừa Thì Thầm Về Giai Đoạn Hoàn Thiện Lạc – Không Dựa Trên Prāṇa. Các thệ nguyện của sự quân bình thiền định kết nối với quán đỉnh thứ ba là giai đoạn hoàn thiện của hai con đường phương tiện thiện xảo và giải thoát nương tựa thân thể của người khác. Chúng có thể được biết đến từ Ý Nghĩa Chôn Giấu Của Con Đường Phương Tiện – Phật Quả Không Thiền Định. Tất cả những điều này thuộc về con đường tuần tự và bởi chúng phải được giải thích vào thời điểm thích hợp, Ta sẽ không nói thêm ở đây.
3. Thiện Lành Lúc Hoàn Mãn
Thiện lành lúc hoàn mãn liên quan đến các chỉ dẫn của con đường đặc biệt của Đại Viên Mãn Tự Nhiên, nhờ đó, người ta xác quyết cách mà mọi thứ thực sự an trụ. Ở đây, chúng ta thực hành theo Yeshe Lama, nền tảng và tâm yếu của mọi luận giải về các Mật điển khác nhau của chỉ dẫn cốt tủy tâm yếu ở Xứ Tuyết. Về các thực hành sơ khởi, có hai phần của Rushen[6]. Sau phần thứ nhất, điều được giải quyết trong cuốn giáo khoa chỉ dẫn, con cần rèn luyện theo Rushen bên trong. Sự luân phiên giữa hai kiểu tịnh hóa thân và bốn cách tịnh hóa khẩu cần được tiến hành theo cuốn giáo khoa chỉ dẫn, điều giải thích ý nghĩa của chúng một cách trọn vẹn. Về sự tịnh hóa ý, hãy tỉ mỉ tìm kiếm tâm khởi lên từ đâu, nó trụ ở đâu và nó biến mất ở đâu. Không thể tìm thấy nơi nào như vậy. Hãy an trú trong trạng thái của sự thoải mái tự nhiên vượt khỏi sự đồng nhất bất kỳ tác nhân phân tích nào và trở nên tươi mới trở lại.
Các thực hành chính yếu là Trekcho và Togal. Tri kiến của Trekcho – nền tảng – là diện mạo tự nhiên của Pháp thân, cách mà mọi thứ là. Sự chứng ngộ không sai lầm về ngọn đèn của trí tuệ tự sinh đòi hỏi sự hoàn thiện đồng thời tri kiến, thiền định, hành vi và kết quả nhờ con đường của ‘bốn cách để mọi thứ như chúng là[7]’. Và phương pháp đặc biệt cho điều này là con đường của bốn linh kiến.
Về thực hành Togal, trong đó, tịnh quang xuất hiện bên ngoài, con cần hiểu nơi an trụ, các con đường, các lối vào, phạm vi-đối tượng, năng lượng-khí, giác tính, điểm tập trung và v.v. Nhờ các tư thế và cái nhìn, con sẽ trực tiếp trải qua bản tính chân thật của giác tính và dễ dàng khám phá sự giải thoát nguyên sơ. Cách mà các linh kiến tăng và giảm, cùng với các dấu hiệu và biện pháp cũng như chỉ dẫn bổ sung có thể được tìm thấy trong cuốn giáo khoa hướng dẫn.
Thời nay, hầu hết hy vọng rằng họ sẽ được giải thoát trong Bardo[8] và những điểm trọng yếu cho phép con làm vậy và điều mà con cần làm quen là: Ở đây, trong Bardo của đời này, con cần đạt đến sự hiểu dứt khoát nhờ lắng nghe và quán chiếu và vì thế, thấu triệt ý nghĩa của ví dụ về con chim nhạn vào tổ của nó. Con cần biết các dấu hiệu xảy ra trong các Bardo của thời khắc chết, Pháp tính và trở thành; điều gì là mê lầm và điều gì là giải thoát; và điều con cần tham gia và điều mà con cần thoát khỏi. Con cũng cần biết những lý do đằng sau chúng. Sau đấy, khi đến lúc cần đưa kiến thức vào thực hành vào lúc chết, con phải làm sáng tỏ mọi điều chưa rõ, như trong ví dụ về cô gái trẻ nhìn vào trong gương; con phải không sợ hãi khi đối diện với Tịnh độ của Pháp tính như trong ví dụ về đứa bé ào vào lòng mẹ; và khi Bardo trở thành ló dạng, con phải dứt khoát thấu triệt các chỉ dẫn cốt tủy giải thích cách tránh những nơi tái sinh khác và du hành đến một Tịnh độ, như trong ví dụ về phục hồi một kênh tưới tiêu bị hỏng bằng cách gài vào một ống máng.
Tất cả các con, những vị đã gặp và thỉnh cầu Ta giảng dạy Đại Viên Mãn, cần nỗ lực đưa những chỉ dẫn này vào thực hành; sau đó, cuộc đời con sẽ ý nghĩa. Ta khẩn nài các con, hãy nghe Ta và thấu triệt điều này!
Dzogchen Lama Zhonnu Yeshe Dorje
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Những lời của Chư thành tựu giả – Cách thực hành tâm yếu của cõi giới bao la
[1] Tựa đề Tạng ngữ đặc biệt nhắc đến các thực hành sơ khởi (Ngondro), nhưng chúng tôi đã bỏ điều này ở đây để phản ánh nội dung của bản văn, điều cũng bao trùm cả các thực hành chính yếu.
[2] Về Ngài Dola Jigme Kalzang, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a37515/tieu-su-van-tat-ngai-dola-jigme-kalzang.
[3] Tức Bát Chính Đạo.
[4] Áp Dụng Chính Niệm – Các Chỉ Dẫn Về Thực Hành Sơ Khởi Đại Viên Mãn Độc Đáo Của Tâm Yếu của Cõi Giới Bao La do Jigme Lingpa soạn.
[5] Chiếc Thang Lên Akanistha – Các Chỉ Dẫn Về Giai Đoạn Sinh Khởi Của Thực Hành Vị Tôn (bskyed rim lha’i khrid kyi rnam par bzhag pa ‘og min bgrod pa’i them skas) do Jigme Lingpa soạn.
[6] Tức Rushen bên ngoài và bên trong.
[7] cog bzhag bzhi.
[8] Điều theo sau là một giới thiệu về bốn Bardo: Bardo tự nhiên của đời này, Bardo lâm chung đau đớn, Bardo tịnh quang Pháp tính và Bardo nghiệp trở thành.