Nhìn vào trong |

Nhìn vào trong

Tham khảo

Giả sử bây giờ ta làm một cuộc thay đổi, ta không nhìn vào một hướng duy nhất như trước nữa. Ta được dạy phải dành suốt đời để theo đuổi những tư tưởng và dự phóng của ta. Ngay cả khi nói về “tâm,” thì ta cũng chỉ nói tới những ý tưởng và cảm xúc của nó; và khi những nhà nghiên cứu khảo sát cái mà họ tưởng là tâm, thì họ cũng chỉ nhìn thấy những phóng ảnh của nó. Chưa từng có ai thực sự nhìn vào chính cái tâm, nền tảng từ đó tất cả những tư tưởng ngôn từ khởi lên, và điều này có những hậu quả bi thảm. Như Padmasambhava nói:

– Ngay cả khi cái thường gọi là “tâm” được nhiều người bàn tới,

Nó vẫn không được hiểu thấu, hoặc hiểu sai lạc, một chiều.

Vì tâm không được hiểu đúng như nó là, trong bản chất nó,

Cho nên có nhiều tư tưởng triết học và lý thuyết ra đời.

Lại vì người, thường không hiểu được tâm.

Nên họ không nhận ra bản lai diện mục họ

Và tiếp tục lang thang trong sáu nẻo luân hồi và ba cõi hữu mà kinh quá khổ đau.

Bởi thế không hiểu được bản tâm của bạn là một lỗi rất đáng buồn.

Làm sao chúng ta có thể lật ngược tình huống? Rất giản dị. Tâm ta chỉ có hai vị trí: Nhìn ra và nhìn vào.

Nay ta hãy nhìn vào.

Điều khác biệt mà việc chuyển hướng nhìn ấy đem đến lại có thể rất lớn lao, có thể lật lại những tai ách đang đè nặng thế giới. Khi có một số lớn người biết được bản tâm của họ, họ cũng sẽ biết được bản chất đầy quang vinh của cái thế giới trong đó họ sống, và phấn đấu một cách dũng cảm cấp thiết để bảo trì nó. Một điều thú vị là tiếng Tây Tạng gọi Phật tử là nangpa là “người ở trong”, nghĩa là người không tìm kiếm chân lý ở bên ngoài mà tìm trong bản chất của tâm. Mọi giáo lý và thực tập trong Phật giáo đều dẫn đến một điểm duy nhất là nhìn vào tự tính của tâm, và nhờ vậy giải thoát ta khỏi nỗi sợ chết và giúp ta nhận chân được sự thật của cuộc đời.

Việc nhìn vào trong (nội quán) đòi hỏi ta phải có sự tế nhị sâu sắc và đức can đảm lớn lao – một thay đổi tận gốc trong thái độ của ta đối với cuộc đời và tâm thức. Chúng ta đã quá ghiền nhìn ra ngoài đến nỗi ta hầu như hoàn tòan mất liên lạc với bản thể sâu xa của ta. Chúng ta sợ phải nhìn vào trong, vì nền văn hóa chúng ta không cho ta biết một tí gì về những cái ta sẽ tìm gặp. Chúng ta lại còn nghĩ rằng nếu nhìn vào trong, ta sẽ có nguy cơ bị điên loạn. Điều này là một trong những mánh khóe cuối cùng, hiệu lực nhất của bản ngã để ngăn cản ta khám phá bản chất chân thực của mình.

Chúng ta đã làm cho đời sống trở nên cuồng nhiệt tới nỗi ta trừ khử mọi lăm le muốn nhìn vào trong. Cả đến ý nghĩ “ngồi thiền” cũng làm cho người ta sợ hãi. Khi nghe nói đến “Không” hay “vô ngã”, họ tưởng là mình phải trải qua những trạng thái như bị ném ra khỏi con tàu vũ trụ để chơi vơi giữa khoảng không lạnh lẽo âm u. Thực không gì sai lạc sự thật hơn thế. Nhưng trong một thế giới dành trọn cho cuộc giải trí, thì sự im lặng và yên lặng làm cho ta sợ hãi; ta tự bảo về để tránh né chúng bằng sự huyên náo và những công việc rộn ràng. Nhìn vào bản chất của tâm ta là chuyện chót bẹt mà ta dám làm

Đôi khi tôi nghĩ rằng chúng ta không muốn đặt câu hỏi nghiêm túc nào về ta là ai, vì sợ sẽ khám phá có một thực tại khác hơn sự thực, hiện tại này. Sự khám phá ấy sẽ làm gì với cái kiểu sống của ta bấy lâu nay? Bạn bè, đồng nghiệp của ta sẽ phản ứng ra sao trước cái điều mà bây giờ ta mới biết? Kèm theo hiểu biết là trách nhiệm. Có đôi khi kẻ tù nhân chọn lựa ở lại, ngay cả khi cánh cửa ngục tù đã được mở tung.

Đức Sogyal Rinpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung