Nếu bạn nhận thấy cái tôi tồn tại thực sự, tự ngã tồn tại thực sự, thì hãy quán chiếu nơi nó hiện hữu. Khi nhận thấy cái tôi tồn tại thực sự, cái tôi đích xác, thì bạn hãy quan sát nó hiện hữu trong thân hoặc tâm, hoặc trong thân-tâm, hoặc bên ngoài thân-tâm. Hãy quan sát theo cách này. Nếu không thể nhận thấy nó, nếu thấy tánh không của tự ngã, thì bạn chỉ cần tập trung vào điều đó.
Bây giờ, chúng ta hãy thực tập những bài thiền ngắn. Tất cả những khổ đau trong sáu cõi luân hồi – địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, A-tu-la – đều bắt nguồn từ vô minh, tác nhân của luân hồi. Vô minh tạo ra luân hồi, thế giới khổ đau. Vậy, vô minh là gì mà trở nên tác nhân của luân hồi? Vô minh là không nhận thức rõ bản chất đích thực của tự ngã, bản chất tuyệt đối của tự ngã. Do vậy, nếu không muốn kinh qua tất cả những khổ đau trong luân hồi và hoàn toàn giải thoát khỏi nguyên nhân của khổ đau, thì chúng ta phải tuyệt đối tận trừ vô minh, nguyên nhân của tất cả những khổ đau trong luân hồi. Để thực hiện điều đó, chúng ta phải nhận thức rõ bản chất đích thực của tự ngã. Việc nhận thức rõ bản chất đích thực của tự ngã phụ thuộc vào việc nhận thức vô minh, tâm không hiểu rõ bản chất đích thực của tự ngã.
Điều đó giống như sau: nếu thân mình dơ bẩn và muốn tắm rửa sạch sẽ, thì trước hết bạn phải nhận biết sự dơ bẩn đó. Tương tự, để nhận thức rõ bản chất đích thực của tự ngã xem nó là gì, thì trước hết bạn phải nhận thức rõ vô minh, tâm khiến chúng ta thấy rằng cái tôi hoàn toàn ở trong con đường sai lầm, con đường trái nghịch với thực tại của tự ngã. Con đường chúng ta thấy rõ tự ngã là cách mà vô minh nhận thức về tự ngã.
Vì vậy, trước hết bạn hãy tập trung tư tưởng, bất cứ điều gì bạn đang suy nghĩ ngay bây giờ. Chỉ cần quán sát tư tưởng đó và khi tâm của mình dần dần trở nên yên tĩnh, thanh bình, thì hãy quán sát cách bạn nhìn thấy tự ngã, cách bạn nhận thức rõ tự ngã, hoặc cách mà cái tôi xuất hiện với bạn. Trước tiên, bạn hãy tập trung tư tưởng; khi tâm mình được yên bình, thanh thản, hãy cẩn thận quan sát cách mà cái tôi hay tự ngã xuất hiện với bạn, hoặc cách bạn nhận thức rõ nó.
Nếu bạn nhận thấy một điều đó, nếu bạn nhận thấy cái tôi tồn tại thực sự, tự ngã tồn tại thực sự, thì hãy quán chiếu nơi nó hiện hữu. Khi nhận thấy cái tôi tồn tại thực sự, cái tôi đích xác, thì bạn hãy quan sát nó hiện hữu trong thân hoặc tâm, hoặc trong thân-tâm, hoặc bên ngoài thân-tâm. Hãy quan sát theo cách này. Nếu không thể nhận thấy nó, nếu thấy tánh không của tự ngã, thì bạn chỉ cần tập trung vào điều đó.
Nếu nhận thấy một tự ngã thực sự, thì bạn hãy quan sát xem nó tồn tại trong thân, trong tâm, hay cả trong thân-tâm. Bạn phải quán chiếu tự ngã tồn tại thực sự này từ đầu đến chân, tìm kiếm trong mọi bộ phận của cơ thể mình nhằm nổ lực nhận thấy chính xác xem nó ở nơi đâu. Nếu bạn không nhận thấy nó rồi đi đến kết luận rằng bản ngã không tồn tại trong tất cả, thì đó là quan điểm sai lầm; bạn đã rơi vào trong tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa hư vô. Kết luận đó không khiến bạn giải thoát khổ đau.
Tuy nhiên, nếu cảm giác về tánh không của tự ngã dễ dàng đến với bạn ít hơn hoặc nhiều hơn, thì bạn đừng chạy trốn nó mà nên tập trung ý tưởng vào nó, chỉ cần cho sự thuận lợi của thiền dựa trên tánh không, thấy rõ bản chất đích thực của tự ngã.
Đó là tất cả những gì tôi phải trình bày trong thời điểm này. Nếu, như kết quả có được đến từ hội thảo này, bây giờ bạn thấy rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa to lớn và có nhiều điều tốt mình có thể thực hiện liên quan tới cuộc sống của mình mà trước đây bạn đã không nhận thức rõ, những điều mang lại lợi ích cho tất cả chúng sanh, thì chúng đem lại ý nghĩa cho bạn ngay đây. Nếu bạn biết mình có thể tái sanh làm người hoàn hảo trở lại, hoàn toàn thoát khỏi các vọng tưởng, chứng đắc giác ngộ vì lợi ích cho tất cả chúng sanh và muốn đạt được những kết quả đó, muốn tiếp tục nghiên cứu và thực tập thiền định để thoát khỏi khổ đau, chứng đắc giác ngộ vì lợi ích cho những chúng sanh khác, thì đó là điều quý giá nhất mà bạn đã chú ý tới. Đó là điều vô cùng quan trọng cho an vui của tâm bạn và người khác.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải nỗ lực giữ tâm mình thoát khỏi việc gây hại cho người khác càng nhiều càng tốt; cố gắng chế ngự tâm mình càng nhiều càng tốt nếu có thể. Hãy giữ tâm mình thoát khỏi tâm gây hại—đó là nền tảng của giáo pháp, điều quan trọng nhất. Dù bạn có thực tập thiền hay không, thì bản chất của thiền định vẫn là phải tận diệt ác tâm khiến nó không sanh khởi càng nhiều càng tốt. Đó là điều đưa bạn đến với chân trời an lạc.
Tôi rất vui khi đã từng trao truyền giáo pháp cho tất cả các bạn và có cơ duyên giúp các bạn một số ít Phật pháp, nhưng quan trọng là bạn phải liên tục duy trì mong muốn thực tập thiền định và nghiên cứu Phật pháp sâu sắc hơn. Sau đó, nếu có thời gian, có lẽ bạn có cơ hội để thực tập thiền định một cách sâu sắc hơn.
Đức Lama Zopa Rinpoche
Minh Chánh chuyển ngữ