Nền tảng luyện Bồ Đề Tâm |

Nền tảng luyện Bồ Đề Tâm

Thực hành

Hôm nay tôi sẽ giảng về Bảy Điểm Luyện Tâm.

Như tôi đã nói lần trước, quý vị cần biết một điều quan trọng về pháp thực hành Bảy Điểm Luyện Tâm. Mục đích chính của Phật pháp là để dạy chúng ta cách luyện tâm. Để luyện tâm thì có vài bước, những bước này hướng dẫn chúng ta luyện tâm như thế nào. Đôi khi, những gì diễn ra trong tâm ta rất phức tạp. Tôi thường kể một mẩu chuyện cho thấy tâm phức tạp như thế nào. Một người đệ tử đến gặp thầy mình và xin thầy dạy anh ta vài kỹ thuật thiền. Vị thầy nói: “Anh có thể thiền quán về bất cứ đối tượng nào mà anh thích, nhưng đừng nghĩ về con khỉ. Anh hãy về thực hành nhưng không được nghĩ đến con khỉ”. Bây giờ quý vị có thể biết khi hành thiền thì điều gì hiện lên trong tâm anh ta. Tâm phức tạp như vậy. Đôi lúc, tâm ta rất phức tạp. Một lần nọ, tôi gặp trục trặc với máy tính cũ của tôi, nó chạy rất chậm. Sau đó, kỹ thuật viên phát hiện có quá nhiều chương trình không cần thiết đang chạy trong lúc tôi chỉ chạy một chương trình của tôi. Tương tự, có rất nhiều tư tưởng không cần thiết liên tục đến và đi trong tâm ta. Điều đó cũng giống với máy tính cũ của tôi, quá nhiều chương trình không cần thiết đang chạy và chúng khiến cho máy tính chạy rất chậm. Tâm con người cũng như vậy. Đôi khi có rất nhiều tư tưởng không cần thiết nảy sinh trong tâm ta, và chúng khiến tâm ta bị trì trệ. Luyện tâm chính là cách chúng ta đào luyện tâm mình tốt hơn, cách chúng ta ngăn chặn những tư tưởng không cần thiết, và cách chúng ta phát khởi nhiều tư tưởng tích cực hơn. Đó chính là điểm chính yếu của luyện tâm. Việc phát khởi tư tưởng tích cực không chỉ về mặt thực hành, mà cũng có rất nhiều khóa học hướng dẫn con người phát khởi tư tưởng tích cực. Đó là một điểm quan trọng.

Trước hết, chúng ta phải biết luyện tâm như thế nào. Có vài bước. Luyện tâm rất đặc biệt. Tôi nói nó rất đặc biệt vì luyện tâm đã thật sự thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã học triết học Phật giáo và học đến trình độ cao nhất trong triết học. Không chỉ học đến tầng mức cao nhất trong triết học, mà tôi còn đạt điểm số tối đa của chương trình triết học Phật giáo. Tuy nhiên, học triết học đã không thay đổi gì nhiều cuộc sống của tôi. Khi tôi chuyển sang thực hành luyện tâm thì nó đã thật sự thay đổi cả cuộc đời tôi. Đây là kinh nghiệm của chính tôi, vì vậy tôi cảm thấy rất đặc biệt.

Bây giờ quý vị hãy nhìn vào chánh văn Bảy Điểm Luyện Tâm. Bước thứ nhất là Những chuẩn bị tiên quyết. Như quý vị thấy, điểm này nói về ba đề mục thiền quán: (1) thân người khó được, (2) chết và vô thường, và (3) những lỗi lầm của sinh tử. Bước thứ nhất để luyện tâm là thực hành sơ khởi; quý vị cần nhớ ba điểm này.

Điểm thứ nhất là thân người khó được. Dù quý vị làm gì trong cuộc sống, chúng ta phải nhìn lại bản thân và nhìn vào những gì mình đang có. Tôi vẫn luôn nói rằng con người chỉ luôn nhìn vào những thứ họ không có, họ không thể nhìn ra những gì mình đang sở hữu. Khi nhận ra những gì mình đang có, quý vị sẽ bắt đầu cảm thấy mình may mắn. Khi cảm thấy may mắn thì quý vị sẽ thấy tự tin. Bây giờ người ta rất thường nhắc đến sự tự tin, xây dựng sự tự tin. Đây là một trong những cách tốt nhất để có được sự tự tin.

Khi nhìn lại bản thân, trước hết chúng ta cần cảm nhận rằng mình đã có được thân người. Điều đó rất khó để đạt được. Điểm này mang đến cho ta thông điệp rằng chúng ta cần nhìn lại bản thân xem mình đang có được những gì. Nếu nhìn lại bản thân, quý vị sẽ thấy mình có những điều rất đặc biệt mà tất cả những người khác đều không có. Ai cũng có những điều đặc biệt như thế, điều duy nhất là quý vị phải tìm ra điều đó. Khi nhìn vào điểm này, quý vị sẽ thật sự cảm thấy mình may mắn và được ân phước. Đây là một trong những điểm rất quan trọng.

Vào thời Đức Phật, có một vị vua có rất nhiều vợ. Chuyện thần thoại kể lại vi vua đó có 500 người vợ, tuy nhiên tôi không biết chắc con số chính xác. Vị vua đó có rất nhiều thê thiếp. Một trong những người vợ của vua đối mặt nhiều căng thẳng ở hậu cung và gặp khó khăn trong quan hệ với vua và những phi tần khác, do đó bà ấy dần trở thành một đệ tử của Phật. Giáo huấn chính yếu mà Đức Phật dạy bà ấy chính là những lỗi lầm của sinh tử. Sinh ra trong cõi luân hồi, chúng ta phải đối mặt rất nhiều khó khăn và thử thách, bởi đó là thực tại của cõi luân hồi. Khi thực hành theo lời Phật dạy thì bà ta chứng ngộ rất cao. Bà ấy cũng trở thành một trong những đệ tử xuất sắc của Phật. Bà ấy cũng có tầm ảnh hưởng đến Đức Phật trong việc chế các giới luật cho các tỳ kheo [Thầy cười]. Bà xin Đức Phật hãy đặt ra điều lệ này hay điều luật nọ [Thầy cười]. Đôi khi, Đức Phật chế luật theo ý của bà, bởi bà ấy đã hỗ trợ Đức Phật rất nhiều. Sáng nay, tôi vừa nhớ ra chính bà ấy là người xin Đức Phật chế luật không cho phép tu sĩ được bơi lội [Thầy cười]. Sáng nay tôi ở một khu nghỉ mát tại Thụy Sĩ, chúng tôi có chương trình thiền ở đó. Có người hỏi tôi có muốn bơi hay không. Đột nhiên tôi nhớ đến vị hoàng hậu đã xin Đức Phật đặt giới luật không cho phép các tu sĩ được bơi lội, vì vậy tôi không thể bơi [Thầy cười]. Theo tôi, những gì Đức Phật đã làm đều rất đúng đắn, quyết định của Ngài rất đúng. Vị hoàng hậu đó cũng rất đúng khi xin Phật chế luật không cho phép các tu sĩ được bơi. Phật đã đặt ra một điều luật rất đúng. Tôi nghĩ vị hoàng hậu đã làm rất tốt.

Khi giáo huấn vị hoàng hậu đó, trước hết Đức Phật đã nói về lỗi lầm của sinh tử. Đó là điểm thứ ba. Điểm này nói về những đặc điểm của cõi luân hồi. Cõi luân hồi là nơi có vô vàn thử thách. Có rất nhiều khó khăn và thử thách trên cõi đời, chúng ta phải chấp nhận chúng. Đó phải là tư tưởng đầu tiên trong tâm quý vị: Khó khăn và thử thách có hiện diện, vì chúng ta đang trong luân hồi. Ta phải chấp nhận điều đó. Tâm chấp nhận là yếu tố then chốt để đương đầu với khó khăn.

Điểm thứ hai là vô thường. Có ba điểm trong bước đầu tiên. Chết và vô thường là điểm thứ hai. Vô thường có nghĩa là mọi thứ đều có thể thay đổi, chúng không cố định. Khi nhìn vào mọi hiện tượng, chúng ta thường nhìn nhận chúng là cố định và cảm thấy chúng sẽ như vậy mãi mãi. Tuy nhiên, trong thực tế chúng không như vậy. Chúng có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và thay đổi có thể xảy đến với bất cứ ai. Điều quan trọng là chúng ta phải tư duy nhiều hơn về vô thường, mọi thứ đều có thể thay đổi. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nghĩ rằng mọi thứ đều thường hằng, và khi thấy sự thay đổi thì chúng làm quý vị rất buồn khổ. Vì cho rằng mọi thứ đều thường hằng và không thể thay đổi, quý vị rất khó chấp nhận khi chúng thay đổi. Chính vì vậy, trong pháp hành luyện tâm của đạo Phật, chúng ta cần nhìn nhận mọi thứ đều có thể chuyển dời, mọi thứ đều có thể thay đổi. Khi quý vị thấy sự thay đổi, hoặc khi quý vị thấy có người qua đời, tất cả những điều đó đều là bản chất của thực tại.

Luyện Tâm Bồ Đề [Pháp cho và nhận]

Bước thứ hai là luyện tâm bồ đề [Chánh văn]:

Nghĩ các pháp như giấc chiêm bao.

Quán sát căn bản cái biết vô sanh.

Ngay cả pháp đối trị cũng tan vào không.

Ngồi trong bản chất (không) của vạn pháp.

Đoạn kệ này nói về tánh không. Có lẽ tôi sẽ giải thích sau, vì bây giờ điểm này khá khó hiểu. Chúng ta sang đoạn kế tiếp:

Luyện tâm cho và nhận

Bằng hai luồng khí ra vào.

Bây giờ, luyện tâm ở bước thứ hai này như thế nào? Bước thứ hai là: Luyện tâm cho và nhận bằng hai luồng khí ra vào. Đây là bước thứ hai của pháp luyện tâm.

Điểm này nói về pháp hành cho và nhận. Quý vị cần biết cho cái gì và nhận cái gì. Rất đơn giản. Khi thực hành luyện tâm, quý vị nhắm mắt lại và quán tưởng phía trước mình là một người rất gần gũi mình. Khi thở vào, quý vị nghĩ rằng mình đang nhận lấy mọi khổ đau của người thân yêu đó dưới dạng ánh sáng màu đen đi vào cơ thể mình qua lỗ mũi trái. Khi thở ra, quý vị nghĩ rằng mình trao tặng tất cả hạnh phúc của bản thân, dưới dạng ánh sáng màu trắng, thoát ra từ lỗ mũi phải đến với người thân yêu của mình. Đây là một điểm quan trọng. Cho và nhận có nghĩa là cho đi mọi hạnh phúc của bản thân và nhận về hết thảy khổ đau của người khác. Quý vị thực hành hoán đổi như vậy.

Khi thiền quán, trước hết quý vị hãy quán tưởng gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc bất cứ ai… và nhắm mắt lại. Khi thở vào, quý vị nghĩ rằng mình đang nhận lấy mọi khổ đau của người thân yêu nhất. Khi thở ra, quý vị nghĩ rằng mình đang trao tặng hết thảy hạnh phúc của bản thân cho người ấy. Khi thở vào, hãy nghĩ rằng quý vị đang nhận lấy khổ đau của người khác dưới dạng ánh sáng đen đi vào lỗ mũi trái. Khi thở ra, hãy nghĩ rằng quý vị đang trao tặng hạnh phúc của bản thân dưới dạng ánh sáng trắng thoát ra khỏi cơ thể quý vị qua lỗ mũi phải và hòa tan vào người thân yêu mà quý vị đang quán tưởng.

Khi thực hành, trước hết quý vị hãy quán tưởng một người bạn thân của mình. Sau đó, từ từ quý vị cố gắng tăng dần về số lượng, có thể quán tưởng thêm bạn thân, gia đình, hàng xóm…, quán tưởng tất cả họ cùng lúc. Khi thở vào, nghĩ rằng quý vị đang nhận lấy mọi khổ đau của họ, và khi thở ra nghĩ rằng quý vị đang trao tặng họ hết thảy hạnh phúc của mình.

Ở điểm này, quý vị có thể thấy câu “Bằng hai luồng khí ra vào.” Cho và nhận phải nương tựa vào khí, có nghĩa là chúng phải được thực hành theo hơi thở của chúng ta. Khi quán tưởng nhận vào khổ đau của người khác, quý vị nghĩ rằng nỗi khổ của người khác dưới dạng ánh sáng màu đen đi vào cơ thể mình qua lỗ mũi trái. Khi trao tặng hạnh phúc của bản thân, quý vị nghĩ rằng hết thảy hạnh phúc dưới dạng ánh sáng màu trắng thoát ra khỏi cơ thể của mình qua lỗ mũi phải và hòa tan vào người mà quý vị đang quán tưởng trước mặt. Quý vị có thể thực hành 5 phút hoặc 10 phút bất cứ khi nào rảnh rỗi.

Ở điểm này, phần thứ hai là quán tưởng người quý vị ghét, và cố gắng nhận về nỗi khổ của người mình ghét. Đó là một việc rất khó. Khi nghĩ đến người mình ghét, khi hình ảnh người mình ghét hiện lên trong tâm quý vị, nó sẽ khiến quý vị rất khó chịu. Việc cố gắng nhận vào mọi khổ đau của người mình ghét lại càng khó khăn hơn nữa. Khi nghĩ về người mình ghét, rất khó để quý vị có thể nghĩ đến việc nhận vào khổ đau của họ. Do đó, trước hết quý vị hãy tha thứ cho họ từ trong tâm, tha thứ mọi điều sai trái mà họ đã gây ra cho quý vị. Hãy tha thứ trong tâm! Quý vị không cần hành động gì cả.

Nói chung, trong cuộc sống, sân giận và căng thẳng gây ra rất nhiều phiền toái và khó khăn. Sân giận và căng thẳng đến từ việc nghĩ về những người đã làm quý vị tổn thương, những người làm quý vị đau khổ. Mỗi khi nghĩ đến những người đó hoặc nghe nói về những người đó, quý vị nổi giận và căng thẳng. Đôi khi, rất khó để tha thứ cho người mà quý vị ghét bỏ. Mỗi lần nghe nói đến người mình ghét, mỗi khi hình ảnh của người đó hiện lên trong tâm, nó sẽ kích hoạt cơn giận và khiến quý vị căng thẳng hơn. Khi nổi giận và căng thẳng, nó sẽ khiến quý vị đau khổ hơn cả người quý vị ghét. Quý vị đều biết điều đó. Bước thứ hai của pháp luyện tâm hướng dẫn chúng ta đương đầu với những khó khăn này.

Trong cuộc sống, có những người gây khó dễ cho chúng ta, họ khiến ta rất khổ sở. Đôi lúc chúng ta thật sự cảm thấy những người đó khiến cho cuộc đời mình đầy thống khổ và phiền muộn. Có một sự việc rất buồn cười. Lần trước ở Nepal, tôi nghe nói sau khi trận động đất mạnh xảy ra, có vài người theo tôn giáo đã cố dự đoán rằng sẽ có nhiều cơn địa chấn nữa xảy đến vào ngày này hoặc ngày nọ. Họ cố đưa ra nhiều dự đoán. Sau đó, tôi nghe nói chính quyền Nepal đã bắt và bỏ tù tất cả những người đó. Phía chính quyền nói: “Nếu các ông biết nhiều như vậy thì tại sao không đoán trước trận động đất lớn vừa rồi đi! Nó đã giết gần 10 ngàn người. Sao các ông không dự đoán nó?”. [Thầy cười]

Trong cuộc sống, chúng ta không ưa vài người và đổ lỗi cho họ rất nhiều. Khi mọi việc không như ý, chúng ta luôn tìm ai đó để đổ lỗi. Ta đổ lỗi cho ai? Cho người mà ta không ưa. Quý vị sẽ đổ lỗi tất cả cho họ. Khi mọi việc diễn ra không hoàn hảo trong cuộc sống thì chúng ta luôn cố tìm ai đó để đổ lỗi. Đó là điều trước tiên chúng ta hay làm. Tuy nhiên, nếu mọi việc hoàn hảo thì quý vị chẳng bao giờ nói rằng đó là do một người nào đó giúp cho mọi việc hoàn hảo như vậy. Quý vị nghĩ rằng chính mình làm điều đó, công sức của quý vị là hoàn hảo. Khi mọi việc không được suôn sẻ lắm, chúng ta luôn cố tìm ai đó để đổ lỗi. Quý vị đổ lỗi cho họ một lần, hai lần, rồi ba lần…, và dần dần quý vị bắt đầu ghét họ. Mỗi khi hình ảnh của người quý vi ghét hiện lên trong tâm, nó khiến quý vị rất khó chịu. Ở đây, bước thứ hai của luyện tâm, mỗi khi hình ảnh của một người quý vị ghét hiện lên trong tâm, trước hết quý vị phải tha thứ cho họ từ trong tâm mình. Sau đó, việc tiếp theo là cố gắng từ trong tâm mình, đón nhận mọi khuyết điểm của họ và trao tặng họ mọi ưu điểm của bản thân.

Có vài lỗi lầm mà chúng ta luôn thường mắc phải. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi thấy mỗi khi tôi yêu cầu học trò làm điều này hoặc điều kia, đôi khi chỉ dẫn của tôi không thật sự rõ ràng. Bản thân tôi cũng có vài lỗi lầm. Khi chỉ dẫn của tôi không rõ thì các học trò không thể thực hành đúng đắn. Với người bình thường, chúng ta không cho rằng sai lầm đến từ những gì mình đã làm, chúng ta không nghĩ như vậy. Chúng ta luôn nghĩ sai lầm là của người khác. Lần này, hãy thực hành nghĩ về người quý vị ghét và cố gắng tha thứ cho họ. Sau đó, quý vị quán tưởng nhận về tất cả khuyết điểm của họ và trao tặng họ mọi ưu điểm của mình.

Ba chủ đề, ba độc tố, ba thiện căn

Điểm này nói về ba chủ đề [tam học], ba độc tố [tam độc]. Ba độc tố rất đơn giản, đó là bám chấp, sân giận, và vô minh. Vô minh là một trong những điều tệ hại nhất. Tôi nghĩ chúng ta đã bàn khá nhiều về vô minh trong các buổi trước. Quý vị bám chấp vào những điều tốt đẹp, khởi tâm ghét bỏ những điều xấu xa, và với những điều bình thường [trung lập] thì quý vị lại vô minh. Một trong những thực hành khó nhất là vượt qua bám chấp. Nói chung, trong cuộc sống quý vị bám chấp vào những điều tốt, ghét bỏ những điều xấu. Điểm chính ở đây là chúng ta phải giảm thiểu những phiền não này: bám chấp, sân giận, và vô minh. Một câu hỏi nảy sinh: Làm thế nào để giảm thiểu những phiền não này? Quý vị phải luyện tâm. Khi có thể luyện tâm một chút, khoảng 10 đến 15 phút, quý vị sẽ thấy luyện tâm giúp giảm thiểu bám chấp, sân giận, và vô minh.

Trong đời sống hàng ngày,

Đọc những bài thi kệ để buộc niệm,

Xây dựng “nhận lấy” khởi từ bản thân.

Để thực hành thì quý vị phải nhớ mình cần thực hành những gì. Để nhớ thì quý vị phải đọc những bài kệ này. Khi thuộc lòng những bài kệ trong tâm thì quý vị có thể nhớ và thực hành rất đúng đắn.

Quý vị có thể thấy câu kệ “Luyện tâm cho và nhận,” nên học thuộc lòng câu kệ này. Khi đã nhớ rồi thì quý vị khởi đầu thực hành. Học thuộc lòng các đoạn kệ thì việc thực hành sẽ dễ dàng hơn. Chính vì vậy, quý vị nên học thuộc lòng. Không phải học thuộc lòng toàn bộ, mà chỉ cần nhớ các đoạn quan trọng, ví dụ “Luyện tâm cho và nhận”. Nếu đoạn kệ này đã nhập tâm thì việc thực hành sẽ rất dễ dàng, vì các đoạn kệ gợi nhớ việc thực hành, và quý vị sẽ biết mình phải thực hành những gì.

Truyền thống luyện tâm ra đời sau khi tổ Atisha đến Tây Tạng. Truyền thống này đã trở nên rất nổi tiếng vào thế kỷ 12, 13, vì nó hướng dẫn một cách rất thực tế. Tôi nghĩ pháp luyện tâm vẫn còn rất có giá trị trong thế kỷ 21 này, rất có giá trị. Nói chung, điểm chính yếu của Phật pháp là hướng dẫn luyện tâm. Tôi vẫn thường nói một điều. Nếu muốn hiểu Phật pháp, quý vị phải hiểu Đức Phật. Nếu muốn hiểu Đức Phật, quý vị phải hiểu văn hóa Ấn Độ vì Đức Phật ra đời và trưởng thành trong nền văn hóa đó, nó ảnh hưởng rất nhiều đến Ngài. Vào thời điểm đó, Đức Phật đản sinh tại Nepal và Ngài đã trải qua hầu hết thời gian ở vùng hiện nay là Ấn Độ. Vùng đất đó hiện vẫn tồn tại. Nếu nhìn vào cách các nghệ nhân tạc tượng Phật, quý vị sẽ thấy tượng Phật Trung Hoa giống người Trung Hoa, còn người Tây Tạng làm tượng Phật rất giống với người Tạng. Nếu đến các quốc gia khác, quý vị sẽ thấy họ đúc tượng Phật giống với người ở đó. Tuy nhiên, Phật không phải là người Hoa, cũng không phải là người Tạng hay người Việt. Nhưng nếu nhìn tượng Phật Trung Hoa thì quý vị thấy Phật giống hệt người Hoa [Thầy cười]. Do đó, để hiểu Phật thì quý vị phải hiểu văn hóa Ấn Độ.

Một điểm khác đó là để hiểu Đức Phật, chúng ta cần hiểu ngôn ngữ mà Ngài đã dùng, điều này rất quan trọng. Phật đã không nói tiếng Hoa, Ngài cũng không nói tiếng Tây Tạng. Đức Phật đã dùng ngôn ngữ tên là Pali. Vào thời điểm Đức Phật đản sinh, mọi người đều nói tiếng Pali. Trong Kinh Kim Cang [Vajracchedikā Sutra], một bộ kinh rất nổi tiếng, Đức Phật chủ yếu thảo luận với thầy Tu Bồ Đề [Subodhi]. Tu Bồ Đề ra đời ở chính nơi mà Phật đã đản sinh. Do đó, thầy Tu Bồ Đề có chất giọng giống với chất giọng của Phật. Nếu nhìn vào Kinh Thánh của Jesus, có rất nhiều phiên bản khác nhau. Thậm chí, với Kinh Kim Cang hay những bộ kinh khác của Đức Phật cũng có nhiều phiên bản, như bản tiếng Hoa, bản tiếng Tây Tạng. Chúng không hoàn toàn giống nhau, có nhiều điểm khác biệt. Lần trước, khi tôi giảng Kinh Kim Cang ở Đài Loan, họ dùng bản tiếng Hoa. Có sự khác biệt lớn [giữa bản tiếng Hoa và bản tiếng Tạng], tôi có thể nói là có rất nhiều chỗ khác nhau. Như vậy thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tìm ngược về ngôn ngữ của Đức Phật, chúng ta phải đọc kinh bản tiếng Phạn [Sanskrit]. Đức Phật giảng Kinh Kim Cang bằng tiếng Phạn, chúng ta phải tìm hiểu bản kinh tiếng Phạn để biết Phật đã thật sự dạy điều gì.

Tôi có một kinh nghiệm. Vài người nước ngoài đã học đến trình độ Phạn ngữ cao cấp, nhưng khi họ nói chuyện với tôi thì tôi không hiểu được cách phát âm của họ. Thậm chí tôi từng gặp vài người học tiếng Tây Tạng rất nhiều, nhưng khi họ nói tiếng Tạng thì tôi không hiểu họ đang nói gì. Tiếng Phạn xuất phát từ ngôn ngữ nguyên thủy của Ấn Độ. Nếu quý vị không biết tiếng Ấn Độ thì rất khó học tiếng Phạn. Ở đây, điểm chính yếu là dù Đức Phật dạy điều gì, Ngài chủ yếu nhấn mạnh luyện tâm. Đó là điểm trọng yếu khi Ngài truyền trao giáo pháp.

Bây giờ chúng ta bắt đầu cầu nguyện.

Đức Khangser Rinpoche

Việt dịch: Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam 

Nguồn: Nền tảng luyện Bồ Đề Tâm

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung