Một vị Phật đã xuất hiện và thuyết giảng Giáo Pháp,
Giáo lý của Ngài vẫn hiện hữu và vẫn được noi theo,
Và có những bậc nhân từ đối với kẻ khác (cũng đang hiện hữu).
Những người không được sinh ra trong một kiếp chói sáng (Minh Kiếp), là kiếp có một vị Phật xuất hiện, thì ngay cả đến Giáo Pháp, họ cũng sẽ không bao giờ được nghe nói tới. Nhưng giờ đây chúng ta đang sống trong một kiếp đã có một vị Phật xuất hiện, và vì vậy chúng ta có được thuận duyên của sự hiện diện của vị Thầy đặc biệt.
Mặc dù một vị Phật đã xuất hiện, nhưng nếu Ngài không giảng dạy thì sẽ chẳng có ai được lợi lạc. Nhưng bởi Đức Phật đã chuyển Pháp Luân phù hợp với ba căn cơ khác nhau nên chúng ta có thuận duyên của việc truyền dạy Giáo Pháp.
Dù Ngài đã giảng dạy, nhưng nếu giáo lý của Ngài đã tàn lụi thì Giáo Pháp ấy sẽ không còn hiện diện ở đây để đem đến lợi lạc cho chúng ta. Nhưng bởi thời kỳ tồn tại của Giáo Pháp chưa chấm dứt, nhờ đó chúng ta có được thuận duyên về thời gian.
Dù giáo lý còn tồn tại, nhưng trừ phi chúng ta tuân theo những gì đã được truyền dạy thì Giáo Pháp ấy chẳng thể đem lại lợi ích gì cho ta. Nhưng bởi chúng ta đã thọ trì Giáo Pháp, nên ta có thuận duyên về phước duyên của riêng ta.
Dù chúng ta có thọ trì Giáo Pháp nhưng nếu không có hoàn cảnh thuận lợi được một vị Thầy tâm linh chấp nhận dạy dỗ thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được Giáo Pháp thật sự là gì. Nhưng bởi có một vị Thầy đã chấp nhận dạy dỗ ta nên chúng ta có được thuận duyên về lòng bi mẫn phi thường của Ngài.
Bởi ta cần có đầy đủ trọn vẹn năm yếu tố thuận lợi, thuộc về hoàn cảnh hơn là thuộc về chính chúng ta, nên năm yếu tố thuận lợi này được gọi là năm thuận duyên thuộc về hoàn cảnh.
Thời gian để vũ trụ hình thành, hiện hữu, bị hủy diệt và tồn tại trong một trạng thái của không tánh được gọi là một kiếp (kalpa). Một đại kiếp trong đó một vị Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian được gọi là một “kiếp chói sáng” hay là một Minh Kiếp (bright kalpa) trong khi đại kiếp không có một vị Phật xuất hiện được gọi là một “kiếp tối tăm” hay là một Ám Kiếp (dark kalpa). Từ xa xưa, trong Không Kiếp (kiếp hóa lạc – Kalpa of Manifest Joy) có ba mươi ba ngàn vị Phật xuất hiện. Tiếp theo là một trăm kiếp tối tăm. Sau đó, trong Kiên Kiếp (kiếp tuyệt hảo – Perfect Kalpa), tám trăm triệu vị Phật đã xuất hiện, rồi lại tiếp theo là một trăm kiếp không có Giáo Pháp. Rồi tới tám trăm bốn mươi triệu vị Phật xuất hiện trong Đề Hồ Kiếp (kiếp toàn hảo – Excellent Kalpa), sau đó là năm trăm kiếp tối tăm. Trong Diệu Kiếp (Kalpa Delightful to See), tám trăm triệu vị Phật xuất hiện và sau đó là bảy trăm kiếp tối tăm. Sáu mươi tư ngàn vị Phật xuất hiện trong Kiên Đề Hồ Kiếp (kiếp hoan lạc – Joyous Kalpa). Rồi tới kiếp của chính chúng ta gọi là Hiền Kiếp (Good Kalpa).
Trước khi kiếp của chúng ta xuất hiện, vũ trụ gồm một tỷ thế giới này (tam thiên đại thiên thế giới) là một đại dương bao la mà trên bề mặt của đại dương ấy đã xuất hiện một ngàn đóa sen ngàn cánh. Khi tự hỏi làm thế nào điều này có thể xảy ra, chư Thiên trong cõi Trời Phạm Thiên đã dùng thần lực thấu thị để minh xác được điều này và tuyên bố rằng trong kiếp này, một ngàn vị Phật sẽ xuất hiện. Họ nói rằng: “Đây sẽ là một kiếp tốt lành”, và “Hiền” (tốt lành) trở thành tên của kiếp ấy.
Từ thời đại khi thọ mạng của chúng sinh là tám mươi ngàn năm và Đức Câu Lưu Tôn Phật (Phạn: Krakucchanda) xuất hiện, và cho tới khi chúng sinh sẽ sống lâu không thể tính đếm và Đức Lâu Chí Phật (Phạn: Rucika) sẽ xuất hiện, một ngàn vị Phật sẽ đến với thế gian này, an trụ trên Pháp Tòa Kim Cương tại trung tâm của Diêm Phù Đề (Jambudvīpa). Mỗi vị Phật trong số một ngàn vị Phật sẽ chứng đắc Phật quả viên mãn ở đó và sẽ chuyển Pháp Luân. Vì thế, kiếp hiện tại của chúng ta là một kiếp chói sáng.
Theo sau đó là sáu mươi kiếp ngoại vi xấu ám, và sau đó, trong Vi Trần Kiếp (Kalpa of Vast Numbers), mười ngàn vị Phật sẽ xuất hiện. Rồi mười ngàn kiếp xấu ám khác sẽ xảy ra sau đó. Giữa sự luân phiên của những kiếp chói sáng và kiếp tối tăm này, nếu ngẫu nhiên chúng ta phải bị sinh ra trong một kiếp tối tăm, thì thậm chí ngay cả hai tiếng Tam Bảo cũng là điều mà chúng ta sẽ không bao giờ được nghe nói đến.
Ngoài ra, như Đấng Vĩ đại xứ Oddiyana đã có chỉ rõ, riêng truyền thống Mật Thừa hay Kim Cang Thừa cũng chỉ được truyền dạy một cách hiếm hoi:
Từ lâu xa về trước, ngay trong kiếp đầu tiên là Diêu Kiếp (Kalpa of the Complete Array), giáo lý Mật Thừa được Đức Phật có danh hiệu là Nhất Lai Vương Phật (Once-Come Buddha) truyền bá, và trở nên hết sức lừng lẫy. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà hiện nay chúng ta đang có cũng bao gồm Mật Thưà. Trong thời gian mười triệu kiếp, trong Tinh Tú Kiếp, Đức Phật Văn Thù (Mansjushri) sẽ xuất hiện, như ta đang xuất hiện, để khai phá giáo lý Mật Thừa trên một phạm vi cực kỳ rộng lớn. Đây là bởi vì chúng sinh trong ba kiếp này là những người thích hợp để lãnh hội Mật Thừa, và lý do mà giáo lý Mật Thừa không xuất hiện vào những thời điểm khác là bởi chúng sinh ở những thời đó không có khả năng hành trì những giáo lý này. [28]
Trong Hiền Kiếp này, vào thời hiện tại khi thọ mạng của con người là một trăm năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni toàn hảo đã xuất hiện trên thế gian, vì thế đấy là một kiếp chói sáng.
Giả sử một vị Phật đã xuất hiện, nhưng Ngài vẫn còn trụ trong thiền định và chưa giảng dạy Giáo Pháp. Chừng nào mà ánh sáng Giáo Pháp của Ngài chưa hiển hiện thì sự xuất hiện của Ngài không tác động gì tới chúng ta. Điều đó cũng giống như thể Ngài chưa từng xuất hiện.
Khi đạt được Phật Quả Chánh Đẳng Chánh Giác trên Tòa Kim Cương, Bậc Thầy của chúng ta đã thốt lên rằng:
Ta đã tìm ra một Giáo Pháp giống như cam lồ,
Thâm sâu, an bình, đơn giản, dễ hiểu, rạng rỡ.
Nếu ta giảng về Giáo Pháp ấy, sẽ chẳng ai hiểu nổi,
Vì thế ta sẽ ở đây, tịch lặng trong rừng.
Do đó, Ngài đã không giảng dạy trong bảy tuần cho tới khi Phạm Thiên (Brahma) và Đế Thích (Indra) khẩn cầu Ngài chuyển Pháp Luân. Hơn nữa, nếu những ai nắm giữ giáo lý chân chính mà không giảng dạy, thì Giáo Pháp ấy sẽ khó đem lại được bất kỳ lợi ích thực sự nào cho chúng sinh. Ví dụ Ngài Smrtijnana vĩ đại xứ Ấn Độ đã đến Tây Tạng vì mẹ Ngài tái sinh ra ở đây trong một Cô Độc Địa Ngục. Người thông dịch của Ngài đã chết trong cuộc hành trình, và Ngài đã lang thang khắp tỉnh Kham mà không thể nói được một tiếng Tây Tạng nào; sau đó, Ngài trở thành một người chăn cừu rồi chết ở đó mà không đem lại được lợi ích cho bất kỳ ai. Sau này khi Ngài Jowo Atisha đến Tây Tạng và biết được điều gì đã xảy ra, Ngài than khóc: “Đáng buồn thay! Dân Tây Tạng quí vị kém phước quá! Không đâu ở Ấn Độ, dù Đông hay Tây mà có được một học giả uyên thâm hơn Ngài Smrtijnana”, và chắp hai bàn tay lại, Ngài Atisha khóc.
Đối với chúng ta, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp Luân cho ba loại căn cơ khác nhau và Ngài đã thị hiện qua vô số hình tướng phù hợp với nhu cầu và căn cơ của những người cần được cứu giúp, dẫn dắt các đệ tử qua giáo lý của chín thừa để giúp cho họ trưởng thành trên con đường đạo và đạt được giải thoát.
Ngay cả trong một kiếp có Đức Phật xuất hiện và ban cho giáo lý, nhưng một khi thời gian để giáo lý này tồn tại đã tới lúc chấm dứt và Giáo Pháp chân chính mà Ngài đã dạy biến mất không để lại dấu vết gì thì kiếp ấy cũng sẽ hoàn toàn giống như một kiếp tối tăm. Thời kỳ trung gian giữa khi giáo lý của một vị Phật mất tăm dấu tích và khi giáo lý ấy lại được một đức Phật vị lai truyền dạy, thì thời kỳ ấy được mô tả là thời kỳ “không có Pháp”. Ở những nơi may mắn mà chúng sinh có đầy đủ công đức thì có các vị Độc Giác Phật (Pratyekabuddhas) xuất hiện, nhưng kinh điển không được giảng dạy hay thực hành [ở những nơi đó].
Ngày nay, chúng ta vẫn còn có những giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sự tồn tại của những giáo lý này đi theo một chu kỳ liên tục gồm mười thời kỳ. Trước tiên, có ba thời kỳ, mỗi một thời kỳ gồm năm trăm năm. [29] Trong thời kỳ này xuất hiện “giáo lý tâm yếu của Đức Phổ Hiền”, đó là quả. [30] Sau đó là ba thời kỳ kế tiếp, mỗi một thời kỳ gồm năm trăm năm dành cho thành tựu. [31] Tiếp theo là ba thời kỳ mà mỗi thời kỳ gồm năm trăm năm dành cho việc truyền dạy. Cuối cùng, một thời kỳ gồm năm trăm năm xuất hiện khi chỉ còn lại những biểu tượng mà thôi. Nói chung, chu kỳ liên tục này tạo nên mười thời kỳ, mỗi thời kỳ gồm năm trăm năm. Hiện nay chúng ta ở thời kỳ thứ bảy hay thứ tám. Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại mà năm sự suy hoại đang tăng triển: suy hoại về thọ mạng, về lòng tin, về cảm xúc, về thời gian và về chúng sinh. Tuy nhiên, giáo lý liên quan đến việc truyền dạy và chứng ngộ vẫn còn hiện hữu. Bởi việc truyền dạy và chứng ngộ không bị mai một nên chúng ta vẫn sở hữu sự thuận lợi có được toàn bộ Giáo Pháp.
Tuy nhiên, sự kiện Giáo Pháp vẫn còn hiện diện sẽ không có ích lợi gì trừ phi bạn tận dụng được Giáo Pháp ấy giống như mặt trời hừng đông, mặc dù nó chiếu sáng khắp thế gian nhưng cũng không tạo được ngay cả một tác động nhỏ bé nhất cho một người mù. Và cũng như nước trong một cái hồ lớn không thể làm người lữ hành đang đi tới bờ hết khát, trừ phi họ thực sự uống nước ấy. Cũng như thế, Giáo Pháp đã được trao truyền cũng chẳng thể nào tự một mình thấm nhập được vào tâm trí bạn nếu bạn không đón lấy.
Nếu việc đến với Giáo Pháp chỉ nhằm để bảo vệ bản thân bạn thoát khỏi bệnh tật và thoát khỏi những ảnh hưởng xấu xa trong cuộc đời này, hoặc vì bạn sợ hãi những đau khổ của ba cõi thấp trong những đời sau, thì Giáo Pháp ấy được gọi là “Giáo Pháp như sự bảo vệ chống lại sợ hãi”, và đó không phải là cách thức đúng đắn để đưa ta bước đi trên con đường đạo.
Nếu việc đến với Giáo Pháp chỉ để giúp cho ta có thực phẩm, quần áo trong đời này, hoặc để có được một phần thưởng tốt lành là được tái sinh trong cõi Trời hay được sinh làm người trong đời sau, thì Giáo Pháp ấy được gọi là “Giáo Pháp như sự tìm kiếm những gì ưu việt”.
Nhưng nếu đến với Giáo Pháp mà hiểu được rằng toàn bộ luân hồi đều không có ý nghĩa, và muốn nỗ lực tìm ra một con đường để giải thoát khỏi cõi luân hồi thì điều ấy được gọi là “thọ trì giáo lý bằng cách bước đến ngay ở khởi điểm của con đường”.
Cho dù nay bạn đã bắt đầu tu hành, thực hành Giáo Pháp thì điều ấy cũng sẽ chẳng ích lợi gì trừ phi bạn được một vị Thầy tâm linh chấp nhận cho làm đệ tử. Trong Bát Nhã Tập Kệ có nói:
Đức Phật và Giáo Lý dựa vào vị Thầy tâm linh.
Đấng Chiến Thắng, hiện thân tối thượng của mọi phạm hạnh tốt lành, đã nói như thế.
Giáo lý của Đức Phật thì bao la, những lời thuyết giảng đã được trao truyền thì vô số kể, và giáo lý ấy bao trùm một phạm vi rộng lớn với những chủ đề vô tận. Nếu không nương tựa vào những giáo huấn tâm yếu cốt tủy của một vị Thầy, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được làm cách nào để thâu góm được tất cả các điểm trọng yếu và đưa những điểm trọng yếu ấy vào thực hành.
Có một lần, khi Ngài Jowo Atisha đang ở Tây Tạng thì Khu, Ngok và Drom* đến hỏi: “Đối với những người muốn đạt được giải thoát và toàn giác thì giữa những kinh điển, những luận giảng, hay những giáo huấn khẩu truyền của vị Thầy, cái nào quan trọng hơn?”
* Ba đệ tử chính của Ngài Atisa (xem Thuật ngữ).
Ngài Atisha trả lời:
“Các giáo huấn của vị Thầy”.
“Tại sao vậy?”
“Bởi khi đi vào thực hành – cho dù các ông có thể giảng được toàn bộ Tam Tạng (Tripitaka) bằng trí nhớ và hết sức thiện xảo trong khoa siêu hình – nhưng nếu không có đuợc sự hướng dẫn thực tế của một vị Thầy thì các ông và Giáo Pháp sẽ không thể hợp nhất được.”
Họ tiếp tục hỏi: “Như vậy thì có phải điểm chính yếu của những giáo huấn của vị Thầy là để trì giữ ba giới nguyện và miên mật tạo những nghiệp lành với thân, khẩu và ý?”
“Điều đó chẳng có chút lợi ích nào,” Ngài Atisha trả lời.
“Làm sao có thể như vậy được?” họ kêu lên kinh ngạc.
“Các ông có thể giữ ba giới nguyện một cách toàn hảo, nhưng trừ phi các ông nhất quyết giải thoát bản thân khỏi tam giới trong vòng luân hồi, còn bằng không thì việc giữ giới nguyện chỉ tạo thêm những nguyên nhân cho luân hồi sinh tử. Các ông có thể miên mật tạo những nghiệp lành với thân, khẩu, ý cả ngày lẫn đêm, nhưng trừ phi các ông biết cách hồi hướng công đức của những việc làm đó cho giác ngộ viên mãn, còn bằng không thì chỉ cần hai hay ba niệm tưởng sai lạc là cũng đủ để phá hủy toàn bộ các nỗ lực đó. Các ông có thể là những vị Thầy và thiền giả, uyên bác và được mọi người sùng kính, nhưng trừ khi tâm các ông đã được chuyển hóa, không bám vào tám pháp thế gian tầm thường, còn bằng không thì bất kỳ điều gì các ông làm cũng sẽ chỉ là để cho cuộc đời hiện tại này, và các ông sẽ không thể gặp được con đường đem lại lợi lạc cho những đời sau.”
Điều này minh họa tầm quan trọng của việc ta được một vị Thầy – một thiện tri thức – quan tâm chăm sóc đến.
Hãy quán chiếu cuộc đời và những hoàn cảnh của riêng bạn dựa trên mỗi một điều kiện tự do trong tám điều kiện tự do và mỗi một điều kiện thuận lợi trong mười điều kiện thuận lợi, và nếu bạn nhận ra rằng tất cả mỗi một điều kiện thuận lợi (thuận duyên) đều đang hiện diện, thì bạn có được cái gọi là “đời người với mười tám điều kiện tự do và thuận duyên phú bẩm”. Tuy nhiên, Đấng Pháp Vương Toàn Giác Longchenpa, trong tác phẩm Như Ý Bảo Luận của Ngài, đã phân định mười sáu điều kiện phụ thuộc có thể gây khó khăn cho ta, không cho ta bất kỳ cơ hội nào để thực hành Pháp – gồm có tám hoàn cảnh xâm hại (intrusive circumstances), [32] và tám thiên hướng không thích hợp (incompatible proprensities). [33] Khi ta bị những điều kiện phụ thuộc này làm cho chao đảo thì điều quan trọng là không để cho mình bị suy sụp. Ngài có giảng rằng:
Rối loạn bởi năm cảm thọ, đần độn, bị ảnh hưởng độc hại thống trị,
Lười biếng, bị chìm ngập trong hậu quả của những ác hạnh trong quá khứ,
Bị làm nô lệ cho người khác, tìm sự bảo vệ thoát khỏi hiểm nguy, và tu hành giả dối.
Đây là tám hoàn cảnh xâm hại khiến ta không có được tự do (để tu hành).
Bị trói cứng trong những ràng buộc riêng, trụy lạc hoang độ,
Không biết chán ghét luân hồi, hoàn toàn thiếu lòng tin,
Vui thích với những hành vi xấu ác, không quan tâm gì đến Giáo Pháp,
Lơ là các giới nguyện và mật nguyện:
Đây là tám thiên hướng không thích hợp khiến ta không có được tự do (để tu hành).
Đức Patrul Rinpoche
Anh Dịch: Padmakara Translation Group
Việt Dịch: Nhóm Longchenpa, Thanh Liên – Tuệ Pháp
Hiệu đính toàn bộ: Tâm Bảo Đàn, Từ Bi Hoa đóng góp
Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi (Viet Nalanda Foundation Ấn tống, 2008)