Tôi tin rằng mục tiêu chính của đời sống chúng ta để mưu cầu hạnh phúc. Điều ấy là rõ ràng. Cho dù người ta tin tưởng tôn giáo hay không, cho dù người ta tin tưởng tôn giáo này hay tôn giáo kia, tất cả chúng ta đang tìm cầu điều gì đấy tốt đẹp hơn trong đời sống. Do thế, tôi nghĩ, động cơ chính của đời sống chúng ta là hướng đến hạnh phúc.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Những ngày của chúng ta được đánh số. Ngay lúc này, hàng nghìn người được sinh ra trên thế giới – do nghiệp duyên một số chỉ sống trong một vài ngày hay ít tuần, những người khác vận số kết thúc đánh dấu cả thế kỷ, thậm chí có thể vượt hơn một chút, thưởng thức tất cả những hương vị mà đời sống đã cung hiến: chiến thắng, thất vọng, vui sướng, hận thù và yêu thương. Chúng ta chẳng bao giờ biết. Nhưng cho dù chúng ta sống một ngày hay một thế kỷ, câu hỏi trung tâm luôn luôn hiện hữu: Mục tiêu đời sống của chúng ta là gì? Điều gì làm cho cuộc sống của chúng ta đầy đủ ý nghĩa?
— HOWARD CUTLER
Mục tiêu đời sống của chúng ta cần phải là tích cực. Chúng ta không phải được sinh ra với mục đích tạo nên những rắc rối, làm tổn hại người khác. Để đời sống chúng ta thật giá trị, tôi nghĩ chúng ta phải phát triển những phẩm chất lương thiện căn bản của con người – lòng nồng ấm, tính tử tế, bản chất từ bi. Rồi thì đời sống chúng ta sẽ trở nên đầy đủ ý nghĩa và hòa bình hơn – hạnh phúc hơn. Trong Đạo Phật, nguyên lý nhân quả được thừa nhận như một định luật tự nhiên – nếu quý vị muốn một sự kiện hay kinh nghiệm đặc biệt xảy ra, thế thì điều hợp lý để làm là tìm kiếm những nguyên nhân và điều kiện phát sinh ra hoàn cảnh như thế. Do vậy, nếu quý vị khao khát hạnh phúc, quý vị phải tìm kiếm những nguyên nhân có thể sản sinh hạnh phúc, và nếu quý vị không mong ước khổ đau, thế thì những gì quý vị nên làm là bảo đảm rằng những nguyên nhân và điều kiện có thể phát khởi đau khổ không còn sinh khởi nữa.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Mục tiêu đời sống chúng ta là hạnh phúc. Lời tuyên bố đơn giản ấy có thể được sử dụng như một khí cụ năng động trong việc hỗ trợ chúng ta vượt qua những vấn nạn trong đời sống hằng ngày. Từ viễn tượng ấy, nhiệm vụ của chúng ta trở thành việc loại bỏ những thứ có thể đưa đến khổ đau và tích tập những điều dẫn đến hạnh phúc. Phương pháp, sự thực tập hằng ngày, liên hệ đến việc tăng trưởng dần dần sự tỉnh thức và hiểu biết của chúng ta về những gì thật sự đem đến hạnh phúc và những gì không mang lại hạnh phúc.
— HOWARD CUTLER
Mặc dù có thể đạt được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không là một vấn đề đơn giản. Có nhiều trình độ. Thí dụ, trong Đạo Phật có một liên hệ đến bốn nhân tố của việc hoàn thành, hay hạnh phúc: sự thịnh vượng, mãn nguyện trần gian, tính chất tâm linh, và ánh sáng giác ngộ. Cùng với nhau tất cả những điều này bao hàm nhu cầu của con người cho hạnh phúc.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Khi cuộc sống trở nên quá phức tạp, tràn ngập bối rối, hay mê muội, thật hữu ích để đứng lại và nhắc nhở chính mình về mục tiêu hay ý định của mình. Hãy để một giờ, một buổi chiều, hay ngay cả một vài ngày để quán chiếu trên những gì sẽ thật sự đem đến hạnh phúc, và rồi thì điều chỉnh những ưu tiên của chúng ta căn cứ trên ấy. Việc này có thể đưa cuộc sống chúng ta trở lại trong phạm vi thích hợp, cho phép một nhận thức rõ ràng mới mẻ, và có thể cho làm cho chúng ta thấy phương hướng nào để tiến tới… Sự chuyển hướng đối với hạnh phúc như một mục tiêu đúng đắn và quyết định tỉnh thức đến việc tìm cầu một cách có phương pháp có thể thay đổi sâu sắc toàn bộ cuộc sống còn lại của chúng ta.
— HOWARD CUTLER
Nếu chúng ta sử dụng những hoàn cảnh thuận lợi của chúng ta, như sức khỏe tốt, hay sự giàu có của chúng ta, trong những phương thức tích cực, trong việc giúp đỡ những người khác, chúng có thể là những nhân tố đóng góp trong việc đạt đến một đời sống hạnh phúc hơn. Và dĩ nhiên, chúng ta thụ hưởng những điều này – những điều kiện thuận tiện, sự thành công vật chất, và v.v… Nhưng không có thái độ tinh thần đúng đắn, những thứ này có tác động rất nhỏ nhoi trong những cảm giác lâu dài về hạnh phúc. Nếu chúng ta nuôi dưỡng những tư tưởng thù ghét hay giận hờn dữ dội sâu thẳm bên trong chúng ta, nó sẽ tàn phá sức khỏe chúng ta; vì thế nó phá hoại một trong những nhân tố theo thói thường được xem như cần thiết cho một đời sống hạnh phúc… Hay, ngay cả nếu chúng ta có những sở hữu vô cùng quý giá, trong một thời khắc giận dữ, chúng ta có thể cảm thấy như quẳng đi hay làm vỡ chúng, chúng không có nghĩa gì, do vậy, không có gì bảo đảm rằng chỉ giàu sang có thể đem lại niềm vui sướng hay đầy đủ mà chúng ta đang tìm kiếm … Những thí dụ này đương cử sự ảnh hưởng vô hạn của thể trạng tinh thần, nhân tố tâm thức, có trên kinh nghiệm của đời sống hằng ngày. Thế thì tự nhiên, chúng ta phải đón nhận nhân tố ấy một cách nghiêm chỉnh.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Bây giờ đôi khi người ta lẫn lộn giữa hạnh phúc và khoái lạc … Hạnh phúc chân thật liên hệ nhiều đến tâm thức và trái tim. Hạnh phúc phụ thuộc một cách chính yếu trên khoái lạc vật lý là không bền vững: hôm nay nó ở đấy, nhưng ngày sau nó có thể không ở đấy nữa.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Đôi khi thực hiện “sự lựa chọn đúng đắn” trong đời sống là khó khăn bởi vì nó liên hệ đến việc hy sinh nào đấy đến những khoái lạc hiện thời … Nhưng đặt để bất cứ sự lựa chọn nào thì chúng ta phải đối diện với câu hỏi: “Điều này sẽ mang đến hạnh phúc cho tôi chứ?” có thể là một tiến trình năng động để hỗ trợ chúng ta thực hiện một cách thiện xảo tất cả mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta, không chỉ trên quyết định chỉ làm thỏa thích trong ma túy hay miếng bánh kem chuối nướng. Tự vấn chính chúng ta câu hỏi căn bản này đặt một quan điểm mới về mọi thứ, thay đổi sự tập trung từ những gì chúng ta đang tự phủ nhận đến những gì chúng ta thật sự đang tìm cầu – đấy là niềm hạnh phúc cơ bản.
— HOWARD CUTLER
Tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Ngài hạnh phúc chứ?”
“Vâng, ngài nói. Ngài dừng lại, rồi thì thêm rằng.
“Vâng… Một cách chắc chắn . “Có một sự chân thành lặng lẽ trong giọng nói của ngài mà nó làm chúng ta không nghi ngờ gì nữa.
“Nhưng có phải hạnh phúc là một mục tiêu hợp lý cho phần lớn mọi người chúng ta? Có phải nó thật sự có thể hiện thực?”
“Vâng,” ngài đáp. “Tôi tin rằng hạnh phúc có thể đạt được qua việc rèn luyện tâm thức.”
— HOWARD CUTLER
Khi tôi nói “rèn luyện tâm thức” trong phạm vi này, tôi không liên hệ đến “tâm thức” đơn thuần như một khả năng nhận thức hay thông minh. Đúng hơn, tôi đang sử dụng thuật ngữ trong ý nghĩa của từ ngữ Tây Tạng “sem”, mà nó có một ý nghĩa rộng rãi hơn nhiều, gần hơn với “tâm hồn” (psyche) hay “tâm linh” (spirit): nó bao hàm thông minh, và cảm giác, trái tim và tâm thức. Bằng việc đem đến một nguyên tắc nội tại nào đấy, chúng ta có thể trải qua một sự chuyển hóa về tâm thức của chúng ta, toàn bộ sự tiếp cận và quan điểm của chúng ta đến đời sống.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Khái niệm đạt đến hạnh phúc chân thật ở phương Tây dường như luôn luôn không xác định rõ ràng, có tính chất thoái thác, không thể nắm bắt. Ngay cả từ ngữ hạnh phúc (happy) xuất phát từ một chữ Ái Nhĩ Lan: happ, có nghĩa là may mắn (luck) hay cơ hội (chance) … Dường như không là một loại sự việc có thể được phát triển đơn giản bằng việc “rèn luyện tâm thức” – một ý tưởng nền móng của sự thực hành của Đạo Phật 2.500 năm qua. Tuy thế, mới gần đây với sự hỗ trợ của những nghiên cứu khoa học có hệ thống đối với quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta đã thấy những nguyên tắc Phật Giáo đồng quy với khoa học Tây phương, khi hiện tại những nhà nghiên cứu nhất trí rằng hạnh phúc an lạc có thể trau dồi một cách thận trọng được, rất giống việc nghiên cứu học hỏi những kỹ năng khác.
— HOWARD CUTLER
Mức độ tĩnh lặng của tâm thức, và niềm hòa bình của chúng ta càng sâu rộng, chúng ta càng có khả năng để hưởng thụ một đời sống hạnh phúc và hỉ lạc sâu xa hơn.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Khi chúng ta nói về thể trạng tĩnh lặng hay hòa bình của tâm thức, chúng ta không nên lẫn lộn với một tình trạng lãnh đạm, vô cảm hoàn toàn của tâm thức. Có một thể trạng tĩnh lặng hay hòa bình của tâm thức không có nghĩa hoàn toàn phù phiếm hay hoàn toàn trống rỗng. Sự hòa bình của tâm thức hay thể trạng tĩnh lặng của tâm tư được bén rễ trong tác động và từ bi. Có một trình độ cảm xúc và thông cảm cao cả ở đấy.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Cho đến khi nào vẫn thiếu vắng nguyên tắc nội tại đem đến sự tĩnh lặng của tâm thức , bất kể phương tiện và điều kiện thuận lợi ngoại tại mà chúng ta có, chúng sẽ chẳng bao giờ cho chúng ta cảm giác hỉ lạc và hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm. Trái lại, nếu chúng ta sở hữu phẩm chất nội tại này, sự tĩnh lặng của tâm thức, một trình độ vững vàng nội tại, rồi thì ngay cả nếu chúng ta thiếu vắng những điều kiện thuận tiện đa dạng nội tại mà thông thường chúng ta xem như cần thiết cho hạnh phúc, thì chúng ta vẫn có thể sống một đời sống vui sướng và hân hoan.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Chúng ta không cần nhiều tiền hơn nữa, chúng ta không cần sự thành công và danh tiếng to lớn hơn, chúng ta không cần một thân thể hoàn hảo hay ngay cả một người phối ngẫu hoàn toàn – ngay bây giờ, tại lúc này, chúng ta có một tâm thức có tất cả những khí cụ căn bản mà chúng ta cần để đạt đến một niềm hạnh phúc toàn vẹn.
— HOWARD CUTLER
Như được cảm thấy rằng một tâm thức kỷ luật đưa đến hạnh phúc và một tâm tư vô nguyên tắc dẫn tới khổ đau, và thật sự như được nói rằng đem kỷ luật vào trong một tâm thức con người là căn bản giáo huấn của Đức Phật… Ở đây, tôi đang liên hệ đến kỷ luật tự giác, không phải nguyên tắc bên ngoài áp đặt lên chúng ta bởi những người nào đấy. Cũng thế, tôi đang liên hệ đến kỷ cương [hay giới luật] áp dụng để vượt thắng những tính chất tiêu cực. Một nhóm tội phạm có thể cần những nguyên tắc nào đấy để tiến hành một vụ trộm cướp thành công, nhưng những nguyên tắc ấy là vô dụng.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Khi chúng ta nói về nguyên tắc nội tại này, dĩ nhiên, nó có thể liên hệ đến nhiều thứ, nhiều phương pháp. Nhưng nói một cách tổng quát, chúng ta bắt đầu bằng việc xác định những nhân tố nào điều đưa đến hạnh phúc, những nhân tố nào dẫn tới khổ đau. Đã làm điều này, sau đó chúng ta thực hiện dần dần việc loại bỏ những nhân tố tinh thần, cảm xúc, hay thái độ đưa đến khổ đau và trau dồi những nhân tố nào dẫn tới hạnh phúc. Đấy là phương thức.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Đạt đến hạnh phúc chân thật có thể đòi hỏi một sự chuyển hóa quan niệm của chúng ta, cung cách chúng ta suy nghĩ, và điều này không phải là vấn đề đơn giản. Chúng ta không nên có ý tưởng rằng chỉ có đơn thuần một chìa khóa, một bí mật, và nếu chúng ta có thể tiếp nhận căn nguyên ấy, rồi thì mọi thứ sẽ được giải quyết. Tương tự như chăm sóc thích đáng thân thể vật lý; chúng ta cần những sinh tố và dinh dưỡng đủ loại, không chỉ một hay hai loại. Cùng cách như thế, nhằm đề đạt đến hạnh phúc, chúng ta cần những sự tiếp cận và phương pháp đa dạng để đối phó và vượt thắng những thể trạng tinh thần tiêu cực muôn màu muôn vẻ và phức tạp.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Bước đầu tiên trong việc tìm cầu hạnh phúc là học hỏi. Trước nhất chúng ta phải học hỏi về việc những cảm xúc và thái độ tiêu cực tai hại như thế nào, không chỉ đối với cá nhân một người, mà cũng gây hại đến xã hội và tương lai của toàn thế giới. Điều này nâng cao quyết tâm của chúng ta để đối diện và vượt thắng chúng. Rồi thì có nhận thức về những khía cạnh lợi ích của thái độ và cảm xúc tích cực. Một khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta sẽ trở nên quyết tâm yêu mến, phát triển, và gia tăng những cảm xúc tích cực bất chấp điều ấy khó khăn như thế nào. Từ trong ấy cũng có một loại ý chí phát sinh đồng thời.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Những nghiên cứu và quán sát liên tục đã cho thấy rằng những người có khuynh hướng tập trung sự chú ý nhiều nhất vào chính họ thì không hạnh phúc và thường rút lui, nghiền ngẫm ủ ê, và ngay cả trái ngược hay đối kháng tính chất xã hội … Trái lại, nghiên cứu cho thấy rằng những người hạnh phúc thì thích hợp với những người đồng nghiệp và có những cuộc hôn nhân mạnh mẽ hơn và những mối quan hệ tốt đẹp hơn trong phổ thông. Những người ấy thụ hưởng một thân thể mạnh khỏe hơn, sống lâu hơn người khác mười năm. Hạnh phúc cũng đưa đến sức khoẻ tinh thần tốt hơn, khả năng sáng tạo và phục hồi to lớn hơn, và tăng trường năng lực để đối phó với nghịch cảnh. Thêm nữa, những cá nhân hạnh phúc đạt được sự thành công trong nghề nghiệp to lớn hơn, thu hoạch nhiều tài chính hơn, hưởng thụ sự thành công cá nhân rộng rãi hơn trên mọi mức độ… Và điều quan trọng nhất, những người ấy được thấy là yêu đời hơn, tha thứ hơn những người không hạnh phúc, có ý chí hơn trong việc mở rộng vòng tay để giúp đỡ những người khác.
— HOWARD CUTLER
Chuyển hóa tâm thức chúng ta cần thời gian. Có nhiều điểm tinh thần tiêu cực, vì thế chúng ta cần chăm chú và làm mất tác dụng từng thứ này. Điều ấy không dễ dàng. Nó đòi hỏi sự áp dụng liên tục những kỹ năng đa dạng và cũng cần thời gian để chính chúng ta quen thuộc với những sự thực hành. Đấy là một tiến trình học hỏi.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Bất chấp hành động hay thực tập nào chúng ta đang theo đuổi, không có điều gì không được làm dễ dàng hơn qua sự quen thuộc và rèn luyện liên tục. Qua rèn luyện, chúng ta có thể thay đổi; chúng ta có thể chuyển hóa chính chúng ta.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Cải thiện niềm hạnh phúc to lớn hơn bằng việc rèn luyện tâm thức là có thể được do bởi chính cấu trúc và chức năng của não bộ. Mặc dù theo di truyền học mạch điện trường liên kết với kiểu mẫu thái độ bẩm sinh hay bản năng nào đấy, nhưng não bộ không tĩnh lặng im lìm, không phải không thể thay đổi sửa chữa. Nó có thể thích ứng, dễ uốn nắn, thay đổi những thần kinh cá nhân và thay đổi vị thế mạch điện trường của nó thích ứng đến những tư tưởng và kinh nghiệm mới. Khả năng cố hữu của não bộ để thay đổi trong việc đáp ứng đến việc học hỏi được biết là “tính tạo hình của não bộ” – một tiến trình cung cấp căn bản sinh lý học cho những ý tưởng rèn luyện tâm thức cho hạnh phúc và khả năng của sự chuyển hóa nội tại.
— HOWARD CUTLER
Vào lúc bắt đầu, sự thực hành đầy đủ những thực tập tích cực rất khiêm tốn, vì thế những ảnh hưởng tiêu cực vẫn rất mạnh liệt. Tuy thế, cuối cùng, khi chúng ta dần dần bồi đắp những thực hành tích cực, những thái độ tiêu cực tự động giảm bớt… Qua sự thực hành lặp đi lặp lại những phương pháp này, chúng ta có thể đạt đến điểm, nơi mà một quấy nhiễu nào đấy có thể xảy ra nhưng những ảnh hưởng tiêu cực trong tâm thức chúng ta vẫn duy trì trên ngoài, giống như những làn sóng có thể làm cho gợn sóng lăn tăn trên bề mặt của đại dương nhưng không có nhiều tác động đến chiều sâu bên dưới.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Chúng ta không bao giờ được đánh mất cảnh giác về sự quan trọng của việc có một thái độ thực tiễn – của việc thể hiện thật nhạy cảm và tôn trọng đến thực tại cụ thể của hoàn cảnh chúng ta khi chúng ta cất bước trên con đường tiến tới mục tiêu cơ bản. Hãy nhận ra những khó khăn cố hữu trên con đường của chúng ta, và sự kiện rằng nó có thể cần thời gian và nỗ lực liên tục. Cũng quan trọng để làm một sự phân biệt rõ ràng trong tâm thức chúng ta giữa những ý tưởng và tiêu chuẩn mà chúng ta phán xét chương trình của chúng ta.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Thay đổi cần thời gian .
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Mỗi ngày ngay sau khi thức dậy, chúng ta có thể bày tỏ một thái độ tích cực chân thành của mình, hãy suy nghĩ, “Tôi sẽ sử dụng ngày hôm nay trong một cung cách tích cực hơn, tôi không nên làm uổng phí ngày quan trọng này.” Và rồi, lúc đêm về trước khi lên giường, kiểm soát lại những gì chúng ta đã làm, hãy tự hỏi mình: “Có phải tôi đã sử dụng ngày hôm nay như tôi đã dự tính?”
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Ranh giới giữa những hành động hay khát vọng tích cực và thèm khát tiêu cực không phải là nó cho chúng ta một cảm giác tức thời của sự thỏa mãn hay không mà là nó có kết quả trong những hậu quả tích cực hay tiêu cực.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Những khao khát nào đấy là tích cực: một sự mong muốn cho hạnh phúc, cho hòa bình, cho một thế giới thân hữu hơn. Những điều này rất hữu ích. Nhưng tại những lúc nào đấy, những khát vọng có thể trở thành vô lý …Tham lam là một hình thức cường điệu của khát vọng, và điều đó dẫn đến rắc rối. Mặc dù động cơ ẩn tàng của tham lam là để tìm kiếm sự thỏa mãn, những mỉa mai thay khi đạt được đối tượng mà chúng ta thèm khát, chúng ta vẫn không thỏa mãn. Thuốc đối trị cho tham lam là lòng toại nguyện. Nếu chúng ta có ý thức mạnh mẽ về toại nguyện, thì có đạt được đối tượng hay không cũng chẳng hề gì, cách nào thì chúng ta cũng toại nguyện.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Những cảm giác về toại nguyện của chúng ta ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khuynh hướng so sánh của chúng ta… liên tục so sánh với những người thông minh hơn, xinh đẹp hơn hay thành công hơn chúng ta cũng có khuynh hướng phát sinh ra sự ganh tỵ, chán nản, và không vui. Nhưng chúng ta có thể sử dụng cùng nguyên tắc trong một cung cách tích cực. Chúng ta có thể phát triển cảm nhận toại nguyện của chúng ta về đời sống bằng việc so sánh chính mình với những người kém may mắn hơn chúng ta bằng việc phản chiếu đối với tất cả những gì chúng ta có…
Thế nên, làm thế nào để đạt được sự toại nguyện nội tại? Có hai phương pháp. Một phương pháp là đạt được tất cả những gì chúng ta mong muốn và thèm khát – tất cả những thứ như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, người phối ngẫu toàn hảo và thân thể không chê vào đâu được. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra những bất lợi của cách tiếp cận này – nếu những thứ chúng ta mong muốn và thèm khát tiếp tục không được kiểm soát, chẳng chóng thì chầy chúng ta sẽ đi đến chống lại những thứ chúng ta muốn nhưng không thể có. Phương pháp thứ hai là không có những gì chúng ta muốn, nhưng tốt hơn là muốn những gì chúng ta có.
— HOWARD CUTLER
Việc sử dụng thời gian thích đáng là rất quan trọng. Trong khi chúng ta có thân thể này, và đặc biệt là bộ não con người tuyệt vời này, tôi nghĩ mỗi phút là một điều gì đấy quý giá. Ngày từng ngày chúng ta hiện hữu là rất sống động với niềm hy vọng, mặc dù không có gì bảo đảm về tương lai của chúng ta. Không có gì bảo đảm rằng ngày mai vào giờ này chúng ta sẽ hiện diện ở đây. Nhưng chúng ta vẫn đang làm việc hoàn toàn trên căn bản của nguồn hy vọng. Vì thế chúng ta cần thực hiện việc sử dụng thời gian của chúng ta trong một cung cách toàn hảo nhất. Tôi tin rằng việc sử dụng thời gian thích đáng là thế này: nếu chúng ta có thể, phụng sự người khác, những chúng sinh khác. Nếu không, tối thiểu hãy tránh làm tổn hại họ. Tôi nghĩ rằng đấy là toàn bộ căn bản triết lý của tôi.
— ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Một nghiên cứu hấp dẫn gần đây đã thấy rằng hạnh phúc có thể lan truyền cao độ, trải rộng trong mạng lưới xã hội giống như vi trùng. Những nghiên cứu khác cho thấy rằng những cảm xúc tích cực hoạt động như một loại thuốc đối trị với chứng thành kiến, là nguyên nhân làm thay đổi trong não bộ ngăn chặn những khuynh hướng bản năng chống lại những ai chúng ta nhận định là khác biệt, đánh đổ những ranh giới giữa Chúng Ta và Họ! Những điều tra cũng liên hệ đến những mức độ cao hơn của hạnh phúc với tự do và dân chủ trong một quốc gia! Do vậy, có thể biện luận rằng nếu chúng ta thật sự quan tâm về việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, thì nhiệm vụ của chúng ta phải là vui tươi.
— HOWARD CUTLER
Tôi thường chứng kiến niềm hạnh phúc cá nhân của Đức Đạt Lai Lạt Ma biểu hiện như một sự sốt sắng để dang tay ra đến những người khác, tạo nên một sự đồng cảm thân thuộc và trải rộng thiện chí, ngay cả trong một cuộc chạm trán ngắn ngủi nhất.
Một buổi sáng nọ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đang đi trở lại phòng của ngài trong khách sạn. Thấy một người nữ phục vụ bên cạnh thang máy, ngài dừng lại để hỏi, “Cô là người ở đâu?” Sau một khoảng khắc ngạc nhiên bởi một tu sĩ trong y áo nâu đỏ đoàn tùy tùng, nhưng cô ta mỉm cười và trả lời bẽn lẽn, “Mễ Tây Cơ.” Hai người đối thoại một cách ngắn ngủi trước khi ngài bước đi, để lại cô nàng cái nhìn thích thú và hài lòng. Sáng hôm kế, cô ta xuất hiện ngay hiện trường hôm qua với một người phục vụ nữa và họ chào ngài một cách nồng ấm trước khi ngài bước lên thang máy. Sự tiếp xúc tuy ngắn ngủi, nhưng cả hai dường như chứa chan hạnh phúc khi họ trở lại làm việc. Mỗi ngày sau đấy, họ kết hợp với vài người phục vụ nữa tại những thời điểm và nơi chốn quy định, cho đến cuối tuần có cả chục nữ phục vụ trong đồng phục trắng xám sinh động hình thành một hàng tiếp nhận trải dọc theo con đường đưa đến những thang máy.
— HOWARD CUTLER
Đức Dalai Lama XIV và Howard C. Cutter
Trích: Bản chất của hạnh phúc – Cẩm nang cho đời sống
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển Tỳ kheo Thích Từ-Đức / 20 – 11 – 2010