Trong chương này tôi sẽ nói về lòng bi và sự thiền định về lòng bi. Nhưng trước khi đi vào lòng bi, tôi muốn nhắc đến đôi điều quan trọng, sẽ giúp chúng ta dễ dàng hiểu được lòng bi là gì, làm sao để phát triển lòng bi và lòng bi có thể lợi ích như thế nào.
Trong Phật giáo, tâm là trọng điểm chính – cội nguồn của mọi hạnh phúc và bất hạnh, và là chìa khóa dẫn đến giác ngộ. Lẽ dĩ nhiên sự nhấn mạnh về tâm này làm một số người nói: “Những Phật tử là vị kỷ; họ sống trong cô tịch và thiền định một mình chỉ để giữ gìn cẩn thận tâm họ và đạt được sự mãn nguyện cá nhân. Họ không ra ngoài và làm việc trong đường phố với người cần họ phục vụ,” v.v…
Tuy nhiên, như bạn biết, trong Phật giáo nói chung, và nhất là trong Phật giáo Đại Thừa, phần quan trọng nhất của thực hành là để phát triển điều chúng ta gọi là Bồ-đề tâm, tâm của sự giác ngộ. Đây là thái độ nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ người khác, phục vụ người khác và áp dụng vào hành động không có bất cứ động cơ ích kỷ nào. Đó là điểm quan trọng nhất trong Phật giáo. Lẽ đương nhiên, việc một Phật tử thực sự theo đuổi một cuộc sống như thế hay không là vấn đề của riêng cá nhân họ. Nhưng những gì Phật giáo hay giáo lý đạo Phật dạy chúng ta là nên cống hiến toàn bộ cuộc sống, toàn bộ quan điểm, và mọi hành động của chúng ta chỉ để phục vụ người khác, để mở rộng thân, tâm mình đến người khác, đến toàn thể pháp giới. Khi mở rộng tâm mình đến người khác, chúng ta cũng mở rộng chính mình và phục vụ chính ta. Do vậy quan điểm nhận trách nhiệm phục vụ người khác đáp ứng hai mục đích.
Chúng ta phục vụ người khác như thế nào? Mục tiêu là để phục vụ người khác, nhưng chúng ta bắt đầu ra sao? Chúng ta phải bắt đầu với chính mình. Nếu tôi có ý định phục vụ bạn, tôi phải bắt đầu với chính tôi, bằng cách cải thiện quan điểm và hành vi để tôi trở thành một người phục vụ tốt cho bạn. Nếu không, thậm chí ngay cả khi tôi cố phục vụ bạn, tôi sẽ không thể làm được như vậy một cách thích hợp. Trước tiên chúng ta phải cải thiện chính mình.
Chúng ta có thể cải thiện tâm mình chỉ khi chúng ta có thể rèn luyện tự chủ tâm. Nếu tâm tôi tàn độc, bất cứ những gì tôi nói đều là lời lẽ của thô bạo và bất kỳ những gì tôi làm một cách trực tiếp hay gián tiếp đều sẽ làm hại người khác và cả chính tôi. Nhưng nếu có lòng bi, hiền lành và trí tuệ trong tâm trí và tấm lòng thì bất cứ những gì tôi nói sẽ là lời lẽ của tình thương, an bình, hoan hỷ, và bất kỳ những gì tôi làm đều sẽ phục vụ và lợi ích người khác.
Do vậy, để phục vụ người khác, chúng ta phải bắt đầu với chính mình, và để cải thiện chính mình, chúng ta nên bắt đầu với tâm thức, bằng cách rèn luyện nó và phát triển tâm Bồ-đề. Và đó là tinh hoa trong phương thức của đạo Phật.
Câu hỏi kế tiếp là: “Tâm là gì?” Đối với tâm, có hai phương diện: tâm giác ngộ và tâm khái niệm.
TÂM GIÁC NGỘ
Tâm giác ngộ, hay Phật tánh, là thật tánh của mỗi người. Đạo Phật tin rằng tất cả chúng sanh, không chỉ nhân loại mà còn cả loài vật, bao gồm côn trùng nhỏ nhất, đều có tâm giác ngộ. Thật tánh của tâm là sự giác ngộ, và nó là an bình và trong sáng. Bản tánh an bình và trong sáng của tâm có thể hiểu được qua cuộc sống hằng ngày của chính chúng ta và qua trí tuệ đạo Phật.
Có lẽ tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng nếu tâm không bị quấy động bởi các sự kiện bên ngoài, các cảm xúc tranh giành, hoặc những khái niệm chấp cứng, thì nó trở nên an bình. Tâm chúng ta càng trở nên an bình thì nó càng trong sáng. Giống như nước sẽ trong trẻo và yên tĩnh nếu không bị ô nhiễm hay khuấy động; như bầu trời sẽ thanh khiết và trong sáng nếu không bị ô nhiễm và che phủ bởi mây; cũng vậy, khi tâm thức không bị khích động bởi cuộc sống lôi cuốn và cảm xúc náo loạn thì nó an bình. Càng trở nên an bình, tâm càng có trí tuệ và trong sáng.
Những cảm xúc không chỉ làm nhiễu loạn sự an tĩnh của chúng ta, mà còn cả đến sự trong sáng của tâm. Đó chính là lý do vì sao chúng ta thường nghe những lời phàn nàn như: “Tôi giận quá không còn phân biệt được gì,” hoặc “Tôi bối rối quá chẳng thể hiểu được gì cả; không còn thấy được gì cả!” Khi cảm xúc hoặc tốc độ bận rộn của cuộc sống làm chúng ta choáng ngợp, đầu óc ta trở nên hoàn toàn mù quáng hay trống rỗng, không có nhiều trí tuệ hoặc khả năng.
Trạng thái tự nhiên của tâm là yên tĩnh và trong sáng. Việc đem tâm trở về trạng thái này không chỉ là điều có thể làm được mà còn là quan trọng là để cải thiện cuộc sống chúng ta. Phật giáo thậm chí còn đi xa hơn thế nữa. Người Phật tử tin rằng bản tánh thật sự của tâm, tự tâm chân thực, là giác ngộ. Tâm giác ngộ là rộng mở, nhất như và toàn giác.
Đối với tâm giác ngộ được rộng mở, khi tâm giác ngộ thấy sự vật, nó không khái niệm hóa trong khuynh hướng nhị nguyên. Nó thấy mọi sự như một trong tánh giác trí tuệ tự nhiên chính nó, giống như hình tướng phản chiếu trong một tấm gương. Nếu không sử dụng khái niệm nhị nguyên thì bạn hoàn toàn rộng mở đến toàn bộ pháp giới, giống như không gian hoàn toàn rộng mở, không có biên giới hay hạn chế. Tuy nhiên, chúng ta thường sử dụng khái niệm nhị nguyên. Khi thấy cái bàn, chúng ta nghĩ: “Đó là một cái bàn,” và chúng ta thấy nó ở đó như một đối tượng. Khi chúng ta nghĩ về cái bàn như một đối tượng, chúng ta định vị tâm mình là chủ thể, và do vậy tính nhị nguyên được thiết lập. Tính nhị nguyên được đi theo bởi tư duy phân biệt – “Đây là một cái bàn tốt, một cái bàn xấu, v.v…” – và từ đó chúng ta dựng nên một thế giới cứng ngắc của những bức tường và rào cản. Trái lại, tâm giác ngộ thấy sự vật trong một sự rộng mở hoàn toàn, không có bất cứ điều kiện nào.
Nếu có sự rộng mở hoàn toàn thì không thể có bất cứ biên giới nào, vì không có sự phân chia chủ thể và đối tượng. Do vậy, dĩ nhiên mọi sự là một, không phân biệt. Nếu mọi sự là một, thì không thể có bất kỳ xung đột hay mâu thuẫn, vì xung đột và mâu thuẫn hiện hữu với điều kiện phải có hai hay nhiều quan điểm.
Bây giờ bạn có thể suy nghĩ: “Điều đó có nghĩa tâm giác ngộ là một loại trạng thái ngủ say hay trống không, vì ngay cả nó không thể thấy các đối tượng.” Không. Trái lại, tâm giác ngộ là toàn giác. Tâm giác ngộ thấy mọi thứ. Không chỉ là mọi sự, mà mọi sự một cách tự nhiên. Đó là phẩm tánh của tâm Phật.
Xét theo một nghĩa, tâm giác ngộ thật quá xa lạ với chúng ta đến nỗi khó có thể hình dung về nó. Tuy nhiên, ta có thể có một ý niệm sơ sài về nó qua những câu chuyện “các kinh nghiệm cận tử” mà tôi thường thích trích dẫn. Dĩ nhiên một số kinh nghiệm này có thể chỉ là những ảo giác hoặc do thuốc gây ra. Nhưng nhìn chung thì có một số điều kỳ lạ bộc lộ trong những kinh nghiệm đó.
Ngay cả người không cần nhận ra tâm giác ngộ cũng có một số kinh nghiệm bên trong hay tâm linh trong suốt tiến trình chết, trước khi bước sang đời sống mới. Theo những gì tôi đã đọc trong sách và nghe kể lại, nhiều người kinh nghiệm việc đi qua một đường hầm và gặp ánh sáng tại cuối đường. Ngay khi tiếp xúc với ánh sáng họ cảm thấy an bình và hỷ lạc kỳ lạ. Nhưng điều kỳ lạ nhất mà họ nói là sự an bình và hỷ lạc đó chính là ánh sáng, và ánh sáng chính là hỷ lạc và an bình. Những gì họ cảm thấy là ánh sáng, và họ hòa nhập không chia cách với ánh sáng ấy. Do vậy, những người này có một kinh nghiệm không thông qua cách của tâm nhị nguyên thông thường. Ánh sáng không chỉ là một công cụ đem đến cho họ sự an bình. Ánh sáng là an bình và họ cũng chính là ánh sáng, và như vậy, chủ thể, đối tượng, kinh nghiệm tất cả đều là một.
Một người đàn ông khác kể chuyện sau khi chết một vài phút, ông ta thấy mọi sự đã xảy ra trong cuộc đời ông, từ khi sinh đến lúc chết. Ông không chỉ thấy từng sự kiện tiếp nối – mà thấy lập tức toàn bộ cuộc đời ông. Ông không thực sự thấy bằng mắt hoặc biết bằng tâm, mà chỉ nhận biết mọi thứ một cách sống động.
Do vậy, tâm giác ngộ thật sự không quá xa lạ. Tất cả chúng ta đều có thể kinh nghiệm nó khi nhận ra chân lý, hoặc vào một số thời điểm chuyển đổi quan trọng trong đời sống. Nhưng nếu không phải là một thiền giả, bạn có thể bạn không nhận ra tâm giác ngộ trong khi kinh nghiệm nó và sẽ lại xao lãng bởi toàn bộ những cảm xúc và khái niệm của thế gian.
TÂM KHÁI NIỆM
Tâm khái niệm là những gì xảy ra khi tâm giác ngộ bị chướng ngại bởi những cảm xúc và khái niệm che phủ. Nó là diện mạo của tâm kinh nghiệm sự vật qua khái niệm nhị nguyên, bám chấp vào bản ngã, tư duy phân biệt, và kinh nghiệm đau khổ.
Khi một đối tượng xuất hiện trước chúng ta, ví dụ như cái bàn, chúng ta lập tức ghi nhận: “Đây là một cái bàn.” Làm như vậy, chúng ta quan niệm cái bàn là một đối tượng, và tâm ta tự động trở thành chủ thể, và do vậy tính nhị nguyên (gNyis ’Dzin) được thiết lập.
Chính vào lúc suy nghĩ nhị nguyên bắt đầu, chúng ta “bám chấp vào bản ngã” (bDag ’Dzin), có nghĩa là chúng ta chấp vào đối tượng như một thực thể có thật. Trong Phật giáo, sự bám chấp tinh thần không chỉ là sự chấp ngã hoặc “cá nhân” (Gang Zag), cái tôi, là tôi, và của tôi, mà còn bám chấp vào “hiện tượng hiện hữu” (Tạng, Ch’os, Sanskrit: dharma – pháp), như cây cối, cái bàn, bạn bè, hoặc người nào đó.
SỰ PHÂN BIỆT
Sự bám chấp tinh thần này kéo theo sau đó những tư duy phân biệt – những ý nghĩ rằng cái bàn này là tệ, xấu, v.v…
Một khi chúng ta đã gán nhãn lên đối tượng theo cách này, tất cả mọi loại cảm xúc (Tạng: Nyon Mongs, Sanskrit: klesha – phiền não), như khao khát hay thù ghét… nảy sinh. Chúng ta nghĩ: “Tôi phải có cái bàn tuyệt đẹp này,” hoặc “Tôi ghét có cái bàn này, nó thật xấu xí.” Cảm xúc chính là những tư tưởng và cảm nhận bám luyến hay thèm khát sự vật mà ta đã ấn định như là đẹp và ghét bỏ những sự vật mà ta đã ấn định như là xấu. Cảm xúc làm phát triển và mạnh mẽ khái niệm nhị nguyên, chấp ngã, và suy nghĩ phân biệt của chúng ta.
Chúng ta càng quay tròn trong chu trình của tâm khái niệm, sự trở thành những khuôn mẫu suy nghĩ nhị nguyên càng mạnh hơn, trói chặt hơn sự chấp ngã, càng suy nghĩ phân biệt rộng khắp hơn, và càng choáng ngợp những cảm xúc. Kết quả là đau khổ và kích động, làm cuộc sống thế gian thăng trầm. Bánh xe của cuộc sống trần tục này sau đó tự nó chuyển động, xoay chuyển không gián đoạn. Và đây chính là vị trí mà chúng ta đang hiện hữu ngày nay. Tất cả người phàm tục chúng ta đều nằm trong vòng xoay của tâm khái niệm này với những suy nghĩ nhị nguyên, tâm phân biệt, cảm xúc tranh đua, đau khổ và khích động. Cuộc sống chúng ta là như vậy.
Trong quyển Năng lực chữa lành của tâm sắp xuất bản của tôi có một câu chuyện minh họa điều này. Khi tôi còn bé, khoảng sáu hay bảy tuổi, chúng tôi đi chơi và ăn ngoài trời. Vì chúng tôi hầu như không ra khỏi tu viện bao giờ, nên lần ra ngoài này là một cơ hội rất hiếm có. Chúng tôi đi trong vài ngày đến những cánh đồng xanh tươi rộng rãi rất đẹp ở Tây Tạng. Ở giữa các ngọn núi cao, có một cánh đồng xanh trải rộng. Toàn bộ cánh đồng được che phủ bằng những bông hoa nhiều màu sắc. Tôi chạy quanh đây đó với đôi chân trần, tận hưởng sự tiếp xúc với cỏ xanh, cái thấy và không khí tốt lành.
Đột nhiên một cơn đau nhói xuyên qua chân. Tôi ngã xuống đất và toàn thân co lại vì đau. Dường như toàn bộ thế gian đều trở thành sự đau đớn. Tôi không biết điều gì xảy ra. Cuối cùng một người lớn đến kiểm tra và mở rộng các ngón chân tôi, bắt được một con ong. Khi con ong bắt đầu chích, các ngón chân tôi co chặt lại. Chân tôi càng co chặt, con ong càng chích, và càng bị chích ngón chân tôi càng co chặt, cứ tiếp diễn mãi như thế. Nhưng ngay khi ngón chân tôi mở ra, con ong được tự do, sự đau đớn, ít nhất là cơn đau đang hành hạ tôi được giảm xuống.
Tương tự như vậy, theo Phật giáo, chính sự bám chấp vào bản ngã, nghĩa là tâm thức bám chấp vào cái tôi, là tôi, của tôi, cái bàn, người khác, kẻ thù của tôi, v.v… như những thực thể có thật, là gốc rễ của đau khổ. Khi tâm ta càng bị chật hẹp hơn, ta càng cảm thấy đau khổ hay kích động gia tăng. Nhưng khi tâm ta được buông lỏng và dịu đi, thì ta càng trở nên an bình, yên tĩnh và trong sáng. Và vì thế, như đã nói trước đây, tâm là chìa khóa, là điều quan trọng nhất để cải thiện, chữa lành và giải thoát.
Mọi hình tướng luôn xuất hiện trước chúng ta, dù ta là Phật hay phàm phu. Tuy nhiên, một vị Phật có thể thấy mọi sự cùng lúc không giới hạn, trong khi cái thấy của một người phàm phu bị giới hạn, méo mó và tâp trung vào một việc trong một lúc. Một vị Phật nhìn thấy với cái gọi là hai trí tuệ: trí tuệ nhìn thấy hình tướng đúng như thật tánh của chúng và trí tuệ nhìn thấy hình tướng như vẻ ngoài của chúng. Trái lại, nhận thức của người thường là giới hạn, cứng nhắc và lừa dối.
Gốc rễ sự khác biệt giữa một vị Phật và chúng ta nằm trong cách chúng ta nhận thức sự vật – dù hình tướng, âm thanh, cảm nhận, hay ý niệm. Khi thấy bất cứ thứ gì chúng ta đều chấp vào nó như thể nó có một bản ngã, một thực thể thực sự hiện hữu. Do làm như vậy, chúng ta bắt đầu phân chia “cái tôi” như chủ thể và hình tướng “sự vật” như đối tượng. Điều này dẫn đến khái niệm tri thức phân biệt sự vật là tốt hay xấu. Điều này lần lượt làm phát triển cảm xúc phiền não nung nấu, ngọn lửa của cái được gọi là kinh nghiệm của đau khổ và kích động.
Một vị Phật thấy mọi sự cùng lúc, hoàn toàn nhất như và rộng mở, không bám chấp vào tự thân của hiện tượng xuất hiện. Do vậy, không có sự phân biệt thành chủ thể và đối tượng, không có tâm phân biệt, không cảm xúc phiền não, và không kinh nghiệm đau khổ hay kích động.
Điểm mà chúng ta rơi vào luân hồi hoặc được giải thoát vào trạng thái giác ngộ là khi chúng ta bám chấp hoặc không chấp vào hiện tượng xuất hiện như thể chúng có một bản ngã. Điểm này giống như công tắc điện mở hay đóng. Nó là nguồn gốc và nguyên nhân của mọi đau khổ. Như Đức Shantideva đã nói:
Mọi sự quá khích, sợ hãi, và đau khổ
Hiện hữu trong thế gian
Đều xuất phát từ chấp ngã.
Do vậy chúng ta sử dụng con quỷ đáng kinh sợ này làm gì?
Nếu không buông bỏ bản ngã,
Chúng ta sẽ không thể chấm dứt đau khổ.
Giống như nếu không buông lửa khỏi tay,
Thì không thể tránh khỏi việc bị phỏng.
Thế nên, mục tiêu chính của tu tập thiền định là nhận ra và hoàn thiện sự nhận biết Phật tánh, thoát khỏi những che chướng tri thức bắt nguồn từ việc chấp ngã và những che ám cảm xúc của tham, sân, và si. Sự nhận biết này sẽ chỉ đến qua các phương pháp làm giảm và tẩy sạch cảm xúc phiền não và khái niệm tri thức nhị nguyên qua tu hành thiền định và những công đức tu tập, chẳng hạn như của lòng bi.
Mục tiêu tối hậu của thiền định là giải thoát khỏi chấp bám vào hình tướng, nhưng không phải ngăn chận chính bản thân hình tướng. Như vị tổ vĩ đại Tilopa của Ấn Độ thời xưa đã nói:
Này con trai, hình tướng không phải là vấn đề, mà sự bám chấp vào nó mới là vấn đề.
Này Nropa hãy cắt đứt sự chấp bám.
Mục đích của thiền định không chỉ là giữ cho không có cảm xúc và niệm tưởng, mà là nhận ra thật tánh, Phật tâm; là hoàn toàn giải thoát khỏi chấp ngã và thành tựu hoàn toàn của an bình tối hậu, rộng mở, nhất như và toàn giác.
Có lần, Saraha, một vị tổ vĩ đại nhất của Phật giáo Ấn Độ thời xưa đang theo đuổi rèn luyện mật tông với phối ngẫu của Ngài trong nơi cô tịch. Một ngày nọ, Ngài yêu cầu vị phối ngẫu làm món củ cải. Tuy nhiên khi vị phối ngẫu đến để dâng lên ngài, Ngài đã nhập định và trụ trong đó mười hai năm. Cuối cùng, khi xuất định Ngài lập tức hỏi vị phối ngẫu: “Món củ cải của ta đâu?”. Một lúc sau, Saraha nói với vị phối ngẫu rằng Ngài muốn đi vào núi để thiền định. Vị phối ngẫu từ chối dứt khoát: “Cô lập thân thể không phải là sự cô đơn thực sự. Sự cô đơn tối thượng là giải thoát khỏi (bám chấp) vào các đặc tính (hay những đối tượng hình ảnh) và các khái niệm tinh thần.” Bà nhận xét: “Mặc dù Ngài nhập định mười hai năm, Ngài vẫn không thể cắt đứt đặc tính vi tế của món củ cải khỏi tâm Ngài. Vậy đi vào núi có ích gì?” Nghe theo nhận xét minh bạch này, Saraha thiền định không chỉ về sự vắng bặt khái niệm, mà còn về sự nhận biết của chân lý tuyệt đối (gNyug Ma’i Don), và cả hai đều trở thành những vị tổ vĩ đại.
CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN BỘ
Chúng ta cải thiện và chữa lành tâm khái niệm và cảm xúc của mình như thế nào? Nói chung, điều quan trọng là biết rằng có ba giai đoạn để qua đó ta thực hiện theo trí tuệ Phật giáo. Đó là những giai đoạn tiêu cực, tích cực và hoàn thiện.
Với giai đoạn trước tiên, nếu chúng ta có nhiều khái niệm cứng rắn, nhị nguyên, kinh nghiệm các cảm xúc mãnh liệt, thường bị phiền muộn và đau khổ hành hạ, thì cuộc sống của chúng ta đang ở trong chu trình tiêu cực của cuộc sống trần tục. Vậy, giờ đây chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên chuyển đổi từ giai đoạn tiêu cực của cuộc sống phàm tục đến một cuộc sống tâm linh tích cực, và sau đó từ giai đoạn tích cực đến giai đoạn hoàn thiện, sự nhận biết của tâm giác ngộ.
Giai đoạn của chúng ta ở đây bây giờ, dù có chấp nhận hay không, chủ yếu là tiêu cực. Ngoài ra, điều này có thể thúc đẩy một số người nói: “Đạo Phật là bi quan yếm thế.” Nhưng quan điểm này không bi quan. Nó là hiện thực. Nhiều người trong chúng ta thực sự cảm thấy đau khổ và buồn phiền. Và ngay cả khi chúng ta sống trong cuộc sống rất tốt và hạnh phúc, thì điều đó cũng không kéo dài. Cảm giác này thường biến mất sau vài ngày, và chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra sau đó. Hôm nay có thể chúng ta khỏe mạnh, nhưng lại không biết về ngày mai. Ngày nay chúng ta còn sống, nhưng không thể kiểm soát được những gì xảy ra cho ta trong ngày mai. Ngày hôm nay có thể chúng ta giàu có, nhưng ngày mai có thể mất hết mọi thứ.
Vì thế, không có gì là chắc chắn; mọi sự đều thay đổi, đang được treo bằng một sợi dây mong manh. Tất cả mọi thứ đều thay đổi, đó là đặc tính vô thường; là tiêu cực, không đáng tin cậy, và không tích cực hay hoàn thiện. Do vậy chúng ta cần tiến đến một cuộc sống tích cực. Để rồi vào một lúc nào đó trong tương lai chúng ta có thể đi đến hoàn thiện.
Bất cứ lúc nào chúng ta phát triển một khái niệm, quan điểm, nhận thức, hoặc cảm nhận – nếu khái niệm hay cảm xúc làm giảm đi sức mạnh và sự trói buộc của tính nhị nguyên, trói buộc của chấp ngã, cảm xúc và kinh nghiệm, thì đó là cái thấy tích cực và một kinh nghiệm tích cực. Các thực hành về bố thí, trì giới, thiền định về lòng bi, sùng kính, suy niệm, v.v… sẽ nâng cao trạng thái tích cực của tâm. Chúng ta cần sử dụng suy nghĩ, và cảm xúc tích cực để cải thiện cuộc sống mình và dần dần tiến đến sự hoàn thiện.
Sự nhận biết của tâm giác ngộ, Phật tánh, là hoàn toàn rộng mở, nhất như, và toàn giác, đó là sự viên mãn. Giai đoạn viên mãn (hoàn thiện) là vượt lên suy nghĩ và cảm nhận tích cực. Tuy nhiên, điều này không cần thiết là mục tiêu của hôm nay, mà là mục tiêu của tương lai. Bây giờ, chúng ta nên cố gắng đi từ giai đoạn tiêu cực đến giai đoạn tích cực.
LÒNG BI
Đạo Phật đưa ra những pháp tu nào để giúp ta đi từ tiêu cực đến tích cực và sau đó đến hoàn thiện? Tất nhiên, vô số những thực hành thiền định của đạo Phật đều dành cho mục đích này. Nhưng hôm nay, chúng ta đang nói về lòng bi, do vậy lòng bi sẽ được chọn như phương tiện để xóa bỏ chu trình của tâm khái niệm.
Lòng bi có ba khía cạnh. Điều này không cần thiết giải thích đúng nguyên văn, nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp để chúng ta dễ hiểu.
Trước tiên là lòng bi tích cực, nó giới hạn, có cảm xúc và dựa trên khái niệm, nhưng là một tiếp cận tích cực.
Thứ hai là lòng bi phổ quát, mặc dù vẫn còn dựa trên khái niệm nhưng rộng hơn lòng bi tích cực vì nó phổ quát. Đây là cách tiếp cận với lòng bi mạnh mẽ nhất có thể đưa ra bởi một tâm khái niệm.
Cuối cùng là lòng bi của đức Phật, sự toàn khắp hay năng lực tỏa khắp (Thugs rJe Kun Khyab) của đức Phật. Đây là sự viên mãn của lòng bi.
Để bắt đầu, chúng ta thiền định về lòng bi tích cực. Để phát triển lòng bi này, chúng ta suy nghĩ chú tâm hoàn toàn về người nào đó đang đau khổ, và liên tục nghĩ về cảm giác đau khổ. Chúng ta cảm nhận sự đau khổ của người đó bằng cách đặt chính mình vào vị trí của họ. Kết quả là một lòng bi vô điều kiện phát sinh tận đáy lòng ta, cùng với một cảm giác quyết tâm nhận trách nhiệm làm nhẹ bớt nỗi đau của người ấy, đem đến hạnh phúc và giác ngộ cho họ. Thái độ quan tâm và quyết định nên được áp dụng vào thực hành qua sáu pháp ba-la-mật (Tạng: Phar Phyin, Phạn: paramita) như sự rộng lượng và khoan dung.
Lòng bi này là nhị nguyên, dựa trên khái niệm và được thúc đẩy bằng cảm xúc, nhưng nó là một thái độ tích cực và dẫn đến hành động tích cực, cố gắng làm những điều tốt nhất cho người khác trong khả năng của ta.
Sau đó điều gì xảy ra? Dĩ nhiên, tất cả các bạn đều đồng ý rằng quan tâm đến người khác là điều tuyệt vời. Nhưng còn hơn như vậy nữa, nó tạo ra nghiệp tốt, công đức, lợi ích cho người khác và cho chính chúng ta. Ngoài ra, khi đưa tay giúp người khác một cách tình cảm, chúng ta phá bỏ và tiêu diệt những rào cản tâm thức, những phòng ngự tình cảm, và sự phân biệt giữa tôi với bạn, giữa bạn bè tôi và kẻ thù tôi, điều này làm chia cắt giữa tôi với bạn, chúng ta với người khác, chủ thể với đối tượng.
Ở đây, chúng ta không bám chấp vào sự định danh như tôi, bạn bè tôi, v.v… Tâm thương yêu, quan tâm, hoàn toàn rộng mở của chúng ta với đầy đủ sức mạnh của cảm xúc tích cực, bùng phát mạnh mẽ và vươn tới những người đau khổ. Chúng ta tiếp cận những người đang đau khổ từ tận đáy lòng mình, và sau đó đến với tất cả không giới hạn. Ngoài việc phá bỏ lớp vỏ tâm thức và giúp đỡ không phân biệt, sức mạnh tình cảm dạt dào của lòng bi này cũng khuấy động và giải phóng mọi cảm xúc, khái niệm không thích hợp và nhiễm độc mà chúng ta đã tích lũy.
Mặc dù loại lòng bi này là cảm xúc và dựa trên khái niệm, nhưng nó là tích cực. Và khi ta vẫn còn đầy những khái niệm và cảm xúc, ta nên dùng chúng với sự thuận lợi nhất của mình để đẩy chúng ta trên con đường tích cực. Nếu có thể phát triển lòng bi như vậy trong tâm thức, thì bất cứ việc gì chúng ta làm cũng đều sẽ trở thành một hoạt động của lòng bi và là một suối nguồn của hạnh phúc cho người khác và cho chính chúng ta.
Lòng bi phổ quát là hoàn toàn mở rộng tâm ta với lòng bi đến toàn bộ pháp giới. Trong đó, chúng ta không cần thiết tập trung vào một người hay một vài người đang đau khổ, mà là đến tất cả – toàn bộ pháp giới. Trong thực tế, tất cả chúng sanh đều đau khổ trong chu trình luân chuyển chìm nổi của vô thường. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc và cuộc sống hoàn hảo, nhưng rồi điều đó sẽ thay đổi. Vì thế, chừng nào chúng ta còn ở trong chu trình thay đổi này, chúng ta vẫn còn trong vòng đau khổ.
Tuy nhiên, chúng ta không phải thất vọng về điều này, vì ta có thể cải thiện tương lai mình bằng việc cải thiện tâm qua sự phát triển lòng bi. Như đã đề cập đến trong lòng bi tích cực, chúng ta nên liên tục suy nghĩ và cảm nhận nỗi đau khổ của toàn bộ pháp giới để phát triển một lòng bi mạnh mẽ giúp vươn tới tất cả và nhận trách nhiệm dẫn dắt tất cả đến hạnh phúc và giác ngộ, không giới hạn hay phân biệt.
Về mặt tâm lý, tình cảm và sinh lý, sự tu tập này làm mở ra và trải rộng tâm và năng lượng của ta đến người khác và chính chúng ta, đến toàn thể pháp giới. Nó giúp chúng ta vượt lên lòng bi chật hẹp về gắn chặt với chính mình, gia đình, con cháu, hoặc một người cụ thể nào đó đang chịu sự đau buồn. Nếu chúng ta có thể mở rộng tâm hoàn toàn không có bất cứ biên giới, giới hạn, hay phân biệt nào đến pháp giới vô tận, thì đó là lòng bi và sự tu tập tâm linh tốt nhất trong phạm vi của tâm cảm xúc và khái niệm. Tâm thức, năng lượng và hành động chúng ta sẽ biểu thị lợi ích cho tất cả, bất chấp ai, dù là bạn bè hay kẻ thù, hoặc bề ngoài của họ đau khổ hay hạnh phúc.
Sự viên mãn hoàn toàn của lòng bi là lòng bi của đức Phật. Lòng bi của Phật là khía cạnh phổ quát hoặc năng lực tỏa khắp của Phật tánh. Nếu nhận ra và hoàn thiện tâm giác ngộ, chúng ta sẽ thành Phật, và năng lực tỏa khắp sẽ là lòng bi Phật của chính chúng ta. Vì thế, năng lực tỏa khắp của tâm thức giác ngộ và của đức Phật chính là đức từ bi.
Nhưng, xin nhắc lại, đây là mục đích cuối cùng, không phải mục tiêu trước mắt. Mục tiêu trước mắt của chúng ta là phát triển lòng bi tích cực, một lòng bi cảm xúc và dựa trên khái niệm, hướng đến những người đang đau khổ. Chúng ta cần bắt đầu với một người đang đau khổ, sau đó trải rộng ra đến nhiều người hơn và phát triển một thệ nguyện, một quyết tâm, từ tận đáy lòng: “Tôi nhận trách nhiệm giúp đỡ người này.” Sau đó chúng ta không chỉ dừng lại với những tư duy tích cực, mà còn áp dụng chúng với việc làm tích cực.
THIỀN ĐỊNH VỀ LÒNG BI
Chúng ta có thể thiền định về lòng bi bằng việc nghĩ về chuyện của một người đang đau khổ – quán tưởng hình ảnh và cảm nhận nỗi đau. Điều này có thể theo sau bằng một thiền định về chính lòng bi và về ánh sáng chữa lành của Đức Phật Đại Bi, Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) để chữa lành đau khổ. Trước khi bắt đầu thiền định, có ba điểm quan trọng để giải thích.
Trước tiên là phát triển một lòng bi mạnh mẽ xuất phát từ tận đáy lòng mình hướng đến người đang đau khổ, khiến nước mắt chảy ra khỏi mắt ta, các chân lông trên thân dựng đứng, và nếu đang ngồi ta thấy cần phải đứng dậy, nếu đang đứng, ta cảm thấy cần phải ngồi. Suy nghĩ và cảm nhận nỗi đau khổ là chìa khóa quan trọng nhất để gợi lên lòng bi trong chúng ta.
Ở đây, một số người có thể nghĩ: “Điều này quá nhạy cảm và đau khổ với tôi. Thậm chí tôi không thể hình dung một cảm giác như vậy.” Ngay lúc đầu tiên của thiền định, chúng ta có thể phát sinh cảm giác buồn nản. Nhưng lợi ích vĩ đại sẽ theo sau. Thiền định này thúc đẩy chúng ta nhận ra bản chất thực sự cấu thành cuộc sống này – sự đau khổ. Nó gợi cảm hứng để tự chúng ta thoát ra khỏi chu trình đau khổ và cứu người khác khỏi đau khổ. Như chúng ta đã đề cập trước đây, loại lòng bi cảm xúc và dựa trên khái niệm tích cực này mở rộng tâm thức đông cứng, chật hẹp của chúng ta bằng việc phá bỏ những giới hạn và hạn chế của tinh thần và cảm xúc ta. Nó phơi bày và giải phóng những thứ vô nghĩa mà chúng ta đã và đang bảo vệ trong chính mình.
Thứ hai là quán tưởng rõ ràng một người nào đó đang đau khổ và có những tư duy, cảm nhận mạnh mẽ về kinh nghiệm mà người đang đau khổ phải trải qua. Chúng ta đặt chính mình trong vị trí của người đó, cảm nhận nỗi đau đớn và sợ hãi. Sự quán tưởng một hình ảnh cụ thể và suy nghĩ về một thảm kịch thật sự với từng chi tiết sẽ đánh thức những cảm giác mạnh mẽ, chắc chắn, sống động và như thật của đau khổ và bản tánh đau khổ trong chúng ta. Và đó là chìa khóa để phát triển lòng bi.
Ở đây, một số người có thể cảm thấy: “Tại sao không để mặc người đang đau khổ này một mình?” Theo trí tuệ đạo Phật, nếu có người làm cho người khác phát sinh tư duy công đức hoặc thực hiện hành động đạo đức, thì người đó sẽ tạo được công đức. Ngoài ra, trong thiền định, không chỉ suy nghĩ về nỗi đau khổ của người này, mà chúng ta còn đem ân phước chữa lành từ Đức Phật Đại Bi và chia sẻ với người đó để chữa lành. Thế nên, chúng ta không chỉ sử dụng một người đang đau khổ như một phương tiện đạt được hạnh phúc và giác ngộ cho chính mình mà còn làm lợi ích cho người đó và người khác.
Thứ ba là quán tưởng Đức Phật Đại Bi để phát triển lòng tin và sùng kính Ngài, để cầu nguyện Ngài, và để đem ánh sáng ban phước của Ngài xoa dịu đau khổ của chính chúng ta, cũng như của những người khác và toàn thể pháp giới.
Một số người có thể nghĩ rằng cầu nguyện đến Đức Phật Đại Bi là sự thờ phụng thần quyền hoặc dựa vào tha lực. Tuy nhiên, Phật giáo không tán thành sự thờ phụng thần quyền. Phật giáo tin rằng nguồn lực duy nhất của sự thành tựu tâm linh chân thật là chính tâm chúng ta. Chỉ chính tâm chúng ta là nguồn năng lực tối thượng, vì nó sở hữu tâm giác ngộ, đó là Phật. Song, những Phật tử thực sự có sử dụng các hình tượng, cùng với nhiều thứ khác, như những nguồn giáo lý tâm linh, cảm hứng và sự hỗ trợ. Điều này được gọi là phương tiện thiện xảo. Nếu chúng ta thấy điều gì đó là tích cực và sử dụng nó trong cách tích cực, thì kết quả tích cực sẽ nảy sinh. Khi một hình ảnh được sử dụng có một ý nghĩa tâm linh, nó có thể giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc làm phát sinh những lợi ích tâm linh. Chúng ta tiếp nhận những lợi ích tối cao vì của chính tâm mình, thái độ tinh thần và cái thấy của chúng ta, không bởi hiện tượng bên ngoài.
Chính Đức Phật nói rằng Ngài chỉ phô bày cho chúng ta con đường hướng đến Phật tánh, một con đường mà Ngài đã hoàn tất. Nhưng thực tế đi trên con đường đó hoàn toàn do con người, những cá nhân, Đức Phật đã nói:
Ta đã chỉ cho các ngươi con đường giải thoát,
Giờ đây việc đạt được giải thoát là do các ngươi.