Lý tưởng của người Bồ Tát – Sila paramita hay Đạo Đức hoàn hảo |

Lý tưởng của người Bồ Tát – Sila paramita hay Đạo Đức hoàn hảo

Chưa được phân loại Tham khảo Thực hành

Sila  hay  Đạo đức (kinh sách Hán ngữ gọi là Giới hay giữ Giới, dịch âm là Thi-la), là phẩm tính thứ hai trong số các phẩm tính paramita (dịch âm là ba-la-mật, có nghĩa là toàn thiện, hoàn hảo, siêu nhiên. Theo Phật giáo Theravada thì có 10 phẩm tính paramita, Đại thừa gom lại thành 6 paramita), nêu lên phong cách sống, phản ảnh từ thể dạng tinh khiết hóa nơi con người của một vị bồ- tát. Sila không phải chỉ nêu lên ý niệm về một “nếp sống đạo hạnh” mà còn phản ảnh cả “một cuộc sống thấm nhuần Dharma (Đạo Pháp), một “phong cách hành xử lành mạnh”. Thật vậy, thuật ngữ Sila / Đạo đức gợi lên một cung cách hành xử khéo léo, một sự hòa hợp tự nhiên, không phải chỉ là những cử chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, mà là cách cư xử thường nhật, phản ảnh từ các cử chỉ khéo léo của mình (các tín ngưỡng thần khải đặt nền tảng tu tập dựa vào đức tin và các cảm tính tội lỗi, do đó phải xưng tội, rửa tội… Phật giáo quan tâm nhiều hơn đến việc giữ gìn đạo đức, xem đạo đức như là một phương tiện thiện xảo biến cải và tinh khiết hóa con người của mình, tạo ra cho mình một nếp sống hài hòa và đạo hạnh).

Sila / Đạo đức cũng thường được hiểu là “sự ngay thật” (rectitude / ngay thẳng, lương thiện) hay “luân lý” (morality), thế nhưng nhiều người cho rằng các ý nghĩa mở rộng đó có thể gây ra một chút khó chịu (unpleasant) (các chữ lương thiện, luân lý… có vẻ dạy đời, khó nghe, chướng tai) liên quan đến các thái độ hành xử mang tính cách quy ước và lỗi thời. Các ý niệm và lý tưởng của Ki-tô giáo thiết đặt dựa vào giáo lý về tội tổ tông, dù không nhất thiết phản ảnh giáo lý trong Phúc âm, thế nhưng đã khiến nhiều người phải mang nặng cảm tính tội lỗi, một sự nhận tội thật nặng nề. Những người sinh trưởng trong thế giới Tây phương, dù họ là những người không thích Ki-tô giáo, những người vô thần (atheist), những người theo chủ nghĩa nhân đạo (humanist) hoặc các chủ trương khác cũng vậy, tất cả đều không sao tránh khỏi ít nhiều ảnh hưởng tạo ra bởi ý niệm tội lỗi đó. Chúng ta phải thật ý thức điều này hầu tránh cho mình vô tình chịu ảnh hưởng của ý niệm tội lỗi ấy trên đường tu tập Phật giáo của mình, bởi vì điều đó có thể là nguyên nhân gây ra hoang mang trong việc giữ gìn đạo đức (ethics) của mình (xin lưu ý đây là một bài giảng của nhà sư Sangharakshita dành cho người Tây phương. Đối với những người Á châu – kể cả những người theo Ki-tô giáo – thì lại khác, ý niệm tội lỗi, nhất là tội tổ tông, dường như không đè nặng “quá đáng” trong tâm trí họ như những người Tây phương. Trái lại những gì ám ảnh họ là đạo đức, họ quan tâm đến phẩm giá của mình, chú ý đến các hành động và cung cách xử thế của mình xem có đạo đức hay không).

Những người ngoại đạo (pagan / païen) không màng đến các thái độ đạo đức của Ki-tô giáo vì chẳng mang lại ích lợi gì cả (tội tổ tông dù có rửa được thật sạch hay là không thì cũng chẳng thay đổi gì nhiều, ít nhất là trong cuộc sống hiện tại của mình), mà chỉ quan tâm đến các thể dạng đạo đức tự nhiên hơn, gần hơn với thực tế trong cuộc sống và các cảm nhận của con người.

Đạo đức tự nhiên và đạo đức quy ước

Nếu muốn hiểu được sự khác biệt giữa đạo đức tự nhiên (natural morality), tiếng Pali là pakati-sila (chữ pakati có nghĩa là căn bản hay tự nhiên) và đạo đức quy ước (conventional morality) hay pannatti-sila (pannati có nghĩa là tùy thuộc vào các quy chế hay quy luật, nói lên một sự quy định hay áp đặt) thì phải ngược về các thời kỳ đầu tiên khi Phật giáo mới được hình thành. Đạo đức tự nhiên phản ảnh một cung cách hành xử trực tiếp liên hệ đến các thể dạng tâm thần, trong khi đó đạo đức quy ước chỉ là những gì liên quan đến thói tục và truyền thống, không nói lên một căn bản tâm lý nào, cũng không trực tiếp liên quan đến một thể dạng tâm thức đặc biệt nào. Thí dụ như trường hợp cố tránh không làm một điều gì mang bản chất thèm khát, nhất là dưới sự kiềm tỏa của các thể dạng tâm thần bấn loạn, thì đấy là thái độ liên quan đến vấn đề đạo đức tự nhiên, và trường hợp chỉ được phép có một vợ, hay hai vợ hoặc bốn vợ, thì đấy là vấn đề đạo đức quy ước. Điều đó cũng tương tự như giở nón khi bước vào một nơi thiêng liêng, đấy chỉ là một hình thức lễ nghi, tương tự như các cử chỉ và các cung cách lễ nghi khác. Các cảm tính kính cẩn (reverence / sự tôn kính, thành kính hiện lên trong tâm thức) mới là những gì thuộc lĩnh vực đạo đức tự nhiên, thế nhưng các cách biểu lộ sự kính cẩn đó (chẳng hạn như cúi đầu, chắp tay…) thì hầu hết lại thuộc vào lĩnh vực đạo đức quy ước, dù rằng người ta cũng có thể cho rằng có một sự liên hệ nào đó thuộc lĩnh vực tâm lý giữa các thể dạng tâm thần và các cử chỉ trên thân thể (giở nón là một cử chỉ lễ nghi thế nhưng nếu có một sự thành kính nào đó đi kèm với cử chỉ ấy thì cũng có thể phản ảnh một thể dạng tâm lý).

Tín ngưỡng Phật giáo đưa ra nhiều giới luật, trong đó có một số dành riêng cho các nhà sư (những người xuất gia), thế nhưng các giới luật này không liên hệ gì cả với đạo đức tự nhiên, chẳng hạn như phải mặc áo màu vàng (áo cà-sa), cạo đầu, v.v. đấy chỉ là những gì thuộc lĩnh vực quy ước. Phật giáo Theravada cũng thẳng thắn công nhận điều đó, ít nhất là trên phương diện lý thuyết, bởi vì trên thực tế, đối với dư luận quần chúng, các giới luật này (mặc áo cà-sa, xuống tóc, v.v.) dù thuộc lĩnh vực quy ước, thế nhưng vẫn được xem ngang hàng với các giới luật quan trọng nhất trong lĩnh vực đạo đức tự nhiên, điều này quả đáng tiếc (cung cách hành xử đạo đức quý hơn chiếc áo mặc trên người. Đối với Ki-tô giáo ngày nay các vị linh mục có thể ăn mặc giống như người thế tục, chỉ cần thêm một vài dấu hiệu nhỏ – chẳng hạn như cổ áo La-mã / clerical collar, tiếng Pháp gọi là col romain – để chứng tỏ mình là người tu hành. Dầu sao khoác lên người chiếc áo của người xuất gia – ít nhất là đối với các nhà sư Phật giáo – cũng là cách nhắc nhở mình phải tôn trọng lý tưởng và những lời nguyện ước của mình).

Tiếc thay, một số người vẫn cứ cảm thấy phạm tội thật nặng nề mỗi khi vi phạm các giới luật quy ước, nhất là những người sống trong các xã hội vẫn còn xem trọng các giới luật đó và xem đấy là các giá trị đạo đức tự nhiên. Chẳng hạn trong một số xã hội, sự tích cực (chăm lo giữ gìn các giới luật quy ước) là “đạo đức”, và không tích cực là “kém đạo đức”; do đó những người “không có chút gì là tích cực cả”, với ý nghĩa là làm việc nhưng ăn lương (nhận thù lao), thường bị khinh miệt và bị xem là kém đạo đức. Thế nhưng họ vẫn cứ làm dù cảm thấy tội lỗi. Vì thế đôi khi chính họ cũng tự cảm thấy mình mang tội, tương tự như vi phạm vào một điều gì đó sai trái, thế nhưng thật ra thì họ không có một hành động nào đi ngược lại với đạo đức tự nhiên, mà chỉ không phù hợp với một vài tập quán và thói tục [mang tính cách quy ước]. Nói một cách khác, thì đấy chỉ là sự khác biệt giữa đạo đức và trách nhiệm. Do đó người ta cũng có thể vừa đạo đức vừa được kính trọng, nhưng cũng có thể rất được kính trọng (giữ được đạo đức tự nhiên) nhưng kém đạo đức (làm việc và nhận thù lao chẳng hạn), hoặc cũng có thể rất đạo đức (chăm lo giữ gìn đạo đức quy ước) nhưng không được kính trọng một tí nào cả (sự giữ gìn đạo đức của họ chỉ xoay quanh những gì liên quan đến thói tục và tập quán mang tính cách quy ước và công thức).

(Nhà sư Sangharakshita nêu lên một vấn đề vô cùng trọng đại đối với Phật giáo trong xã hội tân tiến và tổ chức hóa thật chặt chẽ ngày nay. Phật giáo theo truyền thống chủ trương người tu hành phải tách ra khỏi sự bon chen của xã hội, sống bằng “khất thực”, nói một cách khác là phải nhờ vả người thế tục. Thế nhưng tổ chức xã hội ngày nay thì lại đòi hỏi một sự gia nhập tích cực của tất cả mọi người. Thiết nghĩ đấy cũng có thể là một điều tốt, người tu hành cùng gia nhập với sự sinh hoạt của xã hội, giúp đỡ người thế tục từ các việc chân tay đến việc tu tập tâm linh. Lối sống đó phải chăng cũng là lý tưởng của người bồ tát? Ban ngày làm việc, ban đêm trở về chùa tụng niệm và ngồi thiền cũng có thể là một giải pháp cho Phật giáo trong tương lai, nói lên một sự mở rộng và hòa mình với xã hội. Chùa chiền nên chấp nhận những người vừa xuất gia vừa gia nhập vào sự sinh hoạt xã hội nhằm một mặt giúp đỡ người thế tục, một mặt tạo thêm phương tiện – chẳng hạn như nhận thù lao – để bảo trì chùa chiền và các sinh hoạt Phật sự, thay vì chờ đợi sự cúng dường của người thế tục. hoặc phải tổ chức các bữa cơm xã hội có ca nhạc giúp vui  Đối với người thế tục cũng vậy, nên chấp nhận những người tu hành tích cực, họ thường là những người chăm chỉ, lương thiện và có thể tin cẩn được. Nói một cách khác là người tu hành mang Dharma vào thế giới, và người thế tục góp phần mình vào sự quảng bá và tồn vong của Dharma. Nói chung là cổng chùa nên mở rộng cửa đón nhận những người tích cực và có thiện chí, nhằm xóa bỏ bức tường quy ước phân cách giữa người tu hành và kẻ thế tục. Ngày nay trong các xã hội Tây phương, những người bước theo con đường Phật giáo, nhất là trong giới trí thức có nghề nghiệp cao, dù hòa mình với cuộc sống thế tục thể nhưng họ vẫn đạt được các trình độ tu tập rất cao, gián tiếp và kín đáo góp phần nâng cao các giá trị tinh thần và tâm linh trong các xã hội Tây phương. Sự hòa nhập đó của Phật giáo Tây phương vào sự sinh hoạt xã hội tuy mới mẻ thế nhưng cũng đã cho thấy nhiều tác động. Chẳng hạn như việc ăn chay được quảng bá và trở thành cả một phong trào, quyền hạn của thú vật được luật pháp công nhận và bảo vệ, ngược đãi thú vật sẽ bị truy tố ra tòa, các hiệp hội Phật giáo chu cấp cho những người thất nghiệp hoặc tự nguyện tạm ngưng hành nghề để tham gia các khóa tu học và ẩn cư dài hạn, các nhóm tuyên úy ủy lạo tù nhân được tổ chức v.v.).

Thật ra chỉ có các hình thức đạo đức tự nhiên thì mới thật sự trực tiếp liên hệ đến karma (nghiệp) (mặc chiếc áo cà sa không nhất thiết sẽ tạo ra nghiệp lành mà là cung cách sống của người khoác lên mình chiếc áo ấy). Do đó không nên làm cho đạo đức đích thật, tức là đạo đức tự nhiên, bị lu mờ bằng cách xem trọng các thành kiến liên quan đến “cái tốt” và “cái xấu”, bởi vì đó cũng có thể chỉ là những gì căn cứ vào các thói tục địa phương, không liên hệ gì đến các “thể dạng tâm thần lành mạnh” hay “kém lành mạnh”. Tóm lại thật hết sức quan trọng là phải vững tin, từ bên trong thâm tâm mình, là mình thật sự đã tạo được cho mình một cuộc sống đạo hạnh, điều đó có nghĩa là không phải chỉ biết tuân theo các thành kiến của tập thể mà mình cùng sinh hoạt trong đó. Cuộc sống đạo hạnh nhất thiết liên hệ đến các thể dạng tâm thần tinh khiết, phản ảnh từ các cung cách hành xử và các ngôn từ lành mạnh. Các giới luật liên quan đến đạo đức tự nhiên là nhằm ngăn chặn không cho phép mình vị phạm vào cách hành động bất thuận lợi – có nghĩa là các hành động thúc đẩy bởi các sự thèm khát, ghét bỏ và vô minh – hầu giúp mình biết hành động dựa vào các thể dạng tâm thần thuận lợi, chẳng hạn như lòng hào hiệp, tình thương và trí tuệ.

Năm giới luật

Giới luật là căn bản tu tập của Phật giáo, quy định việc ứng dụng các nguyên tắc đạo đức trên tất cả mọi mặt trong cuộc sống. Căn bản nhất là một loạt gồm năm giới luật nêu lên trong câu “một khi đã bước vào con đường tu tập thì” :

1 – không được sát sinh,

2 – không được phép chiếm hữu những gì mà người khác không đồng ý cho mình,

3 – không được phép tà dâm,

4 – không nói dối,

5 – không dùng các chất độc hại.

(Năm giới luật trên đây mang ít nhiều tính cách cá nhân, quy định cho những người sống trong một khung cảnh xã hội đơn giản cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm. Nếu mở rộng ý nghĩa và bản chất của năm giới luật đó để áp dụng vào sự sinh hoạt vô cùng phức tạp của xã hội ngày nay, thì chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của năm giới luật ấy thật to lớn.

Không sát sinh có nghĩa là tôn trọng sự sống, không sát hại muôn thú, đó là cách mang lại một môi sinh lành mạnh cho địa cầu. Không sát nhân là cách trực tiếp không gây ra chiến tranh, không sản xuất và buôn bán khí giới, biến nhân loại trở thành nhân bản và hiền lành hơn, tạo ra một xã hội an bình và ít lo sợ hơn. Giới luật thứ nhất trên đây, tức là không sát sinh, thoạt nhìn khá đơn giản thế nhưng dường như cũng thừa đủ để biến cải toàn bộ sự sống trên hành tinh này.

Không lùa bắt nô lệ và khai thác sức người miễn phí, không xâm chiếm thuộc địa khai thác nhân lực và tài nguyên của các nước khác, những người lãnh đạo không đưa ra các khẩu hiệu để tận dụng sức lao động của những người nghèo khổ, các cường quốc không sử dụng mưu mô và sức mạnh để xâm lăng các quốc gia lân bang, đồng hoá các dân tộc khác để bành trướng lãnh thổ của mình, là cách tôn trọng giới luật thứ hai: không lấy những gì mà người khác không cho.

Không sờ mó trẻ con, không hãm hiếp phụ nữ, không quyến rũ đàn ông, không lợi dụng quyền lực để sách nhiễu tính dục những người yếu đuối hoặc các đứa trẻ vị thành niên, là cách tạo ra một bầu không khí hài hòa trong sự giao tiếp giữa con người với nhau, tạo ra một xã hội kính trọng nhân phẩm, là cách tôn trọng giới luật thứ ba: không được phép tà dâm.

Một vị tổng thống không nói dối; một tập thể lãnh đạo quốc gia không lường gạt người dân, tháo bỏ bớt các bảng khẩu hiệu và các biểu ngữ lừa bịp; các cơ quan truyền thông không che dấu sự thật, là cách mang lại cho xã hội một sự sinh hoạt ngay thật và lương thiện. Đó là cách tôn trọng giới luật thứ tư: không nói dối.

Không dùng ma túy và các chất độc hại sẽ tránh được sự tàn phá chính mình, tránh được các cảnh hung bạo, loại bỏ được các xã hội đen. Đó là cách tôn trọng giới luật thứ năm: không dùng những chất độc hại.

Sau đó là một loạt gồm mười giới luật, giúp người tu tập tinh khiết hóa thân thể, ngôn từ và tâm thức mình. Riêng đối với người bồ tát thì phải tôn trọng 64 giới luật.

Đối với việc giữ gìn giới luật nói chung thì phải thú nhận là có rất nhiều điều cần phải nói thêm, thế nhưng tôi chỉ muốn lưu ý tất cả chúng ta nên tìm hiểu về các phẩm tính đạo đức Phật giáo áp dụng cho ba bầu không gian sinh hoạt của sự sống con người là: việc ẩm thực, công ăn việc làm và hôn nhân (đây là các chủ đề của các bài giảng tiếp theo). Tuy nhiên trong các lĩnh vực sinh hoạt đó thì việc ẩm thực giữ một vai trò chủ yếu hơn cả. Ẩm thực thuộc vào sự sinh hoạt hằng ngày, và hầu hết chúng ta ăn uống nhiều lần trong một ngày. Thực phẩm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống, chúng ta dành ra rất nhiều thì giờ, sinh lực và tiền bạc vào việc dinh dưỡng, tạo ra cả một thế giới ẩm thực, nào là các phòng ăn, dụng cụ nấu nướng, v.v., Vì thế thật hết sức quan trọng là phải nghĩ đến các nguyên tắc đạo đức áp dụng cho việc ẩm thực.

Đức Urgyen Sangharakshita

Việt dịch: Hoàng Phong

Nguồn: Lý tưởng của người Bồ Tát

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung