Lý tưởng của người Bồ Tát – Hiến dâng mạng sống của chính mình |

Lý tưởng của người Bồ Tát – Hiến dâng mạng sống của chính mình

Bồ Đề Tâm Thực hành

Người ta thường dịch chữ dhyana [sang các tiếng Tây phương] là meditation (tiếng Việt là “thiền” hay thiền-na, tiếng Hán là Chan, tiếng Nhật là Zen, v.v.) cách dịch này khá phù hợp với mục đích của nó là một sự luyện tập, thế nhưng đối với từ này cũng như rất nhiều các từ khác [trong giáo lý Phật giáo] thì không thể tìm được các từ tương đương trong các ngôn ngữ Tây phương. Trên căn bản, dhyana gồm có hai thứ (hai khía cạnh): trước hết dhyana là các thể dạng tri thức vượt xa hơn và cao hơn các thể dạng tâm thức bình thường, sau đó cũng có thể hiểu dhyana là một phương pháp luyện tập thiền định nhằm mang lại sự cảm nhận về các thể dạng tri thức ở các cấp bậc cao siêu. Tôi sẽ tập trung việc giải thích vào ba trong số các cấp bậc này: trước hết là bốn dhyana thuộc thế giới hình tướng, tiếp theo là bốn dhyana trong thế giới vô hình tướng, và sau hết là ba cửa ngõ của sự giải thoát. Gộp chung cả ba thứ ấy với nhau sẽ giúp chúng ta có một ý niệm nào đó về ý nghĩa của dhyana là gì, dầu sao thì cũng nên hiểu rằng dù có giải thích như thế nào đi nữa thì cũng không thể nào có thể thay cho sự cảm nhận của cá nhân mình được (nói chung giải thích về những gì xảy ra trong khi thiền định thật hết sức khó)

Bốn dhyana thuộc thế giới hình tướng

Bốn dhyana đầu tiên thuộc vào thế giới hình tướng, còn gọi là bốn rupa dhyana (rupa là tiếng Phạn và tiếng Pali, có nghĩa là “hình tướng” hay “hình thể” / form, figure, image, tức là thuộc lĩnh vực vật chất hay vật lý). Đôi khi cũng thấy kinh sách nêu lên đến năm thể loại, do vậy chúng ta không nên quá câu nệ về các cách phân loại. Khi thấy nêu lên bốn dhyana thì đấy chỉ là một phương pháp mang tính cách thực dụng, nhằm mục đích phân định các cấp bậc thăng tiến tuần tự trên phương diện tâm linh, thực ra quá trình này là một sự diễn tiến liên tục, một sự phát huy tuần tự.

Theo truyền thống có hai phương cách nhận định về bốn thể dạng dhyana thuộc thế giới hình tướng. Phương cách thứ nhất dựa vào sự phân tích tâm lý, có nghĩa là tìm hiểu xem các yếu tố tâm lý nào hiện ra trong mỗi thể dạng tri thức thật cao độ đó. Phương cách thứ hai dựa vào các yếu tố hình ảnh.

Dhyana thứ nhất

Trên phương diện phân tích tâm lý thì đặc tính của dhyana thứ nhất là sự vắng mặt của tất cả mọi hình thức xúc cảm tiêu cực, nói một cách chính xác hơn là năm thứ chướng ngại (kinh sách Hán ngữ gọi là “ngũ triền cái”) là: 1- thèm muốn (desir) hay thèm khát (thirst), 2- ác tâm hay ác ý; 3- lười biếng hay đờ đẫn; 4- xao động hay lo âu; 5- nghi ngờ hay hoang mang. Khi các xúc cảm tiêu cực này chưa dừng lại, ít nhất cũng phải được đến một lúc nào đó, thì không thể nào có thể đạt được các thể dạng tri thức ở các cấp bậc cao hơn [bình thường] được.

Sự dừng lại của các xúc cảm [chướng ngại] đó thông thường chỉ mang tính cách tạm thời. Nhiều người thường không tránh khỏi ngạc nhiên trước sự chuyển đổi quá nhanh từ một sự cảm nhận về một thể dạng dhyana nào đó sang một sự cảm nhận mang tính cách hoàn toàn khác hẳn (đang cảm nhận được một thể dạng tâm thức sâu xa thì một xúc cảm bấn loạn cũng có thể bất chợt hiện ra. Nói chung các xúc cảm của chúng ta thường ở trong tình trạng chuyển động thường xuyên). Vài phút sau khi hành thiền thật sâu, người ta cũng có thể cảm thấy bức rức, trầm cảm, lo âu, đầy các thứ thèm muốn hoặc các xúc cảm khác. Vì vậy cần phải tạo được sự thăng bằng cho các cảm nhận tri thức thật cao của mình bằng cách giữ gìn đạo đức thật kỷ cương, tạo ra một tầm nhìn mở rộng và một sự nhận định với ít nhiều cương quyết trong cuộc sống tâm linh của mình, hầu giúp cho sự cảm nhận dhyana có thể tìm được một vị trí trong cuộc sống của mình. Dầu sao người ta cũng có thể cảm nhận được dhyana dưới hình thức một sự gượng ép (cố gắng), thế nhưng không thể nào duy trì được thể dạng đó bền vững được, bởi vì nó không được chống đỡ bởi toàn thể con người của mình. Đôi khi một người nào đó tỏ ra không hề đạt được một bước tiến nào trên phương diện tâm linh, thế nhưng lại có thể hành thiền rất “tốt”, trái lại nhiều người khác cho thấy một sự thăng tiến đáng kể (một người tu hành rất gương mẫu chẳng hạn), thế nhưng lại không thực hiện được các thể dạng thiền định sâu xa. Thật hết sức khó nhận biết chính xác sự thăng tiến tâm linh của người khác, vì thế không nên đánh giá họ một cách hấp tấp. Điều quan trọng hơn cả là sự mạch lạc (coherence / sự đều đặn) [trong cuộc sống tâm linh], nhưng không hề là những sự thành công ngoạn mục thỉnh thoảng mới xảy ra.  

Dầu sao thì tính cách mạch lạc cũng không thể là yếu tố duy nhất mang lại các thể dạng thiền định thật sâu xa. Tất nhiên là phải tránh các chướng ngại (ngũ triền cái) ngăn chặn việc hành thiền và các sự xao lãng bên ngoài (theo dõi hơi thở sẽ hướng sự chú tâm vào bên trong chính mình), do đó phải tìm một nơi thích nghi và những lúc thuận lợi [trong ngày] để luyện tập, hầu giữ được sự đều đặn, và giúp cho sự tập trung tâm thức được dễ dàng. Thế nhưng vấn đề chủ yếu vẫn là sự quyết tâm đạt được tiến bộ trong việc luyện tập của mình. Tuy nhiên cũng có những lúc khó tránh khỏi thật nhiều thối chí (resistance / sức đề kháng) hiện lên từ những nơi sâu kín bên trong chính mình, là thành phần của con người mình không muốn mình thay đổi hay biểu lộ một thứ gì khác cả (một sự lười biếng tự nhiên, một sức đề kháng mang tính cách bản năng nhằm bảo vệ sự sống của mình, không muốn con người của mình thay đổi. Cảm tính đó thường hiện ra như là một sự ích kỷ kín đáo, tạo ra mọi sự khó khăn trong cuộc sống tập thể, từ trong gia đỉnh đến ngoài xã hội. Thiền định trái lại là một cách biến cải con người của mình do đó có thể gặp phải sức đề kháng mang tính cách bản năng của mình). Chúng ta viện hết cớ này đến cớ khác để ngưng luyện tập và xem sự thoái thác đó là chính đáng. Chỉ có sự quyết tâm đích thật vượt lên trên sức đề kháng đó mới có thể giúp chúng ta đi xa được.

Thực hiện được sự quyết tâm đó thì việc thiền định cũng sẽ trở thành một sự sinh hoạt tương tự như bất cứ một sự sinh sinh hoạt nào khác trong cuộc sống: có nghĩa là nếu muốn mang lại kết quả thì phải ra sức. Nhiều người rất muốn kiếm được thật nhiều tiền, thế nhưng trên thực tế thì lại không chịu cố gắng, nhất định không làm gì cả. Trong khi đó những người tạo được nhiều của cải là những người không màng đến các chuyện khác, ngày đêm cố sức làm giàu. Chuyện đó cũng tương tự như những người mong muốn trở thành một văn hào lừng danh hay một nhạc sĩ nổi tiếng, dồn tất cả sinh lực của mình vào đó để khám phá xem các tài năng ấy có thật sự hàm chứa bên trong con người của mình hay không?

Đối với phép thiền định cũng vậy, sự khác biệt duy nhất là với thiền định thì thành công là một điều chắc chắn. Người ta có thể để ra mười năm để sáng tác một bài thơ tuyệt vời, thế nhưng bài thơ lại quá tệ. Trái lại nếu bạn để ra mười năm luyện tập thiền định và đạt được các thể dạng dhyana, thì không thể nào bảo rằng các thể dạng đó không tuyệt vời. [Đối với việc luyện tập thiền định] không thể nào thất bại được. Tại Ấn độ người ta thường nói rằng nếu dồn nghị lực vào việc luyện tập tâm linh thì cũng chẳng khác gì như dồn nghị lực trong các lĩnh vực vật chất, sự thành công là một chuyện tất nhiên, có rất nhiều luận cứ chứng minh cho điều đó. Nếu đặc biệt quan tâm đến một công việc nào đó thì chúng ta tất sẽ tìm được nghị lực để thực hiện công việc ấy. Nếu không thật sự mong muốn thì chẳng phải nhọc công để mà làm gì.

Vậy thì phải làm thế nào để có thể chuyển một sự nhận định trí thức về sự lợi ích của một điều gì đó trở thành một sự mong ước thật nhiệt tình giúp mình thực hiện được điều đó (hiểu được thiền định là một sự lợi ích, thế nhưng phải làm thế nào để mang lại sự lợi ích đó cho bản thân mình). Phương cách duy nhất là phải thiết lập một sự nối kết trên phương diện xúc cảm, có nghĩa là phải khơi động được sự mong muốn đó. Giải pháp duy nhất là trước hết phải tìm hiểu xem những gì mà mình thật sự mong muốn, sau đó là tìm cách thiết lập một đầu cầu nối liền sự mong muốn ấy của mình với mục đích mà ngay đang trong lúc này mình cũng chỉ nhận biết được nó trên phương diện trí thức mà thôi. 

Hãy nêu lên một thí dụ cụ thể, chẳng hạn chúng ta say mê nghệ thuật điêu khắc, thế nhưng đồng thời mình vẫn nghĩ rằng Phật giáo là một cái gì đó rất tốt (hữu ích), vậy phải làm thế nào để hòa hợp giữa lý trí (lợi ích của Phật giáo) và con tim (say mê điêu khắc) của mình? Giải pháp có thể là mình vẫn tiếp tục hăng say học hỏi về điêu khắc, thế nhưng nên hướng sự say mê đó vào lĩnh vực ảnh tượng Phật giáo. Bởi vì nếu phải học một cái gì đó mà mình không thích, thì sớm muộn sẽ có một tác động thật mạnh – phát xuất từ một phần trong các xu hướng của mình mà mình không quan tâm đến nó – sẽ khiến mình dần dần không còn muốn quan tâm đến nó nữa (chẳng hạn sự mong mỏi được học hỏi và luyện tập thiền định là một sự thúc dục hay xu hướng nơi con người của mình, thế nhưng mình thì lại say mê những thứ khác, điều đó sẽ khiến sự thúc dục biến cải con người của mình bằng thiền định sẽ bị lu mờ và che khuất, khiến mình dần dần không còn nghĩ đến nó nữa, và nó sẽ trở thành một cái gì đó mà mình không còn ham thích nữa).

(Nhà sư Sangharakshita nêu lên trên đây một thí dụ cụ thể về cách hòa hợp giữa sự say mê nghệ thuật và sự tu tập. Vậy chúng ta hãy nêu lên thêm một thí dụ khác, đơn giản và bình dị hơn. Chẳng hạn một phụ nữ say mê nấu ăn và làm bánh, gia đình, chồng con, bạn bè, tất cả mọi người đều từng được thưởng thức và thán phục tài năng và sự say mê ấy của mình. Thế nhưng một hôm nào đó hãy cứ thử đặt hết tâm hồn và tài khéo léo của mình để làm một ổ bánh thật ngon và thật đẹp, sau đó bất ngờ đem biếu một cụ già cô đơn hay một gia đình nghèo khó trong xóm, hoặc chờ đúng lúc mang tặng một người ăn xin thường đi ngang nhà. Họ có thể là những người chưa hề được thưởng thức một ổ bánh vừa ngon lại vừa đẹp như vậy. Cử chỉ đó sẽ mang lại một sự xúc động cho người nhận và cả một niềm vui sướng cho người biếu. Đó là cách mang lòng từ bi trong con tim mình để đặt vào đôi bàn tay để ngửa của mình. Đấy là một cách hòa hợp giữa sự say mê bình dị và sự tu tập cao quý của mình)   

Do đó chúng ta cũng nên tự hỏi: “Vậy tôi phải làm gì đây? Tôi có thật sự muốn thiền định hay không? Tôi có thật sự mong muốn học hỏi Dharma hay không? Nếu không thì tôi sẽ thật sự mong muốn làm những chuyện gì khác? Nếu tôi hoàn toàn được tự do lựa chọn thì tôi sẽ làm gì?” Câu trả lời tức khắc sẽ hiện lên trong tâm trí mình (nếu mình đã có sẵn từ trước một sự mong muốn, một quyết tâm, một sự say mê, thì câu trả lời sẽ không cần phải suy nghĩ gì cả), thế nhưng mình cũng có thể rơi vào tình trạng bối rối (chưa bao giờ nghĩ đến là mình phải vạch ra một hướng đi cho cuộc đời mình). [Trước sự hoang mang đó] đôi khi chúng ta cũng nên dừng lại, không làm bất cứ gì cả, cứ để cho những sự ước muốn đích thật của mình – dù tinh khiết hay kém lành mạnh cũng vậy – tự do hiện lên rõ rệt hơn với mình. Nhiều lúc vì sự bận rộn và thường xuyên bị lôi cuốn bởi cơn lốc của cuộc sống, khiến mình không còn nghĩ đến những gì mà mình thật sự mong muốn thực hiện. Nêu lên một thắc mắc không có nghĩa là sự thắc mắc đó phải là một thứ gì mờ ám mà mình không thể gọi đích danh được. Người ta thường có xu hướng nghĩ rằng nếu cứ để cho những sự mong muốn (desir / tham vọng, thèm khát) của mình tự do hiện lên, thì nhất định nó sẽ phơi bày những điều thật kinh tởm [bên trong con người mình]. Điều đó biết đâu đôi khi cũng có thể đúng, khiến mình không khỏi cảm thấy bị tổn thương trước sự kinh tởm đó của mình. Thế nhưng tại sao mình lại cứ phải suy nghĩ theo cung cách đó? Trên thực tế những gì thường xảy ra với mình hơn là những điều mong muốn vô tội vạ (không gây ra tai hại cho ai cả), mà chỉ vì mình không thực hiện được chúng thế thôi. Những điều mong muốn dù thiếu lành mạnh đi nữa, thì mình cũng vẫn có thể bắc một đầu cầu để nối nó với một cái gì khác lành mạnh. thuận lợi và phù hợp hơn với Dharma. Chẳng hạn như trường hợp nhận thấy mình không thích những người nào đó và cảm thấy hoàn toàn bất bình với họ. Điều này quả đúng là không được lành mạnh gì cho lắm, thế nhưng mình vẫn có thể thay vào đó bằng các ý nghĩ khác. Chẳng hạn chúng ta nghĩ đến cách làm thế nào để các cảm nghĩ sai lầm đó phải tan biến hết, chẳng hạn như tìm kiếm các miccha-dhitthi (miccha-dhitti là tiếng Pali, miccha có nghĩa là sai lầm hay lầm lẫn; ditthi có nghĩa là sự tin tưởng hay quan điểm) ẩn nấp bên trong tâm thức mình hầu trực tiếp hướng thẳng sự giận dữ và hận thù của mình vào chúng để tiêu diệt chúng (thay vì hướng vào những người mà mình có ác cảm). Thật ra có rất ít những sự thèm muốn quá sức tiêu cực không thể cứu chữa hay thay đổi hoàn toàn được, cũng không thể nối kết với một thể dạng khác [một xúc cảm khác tích cực hơn] trong cuộc sống tâm linh của mình.  

Khi nào ý thức được – tất nhiên cũng phải tìm cách để ý thức cho bằng được – là mình thật sự mong muốn học hỏi về thiền định, thì khi đó những gì phải làm sẽ trở nên sáng tỏ hơn, trước hết là phải cố gắng khắc phục, ít nhất là tạm thời, các xúc cảm tiêu cực và thô thiển nhất của mình, và sau đó thì truyền thống và các kinh nghiệm tu tập từ lâu đời sẽ truyền lại cho chúng ta vô số các phương pháp để thực hiện ý nguyện đó của mình..

Khía cạnh tích cực rõ nét hơn cả của dhyana thứ nhất là sự tập trung tâm thức và hợp nhất tất cả các năng lực “tâm thần và vật lý” (psycho-physical energy). Trong phần tìm hiểu về phẩm tính virya trước đây (virya có nghĩa là nghị lực hay năng lực – có thể xem lại chương V) chúng ta thấy rằng năng lực của mình thường bị phân tán (tức là tình trạng hướng sự chú tâm của mình vào các đối tượng bên ngoài, đuổi bắt hết chuyện này đến chuyện khác, đấy là cách khiến năng lực của mình bị phân tán khắp hướng). Thiền định giúp cô đọng và hợp nhất [các năng lực bị phân tán đó]. Sự cảm nhận về thể dạng hợp nhất, cô đọng của tất cả các luồng năng lực ở mọi cấp bậc khiến chúng cùng luân lưu thật tự nhiên, không bị bế tắc và càng lúc càng gia tăng, là một sự cảm nhận thật sâu xa và dễ chịu (pleasant / agreeable / êm ái, thú vị), có thể xem như là cả một sự thích thú (voluptuous). Sự thích thú tạo ra bởi thể dạng dhyana thứ nhất đó sẽ hiện lên qua hai khía cạnh vừa vật lý (tức là trên thân thể) và cà tâm thần. Khía cạnh vật lý thường được mô tả như là một sự vui sướng (delight / ravissement / thích thú, hân hoan), sự vui sướng đó hiện lên bằng nhiều cách, chẳng hạn như khiến lông tóc dựng đứng (luồng cảm nhận sự vui thích làm rợn cả thân thể) hoặc khiến người hành thiền chảy nước mắt (một sự hân hoan sâu xa tỏa rộng khắp thân thể khiến người hành thiền có thể bật khóc). Dhyana thứ nhất cũng còn có một điểm đặc biệt khác nữa, đó là sự xuất hiện của một số sinh hoạt tâm thần mang tính cách duy lý (discursive / lý luận tản mạn). Thế nhưng điều đó không hề làm suy giảm sự chú tâm, đó chỉ là một sự rung động (tremble) đơn giản của sự sinh hoạt tâm thần, chẳng hạn như sự suy nghĩ liên quan đến sự cảm nhận về thể dạng thiền định [đang diễn tiến]. Sau một lúc thì các sinh hoạt đó sẽ lu mờ dần. Dầu sao thì sự sinh hoạt tâm thần đó không phải là một chướng ngại (triền cái), chúng ta vẫn có thể tiếp tục hành thiền một cách bình thường. 

Đức Urgyen Sangharakshita

Việt dịch: Hoàng Phong

Nguồn: Lý tưởng của người Bồ Tát

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung