Đồng thời, chúng ta không hiểu được mọi thứ về tâm thức và sự thực chứng của vị Thầy – chúng ta mới chỉ bắt đầu dấn thân vào Phật pháp và tự mình trải nghiệm hành thiền. Do vậy tâm thức của vị thầy và giáo lý sẽ có chút bí ẩn đối với chúng ta, và điều đó là tự nhiên.
Tuy vậy vào lúc này, cũng không nên có quá nhiều điều thần bí xoay quanh ý định tu học với một vị Thầy. Cần phải biết tại sao mình muốn đi vào con đường tu tập và mục đích của một vị Thầy là gì. Nếu mơ hồ về động lực, chúng ta có thể tiếp tục trông chờ những điều mà vị Thầy không thể trao. Nó sẽ giống như tiếng vỗ của một bàn tay. Vị Thầy sẽ dạy và cố gắng hướng dẫn ta theo con đường tu tập, còn ta lại trông đợi một điều gì đó khác… có khi là một mối quan hệ bạn bè… có khi ta đang tìm kiếm ai đó để truyền cảm hứng hoặc để ý tới những nhu cầu cảm xúc của mình… hoặc có thể là một người cha hay một người mẹ.
Thỉnh thoảng một môn sinh sẽ nói: “Con muốn tin tưởng và buông bỏ bản ngã…, nhưng con cần biết rằng Thầy sẽ giữ lấy con nếu con ngã”. Họ sợ rằng buông bỏ có thể giống như đi tìm vàng mà chỉ tìm thấy đá sỏi. Môn sinh đòi hỏi vị Thầy cung cấp một sự đảm bảo về tinh thần, cứ như thể sắp phải hy sinh một thứ gì đó vô cùng thiêng liêng và quý giá để trở thành một môn sinh. Tôi thấy rằng có chút sai lầm trong kiểu tiếp cận này. Đầu tiên, điều chúng ta cần buông bỏ không phải một thứ thiêng liêng hay quý giá – nó là bản ngã nguồn gốc của mọi đau khổ. Vì thế, với việc buông bỏ bản ngã, môn sinh là người hưởng lợi. Và vì buông bỏ bản ngã mang đến an tịnh, nên “hy sinh” chính là giải thoát.
Nếu không hiểu được điểm này, gần như thể môn sinh sẽ trông chờ rằng vị Thầy trở thành người mang lại an bình cảm xúc cho mình. Nói cách khác, môn sinh có thể cảm thấy nếu vị Thầy không tiếp tục gia hộ và đoái hoài đến các nhu cầu cảm xúc của họ, rất có thể tâm trí họ sẽ hỗn loạn. Nhưng đây là một cách hiểu Sai. Như chính Đức Phật từng nói, “Ta sẽ chỉ ra con đường, nhưng giải thoát phụ thuộc vào các con”. Tôi cho rằng điều này nói rõ động lực giữa vị Thầy và môn sinh nên như thế nào.
Nếu không hiểu điều này, giữa vị thầy và môn sinh sẽ chẳng tạo ra được bối cảnh mang lại điều gì lợi lạc. Chúng ta có thể tìm hiểu và thực hành giáo pháp, và chúng ta có thể thấm nhuần đôi chút, nhưng nếu không muốn nhìn nhận những mê mờ của mình, và từ chối tin rằng chúng có đó, sẽ chẳng có sự phát triển tâm linh nào có thể xảy ra. Nếu không có sự thúc đẩy phù hợp để hướng dẫn và bảo vệ, chúng ta sẽ trở nên dính mắc giống như trong mọi mối quan hệ bình thường của mình. Trong khi ấy, vị Thầy sẽ chỉ chờ đợi… chờ đợi… chờ đợi cho đến ngày chúng ta quyết định buông rơi vào trí huệ thay vì vào vô minh.
Sự thúc đẩy của bất kỳ vị Thầy chân thực nào cũng đến từ các nguyên tắc của Bồ Đề Tâm. Vị Thầy muốn mang lại lợi lạc cho môn sinh, chắc chắn như vậy. Đồng thời, tôi không biết liệu có bất kỳ vị Thầy nào luôn trăn trở hay mất ngủ với việc môn sinh thực hành hay không thực hành, giữ các giới nguyện ra sao, tôn trọng các quy luật về nghiệp hay nghiên cứu kinh sách ở mức nào. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ chúng ta tìm hiểu và hành trì để làm lợi cho chính tâm thức của mình, chứ không phải của vị Thầy. Vì thế một lần nữa, chúng ta cần hiểu mục đích thật sự của vị thầy. Nếu không, ta sẽ như một đứa trẻ đang ăn uống như thể muốn làm mẹ vui lòng…, mà điều này thật ra không phải vậy.
Lòng nhân từ của vị Thầy
Có câu nói, “Hãy luôn ghi nhớ lòng nhân từ của người Thầy”. Vị Thầy cho ta thấy cách giải phóng tâm thức, giải phóng tất cả những phẩm chất bẩm sinh như từ bi, sức mạnh, can đảm, và trí huệ. Nhưng cách vị Thầy biểu lộ sự nhân từ không phải luôn luôn là những ngày nắng ấm hay những ngôn từ êm tai mà bản ngã ưa thích. Nếu vị Thầy luôn là mặt trời tỏa sáng và chúng ta luôn cảm thấy xúc động – thậm chí đến mức nước mắt tuôn trào – sẽ chẳng có gì phát triển. Trên thực tế, bản ngã sẽ chỉ được thỏa mãn nhiều hơn.
Thật may mắn, chúng ta hợp lực với vị Thầy để dập tắt bản ngã và khiến nó biến mất. Vì vậy, ta có thể trông mong rằng vị Thầy sẽ đối xử với mình bằng sức mạnh tâm thức sáng suốt, giúp ta buông bỏ những dính mắc và chấp trước thông thường. Cùng với vị Thầy, chúng ta quyết tâm chế ngự bản ngã vì hạnh phúc của chính mình. Nếu chỉ muốn tham khảo vị Thầy hay trút bỏ những khó khăn về cảm xúc mà không thật sự muốn nghe những phản hồi chân thành, thì ngay từ đầu đã không có ý nghĩa gì trong việc có được một vị Thầy. Vì thế chúng ta cần trở nên thật sự cởi mở.
Chắc chắn một điều, sẽ có những lúc chúng ta muốn chạy trốn, nhưng chạy trốn chẳng ích gì, và chúng ta biết điều đó. Không có cách nào để trốn chạy tâm trí của chính mình. Vì vậy, một lần nữa phải suy xét về bản chất của mối quan hệ và bắt tay vào tu tập. Đây là dự án lớn nhất trên đời, và chúng ta càng trở nên ham thích càng tốt. Luôn có một thứ gì đó hữu ích để đưa ra trước khả năng nhận biết của mình – một chướng ngại, một điểm mù, một điều gì đó để gột rửa, hoặc để nhận ra và trân trọng. Luôn có chỗ để phát triển, nghĩa là không bao giờ ta cảm thấy thất vọng trong những gì mình thấy được.
Khi có thể sử dụng mọi trải nghiệm để tiến bộ trên con đường tu tập – khi mà mọi thứ trở nên “đều tốt cả” sẽ chẳng có gì có thể làm ta chao đảo khỏi mục đích. Cảm giác tin tưởng cần phải vững chắc và vô điều kiện, nghĩa là không dựa trên những nguyên nhân và hoàn cảnh bên ngoài. Mọi hành giả vĩ đại trong quá khứ và hiện tại đều có kiểu niềm tin này. Phải đối mặt với bản ngã không phải là một lời nguyền; nó là lời ban phước lớn lao nhất trong những lời ban phước, và là một tin tốt lành với chúng ta nếu chúng ta có thể vượt trên cách nghĩ thông thường về nó.
Đức Dzigar Kontrul Rinpoche