Đại sư Tsele Natsok Rangdrol sinh năm 1608 tại Tây Tạng
và là tác giả của bản văn hướng dẫn về thân trung ấm mang tên
“Ngọn Đèn Soi Sáng Con Đường Giải Thoát”
_________________________________________________________
Dưới đây là những lời khai thị thốt ra từ đấng Kim Cang Trì Bất Tử vĩ đại vào thời điểm mà thân vật lý của ngài đang sửa soạn lìa khỏi thế gian này để bước vào Chân Pháp Giới.
Trong suốt tất cả các thời, và trong mọi hoàn cảnh, xin chí tâm đảnh lễ và nương tựa đấng Đạo Sư tối thượng đầy phẩm hạnh, thấm đẫm lòng Đại Bi vô lượng—ngài chẳng khác nào Viên Ngọc Như Ý!
Khi mới bước vào cánh cổng của Phật Đạo cao quý, hãy buông bỏ mọi quan tâm cho cuộc đời này để đạt đến được trạng thái Giác Ngộ vô thượng!
Cha mẹ, gia đình, bạn bè và những kẻ khác đang đưa dẫn tâm con hướng về những mục đích phù du của các hoạt động thế gian; họ ban cho con đủ loại lời khuyên, nghe như tràn đầy tình cảm.
Nếu dại dột tuân theo những điều này thì kết quả duy nhất là sẽ có đủ loại chướng ngại cho việc thực hành Giáo Pháp.
Bởi thế, điều quan trọng là đừng nghe theo những lời lẽ ấy!
Ngoại trừ vị Đạo Sư đầy phẩm hạnh, chẳng thể nào tìm ra được ai là người có thể ban cho những lời khuyên dạy tâm linh chân chính. Nếu con thực sự muốn thực hành Giáo Pháp thì phải mau mau chuẩn bị cho cái Chết! Ngoài việc ấy ra, một người luôn lăng xăng với bao dự kiến nhất thời và tối hậu sẽ chẳng thể nào là một hành giả Giáo Pháp được đâu.
Ngày nay, bề ngoài người ta có thể giả vờ như đang nỗ lực và làm vui lòng tất cả mọi người, nhưng điều ấy chỉ chứng tỏ họ đang bị Ma Vương khống chế ở bên trong.
Hãy đặt niềm tin của con nơi Giáo Pháp và Đạo Sư!
Hãy ẩn tu nơi núi non, nơi những thung lũng vắng bóng người, hãy xem đấy là nơi cư trú!
Hãy buông bỏ sự bám luyến vào những niềm vui tạm bợ, như quần áo, thức ăn và những thứ tựa hồ như thế!
Hãy cắt đứt sự buộc ràng của những người thân trong gia đình!
Hãy ném qua bên tất cả những lời nịnh hót mang mầu đạo đức giả, ném qua bên tất cả những vận độngmánh mung!
Hãy nhất tâm hướng về bất kỳ điều gì Đạo Sư đã tuyên thuyết!
Hãy làm như thế, và công phu tu hành của con sẽ trở nên thanh tịnh.
Nói chung, con người thời đại này rơi vào vòng kiểm tỏa của Ma Vương. Nói riêng, những người phụ nữbiếng nhác và thiếu kiên định không noi theo lời chỉ dạy của Đạo Sư, mà lại nghe theo lời khuyên của người thân trong gia đình! Làm như thế thì chẳng khác nào đang đình chỉ điều nhất thiết phải làm ngay bây giờ, ngay lúc này: là tu học và rèn luyện công phu tu hành!
Chủ yếu là hình như họ đang bị mắc bẫy trong những hoạt động thế gian vô nghĩa, đang quỵ lụy gia đình, bạn bè, và [bị kẹt vào] những điều như thế.
Do đó, con ơi, hãy tự nắm lấy “chiếc giây xỏ mũi,“ và đừng nghe lời ai khác!
Với tất cả sự chân thành, hãy ghi sâu vào tâm khảm một sự thật hiển nhiên, là thời điểm của cái Chết vô cùng bất định. Đã biết thế thì chẳng còn thời gian nào để phung phí, hãy tinh tấn nỗ lực thực hành tâm linh!
Lòng từ của cha mẹ chỉ có thể được đền đáp xuyên qua việc thực hành Giáo Pháp, chẳng có lợi lạc nào để báo ơn cha mẹ bằng những thành quả thế gian. Lòng từ của sư phụ chỉ có thể được đền đáp xuyên qua việc thực hành thiền định; chẳng thứ gì khác có thể báo được ơn thầy.
Dứt khoát, con chỉ có thể đem lại lợi lạc cho chúng sinh xuyên qua Bồ Đề Tâm, qua sự trưởng dưỡng và qua sự phát nguyện tâm Bồ đề ấy; nếu đem so với tâm Bồ Đề, thì lợi lạc đến từ bất kỳ hành động nào trước mắt cũng rất nhỏ nhoi.
Riêng đối với các giới nguyện và mật nguyện, trừ phi con dựa vào lương tâm của mình như một chứng nhân, còn bằng không con sẽ trở thành kẻ đạo đức giả cho dù bề ngoài đang sắm vai giữ gìn giới hạnhthanh tịnh.
Hãy ẩn mình tu luyện nơi vùng thung lũng và núi non cô tịch, bởi vì tất cả các pháp thực hành tâm linh, nếu hành trì giữa đám đông, sẽ chỉ làm cho con vướng mắc vào đủ mọi loại hoàn cảnh. Nếu con chẳng thể điều phục tâm mình thì cho dù đã thọ giới và hứa nguyện rất nhiều, những điều ấy cũng chẳng đem đến lợi lạc bao nhiêu.
Trừ phi con chứng ngộ được tinh túy của Tánh Biết Như Nhiên—là thấu suốt một điều mà giải thoát tất cả—thì sẽ chẳng tìm ra được điều gì vững chắc khi đuổi bắt theo những thông tin bất tận tưởng chừng như “quan trọng.”
Để tóm tắt những điểm trọng yếu: Với tư tưởng rằng, “chắc chắn tôi sẽ chết!” hãy mau chóng thúc đẩyviệc hành trì Giáo pháp!
Bởi vì Đạo Sư là niềm hy vọng duy nhất của con, hãy khấn nguyện ngài bằng tất cả con tim!
Bởi vì tất cả mọi phúc lạc và khổ đau, bất kỳ điều gì rơi rớt xuống trên con, cũng là quả báo của bao đời quá khứ, [bởi thế], đừng vẽ vời quá nhiều dự kiến!
Hãy đặt người thiện, kẻ ác lẫn những người vô tư lên đỉnh đầu con, và luôn luôn nhận lấy chiếc ghế ngồi thấp nhất!
Hãy rèn luyện một tri kiến thuần tịnh không thiên vị, và đừng bao giờ xem thường người khác!
Hãy nhận lấy những lỗi lầm của riêng mình và đừng thiền định về những khuyết điểm của người khác!
Do bởi điểm trọng yếu của tất cả các Giáo Lý nằm trong chính Tâm con, hãy luôn luôn quán sát tự tánh[bản tánh chân thật của Tâm ấy]!
Hãy ném qua bên khuôn sáo của công phu hành trì dựa vào một đề mục, và thay vào đó, hãy giải phóngGiác Tánh, giải phóng Tánh Biết của con vào tự tại rỗng rang!
Hãy dứt khoát tin rằng bất cứ điều gì con trải nghiệm cũng đều là sự đùa cợt, hiển bày của Giác Tánh; đừng cố gắng phát triển điều thiện và sửa sai điều ác!
Tất cả mọi trải nghiệm chính là Tâm con, và Tâm ấy, siêu vượt cái đến cái đi, là thể tánh của Ba Thân của Đạo Sư. Đạo Sư ở đây là không tách lìa khỏi Tánh Biết Như Nhiên của chính con. Sự Chiếu Tỏa Chói Ngời thấu biết [của Tâm] bao trùm tất cả những gì xuất hiện và hiện hữu.
Do bởi tất cả các pháp — những gì xuất hiện và hiện hữu, thảy đều là sự hiển lộ diệu kỳ của cảnh giới bao la của Giác Tánh, thì “cái thấy tối thượng” chính là nhìn ra được Tâm mình trong trạng thái tột cùng trần trụi nguyên sơ.
“Thiền tập,” là liên tục duy trì được cái thấy này.
“Theo sau là một nhận thức,” tức là khi một tư tưởng được phóng chiếu.
“Hậu thiền định,” là nhận biết được sự phóng chiếu ấy.
“Cung cách hành xử” (Theo sau là sự thành tựu), tức là đi, đứng, [nằm, ngồi] và tất cả mọi hoạt động đều chan hòa trong trạng thái của Tánh Biết [nguyên sơ].
Sự hợp nhất không tách lìa giữa thiền định và hậu thiền định là liên tục không bị tán tâm hay rối loạn cho dù chỉ trong một khoảnh khắc; là không bị gián đoạn bởi những khoảng cách của an tĩnh hoặc niệm khởi. Khi sự hợp nhất trở nên toàn hảo [không gián đoạn] thì đây chính là bất nhị, không tách lìa giữa hiện tướng và Tâm, giữa ta vào người, giữa sung sướng và khổ não, giữa bạn và thù, giữa yêu và ghét. Nói tóm lại, “kết quả” [đạt được] sẽ là vĩnh viễn cạn kiệt tất cả mọi loại khái niệm bám chấp, đối đãi.
Khi điều này xảy đến thì Luân Hồi và Niết Bàn được tịnh hóa vào Pháp Giới rỗng rang bao la, và con đã chứng ngộ được sự có mặt rất Tự Nhiên của Ba Thân. Đây gọi là “thành tựu Phật Quả,” là “sự cạn kiệt của mọi hiện tượng và khái niệm,” là “trở thành một Thành Tựu Giả (Siddha).”
Khi ấy sẽ là thời điểm con có thể làm chủ được cái Sống, cái Chết cùng các nguyên tố vật lý (các đại). Và là thời điểm mà lòng Đại Bi không cần dụng công cùng với các công hạnh sẽ hoạt hiện hết sức Tự Nhiêntrong toàn cõi vũ trụ.
Nói tóm lại, căn nguyên của vạn pháp chẳng là gì khác hơn ngoài Giác Tánh Như Nhiên đang có mặt nơi con. Do đó, điểm trọng yếu siêu phàm là hãy liên tục duy trì, không hề lìa xa Tánh Biết Tự Nhiên này trong suốt cả ngày lẫn đêm.
Còn tất cả những tư tưởng khởi hiện lên như là những biểu lộ của Tánh Biết Tự Nhiên ấy, cho dù là thô lậu hay vi tế, đừng phân tích chúng cũng đừng đuổi theo chúng. Đừng lôi kéo chúng trở lại trong [kinh nghiệm] thiền định, cũng đừng ngăn cản chúng. Nếu con thành công trong việc thuần túy nhận diện ra được sự khởi hiện bất chợt của một tư tưởng, thì [ngay đó] hãy cứ để yên như thế.
Lỡ khi xảy ra việc loay hoay vướng mắc vào các tư tưởng gợi nhớ quá khứ hay dự phóng tương lai, thì [ngay đó] hãy cứ ở yên ngay trong Tánh Biết. Nếu chuỗi tư tưởng tiếp tục hoành hành, thì chẳng cần đến pháp đối trị nào khác, bởi vì bất cứ cái gì hiện ra rồi cũng sẽ tự giải phóng chính nó. Bất kỳ điều gì hiện đến một cách tự nhiên cũng đều là sự Chiếu Tỏa Chói Ngời của chính Tâm con. Nhìn thẳng vào Tâm ấy bằng cái nhìn Sáng Rõ Linh Động — đây chính là Lời Hướng Dẫn Tâm Yếu!
Khuynh hướng bẩm sinh của Tâm con là phản chiếu một cách tự nhiên [không ép buộc hay gò bó]. Bởi thế, hãy sống trọn đời mình trong trạng thái rộng mở thảnh thơi bao la trùm khắp, một trạng thái có được định tâm trong vô-thiền-định, trạng thái thấu suốt Một Điều Mà Giải Thoát Tất Cả, [qua đó] tất cả những gì xuất hiện và hiện hữu đều là Pháp Thân, Luân Hồi và Niết Bàn hợp nhất không tách lìa, sự khởi hiện và sự giải phóng đồng [vận hành] cùng một lúc.
Nếu con sử dụng toàn bộ cuộc đời mình cho các hoạt động tâm linh trong một trạng thái [Tâm] như thế, khi người suy tưởng và đối tượng của suy tưởng là một sự Hợp Nhất không tách lìa, [thì khi ấy], chẳng còn chút gì hoài nghi là con sẽ thể nhập “Thành Trì Của Sự Bất Thối Chuyển” ngay chính trong đời này!
Nơi mà kẻ đang sống trong đó đã từ bỏ hết mọi hoạt động [buông lung],
thì ngay đấy là một Cõi Phật.
Nếu con có thể khấn nguyện với tâm bất nhị,
thì tất cả những gì hóa hiện và hiện hữu đều là Mạn Đà La của Đạo Sư.
Vừa ngay con khi đốn được gốc rễ của Quỷ Ma Chấp Ngã,
thì sẽ vĩnh viễn thoát khỏi mọi chướng ngại, bất hạnh và Ma Vương.
Vào giây phút con hiểu rằng Đạo Sư không tách lìa Tâm con,
thì cái [hiểu biết] mê lầm tưởng chừng như có hợp có tan sẽ tự nhiên tan vỡ.
Một khi đã dứt khoát tin rằng Luân Hồi và Niết Bàn chỉ là sự hiển bày của Giác Tánh,
thì làm gì còn có ai để trải qua sự thống khổ của một cõi thấp?
Một khi đã ngộ ra rằng Tánh Biết Tự Nhiên là Pháp Thân tự do từ vô thủy,
thì có gì phải loay hoay với hy vọng và sợ hãi về những con đường tu và các địa [Bồ Tát]?
Trong cuộc hội ngộ thân quen qua sự huân tập của Ánh Sáng Quang Minh Mẹ và Con,
thì nghĩa lý gì phải sợ hãi sự rã tan của tấm thân huyễn ảo?
Khi lìa đời, hãy chết đi trong cảnh giới bao la của Ánh Sáng Quang Minh từ vô thủy!
Trong khi sống, chẳng gì quan trọng hơn là rèn luyện công phu thiền định
bằng một sự tinh tấn không mệt mỏi!
Con có thể đối chiếu tất cả các Kinh điển, Mật điển và lời dạy khẩu truyền,
nhưng tinh túy của Chứng Ngộ chẳng là gì khác hơn điều này!
Lời khuyên dạy tâm yếu và tối hậu, đích xác chính là điều này!
Và những lời di huấn cuối cùng của ta bên Cửa Tử
cũng chẳng là gì khác hơn ngoài điều này!
Tất cả những ai là người xứng đáng và có tín tâm nơi ta,
hãy đem được ý nghĩa của điều này [vào thực hành],
đừng chỉ dừng lại ở đầu môi chót lưỡi.
Nhờ thế, kinh nghiệm của Tỉnh Giác Nguyên Sơ sẽ lưu xuất từ trong tâm,
và con sẽ đến được quả vị Phật chỉ trong
khoảnh khắc!
Nương vào bất kỳ công đức nào có thể phát sinh từ lời khuyên này,
nguyện cho tất cả những bà mẹ già của ta, là chúng sinh tràn khắp không gian,
đều được Giải Thoát!
Mangalam
Đại sư Tsele Natsok Rangdrol