Lợi Lạc của việc Phụng Sự Đạo Sư
Lợi lạc của việc phụng sự đạo sư tôn quý, bậc hiển bày không sai lệch toàn bộ đạo bồ-đề tối thắng, thông qua ý nghĩ và hành động là không thể nghĩ bàn, vì (đức Thế Tôn) đã dạy rằng trạng thái hợp nhất tuyệt hảo, vốn vô cùng khó khăn để đạt được dù hành trì miên mật qua vô lượng biển đại kiếp, có thể dễ dàng thành tựu trong một đời người ngắn ngủi ở thời mạt pháp này nếu hành giả nương tựa vào năng lực của đạo sư.
Khi hết mực phụng sự đạo sư tôn quý, hành giả sẽ sớm giải thoát khỏi cõi luân hồi, và tất cả đấng chiến thắng sẽ hoan hỷ tận đáy tim và sâu thẳm trong tâm các ngài, như một bà mẹ nhìn thấy con mình được hưởng lợi lạc.
(Đức Thế Tôn) đã dạy rằng khi đệ tử thành tâm phụng sự đạo sư, tất cả đấng chiến thắng hoan hỷ hòa nhập vào thân bậc đạo sư ấy, thậm chí khi chưa thỉnh cầu; sau đó, thọ nhận cúng dường được tích lũy, các đấng chiến thắng ban gia trì cho dòng tâm thức của đệ tử.
Khi ấy năng lực gia trì từ tất cả Chư Phật thâm nhập vào cửa ngõ tín tâm của đệ tử; nhờ năng lực ấy, ma vương và phiền não không thể gây tổn hại, và thực chứng các giai trình và đạo lộ lập tức phát khởi và tăng trưởng.
Nếu hành giả luôn thành kính nương tựa đạo sư, tất cả phiền não và hành vi lầm lạc sẽ tự chúng chấm dứt, và thiện đức của hành giả sẽ tự nhiên tăng trưởng. Nhờ vậy, hành giả sẽ đạt được hạnh phúc lâu dài trong đời hiện tại và vị lai.
Vì kết quả phải phù hợp với nguyên nhân, nếu làm Đạo Sư (của mình) hoan hỷ, trong tất cả đời vị lai hành giả sẽ được gặp một bậc thầy đức hạnh và được nghe toàn bộ Giáo Pháp tối thắng không sai lệch. Tóm lại, khi phụng sự đạo sư, hành giả sẽ giải thoát khỏi tình trạng bất lợi và được tái sinh tốt đẹp thành trời hoặc người. Thù thắng hơn hết, tất cả khổ đau trong cõi luân hồi sẽ đến chỗ tận diệt, và hành giả sẽ thành tựu trạng thái siêu phàm của Phật quả.
Bất Lợi của việc Không Phụng Sự (Đạo Sư)
Lợi lạc của việc thành tâm phụng sự đạo sư không thể nghĩ bàn; tương tự, bất lợi của việc không phụng sự đạo sư cũng không thể nghĩ bàn. (Đức Thế Tôn) đã dạy rằng tất cả bậc thầy đức hạnh là sự hiển bày của các đấng chiến thắng thành đạo sư của một hành giả, bất kính với các bậc thầy (như) bất kính với tất cả đấng chiến thắng. Điều gì (có thể mang đến) nghiệp chín muồi nặng nề hơn thế?
Mật Điển Thời Luân nói rằng hành giả nổi giận với đạo sư (của mình) trong bao nhiêu khoảnh khắc, thì thiện đức tích lũy được trong bấy nhiêu đại kiếp bị hủy hoại, và hành giả sẽ sinh vào địa ngục trong từng ấy đại kiếp.
(Đức Thế Tôn) đã dạy rằng người phạm trọng tội ngũ nghịch thậm chí có thể thành tựu (trạng thái hợp nhất) ngay trong đời này nếu hành trì Mật Điển.
Nhưng ai khinh thường đạo sư của mình từ sâu thẳm trong tâm thì không thể thành công trong việc phát triển bất cứ thành tựu nào, thậm chí nếu hành trì qua nhiều đại kiếp.
Mật Điển dạy rằng nếu ai chủ ý phỉ báng đạo sư, bậc hiển bày đạo lộ (cho mình), thì thậm chí nếu anh ta nỗ lực từ bỏ ngủ nghỉ, phóng dật và hôn trầm––phương cách tốt nhất để phấn đấu thành tựu Mật Pháp––điều này cũng giống như nỗ lực (tái sinh vào) địa ngục.
Nếu không kính trọng đạo sư tôn quý, thiện đức sẽ không tăng tưởng và thiện đức đã tăng trưởng sẽ suy đồi. Trong đời này, bệnh tật, tà ma, chết bất thình lình và những điều tương tự sẽ đến, và trong đời vị lai người đó sẽ mãi lang thang nơi các nẻo ác.
Thậm chí sau hàng trăm (lần tái sinh) sẽ được sinh vào cõi lành, bởi vì nghiệp quả xảy ra phải phù hợp với nguyên nhân, sự bất kính, người đó sẽ sinh vào trạng thái bất lợi ở nơi thậm chí không nghe đến từ “Giáo Pháp tối thắng” hay “đạo sư đức hạnh.”
Tóm lại, (người nào) không phụng sự đạo sư (của mình) sẽ vĩnh viễn lang thang trong cõi luân hồi, đặc biệt là các cõi ác, và chỉ nếm trải khổ đau. Do đó, anh ta sẽ không có cơ hội tái sinh vào cõi cao hoặc thành tựu giải thoát.
Vì những lợi lạc và bất lợi trên đây vượt khỏi nhận thức, và bởi vì đó cũng là minh chứng rằng gốc rễ của mọi tích lũy công đức đều dựa trên điểm này, chẳng phải đây chính là lúc chấm dứt tìm lỗi (nơi những Đạo Sư của con) và dâng hiến (bản thân con lên các bậc thầy) với tín tâm thành kính ư?
Đạo Thứ Đệ Tinh Túy Cam Lồ
Nguyên tác: The Essence of Nectar
Tác giả: Yeshe Tsondu
Anh dịch: Geshe Lobsang Tharchin và Benjamin & Deborah Alterman
Việt dịch (từ Anh ngữ): Trần Ngọc Phú & Trần Gia Phong (10.12.2013)