Phần 9 – Tự do, niềm tin và hành hương
Người ta nói nhiều về việc Tây Tạng cần được tự do, tự do cho Tây Tạng, mọi người cần đấu tranh để Tây Tạng được tự do. Thực sự, có thể các bạn hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của tôi; nhưng nếu bạn thực sự muốn biết tôi nghĩ gì, tôi cho rằng ngay bây giờ với Đức Dalai Lama và chư đạo sư vĩ đại đang giảng dạy và Giáo Pháp phát triển ở Ấn Độ, tôi cho rằng có nhiều tự do cho người Tây Tạng. Họ có tự do ở Ấn Độ và cả ở Tây Tạng. Bây giờ, có thêm nhiều tự do để thực hành ở các Tu viện và xây dựng lại Tu viện, trùng tu tượng, in lại kinh văn v.v. Việc giảng dạy và thực hành đang bắt đầu lại có thể diễn ra ở đó. Cả ở Ấn Độ nữa – ở Ấn Độ, ai cũng có thể thực hành, ai cũng có thể học hỏi, ngay tại nơi mà Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh và giác ngộ. Đấy cũng là nơi sinh của Guru Rinpoche, nhà của chư đại thành tựu giả vĩ đại, những hành giả phi phàm như vậy, chư học giả của Đại học Nalanda, biết bao nhiêu nghìn, nghìn vị học giả cực kỳ tuyệt vời – chính nơi ấy, bạn có thể đến nơi ấy, cội nguồn của Giáo Pháp. Bạn có thể thực hành và nghiên cứu Giáo Pháp ở nơi là cội nguồn của Giáo Pháp! Còn tự do nào lớn hơn nữa? Tôi cho rằng đấy là tự do chân chính. Và nhiều người sẽ không thích tôi nói thế và sẽ muốn tôi ngậm miệng lại, nhưng các bạn không ở đây, ha-ha!
Nếu chúng ta có niềm tin thì thực sự mọi nơi đều như nhau. Không chỉ ở Ấn Độ. Dĩ nhiên, có sự gia trì đặc biệt ở Ấn Độ, nhưng không chỉ riêng Ấn Độ. Hãy xem bất kỳ nơi nào mà Giáo Pháp bắt đầu bám rễ – nơi chư đạo sư vĩ đại đã đến và để lại sự gia trì; và sự gia trì đó đã được nắm giữ – có một chút bước đệm. Nơi đấy cũng được gọi là thánh địa để viếng thăm, một nơi xứng đáng để hành hương về. Tashi Choling là một nơi như vậy. Đó không phải là chốn bình phàm, không phải là vùng đất thông thường, không phải là một tòa nhà bình thường. Điều thực sự khiến nó phi phàm không phải là bản thân tòa nhà, hay những bức tượng, hay bất kỳ thứ gì kiểu vậy. Điều khiến nó phi phàm là việc đó là nơi mà người ta có thể đến và thực hành cũng như nghiên cứu Giáo Pháp; nơi người ta có thể đến học hỏi cách thức đúng đắn, chân chính để tịnh hóa che chướng của họ. Điều đó khiến đây trở thành nơi xứng đáng hành hương; điều đó khiến nó là chốn Giáo Pháp chân chính hơn là những bức tượng, bảo tháp và cuốn sách bên trong.
Đức Gyatrul Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Lời khuyên tâm yếu về Tsok và những vấn đề khác – Phần 9