Lời cầu nguyện bảy dòng – Tinh túy của tất thảy |

Lời cầu nguyện bảy dòng – Tinh túy của tất thảy

Đức Liên Hoa Sinh

Sáng sớm nọ tại nhà của Ngài ở Bir, [Orgyen Tobgyal] Rinpoche[2] chia sẻ chỉ dẫn ngắn gọn này với một trong những bạn hữu của Ngài; một chỉ dẫn rất giống như ‘lời khuyên tâm yếu’ của Ngài. Rinpoche giải thích cách mà chúng ta thường thọ nhận nhiều giáo lý khác nhau đến mức chúng ta thường không biết bản thân cần bắt đầu từ đâu hay chúng ta cần tập trung vào thực hành nào. Điều này đặc biệt đúng, Ngài nói, với những người như bản thân chúng ta, người không biết rất rõ về Giáo Pháp hoặc biết nhưng lại lười áp dụng. Nếu bạn cảm thấy bạn có thể là một trong số này thì câu trả lời của Rinpoche ở đây, theo lời của chính Ngài, ‘kết quả của 67 năm nghiên cứu’, có lẽ chính là điều bạn cần.

Phần ghi giáo lý này bị hỏng và sau đấy được phục hồi lại bởi Tobias và Uwe ở Lerab Ling; chúng tôi vô cùng biết ơn và thực sự tri ân họ.

Hôm nay, tôi đang ban giáo lý này chủ yếu vì lợi lạc của Harry, nhưng các bạn đều được hoan nghênh lắng nghe, nếu muốn.

Điểm đầu tiên mà tôi muốn nói là, về phần mình, tôi không biết liệu tôi có phải một Tulku hay không. Dẫu sao, nói chuyện này cũng chẳng phải việc của tôi. Thứ hai, tôi thậm chí cũng chẳng biết liệu tôi có phải một Lama. Một mặt, tôi xuất hiện là một vị [Lama] nhưng mặt khác, có lẽ không. Tôi không thể tự mình trả lời câu hỏi này, đấy là lý do tôi không tuyên bố mình là một Lama. Nếu bạn là một Lama thì bạn cần phải có những đệ tử, mọi chuyện như vậy đấy! Tuy nhiên, tôi vẫn luôn duy trì việc không có bất kỳ đệ tử nào.

Tôi là người như vậy đấy. Tôi đã biết được hành động thiện là gì và hành động ác là gì từ năm bốn tuổi. Điều này không phải bởi tôi là một kiểu người đặc biệt, điều đấy không liên quan gì đến tôi. Điều này là nhờ cha mẹ tôi và những người khác đã giúp chăm sóc tôi khi tôi còn nhỏ, bởi họ đều là những hành giả Giáo Pháp từ ái, chân chính. Họ là lý do mà kể từ khi còn là một đứa bé, tôi đã biết điều gì đó về sự vận hành của nghiệp. Tôi không thể nhớ được lần nào mà tôi giết hại hữu tình chúng sinh, dù chỉ một con côn trùng nhỏ bé. Tôi chắc hẳn đã giết hai hay ba con kiến trong lúc chơi đùa, nhưng tôi thậm chí cũng không chắc về điều đấy.

Tôi vẫn luôn luôn trân trọng Giáo Pháp. Tôi đã thọ nhận giáo lý từ năm mươi tư vị đạo sư khác nhau, khá là nhiều. Vì vậy, tôi đã thọ nhận nhiều giáo lý. Mục đích của việc thọ nhận giáo lý là để thực hành chúng – nếu bạn không làm thế, chúng là vô ích. Để thực hành chúng, chúng ta cần rõ ràng về việc thực hành là gì. Tuy nhiên, trong trường hợp của mình, tôi vẫn thọ nhận hết giáo lý đến giáo lý khác, nhiều đến mức cuối cùng tôi chẳng biết phải làm gì.

Nếu bạn được bảo hãy uống cả đại dương hay ăn một đống thức ăn cao như ngọn núi, đó là một thử thách khá khắc nghiệt; bạn đang đối diện với một vấn đề thực sự. Điều này có lẽ giống như khi bạn thọ nhận nhiều giáo lý khác nhau.

Mỗi giáo lý mà chúng ta thọ nhận vĩ đại hơn [giáo lý] trước. Thế nhưng, hành giả vẫn chỉ là một người, vị cần đưa giáo lý vào thực hành. Và hành giả chỉ là một con người, chứ không phải chiếc máy tính. Một chiếc máy tính có thể hấp thu toàn bộ Kangyur[3]Tengyur[4] và mọi giáo lý khác được ban, nhưng chúng ta thì không giống vậy. Vì thế, trong trường hợp của mình, tôi cuối cùng chẳng biết tôi cần làm hay thực hành gì.

Tôi đã quyết định xem xét tình hình này và đi đến quyết định chắc chắn, tức điều mà tôi muốn chia sẻ với bạn hôm nay, Harry. Việc có chọn tuân theo điều tôi nói hay không là tùy ở bạn, điều đó chẳng tạo ra chút khác biệt nào với tôi!

Trước tiên, bạn cần hỏi bản thân câu hỏi: Bạn có muốn là một hành giả Giáo Pháp hay không? Có bảy tỷ người trên hành tinh này nhưng rất ít trong số đó là hành giả Giáo Pháp và thậm chí, những hành giả của Phật giáo Tây Tạng còn ít hơn. Hầu hết mọi người có lẽ thấy những hành giả Giáo Pháp là đang khá điên. Đúng là đa số họ chẳng có vẻ gì là rất lành mạnh. Tôi nghĩ điều quan trọng là các bạn quán chiếu cẩn thận về câu hỏi trên và đi đến một kết luận. Có khả năng là bạn sẽ quyết định rằng lựa chọn tốt nhất với bạn là trở thành một hành giả Giáo Pháp. Tôi khá chắc chắn rằng đây là kết luận mà bạn sẽ đạt được.

Một hành giả Giáo Pháp cần phải thực hành Giáo Pháp. Vì điều đó, anh hay cô ấy cần tuân theo một truyền thống nhất định trong số rất nhiều [truyền thống khác nhau]. Tôi nghĩ lựa chọn mà chúng ta đều đã đưa ra là thực hành Kim Cương thừa Mật chú Bí mật.

Để thực hành Kim Cương thừa, trước tiên bạn cần rèn luyện trong các thực hành sơ khởi để chuẩn bị bản thân. Ở đây, tôi không nói đến việc tích lũy các thực hành bên ngoài và bên trong, mà là việc bạn bắt đầu bằng cách phát triển sự xả ly với luân hồi. Không có xả ly, không thể nào thực hành Giáo Pháp. Điều này là bởi chúng ta thực hành Giáo Pháp để được giải thoát khỏi luân hồi và chuyện đó phải dựa trên nhận thức về sự xả ly.

Khi bạn có sự xả ly, bạn có một mong ước – mong muốn thoát khỏi luân hồi. Sau đấy, bạn cần chút kiến thức: bạn cần biết cách mà bạn có thể thoát khỏi luân hồi, con đường dẫn đến tự do đó. Để vượt qua đại dương, bạn cần một con thuyền; nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ đến bờ bên kia.

Khi bạn đã có được kiến thức này, bạn sẽ cần trưởng dưỡng lòng bi mẫn. Nếu bạn không có lòng bi mẫn, Kim Cương thừa – thứ xem kết quả là con đường – chẳng có nền tảng. Có nhiều kiểu lòng bi mẫn khác nhau, lớn hơn và nhỏ hơn. Thậm chí nếu bạn không có một lòng bi mẫn đặc biệt lớn, ít nhất bạn cần có lòng bi mẫn dành cho bản thân, bởi bạn là một hữu tình chúng sinh lạc trong luân hồi. Từ đó, bạn có thể mở rộng cảm giác này đến với chúng sinh khác. Nếu bạn không có bất kỳ lòng bi mẫn nào cho bản thân nhưng lại giả bộ có lòng bi mẫn với chúng sinh khác, việc bạn thốt lên rằng “Tội nghiệp làm sao” chỉ là một đống những lời nói dối.

Sau đấy, bạn cần chứng ngộ tính Không. Nếu bạn chứng ngộ tính Không một cách đúng đắn, bạn là một vị Phật, bởi khi bạn hoàn toàn chứng ngộ tính Không, bạn không còn rơi vào luân hồi. Bạn thấy rằng toàn bộ luân hồi, thứ có bản chất là khổ đau, chỉ giống như giấc mơ hay ảo ảnh.

Cách thức sâu xa nhất mà chúng ta có thể chứng ngộ tính Không, điều sẵn có với chúng ta hiện nay, là Kim Cương thừa Mật chú Bí mật, thứ phong phú về phương tiện thiện xảo và dễ dàng hơn các con đường khác. Những phương pháp này liên quan đến thiền định về vị Tôn. Chúng chỉ là những phương pháp, chứ không phải bản tính rốt ráo – ở cấp độ rốt ráo, không có chư Tôn nào cần thành tựu. Nhưng ở mức độ của chúng ta, chúng ta cần thực hành chư Tôn và những vị này tạo thành Tam Gốc: Lama (Đạo Sư), gốc rễ của ân phước gia trì; Yidam (Bổn Tôn), gốc rễ của thành tựu; và Không Hành Nữ và Hộ Pháp, gốc rễ của hoạt động giác ngộ.

Có nhiều vị Tôn khác nhau đến mức điều đó có thể rất hỗn loạn với chúng ta. Nó giống như khi bạn dẫn một đứa bé đến cửa hàng bách hóa lớn với đầy đồ chơi để mua cho cô bé một món quà và cô bé chẳng biết phải chọn thứ gì. Ít nhất, đấy là điều đã xảy ra khi tôi đi cùng với cháu gái của mình!

Chúng ta trở nên giống như vậy khi có rất nhiều vị Tôn khác nhau để lựa chọn. Chúng ta nghĩ chúng ta phải thực hành tất cả. Tuy nhiên, nếu thực sự nghĩ về điều đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả chư Tôn khác nhau này về tinh túy đều giống nhau. Dù chúng ta thành tựu một vị an bình hay phẫn nộ, điều đó đều giống nhau, chúng ta đạt được các thành tựu (siddhi) thù thắng và thông thường. Dĩ nhiên, chúng ta đang không thực hành vì các thành tựu thông thường, chúng ta nhắm đến thành tựu thù thắng. Các thành tựu thông thường chỉ là sản phẩm phụ của thực hành Giáo Pháp, thứ có thể giúp chúng ta tiến gần hơn đến việc đạt được thành tựu thù thắng. Ví dụ, nếu bạn muốn một chiếc xe hơi tốt thì bạn cần tiền. Mục tiêu chính của thực hành Giáo Pháp là thành tựu thù thắng.

Nếu bạn thực sự nghĩ về điều đó, bạn sẽ nhận ra rằng để đạt được thành tựu thù thắng, không có cách tiếp cận nào vĩ đại hơn Đại Viên Mãn, như được tìm thấy trong 6.400.000 Mật điển của Dzogpa Chenpo (Đại Viên Mãn). Những giáo lý này được trình bày rất chi tiết nhưng chúng đều cô đọng thành một điểm: tâm có tinh túy là rỗng rang, bản chất là thấu biết và sự hợp nhất của hai điều này là hình tướng không ngăn ngại. Ba khía cạnh này là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, thứ không phải ở bên ngoài mà ở bên trong bạn, như là bản tính của tâm bạn.

Làm sao bạn có thể biết điều này? Bạn cần được giới thiệu với bản tính này bởi đạo sư, khi Ngài nói rằng, lấy ví dụ, ‘Đừng tạo tác các ý niệm, hãy nhìn thẳng vào tâm và an trú trong sự nhận ra đó’.

Bạn đã thọ nhận nhiều giáo lý Dzogchen, Harry à, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy, phải không nào? Bạn vẫn chưa nhận ra điều này. Bạn có lẽ đã nghe những chỉ dẫn này nhiều lần, nhưng bạn vẫn chưa có sự nhận ra bản tính của tâm.

Vậy thì bạn cần làm gì? Bạn cần tích lũy công đức. Nếu bạn tích lũy công đức và tiêu trừ che chướng, sự nhận ra đó sẽ xảy ra.

‘Tích lũy’ ở đây nghĩa là gì? Chúng ta muốn nói đến sự tích lũy công đức liên quan đến các điểm tham chiếu và sự tích lũy trí tuệ không tham chiếu.

Thật tốt khi chủ yếu tập trung vào sự tích lũy trí tuệ, điều tức là thiền định không có điểm tham chiếu. Nhưng nếu bạn không biết cách thiền định, cách an trú trong hư không đó, làm sao bạn hoàn thành sự tích lũy này? Chỉ ngồi trong tư thế thiền định thôi thì chưa đủ. Bạn cần biết cách thiền định. Nhưng bạn vẫn chưa.

Bạn cần biết điều gì để thiền định? Bạn cần làm gì? Bạn càng nghiên cứu, mọi chuyện sẽ trở nên càng tệ hơn, bởi những ý nghĩ chỉ che lấp bản tính của tâm. Nghiên cứu sẽ chẳng dẫn bạn đến trí tuệ nguyên sơ. Nó thực sự sẽ khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn, bởi bạn cuối cùng sẽ có đủ mọi ý nghĩ, chẳng hạn như ‘Nó giống như thế này, nó không phải như thế kia …’.

Chẳng có điều gì mà bạn có thể làm. Thậm chí nếu bạn cúng dường mười nghìn ki-lô-gam vàng lên đạo sư, Ngài cũng chẳng thể đưa nó cho bạn. Nếu chư Lama có thể làm điều này, chư vị sẽ giới thiệu bản tính của tâm cho tất cả. Nhưng thực tế thì không phải vậy, điều đấy cần đến từ bạn.

Bạn có thể nghĩ rằng điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra, nhưng không đúng, nó có thể. Có nhiều ví dụ mà chúng ta có thể đọc trong tiểu sử của các hành giả.

Rồi bạn có thể hỏi rằng, ‘Vậy tôi cần làm gì?’. Có nhiều nghi quỹ khác nhau nhưng trong tất cả, thực hành Đạo Sư được xem là vĩ đại nhất. Nếu bạn thực hành và hoàn thành Đạo Sư, bạn cũng sẽ hoàn thành Bổn Tôn và Không Hành Nữ. Nếu bạn thọ nhận một quán đỉnh, vị thầy giới thiệu cho bạn Bổn Tôn và ban cho bạn trao truyền về vị ấy. Không có đạo sư, bạn không thể kết nối với Bổn Tôn. Điều này cũng đúng với Không Hành Nữ và Hộ Pháp. Nếu bạn hoàn thành Đạo Sư thì bạn có thể hoàn thành mọi thứ.

Có hàng trăm nghi quỹ Đạo Sư khác nhau, chẳng hạn các thực hành Guru Rinpoche với Đạo Sư là Pháp thân, Đạo Sư là Báo thân và Đạo Sư là Hóa thân. Cũng có nhiều nghi quỹ Đạo Sư tập trung vào những vị thầy khác.

Tuy nhiên, trong tất cả những nghi quỹ Đạo Sư, quan trọng nhất là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng từ [kho tàng của] Guru Chowang[5]. Thực sự, thực hành này đến từ Guru Rinpoche – Guru Chowang chính là Guru Rinpoche. Các Terma mà Ngài phát lộ bao gồm Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, thực hành sâu xa nhất để hoàn thành Đạo Sư.

Từ quan điểm cá nhân của tôi, đây là thực hành quan trọng nhất trong tất thảy. Đó là kết quả của nhiều năm xem xét và quán chiếu của tôi. Như chính bản văn chỉ ra, nó dành cho những người trong thời tương lai (tức những người như bạn và tôi), người yêu thích Giáo Pháp nhưng không thực sự biết cách thực hành hoặc quá lười biếng để áp dụng điều họ đã biết. Họ ‘may mắn’, như bản văn nói đến, nhưng vẫn có các chướng ngại.

Vậy thì những người như chúng ta cần làm gì? Chúng ta cần quy y Đạo Sư Liên Hoa Sinh. Chúng ta quy y Guru Rinpoche như thế nào? Chúng ta không thể mua chuộc Ngài bằng những đồng đô-la. Chúng ta không thể nói chuyện với Ngài. Chúng ta không thể mời Ngài đến một nhà hàng. Vậy chúng ta cần làm gì? Câu trả lời nằm trong chính bản văn, điều nói rằng: ‘Hãy đến một nơi hẻo lánh’.

Một nơi hẻo lánh là nơi không đông đúc náo nhiệt; như người ta vẫn nói, ‘không có người vào ban ngày và chư thiên và tinh linh vào ban đêm’. Bạn cần phải đến một nơi như thế và cứ ở đấy. Hãy lưu ý rằng bản văn không nói rằng bạn cần ở đó trong một giờ hay năm phút. Bạn cần ở đó càng lâu càng tốt. Nó có thể chỉ một giây hay phần còn lại của cuộc đời. Dù trong trường hợp nào, bạn cần ở một nơi yên tĩnh.

Bạn sẽ có thể làm thế nếu bạn quán chiếu về vô thường và cảm thấy một nhận thức sâu sắc về sự u sầu. Như tôi vừa mới nói, bạn cần phát triển một sự chán ghét vô thường và luân hồi, nếu không, điều đó sẽ chẳng bao giờ phát huy tác dụng. Bạn cần cảm thấy chán ghét luân hồi và tìm kiếm bất cứ phương pháp nào có thể để thoát khỏi nó. Bạn cần đến được giai đoạn khi mà bạn tự hỏi bản thân, ‘Tôi cần làm gì?’. Câu trả lời là: Bạn cần chứng ngộ tính Không.

Làm sao mà bạn có thể chứng ngộ tính Không? Bằng cách quy y và cầu nguyện đến đạo sư. Vì vậy, bản văn nói rằng, ‘Dù hạnh phúc hay buồn đau, hãy hoàn toàn tin tưởng và xác quyết [với Ta, Guru Rinpoche]’, và ‘hãy toàn tâm toàn ý nương tựa [Ngài]’. Có nhiều cội nguồn quy y khác, chẳng hạn Tam Bảo hay Tam Gốc. Ở đây, bạn cần tin tưởng rằng chư vị đều nằm trọn trong Guru Rinpoche. Chẳng có vấn đề gì với điều đó, với những người như bạn [Harry] và tôi. Đấy là tất cả những gì chúng ta cần. Hãy nhận ra rằng, ‘Mỗi [đối tượng] quy y, tất cả những hy vọng của con, đều viên mãn và trọn vẹn trong Ta, Đạo Sư Orgyen’. Nói cách khác, Guru Rinpoche là đủ. Giống như vậy, hãy nghĩ rằng trong mọi hoàn cảnh, dù vui hay buồn, Guru Rinpoche biết chính xác điều đang xảy ra với bạn và quan tâm đến bạn.

Sau đấy, bản văn nói rằng bạn không cần phải bận tâm đến thiền định [Bổn] Tôn, dâng các món cúng dường, dâng lời tán thán, trì tụng Mật chú và v.v. – bạn không cần bất cứ điều gì trong số này. ‘Đơn giản hãy để lòng sùng mộ tràn ngập thân, khẩu và ý. Và hãy cầu nguyện, cầu nguyện bằng bảy dòng này’, điều tức là Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng.

Mipham Rinpoche[6] đã viết một luận giải mở rộng về Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, điều mà tôi cũng đã giải thích[7]. Bản văn của Guru Chowang hướng dẫn bạn cầu nguyện bằng cách trì tụng bảy dòng này. Nó chỉ nói hãy cầu nguyện, nó không nói bao nhiêu: ‘Hãy cầu nguyện như thế, lặp đi lặp lại nhiều lần. Hãy tạo ra cảm giác mong mỏi thiết tha mãnh liệt đến mức những giọt nước mắt tuôn rơi’. Khi bạn có cảm giác sùng mộ mạnh mẽ đến mức mọi ý niệm của bạn bỗng ngừng lại, giống như một viên đá đập xuống sàn, ‘Sau đấy để mọi thứ như nó là. Rõ ràng và tỉnh giác, tập trung và không xao lãng, hãy nhìn vào bên trong’.

Bản văn bổ sung, ‘Những đứa con của Ta cầu nguyện như vậy, hiển nhiên họ sẽ được Ta gia hộ bởi họ sẽ là những trưởng tử nam và nữ của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai’.

Đấy là phương pháp tốt nhất. Và bạn có thể làm thế bất kỳ lúc nào – khi bạn thức giấc, khi bạn đi vệ sinh, khi bạn ăn … bất kỳ lúc nào! Bạn có thể đi ra vườn hay đến một công viên, thư giãn một chút và sau đấy cầu nguyện đến Ngài. Điều đó cũng tương tự khi ở bên một đại dương hay trên đỉnh của một ngọn núi – bất kể bạn ở đâu, nếu bạn tuân theo những chỉ dẫn này và cầu nguyện đến Ngài, chắc chắn một trăm phần trăm là một ngày nào đó, bạn sẽ chứng ngộ tính Không, ngay cả khi chúng ta không thể nói chính xác là bằng cách nào.

Nếu bạn nhìn vào cuộc đời của chư đạo sư trong quá khứ, bạn sẽ thấy rằng điều này có thể xảy ra theo mọi cách và trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta không biết nó sẽ xảy ra như thế nào, nhưng chắc chắn một trăm phần trăm là nó sẽ xảy ra. Và khi nó xảy ra, bạn sẽ biết. Chúng ta có thể thấy khi tâm chúng ta thay đổi, chẳng ai khác biết được ngoài bạn. Chỉ bạn mới có thể thấy tâm bạn. Chúng ta không thể đưa tâm vào một cái máy, thứ sau đấy nói cho chúng ta biết chúng ta nghĩ gì.

Vì thế, hãy tiến hành thực hành này!

Điều đấy rất dễ dàng và lợi lạc. Bạn không cần phải làm Torma[8], bạn không cần bất cứ thứ gì khác. Bạn biết cách trì tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, đúng không nào? Bạn cần nghiên cứu nó thật kỹ. Học hỏi đơn thuần thì không hữu dụng, bạn cần đưa vào thực hành. Thậm chí nếu bạn thọ nhận một nghìn quán đỉnh Guru Rinpoche, bạn chỉ cần trì tụng duy nhất lời cầu nguyện này, thứ là tinh túy của tất thảy. Và nếu bạn thực hành Guru Rinpoche, tất cả Bổn Tôn, Không Hành Nữ và Hộ Pháp cũng đều nằm trọn. Chẳng phải Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng nói rằng, ‘Tập hội Không Hành Nữ vây quanh’?

Vì thế, bạn cần trì tụng tối thiểu một trăm biến Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng mỗi ngày, điều rất dễ dàng. Nó chỉ tốn khoảng bảy phút.

Bạn hiểu chứ?

Tinh túy của Lời Cầu Nguyện Bảy DòngMật chú Kim Cương Đạo Sư. Tất cả nghi quỹ về chư vị Tam Gốc đều nằm trọn trong thực hành Đạo Sư. Thực hành Đạo Sư cô đọng hàng nghìn nghi quỹ được tìm thấy trong Kho Tàng Terma Quý Báu [Rinchen Terdzod][9], thứ là những nghi quỹ về Tam Gốc. Tự thân tất cả nghi quỹ Đạo Sư thì cô đọng thành Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng.

Vì vậy, hãy thực hành Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng này! Ít nhất một trăm linh tám biến mỗi ngày.

Và luôn luôn giữ hình Guru Rinpoche bên mình, như một sự hỗ trợ cho những lời cầu nguyện. Nếu bạn không có, cũng không sao cả. Đạo Sư bất khả phân với tâm bạn. Khi người ta nghe điều này, họ thường cảm thấy sợ hãi và không thoải mái. Nhưng chẳng có gì phải sợ, bởi mọi thứ đều là sự hiển bày tự nhiên của tính Không. Mọi hình tướng khởi lên là sự hiển bày tự nhiên của tính Không – điều đó đúng trong trường hợp này, nếu bạn nhận ra điều đó. Nếu bạn không nhận ra thì bạn có những ý nghĩ như, ‘Làm sao một người bình phàm như tôi có thể giống như Guru Rinpoche!’, điều khiến bạn rất không thoải mái. Nỗi sợ đó sẽ ngăn cản bạn đạt giác ngộ.

Dựa vào cách thức mà vạn pháp vận hành theo cấp độ của chúng ta, chúng ta cần tạo ra những hoàn cảnh phụ thuộc lẫn nhau tích cực bằng cách mang theo hình Guru Rinpoche. Các giáo lý cũng hướng dẫn chúng ta có một Kapala[10] và một chày kim cương, nhưng chúng vốn đã nằm trong hình Guru Rinpoche, bởi Ngài luôn cầm chúng.

Vì thế, hãy trì tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng và cử hành cúng dường Mùng Mười[11].

Có một thực hành Tsok liên quan đến Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, điều được biên soạn bởi Mipham Rinpoche. Bạn có thể tiến hành kiểu đơn giản hoặc thực hành một cách tỉ mỉ hơn, tùy theo mong muốn. Có những cách khác nhau mà thực hành có thể được thực hiện. Khi người ta nói rằng, ‘Đây là truyền thống của tôi, đấy là truyền thống của họ’, điều này cho thấy họ thực sự chẳng bao giờ nghe nói về tri kiến chân chính.

Dù thế nào, bạn cần nương tựa một trăm phần trăm vào Guru Rinpoche, hoàn toàn tin tưởng Ngài.

Bạn hiểu chứ? Điều này dễ dàng, phải vậy không?

Điều này thực sự quan trọng.

Tôi đã dành 67 năm suy nghĩ về điều này và đây là kết luận mà tôi đã đạt được. Những giáo lý của Đức Phật cực kỳ bao la. Khi bạn trở thành một Tỳ Kheo, bạn có 258 giới cần tuân theo, điều có thể khá nản chí. Tuy nhiên, một mặt, điều đấy không khó đến vậy, bởi nó không liên quan đến tâm, chúng chỉ là các quy tắc chi phối thân và khẩu của bạn. Dựa trên sự xuất gia thọ giới này, bạn cuối cùng đạt được quả vị A La Hán, mặc dù cũng không chắc chắn khi nào điều đấy sẽ xảy ra.

Sau đấy có Đại thừa của chư Bồ Tát, trong đó, bạn cần thiền định về Bồ đề tâm nguyện và hạnh. ‘Bồ đề tâm nguyện’ về cơ bản là có một trái tim tốt lành và nghĩ rằng, ‘Chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ đã làm những điều vĩ đại, tôi cũng sẽ làm như vậy’. ‘Bồ đề tâm hạnh’ là đưa mong ước này vào hành động bằng cách dấn thân vào sáu ba-la-mật. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cần đến ba vô lượng kiếp thì bạn mới đạt giác ngộ. Ngoài ra còn cách tiếp cận của Kim Cương thừa Mật chú Bí mật, điều đem đến giác ngộ trong vòng mười sáu đời. Ở đây, bạn cần thiền định về Kyerim và Dzogrim. Mục đích của tất cả những thực hành khác nhau này là gì? Để chứng ngộ tính Không.

Chúng ta đang thảo luận cách tiếp cận của Đại Viên Mãn (Dzogchen), những giáo lý nói đến ‘giải thoát nhờ nhìn ngắm’, ‘giải thoát nhờ lắng nghe’, ‘giải thoát nhờ xúc chạm’ và ‘giải thoát nhờ ghi nhớ’. Bản thân những giáo lý Dzogchen chẳng nói đến đời sau. Chúng nói rằng những vị thượng căn sẽ giải thoát trong đời này, những vị trung căn sẽ giải thoát trong trung ấm Bardo và những vị hạ căn sẽ đến một cõi Tịnh độ Hóa thân và giải thoát ở đó.

Điều này nghe có vẻ không quá tệ, nhưng trước hết, bạn cần chứng ngộ bản tính của tâm và dù bạn có thể cố gắng vất vả đến thế nào, sự chứng ngộ đó không đến một cách dễ dàng. Do vậy, bạn cần quy y. Về điều này, Guru Rinpoche là lựa chọn tốt nhất của bạn. Hãy nghĩ rằng, ‘Tôi cần có sự chứng ngộ này, nhưng không thể tự mình có được. Vì thế, tôi sẽ cầu nguyện đến Guru Rinpoche, tin tưởng rằng Ngài biết và quan tâm đến tôi’.

Dĩ nhiên chúng ta có thể đơn giản an trú trong thiền định, nhưng như vậy thì chúng ta cần biết cách làm điều đó. Nếu bạn biết cách, thật tốt, nhưng nếu bạn không biết, bạn sẽ thiền định về điều gì? Các cuốn cẩm nang thực hành, chẳng hạn Yeshe Lama[12], nói rằng bạn bắt đầu bằng sự giới thiệu trực tiếp về trạng thái tự nhiên, điều giống như mở mắt của một người mù. Bạn cần phải được giới thiệu và đã nhận ra bản tính của tâm bạn, trước khi bạn thiền định. Sau đấy, bạn áp dụng bốn Chokshak – ‘bốn cách để vạn pháp như chúng là’ và tiếp tục bằng thực hành Togal. Điều đấy khá khó.

Đó là lý do tôi đang đề xuất rằng bạn có thể muốn xem xét việc cầu nguyện đến Guru Rinpoche. Bởi nếu bạn làm thế, đảm bảo một trăm phần trăm là một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra bản tính của tâm bạn. Trong trường hợp không thể tưởng tượng là điều này không xảy ra ngay trong đời này, không nghi ngờ gì, ít nhất, bạn sẽ tái sinh ở Núi Màu Đồng[13]. Tất cả những ai tập trung vào cầu nguyện đến Guru Rinpoche sẽ tái sinh ở Núi Màu Đồng khi họ qua đời. Người nào đã tái sinh ở đó thì chẳng còn những ý niệm bình phàm, mọi ý nghĩ của họ tan biến khi họ diện kiến Guru Rinpoche. Điều này giống như khi mặt trời chiếu sáng khiến bóng tối biến mất.

Vì vậy, tốt hơn là bạn cầu nguyện đến Guru Rinpoche. Đấy là điều tôi nghĩ. Tôi chưa từng nói điều này với bất kỳ ai trước kia, nhưng tôi đang nói cho bạn biết. Những người khác có thể nghe nếu muốn, bởi điều đó chỉ làm lợi lạc họ và chắc chắn không đem đến tổn hại nào.

Dẫu vậy, tôi muốn làm sáng tỏ một điểm. Tôi chắc rằng vài người sẽ nói: ‘Trong bài giảng của mình, Tulku Orgyen Tobgyal nói rằng bạn chỉ cần Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Bạn chẳng cần Ngondro, bạn chẳng cần các thực hành nghi quỹ chính yếu, bạn không cần thứ gì khác. Đấy là điều Ngài nói!’.

Điều tôi vừa chia sẻ ở đây là một chỉ dẫn thực hành cá nhân, những điểm then chốt mà Harry cần áp dụng. Bạn có thể tiến hành các thực hành khác nhiều bao nhiêu tùy thích, chẳng có gì sai cả! Bạn có thể cử hành một nghìn Drupchen. Bất kỳ thực hành nào cũng tốt. Điều tôi đang nói ở đây là điều mà bạn cần tập trung tâm vào. Nếu không, mọi thực hành mà bạn đã tiến hành trong suốt cuộc đời sẽ chẳng hữu ích khi chết. Bạn sẽ lạc lối, nghĩ rằng, ‘Tôi đã tiến hành nhiều thực hành đến vậy, nhưng mục đích chính yếu là gì, tâm yếu của tất cả là gì chứ?’. Nó giống như khi bạn đến sân bay Delhi. Sân bay rất rộng và bạn chẳng biết phải đi đâu. Bất cứ điều gì chúng ta làm hiện nay, chúng ta luôn cần lên kế hoạch. Vì thế, đây là kế hoạch.

Tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ tất cả những điều này một cách cẩn thận và đây là kết luận mà tôi đạt được. Dẫu vậy, đó là chuyện cá nhân; bạn cần đưa ra quyết định của riêng mình. Bạn không cần phải nói về nó với những người khác. Ngày nay, khi người ta biết chỉ một mẩu tin tức, họ cảm thấy bị thôi thúc mãnh liệt phải nói với mọi người về nó.

Đức Orgyen Tobgyal Rinpoche 

Việt dịch: Pema Jyana

Nguồn: Lời cầu nguyện bảy dòng – Tinh túy của tất thảy

[1] Nguồn Anh ngữ: http://all-otr.org/short-talks/57-the-seven-line-prayer-the-essence-of-all.

[2] Theo Rigpawiki (https://www.rigpawiki.org/), Orgyen Tobgyal Rinpoche sinh năm 1951 ở Nangchen, Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài là con trai của Neten Chokling Rinpoche đời thứ ba. Mặc dù nổi tiếng là Gyalchen Tulku, hóa thân hoạt động của Tổ Taksham Nuden Dorje, Ngài không được chính thức công nhận là một vị Tulku – đạo sư tái sinh – khi còn trẻ, bởi người ta nói rằng điều này sẽ gây ra nhiều chướng ngại cho cuộc đời Ngài. Ngài là anh trai của Khyentse Yeshe Rinpoche – Jamyang Gyaltsen và Dzigar Kongtrul Rinpoche và được trìu mến gọi là Abu Rinpoche (Abu nghĩa là anh trai trong phương ngôn vùng Kham).

[3] Theo Rigpawiki, Kangyur nghĩa đen là ‘những lời dạy được chuyển dịch’ của Đức Phật. Kangyur là một tuyển tập những giáo lý của chính Đức Phật trong Tạng ngữ. Những lời của Đức Phật tạo thành cả Kinh điển và Mật điển.

[4] Theo Rigpawiki, Tengyur là những luận giải về các giáo lý của Đức Phật. Đại Tạng Kinh Tây Tạng được chia thành những lời thực sự của Đức Phật nằm trong Kangyur và các bộ luận do chư đạo sư uyên bác và thành tựu của Ấn Độ biên soạn, thứ nằm trong Tengyur.

[5] Theo Rigpawiki, Guru Chokyi Wangchuk tức Guru Chowang (1212-1270) – vị thứ hai trong Năm Khai Mật Tạng Vương và là một hóa hiện về khẩu của Vua Trisong Detsen. Trong các phát lộ của Ngài có thực hành Lama Sangdu.

[6] Về Mipham Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-.

[7] Orgyen Tobgyal Rinpoche đã giải thích về luận giải này từ ngày 27/7 đến 5/8/2014 ở Lerab Ling.

[8] Theo Rigpawiki, Torma – bánh nghi lễ, thường được nặn bằng tay từ bơ và Tsampa (bột lúa mạch rang) và tô màu, thứ có thể biểu tượng cho một vị Tôn, một Mandala (đàn tràng), một món cúng dường hay thậm chí một vũ khí.

[9] Theo Rigpawiki, Rinchen Terdzod – Kho Tàng Terma Quý Báu là một trong Năm Kho Tàng Vĩ Đại của Tổ Jamgon Kongtrul. Đây là một tuyển tập từ tất cả các Terma được phát lộ cho đến thời của Ngài, bao gồm cả các kho tàng của Tổ Chokgyur Lingpa. Lo sợ rằng những giáo lý này sẽ bị mất, Ngài bắt đầu việc kết tập vào năm 1855 với sự gia trì của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo và hoàn thành vào năm 1889. Đơn giản thọ nhận các quán đỉnh và khẩu truyền Rinchen Terdzod cũng cần từ 4 đến 6 tháng.

[10] Theo Rigpawiki, Kapala – cốc sọ là một Pháp khí mang tính biểu tượng, thứ đại diện cho khả năng duy trì hỷ lạc của trí tuệ vô quan niệm. Khi cốc sọ chứa máu, nó đại diện cho sự chế ngự tứ ma.

[11] Về những lợi lạc của lễ kỷ niệm Mùng Mười, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a33762/nhung-loi-lac-co-dong-cua-le-ky-niem-mung-muoi.

[12] Theo Rigpawiki, đây là chỉ dẫn hay cuốn cẩm nang nổi tiếng về thực hành Dzogchen do Tổ Rigdzin Jigme Lingpa soạn. Đó là một tóm tắt của Vima Nyingtik. “Dựa trên pho sâu xa nhất, vô song của các chỉ dẫn cốt tủy, nó kết hợp tinh túy của các Mật điển Dzogchen và về cơ bản giới thiệu những chỉ dẫn thực tiễn cho Trekchod và Togal, cùng với những chỉ dẫn để giải thoát trong các trạng thái Bardo và giải thoát trong các cõi Tịnh độ Hóa thân”.

[13] Theo Rigpawiki, Zangdok Palri – Núi Huy Hoàng Màu Đồng là cõi Tịnh độ nơi Guru Rinpoche đang an trụ, được cho là tọa lạc ở Ngayab Ling. Trên đỉnh Núi Màu Đồng, Đức Liên Hoa Sinh đã giải thoát vua của loài La Sát, Raksha Thotreng và mang hình tướng của vị này. Hiện nay, Ngài ở tại Zangdok Palri như là một ‘Trì Minh của sự hiện hữu tự nhiên’, cấp độ Trì Minh thứ tư. Kyabje Dudjom Rinpoche viết rằng, “Ở đó, Ngài hóa hiện Cung điện Liên Hoa Quang không thể nghĩ bàn và chủ trì như là vua, với một trong tám hóa hiện ở mỗi lục địa trong tám lục địa của loài La Sát, ban các giáo lý như Tám Phương Pháp Thành Tựu Vĩ Đại Kagye và bảo vệ dân chúng cõi Nam Thiệm Bộ Châu này khỏi những sợ hại về cuộc đời của họ. Cho đến ngày nay, Ngài vẫn cai quản như là vị nhiếp chính của Kim Cương Trì, ‘Trì Minh của sự thành tựu tự nhiên của con đường rốt ráo’; và như thế, Ngài sẽ mãi duy trì, không có bất kỳ di chuyển nào, cho đến tận cùng của vũ trụ”.

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung