Đạo Sư Padma đã trao riêng cho hoàng tử quán đảnh mạn đà la chư Phật hiền minh và phẫn nộ. Ngài ban các hướng dẫn, huấn thị khẩu truyền về các sadhana nghi quỹ kết hợp các vị bổn tôn hiền minh và phẫn nộ cũng như thực hiện sự thuần thục chín mùi và giải thoát trong toàn bộ chư vị.
Sau đó, Đạo Sư Bồ Tát hòa tan mạn đà la hiện thân (tan biến nhục thân) của mình trong Điện Thờ Bồ Đề. Đạo Sư Padma và Hoàng Tử Mutig đã bọc thân thể Bồ Tát bằng lụa quý, niêm phong nó với vàng và lam ngọc trong một ngôi chùa gỗ đàn hương, rồi đặt nó như là một nơi tôn nghiêm thờ phượng. Sau đó Đạo Sư Padma nói:
Ta, Padmakara,
Được sinh ra trong mảnh đất Uddiyana nhờ công đức tích tập.
Ta đã ở lại Ấn Độ trong 3600 năm.
( Những năm này nên được tính toán là 6 tháng cho 1 năm bây giờ. Những Biên Niên Sử Vàng đề cập rằng Đức Padmakara đã ở lại 5 năm trong cung điện hoàng gia xứ Uddiyana, 5 năm trong Rừng Mát Lạnh, và đã trải qua 10 năm nghiên cứu Phật Pháp. Trong mỗi xứ sở sau, Ngài đã ở lại 200 năm là: Ấn Độ và Trung Hoa, Uddiyana và Sahor, Ma Kiệt Đà Magadha và Tirthika , Kashmir và Singala, Li và Marutsey. Trong mỗi xứ sở sau, Ngài đã trải qua 98 năm là: Asha và Drusha, Shambhala và Shangshung, Ba Tư và Gesar, Tokar và Rubala, Rakshasa và cõi Rồng Naga. Cuối cùng, Ngài ở lại 40 năm ở Nepal và 111 năm ở Tây Tạng.)
Được thúc đẩy bởi nghiệp, Ta đã đến trung tâm Tây Tạng.
Bây giờ Ta đã ở đây trong Xứ Tuyết 51 năm.
Dưới sức mạnh của những khát ngưỡng,
Ta đã trở thành Đạo Sư của nhà vua.
Đã đặt nền móng cho Samye trong năm Dần,
Nhờ nguyện vọng thiêng liêng của nhà vua, Samye đã được hoàn tất trong năm Ngọ.
Vì vậy Ta đã hoàn thành nguyện vọng của vua Tây Tạng.
Trong năm Sửu, nhà vua được 56 tuổi.
Mặc dù đó là lúc định mệnh cho cái chết của vua,
Nhưng nhờ các nghi lễ kéo dài thọ mạng,
Ta đã mở rộng thọ mạng của nhà vua thêm được 13 năm.
Sau đó nhà vua qua đời ở tuổi 69, trong năm Dần.
Mutig Tsenpo, con đã nối ngôi nhà vua trên chiếc ghế quyền lực,
Ta đã truyền đạt cho con trọn vẹn những quán đảnh và các huấn thị khẩu truyền.
Quốc vương cùng các thần dân mở rộng và bảo vệ vương quốc
Theo pháp luật của cha con, nhà vua.
Đức Tu Viện Trưởng Khenpo Bồ Tát
Đã tan biến mạn đà la hiện thân của mình trong Điện Thờ Bồ Đề.
Rồi Ta cũng sẽ phải rời đi và không ở lại đây được lâu hơn nữa,
Ta sẽ tìm kiếm một nơi sadhana để thực hiện thực hành tâm linh.
Nói xong như vậy, Đức Padmasambhava đã an trụ trong thiền định 3 tháng 3 ngày tại khu nhập thất phía trên của Chimphu. Tại Drag Yangdzong, Ngài đã ở lại trong 5 tháng3 ngày. Tại Núi Đá Trắng của Tidro, Ngài đã thiền định trong 7 tháng 7 ngày. Tại Đồng Cỏ của Monkha, Ngài đã thiền định trong 1 tháng 10 ngày. Tại Montha Dragtha Tramo, Ngài đã thiền định trong 3 tháng 3 ngày. Trong Hang Động Man-gong, Ngài đã thực hành trong 1 tháng 7 ngày. Tại Hang Động Pha Lê Ngọc Trai của Đỉnh Pama, Ngài đã thiền định trong 1 tháng 10 ngày. Trong Động Pha Lê của Yarlung, Ngài đã thiền định trong 3 tháng 3 ngày. Ở Tsibri của Gyal, Ngài đã thực hành trong 2 tháng 4 ngày. Ở núi tuyết Ngân Sơn Kailash, Ngài đã thiền định trong 5 tháng 5 ngày. Tại Kharchu ở Lhodrak, Ngài đã thực hành trong 8 tháng 8 ngày. Tại Tsagong của Tsari, Ngài đã thiền định trong 7 tháng 7 ngày.
Đạo Sư Padma đã ban phước cho những địa điểm hẻo lánh trở thành những chốn thiêng liêng cho nghi quỹ sadhana. Ngài đích thân tự mình đến thăm viếng khắp mọi nơi trên vùng đất Tây Tạng và cất giấu vô số các kho tàng terma vì lợi ích của những người xứng đáng trong các thế hệ tương lai. Ngài cũng đã chôn những danh sách các vị trí riêng biệt, các bản văn hướng dẫn, và các bản văn quan trọng. Vì lợi ích của mỗi người có khả năng lĩnh hội định mệnh, Ngài đã phát những lời nguyện sau, “Cầu mong kho tàng này khế hợp với một người có duyên tiền định thích hợp! Cầu mong nó được thực hành bởi những người định mệnh!” Ngài cũng ban 3 dấu ấn niêm phong theo từng cấp, “dấu ấn của kho tàng, dấu ấn của sự phó thác, dấu ấn của sự cất giấu.” Cũng như vậy, Ngài ban những sắc lệnh này, “Đã ủy thác, đã ủy thác trọn vẹn! Đã cất giấu, đã cất giấu như kho tàng! Thâm sâu, hãy giữ nó thiêng liêng!”
Đạo Sư Padma sau đó nói, “Cầu mong tất cả những người khế hợp với những giáo lý terma của Ta trong tương lai cũng hãy giữ chúc thư này trong tâm:
“Hỡi người định mệnh khế hợp với các giáo lý kho tàng của Ta trong tương lai, nếu con không thể thực hành những huấn thị khẩu truyền của Ta, con sẽ gặp những khó khăn, vì thế hãy giữ kín dấu ấn bí mật.
“Nếu con tiết lộ các huấn thị quá sớm, những người khác sẽ ghen tị, thèm muốn những giáo lý, hoặc phỉ báng, vu khống, hiểu lầm chúng, vì thế trước tiên hãy đưa ra những dấu hiệu thành tựu trong sadhana nghi quỹ thực hành của con.
“Nếu ham muốn của con cho sự gia tăng lợi ích vật chất, danh vọng, và sự vĩ đại là quá lớn, thì những người khác sẽ cố gắng để gây tổn hại cho con, vì thế hãy sở hữu những lời dạy về các sức mạnh, năng lực kỳ diệu.
“Hãy giữ những cam kết thiêng liêng của con như nền tảng. Nếu con làm hư hỏng các samaya của mình, con sẽ không có những hoàn cảnh tốt đẹp trong đời sống này và theo những đời sau đó con sẽ đi đến các cõi địa ngục.
“Giữ một cái thấy cao như bầu trời. Con sẽ rơi vào những sai lạc, trừ khi con xác quyết được cái thấy.
“Hãy có được một sự thiền định giống như một cọc vàng ròng được đóng xuống nền đất. Nếu sự thiền định của con loạng choạng, không ổn định, con sẽ không đạt được sự ổn định bằng cách đơn giản giả vờ thực hành.
“Hãy khiến đạo hạnh của con sở hữu sự tự tin vô úy, không chút sợ hãi. Với thói đạo đức giả và sự giả vờ, con không thể chuyển hóa những người khác được.
“Hãy cất giấu những huấn thị khẩu truyền của con giống như một kho tàng. Nếu con phổ truyền chúng quá công khai, rộng mở. Chúng sẽ tiêu tan và mất đi giá trị.
“Bất cứ sự thiền định hay sadhana nào con có thể thực hành, hãy tìm kiếm một bậc đạo sư, người sở hữu các huấn thị khẩu truyền. Nếu con thiếu đi những ân phước của một bậc đạo sư, sẽ không có ân phước từ thực hành Pháp của con.
(Những Biên Niên Sử Tràng Hoa Vàng Ròng (trang.583) gồm một số lượng lớn các giáo lý truyền thống về điểm này).
“Nếu cái thấy và hành vi của con thô tháo, con sẽ gặp những trở ngại trong thực hành Pháp của mình. Đừng để cái thấy của con chỉ trở thành cái vô vị, nhạt nhẽo hoặc hành vi của con phù phiếm, ngớ ngẩn.
“Nền tảng cho thực hành Pháp là thệ nguyện samaya và lòng từ bi. Hãy giữ những cam kết thiêng liêng của con thuần khiết và ôm ấp lấy những người khác với lòng bi mẫn.
“Trừ khi con đã đạt tới những dấu hiệu thành tựu trong một giáo lý cho chính mình, còn không thì đừng ban nó cho những người khác. Nếu con làm vậy, những người khác sẽ không tin tưởng vào giáo lý và thiếu đi sự trân trọng.
“Đừng ban các giáo lý thông thường, nói chung và những huấn thị khẩu truyền cùng một lúc. Nó có thể xảy ra việc liên kết bị phá vỡ sau các giáo lý thông thường, chung chung; Vì vậy đầu tiên hãy kiểm tra người thọ nhận.
“Những giáo lý terma thì cực kỳ sâu sắc: hãy thực hành chúng một cách cẩn thận.
“Nếu con thực hiện được như vậy, những ban phước sẽ tự nhiên xuất hiện. Phật sẽ được phát hiện trong chính con. Loài người sẽ cung cấp cho con tất cả những nhu cầu thiết yếu. Mọi người sẽ tôn trọng con và các chúng sinh thần thánh sẽ ban phương tiện sinh sống, thực phẩm đồ ăn thức uống bổ dưỡng. Tất cả ước nguyện của con sẽ được hoàn mãn; Con sẽ tiếp nối dòng dõi truyền thừa của chư Phật và chứng ngộ, nhận ra ý nghĩa của Giáo Pháp. Con sẽ thiết lập hội chúng Tăng Đoàn và khiến Giáo Pháp lan tỏa, hưng vượng.
“Nếu con không làm được vậy, và con không tự mình ứng dụng thực hành các giáo lý mà thay vào đó con chỉ tìm cách lấy lòng những người khác vì lợi ích thực phẩm và sự giàu có, thì con đang buôn bán sinh lực của chư Phật và là một điều đáng xấu hổ với Giáo Pháp đồng thời con cũng là một tấm gương xấu cho tăng đoàn. Con sẽ là một bậc thầy tà đạo và một kẻ dẫn đạo người khác đi tới các cõi địa ngục. Quăng hạnh phúc, lợi ích của mình đi một cách bất cẩn, con sẽ phải chịu sự lãng phí thân người quý báu của mình. Những giáo lý terma của Ta là thiêng liêng nhất; nên hãy gìn giữ, trân trọng chúng một cách tha thiết”.
(Đức Padmasambhava đã hát ý này một bài hát dài hơn lời khuyên tâm huyết: Những Biên Niên Sử Tràng Hoa Vàng Ròng (trang 584-588)…
Đức Liên Hoa Sinh
Trích từ Chúc thư của Đạo sư Liên Hoa Sinh