Làm thế nào hiểu tánh không bằng kinh nghiệm bản thân |

Làm thế nào hiểu tánh không bằng kinh nghiệm bản thân

Tánh không Thực hành

Đức Tsong Khapa giải thích vài ví dụ như chiêm bao, ảo giác, và sự lầm lẫn một cuộn dây có sọc là con rắn, để giúp ta đạt đến tuệ tri về tánh không. Nếu ta xử dụng những giấc mộng của mình làm ví dụ, thì sự hiểu biết Tánh không của ta trở thành kinh nghiệm thực chứng.

Hãy xét đến ví dụ đêm vừa qua ta mộng thấy mình leo lên núi cao. Trong giấc mơ, ta có kinh nghiệm về ngọn núi như một cái gì rất thực. Nhưng làm sao mà ngọn núi hiện hữu được? Một ngọn núi khổng lồ như thế không thể nằm trong phòng ta, vì nó quá to lớn đối với gian phòng. Ngọn núi cũng không hiện hữu ở ngoại giới. Xét theo cách ấy, ta không thể tìm ra ngọn núi, chứng tỏ nó không có một hiện hữu nào tự nội.

Mặc dù tánh không là cái gì rất sâu xa vi tế, nhưng nhờ những ví dụ sống động như những giấc chiêm bao của chúng ta, mà ta có thể hiểu được rằng ngọn núi, con người hay bất cứ gì ta xét tới, cũng đều không có một lai lịch thực hữu tự trong bản chất của nó. Lấy một ví dụ khác, như ta xem một phim kinh hoàng về sự xuất hiện của một con quái vật. Khi xem phim, ta cảm thấy hồi hộp sợ hãi. Lúc kinh nghiệm ấy xảy ra, ta hãy đặt câu hỏi: thực sự là ta đang sợ cái gì?

Nỗi sợ hãi mà ta cảm nghiệm là do con quái vật xuất hiện trên màn ảnh truyền hình gây nên, nó trông như sống thực. Khi xét cho kỹ, ta sẽ khởi sự khám phá rằng tự bản chất, con quái vật không hiện hữu thực thụ. Ta không thể tìm thấy quái vật trong màn truyền hình, ngoài màn truyền hình, hoặc trong nhà ta. Con quái vật mà ta sợ hãi ấy không có lai lịch biệt lập, tự bản chất nó không thực hữu. Sự sợ hãi của ta đối với quái vật chỉ là do bày đặt của tư tưởng phân biệt. Cũng thế, ta nên xem cái “tôi” xuất hiện cũng chỉ hiện hữu độc lập trong tâm trí ta mà thôi.

Nếu xét kỹ bản chất của cái “tôi” hiện hữu trong tâm ta, ta thấy rằng giống như lai lịch của con quái vật trên màn

hình, cái tôi ấy cũng không có hiện hữu thực thụ. Nhờ quán xét cái tôi mà ta có thể đạt đến vài hiểu biết và kinh nghiệm bản thân về Tánh không. Nhận ra được sự trống rỗng của cái tôi là chuyện khác xa với cái cách ta thường xem là mình hiện hữu.

Đối với những người có lòng tin đối với đức Phật, thì kinh điển hay giáo lý Phật dạy cũng đủ khiến cho họ chấp nhận Tánh không và học hỏi sâu rộng để thực chứng ý nghĩa chân thực về Tánh không. Người ta bảo rằng với những kẻ vô phước thì sẽ rất khó để thực chứng Tánh không. Nhưng những người đã tạo những nhân tốt lành thì có thể chứng ngộ tánh không một cách dễ dàng. Song le, như ngọc quý khó được mà dễ mất; những người đã tạo phước nghiệp để có thể chứng tánh không cũng thế, họ dễ đánh mất cái cơ hội để chứng đắc Không tánh. Theo tục ngữ thì những người giàu có là may phước, nhưng muốn đạt đến sự thực chứng sâu xa về Tánh không, ta cần tích lũy tài sản tâm linh là năng lực công đức.

Đối với những người đã gây tạo ác nghiệp thì lại càng khó hơn để mà thực chứng về Tánh không. Cũng như ta không thể gieo giống mùa màng trên đất đầy sỏi đá, thực khó mà vun trồng thực chứng về Tánh không trong một cái tâm xấu xa độc ác. Vì lý do ấy mà sự thanh lọc chướng ngại và ác nghiệp có tầm quan trọng lớn lao: những hành trì để sám hối thanh lọc như vậy là một phương pháp nhờ đó ta có thể thực chứng Tánh không.

Nếu ta đi theo đường lối của đức Văn thù và nương tựa vào ngài, hiện thân trí tuệ của tất cả chư Phật, thì trí tuệ ta sẽ tăng trưởng và thực chứng tánh không một cách không khó khăn. Có ba pháp hành trì chính yếu để thể nghiệm tánh không: một là tịnh hóa ác nghiệp và tích lũy công đức; hai là theo một bậc thầy đủ tư cách, có kinh nghiệm. Ba là thực thụ thi hành các pháp thiền về tánh không và luyện tập nhờ năng lực của tinh tấn nỗ lực. Nhờ dấn mình vào các pháp tu này mà ta có thể có được kinh nghiệm về tánh không, nếu không thực hành như thế thì sự thực nghiệm về Tánh không sẽ vô cùng khó.

Muốn liễu ngộ được Tánh không, điều thực quan trọng là phải biết rằng vạn pháp hay mọi hiện tượng, kể cả cái tôi, đều do tư tưởng phân biệt bày đặt, gán tên. Những khái niệm được giải thích ở đây, cùng với cái cách thông thường ta nhìn sự vật, quả thực không tương ứng với nhau. Thông thường ta thấy mọi hiện tượng đều hiện hữu trong bản chất của chính nó, tạo nên ảo tưởng về một tự tính biệt lập. Đây là một tướng giả dối do chính ngã chấp của ta tạo nên. Kỳ thực mọi sự vật đều do tâm tạo, như ngọn núi trong giấc chiêm bao. Ngọn núi chỉ hiện hữu trong tâm ta, chứ không thực sự có do bản chất của chính nó.

Nguồn : www.thuvienhoasen.org

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung