Đấng đạo sư không chỉ là một con người mà còn chính là con đường tu. Mục đích là nhận ra rằng đạo sư tối thượng là tuệ giác của chính chúng ta.
Bây giờ hãy chia sẻ về tri kiến thanh tịnh (pure perception) và về Phật Giáo Kim Cang Thừa. Đầu tiên, tôi muốn nói với các bạn rằng chúng ta không nên hiểu về tri kiến thanh tịnh như đây là luật xử thế. Điều này rất quan trọng. Tri kiến thanh tịnh không phải là một nguyên tắc xử thế gì cả. Thật đáng tiếc bởi vì khi Kim Cang Thừa được giảng dạy, đôi khi người ta nói rằng các hành giả (tu tập theo Kim Cang Thừa) bắt buộc phải có một tri kiến thuần khiết đối với Đấng đạo sư kim cang. Nghe như thế thì giống như đây chính là một đạo đức Kim Cang Thừa.
Nhưng các bạn hãy nên cố gắng tiếp cận tri kiến thanh tịnh theo một phương cách khác (khác hơn là cách suy nghĩ như trên). Tri kiến thanh tịnh phải được vận dụng như là một pháp môn tu tập, có nghĩa là các bạn cần phải tập làm quen, nhuần nhuyễn với tri kiến ấy. Có những lúc, trong cương vị của một người mới tu, các bạn sẽ đánh mất tri kiến thanh tịnh. Các bạn cần phải nhớ rằng, không thể nào ngồi đó mang kỳ vọng là các bạn sẽ có được tri kiến thanh tịnh một cách trọn vẹn hoàn hảo ngay từ đầu. Điều này không hiện hữu đâu. Nếu các bạn ôm lấy một sự mong đợi như thế thì điều ấy sẽ làm cho bạn cảm thấy tội lỗi. Tri kiến thanh tịnh đã là nguyên nhân đưa đến rất nhiều cảm giác tội lỗi. Hãy hiểu về tri kiến thanh tịnh như là một điều gì đó mà các bạn có ý nguyện muốn hướng đến; các bạn cần phải huân tập tri kiến thanh tịnh.
Tri kiến thanh tịnh sẽ xảy đến khi bạn khao khát thèm thuồng tánh không.
Khi bạn, trong cương vị của một chiếc bình chứa, chấp nhận được khái niệm về tánh không, thì tri kiến thanh tịnh (sẽ sinh khởi) một cách dễ dàng hơn. Hiểu về tánh không có nghĩa là, trên căn bản, bạn phải biết rằng bất cứ điều gì mà bạn nhìn thấy, hoặc trải nghiệm, thật ra chỉ là một sự phóng tưởng của chính bạn; và trên thực tế, điều mà bạn nhìn thấy hoặc trải qua không thực sự hiện hữu như cách phóng tưởng của bạn đâu. Khi bạn có thể chấp nhận được như vậy, không phải chỉ trên phương diện lý trí mà cả trên phương diện thực tiễn, thì bạn đang đến gần hơn với cái hiểu về tánh không. Mỗi một khi bạn đưa ra một xét đoán nào đó, hãy cố gắng bằng mọi cách tự nói với bản thân mình, “Đây chỉ là một sự phóng tưởng của tôi; đây chỉ là tư tưởng giới hạn (nhỏ hẹp) của tôi.” Nếu bạn có thể làm được như vậy, bắt đầu ở ngay mức độ thấp bé nhất, chẳng hạn như (xét đoán) về tách trà ngon hay tách trà dở, trở lên cho đến việc xét đoán về hiện tướng của một Vị đạo sư kim cang, thì qua đó bạn cũng có thể dần dà làm quen được với tri kiến thanh tịnh.
Chúng ta đang không nói đến việc chúng ta phải nghĩ về Vị đạo sư kim cang như là một vị Phật. Chúng ta đang không nói về vị ấy như là một Vị đạo sư màu hoàng kim, có thêm nhiều tay, nhiều chân và một con mắt thứ ba. Chúng ta không cần phải tự bày ra để tin là như thế; chúng ta không cần phải tạo ra một hiện tượng mới mẻ và cho rằng đó là tri kiến thanh tịnh. Làm như vậy là sai rồi. Tri kiến thanh tịnh chính là khi bạn biết được rằng bất cứ điều gì mà bạn suy nghĩ, đặc biệt những gì bạn nghĩ về đạo sư của bạn, là sự phóng tưởng của chính bạn thôi. Những việc như kết tội, quy lỗi hay trách móc sẽ từ từ giảm thiểu. Khi việc kết tội, quy lỗi và trách móc ngưng bặt, thì tri kiến của bạn sẽ trở nên thuần khiết hơn.
Trong Phật Giáo Kim Cang Thừa, Đấng đạo sư không chỉ là một con người mà còn chính là con đường tu. Mục đích ở đây là nhận chân ra được rằng đạo sư tối thượng là tuệ giác của chính chúng ta. Và bằng cách nào chúng ta vén mở được đạo sư tuệ giác bên trong ấy? Bằng cách xé bỏ lớp kén của cái tôi, xé bỏ lớp kén của sự chấp ngã. Sau rất nhiều công phu phân tích và quán chiếu, (bạn sẽ thấy ra rằng) đạo sư bên ngoài chính là người giúp bạn phá vỡ đi cái tôi của mình. Đây là mục tiêu chính yếu của bạn. Cách thức mà bạn liên hệ với Đạo sư của bạn, xuyên qua những tác động giữa ngài với bạn, cần phải được đặt nền tảng trên mức độ mà ngài có thể xé bỏ được lớp kén nhiều hay ít bao nhiêu. Xin các bạn hãy ghi nhớ rằng ý thích của Đạo sư của bạn bắt buộc cũng phải là ý nguyện muốn phá vỡ màn vô minh của đệ tử. Dựa trên mục tiêu ấy, đạo sư có thể sẽ bảo bạn phải thi hành đủ thứ đủ mọi loại việc thật đáng kinh ngạc. Kinh ngạc cho cái gì? Kinh ngạc cho cái bản ngã và không thể nào chấp nhận được đối với cái bản ngã ấy! Nhưng các bạn cần phải làm tất cả những việc ấy như đây chính là phương cách chữa trị tốt lành nhất.
Thêm vào đó, lẽ dĩ nhiên, các bạn vẫn cần phải đối xử với Đấng đạo sư theo đúng lễ nghi, với lòng tôn kính và sự khiêm cung. Những thứ như nghi lễ, sự kính trọng, đức khiêm cung giống như là những món châu bảo trang nghiêm. Không có những thứ ấy thì việc lễ lạy hay các việc làm tương tự cũng chẳng khác nào một lớp vỏ kén khác mà thôi, càng ngày lớp vỏ kén ấy càng dầy ra, dầy hơn nữa, dầy đến nỗi mà bạn sẽ phải cần một phương cách khác để có thể đập vỡ. Nói chung, tất cả đều phải quay ngược lại về với động cơ muốn thành tựu giác ngộ. Tất cả mọi thứ đều phải đặt nền tảng trên động cơ ấy.
Có rất nhiều sự hiểu lầm về mối liên hệ đạo sư‐đệ tử. Nói một cách cụ thể, khi một vị đạo sư Kim Cang Thừa ra lệnh cho đệ tử làm theo bất cứ điều gì mà đạo sư đã yêu cầu, thì đây không phải là trường hợp tiêu biểu của một sự thờ thần hay biểu hiện sự độc tài. Đây chính là một sự đồng thuận của Vị Thầy và Đệ tử. Là người học trò, bạn muốn vén mở tuệ giác, và thầy của bạn cũng thế, ngài cũng muốn làm như thế. Đó là sự đồng thuận giữa bạn và thầy của bạn, và dựa trên sự đồng thuận ấy, bạn và thầy của bạn chung sức làm việc với nhau. Nếu bạn không có được một sự đồng thuận như thế thì thật là khó khăn biết chừng nào.
Các cụm từ “Đạo sư kim cang” hay “Đạo sư gốc” là ngôn ngữ đặc thù của Kim Cang Thừa. Lẽ dĩ nhiên, Đại Thừa cũng có khái niệm về đạo sư, sư phụ hay vị thầy chỉ đạo nhưng vị đạo sư của Đại Thừa chủ yếu là một người dẫn đường, một người giáo thọ hay là một huấn luyện viên. Trong khi đó thì trong Kim Cang Thừa, vị thầy tuy biểu hiện giống như một huấn luyện viên, nhưng còn hơn thế nữa, vị ấy cũng chính là con đường tu. Ngay cả trong các pháp môn hành trì của Kim Cang Thừa, điều này cũng thể hiện rõ rệt. Trong truyền thống tu tập của Đại Thừa, chẳng hề bao giờ có một phương tiện tu tập nào dạy cho chính bản thân ta tan hòa vào trái tim của sư phụ ta, hoặc là sư phụ của ta tan hòa vào chính bên trong ta.
Tuy thế, trong tất cả các thừa, đặc biệt là Đại Thừa và Kim Cang Thừa, vị đạo sư chủ đạo chính là giác tuệ của tâm ta – về điều này thì các bạn đừng bao giờ lầm lẫn!
Ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche