Chư Phật, Bồ Tát khắp các thời và mười phương,
Hiện thân mọi Đấng Quy Y, Đức Padma Thotreng Tsal,
Xin hãy quán sát con và tất thảy chúng sinh với lòng từ ái của Ngài!
Nguyện tất thảy những ước nguyện đều được tự nhiên thành tựu!
Xin hộ trì Giáo Pháp và làm tăng trưởng những thuận duyên tốt lành,
Để sự giác ngộ chân chính nhanh chóng được thành tựu!
Sự Chào Đời của Đức Padmasambhava
Padma là một từ trong tiếng Phạn. Nó được giữ nguyên trong tiếng Tạng và mang nghĩa là “bông hoa sen”. Sambhava nghĩa là “sinh ra từ”. Danh hiệu thông thường của Đức Padmasambhava trong Tạng ngữ là Pema Jungney, được dịch từ chữ Padmakara danh hiệu tiếng Phạn của Ngài, nghĩa là “sinh ra từ bông hoa sen”.
Khi Đức Padmakara sinh ra từ một bông hoa sen và khi được Vua Indrabhuti dẫn về, bất cứ nơi nào Ngài đặt chân tới, lại có một bông hoa sen nở. Nhà vua đã thốt lên rằng, “Đứa trẻ này thực sự là bậc sinh từ hoa sen!”. Vì thế Ngài lừng danh là Padmakara (Xuyên suốt cuốn sách này, Đức Padmasambhava được nhắc đến là Guru Rinpoche, Padmakara, Đạo Sư Tôn Quý, Đức Liên Hoa Sinh, Đạo Sư Liên Hoa và nhiều danh hiệu khác. Các danh hiệu Padmasambhava và Padmakara đều có nghĩa là “Liên Hoa Sinh”).
Pháp danh xuất gia của Ngài là Shakya Senge (Sư Tử Thích Ca). Sau đó, Ngài trở nên uyên bác trong các lĩnh vực kiến thức và là vị đứng đầu trong 500 đại học giả, Ngài được biết tới là Padmasambhava, Liên Hoa Sinh. Như thế, Ngài thực sự được đặt tên theo cách thức chào đời.
Người ta nói rằng Đạo Sư Tôn Quý được sinh ra từ một bông hoa sen theo cách thức được gọi là hóa sinh. Hóa sinh tự nó thì không có gì kỳ lạ cả bởi tất cả chúng sinh đều sinh ra nhờ một trong 4 kiểu: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh. Nhưng sự chào đời của Đại Sư thì cao hơn kiểu hóa sinh thông thường. Lý do là vì bông hoa sen mà từ đó Ngài sinh ra lại nằm ở giữa hồ Danakosha, ngập trong ánh hào quang bi mẫn của Đức Vô Lượng Quang Như Lai Amitabha và của tất thảy Chư Phật trong mười phương.
Đây không phải lời tán dương hoa mỹ, phóng đại được dâng lên bởi những môn đồ kém cỏi, già nua của truyền thống Nyingma; mà Đạo Sư Padmakara đã được chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Shakyamuni tiên tri trước trong nhiều Kinh điển và Mật điển. Nếu những tiên tri chỉ được tìm thấy trong các Mật điển thuộc truyền thống Nyingma thì người khác thật khó để có niềm tin trọn vẹn, bởi thế, đây là một trích dẫn từ Kinh Phật Mẫu Thanh Tịnh:
Hoạt động của tất thảy các Đấng Chiến Thắng trong mười phương,
Gom chứa vào một thân tướng duy nhất,
Bậc Trưởng tử Phật, Đấng sẽ thành tựu diệu kỳ,
Bậc Đạo Sư hiện thân cho hoạt động giác ngộ,
Sẽ xuất hiện ở phía Tây Bắc xứ Uddiyana.
Đức Padmasambhava cúng được tiên tri trong Kinh Bí Mật Thậm Thâm:
Một hiển bày của Chư Phật ba thời,
Với hoạt động kỳ diệu trong Hiền Kiếp này,
Sẽ xuất hiện là một Bậc Trì Minh Vương,
Ở giữa bông hoa sen hoàn hảo.
Mật Điển Đại Dương Hoạt Động Phẫn Nộ nói:
Bậc trì giữ những bí mật của Chư Phật,
Vị Vua các hoạt động phẫn nộ vô song,
Một hình tướng diệu kỳ không cha, không mẹ,
Sẽ xuất hiện là Bậc Trì Minh Vương,
Ở hồ Kosha xứ Uddiyana.
Có vô số các trích dẫn tương tự như trên, nhưng như vậy là đủ để hiểu, tôi sẽ không miêu tả kĩ hơn. Bản chất vấn đề là những trích dẫn này nói rằng Ngài được sinh ra từ bông hoa sen một cách kỳ diệu.
Với những người không thể chấp nhận được câu chuyện một ai đó được sinh ra theo cách thức kỳ diệu này thì Đức Padmasambhava lại hiển bày việc chào đời của mình nhờ kiểu thai sinh thông thường. Theo cách này, Ngài đã sinh ra như con trai của Đức Vua Mahusita xứ Uddiyana và được ban danh hiệu Danarakshita. Khi trưởng thành, Ngài muốn xuất gia thực hành Phật Pháp, nhưng cha mẹ Ngài không cho phép. Không còn cách nào khác, Ngài thấy rằng mình chỉ có thể trốn thoát bằng một hành động tội lỗi. Ngài đã giết một trong những người con của Vua và sau đó bị trục xuất (Theo Biên Niên Sử Tràng Hoa Hoàng Kim, đứa trẻ mà Ngài vô tình giết hại sắp bị tái sinh trong các cõi thấp hơn do những hành động xấu xa trong đời trước. Nhờ hành động giết cậu bé, Đức Padmakara đã giải thoát cậu vào một cõi Phật và đồng thời thoát khỏi sự tù túng của cuộc đời vương giả). Xuất gia với vị học giả Shakyabodhi, Ngài được đặt tên là Shakya Senge.
Dù trong trường hợp nào, Đạo Sư Liên Hoa không phải một người bình phàm. Chúng ta cần hiểu rằng mọi hành động và ví dụ về cuộc đời Ngài đều là sự hiển bày lạ kỳ nhằm chuyển hóa chúng sinh tùy theo thiên hướng cá nhân của họ. Nếu xem Ngài là một con người bình phàm, chúng ta sẽ không thể nhận thấy dù chỉ một phần các phẩm tánh giác ngộ của Ngài.
Hoằng Pháp ở Tây Tạng
Các bản văn khác nhau tồn tại liên quan tới khoảng thời gian Đạo Sư Liên Hoa ở Tây Tạng. Một câu chuyện kể rằng Ngài đã ở đó trong 120 năm. Các nguồn khác nói rằng Ngài được yêu cầu rời đi do sự vu cáo của các thượng thư ác độc sau khoảng 6 hay 3 năm, 18 hay 3 tháng. Như tôi đã nói, một người bình phàm không thể xét đoán hoạt động của các Đấng Chiến thắng; hãy nhớ điều đó!
Trong quá khứ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khai thị Kinh Pháp Hoa. Kinh này mô tả rằng Đức Phật đã thi triển thần thông khiến quãng thời gian thuyết pháp, vốn chỉ trong một buổi sáng xuất hiện thành giống như 50 kiếp. Đức Phật cũng có thể biến một giây thành một kiếp và ngược lại. Làm sao sự hiểu biết của chúng ta có thể lãnh hội được điều đó?
Trong nhận thức nói chung của mọi người và như được ghi chép lại trong Biên niên sử Bashey dài và ngắn, Đạo Sư Liên Hoa đã đến Tây Tạng, tiến hành một nghi lễ điều phục các vị trời và quỷ ma. Khi sắp tiến hành nghi lễ lần thứ ba, một vài thượng thư xảo quyệt đã ngăn cản Ngài. Đạo Sư Liên Hoa ban những khai thị cho nhà vua và một vài người xứng đáng. Khi Đức Padmakara sắp biến đụn cát thành bùn lầy, hoang mạc thành cánh đồng trồng cây và nhiều việc khác thì các thượng thư đã hiểu lầm và ngăn chặn. Không hoàn thành được dự định, Ngài được hai thượng thư tâm linh đưa tới đèo Gungthang. Trên đường, Đạo Sư Liên Hoa đánh bại một số sát thủ được cử đi bởi các vị quan thù nghịch, làm tê liệt họ chỉ bằng một cái nhìn. Rời đèo Gungthang, Đạo Sư Liên Hoa bay lên trời hướng về phía Tây Nam.
Những câu chuyện này được miêu tả trong Biên niên sử Bashey ngắn và dài. Biên niên sử Bashey chỉ bao gồm những nhận thức thiển cận của các thượng thư vào thời đại đó, điều mà tôi không xem là đúng hoàn toàn. Hãy thử xem sự so sánh này: 12 hành động của Đức Phật và nhiều điều khác nữa đều có dị bản trong các truyền thống Tiểu thừa và Đại thừa. Chúng ta chỉ xem bản Đại thừa là thực sự chuẩn xác. Bản Tiểu thừa là những gì được nhìn nhận qua cái nhìn hạn hẹp của các đệ tử Tiểu thừa. Điều này giống như phép so sánh về một vỏ ốc trắng, được nhìn thấy là màu vàng bởi một người bị bệnh vàng da. Một người với thị lực tốt sẽ thấy nó thực sự như nó là. Ở đây, giống như vậy, chúng ta không nên xem nhận thức bất tịnh là thực, hãy tin tưởng những lời dạy hoàn hảo của Đại Sư!
Về điều này, cần phải nói rằng không có mâu thuẫn nào trong các giáo lý terma hoàn hảo, vốn đều nói rằng Đạo Sư Liên Hoa đã ở Tây Tạng trong 111 năm. Bởi người Ấn tính thời gian 6 tháng là một năm, “năm” này cần được hiểu là “nửa năm”, như thế Guru Rinpoche đã ở Tây Tạng trong 56 năm.
Một số thượng thư và người dân thiếu tín tâm đã thấy rằng Guru Rinpoche chỉ ở lại Tây Tạng vài tháng. Họ chỉ thấy Đức Padmakara điều phục vùng đất Samye, tiến hành lễ thánh hóa và ban giáo lý cho nhà vua cùng các đệ tử may mắn. Phần lớn thời gian Đại Sư ở Tây Tạng được Ngài dùng để viếng thăm, ban phước, chôn giấu terma và v.v. ở các địa điểm linh thiêng chính yếu. Vì những lý do này, phần lớn người Tây Tạng đã không gặp được Ngài.
Từ quan điểm của chúng ta, khi Đức Padmasambhava sắp rời Tây Tạng để đi đến vùng đất loài La Sát ở phía Tây Nam, Ngài đã ban phước cho tất cả các ngôi chùa. Ngài được đưa tới đèo Gungthang ở Mang-yul bởi Hoàng tử Lashey và nhiều đệ tử khác, nơi Ngài ban nhiều tiên tri cùng chỉ dẫn. Vào mùng 10 tháng Thân, Ngài được các vị Daka và Dakini mang theo nhiều vật phẩm cúng dường, tháp tùng Ngài bay trên bầu trời đến lục địa Chamara.
Padmasambhava một vị Phật giác ngộ
Những chúng sinh bình phàm cần tu tập để hiểu rằng Chư Phật ba thời đã ra đời theo nhiều kiểu sinh khác nhau của chúng sinh hữu tình, ở những thế giới khác nhau. Hơn thế nữa, Chư Phật đã thực hiện các hành động tích lũy tư lương và tịnh hóa che chướng trong vô số kiếp. Chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng về điều này trong câu chuyện về những tiền kiếp của Đức Phật. Nếu chúng ta xem những lời dạy của Đức Phật là đúng đắn, chúng ta có thể tin tưởng lời tuyên bố của Ngài trong nhiều Kinh điển và Mật điển, nói rằng Đại Sư Padmakara chính là hiện thân lòng bi của tất thảy Chư Phật. Không còn phải đau khổ vì khăng khăng phản đối điều này.
Hình tướng Đức Padmasambhava đến với thế giới này Theo các bản văn được đề cập ở trên và nhiều bản văn khác, bao gồm Mật Điển Chân Tâm Thể Tính Thường Hiện (Về trích dẫn trong Mật điển này, xem chú thích trong phần “5 phẩm tánh vượt trội của Đức Padmasambhava”) có nhiều tuyên bố khác nhau về thời điểm chính xác Đạo Sư Liên Hoa xuất hiện. Dường như phần lớn các tài liệu đều đồng ý rằng 12 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Kinh Niết Bàn nói:
Mười hai năm,
Sau khi Ta nhập diệt,
Một bậc tối thắng hơn tất thảy
Sẽ xuất hiện từ giữa bông hoa sen
Ở hồ Kosha thuần khiết
Nơi biên giới Tây Bắc xứ Uddiyana.
Trong Kinh Những Tiên Tri Ở Magadha, Đức Phật đã dạy:
Ta sẽ thị tịch để tiêu trừ quan kiến vĩnh cửu.
Nhưng 12 năm sau, để xua tan quan kiến hư vô,
Ta sẽ xuất hiện từ bông hoa sen ở hồ Kosha thuần khiết
Là một trưởng tử cao quý làm hài lòng nhà vua
Ta sẽ chuyển Pháp Luân yếu nghĩa vô song.
Đây là những sự trùng khớp trong mọi câu chuyện được tìm thấy trong các giáo lý terma chân chính.
Với tôi, thật khó để xác định được chính xác năm Đức Phật đản sinh và nhập diệt. Có nhiều bất đồng trong các bộ Luận khác nhau, nhưng tất cả các sử gia của truyền thống Nyingma đều nói rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ra đời vào năm Dậu và rằng Đức Padmasambhava sinh vào năm Thân. Giữa hai sự kiện nay là 12 năm, vì vậy tôi xem đây là bản chính xác.
Bản Kathang nói rằng Đức Padmasambhava thọ giới xuất gia từ Tôn Giả A Nan Đà trước sự minh chứng của A La Hán Nyima Gungpa và Trưởng lão Kashyapa. Nhiều giáo lý terma đáng tin cậy và hoàn hảo khác không bao gồm câu chuyện này. Tôi, mặc dù là 1 kẻ già nua và thất học, cũng đã đọc một vài bản tiểu sử dài và ngắn của Guru Rinpoche. Đặc biệt, tôi đã cẩn thận xem xét bản thảo terma của Ngài Ngadag Nyang, được gọi là tiểu sử Sanglingma.
Những tài liệu tôi có nói rằng Đức Padmakara đã dành 5 năm trong cung điện hoàng gia ở Uddiyana và 5 năm ở mộ địa Rừng Lạnh. Sau đó, Ngài đi tới nhiều mộ địa khác nhau, chẳng hạn mộ địa Rừng Hoan Hỷ và Sosaling nơi Ngài thọ nhận quán đảnh và sự gia trì từ các vị Dakini trí tuệ Vajra Varahi, Bậc Bảo An và Hàng Ma. Ở đây, Ngài cũng buộc các Dakini thế tục và Dakini nghiệp phải thệ nguyện và trở thành tùy tùng của Ngài.
Mặc dù Phật Pháp và mọi chủ đề của tri thức đều tự khởi lên trong tâm của Đức Padmasambhava, nhưng Ngài giả vờ nghiên cứu ngôn ngữ, y học, lô-gic, thủ công và nhiều môn khoa học khác để khơi dậy tín tâm trong những đệ tử bình phàm. Sau đó, Ngài xuất gia theo Đức Shakyabodhi, vị thường được biết đến như là Đại Sư Prabhahasti, trong một hang động ở Sahor. Lý do Guru Rinpoche trở thành một tu sĩ là để bảo vệ những người bình phàm khỏi việc khởi lên những ý niệm sai lầm. Sau đó, Đức Padmakara thọ nhận các quán đảnh, luận giảng Mật thừa và chỉ dẫn khẩu truyền về Yoga Tantra từ Đại Sư Prabhahasti. Những chi tiết này là không thể phủ nhận và đáng tin cậy.
Sự chỉ trích các Hành giả thuộc truyền thống Nyingma Giáo lý Mật thừa thuộc truyền thống Cựu Dịch (Cổ Mật) là vô cùng thâm sâu, rộng lớn và kỳ diệu. Không may là những hành giả thuộc truyền thống này lại tự lãng phí thời gian bằng việc theo đuổi kế mưu sinh và thành tựu cho các mục tiêu thế gian, thay vì nỗ lực thực hành để đạt được giác ngộ. Sống cuộc đời của một gia chủ, họ không thuộc về Kinh giáo hay Mật giáo. Họ chẳng là gì ngoài việc làm mất uy danh của Cựu Dịch. Đây chính là lý do khiến các hành giả Tân Dịch Sarma, cả những vị uyên bác lẫn các vị bình phàm, đã không chỉ loại trừ giáo lý và hành giả Nyingma ra khỏi phạm trù Phật giáo, mà còn xem họ là đáng ghê tởm.
(Tsele Natsok Rangdrol viết điều này vào thế kỷ 17 khi truyền thống Nyingma bị tấn công mạnh mẽ bởi sự thiếu vắng trì giới).
Do những hoàn cảnh này, các lời dạy hoàn hảo của Đức Padmakara, vị Phật thứ hai, bị hiểu sai bởi sự chỉnh sửa, thêm bớt, giả định và võ đoán cá nhân của con người. Mật thừa giống như gỗ đàn hương quý giá biến thành củi khô để bán.
Trong thời đại đen tối này, dường như không ai dấn thân vào việc giảng dạy, nghiên cứu hay hành trì các terma cổ xưa hoàn hảo. Những pho kinh sách không được xem trọng. Những vị thầy lãng phí cuộc đời với việc theo đuổi sự mới lạ của cái được gọi là terma mới hay bất cứ thứ gì giống một terma, thứ mà ngày nay sinh sôi như nấm trên đồng cỏ mùa hè. Khi thấy tình trạng đau buồn này, một gã tỳ kheo già ngu dốt như tôi không thể làm gì khác chỉ biết ứa nước mắt.
Tính đáng tin cậy của văn học Kathang
Ngày nay, có hai phiên bản nổi tiếng của Padma Kathang. Một bản bằng thơ bởi Đức Orgyen Lingpa, và hai là bởi Đức Sangye Lingpa bằng văn xuôi. Ảnh hưởng của chúng với vùng đất Tây Tạng là vô cùng lớn lao. Mặc dù phần chính yếu của hai bản văn này chắc chắn là những lời của Đại Sư, hiển nhiên, vài người ít học và ngu dốt đã thêm vào những thuật ngữ và cụm từ thông tục do họ nghĩ ra. Giống như vậy, Năm Biên Niên Sử chắc chắn là một terma của Orgyen Lingpa. Tuy nhiên, dù bạn xem xét tính dài dòng và ý nghĩa thế nào đi nữa, nó cũng không giống như giáo lý terma chân chính. Ví dụ, khẳng định rằng Guru Rinpoche có một người con trai và tiên đoán về những vị xuất hiện sau đó mà cá nhân tôi thấy không thuyết phục. Các phiên bản Padma Kathang khác nhau đều có phần chính yếu là những giáo lý của Đạo Sư Padmasambhava. Dĩ nhiên, chúng sở hữu ân phước lớn lao, nhưng đơn giản, tôi thấy rất khó để xem chúng là nguồn sử liệu đáng tin cậy.
Nói chung, người thường không thể đánh giá được các vị Phật và các vị Đại thành tựu giả, những vị có thể biến chuyển được thời gian, hiển bày vô số thân vật lý, và thi triển các thần thông kỳ lạ. Đôi khi, một giáo lý hay hành động của Đức Phật cũng được nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau từ các đệ tử, tùy theo căn cơ và tập khí của họ. Ví dụ, khi Đức Phật thi triển thần thông vĩ đại, hành giả Tiểu thừa thấy chúng chỉ kéo dài một ngày, trong khi đệ tử Đại thừa thấy chúng kéo dài nửa tháng.
Mọi người nói chung chỉ chấp nhận 3 lần chuyển Pháp Luân. Tuy nhiên, những vị siêu phàm lại thấy Đức Phật đã ban vô số những giáo lý khác, chẳng hạn như Kinh Hoa Nghiêm Avatamsaka, Kim Cương Thời Luân Kalachakra và tương tự… Cho tới khi người ta đạt được Pháp nhãn, còn không sẽ là không thích hợp để cố đánh giá Phật Pháp hay người khác.
Sau đây là một câu chuyện để chứng tỏ sự khác biệt lớn giữa nhận thức của Tiểu thừa và Đại thừa:
Một lần Đức Văn Thù Sư Lợi Manjushri tôn quý an cư cùng với các hoàng phi của Vua Salgyal. Sau đó, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Mahakashyapa) đã chỉ trích Ngài, vừa đánh cồng và tôn giả vừa nói rằng, “Bồ Tát, Ngài đã phạm giới! Đừng ở đây với Tăng đoàn!”. Đức Phật sau đó đã khích lệ Đức Văn Thù bộc lộ năng lực các phẩm tính. Bằng năng lực của Ngài, mọi người đã thấy cách một vị Văn Thù hiện diện gần mỗi vị Phật trong từng cõi giới ở mười phương. Người ta cũng thấy một vị Mahakashyapa đang đánh cồng ở mỗi cõi giới.
Đấng Thiện Thệ nói rằng, “Này Ma Ha Ca Diếp, con sẽ trục xuất tất thảy các hình tướng Văn Thù hay chỉ vị này?”. Tôn Giả cảm thấy ăn năn. Ông muốn thả chiếc cồng ra nhưng không thể. Chiếc cồng vẫn tiếp tục phát ra âm thanh. Khi được thỉnh cầu sự tha thứ, Đức Phật bảo ông hãy thỉnh cầu điều đó từ Bồ Tát Văn Thù.
Theo câu chuyện này, khi một vị A La Hán như Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp cũng không thể đánh giá được đúng đặc tính của người khác, thì làm sao những người thường như chúng ta có thể? Điều quan trọng là tránh tạo thêm che chướng!
Cấp độ chứng ngộ của Đức Padmasambhava
Đại Sư xứ Uddiyana nói rằng Ngài không phải một vị Phật hoàn hảo mà là một vị Phật đã đạt được bốn kết quả của thực hành tâm linh. Một vài người không hài lòng với tuyên bố này, họ đã phản đối theo nhiều cách. Tôi không thể tuyên bố liệu rằng Đức Padmasambhava đã chứng ngộ A La Hán hay chưa. Tuy nhiên, quan điểm của truyền thống Nyingma về điều này khẳng định rằng Ngài là hiện thân lòng bi của tất thảy Chư Phật trong mười phương. Đức Padmasambhava thị hiện như hóa thân để điều phục chúng sinh trong thời đại đen tối. Đây không chỉ là quan điểm cá nhân của chúng ta mà chúng ta cố bảo vệ với nỗi ám ảnh sai lầm. Đại Sư được tiên đoán bởi chính Đức Phật. Không cần phải thảo luận chi tiết về điều này hay xác định rõ Ngài là một người bình thường phải bước đi trên con đường qua các giai đoạn, chẳng hạn chứng quả A La Hán hay Duyên Giác Phật.
Trong Ao Sen Trắng, Đức Shechen Gyaltsab giải thích rằng Đạo Sư Padmasambhava được tiên đoán trong Mật Điển Chân Tâm Thể Tính Thường Hiện: “8 năm sau khi nhập Niết Bàn, Ta sẽ lại xuất hiện ở xứ Uddiyana với danh hiệu Padmasambhava. Ta sẽ trở thành Pháp chủ của giáo lý Mật thừa”.
Theo tiên tri này, Đức Padmasambhava đã xuất hiện trên thế gian theo cách thức sau: Đức Vô Lượng Quang Như Lai Amitabha, Bậc Pháp Chủ ngữ kim cương của Chư Phật ba thời, Ngài an trú trong cung điện linh thiêng tạo thành từ sự tự hiển bày của giác tánh nội tại trong trung tâm cõi Cực Lạc thanh tịnh.
Bất khả phân với tinh túy Pháp thân chói ngời của tâm Đức Vô Lượng Quang Amitabha, Đạo Sư Padmasambhava là sự hiển bày vi diệu không ngừng dứt của năng lượng từ bi tự nhiên, một sự xuất hiện của các hóa thân ngoại, nội và mật tùy theo căn cơ vô số chúng sinh nhằm làm lợi lạc cho họ. Đặc biệt, trong thế giới này, Đức Padmasambhaava đã xuất hiện như vị nhiếp chính của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng cách đản sinh ra từ một bông hoa sen ở hồ Danakosha. Nhờ sự hiển bày kỳ diệu các hoạt động lạ thường, Ngài được ví như vị Phật thứ hai của Phật giáo ở cả Ấn Độ và Tây Tạng. Ở cấp độ tương đối, trong hang động Maratika, Ngài đã thành tựu cấp độ Trì Minh Vương trường thọ, giai đoạn thuộc con đường huân tập, sự chứng ngộ tương đương với một vị Bồ Tát cấp độ 8 theo Nhân thừa. Ở Động Yanglesho, Ngài hiển bày như thể đã đạt tới cấp độ Đại Ấn của con đường trưởng dưỡng nhờ đại định, cấp độ chiếu tỏa mạn-đà-la trí tuệ của 9 Bổn tôn Vishuddha và nhờ đó thành tựu sự chứng ngộ tương đương với một vị Bồ Tát cấp độ 10 theo Nhân thừa. Thực sự, trạng thái chứng ngộ của Ngài thì bất khả phân với Chư Phật ba thời và Ngài sở hữu bản tánh những hiển bày kỳ diệu, vượt ngoài sức tưởng tượng của hiểu biết thông thường.
Năm phẩm tính vượt trội của Đức Padmasambhava
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tán dương những thiện hạnh của hóa thân tương lai Padmasambhava. Ngài miêu tả Đại Sư sở hữu 5 phẩm tính khiến Ngài vượt trội hơn các hóa thân khác của Chư Phật. Sau đây là trích dẫn từ Kinh Niết Bàn:
Kye ho! Hãy nhất tâm lắng nghe, hỡi tất cả các con!
Hóa thân của Ta
Sẽ vượt trội các hóa thân khác trong ba thời.
Không lệ thuộc vào tuổi tác và sự suy giảm,
Thân lỗi lạc của Người Ấy sẽ siêu vượt hơn các hóa thân khác.
Từ lần đầu đánh bại 4 ma,
Sức mạnh phẫn nộ sẽ mạnh mẽ hơn các hóa thân khác.
Giảng dạy Thừa lớn hơn của Phật quả trong một đời,
Sự chứng ngộ của Người Ấy lớn lao hơn các hóa thân khác.
Chuyển hóa vùng đất trung tâm và phụ cận xứ Nam Thiệm,
Lợi lạc Ngài đem lại cho chúng sinh vĩ đại hơn các hóa thân khác.
Trụ thế suốt cả thời Hiền Kiếp này,Tuổi thọ của Người Ấy kéo dài hơn các hóa thân khác.
Bởi đó chính là hóa thân Đức Vô Lượng Quang Như Lai Amitabha.
Dòng nói rằng Đức Padmasambhava “giảng dạy thừa lớn hơn của Phật quả trong một đời” không phải là Ngài thành tựu giác ngộ trong một đời. Nó có nghĩa là Đức Padmasambhava tối thắng hơn bởi là người đã giảng dạy những chỉ dẫn thâm sâu của Mật thừa, nhờ đó Phật quả có thể thành tựu chỉ trong đời này và thân này.
Phật quả Nguyên sơ theo Kim Cương Thừa
Theo truyền thống Nyingma, suối nguồn tối thắng của Chư Phật được gọi là Đức Phật Ánh Sáng Bất Biến (Buddha Unchanging Light hay sangs rgyas „od mi‟ gyur ba – ND). Vị Phật này là giác tánh tràn khắp, sự chứng ngộ của tất thảy các Đấng Chiến Thắng trong ba thời không ngoại lệ. Giác tánh này vốn vượt ngoài ảo mộng, là trạng thái nguyên sơ của đại lạc bất biến, tối thắng, nó vượt khỏi những giới hạn của khái niệm tinh thần. Nó cũng được biết tới là Pháp thân Phổ Hiền Như Lai, bậc thủy tổ của tất thảy Chư Phật.
Sự hiển bày tự nhiên, không ngừng dứt của giác tánh này thị hiện như các thân trí tuệ, thoát khỏi che chướng. Các thân trí tuệ này là Đức Phật Kim Cương Trì Vajradhara, những Đấng Chiến Thắng trong 5 gia đình Báo thân Phật, và những vị được ban tặng 7 khía cạnh của sự hợp nhất. Các Ngài chỉ có thể được thấy bởi chư vị Đại Bồ Tát ở mười địa.
Năng lượng từ bi của Báo thân Phật xuất hiện một sự hiển bày kỳ diệu. Sự hiển bày này không vơi cạn và bất tận với các hiện thân và Hóa thân giác ngộ siêu việt, chẳng hạn như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sự hiển bày của các hóa thân này xuất hiện không ngừng nghỉ, chừng nào vẫn còn chúng sinh hữu tình cần được làm lợi lạc.
Theo cách này, tất thảy các mạn-đà-la của Đấng Chiến Thắng trong mười phương và đặc biệt trong cõi Ta Bà này, điển hình là 1.000 vị Phật lần lượt xuất hiện trong Hiền Kiếp này, giống như trong Pháp giới rộng lớn của giác tánh nội tại. Sự hiển bày kỳ diệu của các hóa thân đơn giản xuất hiện phù hợp với những người có phước lành sẽ được ảnh hưởng. Như thế Chư Phật không phải người thường, các Ngài không phải là những người phải đạt được giác ngộ nhờ cách bước đi tuần tự thông thường trên con đường.
Nếu điều này thực sự là vậy, người ta có thể nghi ngờ Kinh điển Đại thừa đã nói rằng Đức Phật đầu tiên phát khởi ý muốn thành tựu giác ngộ viên mãn, sau đó Ngài tích lũy công đức và trí tuệ trong ba a tăng kỳ kiếp, và cuối cùng thành tựu Phật quả khi thị hiện hành năng. Câu trả lời là những giáo lý Đại thừa là sự vận dụng theo ý nghĩa thích hợp vì lợi lạc cho các đệ tử bình phàm nhằm truyền tải với họ rằng mỗi hành động đều có một kết quả riêng biệt.
Giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Padmasambhava là hiện thân của tất thảy Chư Phật. Ngài xuất hiện để chuyển hóa chúng sinh trong thời kiếp trược đen tối, như ánh trăng từ bi chiếu trên mặt hồ đức tin của đệ tử (Sự rõ ràng của bóng trăng trên nước tùy thuộc vào độ trong của nước. Giống như vậy, nhận thức của chúng ta về Đạo Sư Padmasambhava phụ thuộc vào mức độ tín tâm của chúng ta). Từ quan điểm này, những tranh luận về việc liệu Ngài sinh ra từ bào thai hay xuất hiện một cách kỳ diệu? Liệu Ngài đã chứng quả A La Hán chưa và hay liệu Ngài đã giác ngộ trong một đời chưa hay tương tự…? – Mọi sự bác bỏ hay khẳng định như vậy đều giống như đứa trẻ cố gắng thám hiểm bầu trời.
Quan trọng và đáng tin cậy nhất là những lời dạy của Đức Phật: “Hãy nương tựa vào ý nghĩa tuyệt đối, đừng dựa vào ý nghĩa nhất thời! Hãy nương tựa vào chân tánh, đừng dựa vào nhân duyên tương thuộc! Hãy nương tựa vào ý nghĩa, đừng dựa vào ngôn từ!”.
Cách thức Đức Padmasambhava thọ nhận quán đảnh
Như đã đề cập, chúng ta cần nhớ rằng Guru Rinpoche không phải một người bình thường. Ban đầu khi Ngài sinh ra từ bông hoa sen ở Danakosha, tất cả tám bộ quỷ thần của thế giới này đã kính lễ và cúng dường Ngài. Các Đấng Chiến Thắng trong mười phương xuất hiện, như những đám mây được xếp chồng lên nhau, đã ban quán đảnh và gia hộ cho Ngài.
Ngài không chỉ thọ nhận quán đảnh Yoga Tantra từ Đạo Sư Prabhahasti, mà khi ở tám nền mộ địa lớn, Ngài đã nhận được những luận giảng về toàn bộ giáo lý 3 Nội Mật điển của Mật thừa từ Đức Garab Dorje, Manjushrimitra, Shri Singha, Dakini Leykyi Wangmo, và nhiều bậc Đạo Sư vĩ đại khác. Bên cạnh đó, Ngài đã du hành tới cung điện Pháp giới Akanishtha, nơi Ngài thọ nhận 3 Nội Mật điển trước sự hiện diện của các vị thầy ba thân: Phổ Hiền Như Lai, Kim Cương Trì Như Lai và Kim Cương Tát Đỏa Như Lai.
Khi Đức Padmasambhava đến Maratika và hành trì nghi quỹ trường thọ, mục đích của Ngài không phải là để thành tựu sự bất tử để không còn nỗi sợ hãi sinh tử, mà là để làm lợi lạc cho các thế hệ tương lai. Ngài hành động như thể mình đang thực hành nghi quỹ trường thọ, Ngài thọ nhận Mật điển, nghi quỹ và chỉ dẫn khẩu truyền từ Đức Phật Vô Lượng Thọ Amitayus và thành tựu thân bất tử. Không chỉ Đức Padmasambhava, mà Đức Công Chúa Mandarava cũng thành tựu điều này. Bà nổi tiếng là Bà Mẹ và Đấng Nữ Hoàng duy nhất của các thành tựu giả và vô số đệ tử. Các thực hành bài giảng dạy vẫn được áp dụng bởi phái Tân Dịch.
Đây chỉ là một ví dụ về cách Đức Padmasambhava hiển bày việc thành tựu cấp độ Trì Minh Vương trường thọ. Ba cấp độ Trì Minh Vương khác theo truyền thống Nyingma là cấp độ Trì Minh Vương trưởng thành, đại ấn và hoàn thiện tự nhiên.
Các chi tiết lịch sử
Sự phân tích tỉ mỉ về thời điểm chính xác Vua Trisong Deutsen thỉnh mời Đại Sư và khi nào Samye được xây dựng có thể được tiến hành. Các vấn đề khác được nêu lên là liệu Đức Padmakara đã bí mật điều hành đất nước trong vài năm sau khi nhà vua qua đời ở tuổi 56, và Đạo Sư đã ở lại bao lâu trong thời trị vì của Hoàng tử Lhasey, liệu Guru Rinpoche có thánh hóa Chùa Vajradhatu ở Karchung sau khi nó được hoàn thành, và Ngài đã làm gì khi bất đồng khởi lên giữa hệ thống Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa.
Sự thật là vô số trước tác lịch sử nổi tiếng đều có nhiều điểm khác nhau, và thật khó để quyết định là sẽ dựa vào bản nào chính thức. Cũng rất khó để kiểm chứng liệu các tuyên bố trong Kathang là sai lạc hay chuẩn xác, bởi chúng ta vẫn cần các nguồn đáng tin cậy (Kể từ thời kỳ của Đức Tsele Natsok Rangdrol (sinh năm 1680), nhiều bản văn cổ từ thời đại Vua Trisong Deutsen được tái phát hiện từ động Đôn Hoàng, cách 500 dặm về phía Bắc, Lhasa. Một vài trong số chúng có thể làm sáng tỏ về thời kỳ cổ của sự truyền bá Phật giáo đến Tây Tạng).
Tuy nhiên, những câu chuyện lịch sử từ các giáo lý terma chân chính của truyền thống Nyingma thì nói rằng Vua Trisong Deutsen sinh vào năm Ngọ. Lúc 17 tuổi, Ngài khởi lên ý nghĩ về Phật Pháp và thỉnh mời học giả Shantarakshita đến thiết lập nền móng cho một ngôi chùa. Khi các vị trời và ma quỷ thù địch làm gián đoạn việc xây dựng, Đức Shantarakshita tuyên bố rằng cần phải thỉnh mời Guru Rinpoche.
Đức Padmasambhava đã đến vào cuối năm Dần và điều phục địa điểm xây dựng. Nền móng được thiết lập vào năm Mão, và việc xây dựng kéo dài trong 5 năm. Lễ thánh hóa được tổ chức trong 12 năm.
Khi Phật Pháp trong thời gian được chuyển dịch, Đại Sư đã dành khoảng 10 năm ở Samye và Chimphu. Ngài đưa các đệ tử xứng đáng đến sự chín mùi và giải thoát. Hơn thế nữa, có những miêu tả thuyết phục nói rằng Ngài đã ngự ở tất cả các địa điểm linh thiêng của Tây Tạng.
Đức Padmasambhava không có mặt trong thời gian xảy ra bất đồng giữa hệ thống Ấn Độ và Trung Hoa. Đức Shantarakshita tiên đoán một đạo sư tên là Kamalashila sẽ là người sẽ giải quyết xung đột và vì thế cần được mời đến Tây Tạng. Sau khi Kamalashila đánh bại Hashang – vị thầy Trung Hoa, Ngài tái lập lại hệ thống Phật Pháp như xưa.
Để chắc chắn rằng tuổi thọ Vua Trisong Deutsen sẽ kéo dài chừng nào mặt trời và mặt trăng còn mọc, Đức Padmakara đã chuẩn bị quán đảnh và thuốc trường thọ. Nhưng khi Ngài sắp trao nó cho nhà vua, một vài thượng thư ác độc đã phản đối và vì vậy lễ quán đảnh tốt lành đã không được thực hiện. Sau đó, nhà vua hối hận và lại thỉnh cầu. Nhờ việc thọ nhận quán đảnh trường thọ, cuộc đời ông đã kéo dài thêm 13 năm. Mặc dù thọ mạng vốn không quá 56 năm, ông qua đời ở tuổi 69.
Hoàng tử Muney Tsenpo, trưởng nam nhà vua, sau đó lên ngôi. Ông thiết lập bốn địa điểm chính thờ phượng Tam Tạng Kinh và Đấng Chánh Giác. Ông nỗ lực làm giảm sự bất công giữa người giàu và người nghèo. Sau đó, ông bị chính mẹ mình đầu độc.
Con trai thứ được biết tới với các danh hiệu như Mutig Tseypo, Mutri Tsenpo, Hutse Tsenpo hay Lekpey Lodro, danh hiệu được Đức Padmasambhava ban tặng. Ông còn trẻ nhưng rất oai nghiêm. Ông lên ngôi khi 13 tuổi. Ông được gọi là Sheyna-lek Jing-yon, và ông đã cho xây dựng chùa Vajradhatu 9 tầng ở Karchung. Hoàng hậu của ông, Ngangchungma đã cho xây chùa Tsenthang ở Yarlung. Đức Padmakara đã thánh hóa cả hai ngôi chùa này (Các nguồn khác đều chấp nhận rằng Mutig Tseypo là trẻ nhất).
Hoàng tử trẻ nhất là Murub Tseypo hay Hoàng tử Bảo Hộ Thiện Lành. Đức Padmasambhava ban cho ông danh hiệu Hoàng tử Damdzin. Ông rất quyết đoán và mạnh mẽ. Trở thành một tướng quân và được giao trọng trách coi sóc biên giới ở bốn phương, sau khi đánh bại mọi kẻ thù, đến lượt mình, ông đã giao đấu với con trai của một vị thượng thư. Người con trai đó chết và Hoàng tử Damdzin phải bị lưu đày ở quận Kongrong trong 9 năm.
Mutig Tseypo còn trẻ nhưng rất tin tưởng vào Đức Padmasambhava. Ông thỉnh cầu lời khuyên trong mọi vấn đề. Đó là lý do tại sao Đạo Sư Liên Hoa được nói là đã trị vì vương quốc. Đức Padmasambhava đã sống ba năm dưới triều đại của Mutig Tseypo.
Hoàng tử Lhajey là vị lớn nhất trong 5 người con trai của Mutig Tseypo và ông cũng đã thọ nhận nhiều chỉ dẫn khẩu truyền và tiên tri từ Đức Padmakara. Cả ông và em trai Lhundrub đều qua đời khi còn rất trẻ. Con trai thứ ba, Tsangma au đó xuất gia tu học. Bởi Langdarma không thể cai trị, Tri Ralpachen được bổ nhiệm làm vua. Phần lớn các tài liệu đều đồng ý điểm này. Dù sao đi nữa, Đức Padmasambhava đã rời Tây Tạng khi Hoàng tử Mutig còn trẻ.
Sự phụ thuộc vào nhận thức
Dĩ nhiên, một người bình phàm không thể đánh giá trọn vẹn những phẩm tính thiện lành của thậm chí một lỗ chân lông trên thân Phật bởi nó vượt khỏi phạm vi ý nghĩ thông thường. Những mâu thuẫn và khác biệt trong các tiểu sử của các bậc giác ngộ xảy ra bởi những vị này được nhìn nhận khác biệt bởi các cấp độ chúng sinh khác nhau. Vì thế, hoàn toàn là không thích hợp khi đưa ra một sự tổng hợp chắc chắn.
Trong quá khứ, vị Phật mang danh hiệu Bất Khuất đã xuất hiện với một thân tướng lớn tới 80 cubit, trong khi Đấng Như Lai Thiên Vương Tinh lại xuất hiện với một thân tướng chỉ bằng một in-sơ. Đấng Thiện Thệ Vô Lượng Thọ trụ thế 100 tỷ năm trong khi Đấng Thiện Thệ Chúa Tể Tập Hội xuất hiện chỉ trong một ngày. Những vị Phật này chắc chắn không giống người thường, các Ngài có tuổi thọ và công đức khác nhau. Chư Phật xuất hiện theo nhiều cách khác nhau do nhận thức nghiệp khác biệt của chúng đệ tử.
Những phẩm tính siêu việt của vị thầy chúng ta, Đấng Từ Phụ Thích Ca được nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau, lần lượt bởi những người bình thường, đệ tử Thanh Văn của Tiểu thừa, và đệ tử Bồ Tát của Đại thừa. Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) và những kẻ theo dị giáo thấy Phật với ý nghĩ bất tịnh của họ. Điều này không phải là Phật có những cấp độ phẩm tính khác nhau, mà điều này cho thấy nhận thức khác nhau của mỗi người.
Đạo Sư Liên Hoa là Hóa thân tối thắng. Ngài thoát khỏi những lỗi lầm và sở hữu mọi phẩm tánh lỗi lạc. Chắc chắn Ngài sẽ không trụ trong vòng bám chấp vững chắc của chúng sinh vào một thực tại cố định, mà ứng hiện tùy theo ai cần điều phục. Kết quả là, sự bám chấp vào sự tuyệt đối về việc liệu rằng Ngài được sinh ra từ tử cung thai tạng hay một cách kỳ diệu từ một bông hoa sen, liệu các danh hiệu và hành năng khác nhau của Ngài ở nhiều vùng Ấn Độ có hòa hợp, liệu có sự bất đồng về khoảng thời gian Ngài ở Tây Tạng hay tương tự chỉ là nguyên nhân làm cạn kiệt bản thân và minh chứng sự vô minh của chúng ta trong khi nỗ lực áp đặt điều không thể nghĩ bàn vào ranh giới của suy nghĩ thuộc ý niệm.
Đại Sư diễn tả tinh túy thực sự của điều này trong lời khai thị của Ngài với tựa đề Tràng Hoa Hoàng Kim Trân Quý:
Ta, Padmakara, đến Tây Tạng để làm lợi lạc.
Nhờ những hiển bày kỳ diệu, Ta điều phục các tinh linh độc ác,
Và an lập bao kẻ hữu duyên trên con đường chín mùi và giải thoát.
Giáo lý terma thâm sâu sẽ sản sinh ra những thành tựu giả
ở Tây Tạng và Kham.
Đèo và thung lũng, núi non và hang động,
khắp nơi cho đến nhỏ bằng móng guốc,
Ta đã ban phước để chúng trở thành địa điểm linh thiêng.
Tạo ra duyên hợp cát tường để an bình kéo dài mãi ở Tây Tạng và Kham,
Ta sẽ trưởng dưỡng chúng sinh bằng vô số hóa thân liên tục.
Lòng từ bi của Ta với Tây Tạng vĩ đại nhưng nó sẽ không được trân trọng!
Ngài cũng nói rằng:
Trong tương lai, vài kẻ với tà kiến lớn lao,
Ngu dốt và sai lạc, giả bộ nghiên cứu,
Lảm nhảm lời tán dương bản thân và chê bai kẻ khác,
Sẽ tuyên bố rằng, Ta, Đạo Sư Padma không ở lại Tây Tạng lâu dài.
Một số sẽ nói Ta chỉ ở lại một tháng, một số nói hai tuần,
Nhiều kẻ tuyên bố rằng Đạo Sư Uddiyana đã trở về
Với một đống vàng sau 10 ngày.
Điều đó không đúng;
Ta đã ở lại trong 111 năm.
Ở khắp nơi trên mảnh đất Tây Tạng,
trung tâm và biên địa, từ ba thung lũng nhỏ đến cỡ sải cánh tay,
Chẳng có nơi nào Ta không viếng thăm.
Hỡi những kẻ thông minh, hãy tin tưởng khi con thấy rõ
Liệu Ta có bảo vệ Tây Tạng bằng lòng từ ái hay không!
Đức Padmakara cũng nói rằng:
Một lần trong tương lai, vài kẻ ngu ngốc và kiêu ngạo
Sẽ tuyên bố rằng Padmakara Trẻ đã đến Tây Tạng
Trong khi Padmakara Già không bao giờ đến Tây Tạng.
Chẳng có vị Già và Trẻ nào cả; về bản chất, các vị là giống nhau.
Hãy để kẻ với tà kiến nói điều chúng muốn.
Nếu con có niềm tin và lòng sùng mộ, hãy khẩn cầu Ta không ngơi nghỉ!
Sau đó, con sẽ nhận được ân phước, hỡi tất thảy chúng sinh tương lai!
Đây là điều mà chính Đức Padmasambhava đã nói, và tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.
Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa Trí
Trích: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh