Kho báu ở Baudha
Bảo Tháp thật sự (Stupa) hiện tại ở Baudha, nơi mà người Tây Tạng gọi là Jarungkhasor, được tọa lạc ở giữa thung lũng Kathmandu, với những rặng núi bao phủ xung quanh, trông nó giống như một viên ngọc nằm ở giữa một mandala thiên nhiên. Đây là tâm điểm của tất cả sự rung động trong thung lũng. Nhiều người ở những nơi xa xôi như biên giới Đông Bắc và rặng Hindu – Kush ở miền Tây, đều hành hương đến Bảo Tháp để làm lễ ở trước và xung quanh Tháp.
Không ai biết là Đại Bảo Tháp này đã có từ thời nào, và mỗi người hành hương, du tăng, khất sĩ, học giả hay thương gia trên đường đi từ Ấn Độ qua Nepal đến Tây Tạng đều cầu nguyện trước Tháp để được an toàn khi vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn hay khi đi qua những thung lũng đầy giặc cướp. Cả bốn trường phái Tây Tạng đều tôn kính Đại Bảo Tháp. Các Lama, tăng sĩ, ni cô của tất cả các dòng phái đều tụ tập trước Đại Bảo Tháp để cầu nguyện, và các tu viện của tất cả các truyền thống Tây Tạng đều được tìm thấy ở xung quanh đây.
Bản văn này được sử dụng bởi tất cả những ai sùng mộ Bảo Tháp và được người Tây Tạng kể lại, lan truyền đi khắp thế giới này là một Terma của dòng Nyingma Cổ Mật, bản văn ghi lại những lời dạy của Đức Guru Liên Hoa Sanh bằng mật tự Terma, và được vị Dakini (không hành mẫu), người phối ngẫu của Đạo Sư là Yeshe Tsogyal cất giấu. Trong thời gian Đạo Sư ở Tây Tạng, có hàng ngàn Terma được cất giấu ở những nơi bí mật như các hang động, khe đá, sông suối, trong các đền chùa, tranh, tượng và các tháp, để được tái khám phá, giải mã và trao truyền khi con người của bất kỳ thời điểm nào cần đến những hình thức chỉ dẫn khác nhau của giáo lý để chữa lành những căn bệnh tinh thần của một thời đại, đặc biệt là thời Mạt Pháp này. Bằng cách này, mọi người ở mọi thời không những chỉ nhận được những giáo lý tuyệt hảo, mà họ còn làm sống lại cả những truyền thống cổ xưa, nhưng lại luôn luôn hợp thời mà chính Đức Liên Hoa Sanh đã biên soạn, để lại theo kinh nghiệm thực hành hoàn hảo của chính Ngài. Nơi nào có các hành giả thiền định, nơi nào có các bổn tôn được khẩn thỉnh, nơi nào có mảnh đất được thấm đẫm với tâm thức giác ngộ, thì nơi đó có thể tìm thấy các Terma.
Terma “Huyền Thoại Đại Bảo Tháp” này được một nữ tu sĩ tìm thấy bên trong pho tượng Maha-vairocana (Phật Đại Nhật) ở tầng trên của chùa Samyeling. Mahavairocana tượng trưng cho cõi thanh tịnh quang vô tận của ánh sáng xanh dương tâm thức viên mãn, còn tầng trên của chùa có ý nghĩa là trung tâm của mandala (Pháp giới), hợp nhất và vô sắc. Toàn thể chùa Samyeling là một mandala vũ trụ, tương ứng với mandala đồ hình và mandala nghi lễ trong mỹ thuật, chữ viết và kiểu thức trình bày. Nhưng Terma này được cất giấu trở lại trên mặt Tây Nam của tòa sư tử Tháp Đỏ, vì lúc ấy không phải là thời gian thích hợp để tiết lộ huyền thoại này. Tháp Đỏ ám chỉ sự mông muội, che chướng do dục vọng, nó là đối tượng thiền định được thanh lọc bằng cách tụng đọc bản văn huyền thoại này. Mặt Tây Nam của tòa sư tử có ý nghĩa rằng bản văn này ban sự giải thoát đến cõi Phật Quốc Thanh Tịnh của Đạo Sư Liên Hoa Sanh ở Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ Zangdok Palri.
EH MA HO!!
Xin cúi mình đảnh lễ trước các bậc Guru từ ba dòng truyền thừa Thân Phật!
Tới Đức Phật Vô Lượng Quang Amitabha trong Pháp thân!
Tới Bậc Bồ Tát Quán Thế Âm của Lòng Đại Bi trong Báo thân!
Tới Đạo Sư Liên Hoa Sanh trong Hóa Thân Từ Bi!
Keith Dowman
Trích trong Huyền thoại bảo tháp