Giáo lý này được ban lúc bắt đầu thực hành nhóm mở rộng lần thứ ba về Padma Khandro [Liên Hoa Không Hành Nữ – Tác Minh Phật Mẫu] ở trung tâm Lerab Ling. Trong đó, Orgyen Tobgyal Rinpoche đã giải thích cách mà hoạt động kính ái hòa hợp vào trong con đường Phật giáo và chỉ ra những nguyên tắc căn bản cũng như cách thức hành trì. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của tri kiến duyên khởi và động cơ Bồ đề tâm để sự hành trì trở nên hiệu quả. Khi được hỏi rằng, “Thưa Rinpoche, con có nên thực hành Tác Minh Phật Mẫu để kiếm việc làm?”, Rinpoche đáp lại với sự thẳng thắn rất thực tế như thường lệ rằng, “Không, con cần thực hành Tác Minh Phật Mẫu để đạt giác ngộ! Để kiếm việc, con cần ra ngoài và xin việc”.
Những hoạt động kính ái – Bối cảnh
Tinh túy của Giáo Pháp có hai khía cạnh: (1) sự tiếp cận bao la của Nhân thừa Đặc Tính [1] hay cách tiếp cận Kinh thừa và (2) sự tiếp cận sâu xa của Quả thừa [2] Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật – thứ lấy kết quả làm con đường. Nét độc đáo của Kim Cương thừa là thiết lập thân thể là Bổn tôn, trì tụng Chân ngôn bằng khẩu và với ý an trú trong định. Đó là gốc rễ của cách tiếp cận Kim Cương thừa. Đây là một tuyên bố ngắn gọn, nhưng ý nghĩa thì vô cùng bao la.
Đầu tiên, chúng ta nói rằng chúng ta thiền định về thân là Bổn tôn; ‘Bổn tôn’ liên quan đến tất cả Bổn tôn thuộc bốn cấp độ Mật điển, tức là chư Bổn tôn đã xuất hiện trên thế giới này, nhiều vô số, cũng như tất cả Bổn tôn chưa xuất hiện và chưa từng được đề cập đến trong các Mật điển. Tất cả Bổn tôn mà chúng ta có thể thiền định về đều nằm trong hai loại này. Giống như vậy, khẩu là Chân ngôn liên quan đến ‘bánh xe trang sức không vơi cạn của khẩu giác ngộ’ của tất cả chư Phật, thứ hiển bày một cách tự nhiên vì lợi ích của hữu tình chúng sinh, những vị có thể được điều phục trong hình tướng của một dãy bất tận các Chân ngôn khác nhau. Về sự hành trì cho ý, chúng ta nói rằng ý cần an trú trong định. Bởi số lượng ý nghĩ khởi lên trong tâm là không thể tính đếm, các định – những cách đối trị vô số ý nghĩ này, cũng không thể tính đếm. Đó là lý do chúng ta nói rằng Đức Phật, với lòng đại bi, sở hữu phương tiện thiện xảo. Các bạn cũng cần biết rằng những khía cạnh khác nhau của Bổn tôn, Chân ngôn và định này không phải do Đức Phật tạo ra hay nghĩ ra và được tạo ra bởi một tâm quan niệm: chúng đơn giản là những phẩm tính của Đức Phật.
Kết quả của việc thiền định về Bổn tôn, trì tụng Chân ngôn bằng khẩu trong khi ý an trú trong định là trạng thái giác ngộ trọn vẹn và hoàn hảo. Khi đã đạt được kết quả của sự hành trì và là một vị Phật, bạn sở hữu phẩm tính đặc biệt của Phật quả, tức là làm lợi lạc hữu tình chúng sinh một cách tự nhiên nhờ tự nhiên hoàn thành bốn kiểu hoạt động: tức tai, tăng ích, kính ái và điều phục.
Trong bốn kiểu hoạt động này, hai kiểu đầu tiên – tức tai và tăng ích có thể được áp dụng trong bối cảnh các giáo lý của Nhân Thừa Đặc Tính. Tuy nhiên, hữu tình chúng sinh, những vị chẳng thể bị những giáo lý của Nhân Thừa Đặc Tính ảnh hưởng bởi cảm xúc phiền não của họ quá mạnh mẽ (ví dụ, họ bị tác động bởi tham hay sân mạnh mẽ), cần hoạt động kính ái và điều phục, điều lại là nét đặc biệt của Kim Cương thừa. Những hoạt động kính ái thì vô cùng mạnh mẽ.
Chư Bổn Tôn Kính Ái
Khi chư Báo thân Phật khởi lên trong các cõi giới bằng cách ‘hiển bày sự chuyển động mà không bao giờ rời khỏi Pháp thân’, những sự hiển bày xuất hiện về tinh túy là chư Phật của năm gia đình. Trong những Bổn tôn này, sự hiển bày tự nhiên của Diệu Quan Sát Trí hóa hiện là chư Bổn tôn Liên Hoa Bộ của sự kính ái. Hai khía cạnh phương tiện thiện xảo và trí tuệ cần xuất hiện và hiển bày trong chư Bổn tôn. Trong Liên Hoa Bộ, chư Bổn tôn chính yếu là Vô Lượng Quang [Amitabha], vị là sự hiển bày của khía cạnh phương tiện thiện xảo, và Mật Huệ [Guhyajnana] hay Bạch Y Phật Mẫu [Pandaravasini] tương ứng với khía cạnh trí tuệ. Khi chư Bổn tôn hiển bày, những đặc tính của chư vị, chẳng hạn Chân ngôn, thủ ấn và định, cũng xuất hiện.
Bổn tôn mà chúng ta đang thực hành là một trong những Bổn tôn này, sự hiển bày tự nhiên của Diệu Quan Sát Trí và thuộc về khía cạnh trí tuệ. Bà được biết đến là Kurukulla [Tác Minh Phật Mẫu] trong Phật giáo và Umadevi trong Ấn giáo.
Mặc dù về cơ bản không có sự khác biệt giữa các Bổn tôn khác nhau, những sự hiển bày của Diệu Quan Sát Trí là chư Bổn tôn của Liên Hoa Bộ kính ái. Chư Bổn tôn kính ái có sức mạnh kiểm soát hoàn cảnh.
Kính Ái là kiểm soát vô minh
Hiện tại, chúng ta đều là những hữu tình chúng sinh. Chúng ta không có tự do hay sức mạnh bởi chúng ta chưa kiểm soát được tình thế và hoàn cảnh của bản thân. Điều này là do chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi vô minh.
Gốc rễ và cội nguồn của vô minh là ‘tôi’. Khi có ‘tôi’ thì có ‘chúng sinh khác’, và từ ‘ngã’ và ‘tha’ khởi lên vô số nhận thức và ý tưởng vô minh. Ý nghĩ về ‘tôi’ dựa trên hay bị quy cho thân, khẩu và ý của chúng ta. Thân xuất hiện như là một hình tướng vật lý. Khẩu là sự xuất hiện của các âm thanh, thứ có thể được nghe thấy. Nhưng ý không xuất hiện. Tuy nhiên, dựa trên sự tác động qua lại liên tục của chúng, nó phần nào xuất hiện.
Phương pháp kiểm soát vô minh này là giải thoát nó. Khi được giải thoát, nó trở nên được kiểm soát. Đặc biệt, mục tiêu chính là ý, bởi ý là điều chính yếu trong thân, khẩu và ý. Ý tự nó không xuất hiện, nhưng tác nhân vô hình này kiểm soát các khía cạnh xuất hiện – hình tướng và âm thanh.
Vì thế, để hoàn thành Bổn tôn này, bạn cần, “giải thoát mọi hữu tình chúng sinh trong ba thành trì”. Ba thành trì là: thành trì liên quan đến những sự xuất hiện vật lý, thành trì liên quan đến khía cạnh khẩu của mọi âm thanh hiển bày và thành trì liên quan đến ý vô hình. ‘Ba thành trì’ này vì thế bao trùm tam giới của sự tồn tại, nói cách khác, toàn bộ vũ trụ. Và họ phải được giải thoát. Để giải thoát mọi hữu tình chúng sinh của ba thành trì, bạn cần hiển bày theo cách thức có thể hoàn thành kiểu hoạt động này, chẳng hạn Bổn tôn trong thực hành này, Không Hành Nữ Padma Khandro [Liên Hoa Không Hành Nữ].
Padma Khandro [Liên Hoa Không Hành Nữ]
Chư Dakini [Không Hành Nữ] được phân loại theo ba phạm vi hoạt động của chư vị: chư Dakini phía trên – di chuyển trên bầu trời, chư Dakini ở giữa – di chuyển trên mặt đất và chư Dakini phía dưới – di chuyển dưới đất. Những vị Dakini khác nhau là không thể tính đếm: có hàng trăm nghìn vị.
Chư Dakini chủ yếu là những hiện thân của trí tuệ, mặc dù khía cạnh phương tiện thiện xảo cũng hiện hữu trong chư vị. Chính khi thấy được trí tuệ mà chúng ta chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ của trạng thái giải thoát trọn vẹn, đấy là lý do những Bổn tôn này chủ yếu là những sự hiển bày vật lý của trí tuệ. Trí tuệ thực sự có nhiều phẩm tính, chẳng hạn ‘con mắt của đại trí tuệ, ‘sự xuất hiện của đại trí tuệ’, v.v. Về cơ bản, nếu bạn có trí tuệ vĩ đại, thời khắc bạn nghĩ rằng mọi hữu tình chúng sinh trong tam giới bị mê mờ, giải thoát xảy ra. Cách thức kính ái này được gọi là “đem nhận thức vào kiểm soát”: bạn kiểm soát mọi sự xuất hiện mà bạn nhận thấy. Những nhận thức của các chúng sinh khác cũng có thể được vượt qua nhờ sức mạnh của sự chứng ngộ như vậy. Đó là cách mà nó vận hành, những giáo lý đã giải thích như vậy.
Thực hành Liên Hoa Không Hành Nữ
Vì thế, lúc này, những thứ xuất hiện trong nhận thức của chúng ta vẫn chưa nằm trong sự kiểm soát của chúng ta mà bị thứ gì đó khác kiểm soát. Do vậy, đầu tiên chúng ta cần đem nhận thức của bản thân vào sự kiểm soát. Và bởi hiện tại chúng ta chưa có sức mạnh này, chúng ta thực hành Bổn tôn, Chân ngôn, thủ ấn và định để đạt được nó.
Nhờ thực hành, sự xuất hiện vật lý của thân được ban phước bởi thân giác ngộ, khẩu được ban phước bởi khẩu giác ngộ, ý được ban phước bởi ý giác ngộ. Khi chúng ta thọ nhận ân phước gia trì, điều đó giống như rót sữa vào nước: toàn bộ nước trở nên trắng. Có một ví dụ khác, nhưng có lẽ hơi khó hiểu đối với những người hiện đại. Đó là thuật giả kim – biến sắt thành vàng. Chư đạo sư vĩ đại như Tổ Long Thọ và nhiều vị khác có thể biến sắt thành vàng lập tức nhờ thuật giả kim. Chư vị vẫn cần những chỉ dẫn đặc biệt để có thể làm được điều này. Sẽ là không thể nếu không có chúng, phải vậy không? Tương tự, để tâm bất tịnh hiện tại của chúng ta hóa hiện là sự hiển bày tự nhiên của Diệu Quan Sát Trí, chúng ta cần áp dụng Bổn tôn, Chân ngôn, thủ ấn và định, với những chỉ dẫn thực hành đặc biệt.
Tôi đã giải thích chi tiết về những lợi lạc của thực hành hoạt động kính ái [3], nhờ đó các bạn kiểm soát (1) con người, những vị có thân thể, vào ban ngày, (2) chư thiên và tinh linh, những vị không có thân vật lý, vào ban đêm, (3) chư Không Hành Nữ lúc chạng vạng. Tôi cũng đã nói tỉ mỉ về cách quán tưởng để kiểm soát môi trường bên ngoài và mọi hữu tình chúng sinh bên trong. Tôi đã giảng dạy nhiều về những sự hỗ trợ cho kiểu thực hành này, các chỉ dẫn thực tiễn đặc biệt và các khía cạnh nghi lễ. Tôi đã chia sẻ những chỉ dẫn truyền thừa nhĩ truyền đặc biệt, điều được dành để ban chỉ cho một hành giả mỗi lần, trong khi nghĩ về lợi lạc mà điều này có thể đem đến cho Phật giáo nói chung và trụ xứ Lerab Ling của Sogyal Rinpoche nói riêng. Vì thế, tôi không có điều gì khác để thêm vào.
Dù bạn bắt đầu làm gì, bạn sẽ không gặt hái kết quả ngay tức thì. Thiền định về Bổn tôn, trì tụng Chân ngôn và quán tưởng định cần phải được thực hành một cách đúng đắn. Mong mỏi vài kết quả sau vài ngày [thực hành] phỏng chừng sơ sài là điều khá tham lam. Nhưng nếu bạn tham gia vào thực hành, bạn có thể nghĩ rằng, “Tôi đang làm điều gì đó hữu ích”. Dĩ nhiên. Kiểu bám chấp hay suy nghĩ này luôn luôn ở đó.
Tuy vậy, chỉ dẫn là bạn luôn luôn phải bắt đầu thực hành kính ái bằng cách phát khởi Bồ đề tâm, có động cơ ban đầu và ý định thanh tịnh của việc thực hành vì lợi ích của giáo lý, những vị nắm giữ và v.v.
Để tiến hành các hoạt động kính ái, đầu tiên, bạn cần thực hành và hoàn thành Bổn tôn để đạt được thành tựu thù thắng. Sau đó, các thành tựu thông thường sẽ xuất hiện tự nhiên từ sự chứng ngộ của thành tựu thù thắng. Bạn không thể mong mỏi đạt được những thành tựu thông thường từ lúc bắt đầu, khi mà chưa hoàn thành bất cứ điều gì. Ví dụ, nếu bạn muốn xây dựng một ngôi nhà, trước tiên, bạn cần lên kế hoạch thật tốt. Vì thế, ở đây, bạn chắc chắn phải kiểm tra xem: “Có phải tôi đang thực hành Liên Hoa Không Hành Nữ chỉ bởi vì tôi muốn các thành tựu thông thường và siêu việt, hay có phải tôi đang thực hành chỉ vì bản thân?”. Điều tôi muốn nói là bạn cần bắt đầu thực hành với động cơ đúng đắn. Điều đó là quan trọng nhất. Với Phật tử chúng ta, việc chúng ta có được kết quả tốt hay không tùy thuộc vào động cơ.
Bạn có thể có động cơ tốt đẹp và quán tưởng Bổn tôn, trì tụng Chân ngôn, thực hành định của hóa hiện và hóa tán, nhưng nếu bạn xem xét liệu bạn thực hành có chính xác như chỉ dẫn, bạn không thể nào làm được như vậy – không ai có thể thực hành hoàn hảo một trăm phần trăm. Những giáo lý nói rằng có một số lợi lạc trong kiểu bắt chước thực hành chân chính này; đặc biệt, nó giúp tâm thay đổi một chút. Điều chỉ ra rằng Bổn tôn, Chân ngôn, thủ ấn và định là đúng, rằng chúng có sức mạnh, rằng chúng là không dối lừa.
Những lợi lạc
Điều quan trọng nhất là thực hành với tâm vô cùng tập trung. Hãy thử nghĩ về những nỗ lực cần thiết ở châu Âu để kiếm một chút tiền. Trong một tháng, bạn có thể kiếm bao nhiêu tiền? Và bao nhiêu công việc bạn cần làm cho điều đó? Bây giờ, hãy so sánh nó với việc dành một tháng thực hành Phật Mẫu Kurukulle và kiểu lợi lạc đến từ sự hành trì như vậy. Kurukulla đem đến điều gì? [Đó là] thành tựu thù thắng nhất: GIÁC NGỘ.
Nhìn chung, có lẽ nhiều người thích Bổn tôn này. Điều đó thì cũng tốt. Nhưng thích thú thì chẳng đem lại điều gì. Ít nhất, bạn cần nhập thất một tuần. Nếu bạn làm thế, hãy đảm bảo rằng bạn áp dụng các chỉ dẫn càng nhiều càng tốt. Nếu bạn thực hành theo các chỉ dẫn, thì như bản văn của Terma nói, ‘một trăm nghìn biến Chân ngôn sẽ hoàn thành bất cứ hoạt động nào’. Không cần đến một tuần để trì tụng một trăm nghìn biến Chân ngôn này. Tôi có thể làm thế trong hai ngày. Tuy nhiên, sự hành trì cần phải chân chính, đúng theo các chỉ dẫn.
Thực hành này thực sự có kết quả. Ví dụ, người ta kể rằng khi Đức Jamyang Khyentse Wangpo [4] muốn gặp ai đó, Ngài chỉ cần hướng tâm Ngài và người đó sẽ đến. Ngài có thể thu hút người đó chỉ đơn giản bằng cách hướng tâm Ngài.
Đức Shabkar Tsokdruk Rangdrol [5] từng nhập thất cô tịch trên đỉnh một ngọn núi. Trong khoảng thời gian đó, vài tên cướp đã bắt cóc một cô gái, trước khi cuối cùng bỏ lại cô ấy giữa vùng núi non. Bị bỏ lại giữa núi cao, cô ấy gặp Đức Shabkar và ở cùng Ngài trong vài ngày, cho đến một thời điểm mà Đức Shabkar nghĩ rằng cô ấy cần được đưa về nhà. Ngài không thể tự đi bởi Ngài còn đang nhập thất. Vì vậy, Ngài hướng tâm đến một vài đệ tử, những vị đã hộ trì Ngài, sử dụng quán tưởng kính ái và trì tụng vài Chân ngôn. Đêm đó, những thí chủ của Ngài nghĩ rằng, “Tôi cần đến gặp Đạo Sư”. Họ khởi hành và đến gặp Ngài mười lăm ngày sau đó. Khi họ đến nơi, Đức Shabkar đã gửi cô gái về cùng với họ. Câu chuyện này nằm trong tự truyện của Ngài. Như thế, khi hoàn thành Bổn tôn, bạn chỉ cần hướng tâm để có thể làm điều bạn muốn.
Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng, nhìn chung, nếu mong muốn hay ham muốn của bạn quá mạnh mẽ, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành được điều gì nhờ thực hành. Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện. Rất lâu trước đây ở Ấn Độ, có một bức tượng đá của Mahadev Ishvara [tức thần Shiva]. Nhiều người thường mang gia súc đi qua bức tượng này. Mỗi ngày, một người đàn ông cúng dường hoa và sữa từ bò mà anh ta nuôi lên bức tượng. Anh ta cầu nguyện điều gì? Anh ta muốn trở nên giàu có. [Tượng] Mahadev làm từ đá; vì thế, bất chấp mọi lời cầu nguyện của anh ta, bức tượng chẳng di chuyển hay làm gì. Điều đó diễn ra trong nhiều năm cho đến một ngày, đạo sư Long Thọ đi qua. Khi Ngài đến gần bức tượng đá Mahadev, Ngài đặt một bông hoa nhỏ mà Ngài hái trên con đường phía trước bức tượng của vị thiên. Lập tức, bức tượng biến thành Mahadev thực sự, vị lấy bông hoa được đặt phía trước và để lên đầu. Người chăn bò mặt đỏ tía tai. Trong giây lát, anh ta nắm lấy một chiếc giày và bắt đầu đánh Mahadev túi bụi: “Mỗi ngày, trong nhiều năm liền, tôi đã cúng dường Ngài hoa và sữa, nhưng Ngài, Ngài chẳng bao giờ lay chuyển, dù chỉ một lần! Dù cho cầu nguyện đến Ngài nhiều thế nào, tôi chẳng hề được đáp lại! Vậy mà bây giờ, vị tu sĩ Phật giáo này xuất hiện, ông ấy cho Ngài bông hoa nhỏ xíu và lập tức Ngài bắt đầu chuyển động, lấy bông hoa và đặt nó trên đầu! Sao lại thế? Ngài thực sự đáng xấu hổ!”.
Suốt lúc đó, người chăn bò giận dữ đánh Mahadev rất mạnh bằng giày. Bức tượng đá đáp ngay rằng: “Ham muốn trở nên giàu có của ông mạnh mẽ đến mức Ta chẳng thể làm gì cho ông. Điều đó ngăn chặn ông. Trong khi vị tu sĩ Phật giáo, người đã đến đây, biết về bản tính phụ thuộc lẫn nhau của vạn pháp. Đó là lý do Ta đặt bông hoa của vị ấy lên đầu”. Sau này, người chăn bò đã trở thành một đệ tử của Đức Long Thọ và cuối cùng trở thành một đại thành tựu giả.
Vì thế, bây giờ khi thực hành Tác Minh Phật Mẫu, nếu chúng ta có ham muốn mạnh mẽ với thứ gì đó, điều ấy sẽ giống như cố di chuyển khi đang bị trói chặt. Tốt nhất là thực hành mà biết rằng mọi thứ xuất hiện một cách phụ thuộc lẫn nhau. Nếu bạn không biết cách liên hệ với điều đó, ít nhất, hãy nghĩ rằng mọi thứ đơn giản giống như một giấc mơ hay ảo ảnh – như “xuất hiện nhưng rỗng rang, rỗng rang nhưng xuất hiện”. Nếu bạn không thấy như thế và không có điều đó trong tâm, thực hành sẽ không phát huy tác dụng.
PHỤ LỤC: TIỂU SỬ VẮN TẮT ĐỨC ORGYEN TOBGYAL RINPOCHE[6]
Orgyen Tobgyal Rinpoche sinh năm 1951 ở vùng Nangchen thuộc Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài là con trai của Neten Chokling Rinpoche thứ ba. Mặc dù Ngài được biết đến là Gyalchen Tulku, hóa thân hoạt động của Tổ Taksham Nuden Dorje, Ngài không được công nhận chính thức là một Tulku – Lama tái sinh – vào thời trẻ, bởi người ta nói rằng điều đó sẽ tạo ra những chướng ngại với cuộc đời Ngài. Ngài là anh trai của Khyentse Yeshe Rinpoche – Jamyang Gyaltsen và Dzigar Kongtrul Rinpoche và thường được yêu mến gọi là Abu Rinpoche (Abu nghĩa là anh trai trong tiếng địa phương vùng Kham). Cuối những năm 1950, Ngài rời Tây Tạng và đến Skikkim cùng với cha mẹ, nơi Ngài đã sống trong vài năm. Mọi người nói rằng Ngài thường đi theo cha bất kể cha Ngài đi đâu. Năm 1967, Chokling Rinpoche thành lập khu định cư Tây Tạng ở Bir thuộc Himachal Pradesh, Đông Bắc Ấn Độ. Trên đường từ Delhi đến Bir, Chokling Rinpoche đã qua đời trong một tai nạn ô tô vào năm 1973.
Sau khi cha qua đời, Rinpoche chăm lo Tu viện Pema Ewam Chogar Gyur Ling ở Bir. Ngài đã nuôi dạy vị tái sinh trẻ của cha Ngài – Neten Chokling Rinpoche thứ 4, trước khi trao lại cho vị này toàn bộ trách nhiệm điều hành Tu viện, nơi đã trở nên nổi tiếng khắp cộng đồng Tây Tạng, đặc biệt trong Trường phái Nyingma, về sự tinh thông các nghi lễ Kim Cương thừa tỉ mỉ, điểm đặc biệt của Rinpoche.
Rinpoche cũng đã thân cận Dilgo Khyentse Rinpoche trong nhiều năm và cùng với Khyentse Rinpoche, Ngài đã lần đầu tiên đến châu Âu. Sau khi Ngài lần đầu tiên giảng dạy ở Dordogne, Pháp, tại trung tâm của Pema Wangyal Rinpoche, mẹ Ngài nghe nói rằng những bài giảng của Ngài đã được ghi lại và đã yêu cầu băng ghi âm. Khi nghe chúng, bà đã ngạc nhiên trước kiến thức của con trai, bởi bà thực sự chưa bao giờ thấy Ngài nghiên cứu. Rinpoche nổi tiếng về trí nhớ tuyệt vời và kiến thức sâu sắc, đặc biệt về các thực hành và nghi lễ Kim Cương thừa và lịch sử.
Từ năm 2004 đến 2006, Rinpoche đến Tây Tạng hai lần để tái thiết Tu viện của cha Ngài – Neten Gon. Ngài cũng là Nghị sĩ Quốc hội cho vùng Kham, lần đầu tiên được bầu vào năm 2000 và tái đắc cử năm 2005 và nổi tiếng là một nhà diễn thuyết xuất chúng. Hiện nay, Rinpoche vẫn sống ở Bir, Ấn Độ và thường du hành đến châu Âu, Mỹ và Đài Loan.
Cùng với chư Tăng của Tu viện, Orgyen Tobgyal Rinpoche là những vị khách thường xuyên của Lerab Ling và các trung tâm Rigpa kể từ năm 1996, nơi Ngài đã giảng dạy về nhiều khía cạnh của Kim Cương thừa và chủ trì nhiều thực hành chi tiết. Ngài cũng tham gia vào mọi giai đoạn của việc xây dựng ngôi chùa ở Lerab Ling và đã đích thân chủ trì nhiều thực hành tâm linh, điều là một phần thiết yếu trong quá trình xây dựng.
[1] Theo Rigpawiki, Thừa Của Những Đặc Tính hay Nhân thừa liên quan đến Kinh thừa và vì thế, bao gồm Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Đại thừa. Nó được gọi là thừa của những đặc tính bởi nó có tất cả những đặc tính của một con đường, thứ là nguyên nhân trực tiếp để tạo ra kết quả rốt ráo, tức Phật quả.
Tổ Longchenpa nói rằng: “Các thừa nguyên nhân được gọi như vậy bởi sự chấp nhận một sự nối tiếp của nhân và quả, khẳng định rằng Phật quả đạt được nhờ tăng cường những phẩm tính của Phật tính, thứ chỉ hiện hữu như một hạt giống, nhờ hoàn cảnh của hai sự tích lũy”.
[2] Theo Rigpawiki, Quả thừa liên quan đến Chân ngôn thừa (hay Mật thừa/Kim Cương thừa). Nó được gọi là ‘quả’ bởi con đường không còn dựa trên sự thiết lập nguyên nhân (như trong Nhân thừa), mà trực tiếp đồng nhất với kết quả – tinh túy căn bản thanh tịnh của tâm, tức Phật tính, thứ vốn luôn hiện hữu trong tâm chúng ta từ vô thủy, nhưng tạm thời bị che lấp.
Tổ Longchenpa nói rằng: “Các thừa kết quả được gọi như vậy bởi khẳng định rằng nền tảng cho sự tịnh hóa là tinh túy (Như Lai) với những phẩm tính tự nhiên hiện hữu như một tài sản tự nhiên trong hữu tình chúng sinh, giống như mặt trời với những tia sáng; rằng các đối tượng của sự tịnh hóa là những lỗi lầm tạm thời của tám thức, giống như bầu trời (tạm thời) bị che lấp bởi những đám mây; và rằng hành giả chứng ngộ kết quả của sự tịnh hóa, bản tính hiện hữu nguyên sơ bằng điều đó, thứ tịnh hóa, các con đường của sự chín muồi và giải thoát.
[3] Trong đoạn này, Rinpoche nói về những chủ đề mà các hành giả cần biết để hỗ trợ sự hành trì của họ trong Pháp hội Đại Thành Tựu Drupchen và rằng Ngài đã giảng dạy trong quá khứ, bởi bài Pháp thoại này là giáo lý mở đầu cho Pháp hội Drupchen lần thứ ba về Bảy Sự Sâu Xa Liên Hoa Không Hành Nữ trong nhiều năm ở Lerab Ling. Những giải thích này sẽ được đăng tải trong tương lai gần.
[4] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a34299/tieu-su-van-tat-ton-gia-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-.
[5] Về Đức Shabkar Tsokdruk Rangdrol, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a34221/tieu-su-van-tat-duc-shabkar-tsokdruk-rangdrol-1781-1851-.
[6] Nguồn Anh ngữ: http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Orgyen_Tobgyal_Rinpoche.
Đức Orgyen Tobgyal Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Hoạt động kính ái