Hiểu biết cách thực hành Pháp |

Hiểu biết cách thực hành Pháp

Kim cương thừa Thực hành

Cố gắng loại bỏ các thái độ tiêu cực mang đến đau khổ, và gia tăng các thái độ tích cực mang đến hạnh phúc.

Động cơ thúc đẩy

HÃY CÓ một động cơ (tâm nguyện) mong rằng, với sự lắng nghe từng lời trong cuốn luận giảng này bạn sẽ có khả năng nhận biết được toàn bộ con đường đạo đưa tới giác ngộ, nhất là Bồ đề tâm. Hãy nguyện cầu sao cho điều này xảy ra tức thì, sao cho bạn có thể khiến điều này cũng xảy ra cho tất cả chúng sanh hữu tình. Hãy nguyện cầu rằng mỗi chữ trong luận giảng này nhiếp phục được tâm của các chúng sanh hữu tình ngay tức thì. Hãy nguyện cầu rằng toàn bộ con đường đạo đưa tới giác ngộ nhất là Bồ đề tâm sẽ được phát triển trong tâm của tất cả chúng sanh hữu tình.

Việc lắng nghe luận giảng này sẽ làm lợi chính tâm của bạn và sau đó nhờ vào việc lắng nghe, bạn sẽ có khả năng làm lợi kẻ khác. Khi bạn giải thích luận giảng này cho người khác, mỗi lời nói sẽ có được nhiều năng lực bởi vì bạn đã xác lập được động cơ muốn đem những lợi ích tối đa đến cho các chúng sanh hữu tình khác. Nếu bây giờ bạn xác lập được động cơ như vậy trong khi bạn đang lắng nghe luận giảng này thì sau này lời giảng của bạn sẽ có khả năng điều phục tâm người khác rất nhanh và khiến họ phát sinh đường đạo. Điều này sẽ xảy ra vì nhờ vào năng lực của tâm. 

Lúc lắng nghe giáo lý, sẽ rất ích lợi khi nghĩ rằng đây là cách thức mà tất cả chư Phật đang dẫn dắt bạn. Nhiếp tâm được như vậy sẽ khiến cho bạn cảm nhận được mối liên kết gần gũi hơn nữa với chư Phật. Hãy nghĩ rằng chư Phật đang giảng cho bạn nghe, dẫn dắt bạn đạt tới hạnh phúc ở các đời sau, đạt được giải thoát và giác ngộ. Hãy cảm nhận được điều này trong lòng. Với sự thiền quán như vậy, tâm bạn sẽ khiến bạn nhận được ân phước của tất cả chư Phật.

Hãy nghĩ rằng: “Dù mất bao nhiêu kiếp, dù khó khăn đến đâu tôi PHẢI đạt được trạng thái trí huệ siêu việt của tâm (từ đây trở đi sẽ dùng từ Phật tánh), thoát khỏi mọi chướng ngại, hoàn tất mọi chứng ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sanh hữu tình là mẹ ở cùng khắp không gian. Do đó, tôi đang xác định rõ thái độ đúng đắn để lắng nghe Pháp thiêng liêng, theo đúng những thực hành truyền thống của các vị Lama trong dòng truyền thừa”. 

Trong thời gian ngắn ngủi ở Bồ Đề Đạo Tràng linh thiêng quý báu này, nơi nhiều ân phước nhất và vĩ đại nhất này, nơi một ngàn chư Phật sẽ hạ thế, chúng ta nhân cơ hội này hãy tích lũy công đức vô lượng nếu có thể. Cho nên hãy toàn tâm toàn ý lắng nghe luận giảng này. 

Hãy nắm được tinh túy của thân người quý báu

Lodro Gyaltsen mở đầu luận giảng Khai mở Cánh cửa Pháp bằng việc cung kính đảnh lễ xưng tán vị thầy, chư Phật, chư Bồ tát, chư hiền thánh Tăng như sau: 

Cầu mong sao giáo lý của Đức Phật, cội nguồn của mọi lợi lạc và hạnh phúc của tất cả chúng sanh hữu tình, phát triển dồi dào. Con nguyện cầu giáo lý được phát triển cùng khắp. Con nguyện cầu mọi chúng sanh hữu tình nhận được ân phước vô lượng.

Tựa đề của luận giảng được nhắc lại lần nữa: Khai mở Cánh cửa Pháp: Giai đoạn Đầu của việc Tu Tâm trên đường Đạo Từng bước đến Giác Ngộ, và luận giảng được tiếp tục như sau: 

Con quỳ lạy dưới gót chân hoa sen vô nhiễm của đạo sư, người là một với tất cả chư Phật và chư Bồ tát mười phương và con xin quy y đạo sư.

Với sự cung kính đảnh lễ dưới chân hoa sen của đạo sư, sự nương tựa vào đạo sư, con nhận được mọi sự viên mãn. Với sự tôn kính và sùng mộ, con xin đảnh lễ vị hộ pháp bổn tôn đạo sư.

Vì thương yêu tất cả những người mà tự đáy lòng muốn thực hành Pháp, tôi sẽ nói ra đây cách thức thực hành Pháp thiêng liêng. Để làm cho các trí giả hoan hỉ, tôi sẽ tiết lộ bài học được trích dẫn từ các giáo lý của Đức Phật cùng với các luận giảng của các vị tôn giả cũng như các lời dạy của đạo sư. Hãy lắng nghe với sự tôn kính và sự tập trung nhất tâm.

Vị đạo sư mà Lodro Gyaltsen quỳ lạy đảnh lễ là Khedrub Rinpoche, một trong những trưởng tử tâm linh của Lama Tsong Khapa. Không chỉ riêng Lodro Gyaltsen tôn vinh xưng tán Khedrub Rinpoche mà còn các thiên nhân như Brahma, Indra và tất cả chúng sanh trong ba cõi. (Quyển sách nói tiếp – ND). 

Từ cửa miệng thiêng liêng của đạo sư quý báu, tinh hoa của chư Phật ba thời, đã tuyên thuyết như sau: “Bạn phải giành lấy càng nhiều càng tốt tinh hoa của đời người quý báu với (tám) tự do và (mười) thuận lợi ngay lúc này. Để được vậy, bạn hãy xem xét sự khác nhau giữa tâm bạn và tâm súc vật”.

Hãy khảo sát tâm của một con thú. Nó nghĩ “tôi muốn được sướng. Tôi không muốn bị lạnh. Tôi không muốn đói.” Nếu không nghĩ được điều gì khác hơn thế thì bạn cũng không khác hơn con thú. Do đó việc nắm bắt cái tinh hoa của thân người là rất quan trọng và để làm được vậy, bạn không nên bị ràng buộc vào đời sống này. 

Bồ tát Shantideva vĩ đại cũng nói trong quyển Bồ Tát Hạnh như sau: 

Thật cực kỳ khó khăn để có được thân người hoàn chỉnh này, mà ưu thế được xác định bởi những tự do và những thuận lợi. Vậy nếu không quyết tâm giành lấy những lợi lạc của thân người ngay bây giờ thì làm sao có được lại thân người ở kiếp sau?

Khi hỏi làm sao bạn sẽ có được một tái sinh thân người hoàn chỉnh khác nữa ở kiếp sau, câu hỏi này ám chỉ rằng bạn sẽ không có được một thân người khác nữa trừ phi bạn quyết tâm giành lấy lợi lạc từ chính thân người hiện tại này. Và tại sao bạn cần giành lấy lợi lạc của thân người hiện tại để có một thân người kiếp sau nữa? Tại vì bạn không muốn đau khổ và bạn muốn sung sướng. Chẳng có ai lại muốn khổ đau và không muốn hạnh phúc. Với thân người hiện tại hoàn chỉnh này chúng ta có cơ may tạo nhân duyên được hạnh phúc và tránh khổ đau. 

Hạnh phúc và khổ đau đến từ tâm của bạn, không phải từ bên ngoài. Tâm bạn là nhân của hạnh phúc. Tâm bạn là nhân của khổ đau. Để có được hạnh phúc và tránh khỏi đau khổ bạn phải giải quyết tâm của bạn. Nơi giải quyết là ở ngay trong tâm bạn. Bạn cần loại bỏ các yếu tố tinh thần nào, các suy nghĩ nào mang đau khổ đến. Bạn cần xác định những cách suy nghĩ sai trái mang lại khổ đau cũng như những cách suy nghĩ đúng đắn mang đến hạnh phúc. Bạn sẽ làm được như vậy bằng cách nương tựa vào một giáo lý đúng, chẳng hạn như Phật Pháp. Trong tâm của chính bạn – nơi giải quyết vấn đề – bằng sự lắng nghe, suy nghĩ, thiền định, bạn cố gắng loại bỏ các thái độ tiêu cực mang đến đau khổ và phát triển các thái độ tích cực mang đến hạnh phúc. 

Phân biệt đạo đức và phi đạo đức

Ngay lúc này đây, chúng ta đã gặp được Pháp không sai lạc, đó là giáo pháp của Đức Phật đặc biệt là giáo lý Đại Thừa – Cỗ xe Lớn – nó chỉ ra con đường đạo đưa tới giải thoát trọn vẹn và giác ngộ viên mãn. Chúng ta đã gặp đạo sư của Đại Thừa, chúng ta đang có thân người hoàn chỉnh tức là đã có đủ điều kiện cho phép chúng ta đưa giáo lý vào thực hành. 

Từ hôm nay, ngay giây phút này chúng ta còn lại một số lượng này của năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây để sống. Từng mỗi ngày, giờ, phút, giây này là thời gian quyết định nơi mà chúng ta sẽ đi tới khi đời này kết thúc. Từ nay cho đến khi thoát khỏi luân hồi sinh tử, chúng ta chỉ có hai con đường để đi sau khi chết: đến cõi luân hồi đau khổ hay cõi luân hồi sung sướng. Không có con đường thứ ba. Từng mỗi ngày giờ, phút, giây này là thời điểm để quyết định, để chuẩn bị. Bạn tự chọn lấy quyết định trong từng ngày, giờ, phút, giây này cho đến khi cái chết xảy ra. Bạn có thể quyết định tránh khỏi bị tái sinh làm chúng sanh ở các cõi luân hồi đau khổ và được tái sinh ở các cõi luân hồi sung sướng. Mỗi ngày, mỗi phút này là hết sức quan trọng bởi vì bạn đến gần cái chết hơn sau từng đó ngày, từng đó phút. Bạn hãy suy nghĩ cho kỹ, soi xét tận đáy lòng của bạn. Bạn đang có cơ hội để chọn và chuẩn bị đi đến nơi bạn muốn. Do vậy mỗi phút giây đang có này sẽ cực kỳ quan trọng, cực kỳ quý báu. 

Như ngài Long Thọ (Nagarjuna) có nói trong Tràng hoa Quý báu (The Precious Garland): 

Các hành động được thúc đẩy bởi tham, sân, si là phi đạo đức. Từ những hành động này xuất hiện tất cả chúng sinh luân hồi đau khổ. Từ những hành động đạo đức xuất hiện tất cả chúng sinh luân hồi luôn sung sướng trong tất cả các đời.

Như ngài Long Thọ giải thích, mọi sự – từ hạnh phúc tạm thời đến hạnh phúc vĩnh cửu, từ những việc khó khăn bất lợi (từ đây trở đi sẽ dùng từ “vấn đề”) xảy ra từng ngày đến những đau khổ về sau ở các cõi luân hồi không dứt, tất cả đều tùy thuộc vào tâm bạn, tùy thuộc vào các hành động đạo đức hay phi đạo đức của riêng bạn. 

Mỗi hành động liên quan đến hai động cơ thúc đẩy: động cơ nhân và động cơ ngay lúc hành động. Động cơ nhân là động cơ gốc của hành động, là suy nghĩ đầu tiên mà nó xuất hiện trong tâm để tác hành: nó là nghiệp của tâm, là hành vi khởi đầu. Còn động cơ ngay lúc hành động là suy nghĩ của bạn đang khi bạn bị thúc đẩy mà hành động theo bằng thân hay lời: đó là hành động tiếp nối của tâm. 

Cho nên, nghiệp liên quan đến các suy nghĩ của tâm. Mang thân của kiếp luân hồi sung sướng (ở cõi trời hay cõi người) hay mang thân của kiếp luân hồi đau khổ (ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) tất cả đều là tạo tác của tâm bạn, những kiếp luân hồi này được tạo nên bởi cách suy nghĩ của bạn, bởi các động cơ của bạn, chủ yếu là động cơ nhân. 

Bạn không thể quả quyết chắc chắn là sẽ không sinh vào đọa xứ trừ phi bạn đạt được mức độ nhẫn nhục trong giai đoạn chuyển hóa (tức gia hành đạo). Và khi bạn đạt được mức độ này bạn sẽ có được sự tin tưởng trọn vẹn là sẽ không sinh vào đọa xứ. Khi đạt được giai đoạn kiến đạo, bỏ được lòng tham, bạn không tạo ra những nghiệp xấu ác mới, tức là nhân mới của luân hồi. 

Nếu bạn không chấm dứt được các chướng ngại do vọng tưởng thì chỉ có hai con đường tái sinh sau khi chết: các cõi thấp hay các cõi cao. Và nghiệp của bạn, tác hành của tâm, là động cơ sẽ quyết định đường nào phải đi. 

Dromtonpa, trưởng tử tâm linh của Lama Atisha đã hỏi: “Các hành động được thúc đẩy bởi bát phong sẽ đưa đến kết quả gì?” Lama Atisha trả lời: “Kết quả là chính nó” Tôi (Lama Zopa Rinpoche) nghĩ “chính nó” có nghĩa là hoàn toàn đau khổ. Và muốn câu trả lời được rõ hơn, Dromtonpa liền hỏi tiếp “sẽ là quả gì ở các kiếp sau?” Lama Atisha trả lời: “Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh”. Điều này có nghĩa rằng bất kỳ hoạt động nào được làm bởi những suy nghĩ bát phong, dính mắc vào cuộc sống này, đều là phi đạo đức. 

Nói chung, mười điều phi đạo đức nêu ra sau đây, là những dẫn giải về các nghiệp bất thiện và khi quả được chín sẽ tái sanh vào các cõi thấp: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói láo, nói lời độc ác, nói chia rẽ, nói thêu dệt, tham lam keo kiệt, ác ý, tà kiến. Có những ví dụ khác như đối với một tu sĩ thọ giới đầy đủ sẽ có một loạt các nghiệp bất thiện phải tránh như đánh người, bỏ giới luật, sám hối một mình. Trong các bài giảng Lamrim Giải thoát Trong lòng Bàn tay, Pabongka Dechen Nyingpo nói rằng đánh người đưa đến quả sẽ sinh vào địa ngục nóng và đau không thể nào chịu nổi, còn việc bỏ giới sẽ sinh vào Địa ngục Đen, nhẹ nhất trong các giới luật là sám hối một mình sẽ tái sanh vào Địa ngục Sống lại. 

Trong khi thực hành các phép tịnh hóa như thiền định Kim Cương Tát Đỏa, lễ lạy, cũng như sám hối các việc làm phi đạo đức, việc nhớ lại và hiểu rõ định nghĩa về phi đạo đức là rất quan trọng: đó là, những việc làm bởi bát phong, dính mắc vào đời sống này, đều là phi đạo đức. Nhớ lại định nghĩa bao quát này về thế nào là hành động phi đạo đức, chúng ta sẽ có một tầm nhìn rộng rãi về nghiệp bất thiện cần được tịnh hóa, bằng không, những gì chúng ta sám hối sẽ rất hạn chế. Và không chỉ nghĩ nhớ lại những việc làm trong đời hiện tại mà còn hình dung tất cả các hành động trong vô số kiếp đã tái sinh. 

Mặc dù chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang thực hành Pháp, nhưng hoặc chúng ta không có động cơ hoặc động cơ quá yếu nên việc thực hành không được trọn vẹn. Chúng ta đang trì chú nhưng tâm bị xao lãng, nên công đức yếu kém và vào cuối thời khóa chúng ta không cúng dường công đức vừa mới tích lũy hay cúng dường với tâm kiêu hãnh nên công đức cũng sẽ yếu kém. Hoặc dù có hồi hướng công đức cho việc thành tựu Giác Ngộ nhưng để sân hận và ganh tỵ xuất hiện sẽ phá hủy công đức và làm chậm những kinh nghiệm chứng ngộ trong nhiều kiếp. 

Chúng ta tạo phước đức rất nhỏ, ít thiện nghiệp và khi có được phước đức thì cũng không trọn vẹn. Trong khi đó chúng ta lại tạo những nghiệp bất thiện rất mạnh. Nếu cái chết xảy ra bây giờ chắc chắn chúng ta sẽ tái sanh đọa xứ. Và nếu sinh ra ở đó, chúng ta sẽ không có cơ hội tu tập Pháp cho hạnh phúc đời sau và cho sự giác ngộ. Sẽ không có cơ hội để tu tập Pháp cho mình và cho người khác. Chúng ta ngập chìm trong khổ đau và rồi tạo thêm ác nghiệp. Cũng vậy, khi chết và tái sinh trong các cõi thấp, chúng ta tiếp tục lang thang trong luân hồi bất tận.

Chúng ta không chỉ đến gần cái chết khi từng phút giây qua đi mà chúng ta còn đến gần các địa ngục nóng hay lạnh. Trước đây tôi đã lưu ý sự đến gần cái chết nhưng trên thực tế còn tệ hơn nữa, chúng ta đến gần các đọa xứ. 

Ba mức độ hạnh phúc

Nếu bạn hiểu được Lamrim, con đường đạo từng bước đến giác ngộ, bạn sẽ biết những lợi lạc với thân người hoàn chỉnh này. Mức độ đầu tiên là hạnh phúc ở các kiếp sau, có nghĩa là sẽ nhận được thân của chúng sanh luân hồi sung sướng như thiên nhân hay thân người. Mức độ thứ hai là giải thoát khỏi luân hồi, vĩnh viễn thoát khỏi gông cùm của nghiệp và vọng tưởng (phiền não). Mức độ thứ ba là đạt được trạng thái vô ưu vô trụ, Giác Ngộ viên mãn, dứt bỏ hẳn hai loại chướng: chướng bởi vọng tưởng và chướng che lấp trí huệ siêu việt. Ba lợi lạc này, nói cách khác là ba mức độ hạnh phúc, là điều Shantideva đã đề cập trong câu thơ nêu ra ở trước, và Shantideva lưu ý chúng ta phải đạt được chúng một khi đang có thân người tái sanh hoàn chỉnh hiện tại này. 

Để nhận được ba lợi lạc này chúng ta cần đi theo các con đường đạo từng bước của ba mức độ của ba loại chúng sinh có căn cơ. Mức đầu tiên là sơ căn, được mô tả theo cách sau đây bởi Lama Atisha trong quyển Ngọn đèn Soi đường đến Giác Ngộ. Ngài nói rằng nếu động cơ chỉ nhắm tới việc cắt đứt hoàn toàn sự bám chặt vào cuộc đời này và đạt được thân của chúng sanh luân hồi sung sướng ở kiếp sau thì nhờ vào việc nhận ra những sai trái của hành vi phi đạo đức, hành giả buông bỏ mười điều ác, làm mười điều thiện. Người này vì bảo vệ được nghiệp (làm lành lánh dữ – ND), sống đạo đức, mong có hạnh phúc đời sau, nên là một chúng sanh sơ căn. 

Với mức độ thứ hai tức trung căn, hành giả thấy được rằng toàn bộ cõi luân hồi – vọng tưởng cùng với nghiệp sẽ tạo ra các uẩn này – chỉ là đau khổ. Vì bị ô nhiễm bởi mầm mống vọng tưởng nên các uẩn lại tạo ra luân hồi kiếp sau lần nữa. Khi thấy biết luân hồi toàn là đau khổ như trong nhà lửa, người này sẽ quay lưng với luân hồi sanh tử, quyết tâm buông bỏ luân hồi. Họ hoàn toàn không còn bị luân hồi, kể cả những gì tốt đẹp nhất của luân hồi, cám dỗ. Mong muốn của các chúng sinh trung căn là thoát khỏi luân hồi, khỏi gông cùm của nghiệp và vọng tưởng, và phương pháp để đạt được điều này là thực hành con đường đạo của ba tu tập cao hơn, đó là Giới, Định và Huệ (Tam vô lậu học – ND). 

Bây giờ ở mức độ thứ ba, người thượng căn, hoàn toàn từ bỏ sự nuông chiều mình, thay vào đó là chăm lo chúng sinh khác, mong muốn đạt giác ngộ tối thượng vì lợi ích của chúng sanh. Phương pháp để đạt được ước nguyện này là thực hành đường đạo của thừa nhân tức Đại Thừa (Paramitayana), tu tập lục độ paramitas của một vị Bồ tát (Bố thí, Nhẫn nhục, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ). Trên căn bản này người thượng căn cũng tu thừa quả tức là Kim cang thừa (Vajrayana). 

Việc tu tập con đường thượng căn tùy thuộc vào việc tu tập con đường từng bước của trung căn, một cách tổng quát, họ cần có thái độ hoàn toàn buông bỏ luân hồi và tu tập Tam vô lậu học. Và đến lượt việc tu tập con đường trung căn phải tùy thuộc việc tu tập con đường từng bước của sơ căn, điều này có nghĩa là một cách tổng quát, họ phải có thái độ dứt bỏ sự bám chặt vào cuộc đời này và tu tập Giới hạnh như mười điều thiện. Thuật ngữ một cách tổng quát được dùng ở đây bởi vì thái độ và sự thực hành của đường đạo thứ nhất làm nền tảng cho đường đạo thứ hai và thứ ba, và thái độ và sự thực hành của đường đạo thứ hai làm nền tảng cho đường đạo thứ ba. 

Khai mở Cánh cửa Pháp cũng mô tả ba đường đạo như sau:

Bất kỳ ai thực hành Pháp hay các hoạt động thế gian với mong muốn tái sanh ở cõi trời hay cõi người trong kiếp sau thì được gọi là chúng sanh sơ căn. Mọi hoạt động vì động cơ này sẽ là nhân cho cõi luân hồi mà thôi. Bất kỳ ai muốn giải thoát khỏi luân hồi và họ thực hành Pháp quay lưng với các pháp thế gian thì được gọi là chúng sanh trung căn. Những hoạt động như vậy được gọi là thiện đức và là nhân cho sự giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.

Bất kỳ ai mà có những hoạt động không chỉ nhằm đạt được sự tự giải thoát mà còn nhắm tới sự giải thoát tất cả chúng sanh thì người đó được gọi là chúng sanh thượng căn. Những hoạt động này là nhân cho sự thành tựu giác ngộ.

Ba loại chúng sanh này được phân biệt hoàn toàn căn cứ theo tâm.

Một chúng sanh có căn cơ phải là một trong ba loại chúng sanh vừa mô tả ở trên. Chúng ta phải soi rọi lại tâm mình, xem có thuộc vào một trong ba loại này hay không. Nếu không, chúng ta cố gắng đi vào được ba loại căn cơ đó. 

Súc sinh mang thân người

Như Panchen Lama Losang Chokyi Gyaltsen có giải thích trong luận giảng của Ngài về quyển Ngọn đèn Soi đường đến Giác Ngộ của Lama Atisha như sau: 

Những ai sống trên đời chỉ nhắm đạt tới được hạnh phúc của đời này thì thực ra không phải là chúng sanh có căn cơ – họ là những chúng sinh tầm thường

Các sinh vật chẳng hạn như chuột, muỗi không nghĩ gì khác hơn ngoài sự vui sướng của đời hiện tại, và mọi hoạt động của chúng chỉ để tìm kiếm điều đó thôi. Cho nên chúng là những chúng sinh tầm thường. Những gì chúng nó làm chỉ nhắm tới cuộc đời này chứ không có gì đặc biệt. Khi có được thân người đặc biệt, thân người hoàn chỉnh, chúng ta phải luôn cố gắng làm sao để không giống như những chúng sinh tầm thường, những súc sinh ngu muội. Các hoạt động của chúng ta không thể giống như con vật. Nói cách khác, chúng ta không nên sống một cuộc sống y như các sinh vật không phải con người – các sinh vật đó không có được một thân người quý báu. 

Đạt được điều này hay không tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Chúng ta phải luôn canh chừng tâm của mình, coi tâm như một đối tượng mà ta luôn quan sát nó. Chúng ta phải là thám tử theo dõi tâm. Điều này sẽ cho chúng ta sự tự do, cho phép chúng ta nhận ra cách suy nghĩ sai trái hay còn gọi là động cơ phi đạo đức, đồng thời cũng nhận ra cách suy nghĩ đúng đắn hay còn gọi là động cơ đạo đức. Cảnh giác nhận biết các thái độ của chính mình sẽ giúp chúng ta có được sự tự do để chuyển hóa tâm từ phi đạo đức thành ra đạo đức. Được như vậy, đời ta mới vượt trội hơn đời của một súc vật và chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu với tư cách một con người. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Nếu không được như thế thì, giống như một diễn viên trên sân khấu mang mặt nạ hay mang y phục của một vị thần trong điệu vũ tôn giáo, chúng ta đang mang một mặt nạ con người trong khi ở trong tâm, chúng ta là một súc sinh. Chúng ta là một súc sinh mang thân người. 

Trong tác phẩm Bồ Tát Hạnh , ngài Shantideva vĩ đại có nói: 

Đã nhận được sự tự do này một lần, nếu tôi không luyện tâm cho được đạo đức thì tôi làm gì được khi tôi tái sinh trong các đọa xứ,với vô minh và khổ đau bất tận?

Thật y như một giấc mơ đẹp vì đang có được thân người quý báu này với tám tự do và mười thuận lợi; giống như người hành khất tìm thấy một triệu đô la trong thùng rác.

Shantideva khẳng định rằng nếu chúng ta không luyện tâm cho được đạo đức, chúng ta sẽ sinh vào các đọa xứ mà tiếng Tây tạng gọi là ngen-song. “Ngen” có nghĩa là “xấu ác” chỉ cho nghiệp bất thiện. “Song” có nghĩa “đi tới”. Nghĩa của từ này: vì nghiệp bất thiện một người phải đi tới; tâm thức sẽ di trú vào thân một súc sinh, một quỷ đói hay một chúng sinh địa ngục. 

Nếu một chúng sinh sinh ra trong thân một con chó, một con heo hay một con sâu chẳng hạn, chúng sinh đó sẽ ngu muội đến nỗi không có được tự do để hiểu được các ý nghĩa của đạo đức và phi đạo đức. Dù có ai ghé sát lỗ tai một con vật giải thích ý nghĩa về đạo đức hay phi đạo đức đó hằng bao nhiêu kiếp thì không có cách nào để con vật hiểu được ý nghĩa muốn nói. Đó là lý do tại sao ngài Shantideva nói “một khi tôi sinh ra trong đọa xứ mê muội và đau khổ bất tận thì tôi còn làm gì được?”. Vào lúc đó chúng ta không thể làm gì được, đối với chúng ta mọi sự đã chấm dứt. Cho nên trước khi có thể tái sanh trong các cõi bất hạnh đó chúng ta hãy khôn ngoan nhanh chóng thực hành Pháp. 

Khi có được thân người quý báu này, bạn sẽ tự do luyện tâm mình cho được đạo đức, luyện tâm theo Pháp, cho nên, bạn hãy tích lũy nhiều thiện hạnh, đặc biệt thiện hạnh chính sẽ là tập trung nỗ lực luyện tâm trên đường đạo từng bước đến giác ngộ để có được ba loại căn cơ. Điểm chính là luyện tâm theo Lamrim. 

Thiền định về Lamrim

Trong luận giảng Lamrim, ngài Pabongka Dechen Nyingpo giải thích rằng việc thiền định trực tiếp về Lamrim là rất tốt cho dù chỉ thiền định lời cầu nguyện Lamrim mà Lama Tsong Khapa đã viết trong tác phẩm Nền tảng của mọi Phẩm tính Tốt. Thiền định trực tiếp có nghĩa là chúng ta trì tụng lời cầu nguyện Lamrim, luôn luôn nhất tâm với các ý nghĩa của lời cầu nguyện và nhờ vậy sự thực hành sẽ trở thành sự Thiền định trực tiếp về toàn bộ con đường đạo đến giác ngộ. Sự thiền định này quan trọng hơn nhiều so với việc trì tụng câu chú hay thậm chí cũng quan trọng hơn gặp được Phật. Điều này có thể giải thích được. Tại sao? Ở trong kỳ nhập thất ẩn tu, tại sao chúng ta thiền quán Đạo sư Du già, quán tưởng sự bất khả phân giữa đạo sư và vị hộ pháp bổn tôn? Tại sao chúng ta thiền quán các vị hộ pháp bổn tôn và trì tụng các câu chú rất nhiều biến (lần) như vậy? Là để giúp chúng ta thành tựu con đường đạo Lamrim. Nếu chúng ta không hiện thực hóa được ba căn bản của con đường đạo đến giác ngộ (từ đây trở đi, ba căn bản được hiểu là gồm có: buông bỏ, Bồ đề tâm, tánh Không – ND) thì chúng ta sẽ không thể thành tựu được con đường Tantra. Chúng ta có thể có một số kinh nghiệm đến một mức độ nhất định nhưng không thể thành tựu được con đường đó. 

Nói ví dụ, nếu không thực chứng tánh Không thì không thể nào đạt được Tịnh quang (Chân như – ND), thân huyễn hay sự hợp nhất của địa vị Vô lậu học giữa thân thiêng liêng thanh tịnh nhiệm mầu hoàn hảo và tâm thiêng liêng nhiệm mầu hoàn hảo. Cũng vậy, nếu không có được ít nhất là mức tâm bồ đề có dụng công thì ngay cả việc Thiền quán nội hỏa cũng không tạo được nhân cho giác ngộ. Không có sự chứng ngộ hiện thực về Bồ đề tâm thì không thể thực chứng được Tịnh quang và thân huyễn của giai đoạn thành tựu. Để đạt được Tịnh quang, nhân của Pháp Thân (dharmakaya) và thân huyễn, nhân của Sắc Thân (rupakaya) hành giả cần tích lũy vô lượng công đức. Nhân tố giúp tích lũy vô lượng công đức cần có để đạt đến Tịnh quang và thân huyễn, chính là Bồ đề tâm. 

Khi nhập thất ẩn tu về các hộ pháp bổn tôn, chúng ta trì tụng chú để cho chúng ta có khả năng có được những chứng ngộ Lamrim bên trong tâm chúng ta. Chúng ta thực hành phép tu Đạo sư Du già để nhận được các ân phước để có thể thể hiện được đường đạo Lamrim trong tâm chúng ta. Mọi việc được làm là nhắm tới lý do này. 

Sẽ không có cách nào đạt giác ngộ, thành tựu đường đạo Tantra trừ phi ba căn bản được thực chứng trong tâm bạn. Cho dù hành giả có khả năng trì tụng hàng triệu chú và thậm chí thấy được Phật, cũng không có cách nào đạt đến giác ngộ trừ phi người đó thực hiện được ba căn bản của đường đạo. Những gì Ngài PabongKa Dechen Nyingpo nói ở đây thật có ý nghĩa. Để hoàn thành đường đạo Tantra, hành giả phải luyện tâm trên đường đạo chung, đó là ba căn bản của đường đạo, là lamrim; không thể bỏ qua nó được. 

Thiền định trực tiếp Lamrim dù chỉ một lần cũng quý hơn các phép tu tập khác bởi vì nó để lại dấu ấn về toàn bộ đường đạo đến giác ngộ trong dòng tâm thức tương tục, khiến sớm muộn gì cũng sẽ hiện thực hóa được toàn bộ con đường. Đây chính là những gì thực sự sẽ mang chúng ta đến giác ngộ. Nếu bỏ qua việc thiền định Lamrim thì cho dù chúng ta ẩn tu bao nhiêu lần hay tu tập bao nhiêu phép tu khác, chúng ta sẽ không tìm thấy sự thay đổi nào trong tâm. Ngay cả sau khi trì tụng chú đến hàng triệu biến, mòn cả xâu chuỗi và ngón tay thì tâm vẫn chẳng thay đổi gì. 

Tại sao không có gì xảy ra? Tại sao không có sự thay đổi trong tâm? Tại sao chẳng có sự chứng ngộ nào? Tâm của ta vẫn giữ nguyên mức độ – hay có khi còn tệ hơn – bởi vì trên thực tế, chúng ta không luyện tâm theo Lamrim, đường đạo từng bước đến giác ngộ. Sẽ có nguy hiểm khi bỏ qua sự thực hành cốt lõi này giống như bỏ qua thân cây và lại đi tìm kiếm các cành cây. 

Ở phương Tây có nhiều loại hình thi đấu: đua xe, đua ngựa, chạy bộ, đi bộ. Và cũng ngay ở đây khi đi tìm hạnh phúc cho các đời sau hay sự giải thoát và giác ngộ, chúng ta nên có cuộc đua giữa việc tu tập Pháp với cuộc đời này. Hoặc ít nhất chúng ta nên cố làm cho hai điều đó ngang bằng nhau. Trong khi cuộc đời qua đi từng phút, từng giờ, từng ngày – thì chúng ta nên thực hành Pháp làm cho nó ngang bằng với cuộc đời. Như đức Dalai Lama thường nói: “Nếu ta không thể khiến cho toàn bộ thời gian trọn ngày trở thành Pháp thì cũng làm cho ít nhất nửa ngày trở thành Pháp” (và nói như vậy, không có nghĩa là bạn tu tập Pháp từ sáng sớm cho tới buổi trưa và sau đó không tu tập nữa).

Lama Zopa Rinpoche

Việt dịch: Nguyễn Văn Điểu

Nguồn: Hiểu biết cách thực hành Pháp 

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung