Hành thiền |

Hành thiền

Kim cương thừa Tánh không Thực hành

Thay vì thực sự thực hành Pháp thì chúng ta lại thường chỉ hay nói về sự thực hành Pháp. Chúng ta càng nói nhiều về Pháp trong khi tự mình lại không thực hành bao nhiêu, thì chúng ta lại càng đánh mất đi năng lượng của mình vào những ngôn từ bấy nhiêu, và do vậy quan điểm của chúng ta sẽ ngày càng trở nên sai lạc hơn. Theo con đường Phật giáo, thì nếu là những hành giả đích thực thì dù cho chúng ta có đang cầu nguyện, dâng cúng dường, thực hành yoga, quán tưởng hay thiền định, thì bản chất tinh yếu phải luôn là quan điểm xác quyết phi chướng ngại. Tốt nhất với các hành giả là hãy nhớ rằng quan điểm thì vượt lên khỏi sự mô tả.

Ngày xưa, có một đàn sếu đang bay về phương nam. Con đầu đàn nói với chúng, “Đừng tạo ra bất kỳ âm thanh nào nếu không chúng ta sẽ bị con người bắn hạ đấy!” Vì vậy tất cả các con sếu đều bắt đầu nói, “Đừng tạo ra bất kỳ âm thanh nào! Đừng tạo ra bất kỳ âm thanh nào! Đừng tạo ra bất kỳ âm thanh nào!” cho đến khi bầu trời không còn sự tĩnh lặng nữa. Dù không cần thiết phải sử dụng những ngôn từ để mô tả sự chứng ngộ của mình, nhưng những ngôn từ vẫn tự động xuất hiện nhiều và nhiều hơn nữa để mô tả tâm thức vốn bất khả tư nghị của chúng ta.

Các bài tập thở yoga nội sử dụng 5 nguyên tố vốn sẵn có trong không khí, khí năng, và chúng tịnh hóa các nguyên tố thô vào các nguyên tố vi tế một cách tự nhiên, rồi sau đó là tịnh hóa chúng vào bản chất, tinh túy bí mật của các nguyên tố. Địa khí (khí đất), Thủy khí (khí nước), Hỏa khí (khí lửa), Phong khí (khí gió) và Không khí (khí hư không) có thể được sử dụng bởi những hành giả yoga nội – họ là những người không muốn phụ thuộc vào các loại thuốc men, dược liệu để chống lại các loại bệnh tật của mình. Một hành giả yogi có thể tịnh hóa các nguyên tố địa khí cũ kỹ bất tịnh của mình nhờ quán tưởng và hít vào địa khí màu vàng tươi mới thanh tịnh. Người ấy có thể tịnh hóa các nguyên tố thủy khí nặng nề bất tịnh của mình nhờ quán tưởng và hít vào thủy khí màu trắng thanh tịnh. Người ấy có thể tịnh hóa các nguyên tố hỏa khí u ám bất tịnh của mình nhờ quán tưởng và hít vào hỏa khí màu đỏ thanh tịnh. Người ấy có thể tịnh hóa các nguyên tố phong khí mờ mịt bất tịnh của mình nhờ quán tưởng và hít vào phong khí màu xanh lục thanh tịnh. Người ấy có thể tịnh hóa các nguyên tố không khí mờ đục bất tịnh của mình nhờ quán tưởng sắc tướng ánh sáng bất khả xâm phạm và hít vào không khí màu xanh dương sáng rõ thanh tịnh.

Các bài tập yoga có thể hữu ích với một người có một thân thể không được cân đối và thoái mái. Vì những nguyên tố thô nặng hữu hình là nguồn gốc của những đặc tính này nên người nào tin và dựa vào các nguyên tố vi tế vô hình thanh nhẹ sẽ tạm thời có thể có được một thân thể thoải mái, hài hòa cân đối trong kiếp hiện tại này. Khi bậc hành giả yoga tịnh hóa những nguyên tố thô thì các nguyên tố ánh sáng thanh nhẹ trong thân của người ấy trở nên hữu hình. Nhưng nếu người ấy chỉ có niềm tin vào các nguyên tố thô và vi tế của thân thể mình mà lại không tin vào bản chất, tinh túy bí mật bao la mênh mông tỏa khắp mọi nơi chốn, thì quan điểm của họ lại bị giới hạn, và do lợi ích của bài tập người ấy thực hành bị giới hạn với thân thể của riêng mình nên người ấy có thể sẽ không bao giờ đạt được Thân Bổn Tôn Trí Tuệ.

Dù không tin vào tiềm năng trí tuệ bí mật của các nguyên tố nhưng nhờ việc làm cho thân thể của mình được nhẹ nhàng hơn, nên một số vận động viên thể dục có thực hành yoga đã chỉ ra rằng họ có thể tìm thấy các nguyên tố vi tế ở trong các nguyên tố thô. Thông qua những hoạt động của mình, một cách tự động, họ đã bộc lộ khả năng chịu đựng cùng những khả năng thiết yếu khác tồn tại một cách tiềm ẩn, vốn sẵn ở bên trong, và những khả năng này được phát sinh từ bản tánh nguyên thủy trong các nguyên tố của họ. Hoàn thiện thân thể mình nhờ các nguyên tố thanh nhẹ, họ đã thi đấu và tranh giải với những thân thể nguyên tố thanh nhẹ khác trước những vị khán giả nguyên tố thô đang xem họ với những cặp mắt nguyên tố thô, và phần thưởng là những tấm huy chương nguyên tố thô thực sự mang ý nghĩa: “Cảm ơn các bạn thật nhiều vì đã cho chúng tôi thấy các nguyên tố thanh nhẹ của các bạn!”

Những hành giả Phật giáo tin vào hiện tượng của bổn tôn hiểu được rằng nó là ánh sáng, vô hình, phi chướng ngại và có khả năng xuất hiện một cách huyền diệu ở bất kỳ đâu bởi vì nó tỏa khắp ở mọi nơi mọi chốn. Vì điều này nên họ thừa nhận tiềm năng trí tuệ bí mật của các nguyên tố nằm trong thân thể mình và thực hành với sự quán tưởng, sadhana (nghi quỹ thực hành) và mudra (thủ ấn).

Họ quán tưởng hiện tượng bản chất, tinh túy thanh tịnh của vị bổn tôn nhằm điều phục các nguyên tố thô bất tịnh của mình và cho phép bản chất, tinh túy bí mật từ các nguyên tố của mình được biểu hiện. Kết quả là thân thể của họ trong kiếp hiện tại này sẽ trở nên cân đối hài hòa, thoải mái, và thân thể của họ sau sự sống sẽ trở thành Thân Bổn Tôn Trí Tuệ. Những bậc hành giả này không nhận một tấm huy chương nguyên tố thô từ một vị khán giả nguyên tố thô nào cả. Phần thưởng duy nhất của họ là lời tán thán, ngợi ca trí tuệ và được tắm mình trong những bông hoa ánh sáng từ chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh, chư Thiên cùng tất cả những nhân vật thông tuệ, vì hiện tượng Bổn Tôn Trí Tuệ của họ tỏa đi khắp mọi nơi một cách phi chướng ngại vì lợi ích cho mọi thực thể.

Lẽ đương nhiên, nếu thích thì tùy theo những hiện tượng riêng cùng những căn cơ, điều kiện của cá nhân mình, chúng ta có thể chọn lựa bất kỳ hệ thống hay truyền thống thực hành nào mình mong muốn hay cần đến để có thể sử dụng được trong những hiện tượng chung. Giữa những điều này thì các truyền thống và những bản văn xác thực đều có một quan điểm biểu trưng dạy sự quán tưởng về những màu sắc, hình ảnh, dấu hiệu cùng những biểu tượng. Mục đích thực sự của quan điểm biểu trưng này là để hiển lộ bản chất, tinh túy nằm trong sự phô diễn, hiển bày trí tuệ của vị bổn tôn nhờ các phương tiện thiện xảo. Sau đó thì dù cho chúng ta có cầm một cây gậy chống đi đường trong tay thì nó cũng có thể trở thành một thanh gươm trí huệ. Kể cả chúng ta có không cầm gì trong tay hết thì vẫn có một thanh gươm trí huệ chặt đứt mạng lưới còn sót lại của những ý niệm mâu thuẫn loạn thần của tâm nhị nguyện bị lừa dối một cách tự nhiên.

Trong vòng luân hồi sinh tử thì một công cụ không thể thâm nhập vào khắp mọi nơi. Các nguyên tố thô là những rào cản che chướng tới các công cụ khác, vì vậy nên Đức Phật đã thị hiện nhiều công cụ cũng như nhiều biểu tượng, do vậy không chỉ có một thanh gươm hay một biểu tượng mà có vô số không giới hạn những thanh gươm. Chúng ta tạo ra một giới hạn nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một sadhana (nghi quỹ thực hành), như một con dao có thể nắm chắc được, một bình chứa dễ vỡ nào đó. Nhưng trí huệ thì không bao giờ bị giới hạn.

Chúng ta dùng những sadhana và bản văn đặc biệt nào đó để chứng ngộ sự phô diễn, hiển bày trí tuệ phi chướng ngại vô hạn. Nếu không sử dụng những vũ khí trí tuệ vốn sẵn của chính mình thì chúng ta cần phải dựa vào những vũ khí biểu trưng để tiêu trừ những chướng ngại. Nhưng những vũ khí biểu trưng thì lại bị giới hạn, nên nếu chúng ta chứng ngộ và nhận ra được vũ khí trí tuệ vốn sẵn của mình thì chúng ta không cần sử dụng tới phương tiện nguyên tố thô nào khác để thâm nhập vào khắp mọi nơi.

Nói chung thì các Phật tử thực hành để điều phục tâm thức của mình. Họ thiền định để tịnh hóa các nguyên tố thô nặng thành các nguyên tố vi tế thanh nhẹ, rồi sau đó đưa nó vào bản chất, tinh túy bí mật thanh tịnh của họ, và họ không thiền định để an trú trong không gian trống rỗng vô tri vô giác. Nhờ thiền định mà các Phật tử muốn biết về Tâm Tỉnh Giác Trí Tuệ bất nhiễm với những phẩm chất ánh sáng phi chướng ngại, thanh tịnh và nhẹ bẫng.

Trên đạo lộ thiền định, chúng ta có thể thể nghiệm sự an lạc trong thân. Thể nghiệm an lạc này chủ yếu là một hỗn hợp pha trộn của sự an lạc và tham dục với năng lượng tiềm tàng của thủy đại. Nếu chúng ta trở nên bị bám luyến vào thể nghiệm an lạc của mình thì chúng ta sẽ bị tái sinh vào các cõi trời Dục Giới. Tuy nhiên, sự bám luyến của tâm thức bị che chướng này vào sắc tướng lại có năng lượng tiềm năng rắn chắc của địa đại. Nếu chúng ta không trở nên bị bám luyến vào thể nghiệm an lạc của mình, mà tiếp tục dùng nó như một sự hỗ trợ cho việc đạt được Thân Trí Tuệ Bất Hoại, thì thủy đại và địa đại sẽ ngày càng trở nên sáng hơn, nhẹ hơn và thuần khiết, thuần khiết hơn nữa, lúc này sắc tướng của chúng ta một cách tạm thời trở nên sáng và nhẹ hơn, và nó biểu trưng cho tiềm năng gia tăng an lạc bên trong chúng ta. Chúng ta thể nghiệm năng lực thanh tịnh tự nhiên nhờ sự an lạc này và nhờ năng lực của sắc tướng ánh sáng thanh nhẹ của mình, các nguyên tố tham dục bất tịnh xung đột của chúng sinh, đặc biệt là chúng sinh ở cõi thiên giới được tịnh hóa và một cách tự động được đưa vào một trạng thái Quang Minh Không Lạc (Đại Lạc Tánh Không Sáng Rõ). Dần dần, khi sự khác biệt giữa thủy đại và địa đại biến mất, khi ấy chúng ta thể nghiệm sự an lạc không bám luyến.

Trên đạo lộ thiền định, chúng ta có thể thể nghiệm sự sáng tỏ, trong sáng trong khẩu ngữ. Thể nghiệm sáng tỏ, trong sáng này chủ yếu là một hỗn hợp pha trộn của sự sáng tỏ, trong sáng và sự giận dữ, sân hận với năng lượng tiềm tàng của hỏa đại. Nếu chúng ta trở nên bị bám luyến vào thể nghiệm sáng tỏ, trong sáng này thì chúng ta sẽ bị tái sinh vào các cõi trời Sắc Giới. Tuy nhiên, sự bám luyến của tâm thức bị che chướng này vào sự sáng tỏ, trong sáng lại có năng lượng tiềm năng linh động của phong đại. Nếu chúng ta không trở nên bị bám luyến vào thể nghiệm sáng tỏ, trong sáng của mình, mà tiếp tục dùng nó như một sự hỗ trợ cho việc đạt được Khẩu Trí Tuệ Vô Dục, thì hỏa đại và phong đại sẽ ngày càng trở nên sáng hơn, nhẹ hơn và thuần khiết, thuần khiết hơn nữa, lúc này khẩu ngữ của chúng ta một cách tạm thời trở nên du dương, êm ái hơn, và nó biểu trưng cho tiềm năng gia tăng sự sáng tỏ, trong sáng bên trong chúng ta. Chúng ta thể nghiệm năng lực thanh tịnh tự nhiên nhờ sự sáng tỏ, trong sáng này, và nhờ năng lực của khẩu ngữ du dương, êm ái của mình, các nguyên tố sân hận bất tịnh xung đột của chúng sinh, đặc biệt là chúng sinh ở cõi thiên giới được tịnh hóa và một cách tự động chúng được đưa vào một trạng thái Quang Minh Trống Không Bất Nhiễm (Tánh Không Sáng Rõ Thanh Tịnh). Dần dần, khi sự khác biệt giữa hỏa đại và phong đại biến mất, khi ấy chúng ta thể nghiệm sự sáng tỏ, trong sáng không bám luyến.

Trên đạo lộ thiền định, chúng ta có thể thể nghiệm tánh không, vô niệm trong tâm. Thể nghiệm tánh không, vô niệm này chủ yếu là một hỗn hợp pha trộn của tánh không trống rỗng và sự vô minh với năng lượng tiềm tàng của không đại. Nếu chúng ta trở nên bị bám luyến vào thể nghiệm tánh không, vô niệm này thì chúng ta sẽ bị tái sinh vào các cõi trời Vô Sắc Giới. Tuy nhiên, nếu chúng ta không trở nên bị bám luyến vào thể nghiệm tánh không, vô niệm này, mà tiếp tục dùng nó như một sự hỗ trợ cho việc đạt được Tâm Trí Tuệ Tự Tỉnh Giác, thì không đại sẽ ngày càng trở nên sáng hơn, nhẹ hơn và thuần khiết, thuần khiết hơn nữa, lúc này tâm thức của chúng ta một cách tạm thời trở nên siêu phàm, và nó biểu trưng cho tiềm năng gia tăng tánh không bên trong chúng ta. Chúng ta thể nghiệm năng lực thanh tịnh tự nhiên nhờ không gian siêu phàm này, và nhờ năng lực của tâm thức siêu phàm bất sinh của mình, các nguyên tố vô minh bất tịnh xung đột của chúng sinh, đặc biệt là chúng sinh ở cõi thiên giới được tịnh hóa và một cách tự động được đưa vào một trạng thái Tánh Không Tỉnh Giác Không Lừa Dối (Giác Tánh Trống Không Chân Thực). Dần dần, khi sự khác biệt giữa không đại bên trong và bên ngoài biến mất, khi ấy chúng ta thể nghiệm tánh không, vô niệm không bám luyến.

Trong năng lượng của các nguyên tố thì có những ý niệm thô và vi tế. Những ý niệm thô liên quan đến các nguyên tố thô nặng, còn những ý niệm vi tế liên hệ tới các nguyên tố vi tế ánh sáng thanh nhẹ. Thông thường, khi thiền định, chúng ta quán sát tâm mình và có thể trực tiếp nhận ra các ý niệm thô nhờ những cảm nhận hay các cảm xúc khi chúng sinh khởi. Nhờ việc nhận ra những ý niệm thô này mà chúng ta có thể được giải thoát khỏi chúng.

Trong thiền định, khi chúng ta nghĩ mình đang có ít ý niệm hơn thì nó thường là những ý niệm thô đang giảm dần trong khi dòng chảy ngầm của những ý niệm vi tế vẫn tiếp tục chuyển động mà chúng ta không nhận biết được, giống như hoạt động vi tế của những dòng suối (chảy ngầm) ở dưới bề mặt tĩnh lặng của một ao nước phủ đầy vỏ trấu. Bởi thật khó để nhận ra nên hoạt động vi tế của tâm thức này luôn là sự nguy hiểm, và chính chúng là những chủng tử (hạt giống) cho những cảm xúc mãnh liệt – điều tạo ra các hiện tượng thô. Để tịnh hóa những ý niệm nguyên tố vi tế này thì những hành giả sơ cơ, nhập môn cần phải trông dựa vào tâm ghi nhớ hay sự chánh niệm, tỉnh thức.

Theo những giáo lý khác nhau thì tất cả mọi loại chánh niệm, tỉnh thức đều có thể được chứa đựng trong sự chánh niệm tỉnh giác của nhận thức và sự chánh niệm tỉnh giác của pháp tánh (dharmata). Pháp tánh là bản chất, tinh túy, đặc tính tự nhiên của các hiện tượng, nó cũng là nguồn gốc của sự thuần khiết trong các nguyên tố và đồng thời nó cũng là tự tánh vô điều kiện của tâm. Sự chánh niệm tỉnh giác của pháp tánh là phi nỗ lực và không phụ thuộc vào sự tập trung, định tâm bởi vì nó hoàn toàn tự nhiên. Sự chánh niệm tỉnh giác của nhận thức là sự nương dựa vào việc quán sát tâm với sự tập trung trong suốt quá trình định tâm, thiền định.

Loại nhận thức này không giống như sự nhận thức thông thường là tập trung lên những đối tượng bên ngoài và bám chấp vào chúng; mà thay vào đó, nó tập trung lên chủ thể nhờ các giác quan hay hoàn cảnh. Sự tập trung hay nhận thức với chánh niệm tỉnh giác thì có lợi ích tạm thời cho việc duy trì được một tâm thức điềm tĩnh, ổn định và tâm thức sẽ không bị lừa gạt một cách dễ dàng vào hoạt động của các đối tượng.

Lợi ích tối hậu của chánh niệm tỉnh giác là hòa nhập các nguyên tố có điều kiện, bất tịnh của tâm thức chúng ta vào cùng sự chánh niệm tỉnh giác vô điều kiện của pháp tánh – điều bất khả phân với bản chất, tinh túy bí mật tự nhiên của giác tánh. Vì vậy, cho tới khi có được sự tự tin vào sự chánh niệm tỉnh giác của pháp tánh, chúng ta cần phải luôn dựa vào sự chánh niệm tỉnh giác của nhận thức.

Sự chánh niệm tỉnh giác là quan trọng nhất trong sự thực hành, tất nhiên rồi, nhưng nó cũng cần thiết trong những công việc hàng ngày thế tục nữa. Không có sự chánh niệm tỉnh giác thì không thứ gì có thể được hoàn tất cả; chúng ta sẽ trễ giờ, sẽ lỡ lời thốt ra những điều vô nghĩa, sẽ tính toán sai lầm mọi sự và sẽ luôn để lỡ mất mục tiêu.

Một lần, có một trận đấu vật được sắp xếp giữa một đô vật khổng lồ hùng mạnh và một vận động viên thể dục mảnh khảnh, yếu ớt. Vào đêm trước khi trận đấu diễn ra, người vận động viên thể dục đã rất lo sợ, ông không thể ngủ vì lo lắng về kích thước của tay đô vật. Thấy vậy, vợ ông ta hỏi tại sao ông lại phải lo nghĩ đến vậy, ông ta trả lời bà vợ về sức mạnh của đối thủ và ông nói, “Ngày mai nhất định tôi sẽ thua mất!”. Người vợ an ủi ông ta và nói, “Đừng lo! Ngày mai tôi sẽ hát một bài ca từ chỗ ngồi khán giả. Hãy đừng bị phân tâm bởi giọng hát của tôi! Mà hãy tập trung vào trận đấu! Khi nghe thấy tôi hát thì ông hãy thật nhanh tóm lấy hai hòn dái của gã khổng lồ và bóp mạnh hết sức mình cho tới khi hắn ngã xuống”.

Ngày hôm sau khi họ đang xung trận và gã khổng lồ đang thắng thế thì người vợ bắt đầu hát, “Này gã khổng lồ, ngươi thật huy hoàng và hùng mạnh, nhưng một trong những viên đá quý của ngươi sắp rụng ra từ trán của ngươi rồi kìa!” Gã khổng lồ lập tức vội vàng giữ lấy trán của mình và chỉ dùng một tay để chiến đấu. Lúc ấy, người vận động viên thể dục nhanh chóng tập trung như lời vợ đã dặn, bóp thật mạnh bằng toàn bộ sức mạnh của mình và ông ta đã khiến cho gã khổng lồ ngã xuống.

Khi hấp hối sắp chết, với hơi thở cuối cùng, gã khổng lồ đã trả lời bài ca của người vợ, “Người khổng lồ hùng mạnh nhất đã bị mất cảnh giác (chánh niệm tỉnh giác) và bị giết bởi một đối thủ mảnh khảnh, yếu ớt nhưng tập trung, tỉnh giác. Hôm nay mạng sống của ta đã tàn vì do bất cẩn sơ ý, ta đã nắm lấy viên ngọc mộng tưởng lừa dối, cái ta đã quên mất mình vốn sẵn có từ khởi thủy, và vì vậy ta đã đánh mất viên ngọc chánh niệm tỉnh giác của mình. Không có viên ngọc nào quý giá hơn viên ngọc quý giá nhất của sự chánh niệm tỉnh giác cả.” Rồi gã chết.

Theo những bản văn khác nhau thì tùy theo những căn cơ, điều kiện khác nhau, mà sẽ có nhiều phương pháp giải thoát những ý niệm thông qua chánh niệm tỉnh giác. Thường thì các thiền giả hay quán sát những ý niệm, khảo sát nơi chúng đến, nơi chúng đi, và nơi chúng trụ lại. Quá trình này thì tốt cho thiền giả nhập môn, nhưng nó là không tốt để lúc nào cũng khảo sát như vậy. Vì tâm thức là phi chướng ngại nên những ý niệm được sinh khởi một cách liên tục. Bằng cách liên tục khảo sát chúng, chúng ta sẽ không bao giờ được thảnh thơi mà chỉ tạo ra thêm những ý niệm mới. Sau khi hòa tan những ý niệm nhờ khảo sát chúng, thì chúng lại sinh khởi trở lại và khiến cho quá trình khảo sát trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Giữa ý niệm đối trị của sự khảo sát và đối tượng của ý niệm đối trị, thì tâm thức không bao giờ được an định và điềm tĩnh cả, dẫu cho tư thế thân thể vật lý thì trông có vẻ là yên tĩnh, thư thái.

Nếu tâm thức bình thường không bao giờ an định, thì chúng ta không thể thấy tâm tự nhiên chân thật. Một số tâm thức có hoạt động vi tế hơn những tâm thức khác, mặc dù trên bề mặt của mình, chúng xuất hiện như sự an định. Để làm an định hoạt động vi tế này thì điều quan trọng nhất khi thiền định là hãy cố gắng thư giãn tâm thức. Nhưng khi bậc thiền giả sơ cơ cố gắng để thư giãn thì những ý niệm dường như lại sinh khởi nhiều hơn thường lệ. Chúng ta mong đợi, kỳ vọng tâm thức mình được bình an hơn, vì thế khi nhiều ý niệm này sinh khởi thì chúng ta trở nên chán nản với thiền định.

Dạng thiền giả này trở nên bị chán nản do thói quen, tập khí tham lam vật chất hoặc do sự vô minh trong hệ thống nghiệp. Sự tham lam đến từ việc họ đã và đang luôn có dính líu, liên hệ tới vật chất nguyên tố thô hữu hình, nên khi thiền định, chúng ta lại chạy theo cùng thói quen, tập khí này vì muốn chạm vào và sử dụng những ý niệm của mình một cách dễ dàng. Sự tính toán của chúng ta được dựa trên những thói quen, tập khí máy móc. Điều này đặc biệt đúng trong một xứ sở hùng mạnh, giàu có về vật chất và người dân của xứ này ngay từ lúc còn nhỏ đã có một cuộc sống kỹ thuật công nghệ dễ dàng. Với những người trong chúng ta đã phát triển, hình thành thói quen, tập khí máy móc thì thật khó để làm cho tâm thức của mình được điềm tĩnh, an định ngay lập tức. Vì cố gắng hiểu các nguyên tố ánh sáng thanh nhẹ phi vật chất bằng những ý niệm, khái niệm vật chất nên chúng ta không thể nào giải phóng được những ý niệm, khái niệm này, rồi chẳng mấy chốc chúng ta lại từ bỏ thiền định. Hệ thống nghiệp giải thích rằng trải qua vô số kiếp sống trong vòng luân hồi sinh tử mà chúng ta đã tạo ra vô số thói quen, tập khí cùng những ý niệm, khái niệm làm che chướng Tâm Trí Tuệ bí mật tự nhiên của mình. Vì vậy trong kiếp sống này, ngay cả nếu chúng ta vẫn cố gắng để thiền định thì vô số những ý niệm, khái niệm từ vô số kiếp ẩn tàng của chúng ta sẽ vẫn khởi lên và khuấy động sự thiền định của chúng ta. Và rồi chúng ta trở nên rất chán nản vì trong một thời khắc mà chúng ta đã không xua tan được những ý niệm từ vô số kiếp trước của mình.

Chúng ta cần phải thiền định một cách liên tục mà không được thiếu kiên nhẫn và ngu dốt bướng bỉnh dưới sự chỉ dẫn của một bậc Thầy trí tuệ hay một đồng đạo tâm linh bi mẫn có năng lực trí tuệ tự nhiên và có thể nghiệm về những phẩm chất tâm linh phi thường. Chúng ta cần phải thiền định với những phương tiện thiện xảo bằng cách không hy vọng giải thoát được những ý niệm của mình ngay lập tức hay đạt được giác ngộ một cách tức thì.

Cũng không cần thiết để hy vọng rằng một ngày xa xôi nào đó trong tương lai, nhờ sự kiên trì hay thông minh trong thiền định của mình, mà chúng ta sẽ có thể chạm tới giác ngộ. Chúng ta cần phải không tính toán thời gian tương lai hay ngay lập tức trong sự thiền định của mình. Sự mong cầu, kỳ vọng này chỉ khiến chúng ta kích động và cuồng loạn. Nếu chúng ta mong cầu sự giác ngộ ngay bây giờ, thì rồi sự giác ngộ sẽ còn ở xa, rất rất xa. Nếu chúng ta cho rằng giác ngộ còn ở rất xa, thì chúng ta lại tạo ra những ý niệm xa xôi thêm lần nữa, và sự giác ngộ sẽ lại càng trở nên xa xôi hơn, hơn nữa. Những tính toán này tạo ra khoảng cách, thời gian và những giới hạn.

Nếu thực sự muốn trở thành những thiền giả siêu phàm thì chúng ta không nên ấn định một thời gian cho sự thiền định của mình như phong cách của các thiền giả hiện đại. Chúng ta không nên đếm số giờ hay số phút, vì thời gian bị giới hạn sẽ khiến cho sự thiền định bị giới hạn. Yêu cầu và mệnh lệnh của chúng ta – những thứ đến từ tâm thức của những nguyên tố thô và vi tế bị giới hạn thì không thể giải phóng được chính nó vào bản chất, tinh túy bí mật vô hạn, siêu phàm của các nguyên tố nếu chúng ta bị bó buộc bởi thời gian chi ly, chính xác. Nếu tâm thức chúng ta còn bị ràng buộc bởi bất kỳ thứ gì, thì nó sẽ không bao giờ bao la, mênh mông vô tận. Nếu luôn luôn bị rập bẫy và bị giới hạn bởi thời gian, nơi chốn cùng phương hướng, thì làm sao chúng ta có thể có được Tâm Trí Tuệ xác tín? Làm sao chúng ta có thể hiểu được căn cơ, điều kiện của những người khác và làm lợi lạc cho họ? Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ tâm thức bị giới hạn với tâm thức thiền định bị giới hạn?

Một dòng sông đang chảy dài bất tận thì không bao giờ bị cạn kiệt dù cho bất kể bao nhiêu tài nguyên của nó được sử dụng, bởi vì nó luôn luôn được làm đầy trở lại nhờ nguồn nước sâu thẳm của mình. Ngay cả dù cho có xuất hiện giống như một dòng sông vô tận, nhưng nếu một dòng sông lại bắt nguồn từ một hồ chứa nước nhân tạo và nó lại không có nguồn nước sâu thẳm tự nhiên, thì không sớm thì muộn, vào đúng thời điểm, nó sẽ bị cạn kiệt. Nếu chúng ta dựa vào bản chất, tinh túy bí mật từ các nguyên tố của mình, thì năng lượng của chúng ta sẽ tuôn chảy một cách vô tận giống như dòng sông vô tận. Còn nếu chúng ta chỉ dựa vào các nguyên tố thô và vi tế mà không nhận ra, chứng ngộ được bản chất, tinh túy bí mật của chúng thì năng lượng của chúng ta sẽ cạn đi và nhanh chóng bị cạn kiệt giống như hồ chứa nước nhân tạo. Và kể cả chúng ta có thể nghĩ mình đang giúp đỡ người khác nhờ sự thông tuệ của nguyên tố thô thì, nếu không có sự xác tín trí tuệ, sự giúp đỡ của chúng ta sẽ chỉ là sự nông cạn và hời hợt nhất thời.

Thiền định là cần thiết để khai mở các kinh mạch cùng các tĩnh mạch cho sự tuần hoàn, lưu thông khí năng. Tâm thức thì lại phụ thuộc vào điều này. Nếu người thiền giả sơ cơ có một tư thế cân bằng thì các kinh mạch và những dây thần kinh của người ấy sẽ được thẳng và mở rộng, sự lưu thông, tuần hoàn của khí sẽ không bị chướng ngại, và tâm thức thiền giả có thể trở nên quân bình. Nếu muốn tư thế ý nghĩa, thì chúng ta phải không chỉ tập trung lên tư thế của thân mà còn phải tập trung lên tư thế của tâm nữa.

Tâm là nhất tâm. Khi thiền định, chúng ta phải không tập trung lên một đối tượng hay tìm kiếm (tầm tứ) một đối tượng. Chúng ta không nên có tâm thức thói quen, tập khí trí óc hiện đại, và chúng ta cũng không nên có tâm thức thói quen, tập khí ủy mị cổ xưa. Chúng ta chỉ nên thư thái, thong thả và tách bản thân mình ra khỏi ngũ uẩn (5 skandhas – sắc, thọ, tưởng, hành và thức), rồi an trụ trong tâm bất nhị.

Đặc tính cốt lõi của thiền định là nó tự do, vượt thoát khỏi những đặc tính cốt yếu từ từng cái trong ngũ uẩn. Tính dễ hoại diệt và dễ lĩnh hội, dễ cảm thọ là đặc tính cốt yếu của sắc uẩn (sắc tướng) mà nguyên tố thô dễ nhận thấy của nó là đất. Tính tụ hội, kinh qua, từng trải, thể nghiệm hay linh động của tham dục là đặc tính cốt yếu của thọ uẩn (cảm thức) mà nguyên tố thô dễ nhận thấy của nó là nước. Tính chín mùi, thuần thục, thấu suốt hoặc theo đuổi đối tượng là đặc tính cốt yếu của tưởng uẩn (nhận thức) mà nguyên tố thô dễ nhận thấy của nó là lửa. Gia tăng những hoạt động và tích tập những khuynh hướng là đặc tính cốt yếu của hành uẩn (ý định, mục đích) mà nguyên tố thô dễ nhận thấy của nó là gió (khí). Nhận thức và tạo tác đối tượng là đặc tính cốt yếu của thức uẩn (ý thức) mà nguyên tố thô dễ nhận thấy của nó là hư không.

Theo hệ thống Đại Thừa (Mahayana), đặc biệt là theo thiền định Trung Quán (Madyamika) thì phần lớn những hành giả đều cố gắng thiền định vào tánh không trống rỗng tự do, vượt lên khỏi mọi hoạt động tinh thần. Tất cả mọi hoạt động tinh thần có thể được gom chứa trong ngũ uẩn. Mỗi khi được tự do khỏi ngũ uẩn thì chúng ta chứng ngộ, nhận ra Tâm Hư Không Bầu Trời Sáng Tỏ.

Từ khởi thủy thì tâm nền tảng trống rỗng vĩ đại vô hạn là vốn sẵn trong đạo lộ bị giới hạn trống rỗng của hành giả. Nếu trong đời này chúng ta thiền định được vào tánh không vĩ đại (đại không) thì dần dần cả hiện tượng ban ngày và hiện tượng mộng ban đêm của chúng ta sẽ biến mất, và chúng trở thành giống như nhau, vì vậy sẽ không còn khoảng giữa nữa. Vào lúc chết, khi chia tách khỏi thân thể tập hợp bởi nghiệp của mình, chúng ta sẽ không có hiện tượng ý niệm của kiếp sống tiếp theo nữa, mà chỉ còn không gian tịnh quang sáng tỏ. Trong cùng cách như vậy, không gian bên trong một chiếc nồi là không khác biệt với không gian bên ngoài chiếc nồi. Khi chúng ta đập vỡ chiếc nồi thì không gian chiếc nồi không bị mất đi vì không gian chiếc nồi là giống hệt với toàn thể không gian chung. Chỉ có các nguyên tố vật chất của chiếc nồi là bị vỡ, và chính nguyên tố vật chất này mang lại cho nó hình thể tồn tại khác biệt. Nếu chúng ta có sự xác tín thì không có con đường, đạo lộ trống rỗng nào khác cả, mà chỉ còn quả của nó là tánh không vĩ đại vô nhiễm (đại không bất nhiễm), điều bất khả phân với nền tảng tánh không trống rỗng.

Theo hệ thống Mật Thừa Tổng Quát (General Tantric), thì phần lớn các hành giả đều cố gắng để thiền định vào sự quang minh (tịnh quang sáng tỏ). Dựa vào sadhana (nghi quỹ thực hành) vị bổn tôn hay sự thực hành của mình, nhờ sự quán tưởng, mà họ cố gắng chuyển hóa ngũ uẩn thô tháo bất tịnh thành ngũ uẩn trí tuệ thanh tịnh – Ngũ Bộ Phật hay Ngũ Trí Như Lai cùng các chư tôn. Bản chất, tinh túy của quang minh là hư không sáng tỏ, vì vậy vị bổn tôn và vị phối ngẫu hư không sáng tỏ của ngài luôn luôn là bất khả phân.

Từ khởi thủy thì tâm nền tảng quang minh vô hạn là vốn sẵn trong đạo lộ bị giới hạn quang minh của hành giả. Nếu trong đời này, sự thực hành thiền định của chúng ta mạnh mẽ và liên tục, thì quang minh sáng rõ từ các hiện tượng mộng của chúng ta và quang minh sáng rõ từ các hiện tượng thức của chúng ta sẽ được tiếp nối, diễn tiến trong cùng cách như mặt trời lặn trong khi mặt trăng tròn mọc. Khi chia tách khỏi thân thể tập hợp bởi nghiệp hiện tại của mình, đạo lộ quang minh của chúng ta thì giống như một đứa con trai nhận ra bà mẹ nền tảng quang minh vô hạn của nó và hợp nhất với bà. Nếu xác tín vào lúc chết thì thói quen thời gian không còn, thói quen nơi chốn không còn, thói quen phân biệt không còn và thói quen đạo lộ cũng không còn. Và khi không còn đạo lộ quang minh nào nữa, thì chỉ còn quả của nó là quang minh hư không sáng tỏ thanh tịnh phi chướng ngại – điều bất khả phân với nền tảng quang minh sáng tỏ.

Theo hệ thống Đại Viên Mãn, thì từ khởi thủy, tâm thức của chúng ta đã vốn thanh tịnh, tự do, giải thoát và quang minh, vì vậy không có sự phân biệt giữa các nguyên tố thô bên ngoài của ngũ uẩn và các nguyên tố vi tế bên trong của ngũ uẩn. Hành giả chỉ cần ngơi nghỉ trong sự thuần khiết tự bí mật, tỏa khắp toàn triệt, tươi mới và sâu thẳm, vượt lên khỏi những ngôn từ và ý niệm bị che ám này, nó chính là Tâm Trí Tuệ bất nhiễm và không gian quang minh sáng tỏ.

Thường thường, khi thể nghiệm được hư không sáng tỏ trong thiền định của mình thì chúng ta lại ngày càng bám chấp vào nó hơn nữa. Và rồi hư không sáng tỏ lại biến mất. Nếu thấy được hư không sáng tỏ, vượt lên khỏi sự hôn trầm khi thiền định thì chúng ta không được bám chấp vào sự trong sáng, sáng tỏ này và cho rằng sự thiền định của mình là rất tốt. Chúng ta chỉ cần thư giãn, thong thả và ngơi nghỉ với tâm hư không sáng tỏ này để lần tiếp theo khi thiền định, chúng ta có thể dễ dàng hội nhập với sự sáng tỏ, trong sáng lần nữa. Nếu chúng ta dừng sự thiền định của mình lại ở khoảng giữa sự chấp chặt vào những niệm tưởng loạn động thì khi bắt đầu lại, chúng ta sẽ lại tái nối kết với sự bám chấp cùng sự loạn động, và như vậy chúng ta sẽ không thể thư giãn và thoải mái được. Sự thực hành quan trọng nhất là thư giãn, buông lỏng trong thiền định mà không được bám chấp. Nếu những ý niệm nguyên tố thô sinh khởi, thì chúng ta cần phải không được đuổi theo sau những ý niệm này để khảo sát chúng.

Nếu là những thiền giả có kinh nghiệm, khi tâm thức ghi nhớ nhận ra những ý niệm nguyên tố thô, thì chúng ta chỉ cần an trụ trong chánh niệm tỉnh giác mà thôi. Theo kinh văn Đại Viên Mãn (Mahasandhi) thì nếu chúng ta đuổi theo sau những ý niệm thì nhiều ý niệm hơn sẽ sinh khởi làm sản sinh ra nhiều sự mơ hồ và rắc rối hơn, và chúng ta sẽ giống như chú chó ngu ngốc chạy theo sau từng hòn đá thay vì phải tập trung lên người ném đá. Còn nếu chúng ta chỉ an trụ trong chánh niệm tỉnh giác, thì chúng ta sẽ giống như con sư tử – kẻ giết người ném đá thay vì chạy theo sau hòn đá.

Khi trở thành những thiền giả nhiều kinh nghiệm hơn, thì chúng ta có thể nhận ra những ý niệm ngay từ khi chúng bắt đầu sinh khởi, cũng giống như chúng ta nhận ra được một người quen cũ ở trên phố mà không cần phải giới thiệu. Nhờ sự nhận ra này mà chúng ta có thể giải thoát được những ý niệm của mình vào sự sáng tỏ, trong sáng.

Nếu tiếp tục thiền định thì tâm thức ghi nhớ của chúng ta sẽ trở nên ngày càng mạnh mẽ và năng lực hơn tâm thức của những thiền giả sơ cơ, và nó sẽ không còn phải phụ thuộc vào bất kỳ phương pháp hay pháp môn đối trị đặc biệt nào để giải thoát được những ý niệm của mình nữa. Nó giống như một con rắn có thể không cần dụng công mà vẫn tự cởi bỏ, tháo gỡ được những nút thắt của mình, hay giống như việc viết trên mặt nước bằng ngón tay của bạn vậy, khi bạn có tiếp tục viết thì chữ viết vẫn tiếp tục tan biến.

Nếu nhờ vào kinh nghiệm của mình mà chúng ta có thể tiếp tục thiền định, thì mọi ý niệm sinh khởi chỉ là sự phô diễn. Chúng ta không có ý niệm rằng cái gì sinh khởi hay cái gì không là một ý niệm. Chúng ta không có nỗi sợ về việc mất mát bất kỳ điều gì. Mọi sự đều là sự thiền định không có chủ đích. Bất kỳ ý niệm nào khởi lên thì chúng ta cũng không có ý niệm chối bỏ hay chấp nhận nào nữa. Chúng ta không còn sự mong cầu và trông đợi nào nữa về lợi ích. Nó giống như một tên trộm đi vào một căn nhà trống không.

Tất cả mọi Phật tử thiền định đều có thể được bao gồm trong 2 dạng: Thiền Chỉ (hay còn gọi là Thiền Định – Thiền Samatha) và Thiền Quán (hay còn gọi là Thiền Minh Sát – Vipasyana). Theo hệ thống Nguyên Thủy (Tiểu Thừa – Hinayana), thì trước hết, thông qua sự nhàm chán vòng luân hồi sinh tử mà tâm thức thiền giả trở nên rất bình an. Đây là Thiền Chỉ Samatha, khi tâm thức không bao giờ còn bị lay động, lắc lư bởi những cảm xúc mãnh liệt, giống như một đại dương tĩnh tại, lặng sóng và không có những con sóng dữ dội. Từ tâm thức điềm tĩnh, an định này, thiền giả có thể từng bước dần thấy được bản tánh vô ngã của mình, và cái thấy này là Thiền Quán hay Thiền Minh Sát Vipasyana, và từ đó họ dần đạt tới trạng thái của một bậc A La Hán (Arhat) – Bậc tiêu trừ kẻ thù (những cảm xúc mãnh liệt).

Theo hệ thống Đại Thừa (Mahayana), thì khi những thiền giả chứng ngộ, nhận ra tính phi chất thể, vô tự tánh của vạn pháp hay Tâm Trí Tuệ vô ngã của họ, thì một cách tự động, tâm thức của họ trở nên an định, điềm đạm và bình an; Đây là Thiền Chỉ Samatha. Khi họ chứng ngộ được tâm thức của mình vốn siêu vượt lên khỏi hai thái cực của hiện hữu và không hiện hữu, thì đó là Thiền Quán hay Thiền Minh Sát Vipasyana, và lúc này họ chạm tới trạng thái Phật quả của sự giác ngộ.

Theo hệ thống Kim Cương Thừa Ngoại nói chung, thì khi những thiền giả có sự tín tâm nhất niệm về phía đối tượng đại định của vị bổn tôn, thì tâm thức của họ trở nên rất bình an và an định, nó không thể bị thâm nhập bởi những cảm xúc mãnh liệt thông thường. Đây là Thiền Chỉ Samatha. Dần dần, thông qua đại định này mà thân, khẩu và tâm bình phàm của họ trở nên được chuyển hóa thành Thân, Khẩu và Tâm Trí Tuệ của vị bổn tôn, thì đó là Thiền Quán hay Thiền Minh Sát Vipasyana.

Theo hệ thống Kim Cương Thừa Nội nói chung, thì vạn pháp hiện hữu vô hạn trong vòng luân hồi sinh tử được gom chứa trong ngũ uẩn và tất cả vô số chư Phật được bao gồm trong Ngũ Bộ Phật. Những cảm xúc mãnh liệt của vòng luân hồi sinh tử thì không thể nào thâm nhập được vào tâm thức hành giả khi mà thông qua sự quán tưởng, ngũ uẩn được chuyển hóa thành Ngũ Bộ Phật, vì điều này là bản chất, tinh túy ánh sáng bí mật thanh tịnh của những hiện tượng hữu hình với những phẩm tánh vô hình từ năm vị phối ngẫu trí tuệ của tánh không vĩ đại (đại không). Đây là Thiền Chỉ Samatha. Dần dần, khi không có sự phân biệt giữa những hiện tượng bất tịnh của vòng luân hồi sinh tử và những hiện tượng thanh tịnh của cõi niết bàn, thì điều này trở thành Thiền Quán hay Thiền Minh Sát Vipasyana, đó là vòng bánh xe không có phương hướng từ những hiện tượng của Vị Bổn Tôn Trí Tuệ.

Theo hệ thống Đại Thừa (Mahayana), thì sự ngơi nghỉ trong tánh không vĩ đại bất nhiễm (đại không vô nhiễm) được gọi là Nyamshag, “An Trụ Trong Sự Thiền Định Thản Nhiên, Thong Dong”. Mỗi khi an trụ trong sự thong dong, thản nhiên thì chúng ta không nên mong cầu tích tập công đức từ bất kỳ hình thức bên ngoài nào bởi vì sự thong dong, thản nhiên là sự tích tập lớn lao, vĩ đại nhất.

Như Đức Milarepa đã nói, “Khi ở trong thiền định Đại Ấn (Mahamudra), nếu con bận tâm về việc tích tập công đức từ thân và khẩu, thì Tâm Trí Tuệ của con có thể biến mất”. Bất cứ khi nào tâm thức di chuyển từ sự thong dong, thản nhiên lớn lao, vĩ đại bất nhiễm này và ngơi nghỉ trong ánh sáng rực rỡ, chói lọi của nó thì, cứ ở đâu mọi thứ sinh khởi lên thì ở đó xuất hiện như là sự phô diễn, hiển bày ảo ảnh huyễn hóa, và nó được gọi là Jethob, “Hậu Thể Nghiệm Thiền Định Thong Dong, Thản Nhiên”.

Năng lực thanh tịnh của các hiện tượng nguyên tố ảo ảnh, huyễn hóa đến từ không gian tánh không trống rỗng bất nhiễm. Năng lượng không gian bầu trời này thâm nhập vào năng lượng nguyên tố thô của các hiện tượng, và nó làm cho mọi sự xuất hiện đều vi tế, thanh nhẹ và ảo ảnh huyễn hóa, như mộng như ảo. Ích lợi của Jethob là bất cứ ai thấy vạn pháp như sự phô diễn thì họ sẽ không bám chấp hay chối bỏ những đối tượng như huyễn đó, và theo cách này thì đó là sự tích tập công đức. Như tổ Tilopa đã nói với tổ Naropa, “Cho đến khi chứng ngộ, nhận ra rằng vạn pháp là bất sinh, thì chúng ta cần phải liên tục xoay chuyển vòng bánh xe tích tập công đức và trí tuệ”.

Với nhiều hành giả không có kinh nghiệm thì Nyamshag có nghĩa là ngơi nghỉ trong một thế ngồi và Jethob có nghĩa là chuyển động từ một thế ngồi. Nhưng thực sự thì, bất kỳ ai ở trong tâm thức thong dong, thản nhiên với sự chánh niệm tỉnh giác pháp tánh thì người đó đang thực hành thiền định Nyamshag, kể cả dù cho thân thể họ có thể chuyển động và khẩu ngữ của họ có thể phát ra âm thanh. Và bất kỳ ai dịch chuyển từ tâm thức thong dong, thản nhiên đó đi vào sự hậu chói sáng của thể nghiệm với sự chánh niệm tỉnh giác nhận thức thì người đó đang thực hành thiền định Jethob, kể cả dù cho thân thể của họ vẫn giữ yên lặng và khẩu ngữ của họ vẫn im bặt.

Theo hệ thống Kim Cương Thừa Nội, thì sự ngơi nghỉ trong tánh không vĩ đại bất nhiễm (đại không vô nhiễm) cũng được gọi là Nyamshag. Bất cứ khi nào tâm thức chuyển động từ sự thong dong, thản nhiên lớn lao vĩ đại bất nhiễm này và ngơi nghỉ trong ánh sáng chói lọi, rực rỡ của nó thì, ở đâu mọi sự sinh khởi lên thì ở đó xuất hiện như vị bổn tôn, khi mọi sắc tướng xuất hiện như thân bổn tôn, mọi âm thanh vang vọng như thần chú hay ngữ bổn tôn và mọi niệm tưởng sinh khởi như Tâm Trí Tuệ bất nhiễm bổn tôn, thì nó được gọi là Jethob.

Năng lượng thanh tịnh của các hiện tượng Bổn Tôn Trí Tuệ đến từ quang minh trí tuệ bất nhiễm phi chướng ngại (tịnh quang sáng tỏ trí tuệ vô nhiễm không ngăn che).

Năng lượng quang minh sáng tỏ này là bản chất, tinh túy của vị bổn tôn, nó thâm nhập vào năng lượng bình phàm vi tế và năng lượng ảo huyễn vi tế của các nguyên tố khiến cho chúng xuất hiện như là các hiện tượng của Vị Bổn Tôn Trí Tuệ. Ích lợi của việc này là tất cả vạn pháp bất tịnh, bao gồm cả những hiện tượng ảo huyễn bình phàm đều được tịnh hóa thành những hiện tượng của bổn tôn mà không có sự bám chấp hay chối bỏ.

Nếu chúng ta thực hành liên tục, thì khi sự khác biệt giữa Tâm Bầu Trời Thong Dong Thản Nhiên Bất Nhiễm và những hiện tượng của bổn tôn giảm dần và ngày càng trở nên bất khả phân ly hơn, thì khi ấy chúng ta tiếp cận sự giác ngộ – nơi mà không Nyamshag và cũng không Jethob, không trong và cũng không ngoài, chỉ duy nhất khối cầu pháp tánh vô hạn lượng của một mạn đà la mà thôi. Nếu chúng ta phân biệt giữa Thiền Chỉ Samatha và Thiền Quán hay Thiền Minh Sát Vipasyana, hay chúng ta phân biệt giữa Nyamshag và Jethob, thì sẽ có một đạo lộ và những những giai đoạn khác nhau, tùy vào những căn cơ, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng bất kỳ ai, một cách nghiêm túc và tha thiết muốn đạt tới giác ngộ mà không có những ý niệm phức tạp, màu mè thì họ không cần phải lo lắng về sự dịch chuyển qua những giai đoạn khác nhau giống như việc leo lên một chiếc cầu thang.

Những phạm trù phức tạp, màu mè này đến từ sự phân biệt giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Với bậc hành giả có thể thiền định một cách tự nhiên, thì không có sự khác biệt nào giữa người nhận thức, cái được nhận thức và sự nhận thức hết, với họ cũng không có khác biệt nào giữa ngồi thiền hay thiền động cả, không có sự khác biệt nào giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối luôn. Với những hành giả như vậy thì không có cả khoảng giữa nữa. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói, “Chân lý đích thực thì bất sinh nhưng lũ trẻ lại bám chấp vào Tứ Diệu Đế (4 Chân Lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo) bằng những giọng nói khàn đục. Với những ai đã đi vào bản chất, tinh túy của niết bàn thì thậm chí ngay cả tên gọi của một chân lý cũng không có nữa. Vậy thì lấy đâu ra Tứ Diệu Đế chứ? Không ở đâu hết cả!”.

Theo quan điểm phần Tâm Đại Viên Mãn, thì ngay từ lúc khởi thủy vốn đã không có sự phân biệt giữa Thiền Chỉ Shamatha và Thiền Quán Vipasyana, hay giữa Nyamshag và Jethob rồi, và chúng ta thiết lập Bốn Đại Samaya (4 Thệ Nguyện Mật Thừa Lớn) là:

Samaya Không Hiện Hữu: Chúng ta không thể tìm thấy những phẩm chất tiêu cực của vòng luân hồi sinh tử cũng như những phẩm chất tích cực của niết bàn ở bất kỳ đâu, bởi vì từ lúc khởi thủy bắt đầu, tâm thức đã không hiện hữu và tồn tại một cách vật lý, có chất thể; Nó chưa từng hiện hữu, ngay lúc này đây nó cũng không hiện hữu và nó cũng sẽ không bao giờ hiện hữu trong tương lai cả. Dù cho những đám mây đen hay trắng có xuất hiện đi chăng nữa thì chúng cũng không hiện hữu và tồn tại, bởi vì hư không thì vốn luôn trống rỗng.

Samaya Duy Nhất: Tâm thức chúng ta luôn là một, nó là nguồn gốc duy nhất cho bất kỳ hiện tượng bất tịnh nào từ vòng luân hồi sinh tử xuất hiện hay cho bất kể hiện tượng thanh tịnh nào từ niết bàn khởi sinh. Vô số những vì sao tinh tú, hành tinh, mặt trăng và mặt trời đều được phản chiếu trong một đại dương vĩ đại.

Samaya Tự Do Tự Tại: Những hiện tượng của vòng luân hồi sinh tử không thể bị nhiễm trước và những hiện tượng của niết bàn không thể được ích lợi, bởi vì tâm thức vốn tự do, tự tại khỏi tất cả mọi thái cực cùng giới hạn. Trong bầu trời thì không có những phương hướng và những mặt phẳng.

Samaya Tự Nhiên: Vô số những phẩm chất đáng khao khát của vòng luân hồi sinh tử và vô hạn những phẩm chất vô dục của niết bàn thì luôn luôn sinh khởi một cách không ngăn ngại. Đây là bản chất, tinh túy cùng sự phô diễn, hiển bày từ vũ điệu huyền diệu của vị Bổn Tôn Trí Tuệ tự nhiên. Được sánh với vô số những viên ngọc quý thông thường, tâm thức thì vô giá vì vạn pháp đều được gia tăng một cách tự nhiên từ tâm thức.

Bất kể ai có thể thực hành được 4 Samaya Lớn này thì người đó đã giác ngộ rồi, kể cả dù cho thân thể vốn tập hợp bởi duyên và là kết quả từ sự chín mùi nghiệp trước đó của họ có xuất hiện như là sắc tướng bình phàm. Vào lúc cuối đời, nhiều hành giả bình phàm hy vọng mình sẽ có một cái chết cát tường, nên họ được vây quanh bởi gia đình, thân quyến cùng chúng đệ tử than khóc, cầu nguyện và thờ phượng trong kiểu cách thiêng liêng. Nhưng khi những hành giả siêu phàm viên tịch, họ không quan tâm đến thân thể mình có được đặt vào một cái ngai bằng vàng ròng, hay được trang hoàng với một vương miện châu báu, rồi được tán thán và thờ phượng hay không, mà kể cả nó có bị ném vào vũng bùn của một nghĩa địa hoang tàn, rồi bị lăng mạ thì các ngài cũng không bận tâm.

Như Đức Longchenpa “Bậc Thầy Trí Tuệ Hư Không Bao La Vĩ Đại Toàn Tri” đã nói, “Khi một hành giả đích thực viên tịch, ngài giống như một kẻ hành khất lang thang trên đường phố đơn độc, một mình, không chút hy vọng và không một ai chăm sóc, giống như một đứa trẻ thơ, ngài thậm chí không có cả những ý niệm về sinh và tử”.

Như Đức Longchenpa đã dạy, bất kể ai thực hành liên tục và thuần tịnh nhờ sự chứng ngộ quan điểm Đại Viên Mãn, thì lần nữa họ được giác ngộ tới sự giác ngộ không còn lần giác ngộ nào nữa. Bậc hành giả đã an trụ một cách xác tín vào một không gian sâu thẳm, uyên thâm trong sự thong dong, thản nhiên bao la, vượt lên những ý niệm về chứng ngộ hay không chứng ngộ, vượt lên những ý niệm về giải thoát và không giải thoát, thì dẫu cho người ấy có sắc tướng của đời này, nhưng nó chỉ là tạm thời giống như vỏ trứng của chim thần garuda (Kim Súy Điểu). Chim non garuda vốn đã sẵn có sự xác tín và khả năng bay được ngay khi còn ở trong bọc trứng, vì thế khi lớp vỏ bọc này vỡ ra, thì ngay lập tức, nó có thể bay vút lên sải cánh trong bầu trời. Nếu có thể chứng ngộ được quan điểm Đại Viên Mãn trong đời này, thì chúng ta sẽ hiểu được rằng, ngay từ lúc bắt đầu khởi thủy thì chú garuda hoàn hảo, viên mãn của giác tánh tự tỉnh giác vốn đã cư trú và hiện diện ở ngay trong thân thể tập hợp bởi duyên nghiệp này của mình. Và rồi khi bỏ lại thân thể tập hợp bởi duyên nghiệp này của mình, chú garuda trí tuệ vốn sẵn bên trong của chúng ta sẽ tung bay, sải cánh vút lên trong bầu trời Pháp thân.

 

Tác giả: Đức Thinley Norbu Rinpoche

Vũ Điệu Huyền Diệu – Sự Hiển Lộ Tự Tánh của Ngũ Trí Dakini

Dịch từ bản Anh ngữ:  MAGIC DANCE THE DISPLAY OF THE SELF-NATURE OF THE FIVE WISDOM DAKINIS

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung