Đại sư được biết là Padmasambhava, không ô nhiễm do nhập thai, đã sanh một cách kỳ diệu từ một hoa sen. Nhà vua hùng cường của Tây Tạng mời ngài đến Xứ Tuyết. Sau khi ngài đã thuần hóa vùng đất để xây chùa Samye, ngài ở Đỉnh Tùng Xù của những Ngọc Trai Pha Lê. Trong dịp này bảy phụ nữ phi thường – Đức bà Tsogyal của Kharchen, Phu nhân Hồ Kim Cương của Shelkar, Phu nhân Tôn Thờ Rực Rỡ của Chokro, Phu nhân Matingma của Dro, Phu nhân Đỉnh Ngọc của Margong, Phu nhân Ánh Sáng Toả Chiếu của Chim, và Phu nhân Mati của Ruyang – sắp đặt một mạn đà la bằng vàng, cỡ bốn tấc, với những hoa màu lục, như là bảy món sở hữu vương giả.
Sau khi họ làm một bữa tiệc dâng cúng với rượu gạo và nhiều thức ăn tinh tế khác, họ thỉnh cầu như vầy: Đại sư, xin hãy nghe. Xin hãy chia sẻ cho chúng con về sự hiện diện thân thể hoàn hảo, tiếng nói nguyên sơ và tâm, siêu vượt mọi cấu trúc khái niệm của ngài.
Đức Bà Tsogyal, Công chúa của Kharchen, thỉnh cầu đạo sư Liên Hoa như vầy: Xin ngài ban cho một giáo huấn để đánh thức giác ngộ ngay trong đời này, khi ở trong một thân thể nữ, vì một phụ nữ giống như con, không thông minh lắm và mờ tối, không có giáo dục, tâm trí nhỏ hẹp. Xin ban cho một giáo huấn dễ hiểu dễ nhớ, đơn giản để nắm lấy và chứng ngộ.
Bấy giờ đạo sư dạy bà với những lời sau: Công chúa của Kharchen, hãy nghe đây. Bản tánh chân thật của pháp tánh không phải là một đối vật mà tâm có thể nắm; nó không có chiều kích và không thuộc về phạm trù nào. Bản tánh ấy không thể nhận dạng bằng bất kỳ cách nào và bởi thế không cần được phân tích bằng trí năng. Chỉ đơn giản là biết tâm luôn luôn hiện diện trong con từ sơ thủy, thế nên thông minh là không cần thiết. Hãy quên sự thông thái, và chỉ đơn giản an trụ.
Chân tánh này không ở trong lãnh vực của trí năng. Bởi vì nó là một thanh tịnh tự hiện hữu, không sanh khởi và hiện diện tự nhiên, không cần phải cố tình trau dồi nó. Nó được kinh nghiệm đơn giản là một hiện diện tự nhiên; thế nên không cần được giữ trong tâm, cũng không cần trí sắc bén. Chỉ để cho trí năng với chính nó.
Tâm bình đẳng thì không rộng không hẹp. Tâm Phật và tâm một chúng sanh đều lưu xuất từ một căn cứ đơn nhất, đó là tâm tỉnh thức rõ biết. Nó trở nên giác ngộ bằng cách chứng ngộ nó, và người ta lạc lỏng trong sanh tử khi không chứng ngộ nó. Tâm này thì sáng ngời, một trống không rốt ráo, không do cái gì làm ra, một hiện diện rõ ràng, vô ngại – đó là tâm của đức Phật. Không có cái gì con cần để chứng ngộ mà lìa khỏi nó, thế nên hãy giải quyết vấn đề này bằng cách chứng ngộ nó.
Pháp tánh thì không thể nắm bắt bằng danh hiệu, ngôn ngữ, vượt khỏi những biên giới của những dựng lập khái niệm. Giáo huấn này không có chữ viết hay bản văn. Không có chi tiết để phân biệt. Chừng nào con thấu hiểu cái này, thì không kể gì con tối dạ hay không được học hành – nó không đòi hỏi học rộng.
Đây là sự chứng ngộ mà con nên trụ vào. Đây cũng là dòng đại kinh điển. Cái này sẽ giải quyết toàn bộ phạm vi học và tư duy. Cái này cũng sẽ khiến con thức tỉnh với giác ngộ ngay trong đời này, trước khi con bỏ thân. Thế nên hãy tu hành nó.
Tuy nhiên, phụ nữ các con không hiểu khi nó được giải thích, không thấy khi nó được chỉ ra, không nghe khi nó được nói, và các con không thể giữ những bí mật mà cứ khăng khăng hỏi thêm những lời dạy. Khi pháp không ở trong lòng con, các con lại kiêu căng như thể có pháp. Lời dạy này cho những phụ nữ như các con thì khó thành công, thế nên chớ tự lừa dối, mà hãy thực hành với chú tâm mạnh nhất.
Rồi phu nhân Hồ Kim Cương hỏi: Đại sư, xin nghe con. Đối với một phụ nữ phẩm chất bẩm sinh nghèo nàn như con, không thể chuyên cần thực hành, con xin ngài ban cho một giáo huấn đánh thức giác ngộ với người lười biếng.
Bấy giờ đạo sư dạy bà với những lời sau: Phu nhân của Shelkar, hãy nghe đây. Bản tánh của pháp tánh thì hiện diện tự nhiên trong tâm con, thế nên lười biếng là tốt.
Bản tánh chân thật của pháp tánh nghĩa là gì? Nó là sự tỉnh thức sáng tỏ vô biên hiện diện tự nhiên. Không cần tìm nó ở đâu khác. Khi con nhận biết tâm bình đẳng này, tự hiện hữu và không dứt, thì lười biếng là tốt. Bởi vì mỗi loại tri giác xuất hiện như sự diễn đạt của bản tánh biết của tâm, bất kể chuyển động tư tưởng nào xảy ra, nó sanh khởi và tan biến trở lại vào pháp tánh, thế nên cái tỉnh thức rõ biết bổn nguyên là không dứt.
Bản tánh phải chứng ngộ này không phải là cái gì cần trau dồi hay thành tựu, thế nên lười biếng là tốt. Trong pháp tánh như vậy, không có cái gì cả phải trau dồi hay hoàn thành; nó hiện diện như sở hữu tự nhiên của con từ ban đầu. Mọi loại hoạt động hay nỗ lực trói con với sợi dây tham vọng. Không có kết quả tách riêng nào để hoàn thành nhờ cố gắng và nỗ lực. Hãy để tâm bình đẳng của con thư giãn không nâng đỡ trong trạng thái vốn chứng ngộ của pháp tánh.
Nếu con có thể biếng nhác sau khi chứng ngộ bản tánh này, chính nó là trạng thái giác ngộ của một vị Phật. Con sẽ không sợ sanh lại trong sanh tử.
Tuy nhiên, một phụ nữ như con không thể để cho là vậy và không thể an trụ. Con luôn luôn làm ra những kế hoạch chi tiết cho những hoạt động không cần thiết và không nghĩ đến thực hành Pháp là cần thiết dù chỉ một khoảnh khắc. Khi con bắt đầu nhìn vào bản tánh của tâm, con không thể nhìn dù một khoảnh khắc, thay vào đó, con lại không mệt mỏi giữ một con mắt vào những cái nhìn của riêng con, điều ấy là vô ích. Không có được sức mạnh trong thực hành thiền định, con chú trọng vào sự lải nhải vô ích, không dứt như nước dãi từ một con bò già.
Ta không thấy thành công nào trong việc dạy cho những phụ nữ như vậy. Nếu con muốn kiên trì, hãy làm như thế với thực hành Pháp hơn nữa.
Rồi phu nhân Tôn thờ Rực rỡ của Chokro hỏi đạo sư: Đại sư, xin hãy nghe con. Đối với một phụ nữ như con, năm phiền não độc hại mạnh mẽ, xin hãy ban cho một giáo huấn để thức tỉnh với giác ngộ mà không phải chối bỏ năm độc này.
Bấy giờ đạo sư dạy bà với những lời này: Phu nhân của Chokro, hãy nghe đây. Năm phiền não độc hại là một sở hữu tự nhiên trong con từ thuở ban đầu và do đó không thể xa lánh bằng cách chối bỏ chúng. Chúng không thể được chuyển hóa bằng chuyển hóa hay tịnh hóa. Bởi vì năm độc này thuộc về bản tánh của pháp tánh, chúng phải được giải thoát nơi chúng hiện hữu bằng cách tan biến tự nhiên.
Bản chất của giận dữ là trống không. Ngay khoảnh khắc sau khi giận dữ nở thành một địa ngục, không có cái gì nữa để giận dữ ấy lớn lên, không có cái gì nữa được lớn lên. Đối tượng của giận dữ là trống không, nên không có cái gì lớn lên từ đó. Giận dữ là trống không, không có một bản sắc cá nhân nào và như thế không có hình dạng hay màu sắc, không vật chất hay chất thể, và bởi thế tự tan biến vào chính nó không cần phải chối bỏ. Giận dữ không gây hại khi nó sanh khởi, và không có lợi lạc nếu nó không sanh khởi. Giận dữ tiêu tan tự nhiên vào pháp tánh bao la.
Tương tự như thế với tham, si, kiêu căng và đố kỵ – chúng trống không, không chỗ ở và không nguồn gốc, tiếp theo, chúng không có chỗ trụ và không có cái nâng đỡ, không chất thể; và cuối cùng, chúng trống không, không có bản sắc, không có màu hay dạng. Năm độc tiêu tan nơi chúng hiện hữu, không để lại dấu vết. Tỉnh thức rõ biết bổn nguyên hiển lộ. Những tư tưởng được giải thoát như là pháp tánh. Sợi dây nhị nguyên được cắt đứt.
Khi con thực hành sau khi đã chứng ngộ điều này, bất cứ cái nào của năm độc sanh khởi đều xuất hiện như pháp tánh. Chúng không cần chối bỏ. Tỉnh thức rõ biết bổn nguyên không cần tạo ra. Đây là giáo huấn để cho năm độc được giải thoát tự nhiên. Khi con thực hành phù hợp với nguyên lý này, con không thể tránh việc chứng đắc Phật quả.
Tuy nhiên, những phụ nữ như con châm lửa tâm thức mình với năm độc. Họ tự tẩm ướt trong những khuynh hướng xấu và buông thả trong những dục vọng của họ. Sự khao khát một người đàn ông của họ thì giống như những cơn gió ào ạt của nhị nguyên. Gây bẩn, họ bám lấy sự chứa giữ bụi. Không nghĩ đến Pháp, mà chỉ đến chính họ, họ chai đá và cứng cỏi. Năm độc mang sự nguy hiểm của thú rừng đang chạy, thế nên hãy tự chuyên tâm thực hành.
Rồi phu nhân Matingma của Dro hỏi đạo sư Liên Hoa: Đại sư, xin hãy nghe con. Đối với một phụ nữ như con, có nhiều công việc và nhiều xao lãng, xin ban cho một giáo huấn đánh thức giác ngộ mà không phải bỏ những hoạt động.
Đạo sư dạy bà bằng những lời này: Phu nhân Matingma của Dro, hãy nghe đây. Pháp tánh biểu lộ trong vô số cách, và mọi sự bởi thế là trạng thái giác ngộ. Hưởng thụ mà không bám dính với bất kỳ lạc thú nào của năm giác quan thì giống như hưởng thụ một mâm thức ăn. Không bám luyến là cách hành động của một vị Phật.
Bởi vì tánh giác tự hiện hữu khai mở từ chính mình, mỗi một nhớ tưởng là tánh giác. Bất cứ cái gì xảy ra trong tâm con, chớ theo nó; hãy để nó tan đi nơi chỗ nó xảy ra – chính nó là trạng thái giác ngộ. Nó như một bọt nước đến từ nước và tiêu tan trở lại thành nước.
Xoay vòng trong sanh tử là vô thường; nó không có chất thể nào cả. Bất kể như thế nào con xoay vòng qua sự hiển lộ không ngừng của sanh, già, bệnh, chết, như những xuất hiện huyễn thuật, không có cái nào là có chất thể, bởi vì chúng đều xảy ra từ tâm của riêng con. Hãy hiểu chúng là ảo ảnh huyễn thuật; chúng được kinh nghiệm nhưng không thật.
Niềm tin vào một tự ngã là một ảo tưởng, thế nên chớ tin rằng tự ngã hay cái tôi có chất thể gì. Nhà cửa và tài sản, chồng và con, giàu có và các thứ sở hữu đều là những đối vật trong một giấc mộng; hãy đối xử với chúng giống như tưởng tượng, bởi vì chúng không thật và như huyễn.
Tất cả mọi hoạt động của thế gian là khổ đau trong bản chất. Giống như dây tơ con tằm nhả ra, chúng phát ra từ con, và rồi chúng trói buộc con. Bất kể con làm gì, hãy cho nó dấu ấn của không khái niệm, và hồi hướng những hành động của con như sự tích tập công đức. Nếu con thực hành trong cách này, mỗi hành động con làm trở thành một pháp dẫn đến Phật quả.
Tuy nhiên, những phụ nữ giản dị như con ít có sự dũng cảm. Có những kẻ thù vật chất, con không thể thực hành Pháp mà bị bắt buộc vào việc hôn nhân. Nghiệp xấu của con đưa con vào vô số công việc, thế nên con không hề nghĩ đến Pháp. Rất ít phụ nữ thành công trong thực hành Pháp, thế nên hãy tự khích lệ mình với kiên trì.
Rồi Phu nhân Đỉnh Ngọc của Margong hỏi đạo sư: Đối với một phụ nữ có nghiệp xấu như con, xin ban cho một giáo huấn để không phải tái sanh làm đàn bà trong tương lai.
Đạo sư trả lời: Phu nhân của Margong, hãy nghe đây. Tâm giác ngộ là một cái biết tự hiện hữu thì không được hình thành trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai; nó cũng chẳng phải nam hay nữ hay trung tính và không có khác nhau trong phẩm tính. Sự hiện diện tự nhiên tự sanh khởi, thoát khỏi cái chết, sự chuyển di, và hoại diệt. Trong nó không có sự sợ hãi biến đổi.
Bởi vì sự bộc lộ của những tư tưởng từ tâm này là tánh giác, nên không cần cố gắng hay trau dồi bồi đắp. Tư tưởng sanh khởi trong nó và tiêu tan trở lại vào nó, như những đám mây trong bầu trời.
Pháp thân thì đang có mặt trong con. Bởi vì nó chưa bao giờ hình thành, sanh tử là thanh tịnh từ sơ thủy. Nó không hóa thân thành một thân thể. Trò chơi của pháp tánh là bản tánh của quán chiếu thông minh, và một khi con hiểu điều này, không có cái gì thấp kém như là một người nữ. Khi không biết bản tánh của pháp tánh, có sanh làm một vị vua hùng mạnh cũng không thể dừng dòng sanh tử.
Trong bất kỳ trường hợp nào, không gì có thể giúp con trừ phi con chứng ngộ pháp tánh vô sanh, cũng như đứa con không thể được sanh từ một người đàn bà vô sinh. Nhưng khi nào con chứng ngộ pháp tánh chưa hề sanh khởi, lúc ấy tái sanh là không cần thiết.
Tuy nhiên, phụ nữ như con không đủ thông minh để thực hành Pháp. Con thiếu áo giáp kiên trì và không thể thực hành. Trí năng rụt rè của con khiến nó khó bày lộ cho con bản tánh của pháp tánh; sức yếu ớt của con ngăn chặn con chứng ngộ nó. Rất ít phụ nữ thành công trong thực hành Pháp, thế nên hãy cố gắng hết sức để đưa tâm con vào thực hành.
Rồi phu nhân Ánh Sáng Tỏa Chiếu của Chim hỏi đạo sư Liên Hoa: Đối với một phụ nữ ngu muội như con, xin ban cho một giáo huấn đánh thức giác ngộ qua chỉ một câu.
Đạo sư trả lời: Phu nhân của Chim, hãy nghe đây. Từ ban sơ, tâm con là hiện diện tự nhiên tự hiện hữu, không bao giờ sanh khởi và hiện diện một cách bổn nguyên trong dòng hiện sinh của con. Nó không phải là cái gì cần hoàn thành trở lại qua nỗ lực. Bởi vì bản tánh của tâm này không phải là một sự vật cụ thể, tu hành nó nghĩa là không trau dồi sửa sang cái gì cả. Nó không phải là một đối tượng để trau dồi, cũng không có ai để trau dồi nó.
Bởi vì tư tưởng suy nghĩ của con là tánh giác bổn nguyên, chớ nhìn hôn trầm và xáo động như là những hư hỏng. Bởi vì chúng không có bản sắc hình dạng, những tư tưởng của con tiêu tan tự nhiên và sự hiện diện tự nhiên của pháp tánh nổi bật lên. Hôn trầm tan biến vì nó sanh khởi từ và tiêu tan vào bản tánh này. Xáo động cũng tan biến vào không gian căn bản vì nó sanh khởi từ bản tánh này.
Bởi vì quả không phải là một cái gì được hoàn thành, đơn giản chỉ chứng ngộ tự tâm con là đủ. Bởi vì tâm con không bao giờ chết hay chuyển di, nó là quả cầu đơn nhất của pháp thân. Một khi con hiểu nghĩa này, sự chứng ngộ của một nhát cắt, rằng chính nó là trạng thái giác ngộ của một vị Phật.
Tuy nhiên, phụ nữ hay thay đổi và nghi ngờ như con thì không thể theo lời dạy của đạo sư con bởi những xúc tình khó sửa và cứng nhắc. Chỉ một ít trong số các con có thể đạt đến chỗ cuối cùng của thực hành Pháp; nhưng nếu con thực hành, những giáo huấn của đạo sư con sẽ quý như vàng. Hãy vui vẻ đương đầu dầu với khó khăn nho nhỏ.
Rồi phu nhân Mati của Ruyang hỏi đạo sư Liên Hoa: Bởi vì sự chuyên cần của con yếu ớt, xin ban cho một giáo huấn về không hành động.
Đạo sư trả lời: Phu nhân Mati của Ruyang, hãy nghe ta. Bản tánh của pháp tánh không phải là một chất thể cụ thể, và bởi thế nó không phải là một cái gì được sản xuất ra. Bởi vì pháp tánh này hiện diện từ ban sơ, nó không thành tựu bằng lễ lạy. Pháp tánh là ở trong con, hiện diện và không bị che ám. Một khi con thấu hiểu rằng tâm con thì không có bản sắc, rằng chính nó là trạng thái giác ngộ. Nó không phải là cái gì cần được hoàn thành. Tất cả mọi cố gắng và nỗ lực chỉ trói con vào sự tham lam khao khát. Hãy để như vậy, không tạo dựng và không thiền định.
Tuy nhiên, những phụ nữ vô cảm như con không hiểu, dù con được dạy bao nhiêu. Dù khi pháp thân được chỉ ra, con không nhận biết nó. Khi được giới thiệu vào trạng thái giác ngộ, con vẫn không thấy nó. Khi được dạy, con khó mà chứng ngộ một lát cắt của không hành động. Phần lớn các con sẽ làm méo mó lời dạy cho phụ nữ này, thế nên hãy mặc một áo giáp mạnh hơn và thận trọng để khỏi bị ma là việc bắt lấy một ông chồng . Chớ sanh những đứa con; thay vào đó hãy thực hành trong đơn độc, cho dù khó khăn.
Một lần nữa, đạo sư Liên Hoa ban cho những phụ nữ lời dạy: Hãy nghe đây, những người nữ thành tín. Là nguồn quy y của các con, cái tối hảo là Tam Bảo, thế nên hãy cố gắng trong những phương pháp quy y. Cuộc đời này sẽ may mắn và ngăn các con khỏi sanh vào các cõi thấp trong tương lai.
Như đối tượng của tin cậy, cái tối hảo là guru của các con, thế nên hãy tôn kính ngài như đỉnh đầu mình. Cuộc đời này sẽ được ban phước, và ngài sẽ hướng dẫn các con trên con đường của những đời tương lai.
Như nơi thờ phụng, cái tối hảo là bổn tôn của các con, thế nên hãy cúng dường những bữa tiệc và bánh torma. Điều này sẽ đáp ứng những mục tiêu của con trong đời này và đưa con đến thịnh vượng trong những đời tới.
Như những đối tượng để tôn vinh, cái tối hảo là cha mẹ các con, thế nên hãy phục vụ và chăm sóc họ. Nó sẽ đem lợi lạc tức thời đến trong đời này và bảo đảm sự giúp đỡ của họ trong tương lai.
Như một bạn đồng hành, cái tối hảo là chồng các con, thế nên hãy quý trọng họ như chính đôi mắt con. Nó sẽ làm cho đời này có đức hạnh và bảo đảm một tái sanh địa vị tốt đời sau.
Bởi vì phụ nữ có sự kiểm soát cao nhất đối với những hoàn cảnh trước mắt, hãy rộng lượng với những bữa ăn của các con. Điều sẽ bảo đảm cho con những người giúp việc đáng yêu trong đời này và thức ăn dồi dào và thịnh vượng trong những đời tới.
Bởi vì chúng là những chủ nợ về nghiệp từ quá khứ, hãy chắc chắn con cháu tuân thủ Pháp. Điều này sẽ giúp các con trong đời này và giúp chúng trong tương lai.
Đạo sư Liên Hoa bấy giờ nói tiếp: Hãy nghe đây, những người nữ. Tâm giác ngộ hiểu biết thì chẳng phải nam chẳng phải nữ. Pháp tánh của tỉnh thức rõ biết tự hiện hữu thì chẳng phải cao quý chẳng phải tầm thường. Pháp thân tự hiện hữu thì không cao không thấp. Bản tánh của khối cầu đơn nhất thì vượt khỏi tăng hay giảm. Tâm Phật vượt khỏi chiều kích. Những sự vật và bản tánh của chúng không phải là hai.
Một khi các con chứng ngộ rằng tâm mình là Phật, Phật không cần được tìm ở đâu khác. Hãy chứng ngộ bản tánh của tâm các con và tu hành cái ấy. Hãy tôn sùng guru và các bậc Tôn Quý và sống phù hợp với Pháp bằng khả năng tốt nhất của các con. Bấy giờ, dù sanh làm phụ nữ, các con cũng vừa thông tuệ vừa đẹp đẽ.
Bảy phụ nữ đạt chứng ngộ và thỏa thích trong những lời của đạo sư. Họ đảnh lễ ngài, đi nhiễu quanh, và cúng dường một bữa tiệc hậu hỹ. Đức Bà Tsogyal, Công chúa của Kharchen, nghĩ đến những người tương lai, viết ra những lời ngài vào lúc ấy, ở Đỉnh Cây Tùng Xù của những Ngọc Trai Pha Lê.
ẤN, ẤN ẤN.
Đức Padmasambhava
Trích “Những kho tàng từ đỉnh cây Tùng xù”