Giai đoạn phát triển |

Giai đoạn phát triển

Kim cương thừa Thực hành

Mọi thực hành Kim Cương thừa có thể được phân loại thành các kiểu của giai đoạn phát triểngiai đoạn hoàn thiện.

Thực hành giai đoạn phát triển là để tịnh hóa các hiện tượng căn bản nhờ sự quán tưởng chư Phật, Bồ Tát và đàn tràng (Mandala) của chư vị. Thực hành giai đoạn hoàn thiện là để chứng ngộ tính Không với các thực hành dựa trên những kinh mạch, năng lượng-khí và tinh túy của thân vi tế. Thực hành sự hợp nhất của giai đoạn phát triển và hoàn thiện là quán tưởng Yidam (Bổn tôn thiền định) như một sự hư huyễn, như một giấc mơ. Thông thường, trình tự đúng đắn của thực hành là thực hành giai đoạn phát triển trước, sau đó là giai đoạn hoàn thiện, nhưng không cần phải tuân theo trình tự này trong thực hành sự hợp nhất của hai giai đoạn. Từ quan điểm của các hiện tượng, nó là giai đoạn phát triển; tính Không như-mơ, hư huyễn đại diện cho giai đoạn hoàn thiện.

1. Tại Sao Giáo Lý Này Lại Cần Thiết

Trong thời kỳ Mạt Pháp hiện nay, những hành giả đều thường gặp phải vô số vấn đề. Ví dụ, họ ít chú ý hơn đến các yếu tố nền tảng của việc đạt được thành tựu trong thực hành Kim Cương thừa, chẳng hạn quán tưởng, trì tụng, trưởng dưỡng tri kiến đúng đắn, tỉnh thức, v.v. mà lại chỉ bận rộn với những nghi thức thực hành, chẳng hạn như Mandala, nghi lễ, vũ điệu kim cương và v.v. Khi làm thế, kết quả của sự hành trì không thể hiển bày và bốn hoạt động (tức tai, tăng ích, kính ái, điều phục) cũng không thể viên thành.

Mọi thực hành Bổn tôn, dù Bổn tôn là an bình hay phẫn nộ, liên quan đến giai đoạn phát triển. Người ta không thể tiến hành thực hành Bổn tôn nếu không biết cách thực hành giai đoạn phát triển. Để thực hành một cách đúng đắn giai đoạn phát triển trong nhập thất, người ta trước hết cần hoàn thành mọi thực hành sơ khởi [Ngondro], cũng đặc biệt chú ý đến quá trình – có nhiều yêu cầu phức tạp liên quan đến thời gian, địa điểm, cấu trúc nhập thất và thời gian cũng như cấu trúc để kết thúc nhập thất, v.v. Chúng ta không cần biết những chi tiết đó vào lúc này, bởi nhiều người còn chưa tiến hành thực hành sơ khởi; thậm chí nếu vài người đã hoàn thành các thực hành sơ khởi một lần, chất lượng thực hành vẫn chưa thỏa mãn. Tuy nhiên, phương pháp quán tưởng rất quan trọng. Nếu người ta không thể quán tưởng rõ ràng, toàn bộ kết quả hành trì sẽ bị ảnh hưởng theo hướng bất lợi. Các thực hành sơ khởi, chẳng hạn Quy y, Kim Cương Tát Đỏa và Đạo Sư Du Già, cũng đòi hỏi thực hành giai đoạn phát triển. Vì thế, giải thích thực hành này một cách ngắn gọn là cần thiết.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một lời giới thiệu ngắn gọn về cấu trúc phổ thông của giai đoạn phát triển hay thực hành Bổn tôn, điều áp dụng cho mọi thực hành và đóng vai trò là các bước và tiêu chuẩn mà tất cả cần tuân theo. Để hiểu giai đoạn phát triển chi tiết hơn, tốt nhất là tham khảo bản văn và nghi quỹ cho từng thực hành riêng biệt.

2. Hiệu Quả Của Giai Đoạn Phát Triển

Bộ luận Thiết Lập Các Hiện Tượng Là Linh Thiêng của Tổ Rongzom Pandita[2] giải thích tri kiến của giai đoạn phát triển. Trước tiên, chúng ta cần biết rằng tinh túy của mọi thứ là đàn tràng [Mandala] của chư Phật. Để phát lộ Mandala này và hiện thực hóa tri kiến mang tính lý thuyết, chúng ta cần nương tựa vào thực hành giai đoạn phát triển. Giai đoạn phát triển là phương tiện thiện xảo tốt nhất để mạnh mẽ chứng ngộ sự thật rằng “mọi hiện tượng là đàn tràng của chư Phật”.

Kim Cương thừa cho rằng những người bình phàm có hai kiểu bám chấp: đầu tiên là bám chấp vào các hiện tượng – tức là bám chấp vào sự bất tịnh cố hữu của các hiện tượng; thứ hai là bám chấp vào các hiện tượng không chỉ bất tịnh mà còn có thực. Bao trùm trong kiểu bám chấp thứ hai là các quan niệm Kinh thừa về “bám chấp vào ngã của bản thân” và “bám chấp vào ngã của hiện tượng”.

Bám chấp đầu tiên có thể bị tiêu trừ trong thực hành giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ biết phương pháp mà không biết tri kiến, vô minh có thể khởi lên trong lúc thực hành – ví dụ, người ta có thể hỏi liệu thực hành này có giống với quán tưởng bộ xương trắng trong Phật giáo Nguyên thủy Theravada, trong đó, một ảo ảnh được tạo ra sau sự quán tưởng. Sự vô minh như vậy có thể gây ra những chướng ngại to lớn đối với thực hành của chúng ta, vì thế, điều quan trọng là thiết lập tri kiến – kiên quyết tin tưởng rằng mọi hiện tượng là đàn tràng của chư Phật. Mặt khác, có tri kiến nhưng lại không thực sự áp dụng nó vào thực hành, kiến thức chỉ luôn duy trì là lý thuyết. Thậm chí nếu chúng ta có thể chấp nhận tri kiến rằng mọi hiện tượng là đàn tràng của chư Phật, không có cách nào để chúng ta thực sự trải nghiệm cách mà điều đó là như thế. Đấy là lý do chúng ta cần thực hành.

Hầu hết mọi người tin vào thế giới, như chúng ta biết về nó, sẽ luôn luôn duy trì như vậy chừng nào các giác quan của chúng ta không thay đổi một cách bất ngờ trong lúc sống. Đó là lý do thế giới hiện tại xuất hiện là có thực, ổn định, nhưng cũng bất tịnh với chúng ta.

Nhưng thực sự không phải vậy. Đầu tiên hãy cùng bỏ qua tranh luận về việc liệu thế giới tồn tại hay không. Thậm chí nếu nó tồn tại, thế giới không thể ảnh hưởng đến chúng ta theo bất kỳ cách nào nếu năm giác quan của chúng ta không tương tác với nó; điều tương tự cũng đúng nếu nó không tồn tại. Ví dụ, nếu nhĩ thức của chúng ta ngừng nhận biết các sóng âm, khách quan mà nói, việc sóng âm có tồn tại hay không cũng chẳng thành vấn đề. Nếu chúng được nhận biết, âm thanh trong trạng thái bất tịnh là một hiện tượng của tâm chúng ta; trong trạng thái thanh tịnh, âm thanh biến thành những lời của Đức Phật. Sau khi thực hành giai đoạn phát triển được hoàn thành, thế giới được gọi là bất biến này sẽ hoàn toàn đảo ngược. Mọi hiện tượng bất tịnh sẽ không còn tồn tại; thay vào đó, đàn tràng của chư Phật sẽ xuất hiện trước hành giả. Quá trình của một người bình phàm đạt Phật quả thực sự là quá trình chuyển thức thành trí.

Nhờ thực hành giai đoạn phát triển, các hiện tượng thanh tịnh – rằng tất cả là đàn tràng của chư Phật – sẽ hiển bày; đây cũng là trạng thái của bát địa Bồ Tát sau khi rời thiền định.

3. Ba Định (Samadhi)

Theo các Mật điển của truyền thống Nyingma, giai đoạn phát triển bao gồm ba kiểu định: định chân như, định của sự hóa hiện phổ quát và định nguyên nhân.

Nhờ ba định này, ba giai đoạn trong luân hồi – chết, trạng thái trung gian, tái sinh – có thể được chuyển hóa thành Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật. Ba thân là quả vị, ba định là con đường và ba giai đoạn trong luân hồi là nền tảng bất tịnh.

a) Định chân như

Chân như nghĩa là cõi giới của sự thật (Pháp giới), bản chất của sự thật (Pháp tính), tính Không, tịnh quang. Định chân như là thiền định về tính Không. Khi các giai đoạn tiền-thiền định của quy y, phát Bồ đề tâm và cầu nguyện đến đạo sư đều đã được hoàn tất, hãy thực hành định chân như. Nếu người ta đã đạt chứng ngộ, hãy cứ an trú trong trạng thái chứng ngộ nhưng đừng quá lâu. Người chưa đạt chứng ngộ cần duy trì niềm tin vững chắc vào tri kiến rằng bản chất của mọi hiện tượng là tính Không; điều này được cho là một phiên bản tương tự của định chân như – không phải định thực sự, chỉ gần giống.

Nhờ định chân như, cái chết có thể được chuyển hóa hay tịnh hóa thành Pháp thân, một thực hành độc đáo của Mật thừa. Mặc dù cũng thực hành tính Không, Kinh thừa không có sức mạnh tịnh hóa, chỉ tiêu trừ ô nhiễm bởi thiếu tri kiến Mật thừa. Một chức năng khác của định chân như là phá hủy tri kiến thường hằng. Bởi trong các thực hành tiếp theo, tất cả đàn tràng của chư Phật cũng được nhìn nhận là có bản tính rỗng rang; không gì tồn tại vĩnh viễn. Vì thế, định chân như có thể phá hủy tri kiến thường hằng.

b) Định của sự hóa hiện phổ quát

Sự hóa hiện phổ quát liên quan đến các hiện tượng, về cơ bản là lòng bi mẫn vĩ đại. Sau khi hoàn thành định chân như, hãy thực hành lòng bi mẫn lớn lao hướng về hữu tình chúng sinh, những vị chưa đạt được sự chứng ngộ tính Không; nó không cần phải kéo dài.

Một trong những chức năng của định của sự hóa hiện phổ quát là chuyển hóa thân trung ấm [Bardo] hay tịnh hóa thân thành Báo thân. Mặc dù cũng thực hành đại bi, Kinh thừa không có khả năng tịnh hóa bởi thiếu tri kiến rằng hữu tình chúng sinh vốn là những vị Phật. Một chức năng khác của định của sự hóa hiện phổ quát là để tiêu trừ tri kiến đoạn diệt.

Khi một hành giả chứng ngộ thực hành lòng bi và từ lớn lao trong trạng thái giác ngộ, lòng bi mẫn và từ ái hợp nhất với tính Không và cùng lúc thì hư huyễn; khi tri kiến Kim Cương thừa được thêm vào, thực hành này được cho phép tạo ra sự chuyển hóa hay tịnh hóa.

Nếu thiếu hai định đầu tiên này, một hành giả, người đang tiến hành thực hành Bổn tôn phẫn nộ, sẽ phát triển sự bám chấp vào Bổn tôn phẫn nộ bởi không biết về bản tính rỗng rang của Bổn tôn; thiếu lòng bi, nếu người như vậy có tà kiến hay ước nguyện sai lầm vào lúc chết, anh hay cô ấy cuối cùng lại trở thành một ma quỷ hay tinh linh xấu ác với sức mạnh diệu kỳ trong đời sau, gây ra nguy hại lớn lao cho hữu tình chúng sinh. Đó là lý do hai định này không thể thiếu được. Nếu tất cả giai đoạn phát triển có thể được thực hành trong khuôn khổ của hai định này, sẽ không có chỗ cho sai sót bởi thực hành đã dựa trên tính Không và lòng bi.

Sự quán tưởng không dựa trên tri kiến tính Không và lòng bi mẫn cũng được thực hành bởi ngoại đạo; một vài trong số những quán tưởng này cũng khá mạnh mẽ, nhưng chúng không dẫn đến giải thoát. Nói cách khác, không có quan niệm về tính Không hay nền tảng trong lòng bi mẫn, người ta không thể đạt được bất kỳ thành tựu xuất thế gian nào trong thực hành Bổn tôn.

c) Định nguyên nhân

Thành tựu Phật quả được gọi là giai đoạn kết quả. Bởi chúng ta vẫn chưa thành tựu Phật quả, nó được gọi là giai đoạn nguyên nhân. Thực sự, mọi hiện tượng là đàn tràng của chư Phật; nhân và quả không tách rời, nhưng vẫn có sự khác nhau giữa nhân và quả về bề ngoài.

Định nguyên nhân bao trùm một phạm vi rất rộng, bao gồm những quán tưởng về tất cả chư Bổn tôn an bình và phẫn nộ.

4. Bốn Du Già

Những vị đã đạt đến các địa Bồ Tát có thể hoàn thành vô số hoạt động, chẳng hạn thực hành sáu ba-la-mật, cứu độ hữu tình chúng sinh ở mức độ không thể nghĩ bàn, thậm chí tịnh hóa ác nghiệp của bản thân họ và v.v. tất cả nhờ sức mạnh của thiền định. Trong khi chúng ta, những kẻ phàm phu, thường trở nên kiệt sức, phải sử dụng từ ngữ để hoằng dương Giáo Pháp và các hành động để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, nhưng kết quả thì hạn chế.

Thân, khẩu, ý và hoạt động của một người tạo thành toàn bộ người đó. Giống như vậy, thân, khẩu, trí tuệ và các hoạt động để giải phóng hữu tình chúng sinh khỏi khổ đau của một vị Phật bao trùm mọi phẩm tính của Phật. Không chỉ Mật thừa mà Kinh thừa cũng công nhận rằng rốt ráo, thân thể của một hữu tình chúng sinh có thể là thân của Phật, những lời của hữu tình chúng sinh có thể trở thành những lời của Phật, tâm ô nhiễm của hữu tình chúng sinh có thể trở thành trí tuệ của Phật và các hoạt động của hữu tình chúng sinh có thể trở thành hoạt động đưa tất cả đến giải thoát của Phật, nhưng Kinh thừa không cung cấp phương pháp đặc biệt để tạo ra sự chuyển hóa như vậy. Mặt khác, nhiều phương tiện thiện xảo có sẵn trong Mật thừa để giải phóng hữu tình chúng sinh khỏi khổ đau. Nhờ bốn du già, điều độc đáo với Kim Cương thừa, thân, khẩu, ý và các hoạt động của hữu tình chúng sinh có thể được chuyển hóa thành của Phật.

a) Du già thân của Bổn tôn

Đây về cơ bản là sự quán tưởng thân vật lý và đàn tràng [Mandala] của Bổn tôn. Nhờ sự quán tưởng này, thân của một hữu tình chúng sinh có thể được chuyển hóa thành, khiến cho hóa hiện thành, hay được tịnh hóa thành trạng thái nguyên sơ của thân – thân của sự linh thiêng.

Nhiều người bị phiền nhiễu bởi hai vấn đề: một là không thể quán tưởng rõ ràng, hai là không thể giữ tâm tĩnh lặng trong thiền định ngồi.

Tâm lan man cần thiền định Samatha như một sự đối trị. Nếu sự quán tưởng không rõ ràng, điều đó là bởi người ta đang không tiến hành thực hành quán tưởng một cách thỏa mãn hay không hiểu phương pháp và kỹ thuật quán tưởng. Một sự giới thiệu vắn tắt về phương pháp này đã được trao trong sự thảo luận của tôi về thực hành Kim Cương Tát Đoả trong Chuỗi [Bài Giảng] Tuệ Quang, nhưng tôi sẽ lặp lại ở đây và tập trung vào những điểm then chốt.

Lúc bắt đầu thực hành giai đoạn phát triển, chúng ta cần một đối tượng bên ngoài để giúp đỡ cho sự quán tưởng; nếu không, sẽ khá khó khăn khi chỉ nương tựa vào sự tưởng tượng của bản thân để tạo ra hình ảnh của Bổn tôn, điều gì đó mà chỉ những người thượng căn mới có thể đạt được. Tuy nhiên, ngày nay, tình hình khá nực cười. Bất kể căn cơ cá nhân, mọi người thực hành quán tưởng như một người thượng căn, không có sự giúp đỡ của bất kỳ đối tượng bên ngoài nào; kết quả thì chẳng gì khác ngoài sự thất bại.

Ở đây, đối tượng bên ngoài là một bức tranh cuộn (Thangka). Khi tiến hành thực hành Kim Cương Tát Đỏa, chúng ta cần một bức Thangka Kim Cương Tát Đỏa; để tiến hành thực hành Văn Thù Sư Lợi, chúng ta cần một bức Thangka Văn Thù Sư Lợi và tương tự. Trước tiên, hãy nhìn vào bức Thangka để quán tưởng Bổn tôn; sau đấy, không nhìn vào bức Thangka, hãy thực hành quán tưởng bằng trí nhớ; cuối cùng, chuyển hình ảnh Bổn tôn trên bức Thangka vào thân thể của chính bạn, tức là, quán tưởng thân bạn là thân của Bổn tôn. Hãy làm điều này từng bước một.

Kích thước hình ảnh Bổn tôn trên bức Thangka được dùng để quán tưởng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn được quy định trong Kinh Về Việc Tạo Ra Hình Phật. Hơn thế nữa, về mặt bố cục, các bức Thangka để quán tưởng và Thangka bình thường cũng khác biệt. Trong một bức Thangka bình thường, Bổn tôn trung tâm được bao quanh bởi nhiều vị đạo sư truyền thừa, chư Phật, Bồ Tát, các món cúng dường và v.v. Trong khi đó, một bức Thangka vì mục đích quán tưởng chỉ có một Bổn tôn trung tâm; không có hình nào khác được phép để tránh gây xao lãng với đường ngắm của chúng ta. Bức Thangka cũng phải được thánh hóa trước khi nó có thể được dùng để quán tưởng.

Khi thực sự tiến hành thực hành, trước tiên hãy treo bức Thangka ở nơi có ánh sáng tương đối tốt, không quá tối với ánh sáng phía sau bức Thangka cũng không quá sáng khi mà ánh sáng trực tiếp chiếu lên bức Thangka; hãy chuẩn bị vài món cúng dường đơn giản phía trước bức Thangka, sau đó, ngồi xuống phía trước bức Thangka trong tư thế bảy điểm Tỳ Lô Giá Na[3] và chăm chú nhìn vào bức Thangka. Hãy bắt đầu bằng việc nhìn vào toàn bộ bức Thangka, kế đấy, các chi tiết của hình ảnh Bổn tôn – mặt, thân thể (tay trái, tay phải, chân trái, chân phải), các trang sức, y phục, v.v. Khi bạn cảm thấy bạn đủ quen thuộc với hình ảnh, hãy nhắm mắt lại và xem xem liệu hình ảnh có xuất hiện rõ ràng với bạn. Nếu bạn có thể quán tưởng theo cách này, cứ tiếp tục thực hành với mắt nhắm lại; nếu không, bạn cần mở mắt ra và lại nhìn vào bức Thangka.

Có ba cách để quán tưởng các chi tiết của hình ảnh. Đầu tiên là cho những người thượng căn. Họ chỉ quán tưởng trực tiếp trong tâm mà không có bất kỳ sự giúp đỡ bên ngoài nào. Ví dụ, khi quán tưởng con mắt thứ ba trên trán của Bổn tôn phẫn nộ, hình ảnh sẽ xuất hiện rõ ràng trong tâm ngay tức thì.

Thứ hai là cho những người trung căn. Khi tiến hành quán tưởng, họ không nương tựa vào một bức Thangka mà thay vào đó, dựa vào giọng nói hay lời nói bằng cách thì thầm với chính mình: những con mắt của Bổn tôn có năm màu, mắt giữa đen sậm, sau đó, trắng, cuối cùng đỏ và v.v. Không cần thiết phải tuân theo bất kỳ nghi quỹ nào, chỉ dùng những từ đơn giản là đủ. Hãy quán tưởng như những lời được nói. Nó có tác dụng giống như tiến hành quán tưởng khi đọc nghi quỹ – đọc mà không quán tưởng thì không hữu hiệu trong khi quán tưởng mà không đọc thì khó. Hãy chắc chắn rằng bạn đọc một cách chậm rãi.

Thứ ba là cho những người hạ căn. Trong trường hợp này, người ta cần nương tựa vào bức hình chi tiết của các phần được quán tưởng. Ví dụ, hãy chụp hay quét những con mắt của Bổn tôn, phóng to và in bức hình thích hợp để quán tưởng. Sau đấy, hãy thực hành quán tưởng lặp đi lặp lại như được nhắc đến phía trên.

Một người đang thực sự thực hành giai đoạn phát triển cần quán tưởng theo cách này thay vì chỉ tạo ra hình ảnh không rõ nét hay đường nét lờ mờ của Bổn tôn trong quán tưởng, như chúng ta thường làm.

Ban đầu, chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho việc nhìn vào hình ảnh Bổn tôn và ít thời gian hơn cho việc quán tưởng với mắt nhắm lại; sau đó, chúng ta có thể dần dần kéo dài thời gian chúng ta dành cho việc quán tưởng. Trong quá khứ, nếu một hành giả ngồi xuống thiền định bốn lần một ngày, hai thời khóa vào ban ngày luân phiên giữa việc nhìn vào Bổn tôn dưới ánh sáng tự nhiên và quán tưởng với mắt nhắm lại; các thời khóa vào sáng sớm và ban đêm chỉ đòi hỏi quán tưởng với mắt nhắm bởi thiếu ánh sáng. Hiện nay thì khác. Thậm chí vào ban đêm, ánh sáng cũng đủ sáng, vì thế, dù chúng ta thực hành vào ban ngày hay đêm tối cũng chẳng khác biệt; chúng ta tự tại sắp xếp tùy ý.

Trong lúc quán tưởng, nếu vài phần xuất hiện rõ ràng, vài phần không rõ ràng đến vậy thì chúng ta cần nhìn đi nhìn lại vào những phần không rõ ràng này. Nếu hình ảnh được quán tưởng và hình ảnh xuất hiện khác nhau – ví dụ, chúng ta quán tưởng một vị Phật đang ngồi nhưng một vị Phật đang đứng lại xuất hiện khi chúng ta nhắm mắt lại; chúng ta quán tưởng một hình ảnh nhỏ nhưng hình ảnh lớn lại xuất hiện; chúng ta quán tưởng hình ảnh nhiều màu nhưng phiên bản đen – trắng lại xuất hiện và v.v. – chúng ta vẫn cần nhìn vào hình ảnh Bổn tôn lặp đi lặp lại và kiên định. Với sự thực hành, vấn đề này có thể được giải quyết.

Để rèn luyện trong thực hành định (samadhi), sau khi đạt được một sự quán tưởng rõ ràng về hình ảnh Bổn tôn, chúng ta cũng cần quán tưởng những cử chỉ khác nhau của Bổn tôn, chẳng hạn đi bộ, an trú, ngồi và nằm xuống; hay quán tưởng Bổn tôn lớn như ngọn núi hoặc nhỏ như hạt vừng, v.v. Sự quán tưởng của chúng ta được xem là thỏa mãn khi chúng ta có thể vận dụng những bước này một cách dễ dàng.

Quán tưởng hình ảnh Bổn tôn là thực hành căn bản. Sau đấy là thấy mắt của chúng ta là mắt của Bổn tôn mà chúng ta vừa quán tưởng, tay của chúng ta là tay của Bổn tôn được quán tưởng và mỗi phần của thân chúng ta là mỗi phần của thân Bổn tôn. Cuối cùng, sự bám chấp với thân của chính chúng ta là bất tịnh dần dần biến mất và được thay thế bằng sự xuất hiện của điều linh thiêng. Các hành giả, người cực kỳ tài năng, có thể cảm nhận sự thay đổi này, chẳng hạn cảm giác đội vương miện Ngũ Trí Như Lai, sau sáu tháng thực hành; với sự hành trì thêm nữa, họ có thể thấy rằng thân họ chính xác là thân Bổn tôn (dĩ nhiên, không ai khác có thể thấy điều này.) Người ta nói rằng vào lúc này, thực hành giai đoạn phát triển được tiến hành thành công.

Các hành giả nghiêm túc, tinh tấn và căn cơ chín muồi có thể đáp ứng tiêu chuẩn này trong sáu tháng. Vài Mật điển cho rằng hành giả thượng căn có thể hoàn thành thành công thực hành giai đoạn phát triển trong ba ngày, hành giả trung căn trong bảy ngày và hành giả hạ căn trong một tháng. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta có lẽ thậm chí chẳng thể quán tưởng rõ ràng trong sáu tháng, chứ đừng nói một tháng. Với những người có một công việc, sẽ đặc biệt khó khăn bởi họ có thể thiền định chỉ một hay hai giờ mỗi ngày; nếu họ có thêm những vấn đề phải quan tâm, thậm chí sẽ tốn lâu hơn để hoàn tất thực hành một cách thỏa mãn.

Sau khi hoàn thành giai đoạn phát triển, người ta có thể quán tưởng mọi hiện tượng là thanh tịnh, nhưng khi xả thiền, mọi hiện tượng sẽ trở về trạng thái bất tịnh của chúng. Khi chất lượng của thực hành cải thiện, thế giới cũng sẽ ngày càng trông thanh tịnh hơn; khi đạt bát địa Bồ Tát, các hiện tượng thanh tịnh sẽ ổn định như mọi thứ xuất hiện lúc này trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Khi ấy, có thể nói rằng chúng ta bắt đầu nhìn thấy diện mạo chân thật của thế giới.

Đã thực hành giai đoạn phát triển một cách thỏa mãn, điều mà người ta thấy trong sự tập trung thiền định chính xác giống với bát địa Bồ Tát, tức là thân của hành giả và thế giới xung quanh đều là những hình tướng thanh tịnh. Bởi tầm nhìn rằng “mọi hiện tượng là đàn tràng của chư Phật” có thể hiển bày khá nhanh chóng, giai đoạn phát triển được cho là phương tiện thiện xảo để mạnh mẽ khơi dậy nhận thức thanh tịnh. Tuy nhiên, kết quả này là khả thi chỉ khi có những điều kiện nhất định và nền tảng thích hợp – tức là các thực hành sơ khởi bên ngoài và bên trong cùng những thực hành Mật thừa khác. Căn cơ của một người không được phân loại dựa trên dòng dõi, kiến thức hay tiêu chuẩn tương tự, mà dựa trên nền tảng của anh hay cô ấy trong thực hành sơ khởi. Thiếu các thực hành sơ khởi, giai đoạn phát triển không thể tạo ra bất kỳ kết quả nào.

Bởi Kim Cương thừa cung cấp nhiều phương pháp đơn giản nhưng thực tiễn, chẳng hạn thực hành giai đoạn phát triển mà nhờ đó người ta có thể đạt được bát địa Bồ Tát trong Kinh thừa một cách nhanh chóng và dễ dàng, nó được gọi là “Thừa Phương Tiện Thiện Xảo”.

Đôi lúc, Kinh thừa và ngoại Mật thừa cũng nhắc đến cách thức tiến hành quán tưởng. Ví dụ, chúng khuyên hành giả quán tưởng Phật Thích Ca Mâu Ni khi đọc nghi quỹ Phật Thích Ca Mâu Ni, quán tưởng Phật A Di Đà khi đọc nghi quỹ Phật A Di Đà và v.v. Tuy nhiên, các thực hành quán tưởng trong Kinh thừa và ngoại Mật thừa thiếu những điểm then chốt được nhắc đến ở trên; tri kiến của chúng cũng không sâu xa lắm. Vì thế, chúng không được xếp vào cùng loại với thực hành giai đoạn phát triển trong nội Mật thừa và chúng cũng không thể đạt được ba kết quả của giai đoạn phát triển.

b) Du già khẩu của Bổn tôn

Đó là để chuyển hóa những lời bất tịnh thành những lời của Bổn tôn nhờ đọc tụng.

Mật chú, trong nhận thức thật sự của chân lý tuyệt đối, không phải là âm thanh, chữ cái, ngôn ngữ hay biểu tượng, mà là tâm tịnh quang hay Phật tính Tathagatagarbha. Mật chú mà chúng ta thường trì tụng, chẳng hạn như tâm chú Kim Cương Tát Đỏa Om Benza Satva Hum, cũng có sáu cấp độ sự hiểu khác nhau. Hiện tại, sự hiểu của chúng ta ở cấp độ thấp nhất. Tức là, chúng ta nghĩ Mật chú về cơ bản là những lời và giọng nói của một người; điểm khác biệt duy nhất giữa Mật chú và việc nói hay hát là liệu nó có sức mạnh ban gia trì, xua tan chướng ngại và giúp đạt thành tựu tâm linh hay không. Nó về cơ bản thì vẫn là giọng nói của chính chúng ta. Ở cấp độ cao nhất, đó là biết rằng tự thân Mật chú Om Benza Satva Hum thì chính là Kim Cương Tát Đỏa, rằng Bổn tôn Kim Cương Tát Đỏa và âm thanh của chúng ta trì tụng [Mật chú] Om Benza Satva Hum là một và giống nhau.

Nhiều người khi thấy hình Đức Kim Cương Tát Đỏa thì xem hình đó được phú bẩm công đức và vì thế, sẽ thích hợp nếu tỏ lòng kính lễ, nhưng lại chẳng làm vậy với Mật chú khi nó đến từ giọng nói của chính chúng ta. Đây là một quan điểm sai lầm. Thực sự, hình Đức Kim Cương Tát Đỏa là một bức hình được vẽ bằng màu khoáng bởi một họa sĩ, vì thế, cũng là một hiện tượng ô nhiễm, điều về cơ bản không khác với bức vẽ một con vật, ngoại trừ sức mạnh gia trì của nó. Chính bởi chúng ta xem hình ảnh Kim Cương Tát Đỏa là thứ gì đó linh thiêng mà nó có thể làm lợi lạc chúng ta theo cách thức nhất định. Nếu chúng ta xem hình ảnh một Bổn tôn giống như bức tranh một con vật, nó sẽ không thể nào ban tặng bất kỳ ân phước gia trì nào, dẫu cho đó là hình ảnh của một vị Phật.

Thực sự, hình ảnh Kim Cương Tát Đỏa treo trên tường là thứ mà chúng ta thấy bằng mắt. Khi nhãn thức nhìn nhận hình ảnh Kim Cương Tát Đỏa, hình ảnh thực sự là nhãn thức của chúng ta, tức là một hiện tượng của tâm. Giống như vậy, âm thanh Om Benza Satva Hum là đối tượng mà nhĩ thức nhìn nhận; nhĩ thức của chúng ta cũng là một hiện tượng của tâm. Điều đó nghĩa là, Bổn tôn được nhìn nhận bởi nhãn thức và Mật chú được trì tụng đều là các hiện tượng của trí tuệ thù thắng, chỉ là một thì xuất hiện là âm thanh trong khi thứ kia là hình ảnh. Một cách tuyệt đối, cả hai là như nhau. Mật chú có thể đáp ứng yêu cầu chỉ khi chúng ta hiểu tại sao Mật chú và hình ảnh là một và giống nhau.

Hơn thế nữa, tri kiến của Kim Cương thừa là trì tụng Mật chú và nói năng về cơ bản đều là khẩu của Bổn tôn. Chỉ bởi vì sự hiểu sai của chúng ta mà chúng ta gắn công đức cho việc trì tụng Mật chú chứ không phải việc nói năng. Bởi chúng ta chưa chứng ngộ rằng bản chất của khẩu chính là khẩu của Bổn tôn, chúng ta không nghĩ rằng có bất kỳ công đức nào trong việc nói năng. Sau khi đạt chứng ngộ, chúng ta sẽ hiểu hoàn toàn rằng việc trì tụng Mật chú và đơn giản nói năng chính xác cùng một vị, hoàn toàn bình đẳng trong sự thực tuyệt đối; cả hai có thể tạo ra hiệu quả giống nhau lúc ấy. Tuy nhiên, trước khi chúng ta đạt chứng ngộ, mặc dù mọi thứ có bản chất là tính Không, tri kiến tính Không không thể giúp đỡ chúng ta với sự hiểu này.

Điều vô cùng quan trọng là biết được Mật chú đại diện cho điều gì. Không có một sự hiểu đúng đắn về Mật chú, dù người ta trì tụng Mật chú bao nhiêu lần, nó chỉ có thể giảm bớt ác nghiệp gây ra bởi những lời nói không tốt, chứ không thể đạt được bất kỳ thành tựu nào. Tuy nhiên, với tri kiến đúng đắn được đề cập trước đó, hiệu quả của việc áp dụng trì tụng Mật chú để giảm bớt ác nghiệp, tăng công đức và đạt chứng ngộ sẽ rất khác.

Người ta có thể tham khảo Tinh Túy Tịnh Quang – luận giải của Ju Mipham Rinpoche[4] về Mật điển Guhyagarbha về bốn cách khác để hiểu về Mật chú.

Những vị với lòng sùng mộ thanh tịnh và tiến hành thực hành Kim Cương thừa tinh tấn có thể diện kiến Đức Kim Cương Tát Đỏa. Từ tiểu sử của vô số hành giả ở cả Tây Tạng và Trung Hoa, chúng ta có thể thuật lại rằng nhiều vị đã đích thân diện kiến chư Bổn tôn, chẳng hạn Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Kim Cương Tát Đỏa, v.v. và có thể chuyện trò với Bổn tôn giống như chúng ta làm với những người khác.

Trong Kim Cương thừa, người ta dành nhiều sự chú ý cho cách trì tụng Mật chú. Trong nhiều yêu cầu, sau đây là những yêu cầu căn bản nhất:

Quán tưởng

Khi tiến hành thực hành Kim Cương Tát Đỏa, chúng ta cần quán tưởng bản thân là Bổn tôn Kim Cương Tát Đỏa và tin tưởng vững chắc rằng chúng ta thực sự là Kim Cương Tát Đỏa.

Trong Ngọn Đuốc Xác Quyết, Mipham Rinpoche nói rằng nếu người ta không thấy bản thân là Kim Cương Tát Đỏa thực sự mà chỉ là Kim Cương Tát Đỏa khi thực hành quán tưởng, tri kiến và thực hành cũng như lý thuyết và sự áp dụng mâu thuẫn. Tiến hành thực hành theo cách như vậy sẽ không tạo ra bất kỳ kết quả tốt đẹp nào.

Trong hầu hết sự quán tưởng, người ta quán tưởng tim là một bông sen; sau đó, họ quán tưởng ở giữa tim là đĩa mặt trời và trăng phẳng và trên các đĩa này có đối tượng nghi lễ [Pháp khí] của Bổn tôn đang dựng đứng, chẳng hạn thanh kiếm của Văn Thù Sư Lợi, chày kim cương của Kim Cương Tát Đỏa và v.v. Chày kim cương rỗng bên trong; trong không gian trống rỗng, họ quán tưởng những đĩa mặt trời và trăng còn nhỏ hơn, trên đó là Mật chú gốc và v.v. Có những sự quán tưởng khác, chẳng hạn quán tưởng bản thân là Quán Thế Âm, sau đó ở luân xa tim là Phật A Di Đà nhỏ hơn, kế đấy ở luân xa tim của Phật A Di Đà là đối tượng nghi lễ và Mật chú bên trong đối tượng nghi lễ này. Đó được gọi là Ba Phần Tát Đỏa (sattva). Tức là, Quán Thế Âm là Bổn tôn, Phật A Di Đà ở luân xa tim là Bổn tôn trí tuệ và Mật chú gốc bên trong là tâm định. Quán Thế Âm bên ngoài đại diện cho thân của Đức Phật, Phật A Di Đà là khẩu của Đức Phật và Mật chú gốc là ý của Đức Phật. Cách quán tưởng này đầy đủ với thân, khẩu và ý của Đức Phật. Sự quán tưởng càng chi tiết và phức tạp thì người ta càng có thể tập trung hơn, đấy là lý do sự quán tưởng cần được tiến hành theo cách này.

Tuy nhiên, các thực hành sơ khởi không phức tạp như thế. Ví dụ, thực hành Kim Cương Tát Đỏa trong các thực hành sơ khởi chỉ liên quan đến sự quán tưởng đĩa mặt trăng ở tim của Kim Cương Tát Đỏa và Mật chú trên đĩa mặt trăng; không cần phải quán tưởng Bổn tôn thứ hai, một chày kim cương hay bất kỳ thứ gì khác. Các thực hành khác nhau có những quán tưởng khác nhau, nhưng ý nghĩa rốt ráo thì giống nhau.

Bởi giáo lý Kim Cương thừa luôn luôn nương tựa vào ý nghĩa, không chỉ vào từ ngữ, không cần thiết phải quán tưởng các chủng tự gốc bằng Phạn ngữ; quán tưởng bằng Tạng ngữ là điều hoàn toàn chấp nhận được. Dĩ nhiên, cũng ổn khi quán tưởng Mật chú gốc bằng Hoa ngữ, miễn là có một thuật ngữ Hoa ngữ được chấp nhận phổ quát. Lúc này, sẽ thuận tiện hơn nếu chỉ quán tưởng Mật chú bằng Tạng ngữ bởi nhiều Mật chú, chẳng hạn Mật chú trăm âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa, vốn đã có một bản Tạng ngữ được thiết lập.

Nhiều người xem Phạn ngữ là ngôn ngữ Phật giáo chính thức, nhưng thực sự không phải vậy. Phạn ngữ ban đầu được sử dụng bởi ngoại đạo, những vị tin rằng Phạn ngữ do Phạm Thiên tạo ra, giống như nhiều tôn giáo tin rằng vũ trụ do Chúa tạo ra. Thật sự, Phạn ngữ không phải từ Phạm Thiên; theo một quan điểm, nó xuất phát từ tiếng A-ram, một thành viên trong nhánh Xê-mít của ngữ hệ Phi-Á.

Khi quán tưởng các chủng tự gốc, nếu đó là một Mật chú ngắn, chỉ quán tưởng các chủng tự được sắp xếp thành một vòng; nếu Mật chú dài hơn, chẳng hạn Mật chú trăm âm, hãy quán tưởng các chủng tự thành nhiều vòng. Để quán tưởng, trước tiên hãy viết lại các chủng tự Tạng ngữ, sau đấy, đặt chúng phía trước và nhìn ngắm. Khi mỗi chủng tự có thể được quán tưởng dễ dàng, hãy chuyển sang bước tiếp theo.

Nhiều chủng tự gốc cần được quán tưởng đang quay, một số sang phải và một số sang trái. Các chủng tự di chuyển về bên phải hướng ra ngoài để chúng có thể được đọc theo trình tự quay từ bên ngoài; các chủng tự di chuyển về bên trái cần được quán tưởng quay vào trong để những người ở trung tâm có thể đọc chúng theo trình tự quay. Nhìn chung, các chủng tự gốc của chư Bổn tôn nam quay về bên phải và các chủng tự gốc của chư Bổn tôn nữ quay về bên trái, mặc dù cũng có vài ngoại lệ.

Lúc bắt đầu quán tưởng, mỗi chủng tự đang đứng thẳng trên đĩa mặt trăng. Khi quán tưởng xoay vòng, tất cả các chủng tự bay lên khỏi đĩa mặt trăng và lơ lửng trong không trung, cùng lúc, chiếu tỏa màu sắc và hình dạng của ánh sáng tương ứng với thực hành trong tay. Trước tiên, ánh sáng xoay vòng, sau đó, các chủng tự. Mặt khác, không phải mọi chủng tự gốc đều cần xoay vòng; ví dụ, Mật chú trăm âm không di chuyển. Khi xoay vòng, hãy bắt đầu chậm rãi, sau đó, tiếp tục với tốc độ tăng dần. Điều này nhằm giúp rèn luyện khả năng đạt được sự tập trung thiền định.

Khi ngồi xuống thiền định, hãy sử dụng hai phần ba thời gian để quán tưởng và một phần ba còn lại để trì tụng Mật chú.

Phương pháp Trì tụng

Sau khi sự quán tưởng hoàn tất, hãy trì tụng Mật chú. Âm thanh trì tụng không nên quá nhanh hay quá chậm, không quá mạnh cũng không quá yếu. Yêu cầu cho sự trì tụng tiêu chuẩn là rất nghiêm ngặt – ho, khạc nhổ, đi bộ, v.v. bị cấm; nếu không, túc số trì tụng sẽ bị giảm đi. Trong tất cả những vi phạm, nói chuyện là nghiêm trọng nhất. Vì thế, tốt nhất là từ bỏ nói chuyện trong lúc trì tụng Mật chú.

Thực hành được gọi là trì tụng mà chúng ta thường áp dụng – không có sự quán tưởng nào, nói chuyện hay ăn trong lúc trì tụng – thì vô cùng không thích hợp. Nhiều nhất thì nó chỉ có thể giảm ác nghiệp gây ra bởi ác khẩu.

Khi tiến hành thực hành Bổn tôn chuẩn mực, chúng ta cũng cần đáp ứng những yêu cầu nhất định liên quan đến việc sử dụng tràng hạt cầu nguyện hay Mala. Sau khi các tràng hạt được gia trì bởi đạo sư, chúng cần được đeo mọi lúc, trên cổ hoặc ở cổ tay, không rời xa khỏi hơi ấm của thân thể, không để bị thấy hay chạm bởi những người không phải Phật tử Mật thừa, không được để ở những nơi bất tịnh, v.v. Có những chi tiết được quy định rõ về màu sắc và chất liệu của tràng hạt. Hơn thế nữa, các tràng hạt không được phép dùng để đếm thứ gì khác ngoài việc đếm túc số một Mật chú, bởi nếu không, tràng hạt sẽ mất sức mạnh gia trì.

Thông thường, tốt nhất là sử dụng hạt Bồ đề để trì tụng Mật chú. Ngày nay, nhiều người thường dùng máy đếm. Nhưng sử dụng tràng hạt cầu nguyện vẫn là lựa chọn tốt hơn trừ khi trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi mà điều đó không thoải mái. Chúng ta không nên sử dụng tràng hạt chỉ như một dụng cụ đếm; nếu được sử dụng một cách đúng đắn theo Giáo Pháp, công đức liên quan đến trì tụng Mật chú có thể nhân lên nhiều lần.

Trong giai đoạn tiến hành thực hành Bổn tôn chính thức, người ta không nên tham gia vào bất cứ việc gì khác, ngay cả những việc như trao truyền Giáo Pháp để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh, bởi thực hành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Một cách tự nhiên, các yêu cầu không nghiêm ngặt đến vậy trong những dịp khác, chẳng hạn như tham dự lễ Puja hay trì tụng Mật chú trong thực hành sơ khởi.

Trong lúc thực hành trì tụng Mật chú, cũng cần tránh các kiểu thức ăn nhất định, chẳng hạn tỏi, hành tươi, lưỡi động vật, v.v. Nếu người ta tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu này, cấp độ thành công khác nhau trong việc đạt được những kết quả có thể được mong đợi sau khi thời khóa thiền định kết thúc, nhưng thành tựu thực sự vẫn tùy thuộc vào căn cơ và mức độ tinh tấn của bản thân.

Cách quán tưởng dễ nhất là, khi trì tụng Mật chú Kim Cương Tát Đỏa, sử dụng Mật chú như lời cầu nguyện của bản thân để cầu khẩn Đức Kim Cương Tát Đỏa, giống như gọi tên ai đó mà bạn thường làm. Nếu bạn đủ sùng kính, thậm chí không có nhiều kiến thức về tri kiến đúng đắn hay nhận thức, bạn vẫn có thể diện kiến Đức Kim Cương Tát Đỏa và thọ nhận sự gia trì của Ngài.

Tiêu chuẩn Trì tụng Mật chú

Có ba tiêu chuẩn. Đầu tiên là không-số lượng – số lượng Mật chú cần được trì tụng không được quy định. Cho đến khi người ta có thể thực sự diện kiến Bổn tôn hay có các dấu hiệu thành tựu xuất hiện trong giấc mơ, đó là bằng chứng đủ cho thấy sự trì tụng Mật chú đã đạt được hiệu lực nhất định. Thứ hai là số lượng – tức cần phải hoàn tất số lượng trì tụng được yêu cầu bởi những chỉ dẫn thực hành. Số lượng được yêu cầu dựa trên việc Mật chú đó có bao nhiêu âm. Với mỗi âm trong Mật chú, số lượng trì tụng tăng thêm 100.000. Ví dụ, tâm chú của Đức Kim Cương Tát Đỏa – Om Benza Satva Hum có sáu âm; vì thế, cần phải trì tụng 600.000 biến. Thêm vào đó, cần trì tụng thêm 10.000 biến [cho mỗi âm tiết]. Khi đạt được số lượng này, dù người ta cảm thấy bất kỳ sự gia trì đặc biệt nào hay không, tiêu chuẩn đã được đáp ứng. Thứ ba là thời gian. Thậm chí nếu người ta không trải qua một sự gia trì đặc biệt nào và chưa hoàn thành túc số cần thiết, tiêu chuẩn được xem là được đáp ứng nếu họ tuân theo các chỉ dẫn một cách siêng năng để trì tụng Mật chú trong khoảng thời gian được định rõ cho thực hành.

Kết quả Cuối cùng

Mỗi thực hành đều có kết quả được nhắm đến riêng. Thông thường, chúng ta có thể cảm nhận xem liệu chúng ta đã đạt được bất kỳ kết quả nào hay chưa. Khi cảm giác này được xác nhận, thực hành Bổn tôn đã đi đến hồi kết trong lúc này.

c) Du già ý của Bổn tôn

Khi thực hành giai đoạn phát triển, chúng ta luôn luôn phải biết rằng các sự quán tưởng, trì tụng, phóng ánh sáng và những điều tương tự mà chúng ta tiến hành trong lúc hành trì, dù đó là âm thanh trì tụng hay hình ảnh đàn tràng, đều có bản tính rỗng rang; chúng chỉ là các hiện tượng của tâm, những sự phóng chiếu của tịnh quang và tính Không. Cuối cùng, khi giai đoạn phát triển được hoàn thành, toàn bộ đàn tràng sẽ lại tan biến vào hư không tràn khắp. Lúc ấy, chúng ta cũng cần thực hành tính Không; từ đầu đến cuối, chúng ta không thể xa rời khỏi trạng thái của sự chứng ngộ tính Không. Đây là du già ý của Bổn tôn.

Nhờ thực hành tịnh quang và tính Không, du già ý của Bổn tôn, tâm của chúng ta, thứ bị ô nhiễm bởi tham, sân và si, có thể được chuyển hóa thành trí tuệ của Đức Phật.

d) Du già hoạt động của Bổn tôn

Du già hoạt động là hoàn thành bốn hoạt động mà Đức Phật đã tiến hành để chuyển Pháp luân và giải thoát hữu tình chúng sinh khỏi khổ đau nhờ ánh sáng chiếu tỏa từ các Mật chú.

Ví dụ, trong thực hành Kim Cương Tát Đỏa, hãy quán tưởng tâm chú của Đức Kim Cương Tát Đỏa phóng ánh sáng và trên đầu ánh sáng có vô số những món cúng dường dâng lên chư Phật và Bồ Tát khắp mười phương và thọ nhận ân phước gia trì từ chư Bổn tôn khắp mười phương khi ánh sáng thu trở về; sau đấy, hãy quán tưởng Mật chú lại phóng ánh sáng xuống dưới, chiếu đến hữu tình chúng sinh trong sáu cõi, đặc biệt những chúng sinh trong ba cõi thấp hơn, để tiêu trừ khổ đau của họ. Đây là các hoạt động của Bổn tôn.

Các hoạt động của chúng ta trong đời sống hàng ngày có thể được chuyển hóa thành hoạt động của Đức Phật nhờ du già hoạt động.

Nghi quỹ Kim Cương Tát Đỏa bao gồm bốn du già này – đầu tiên quán tưởng Kim Cương Tát Đỏa, sau đấy quán tưởng Mật chú trên đĩa mặt trăng và trì tụng Mật chú trăm âm, tiếp đó, quán tưởng ánh sáng phóng ra từ Mật chú, v.v. Bởi thực hành này là một phần của các thực hành sơ khởi, nó không đặc biệt nhấn mạnh vào tư tưởng tính Không, nhưng thực sự thì trạng thái tính Không cũng rất cần thiết cho thực hành này.

Người ta thường hỏi thực hành Bổn tôn nào mà họ cần tiến hành hay Bổn tôn riêng của họ là ai. Sự thật rằng chẳng có cách nào để tiến hành thực hành Bổn tôn nếu người ta không biết cách thực hành giai đoạn phát triển và sẽ không có kết quả nào nếu phẩm chất của giai đoạn phát triển không đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, nếu người ta đã tiến hành các thực hành sơ khởi tốt và nghiêm túc thực hành giai đoạn phát triển, họ cũng có thể hy vọng đạt được vài kết quả từ thực hành Bổn tôn.

5. Ba Yếu Tố Cần Thiết Của Giai Đoạn Phát Triển

Rõ ràng

Quán tưởng cần phải rất rõ ràng. Mặc dù trong mắt của người khác, bạn vẫn là bản thân như thường lệ, tất cả năm giác quan của bạn có thể nhìn nhận thân bạn là thân của Phật và vùng xung quanh là cõi Phật, rõ ràng như bạn từng thấy chính bạn và thế giới.

Yêu cầu về giai đoạn phát triển, ít nhất, là có thể quán tưởng rất rõ ràng. Không thể đáp ứng yêu cầu này thì không thành tựu (siddhi) nào trong Mật thừa có thể đạt được.

Kiên quyết

Người ta phải kiên quyết trong tri kiến, chẳng hạn, “Tôi là Kim Cương Tát Đỏa”. Thiếu tri kiến, chấp ngã không thể bị tiêu trừ. Như chúng ta từng bám chấp vào ý tưởng rằng năm uẩn được kết hợp lại là “ngã”, bởi sự bám chấp này biến mất và được thay thế bởi thân của Bổn tôn, chúng ta phải duy trì kiên quyết trong tri kiến rằng “Tôi không phải là một hữu tình chúng sinh bình phàm, tôi là Kim Cương Tát Đỏa” và v.v. Nhờ thực hành theo cách này, bám chấp vào ngã của bản thân có thể bị cắt đứt.

Thanh tịnh

Đó là biết ý nghĩa biểu tượng của các trang sức được đeo và những Pháp khí mà Bổn tôn cầm. Những hiện tượng này được cho là “thanh tịnh” bởi chúng không thực sự tồn tại; chúng chỉ hiển bày từ Pháp giới để biểu tượng cho công đức của Bổn tôn. Thân của Bổn tôn và mỗi trang sức hay Pháp khí đều có ý nghĩa mang tính biểu tượng riêng.

Nói cách khác, dù đó là Mandala an bình hay phẫn nộ, Mandala bất khả phân với tính Không vĩ đại và tâm chói ngời; mỗi Mandala là một hiện tượng của tâm chói ngời, tâm chói ngời là tinh túy của nó. Đây là nhận thức thanh tịnh dưới dạng đơn giản nhất. Nhận thức thanh tịnh có thể tiêu trừ chấp ngã vào các hiện tượng, chẳng hạn bám chấp vào cõi Phật, cung điện Phật và Mandala. Bởi sự bám chấp vào Mandala cũng có thể cản trở sự giải thoát, điều cần thiết là biết rằng Mandala cũng không tồn tại mà chỉ hiển bày từ tính Không và tâm chói ngời.

6. Ba Kết Quả Của Giai Đoạn Phát Triển

Tịnh hóa Thói quen Tập khí của Luân hồi

Thói quen tập khí của cái chết được tịnh hóa nhờ thực hành định thứ nhất. Thói quen tập khí của trạng thái trung gian và A-lại-da thức được tịnh hóa nhờ thực hành định thứ hai. Thói quen tập khí của mọi giai đoạn trong cuộc đời ngoài trạng thái trung gian và cái chết, tức là giữa tái sinh và chết, được tịnh hóa nhờ thực hành định nguyên nhân.

Hoàn thành Công đức của Niết bàn

Khi đạt đến trạng thái cao nhất của giai đoạn phát triển, người ta có thể thấy mọi thứ như là cõi Phật; điều này hoàn thành công đức của Niết bàn của Đức Phật.

Giúp Chín muồi Điều kiện cho Giai đoạn Hoàn thiện

Giai đoạn hoàn thiện sẽ được thực hành sau khi hoàn tất giai đoạn phát triển. Giai đoạn phát triển giống như thực hành sơ khởi của giai đoạn hoàn thiện; nó cung cấp sự hỗ trợ cho thực hành giai đoạn hoàn thiện.

Khenpo Tsultrim Lodro Rinpoche

Việt dịch: Pema Jyana

Nguồn: Giai Đoạn Phát Triển 

[1] Về Khenpo Tsultrim Lodro, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a33272/tieu-su-van-tat-khenpo-tsultrim-lodro.

[2] Theo Rigpawiki, Rongzom Chokyi Zangpo hay Rongzompa, Rongzom Pandita sống vào thế kỷ 11. Ngài thường được cho là sinh năm 1012 và mất năm 1088. Ngài sinh ra ở Tsang-rong và đã gặp gỡ Tổ Atisha khi còn trẻ. Ngài đã làm chủ những giáo lý của cả truyền thống Nyingma và Sarma. Ngài đã dịch nhiều tác phẩm về Mật thừa, một vài trong số đó được giữ gìn trong Tengyur và một số thì không còn tồn tại. Giống như vậy, nhiều trước tác ban đầu của Ngài đã bị mất, nhưng trong số những tác phẩm còn được tìm thấy hiện nay có luận giải về Mật điển Guhyagarbha, lời giới thiệu về Đại thừa được gọi là Giới Thiệu Con Đường Đại Thừa và bản văn Thiết Lập Mọi Hình Tướng Là Linh Thiêng nổi tiếng. Luận giải của Ngài về Mật điển Guhyagarbha bắt đầu bằng dòng: “Bản chất của Tam Bảo là tâm giác ngộ” và vì thế, nó được biết đến là Bảo Luận.Bên cạnh sự uyên bác phi thường, Ngài cũng hiển bày nhiều dấu hiệu của sự chứng ngộ sâu sắc. Sử gia Go Lotsawa nói về Ngài như sau: “Ở Xứ Tuyết Tây Tạng, chưa từng xuất hiện học giả nào sánh ngang với Ngài”. Tổ Atisha công nhận Ngài Rongzom là một hóa hiện của đại thành tựu giả Krishnacharya xứ Ấn Độ.

[3] Theo Khenpo Sodargye (https://thuvienhoasen.org/a26187/nhung-diem-trong-yeu-trong-thuc-hanh-hang-ngay), tư thế bảy điểm Tỳ Lô Giá Na gồm: (1) Chân bắt chéo trong tư thế kiết già hoặc bán già. (2) Hai tay để trong ấn bình đẳng phía dưới rốn. Tay phải bên trên tay trái, hai ngón cái chạm nhau. (3) Xương sống thẳng, không nghiêng trái, phải hay trước, sau. Kinh điển nói rằng thân thẳng dẫn đến kinh mạch thẳng, kinh mạch thẳng dẫn đến tâm thức bình thản, và điều này khiến sự tỉnh thức khởi lên tự nhiên. (4) Cổ hơi cúi; không dựa vào phía sau, không nghiêng trái hay phải. (5) Vai thả lỏng, không ép chặt vào ngực. (6) Mắt hơi mở, không mở rộng quá, nhìn về phía chóp mũi. (7) Lưỡi chạm vào vòm miệng.

[4] Về Mipham Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-.

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung