Tháng vừa qua lại thêm Ngài Kyabjé Penor Rinpoche, (1) một Đạo sư vĩ đại, nhập Niết Bàn. Quả là một mất mát cho thế giới! Và là một tổn thất lớn lao cho những người trong chúng ta có nối kết với Ngài. Đối với tôi, việc Ngài thị tịch mang đến một nhận thức nặng nề rằng, trong khi nhiều Đạo sư vĩ đại vẫn còn sống và với chúng ta, từ quan điểm của những nhận thức bất tịnh của riêng ta, các ngài không còn trẻ nữa, và đôi khi có vẻ rất yếu ớt. Thực tại đáng lo âu này nên thôi thúc khiến tất cả chúng ta có được một cảm thức thực sự về sự khẩn cấp.
Trong ít năm qua, bản thân tôi đã để ý rằng, hết sức đột ngột, nhiều bằng hữu của tôi đang bị những căn bệnh ở giai đoạn cuối tấn công, như ung thư phổi và bướu não. Mặc dù biết rằng không nên ngạc nhiên, nhưng tôi luôn luôn sửng sốt bởi mình đã hiểu biết thật sơ sài về khái niệm vô thường.
Thực ra, mọi người trên toàn thế giới đang chết trong từng giây phút, tuy thế chỉ mới đây thôi, tôi mới bắt đầu để ý rằng điều đó đang xảy ra cho những người mà bản thân tôi quen biết, và mỗi khi một trong những bằng hữu của tôi mất đi, tôi thường tự hỏi: “Tại sao điều này đang xảy ra cho tôi? Tại sao điều này đang xảy ra cho chúng tôi?” Cuối cùng, dĩ nhiên là tôi nhớ lại rằng cái chết chỉ là một khía cạnh không thể tránh khỏi của nhân loại. Vì thế tôi cảm thấy xuẩn ngốc khi đã không nhận ra rằng, đối với tôi và những người cùng lứa tuổi với tôi, những mất mát như thế là điều tất yếu, và không nhận ra rằng, thực ra, khi chúng ta già, ta sẽ phải đối mặt càng lúc càng thường xuyên hơn với cái chết của những người mà ta thương yêu.
Xét cho cùng thì thân người là gì? Nó chẳng khác gì một tập hợp gồm những thành phần mỏng manh một cách thảm hại, không được gắn kết lại với nhau bằng một loại keo thích hợp hay bằng những chiếc đinh đủ cứng chắc. Có gì đáng ngạc nhiên khi chẳng sớm thì muộn, tất cả chúng ta phải vỡ ra thành từng mảnh? Tuy thế, mỗi khi điều ấy xảy ra, tâm thức vô minh của chúng ta thường xuyên bị ngạc nhiên bởi cái chết và bệnh tật, và mọi sự xảy ra cùng với điều đó.
Trải qua nhiều năm, có quá nhiều cái chết bi thảm, nhưng thảm thương nhất là cái chết của những người trẻ tuổi. Về phần tôi, bao giờ cũng vậy, tôi buồn nhất là khi có người trẻ hơn tôi chết đi, và tôi nghĩ rằng đối với hầu hết nhân loại, dù thế nào chăng nữa thì ý niệm người còn trẻ chết đi quả là một điều bất công và không thể chấp nhận được – đây là cách chúng ta suy nghĩ. Trong thực tế, dù rằng cái chết không có bất kỳ điểm quy chiếu nào; cái chết không tấn công nạn nhân của nó theo tuổi tác. Và là Phật tử, chúng ta rất thường được nghe nói về sự bất định của cái chết, thực ra chúng ta không thể phàn nàn rằng ta đã không được cảnh báo – chỉ riêng ngài Shantideva (Tịch Thiên) đã nhiều lần dành toàn bộ các chương cho đề tài này. Tuy thế, chúng ta vẫn phàn nàn – điều đó luôn luôn xảy ra.
Như vậy, mục đích của lá thư này là gì? Đối với những người trong quý vị đã ở “tuổi quá lứa”, giống như bản thân tôi, xin hãy quy y Phật, Pháp, Tăng, Guru, Bổn Tôn và Dakini, bởi tất cả chúng ta cần có sự che chở để không bị kém sức khỏe và mọi loại bệnh tật. Xét cho cùng, ai biết được điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta?
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân chính của sự khiếm khuyết và yếu kém của chúng ta là đã xem thường món nợ nghiệp của ta, và để trang trải và làm minh bạch những món nợ này, điều quan trọng là phải thực hành Riwo Sangchö (2).
Dĩ nhiên là khi quý vị thực hành – bất kỳ thực hành nào quý vị thích làm, Quy y, Phát Bồ đề tâm, Riwo Sangchö, bất kỳ cái gì – xin hãy luôn luôn lưu ý tới động lực của quý vị. Việc làm bất kỳ thực hành tâm linh nào bởi quý vị cho rằng nó sẽ bảo đảm cho một cuộc đời trường thọ – có thể ngay cả khi quý vị sống mãi mãi – thì giống như cố gắng làm đông lạnh một bong bóng xà bông; đó là điều hoàn toàn bất khả.
Tất cả những gì quý vị có thể làm là thực hành với ước nguyện quý vị sẽ sống đủ lâu để quen thuộc hơn với Giáo Pháp. Thậm chí sống thêm một giây trong một cuộc đời như thế cũng vô cùng quý báu. Cuối cùng, dĩ nhiên là chúng ta nên cầu nguyện và thực hành với hy vọng rằng một ngày nào đó ta sẽ thoát khỏi nỗi khổ vì thời gian, và thoát khỏi nỗi thống khổ vì sự chia lìa của mọi yếu tố phù du tạm bợ mà trong tâm thức mê mờ của chúng ta, chúng ta đã chắp chúng lại với nhau thật thuyết phục. Hầu hết chúng ta chìm đắm trong những mê lầm của mình đến nỗi ta thực sự tin là chúng thường hằng, và khi ảo tưởng mà ta đã tạo lập tự phơi bày ra trong màu sắc thực sự của nó thì chúng ta phải chịu đựng những thống khổ không thể chịu đựng nổi. Và cuối cùng, chính từ loại mê lầm này mà ta cần phải tự giải thoát.
Một ghi chép ngắn của kẻ làm ra vẻ đang nhập thất.
Bir, 12 Tháng Tư 2009
Chú thích:
(1) Kyabjé Penor Rinpoche (1932 – 27 tháng Ba, 2009) là vị hộ trì ngai tòa thứ 11 của Dòng Palyul thuộc phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, và được cho là một hóa thân của Đức Vimalamitra. Ngài được khẩn cầu trở thành vị Thủ hộ thứ ba của Dòng Nyingma và đã phụng sự từ năm 1991 cho đến khi từ nhiệm năm 2001.
(2) Riwo Sangchö (Cúng dường Tịnh hóa Núi): Thực hành này là một phần của một giáo khóa terma tên là Rigzin Sog Drup do Lhatsun Namkhai Jigme khám phá tại Sikkim vào thế kỷ 18. Riwo Sangchö có nghĩa là nghi thức cúng dường hương đốt và những chất liệu có hương thơm hay thanh tịnh khác bằng cách đốt những hương liệu này trên núi hay đỉnh đồi với mục đích tịnh hóa những ô nhiễm và tiệt trừ các chướng ngại. Lễ cúng dường này giúp tăng trưởng sự rộng lượng (bố thí) và làm an dịu các chướng ngại thuộc về môi trường và cá nhân.
Dzongsar Khyentse Rinpoche
Nguyên tác: “Note from Someone Pretending to Do Retreat: Dzongsar Khyentse Rinpoche”
http://tibetanaltar.blogspot.com/2009/04/note-from-someone-pretending-to-do.html
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên