Trong quá khứ xa xưa, Đức Phật đã xuất hiện trong xứ Ấn Độ siêu phàm và đạt được sự Toàn Giác. Ở đó, tại nhiều nơi, Ngài đã chuyển Pháp luân khiến cho nhiều ngàn A La Hán thành tựu chứng ngộ. Những bậc chứng ngộ như thế đã có thể du hành trên bầu trời và thi triển nhiều năng lực kỳ diệu khác. Ngày nay, những kỳ công này không còn lại gì ngoại trừ các tên gọi đơn thuần của những nơi chúng đã xảy ra. Về sau, Pháp được đưa sang Tây Tạng, nơi đó nhanh chóng bắt rễ và lan rộng, sản sinh ra nhiều đại thánh là những vị tiếp tục trao truyền nhiều giáo lý vĩ đại. Ngày nay, tất cả những bậc vĩ đại này đã đi về những cõi Cực Lạc khác, và ở đây trên trái đất không một điều gì của các ngài còn sót lại. Nhớ tới điều này, chúng ta phải nhận thức rằng bất kỳ điều gì chúng ta có thể thâu đạt hay thành tựu đều không có nền tảng lẫn thực chất. Chúng ta đừng bao giờ bám níu vào những sự việc thế gian hoặc các thành tựu thuộc về Pháp và nên hoàn toàn thoát khỏi sự bám chấp.
Đôi lúc, trong thực tế hay trong những giấc mộng, chúng ta có thể bắt gặp những ảnh hưởng dữ dội hay những thế lực tiêu cực đến từ các tinh linh hoang dã và những kẻ phá rối. Nếu những điều này xảy ra, chúng ta đừng bao giờ nghĩ tới việc tiêu diệt những tinh linh họa hại đó ngay cả trong những giấc mộng. Thay vào đó, ta nên suy nghĩ rằng tất cả chúng sinh gây nên các chướng ngại này thực ra là những cha mẹ tốt lành của ta trong những đời quá khứ. Mặc dù có một lúc cha và mẹ ta đã nuôi dưỡng và chăm sóc ta, ngày nay, họ kiên quyết gây tổn thương và làm hại ta. Ta phải chiêm nghiệm và tìm thấy lý do của điều này trong những ác hạnh đã được thực hiện trong những đời quá khứ của chính ta. Chúng ta nên hiểu sâu xa hơn nữa là nếu những lực lượng tiêu cực như thế hãm hại ta, đó cũng là vì bản thân họ đang hành động dưới ảnh hưởng xấu của ác nghiệp của riêng họ, và khi làm như thế họ đang gây ra những nguyên nhân đau khổ cho chính họ trong tương lai. Suy nghĩ về điều này, chúng ta nên phát khởi lòng đại bi đối với họ.
Nếu họ có vẻ nhất quyết làm hại ta, chúng ta nên coi điều đó như một cơ hội để tịnh hóa những che chướng của riêng ta. Mọi bệnh tật và chướng ngại, các bệnh hoạn của thân, và những đau khổ của tâm có thể được sử dụng như con đường nếu chúng ta chỉ coi chúng như sự hiển lộ trí tuệ của Đạo Sư của chúng ta. Theo cách này, ta có thể tịnh hóa ác nghiệp của ta cũng như những đau khổ do nó gây ra. Nếu ta có thể duy trì loại thái độ này, các lực lượng tiêu cực như thế sẽ không thể gây ra bất kỳ chướng ngại thực sự nào. Nhưng nếu thay vì như thế, chúng ta lại coi họ như những kẻ thù, nghĩ rằng ta phải tiêu diệt họ, thì chúng ta sẽ chỉ làm cho vấn đề tệ hại hơn.
Ngày nay, là kết quả của những tư tưởng thô lậu và bất định, nhiều người kinh nghiệm những loại xáo trộn tiêu cực chỉ đơn thuần là các sản phẩm tâm thức của chính họ. Nếu thay vì ngộ nhận chúng là các ảnh hưởng bên ngoài, họ nhận thức được rằng những kinh nghiệm như thế là các tặng phẩm của Đạo Sư, nhờ chúng họ có thể tiến bộ trên con đường, và nếu họ nhất tâm khẩn cầu Đạo Sư trong khi phát khởi lòng đại bi đối với những quỷ ma mà họ đang tri giác, thì họ sẽ được che chở trước mọi tai họa.
Nếu chúng ta bị các kinh nghiệm với các năng lực tiêu cực như thế quấy rối, ta nên truy xét bản chất sự hiện hữu bề ngoài của chúng. Chúng ta nên xác định xem những gì ta có thể nắm được trong bàn tay hay đập nó với một cây gậy ấy có gì là cụ thể hay xác thực không. Nếu những năng lực tiêu cực như thế hiện hữu thì vị trí của chúng ở đâu, chúng bắt nguồn từ đâu, và đâu là các nguyên nhân và điều kiện khiến chúng có thể xuất hiện? Với sự phân tích đó trong tâm, chúng ta nên trì tụng thần chú Vajra Guru với một sự nhất tâm, nghĩ rằng: “Cầu mong nhờ lòng đại bi của Đức Guru Rinpoche những tinh linh này chỉ gặp được các giáo lý tốt lành và lợi lạc, và cầu mong họ không làm tổn hại cho bản thân họ lẫn những người khác. Cầu mong Bồ Đề tâm quý báu phát khởi trong tim họ.”
Đặc biệt ích lợi khi hợp nhất tri giác về những tinh linh này, tâm của chính ta, và tâm giác ngộ của Guru Rinpoche thành một với lòng đại bi. Khi ta thấu hiểu mọi hình tướng đều là sự hiển lộ trí tuệ của Đạo Sư, thì ngay cả từ “chướng ngại” cũng sẽ tan biến.
Dù điều gì xảy đến cho ta, chúng ta phải luôn luôn duy trì cái thấy thuần tịnh, nhận thức mọi hiện tượng đều hoàn toàn thanh tịnh và đừng bao giờ cho phép tâm thức chúng ta trệch hướng vào việc quan niệm các hiện tượng là cái gì hơi chút bất tịnh. Chúng ta phải luôn luôn nhìn nơi ta đang ở như cõi Cực Lạc Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ và mọi chúng sinh trong đó, dù là các côn trùng nhỏ bé hay các bằng hữu và thân quyến của chúng ta, đều là những Dāka và Dākinī. Mọi sự chúng ta nghe thấy phải được coi như âm thanh bất tuyệt của thần chú Vajra Guru.
Khi ngồi, chúng ta nên nghĩ tưởng bậc Đạo Sư trên đầu chúng ta và hướng lòng sùng mộ không ngơi nghỉ của ta đến ngài. Khi đi ta nên luôn luôn cảm nhận rằng Guru Rinpoche và Cõi Phật của ngài ở ngay trên vai phải của ta và ta đang đi nhiễu thật thành kính quanh ngài. Chúng ta nên phát triển tư tưởng rằng không chỉ có một cõi Cực Lạc Núi Màu Đồng Đỏ, mà trong mỗi lỗ chân lông của thân tướng Đức Guru Rinpoche hiện hữu hàng tỷ cõi Cực Lạc với Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài trong mỗi cõi Cực Lạc đó.
Trước khi ăn hay uống bất kỳ thứ gì, trước hết chúng ta nên nghĩ tưởng rằng món đó đã chuyển hóa thành nectar, amrita (chất cam lồ) thanh tịnh, và cúng dường miếng đầu tiên cho Đạo Sư đang ở trong cổ họng chúng ta. Rồi chúng ta nên nghĩ tưởng rằng những gì ta ăn hay uống – phần còn lại của món cúng dường – đã được ban cho ta như một sự ban phước để ta có thể duy trì đời sống của mình. Theo cách này ta sẽ tẩy sạch mọi bám níu hay tham muốn đối với thực phẩm..
Ban đêm, trước khi ngủ, chúng ta nên nghĩ tưởng rằng Guru Rinpoche, người đã suốt ngày an trụ trên đầu ta, giờ đây đi vào đầu ta và từ từ đi xuống tim ta, đến ngồi trên một bông sen đỏ sáng chói có bốn cánh hé mở. Đóa sen này sáng rực, trong mờ, và sống động. Rồi Guru Rinpoche phóng ra vô số tia sáng, chiếu sáng toàn bộ thân thể và căn phòng của ta, trải rộng và tràn ngập vũ trụ với vẻ rực rỡ và đầy ánh sáng. Như thế, khi toàn thể vũ trụ đã được chuyển hóa thành ánh sáng thanh tịnh, chúng ta nghỉ ngơi trong sự giản đơn, duy trì bản chất của Giác tánh. Sau đó, ngay khi ta tự cảm thấy đang đi vào giấc ngủ, ta nên nhìn thế giới ánh sáng bên ngoài tan hòa vào chúng ta. Rồi chúng ta tan ra thành ánh sáng và tan hòa vào Guru Rinpoche, chính ngài, bây giờ có kích thước bằng ngón tay cái của chúng ta, tan ra thành ánh sáng và hòa nhập vào không gian. Rồi chúng ta nên hoàn toàn an trụ trong sự buông xả trong phạm vi bao la, tuyệt đối của tánh Không quang minh. Vì giấc ngủ và cái chết là những tiến trình rất giống nhau, sự thực hành này đặc biệt quan trọng để bản thân chúng ta chuẩn bị cho giây phút lìa đời.
Nếu chúng ta thức giấc và thấy mình không thể duy trì sự quang minh này trong suốt đêm, chúng ta nên nhiệt thành cầu nguyện với Đức Guru Rinpoche, nói rằng: “Cầu mong con có thể tri giác sự quang minh.” Nghỉ ngơi trong sự giản đơn, khi ấy ta nên ngủ trở lại. Nếu tâm thức ta không yên nghỉ và tư tưởng trở nên lộn xộn, ngăn trở ta không ngủ được, chúng ta nên nhận thức rằng những tư tưởng này không có nguồn gốc, cũng không nơi an trú và không ngừng dứt. Nếu chúng ta không bị các tư tưởng quấy rầy, ta nên chỉ đơn giản an trụ không phóng tâm trong trạng thái tự nhiên. Nếu các giấc mộng xuất hiện, ta nên cố gắng nhận ra trong giấc mộng rằng ta đang mơ.
Buổi sáng, khi thức dậy, chúng ta nên nhìn thấy hiển lộ trên bầu trời trước mặt chúng ta là tập hội rộng lớn của Guru Rinpoche và đoàn tùy tùng của ngài. Tất cả các Dāka và Dākinī vây quanh ngài đang kêu gọi chúng ta ra khỏi giấc ngủ bằng cách làm tràn ngập không gian với âm thanh của thần chú Vajra Guru và thiên nhạc. Khi ra khỏi giường, ta nên nghĩ tưởng rằng đang bước vào cõi Cực Lạc Sangdopalri. Tất cả những người cư trú ở đó là các Dāka và Dākinī, và chúng ta chính là Vajrayoginī, một thực tại không do tạo tác hiện hữu từ vô thủy.
Chúng ta kêu gọi Đạo Sư với lòng khát khao và sùng mộ: “Lama Kyeno, Lama Kyeno!” – “Ngài, Đạo Sư, ngài thấu biết, ngài thấu biết!” Đức Guru Rinpoche đang an tọa trên một bông sen đỏ ở giữa trái tim ta; bây giờ đóa sen này mở lớn ra và ngài xuất hiện, một lần nữa an trụ trên đầu chúng ta. Chúng ta khẩn cầu ngài không dứt và nói: “Cầu mong tâm con hướng về Pháp, cầu mong Pháp của con tiến triển theo con đườngvà cầu mong mọi hình tướng huyễn mộng được chuyển hóa thành trí tuệ.”
Chúng ta nên nuôi dưỡng thực hành này cho tới khi tâm ta thường xuyên nhớ tưởng Đạo Sư. Bất kỳ hoạt động nào của ta, dù khi ăn, ngủ, đi hay ngồi, niệm tưởng về Đạo Sư phải luôn luôn hiện diện sống động. Như vậy, ta không thể đạt được sự thành tựu chỉ nhờ gặp được vị Thầy và nhận được một vài chỉ dạy vắn tắt. Bậc Đạo Sư không chỉ được tìm thấy ở bên ngoài, mà luôn luôn hiện diện trong bản tánh giác ngộ của tâm ta.
Guru Rinpoche nói: “Ta không bao giờ xa rời những người có lòng sùng mộ.” Nếu chúng ta nghĩ rằng Đạo Sư là một chúng sinh với xương thịt bình thường, thì sẽ rất khó phát sinh lòng sùng mộ mãnh liệt cần thiếtcho sự tiến bộ. Như vậy, chúng ta nên nhận thức Đạo Sư là hiện thân trí tuệ bất biến của Guru Rinpoche, Đức Liên Hoa Sanh, mà sự toàn giác tràn ngập tam giới và biết rõ những ai đang cầu khẩn ngài ngay giây phút lời cầu nguyện phát ra, cho dù hàng triệu chúng sinh đang cầu nguyện cùng một lúc.
Lòng sùng mộ là cốt tủy của con đường, và nếu chúng ta không có gì trong tâm ngoài bậc Đạo Sư và không cảm xúc điều gì trừ lòng sùng mộ mãnh liệt, thì bất kỳ điều gì xảy đến đều được nhận thức là sự ban phước của ngài. Nếu chúng ta chỉ đơn giản thực hành với lòng sùng mộ luôn luôn hiện diện này, thì tự nó đây chính là sự cầu nguyện.
Khi mọi tư tưởng thấm đẫm lòng sùng mộ đối với bậc Đạo Sư, thì có một lòng tin tự nhiên rằng bất kỳ điều gì xảy đến đều được chăm sóc. Mọi sắc tướng là bậc Đạo Sư, mọi âm thanh là lời cầu nguyện, và mọi tư tưởng thô và tế xuất hiện như lòng sùng mộ. Mọi sự được giải thoát tự nhiên trong bản tánh tuyệt đối, như những nút thắt trong không trung. Đây chính là pháp Guru yoga tối thượng, trong đó bậc Đạo Sư được chứng ngộ như ba thân (kāya) bất khả phân. Điều này sẽ được thành tựu mà không phải nương tựa vào những nghi thức của giai đoạn phát triển, không cần phải nương nhờ ẩn thất bí mật, các linh ảnh tánh Không, hay duy trì hơi thở và việc hơi thở đi vào kinh mạch trung ương. Nhờ độc nhất sự thực hành này, mọi thực hành khác chỉ đơn giản hòa nhập vào lòng sùng mộ nhất tâm, như đã xảy đến với ngài Gyalwa Gotsangpa và các vị thánh vĩ đại khác, là những bậc an trụ trong một trạng thái sùng mộ nhất tâm cả ngày lẫn đêm trong nhiều năm tháng, để mặc thời gian trôi đi và thậm chí không quan tâm tới sự đói khát.
Nhờ lòng sùng mộ này, không cảm xúc điều gì ngoại trừ sự nhàm chán đối với những lôi cuốn của đời này, ta không đi lạc vào những công việc thế gian. Có được một phán đoán đúng đắn về nhân quả, ta không đi lạc vào các ác hạnh. Mọi khao khát đạt được an lạc cho riêng mình đã chấm dứt, ta không đi lạc vào các con đường thấp. Nhìn mọi hiện tượng như những Bổn Tôn, những âm thanh, và đại lạc, ta không đi lạc vào những tri giác bình phàm. Nhìn mọi sự như bậc Đạo Sư, cùng mọi tư tưởng của ta được bao bọc trong lòng sùng mộ mãnh liệt, ta không lạc vào những tà kiến. Theo cách này, sự từ bỏ và hoàn toàn không phóng tâm xuất hiện tự nhiên, mọi điều cần xả bỏ tự biến mất, sự thiền định và sau thiền định hòa nhập làm một, và chân tánh của cái tuyệt đối, là giác tánh trí tuệ của riêng ta, trở nên thật hiển nhiên.
Chúng ta nên luôn luôn thực hành cái thấy thanh tịnh cho tới khi chúng ta thấy được một cách tự nhiên rằng vũ trụ và tất cả chúng sinh đều hoàn toàn thanh tịnh và toàn thiện. Đặc biệt, dù những chuyển động của tâm chúng ta được hướng về các hiện tượng bên ngoài hay đang tập trung vào những ấn tượng thâm sâu, chúng ta nên nhận biết bản tánh của chúng và để chúng giải thoát tự nhiên. Chúng ta nên tránh đắm chìm trong những hồi ức sống động về những hoạt động trong quá khứ, hãy chặt đứt chúng khi chúng phát khởi. Nếu để chúng phóng túng, các tư tưởng chẳng hạn như sự hồi tưởng các cuộc chiến thắng kẻ thù hay thưởng thức các kế hoạch làm ăn, hay bất kỳ tư tưởng lập đi lập lại nào trong tương lai về những thành công thế tục đã đạt được trong quá khứ, tất cả những hồi ức đó sẽ làm cho tư tưởng phát triển, giống như gió thổi trên mặt hồ tạo ra những gợn sóng không dứt. Nếu chúng ta lạc lối trong những hồi tưởng về các tình huống liên quan tới sự tham muốn, sân hận, kiêu ngạo, và ganh ghét, thì chúng ta tự trói chặt mình hơn nữa vào sự mê lầm. Chính bởi bận tâm với những loại tình huống này mà nghiệp phát triển và đau khổ xảy ra.
Khi một tư tưởng phát khởi, chúng ta phải ghi nhận một cách đơn giản là nó xảy ra, trong khi đồng thời hãy nhớ rằng nó không đến, không đi, không nơi an trụ, không để lại dấu vết trên đường đi của nó như một cánh chim bay lượn trên bầu trời không để lại dấu tích. Theo cách này, khi các tư tưởng sinh khởi, chúng ta có thể giải thoát chúng vào pháp giới tuyệt đối. Khi tư tưởng không sinh khởi, chúng ta nên nghỉ ngơi trong sự đơn giản trống trải của trạng thái tự nhiên.
Tóm lại, dù tiến hành hoạt động nào, chúng ta đừng bao giờ xa lìa sự nhớ tưởng sống động về Đức Guru Rinpoche. Lợi lạc to lớn sẽ sinh ra từ điều này. Thêm nữa, tất cả các hoạt động của chúng ta phải nhắm đến và hồi hướng một cách có ý thức cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh khắp thế giới bao la. Tư tưởng này về những người khác là điểm khởi đầu, là sự chuẩn bị căn bản cho sự phát triển Bồ đề tâm quý báu.
Trong phạm vi của sự thực hành chính yếu, mọi hành động của chúng ta phải được soi sáng bằng sự thấu suốt tánh Không và tâm chúng ta phải được nhất tâm vào chính sự thực hành. Đây là điểm thứ hai. Nếu vì bất cứ lý do nào, chúng ta gặp khó khăn hay không thể phát triển sự thấu suốt tánh Không vào giai đoạn ban đầu này trong thực hành của chúng ta, thì ta cần tập trung với sự tinh tấn to lớn vào chính Guru Rinpoche, ngăn ngừa không cho tâm thức chúng ta nuôi dưỡng ngay cả cảm xúc tiêu cực vi tế nhất.
Đức Dilgo Khyentse Rinpoche
Trích trong Viên ngọc như ý