Sau đó, Đạo Sư Liên Hoa nghĩ rằng, “Ta đã thành tựu cấp độ Trì Minh Vương Trường Thọ; bây giờ là lúc Ta phải thành tựu cấp độ Trì Minh Vương Đại Ấn Tối Thượng”.
Nghĩ vậy, Đạo Sư đi tới động Yanglesho nằm ở giữa Ấn Độ và Nê-pan. Đó là địa điểm cát tường và được gia trì, nơi này hoa không bao giờ tàn, thậm chí ngay cả trong mùa đông. Ở đây, Ngài đã đi cùng với Shakyadevi, con gái vua Thiện Hạnh xứ Nê-pan, chọn cô như là nghiệp ấn và hỗ trợ tâm linh trong thực hành.
Đầu tiên, Ngài khai mở mạn-đà-la Heruka Vishuddha chín mặt vinh quang, nhưng ba dạng chướng ngại nảy sinh. Rồng Gyongpo, Dạ xoa Gomakha và Logmadrin từ cõi trời bắt đầu gây chướng ngại. Trong ba năm, không một giọt mưa rơi nào rơi xuống. Bởi thế, đất đai không thể tạo ra rau cỏ hay mùa màng.
Trên khắp xứ Ấn Độ, Nê-pan và Tây Tạng, nạn đói, dịch bệnh đổ dồn như những đám mây đen, giết chết con người và súc vật. Đạo Sư Liên Hoa suy ngẫm, “Những tình cảnh này không thể có nguồn gốc tự nhiên. Các vị thần bản địa chắc hẳn đang cố ngăn cản Ta thành tựu cấp độ Đại Ấn”.
Đức Padmakara trao cho hai đệ tử người Nê-pan là Jilajisa và Kunlakunsa một drey bụi vàng và cử họ đi đến gặp các đạo sư trước đây của Ngài ở Ấn Độ. Họ được dặn dò mang theo một thông điệp, “Ba tinh linh xuất hiện để ngăn cản con thành tựu cấp độ Đại Ấn. Con thỉnh cầu Thầy ban cho con một giáo lý để xua tan những chướng ngại này”.
Các học giả Ấn Độ trả lời rằng, “Đại Sư Prabhahasti có giáo lý Vajra Kilaya là phương thuốc trị chướng ngại. Hãy đến thỉnh cầu!”.
Họ đến gặp Đại Sư Prabhahasti và thỉnh cầu giáo lý. Đại Sư đã lựa chọn từ 100 nghìn giáo lý Kilaya ra được hai pho nghi quỹ điều phục sự thù địch và các thế lực chướng ngại. Các đệ tử trở về với những kinh văn này.
Khi các đệ tử về đến động Yanglesho, ba tinh linh gây chướng liền được làm an dịu. Hơi nước bốc lên từ biển, mặt đất trở nên ấm áp, mây ùn ùn kéo tới và mưa bắt đầu rơi. Cỏ cây, mùa màng và hoa quả đều chín thành một cách tự nhiên, và chỉ nhờ ăn quả trái, bệnh tật của cả loài người và động vật đều được tiêu trừ. Nạn đói được đẩy lùi và mọi người đều hoan hỷ.
Sau đó, Đạo Sư Liên Hoa có linh kiến về Vishuddha và Bổn tôn Kilaya vinh quang. Vishuddha giống như một thương lái đi buôn; thành tựu rất lớn lao, nhưng có chướng ngại. Còn Kilaya giống như vệ binh; Ngài cần thiết để vượt qua chướng ngại. Nghĩ như vậy, Đạo Sư Liên Hoa biên soạn một nghi quỹ kết hợp Vishuddha và Kilaya dựa trên Mật điển Heruka Gyalpo và 100 nghìn giáo lý Kilaya được biết tới như là Trí Tuệ Vô Song. Tiếp đó, Ngài thực hành nghi quỹ và thành tựu cấp độ Đại Ấn.
Vào lúc hoàng hôn, bốn chị em Shvana dâng tinh hoa sinh lực sống của họ lên Đạo Sư Liên Hoa và bị trói buộc bởi lời thệ nguyện. Nửa đêm, bốn chị em gái Remati dâng tinh hoa sinh lực sống và bị trói buộc bởi lời thệ nguyện. Lúc bình minh, bốn chị em Semo dâng tinh hoa sinh lực sống và bị trói buộc bởi lời thệ nguyện. Ngoài ra các tinh linh Sey, Chak và Dung nam nữ oai hùng đều dâng tinh hoa sinh lực sống của họ. Những vị này đều bị ràng buộc bởi lời thệ nguyện và được giao phó bảo vệ giáo lý Vajra Kilaya.
Đạo Sư Liên Hoa với thân Ngài là mạn-đà-la của các Bổn tôn đã đánh bại mọi tinh linh kiêu mạn. Với ngữ của Ngài là mạn-đà-la của mật chú, Ngài đã thu hút mọi tinh linh kiêu mạn. Với tâm Ngài là mạn-đà-la của Pháp tánh, Ngài đã tự nhiên làm an dịu và xua tan mọi vọng tưởng năm độc. Như vậy, Ngài an trụ không rời khỏi chứng ngộ Đại Ấn.
Đây là chương năm trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức Ngài thành tựu cấp độ Trì Minh Vương Đại Ấn nhờ Bổn tôn Vishuddha và Kilaya.
Nguyên tác: ĐẤNG SINH TRONG HOA SEN – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh
Biên soạn bởi: Yeshe Tsogyal
Được hiển lộ bởi: Nyang Ral Nyima Oser
Lời đề tựa bởi: Bậc Pháp Vương H.H Dilgo Khyentse Rinpoche
Được biên dịch từ tiếng Tây Tạng bởi: Erik Pema Kunsang
Hiệu đính bởi Marcia Binder Schmidt
Được biên dịch ra tiếng Việt bởi Liên Hoa Trí
Ở đây là phiên bản hiệu đính bởi Dharma Dipo, 2016