Đức bà Yeshe Tsogyal thực hành cam kết thệ nguyện giới luật gốc và nhánh |

Đức bà Yeshe Tsogyal thực hành cam kết thệ nguyện giới luật gốc và nhánh

Yeshe Tsogyal

Đức Liên Hoa Sinh đã dẫn Tsogyal đến vực thẳm của những thực hành Mật thừa bằng cách ban cho cô những cam kết, thệ nguyện giới luật gốc và nhánh, rồi Ngài nói với cô:

“Hãy lắng nghe, con gái của Kharchen-pa!
Hãy nghe Ta, không chút xao lãng, Nữ Hoàng Toàn Thiện.
Những cam kết này là gốc rễ của Phương Tiện Mật thừa vĩ đại.
Nếu con phá vỡ chúng, cả hai ta sẽ đau khổ.
Con cần phải nhận lãnh những thệ nguyện nghiêm cẩn này.”

Đầu tiên Đức Padmasambhava dạy Tsogyal những giới luật cơ bản, những giới luật gốc của thân, khẩu và tâm cùng 25 nhánh giới luật – tất cả 4 khía cạnh chỉ dẫn.

Bằng cách này, Tsogyal đã nghiên cứu những cam kết cơ bản của tâm giác ngộ, trong đó bao gồm một loạt những chỉ dẫn bắt đầu với tâm giác ngộ tương đối rồi dẫn đến tâm giác ngộ tối thượng. Cô biết rằng từ sự khởi đầu vô thủy của thời gian thì thân một người vốn đã có bản chất của một vị bổn tôn hóa thần, khẩu một người là âm thanh các thần chú, và tâm một người chính là Sự Hiện Hữu tự chính nó, vì một người không bao giờ có thể vượt qua khỏi thực tại của tự chính nó.

Đầu tiên Tsogyal nghiên cứu những cam kết liên quan đến thân. Điều này có thể được chia thành 3 phần: Phần về vị thầy, phần về đệ tử và phần về phương tiện trì giữ những cam kết.

Liên quan đến vị thầy, đầu tiên có vị Lama nói chung; thứ hai có vị Lama hướng dẫn; thứ ba có vị Lama của các cam kết; thứ tư có vị Lama như bậc chuộc lại những thệ nguyện bị gãy bể; thứ năm có vị Lama giải thoát sự hiểu biết; và thứ sáu có vị Lama ban cho những chỉ dẫn tôn giáo cùng các giới luật.

Thứ hai, Tsogyal đã học về 4 loại Đệ tử và Đạo hữu: Đạo hữu nói chung là tất cả chúng sinh; Đạo hữu xa là tất cả những ai đi theo giáo lý Đức Phật; Đạo hữu gần là những người cùng dòng truyền thừa với mình; và Đạo hữu liên kết với nhau là những người trong cùng mạn đà la.

Thứ ba, Tsogyal đã học làm thế nào cô cần phải gìn giữ những cam kết. Ở bên ngoài, ta nên coi sóc những cam kết về thân như một người coi sóc vị chúa tể của mình, cha mẹ của mình và người bạn tốt nhất của mình. Ở bên trong, ta nên để tâm tới những cam kết như tròng mắt của mình, trái tim mình, sự sống của chính mình.

Ở diện bí mật, ta nên lưu tâm tới những cam kết như vị hóa thần bổn tôn bảo hộ của mình. Như vậy, một người phải không bao giờ được phép thiếu trung thực, gian dối hay xảo quyệt thông qua các cửa thân, khẩu và tâm.

Tóm gọn lại thì một người nên tôn trọng tất cả các vị Lama cùng các Đạo hữu bằng tất cả các cửa của thân. Một người nên đi nhiễu quanh họ, trải nệm cho họ, đối xử với họ với niềm tự hào của một kẻ tôi tớ thể hiện trước người chủ của mình. Một người nên cúng dường cho họ bất kỳ điều gì họ mong muốn như thực phẩm, sự giàu có, hạnh phúc và thọ lạc.

Cụ thể, ta nên tôn kính, vinh danh và cúng dường cho những người thân cận với vị Lama như vợ, con trai, con gái, cha, mẹ, anh chị em, họ hàng và thậm chí với ngay cả những người hầu giúp việc của ngài. Người ta phải đối xử với họ bằng tất cả sự tôn kính lớn lao nhất, như thể họ không khác với vị Lama. Đây là cách những cam kết cần phải được trì giữ.

Tương tự như vậy, một người cần phải lắng nghe thật kĩ những lời nói của vị Lama và không bao giờ được xem thường những người phục vụ ngài, những người học trò, đệ tử cùng những người bảo trợ của ngài v.v… Tóm lại, ta phải luôn tôn vinh và cúng dường tới những người mà vị Lama giữ sự yêu mến trong tâm ngài, hãy cư xử với họ như thể họ không khác với vị Lama. Một người phải cư xử với những chú ngựa, những chú chó coi nhà và những người phục vụ của vị Lama trong cùng một cách hành xử.

Không có sự cho phép từ vị Lama hay từ những Pháp hữu, một người không bao giờ nên dùng thực phẩm, của cải cùng tài sản của họ, thậm chí ngay cả tới hạt mè nhỏ bé nhất. Một người cũng không nên cho phép thậm chí là những ý niệm buông tuồng như vậy đi vào tâm mình.

Hơn nữa, một người không bao giờ nên bước qua mũ mão, y áo, đồ đạc, gối nằm, giường nghỉ, những nơi an tọa hoặc thậm chí là ngay cả cái bóng của vị Lama. Người ta nói rằng việc bước qua những đối tượng này thì không khác gì việc đập vỡ một bức tượng linh thánh hay phá hủy một bảo tháp (stupa). Và đương nhiên, ta không bao giờ được phép tấn công, sát hại, trộm cắp và làm những điều có hại tương tự với bất kỳ ai. Và càng chắc chắn rằng một người không bao giờ được phép làm điều đó trong sự hiện diện của vị Lama, mà thậm chí ngoài ngài ra, ta không nên đùa bỡn hay đưa ra những hành vi không phù hợp.

Một người không nên bắt lỗi vị thầy hay chỉ trích ngài với người khác. Ta không nên tung tin hoặc đồn đại mọi chuyện từ những cuộc trò chuyện phiếm. Có nói rằng ai mà tranh luận, cãi lại hay chống lại vị thầy thì chắc chắn người đó sẽ bị tái sinh vào địa ngục Kim Cương. Nếu vi phạm điều này thì dẫu cho một người có cầu nguyện Chư Như Lai của tam thiên đại thiên thế giới thì họ cũng sẽ không được cứu.

Tóm lại, những cam kết về thân nghiêm cấm sự lừa dối, thiếu trung thực, khởi niệm xấu ác, lăng mạ, tà kiến, thái độ gây hại, vô vọng cùng những điều tương tự trong mối quan hệ với vị Lama cùng những Pháp hữu. Nếu một người phá vỡ những cam kết này thậm chí dù chỉ một chút như đường tơ kẽ tóc thôi thì người đó không thể thoát khỏi sự trừng phạt.

Đức Namkhai Nyingpo Rinpoche
Trích trong Bà mẹ trí tuệ

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung