Vào năm 1958, khi còn ở Tây Tạng, tôi đã viếng thăm một khu vực có tên là Daryong Dzong. Nó ở trong một thung lũng xinh đẹp, nơi được phát hiện ra một hang động được sử dụng để hành thiền bởi ngài Nubchen Sangye Yeshe, một hành giả và bậc trì giữ vĩ đại dòng truyền thừa Vidyadhara (Trì Minh Vương) của Tantrayana (Mật thừa). Ngài cũng là một đệ tử trực tiếp của Đức Liên Hoa Sinh (Padmasambhava). Không xa từ đó là Brag-dmar, cung điện từ thế kỷ thứ tám của Đức Pháp Vương Trisong Deutsen, người đã thỉnh mời Đức Padmasambhava đến Tây Tạng. Gần cung điện là một hẻm núi gồ ghề, và ở đỉnh hẻm núi có nhiều hang động lớn được sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ bởi những thiền giả. Ở tận cùng của hẻm núi là một ngôi làng dễ thương. Những cây cao mọc ở đó giống như những rặng liễu nhưng với những chiếc lá đặc biệt bằng bạc; gần đó là một hồ nước nhỏ. Nơi đây chính là nơi nữ hành giả (yogini) vĩ đại Yeshe Tsogyal được sinh ra cách đây hơn 1.200 năm.
Yeshe Tsogyal là con gái út trong ba người con gái được sinh ra trong một gia đình quý tộc địa phương. Ngài là một hóa thân của nữ thần tri thức Sarasvati. Nhiều sự kiện kỳ diệu đã xảy ra vào ngày sinh của ngài. Một câu chuyện đặc biệt được nhớ lại trong sự hình dung của gia đình ngài là: Cái hồ nhỏ giáp làng của họ bỗng nhiên mở rộng kích thước một cách đáng kể. Từ đó, cha ngài đã đặt tên cho cô con gái của mình là Tsogyal, có nghĩa là “đại dương rộng lớn”. Tên Yeshe ngài nhận được sau đó đề cập đến trí tuệ nguyên sơ bất tận. Trong Phạn ngữ tên của ngài là Jnana-Sagara (Tuệ Hải – Trí Tuệ Như Biển Lớn).
Yeshe Tsogyal xinh đẹp lạ thường, thời gian qua đi, khi ngài được 12 tuổi, những người cầu hôn đến từ tất cả các khu vực xung quanh đều đã đến để tìm kiếm bàn tay ngài trong cuộc hôn phối. Cha mẹ ngài lo sợ rằng một quyết định đặc ân từ một trong các lãnh chúa quyền lực sẽ làm kích động sự thịnh nộ của những người khác, và cuối cùng, họ quyết định rằng sẽ phải gửi Yeshe Tsogyal đi trốn.
Cho đến thời điểm đó, cô gái trẻ đã sống một cuộc sống thật bình dị, nhưng giờ đây vận mệnh của cô đã thay đổi nhanh chóng. Bị gửi đi xa nhà, mong ước sống một cuộc đời dành toàn bộ cho việc thực hành tôn giáo của cô bị gạt qua một bên, Yeshe Tsogyal đã cố gắng để chạy trốn khỏi những ngọn núi, nhưng vô ích. Trong nhiều năm, cô phải chịu đựng rất nhiều khổ sở, cho đến khi cuối cùng, được sự chú ý của vua Trisong Deutsen, người đã đưa cô lên thành một trong những hoàng hậu của mình. Ngay sau đó, để biểu lộ niềm tin của mình vào Giáo Pháp trước Đức Liên Hoa Sinh, nhà vua một cách tượng trưng đã dâng lên Bậc Thầy của mình toàn bộ vương quốc và cho phép Tsogyal đi theo Đức Liên Hoa Sanh như một đệ tử. Như vậy, ở tuổi 16, cô gái định mệnh đã trở thành đệ tử của một bậc Minh Sư Mật Giáo vĩ đại nhất thời đại.
Khi đã trở thành đệ tử của Đức Padmasambhava, Yeshe Tsogyal đã sớm làm chủ những giáo lý căn bản của Kinh Giáo cùng Mật Giáo. Sau khi trưởng thành sự hiểu biết của mình trong giáo lý nội, ngoại và mật, ngài đã được ban cho những giáo huấn trọn vẹn của các Tantra (Mật điển) nội, Maha, Anu và Ati, đặc biệt là những giáo huấn khẩu truyền của Ati-yoga, pháp môn được biết đến ở Tây Tạng như là Dzogchen (Đại Viên Mãn). Ngài cũng đã nhận được từ Đức Liên Hoa Sinh Khandro Nyingthig – Tâm Yếu Giáo Huấn Dakini.
Sau khi đạt được đại chứng ngộ, Yeshe Tsogyal đã cống hiến cả cuộc đời mình để dẫn đạo cho những người khác và khuyến khích họ trong thực hành tâm linh; Mặc dù bản thân đã trải qua nhiều khó khăn nhưng ngài đã vượt qua ngay cả những trở ngại lớn nhất với những người khác. Ngài đã mang lại lợi ích không thể nghĩ bàn đến cho rất nhiều người! Rất khó để hình dung ra được bao nhiêu đau khổ mà ngài đã xóa bỏ đi khỏi thế gian này. Những bài ca chứng ngộ của ngài mang lại cho những ai nghe được chúng ngay lập tức hiểu được và sự hiện diện của ngài lan tỏa niềm vui lớn lao. Ngài đã thực hiện nhiều hành năng phi thường và chỉ một số ít trong đó được kể lại trong cuốn sách này. Ngài có nhiều phẩm tánh kỳ diệu khác nữa, một số phẩm tánh nằm ngoài sự diễn tả của loài người. Có lẽ trong một thời điểm và nơi chốn khác, chúng ta sẽ có thể nói thêm về những điều này.
Sự thông tuệ, bền bỉ, sự sùng mộ và động lực thanh tịnh của ngài, tất cả đều hiếm có và phi thường, thậm chí điều đó còn đúng trong cả cộng đoàn gồm nhiều bậc minh sư thành tựu là các vị đệ tử của Đức Padmasambhava. Không những là người nữ quan trọng nhất trong dòng truyền thừa Cổ Mật (Nyingma), mà thực sự Yeshe Tsogyal còn là một trong những đệ tử vĩ đại nhất của Đức Padmasambhava. Ngài có một vị trí quan trọng tâm điểm trong Kim Cương Thừa và đặc biệt là dòng truyền thừa của Đức Padmasambhava – Bậc Thầy vĩ đại hiện thân cho trạng thái giác ngộ. Yeshe Tsogyal đã nhận được tất cả những giáo huấn của Đức Padmasambhava như thể mọi chất liệu nằm trong một chiếc bình được đổ trọn vẹn vào một chiếc bình khác. Theo truyền thống, ngài được sánh với một vương miện, một viên bảo châu, một bậc thủ lĩnh và một bậc dẫn đạo. Những thành tựu và chứng ngộ của ngài là hiếm có vô song và công đức từ hành năng của ngài vượt lên khỏi mô tả.
Yeshe Tsogyal đã minh chứng rằng dù người nam có nhiều điều kiện tốt hơn để bước đi trên con đường giác ngộ nhưng điều đó không có nghĩa là người nữ thì không quan trọng trong truyền thống. Như Đức Padmasambhava đã nói: “Dù là nam hay nữ – thì không có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, nếu người nữ quyết chí giác ngộ thì họ sẽ tốt hơn.” Năng lượng người nữ được tôn trọng đặc biệt trong dòng truyền thừa của Đức Padmasambhava, họ có một vị trí đặc biệt trong sự trao truyền giác ngộ – Có thể nói rằng tất cả những giáo huấn của Đức Padmasambhava đã đến với chúng ta đều nhờ ngài Yeshe Tsogyal.
Ngài là một trong những người vĩ đại nhất trong truyền thống những vị trì giữ kinh sách Phật giáo, đặc biệt là các bản văn bí truyền của truyền thống Dzogchen (Đại Viên Mãn). Giáo lý của cả hai truyền thống khẩu truyền và kho tàng đều đi qua ngài; và sau khi Đức Padmasambhava rời khỏi Tây Tạng, chính ngài Yeshe Tsogyal cùng ngài Nubchen Sangye Yeshe đã làm việc chặt chẽ cùng nhau để truyền tải những giáo huấn tâm điểm chứng ngộ, điều thiết yếu cho phần còn lại của những giáo huấn được đơm hoa kết trái.
Một trong những đóng góp quan trọng nhất mà Yeshe Tsogyal đã để lại cho các thế hệ tương lai là sự liên quan tới các văn bản terma (kho tàng giáo lý). Các terma là những kho tàng gồm nhiều hình thức khác nhau, bao gồm những hình thức đặc biệt của giáo lý, văn bản, pháp khí cùng các thánh tích được cất giấu nhằm giữ lại dành cho các thế hệ tương lai. Nhiều terma vĩ đại và các terma quan trọng nhất đã được cất dấu bởi Đức Padmasambhava và ngài Yeshe Tsogyal với mục đích trao truyền lại những phương diện bí truyền của 3 Tantra nội.
Dưới sự chỉ đạo của Đức Padmasambhava, ngài Yeshes Tsogyal đã sao chép lại bằng tay nhiều giáo lý này, rồi ngài cất giấu chúng trong những nơi chốn thích hợp, như vậy, nó có thể khiến cho các vị thầy sau này, chính các ngài là những tái sinh của các đệ tử từ Bậc Thầy vĩ đại này tái khám phá chúng, các ngài khiến cho chúng trở nên hữu dụng cho những người khác trong tương lai. Các bản văn terma quan trọng nhất được bảo lưu, trì giữ nhờ cảm hứng và hành năng của ngài Yeshe Tsogyal, và như vậy, chúng nằm trong dòng truyền thừa trực tiếp của những giáo huấn cùng ân phước của ngài. Bằng cách này, di sản của Đức Padmasambhava được bảo tồn và gìn giữ suốt nhiều thế kỷ, và con đường trực tiếp đi tới những giáo lý của Ngài được giữ nguyên cánh cửa mở.
Như vậy, các kho tàng terma – hình tượng nổi bật trong truyền thống giáo lý Nyingma (Cổ Mật – Mũ Đỏ) đã được cất giấu vào thời điểm của Đức Padma-sambhava, chúng được tìm thấy không chỉ ở Tây Tạng mà còn ở tất cả mọi nơi trên thế gian; Trên thực tế, chúng có thể được hiểu là tồn tại xuyên không gian, thời gian. Được bảo tồn trong hình thức vẹn nguyên ban đầu của mình, được bảo vệ khỏi những bóp méo và sai lầm thường phát sinh do tam sao thất bản từ nhiều thế kỷ luận giảng, sao chép lại, các bản văn terma giữ lại ý nghĩa chân thực của chúng, chúng lưu giữ được sự thuần khiết, tinh ròng và tươi mới, chúng trình bày một con đường trực chỉ đi tới giác ngộ.
Truyền thống Cổ Mật (Nyingma) đã công nhận 108 bậc thầy vĩ đại terma, vị đầu tiên trong số đó đã xuất hiện nhiều thế kỷ sau thời của Đức Padmasambhava. Có nhiều vị thầy terma nữa, những vị cũng đã tìm thấy văn bản lần theo dấu vết trực tiếp tới Đức Liên Hoa Sinh. Một số những bản văn này đã được sao chép trong sự vẹn nguyên của chúng và được ẩn mật đi; những bản văn khác được viết bằng ngôn ngữ Dakini – một loại mật mã chỉ có thể được thâm nhập bởi những vị khai mật thông qua trạng thái thiền định. Hầu hết các bản văn terma thuộc vào hình thức thứ hai này, và các bậc thầy terma, để làm cho các văn bản có thể được thâm nhập tới những người khác thì việc đầu tiên cần thiết là viết lại chúng trong ngôn ngữ có thể hiểu được bởi nhiều đối tượng bình thường hơn.
Mặc dù truyền thống các bản văn kho tàng terma là nhằm đảm bảo việc truyền tải liên tục của nhiều giáo lý, nhưng một số lượng lớn các terma lại đã bị thất lạc lần nữa ngay sau khi chúng được hiển lộ. Trong khoảng thời gian trên 1.000 năm, đã xuất hiện vô số các bản văn kho tàng được hiển lộ bởi hàng trăm bậc thầy terma mà nhiều vị trong các ngài chỉ sống một thời gian ngắn và các ngài cũng chỉ có một vài đệ tử tiếp nối dòng truyền thừa. Với các bản văn kho tàng xuất hiện trong rất nhiều thời gian, địa điểm và hoàn cảnh khác nhau, thì chỉ có những tác phẩm được tìm thấy bởi các bậc thầy terma chính và các tác phẩm được tuyển tập vào những bộ sưu tập vĩ đại nào đó để chắc chắn rằng chúng được bảo lưu lại.
May mắn thay, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều vòng terma lớn và nhỏ, những giáo huấn bổ sung quan trọng cùng thông tin về những quán đảnh nhập môn cùng các chỉ dẫn thực hành đã được tìm ra và bảo tồn lại cho hậu thế. Điều này là nhờ hoạt động của 3 bậc thầy vĩ đại: Đức Chogyur Dechen Lingpa; Đệ tử chính của ngài là Jamyang Khyentse Wangpo; và đệ tử chính của ngài Khyentse là Kongtrul Lodro Thaye. Mặc dù Khyentse Wangpo (1820-1892) và Kongtrul (1811-1899) là những thành viên theo nghĩa đen của dòng truyền thừa Kagyu, nhưng các ngài cũng là những bậc lãnh đạo của phong trào bất bộ phái Rime chấp nhận những giáo huấn của mọi trường phái Phật Giáo Tây Tạng, như vậy phong trào này làm đảo ngược khuynh hướng tôn giáo của thế kỷ trước. Kết quả của công việc thu thập và đưa các giáo lý terma là Rinchen-Ter Dzod – “Kho Lưu Trữ Các Kho Tàng Vĩ Đại”.
Một bộ sưu tập đồ sộ với 60 bộ, Rinchen-Ter-Dzod chứa đựng nhiều bản văn cơ bản nhỏ hơn các vòng terma, sadhana cùng các giáo lý thiết yếu khác. Toàn bộ tuyển tập được in ít nhất trong hai phiên bản ở Tây Tạng, cả hai được xuất bản dưới sự bảo trợ của các tu viện Kagyud-pa. Phiên bản Tu viện Tshur-phu, được xuất bản bởi Đức Karmapa thứ 15 Kha-Khyab Dorje, gồm 3 bộ thêm thông tin về cuộc đời Kongtrul cũng như về lịch sử cùng nội dung của terma. Các phiên bản Palpung “5 Kho Tàng” của Kongtrul bao gồm Rinchen-Ter Dzod trong 60 bộ. Gần đây kho tàng này đã được in lại ở Bhutan, và giờ đây một lần nữa, chúng lại có thể được xuất hiện.
Kho tàng này lớn hơn vì Rinchen-Ter Dzod vốn chỉ gồm một mẫu tiêu biểu các giáo lý dồi dào sẵn có thông qua nguồn cảm hứng và linh kiến của Đức Padmasambhava. Sẽ rất khó khăn để bao gồm tất cả chúng, vì có tới 18 loại khác nhau terma, và các bản văn tự chính nó lại có hàng ngàn quán đảnh nhập môn, sadhana cùng các thực hành. Như vậy, nhiều bản văn terma sẽ không có trong một số bộ sưu tập, chẳng hạn như các bộ sưu tập những bản văn chính của những vị thầy terma vĩ đại, vì chúng đã được phổ biến rộng rãi cho những người khác nên những bản sao không thể tìm thấy được.
Tại sao lại có quá nhiều các giáo lý terma như vậy? Các terma được tạo ra đặc biệt cho nhiều thời điểm và nhiều hoàn cảnh nhằm đáp ứng nhu cầu của những người sống trong các thời đại và văn hóa khác nhau, cũng như để phù hợp với những hình thức nghiệp quả cùng cách hiểu biết, nhận thức khác nhau. Những giáo lý này được thiết lập để trực tiếp đánh vào tâm, giúp quá trình chứng ngộ giác tánh. Khi một người thực hành những giáo lý này với toàn bộ lòng sùng mộ và sự buông bỏ, thì nó trở nên có thể làm chuyển hóa thân, khẩu và tâm.
Trong những thời điểm khó khăn của thời kỳ Mạt Pháp (Kali Yuga), khi có quá nhiều sự nhầm lẫn, mơ hồ trên cả hai cấp độ toàn cầu và cá nhân, thì thật đặc biệt quan trọng để thực hiện những giáo huấn đã được chuẩn bị sẵn như thế. Những giáo lý này đã đến với chúng ta nhờ ngài Yeshe Tsogyal nên chúng là những hiện thân trực tiếp và thuần khiết của dòng truyền thừa Trì Minh Vương (Vidyadhara); Chúng rất năng lực, mạnh mẽ, dễ dàng chữa lành đau khổ và loại bỏ được các chướng ngại, đẩy mạnh sự hòa bình và đoàn kết.
Thật tốt để nhớ rằng nhờ một người nữ mà những giáo lý này đã đến với chúng ta; Và các vị thầy Phật giáo vĩ đại đã luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng trong bản chất trí tuệ của người nữ. Các Dakini đã giúp lan tỏa, truyền bá giáo lý và hỗ trợ cho thực hành Phật pháp trong suốt thời gian Đức Padmasambhava hiện diện ở Tây Tạng cũng như các ngài đã vẫn giúp đỡ chúng ta ngày hôm nay. Như chính ngài Yeshe Tsogyal đã nói với các đệ tử của mình, ngài đang ra đi để hòa nhập vào với Đức Padmasambhava ở phía Tây Nam: “Ta không chết, ta không đi bất kỳ đâu cả. Hãy cầu nguyện tới ta, ngay cả khi ta không xuất hiện trong thân người, thì ta sẽ vẫn ban những thành tựu thần lực khao khát với những ai có lòng sùng mộ nhất tâm!”
Chỉ cần mở lòng chúng ta với các giáo lý Phật pháp yêu thương và bi mẫn, chúng ta có thể mang lại những ân phước của các ngài vào thế giới ngày nay. Một sadhana thì không phức tạp hay khó khăn để có hiệu quả; Không phải tất cả những thực hành đều khó như những gì mà ngài Yeshe Tsogyal đã hoàn thành. Cũng không phải là những giáo huấn của Đức Padmasambhava bị giới hạn vào không gian và thời gian; như chính Ngài đã nói: “Ta không bao giờ xa rời những người có tín tâm, hay thậm chí không xa rời những người không có tín tâm, mặc dù họ không thấy Ta”. Thực hành của chúng ta có thể đơn giản như việc quán tưởng Đức Padmasambhava và ngài Yeshe Tsogyal cùng lúc. Với sự thực hành rõ ràng này, chúng ta có thể mang lại sự hiện diện của các ngài vào cuộc sống mình; Chúng ta có thể thỉnh mời những giáo lý của các ngài đi vào tâm chúng ta.
Nhờ quán tưởng sự hợp nhất của Đức Padmasambhava và ngài Yeshe Tsogyal mà các phương diện bên ngoài cùng bên trong của thể nghiệm được hòa quyện vào nhau, làm sâu sắc thêm vào một sự thống nhất giữa chủ thể và đối tượng, nam và nữ, bản thể và thế giới, đệ tử và bậc thầy. Bằng cách này, cảm giác cô lập bị đè nén do sự tự đấu tranh tồn tại trong thế giới thù địch của thời Mạt Pháp (Kali Yuga) được vượt qua.
Đức Namkhai Nyingpo Rinpoche
Trích trong Bà mẹ trí tuệ