Việc hiểu biết về sự sinh ra làm người quý báu này thì rất cần thiết không chỉ đối với các hành giả mà còn cho tất cả mọi người. Tôi đã nhận ra điều đó khi giảng dạy cho các thanh thiếu niên rằng điều quan trọng là phải giải nghĩa rõ ràng về vấn đề này. Đáng tiếc là đôi khi có những người trẻ tuổi tự tử. Do đó rất cần phải thấu hiểu tính chất quý báu của đời người. Vì thế tôi đã cố gắng nói về vấn đề này bất kỳ nơi nào tôi đến. Mọi người ở đây đã hiểu rõ về sự quý báu của đời người. Nhưng ở Montreal tôi đã thấy có nhiều người trẻ tuổi tự tử. Giáo lý này nhằm khuyến khích người học Phật Pháp đi vào thực hành và giúp những người khác có thể nhận thức sâu sắc về cuộc đời của họ. Vì thế đây là một giáo lý vô cùng hữu hiệu. Ta có thể sử dụng giáo lý này để có được sức mạnh và năng lực khi gặp những khó khăn và thử thách. Khi ta nhận thức sâu xa về cuộc đời của ta và của những người khác, ta không làm hại bản thân ta và những người khác. Sau khi chấm dứt các việc học tập, tôi đã thực hành ngondro (pháp chuẩn bị). Trong phái Drikung, các thực hành này được bắt đầu bằng những lời cầu nguyện trường thọ tới Đức Phật Amitayus (Phật Vô Lượng Thọ). Sau đó tôi thiền định về bốn chuẩn bị thông thường, mỗi chuẩn bị kéo dài ba tuần. Khi tôi ngồi xuống để thực hành các pháp này, tâm tôi trống rỗng và tôi không biết phải thiền định về cái gì. Vì thế tôi trở lại với các bản văn. Những bản văn mô tả nguyên nhân của sự sinh ra làm người quý báu, cho các ví dụ, giải thích sự hy hữu và bản tánh của đời người. Sau khi thực hành bốn chuẩn bị tôi nhận thấy việc thiền định trở nên dễ dàng. Vì thế điều quan trọng là bạn phải tự giáo dục, tu tập bản thân dựa trên giáo lý này. Mục đích của việc học Pháp là để hỗ trợ cho thực hành. Ngài Vasubhandu (Thế Thân) đã nói: “Bất kỳ nền giáo dục nào chúng ta theo đuổi phải nhằm hỗ trợ cho thiền định.”
Như vậy, thế nào là một cuộc đời tâm linh? Ta có một cuộc đời tâm linh khi ta sống để làm lợi lạc chúng sinh và hoàn toàn tiệt trừ những cảm xúc phiền não. Hình thức thực hành của chúng ta là hình thức của một yogi (hành giả) hay yogini (nữ hành giả) cư sĩ. Chúng ta giữ năm giới nguyện biệt giải thoát của một cư sĩ. Có bảy phạm trù giới nguyện biệt giải thoát: những giới nguyện của tăng ni thọ cụ túc giới, những giới nguyện của các sa di và sa di ni, những giới nguyện của cư sĩ nam và cư sĩ nữ, và giới nguyện trong một ngày. Tất cả những giới nguyện được thọ với mục đích làm lợi lạc chúng sinh. Là con người, chúng ta cần có thực phẩm, quần áo, và nơi trú ẩn. Theo truyền thống, điều cần thiết thứ tư là một con ngựa. Và để có được những điều này chúng ta cần có một việc làm. Mục đích của cuộc đời là hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ đến từ bên ngoài. Hạnh phúc đến từ bên ngoài thật hạn hẹp. Hạnh phúc nội tại to lớn hơn nhiều. Nhưng chừng nào mà những hoạt động của chúng ta không lấn át thời giờ để thiền định thì hai loại hạnh phúc này không mâu thuẫn nhau. Hãy đơn giản, dịu dàng và tốt lành. Điều đó có vẻ bao gồm mọi sự. Đối với một hành giả như chúng ta, không những ta phải thấu hiểu cuộc đời quý báu ra sao, mà còn phải hiểu rằng nó thật vô thường. Mọi sự đều thay đổi. Mục đích của việc thiền định về lẽ vô thường là dùng nó như một cách đối trị cho tánh lười biếng. Thiền định này cũng được dùng làm một phương thức đối trị cho tánh tham luyến. Khi chúng ta thoát khỏi tham luyến, tâm thức chúng ta trở nên mạnh mẽ và tự do. Thân xác chúng ta có thể ở trong sinh tử nhưng tâm chúng ta thì tự do tự tại. Giáo lý về sự vô thường là cốt tủy của Pháp. Giáo lý này giải thoát chúng ta khỏi sự tham luyến, sân hận và ganh ghét. Sự vô thường đối trị tánh bám chấp. Chúng ta bám chấp vào những niệm tưởng bởi ta không nhận ra rằng chúng thì vô thường. Do đó, tâm ta bị tham luyến trói buộc. Khi một niệm tưởng khởi lên, nó sẽ biến mất khi bạn nhận thấy nó vô thường. Vì thế có một mối liên hệ chặt chẽ giữa việc nhận thức sâu xa lẽ vô thường và thiền định.
Chúng ta cũng phải nghĩ tưởng rằng những cuộc đời khác cũng quan trọng. Là một người ăn chay thật không dễ dàng, bởi lẽ bạn cần phải học tập về khoa dinh dưỡng. Tôi mất một năm học tập để trở thành một người ăn chay bởi tôi phải học tất cả về điều này. Việc ăn chay tích tập công đức to lớn và giảm thiểu khả năng bị bệnh tật. Vì nhiều lý do, trở thành một người ăn chay thì thật lợi lạc.
Lama Gursam