Chớ vui thích khóc than cho số phận mình !
Bảy Điểm Tu Tâm của Atisha
Giữa khoảnh khắc người ta gặp đạo lần đầu tiên và giờ phút tâm thức thức tỉnh hoàn toàn trong sự trọn vẹn những phẩm chất tự nhiên của nó, cuộc du hành có thể lâu dài và gian khổ. Nếu người ta trù tính một cách nghiêm túc để ra đi, phải suy nghĩ đến sự tổ chức thực tiễn của cuộc du hành của mình. Chẳng hạn, chỉ nói: “Tôi muốn đi từ Việt Nam sang Ấn Độ” thì không đủ để đến đó. Phải chọn một phương tiện chuyên chở – xe hơi, xe lửa hay máy bay và khó nhọc tổ chức hành trình. Nếu người ta không cố gắng một chút cần thiết khi khởi hành, người ta không bao giờ đi đến đâu cả, và người ta sẽ cứ giam hãm trong nhà mình – và thất vọng.
Khi muốn đi đâu, phải xác định điểm khởi hành của mình, phương tiện di chuyển và hành trình của mình, rồi phải ra đi. Điều đó cũng đúng với sự du hành tâm linh: mục đích của nó là đưa ta đến chỗ sống một cuộc đời hoan hỷ hơn và bừng nở hơn, đồng thời hữu ích hơn cho những người khác, và điểm khởi hành là cái đời sống bình thường hàng ngày của chúng ta. Cái hàng ngày đầy dẫy những sự kiện đủ mọi loại tạo thành nguyên liệu cho công việc tâm linh, bởi vì chính qua sự đa dạng của những kinh nghiệm mà người ta có thể học và tiến hóa. Đời sống hàng ngày là một mỏ những bài học của trí huệ ban cho những ai muốn học chúng, bất kể trình độ giáo dục hay văn hóa.
Bài học đầu tiên chắc chắn cốt ở quên đi những thói quen xấu của chúng ta. Người ta có khuynh hướng lẩn tránh hay bỏ lơ những vấn đề đặt ra cho chúng ta trong môi trường xã hội, nghề nghiệp hay gia đình, như thể người ta thử che dấu sự không thỏa mãn và khổ đau mà người ta cảm thấy nơi mình. Nếu người ta muốn thành thật với chính mình, người ta sẽ bắt buộc nhận ra rằng trong một nghĩa nào đó người ta vẫn còn tập đánh vần trong việc quản lý những khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Có lẽ người ta thích thực hành những kỹ thuật thiền định ngoại lai trong hy vọng ngày nào có thể khinh thân hay bay lên, trong khi chắc hẳn ích lợi hơn nếu trước tiên học đứng vững trên đôi chân của mình. Một số người tự đánh giá đã nhiều tiến hóa, nghĩ rằng họ chẳng cần gì một lời giáo huấn, khuyên bảo, trong khi một cách vô thức họ tái sản xuất không ngừng cùng những bản in như nhau trong cuộc sống và luôn luôn tự tạo cùng những khó khăn. Thế nên ở đây chúng ta nhắm đến mục tiêu chính yếu là học chấp nhận và điều hành những tình huống thông thường của cuộc đời hàng ngày. Người ta không thể chờ đợi những tiến bộ thật sự trước khi biết rằng người ta cần một sự tập sự như vậy.
Đã hiểu sự cần thiết của một con đường, còn phải lên đường. Trong một thế giới lý tưởng, có lẽ có thể ăn ở một cách tiện nghi, một điếu xì gà trong tay, một ly rượu vang trong tay kia, bao quanh bởi những cô nàng lộng lẫy hay những tình nhân nồng nhiệt, và thanh thản chờ đợi tâm thức tỉnh dậy một mình. Thực tại không phải cũng mộng mơ như vậy: người ta chẳng đến đâu cả nếu không có một cố gắng tối thiểu. Không có giấc mộng nào, không có ám ảnh hoang đường nào có thể che chở cho chúng ta khỏi những khổ đau đang chờ đợi chúng ta nếu chúng ta không học đối mặt với cái hàng ngày bằng cách bình định tâm thức chúng ta.
Vậy người ta cần xét xem những phương tiện để thực hiện cuộc hành trình tâm linh. Việc đầu tiên là thuần hóa tâm thức mình để có một căn cứ vững chắc từ đó người ta có thể tiến bộ. Đó là căn bản. Thiếu một căn cứ như vậy, người ta sẽ không thể lợi dụng đầy đủ cơ hội hãn hữu cho sự phát triển mà cuộc đời làm đàn ông hay đàn bà mang lại. Điều phục tâm thức là một ưu tiên tuyệt đối: đối với chính mình, bởi vì đó là cách duy nhất để học điều hành một cách tích cực tất cả những gì cuộc đời mang lại cho chúng ta, bằng cách dùng mọi chất liệu của cuộc hiện sinh để làm sanh trưởng trong chính mình trí huệ và lòng bi. Nhưng cũng đối với những người khác, bởi vì một trong những mục tiêu chính của sự nuôi dạy tâm thức là thu hoạch lòng bi, cái cho chúng ta có thể giúp đỡ người khác, không phân biệt chúng sanh nào.
Một khi căn cứ này đã được lập, người ta sẽ có thể tiến hóa một cách xây dựng nhưng tiệm tiến, vì người ta không thể đốt giai đoạn. Dù người ta có thành công trong nghề nghiệp hay trong xã hội, phải chấp nhận rằng người ta chưa thật tiến hóa trên bình diện làm chủ tâm thức – những xúc động, những tư tưởng, những tình cảm của mình. Nếu người ta cần chế ngự tâm thức mình, đó là bởi vì bao giờ người ta còn sợ mất cái người ta có – tiền bạc, đồ vật, người thân, chưa nói đến chính cuộc đời mình – thì người ta còn khổ đau. Phải bắt đầu bằng sự bắt đầu.
Hãy tưởng tượng bạn tìm ra một cục kim cương nguyên sơ; nếu bạn biết mài giũa đẽo gọt, bạn có thể phát giác tất cả vẻ đẹp của nó và làm thành một đồ trang sức huy hoàng. Nhưng nếu bạn không làm chủ một cách khéo léo những kỹ thuật đẽo gọt, bạn sẽ làm hỏng hay làm vỡ nó, nó sẽ trở nên vô dụng và không giá trị. Những thực tập và những kỹ thuật thiền định được đề nghị ở đây là những công cụ cho phép làm việc với viên kim cương nguyên sơ là tâm thức; nếu người ta biết thao tác những dụng cụ đó khéo léo và cẩn trọng, người ta sẽ gọt giũa và đánh bóng nó để làm hiển lộ tất cả sự rực rỡ và thuần khiết của nó.
Có lẽ không phải là một viễn cảnh đặc biệt vui thích hay đầy khích lệ khi mỗi ngày đối diện với những người bao quanh bạn và những hoàn cảnh của cuộc đời thường nhật. Người ta thích nghe nói rằng người ta chẳng phải làm gì và mọi sự sẽ tự dàn xếp, ổn định, như trong những phim của Hollywood. Người ta có thể luôn luôn mơ mộng, nhưng chuyện đó chẳng tới đâu, người ta biết thế. Một ngày nào cũng phải bắt đầu nhìn thấy những sự vật như chúng là, và phải chấp nhận chúng như vậy, nghĩa là rất tầm thường, đối với đa số người. Đời sống hàng ngày được tạo thành bằng vô số sự việc rất bình thường: mỗi ngày chưng cất một ít liều bất hạnh hay hạnh phúc nhỏ hay lớn. Đôi khi người ta cảm thấy cả hai cùng lúc: sự vật có thể vừa chua chát vừa ngọt ngào. Không phải mùi vị của những sự việc là quan trọng, mà chính sự kiện chúng xảy đến: đó là chất liệu thô sơ, nguyên phác của sự sống, cái mà người ta đối mặt.
Nghịch lý thay, chỉ có những hoàn cảnh khó nhọc mới đặt vấn đề với chúng ta. Người ta có thể cảm thấy lo âu ngay cả khi mọi sự tiến hành tốt đẹp, bởi vì người ta sợ nó thay đổi. Người ta phải có thể hiểu và điều hành, xử lý mọi cái xảy đến, dù tốt hay xấu. Đôi khi người ta sẽ bắt buộc uốn mình theo những hoàn cảnh, trong khi những lúc khác có lẽ cần làm cái gì đó để cải thiện chúng. Nhưng cách nào thì chính chúng ta nắm những sự việc trong tay, không có ai làm điều đó thay chỗ chúng ta, dù đôi khi người ta nhờ được sự nâng đỡ và những khuyến khích của người khác. Rốt cuộc, người ta là người độc nhất có thể làm cái gì đó cho chính cuộc đời mình.
Một số người tỏ ra thành thạo trong nghệ thuật lẩn tránh những khó khăn, và mỗi người chúng ta có kỹ thuật ưa thích của mình: thay đổi công việc hay địa chỉ, có một người tình, đổi vợ, lao đến y sĩ, ăn mải miết những thẻ sô-cô-la hay để thì giờ gọi điện thoại cho bạn bè. Người ta cũng có thể tự ám ảnh hơn, dính chặt với truyền hình, dùng ma túy, ăn không biết no hay say sưa. Chẳng có cái gì hiệu quả; người ta đến mức không thể ngủ hay suy nghĩ; bỏ ăn bỏ uống và cảm thấy bất hạnh như đã bị bệnh nặng. Thậm chí người ta có thể định tự vẫn, điều cũng tiêu cực như giết người khác. Khi xem những bất hạnh nhỏ là quá trầm trọng, người ta có thể tự tạo ra những buồn phiền thực sự và trở nên càng bất lực hơn trong việc giải quyết chúng.
Khi tránh khéo hay trốn thoát những khó khăn, người ta tự tạo một sự xao lãng, khuây nguôi nhất thời, nhưng người ta không thể thanh toán chúng. Khi người ta bằng lòng chỉ làm điều mình thích và tránh mọi cái mình không thích, thì trái lại người ta càng có thêm những vấn đề rắc rối. Không nói đến những tổn hại tâm sinh lý mà việc đó gây ra, và sự thống trị càng lớn của những thói quen xấu người ta đã mang lấy và sau đó sẽ rất khó phá. Khi thả mình cho sự yếu đuối, người ta còn yếu đuối thêm và người ta giảm bớt những cơ may thoát khỏi những khổ đau.
Cần có một sự thụt lui nào đó trong liên hệ với những sự việc của cuộc đời, và tránh những sự thái quá của khắc khổ và dễ dãi. Nếu người ta quá chặt chẽ và nghiêm trọng, người ta có khuynh hướng luôn luôn bi kịch hóa. Người ta mất đi bình dưỡng khí khôi hài. Ngược lại, nếu quá khinh suất và luôn luôn xem nhẹ, người ta sẽ sống trong một thế giới ảo tưởng. Cách nào đi nữa, người ta cũng sẽ bị cắt đứt khỏi những sự thật hàng ngày và không ý thức đến những tình cảm khởi lên trong chúng ta, như khi người ta ở dưới đế chế của một xúc tình mãnh liệt – giận dữ hay ghen tuông, hay người ta bị ám ảnh bởi quá khứ hay tương lai. Vậy người ta không thể làm việc một cách ích lợi trên chính bản thân mình nếu người ta mất cái nhìn thấy thực tại hiện tiền của những sự vật, thế giới trong đó người ta đang sống.
Cho đến bây giờ, người ta cứ lo toan tìm phương tiện để trốn tránh những vấn đề. Để hàng phục tâm thức, phải giáo dục lại và làm điều ngược lại: giáp mặt trực tiếp cái khó chịu hay nhọc nhằn với chúng ta, và làm điều đó một cách hiệu quả. Điều đó sẽ không thiếu lợi lạc với chúng ta, ít nhất vì chúng ta không phải điên đầu để sáng chế những phương tiện để tự trốn thoát mình ! Có lẽ người ta thậm chí sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng cái làm cho chúng ta sợ đến thế, hay cái xáo trộn chúng ta đến thế, rốt cùng không quá khủng khiếp, một khi người ta quyết định nắm lấy sừng con bò tót. Ý tưởng mà chúng ta có đối với những sự vật và những con người thường tệ hơn thực tế của chúng…
Một khi người ta sẵn sàng chấp nhận những sự việc y như chúng là, tất cả mọi sự được chuyển hóa, thậm chí cả những khó khăn hơn trong cuộc đời. Bên ngoài, chẳng có gì thay đổi; tuy nhiên, tất cả đều khác, vì người ta đã tự mình thay đổi thái độ. Khi người ta chấp nhận nhìn tình huống như nó là, người ta tự biết làm sao để đáp ứng với nó: chính những hoàn cảnh cung cấp cho chúng ta sự chỉ dẫn khi chúng ta không nhọc mệt làm méo mó chúng bởi những thiên kiến tiên định của chúng ta. Trái lại, khi người ta làm con đà điểu vùi đầu trong cát và không nhìn những sự việc thẳng mặt, luôn luôn trì hỗn chúng, tình huống chắc chắn chỉ tệ hơn. Người ta phải học định giá những sự việc đúng theo giá trị của chúng. Những sự việc có khó nhọc, dễ chịu hay hoàn toàn tầm thường, điều quan trọng là nhận biết mỗi tình huống thật sự là gì. Không làm méo mó và làm rắc rối nó bởi hệ thống lọc ngoắt nghéo của những phản ứng trí thức hay tình cảm của chúng ta. Ngay khi những xúc tình trộn lẫn vào, tất cả tri giác về tình huống của chúng ta lập tức méo mó. Thực tại mất dấu đằng sau sự diễn dịch về những sự kiện của chúng ta.
Phải tiếc mà nhận ra rằng, sống trong nền văn minh hiện thời của chúng ta, chúng ta được trang bị quá kém để chấp nhận những sự việc như chúng là. Trong khi đó một tâm thức lành mạnh thì sống trong một thế giới lành mạnh, một tâm thức an bình thì cảm nhận thế giới an bình. Những bài thực tập ở phần hai là để làm cho tâm thức lành mạnh, đẹp đẽ, bình an và hạnh phúc thay vì một tâm thức bệnh hoạn để chịu đựng một thế giới bệnh hoạn, đìu hiu, hỗn loạn và khổ đau.
Đức Akong Tulku Rinpoche
Việt ngữ: Nguyễn An Cư