Điều gì cần làm trước khi quy y |

Điều gì cần làm trước khi quy y

Tham khảo Thực hành

Quy y mở ra cánh cửa đi vào tất cả những giáo lý và phương pháp hành trì. Cũng như thế, chính tín tâm mở ra cánh cổng đưa ta đến với quy y. Do vậy, bước đầu quan trọng trong việc quy y là phải phát triển một tín tâm kiên cố và lâu dài. Tín tâm hay niềm tin gồm có ba loại: niềm tin sống động (vivid faith), niềm tin tha thiết, và niềm tin kiên định. 

NIỀM TIN SỐNG ĐỘNG 

Niềm tin sống động là niềm tin được thôi thúc trong chúng ta qua việc chúng ta nghĩ tưởng về lòng bi mẫn bao la của chư Phật và những bậc Thầy vĩ đại. Chúng ta có thể kinh nghiệm loại tín tâm này khi viếng thăm một ngôi chùa có nhiều biểu tượng cho thân, khẩu, ý của chư Phật, hoặc sau một cuộc gặp gỡ một vị Thầy hay một thiện tri thức vĩ đại mà ta vừa đích thân diện kiến, hoặc khi nghe về những phẩm hạnh hay tiểu sử của những vị Thầy. 

NIỀM TIN THA THIẾT 

Niềm tin tha thiết là lòng nhiệt thành của chúng ta muốn thoát khỏi những đau khổ của ba cõi thấp khi chúng ta được nghe mô tả về những cõi thấp; sự nhiệt thành của chúng ta muốn vui hưởng hạnh phúc của những cõi cao và của con đường giải thoát khi chúng ta được nghe về những cõi cao và về con đường giải thoát; sự nhiệt thành của chúng ta để dấn mình vào những thiện hạnh khi ta nghe nói về những lợi ích mà những thiện hạnh này sẽ mang lại cho chúng ta; và sự nhiệt thành của chúng ta để tránh xa ác hạnh khi ta hiểu được về những tổn hại mà những hành vi bất thiện sẽ gây ra. 

NIỀM TIN KIÊN ĐỊNH 

Niềm tin kiên định là niềm tin vào Tam Bảo khởi lên từ đáy lòng ta một khi chúng ta thấu hiểu được những đức tánh phi thường và năng lực gia hộ mà Tam Bảo có thể đem đến cho chúng ta. Đây chính là toàn bộ niềm tin duy nhất nơi Tam Bảo xuất phát từ nhận thức rằng Phật, Pháp, Tăng là nơi nương tựa duy nhất không bao giờ vơi cạn, mãi mãi muôn đời và trong tất cả mọi hoàn cảnh, cho dù chúng ta đang hạnh phúc, buồn bã, đau đớn, bệnh tật, dù sống hay chết.* 

Đức Tôn Quý xứ Oddiyana đã nói rằng: 

Sự chí tâm chí thành cho phép lực gia trì thấm nhập vào hành giả.  
Khi tâm thoát khỏi mọi nghi ngờ, thì bất kỳ điều gì các con mong muốn cũng có thể thành tựu.

Do đó, tín tâm giống như một hạt giống, từ đó mọi điều thiện có thể tăng trưởng. Nếu thiếu tín tâm, hạt giống như thể bị thiêu đốt. Trong kinh có nói: 

Đối với những người thiếu tín tâm  
Không có điều thiện nào được phát triển,  
Cũng như từ một hạt giống đã bị thiêu đốt  
Sẽ chẳng bao giờ có chồi xanh nào mọc được.

Trong bảy báu vật cao quý (thất thánh bảo), tín tâm là điều quan trọng nhất. Có câu nói rằng: 

Bánh xe quý báu của tín tâm  
Cả ngày lẫn đêm lăn trên con đường đức hạnh.

Tín tâm là nhiên liệu quý báu nhất trong tất cả những tài nguyên mà chúng ta có được. Tín tâm đem lại một nguồn đức hạnh vô tận, giống như một kho tàng. Tín tâm cưu mang chúng ta suốt trên con đường giải thoát giống như đôi chân, và thâu thập mọi điều tốt đẹp cho chúng ta như đôi tay.

* Điều này có nghĩa là tín tâm của chúng ta đối với pháp môn quy y sẽ khiến cho chúng ta có khả năng đối phó với những kinh nghiệm xảy ra trong thân trung ấm (bardo) sau cái chết. 

Tín tâm là tài sản và kho tàng vĩ đại nhất, là đôi chân tốt đẹp nhất;  
Là nền tảng để thâu thập mọi đức hạnh, giống như đôi tay.

Lòng bi mẫn và lực gia trì của Tam Bảo ban cho chúng ta thì thật không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên năng lực gia trì này có thể thấm nhập một cách sâu đậm trong ta hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào tín tâm và lòng quy ngưỡng của ta đối với Tam Bảo. Nếu bạn có tín tâm và lòng quy ngưỡng bao la, thì lực gia trì và lòng bi mẫn mà bạn nhận được từ vị Thầy của bạn và từ Tam Bảo cũng sẽ bao la tương đương như vậy. Nếu tín tâm và lòng quy ngưỡng của bạn chỉ ở mức độ trung bình thì lòng bi mẫn và lực gia trì mà bạn nhận được cũng sẽ trung bình. Nếu tín tâm và lòng quy ngưỡng của bạn thật ít ỏi, thì chỉ có rất ít lòng bi mẫn và lực gia trì sẽ đến với bạn. Nếu bạn hoàn toàn không có lòng tin và sự quy ngưỡng nào thì bạn sẽ tuyệt đối không nhận được gì cả. Nếu không có lòng tin thì ngay cả việc được gặp Đức Phật và được Ngài nhận làm đệ tử cũng hoàn toàn chẳng có ích lợi gì, giống như đối với nhà sư Thiện Tinh (Sunaksatra) mà câu chuyện của ông đã được kể ở chương trước, và với người anh em bà con của Đức Phật là ông Devadatta (Đề Bà Đạt Đa). 

Ngay cả ngày nay, bất kỳ khi nào Đức Phật được khẩn cầu với tín tâm và lòng quy ngưỡng chân thành, thì Ngài hiện diện ở đó và gia hộ cho ta. Đối với lòng bi mẫn của Đức Phật thì không có chuyện gần hay xa. 

Đối với tất cả những ai nghĩ tưởng tới Ngài với tín tâm  
Đức Phật hiện diện ở đó trước mặt họ  
Và sẽ ban truyền quán đảnh và từ bi gia hộ cho họ.

Và Đạo Sư vĩ đại xứ Oddiyana có nói: 

Đối với tất cả thiện nam tín nữ có lòng tin nơi ta,  
Ta, Liên Hoa Sanh,  
Chưa hề rời xa – Ta ngủ bên cửa nhà họ.  
Với Ta, không có cái chết;  
Trước mặt mỗi người có tín tâm,  
đều có một Liên Hoa Sanh.

Khi ta có niềm tin kiên cường, lòng bi mẫn của Đức Phật có thể hiện diện trong bất kỳ sự việc gì. Điều này được minh họa qua câu chuyện của một bà lão sùng tín được cứu giúp để đạt được Phật Quả nhờ vào một cái răng của một con chó. 

Ngày xưa có một bà cụ, con trai bà là một thương gia. Anh ta thường đi Ấn Độ buôn bán. Một hôm bà cụ nói với con: “Ở Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ có Đức Phật Toàn Giác. Con hãy đem về cho mẹ một vài thánh tích đặc biệt từ Ấn Độ để mẹ có thể đảnh lễ.” Bà lập lại lời thỉnh cầu nhiều lần, nhưng người con thường quên lãng và chẳng bao giờ đem về cho bà những gì bà yêu cầu. 

Một hôm, khi người con đang chuẩn bị đi Ấn Độ thêm một lần nữa, bà mẹ nói: “Lần này, nếu con không đem về vật gì để mẹ đảnh lễ thì mẹ sẽ tự sát trước mặt con!” 

Người con đi Ấn Độ, kết thúc việc mua bán như đã dự định và lên đường trở về nhà, một lần nữa lại quên điều yêu cầu của mẹ. Chỉ khi về gần tới nhà anh ta mới chợt nhớ ra. 

“Nay ta sẽ phải làm gì?” anh tự nghĩ. “Ta đã không mang được thứ gì về để cho mẹ già của ta đảnh lễ. Nếu ta về nhà tay không, bà sẽ tự sát!” 

Nhìn quanh, anh ta thấy một cái đầu chó đang nằm trên đất gần đó. Anh ta nhổ một cái răng và dùng miếng lụa gói lại.

Về đến nhà, anh đưa nó cho mẹ và nói: “Đây là một trong những răng nanh của Đức Phật. Mẹ có thể dùng nó để trợ giúp cho mẹ khi cầu nguyện.” 

Bà lão tin lời con. Bà có lòng tin mãnh liệt nơi chiếc răng, hoàn toàn như thể đó thực sự là chiếc răng của Phật. Bà luôn luôn cúng dường và đảnh lễ, và từ chiếc răng chó xuất hiện nhiều hạt ngọc kỳ diệu. Khi bà lão chết, một vòm ánh sáng cầu vồng xuất hiện quanh bà cùng những dấu hiệu khác của sự thành tựu. 

Một cái răng chó thì không chứa đựng chút lực gia trì nào. Nhưng lòng tin của bà lão mãnh liệt tới nỗi bà đoan chắc rằng nó thực sự là răng của Đức Phật. Nhờ niềm tin của bà, chiếc răng thấm đẫm ơn gia hộ của Đức Phật, cho tới cuối cùng thì cái răng chó không khác gì chiếc răng Phật thực sự. 

Xưa kia, trong tỉnh Kongpo, có một người chất phác mà sau này được biết với cái tên Jowo Ben. Ông làm một cuộc hành trình tới miền Trung Tây Tạng để gặp Jowo Rinpoche.** 

Thoạt đầu khi ông tới trước tượng thì quanh đó không có người giữ chùa hay bất kỳ ai khác. Thấy thực phẩm cúng dường và đèn bơ ở trước pho tượng, ông tưởng tượng thấy Jowo Rinpoche nhúng bánh cúng vào bơ chảy lỏng trong các ngọn đèn và ăn chúng. Ông tin rằng những ngọn tim đèn cháy sáng là để làm cho bơ tan lỏng. 

“Ta nghĩ rằng tốt hơn mình nên ăn một ít giống như Jowo Rinpoche,” ông tự nghĩ và nhúng một miếng bánh bột lấy từ bánh torma cúng dường vào trong bơ rồi ăn. Ông nhìn vào khuôn mặt đang tươi cười của Ngài Jowo. 

“Ngài thật là một Lạt Ma tốt bụng,” ông nói. “Ngay cả khi chó đến ăn trộm thực phẩm được cúng dường của Ngài, Ngài cũng mỉm cười; khi gió lùa làm những ngọn đèn của Ngài kêu xèo xèo, Ngài vẫn mỉm cười. Đây, tôi gởi Ngài đôi giày ủng. Làm ơn trông chừng chúng một lát dùm tôi trong khi tôi đi nhiễu quanh Ngài.”*** 

*** Việc ăn những món cúng dường và dựng đôi giày của ông ta trước pho tượng được coi là một hành vi phạm thượng, khiếm nhã. 

Ông cởi giày đặt trước tượng. Trong lúc ông đang đi nhiễu quanh con đường chính chạy quanh ngôi chùa thì người giữ chùa nhìn thấy đôi giày ủng. Ông ta sắp ném đôi giày ra ngoài thì bức tượng nói: 

“Không được ném chúng đi. Kongpo Ben đã gởi đôi giày này cho ta!” 

Cuối cùng Ben trở lại và lấy đôi giày. 

“Người ta gọi Ngài là một Lạt Ma tốt bụng quả là không sai”, ông nói với pho tượng. “Sang năm Ngài lại đến thăm chúng tôi nữa nhé. Tôi sẽ giết một con heo già để nấu cho Ngài và đãi Ngài ít bia lúa mạch đã được cất lâu năm, rất hấp dẫn.” 

Ngài Jowo nói: “Ta sẽ đến.” 

Ben trở về nhà và nói với vợ: “Tôi đã mời Ngài Jowo Rinpoche, thế nhưng tôi không biết chính xác chừng nào Ngài tới, vậy làm ơn đừng quên để mắt đến Ngài.” 

Một năm trôi qua. Một ngày nọ, khi đang kéo nước trên sông, vợ của Ben thấy rõ ràng bóng phản chiếu của Ngài Jowo Rinpoche trên mặt nước. 

Bà lập tức chạy về nhà nói với chồng “Có cái gì ở dưới đó, trong con sông…tôi không rõ đó có phải là người mà ông mời không.” 

Ben chạy ra sông và thấy Jowo Rinpoche sáng ngời trong nước. Cho là Ngài bị chìm xuống sông, Ben nhảy xuống. Khi chộp được linh ảnh, ông thấy là có thể thực sự nắm được linh ảnh ấy và đem linh ảnh đi theo. 

Khi gần đến nhà Ben, họ tới trước một tảng đá khổng lồ bên đường. Ngài Jowo không muốn đi xa hơn nữa. 

“Ta không vào nhà của cư sĩ,” Ngài nói, và biến mất vào tảng đá. 

Địa điểm mà người ta nhìn thấy Ngài Jowo hiện đến nay được gọi là Jowo Dolé, còn dòng sông nơi linh ảnh của Ngài xuất hiện thì có tên là Sông Jowo. Thậm chí ngày nay, người ta nói rằng địa điểm mà Ngài Jowo hiện ra cũng có thể ban ơn gia hộ cho chúng ta tương tự như tượng Ngài Jowo ở Lhasa, và mọi người đều đến nơi đây để đảnh lễ và cúng dường. Chính nhờ sức mạnh của niềm tin kiên định mà Ben đã trực nhận được lòng từ bi của Đức Phật. Mặc dù ông ăn bơ từ các ngọn đèn và ăn thực phẩm lấy từ các món cúng dường, lại đặt đôi giày trước tượng Ngài Jowo – bình thường thì những hành vi này toàn là điều sai trái – nhưng sức mạnh của niềm tin của ông đã làm cho những việc làm này trở nên hoàn toàn tốt đẹp. 

Thêm nữa, cũng chỉ duy nhất nương nơi tín tâm mà việc ta thực chứng được chân lý tuyệt đối – trạng thái như nhiên – sẽ được phát sinh. Trong một quyển Kinh có nói: 

Ô, Xá Lợi Phất, chân lý tuyệt đối chỉ được chứng ngộ nương nơi tín tâm. 

Khi bạn phát triển được một tín tâm hoàn toàn siêu vượt những gì tầm thường, thì nhờ năng lực của tín tâm siêu phàm ấy mà lực gia trì của Thầy của bạn và của Tam Bảo sẽ thấm nhập vào bạn. Sau đó, bạn sẽ đạt được những chứng ngộ đích thực và sẽ trực nhận được trạng thái như nhiên. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ cảm thấy một niềm tin mãnh liệt và có được lòng xác tín thậm chí còn phi thường và kiên cố hơn nữa, nơi Thầy của bạn và nơi Tam Bảo. Theo đó, tín tâm và việc đạt đuợc trạng thái như nhiên hỗ trợ lẫn nhau. 

Trước khi từ giã Ngài Jetsun Mila, Dagpo Rinpoche hỏi Ngài khi nào ông nên bắt đầu giảng dạy. 

Ngài Jetsun trả lời: “Một ngày kia con sẽ chứng ngộ được cái thấy trong sáng phi thường về bản tánh của chân tâm của con, hoàn toàn khác biệt với cái thấy con hiện có. Vào lúc đó, niềm tin kiên định sẽ xuất hiện trong con và con sẽ nhận ra ta, người cha già của con, như một vị Phật đích thực. Đó là lúc con nên bắt đầu giảng dạy.” 

Do đó, khả năng ta có được để đón nhận lòng từ bi và lực gia trì từ Thầy của ta và từ Tam Bảo hoàn toàn phụ thuộc vào lòng quy ngưỡng và tín tâm. 

Có lần một đệ tử thỉnh cầu đạo sư Jowo Atisa: “Ngài Jowo, xin ban phước cho con” 

“Đệ tử giải đãi,” Ngài Atisa trả lời: “hãy cho ta lòng quy ngưỡng của ngươi…” 

Như thế, thật vô cùng cần thiết để có lòng tin cậy kiên cố và tuyệt đối, phát sinh từ một tín tâm và lòng quy ngưỡng phi thường. Điều đó mở ra cánh cửa để thọ nhận quy y.

Đức Patrul Rinpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung