Chúng phải chấp nhận những giới hạn của việc sinh ra trong sắc thân con người. Chúng ta phải chấp nhận cái cảm giác bị chia cách và cô lập với thế giới chung quanh, và cái cảm giác luôn bị thúc đẩy và lôi kéo về những đối tượng của ngũ dục. Đây chỉ là một phần của cái nghiệp tái sinh. Đây chính là thực tế của việc sinh ra trong sắc thân con người. Nhưng chúng ta không phán đoán những điều này là tốt hay xấu, hay cho thân này là của tôi, hay cho nó phải như thế này hay thế khác. Trái lại, chúng ta chỉ ghi nhận. Để làm được điều này, chúng ta phải chánh niệm — nghĩa là phải có khả năng quán sát và mở rộng tâm thức — để thấy thực tại như nó đang xảy ra. Vì thế, cái thế gian mà chúng ta cảm nhận qua sắc thân làm người này chính là cơ sở để chúng ta thực hành giáo pháp. Thế gian này luôn luôn có cái gì đó để dạy chúng ta. Nó luôn là nơi nương tựa và là thầy dạy của chúng ta.
Như bạn sẽ thấy, cách quán tưởng này sẽ đổi hướng nhìn của bạn về cuộc đời. Sự chết thường bị xem là một bi kịch, một cái gì kinh khủng và hãi hùng; Thậm chí có người cho rằng suy nghĩ về cái chết là bệnh hoạn. Nhưng theo tôi, quán tưởng về cái chết là rất quan trọng vì cái chết chắc chắn sẽ đến với tôi. Điều chắc chắn duy nhất sẽ xảy ra trên đời này chính là sự chết. Tất cả thân xác này rồi sẽ hoại diệt. Cái chết của sắc thân này là một trong những biến cố quan trọng của đời người. Trong khi hành thiền, chúng ta học cách làm sao để chết; chúng ta học cách để cho mọi việc xảy diễn ra theo đúng bản chất của nó, học cách mở rộng tâm thức, tiếp nhận, và sống hài hòa với sự vận hành của các pháp. Và “sự vận hành của các pháp” bao gồm tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trong đời sống của mình — kể cả bệnh tật, già nua, và sự chết.
Ngay cả nếu bạn là người khoẻ mạnh từ lúc sinh ra đến lúc chết, bạn cũng không tránh được tuổi già và chết. Vì thế chúng ta quán sát già, bệnh, và chết, không phải vì chúng ta bệnh hoạn, mà vì đây chính là tiến trình của cuộc sống mà chúng ta phải đi qua. Suốt đời mà bạn cứ thích thú lo sưu tầm các loại bươm bướm đẹp hay những tượng nhỏ bằng gốm sứ quý nhập từ Ba Tư và không biết gì đến những tiến trình rất cơ bản của kiếp nhân sinh thì quả là một điều buồn cười và dại dột. Khi tôi sắp lìa đời, những con bươm bướm đẹp hay những tượng nhỏ bằng gốm sứ quý giá kia không thể nào an ủi tôi được.
Đức Ajahn Sumedho
Việt dịch: Liên Trí
Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng