Orgyen Tobgyal Rinpoche[1] vốn luôn yêu thích lịch sử, đặc biệt là lịch sử tôn giáo. Vì vậy, từ khi Ngài nghe nói về Jerusalem và sự linh thiêng của nơi này với ba trong số những tôn giáo phổ biến nhất trên thế giới, Ngài đã muốn đến đó. Khi Ngài tình cờ đề cập đến mong muốn viếng thăm Thành Thánh với vài đệ tử Rigpa từ Israel, họ lập tức tổ chức một chuyến viếng thăm và trong tháng 7 năm 2011, Rinpoche đã đến Jerusalem.
Trong ba ngày, Rinpoche đã ở trong một căn phòng đẹp đẽ nhìn về Bức Tường Than Khóc, nơi đánh dấu ranh giới phía Tây của địa điểm Do Thái linh thiêng nhất – Núi Đền. Ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành và yên lặng hành trì, Rinpoche ngắm nhìn dòng tín đồ không ngơi nghỉ hướng về bức tường 4000 năm tuổi và đến Vòm Đá phía trên – trung tâm vũ trụ với người Do Thái và Hồi Giáo.
Moshe, một cựu đặc công, đã đồng hành cùng Rinpoche và những tu sĩ của Ngài qua các con đường chật hẹp, quanh co, theo bước chân của Solomon và David, những kẻ chiếm cứ từ La Mã, và dĩ nhiên, Chúa Jesus và Mahomet. Và Rinpoche thừa nhận rằng Ngài là ‘du khách’ lạ thường nhất được giao phó cho Moshe chăm sóc. Ở khắp mọi nơi trong thành phố linh thiêng này, các giáo sĩ Do Thái và tín đồ đội mũ lông lớn và áo khoác ngoài màu đen nặng nề, hối hả trên những con phố nhỏ cổ xưa. Rinpoche nói rằng nhiều người trong số họ trông khá ‘điên’. Sau đấy, Ngài bổ sung rằng, “Khi Tôn giả Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất rời khỏi khu rừng, hai vị trông cũng gần như điên khùng với những dân làng mà họ gặp – ngày nay, hầu hết tu sĩ Phật giáo trông quá giống người bình thường!”.
Vào ngày thứ tư, Rinpoche và đoàn của Ngài được đưa qua sa mạc để đi ‘tắm’ ở Biển Chết, sau đó, hướng về phía Bắc đến Tel-Aviv, nơi Ngài được Tăng đoàn Rigpa và những đệ tử của Chokyi Nyima Rinpoche[2] thỉnh cầu giảng dạy. Với sự sáng suốt thông tuệ đặc trưng, Rinpoche miêu tả cách thức những yếu tố khác nhau của con đường hòa hợp với nhau và cần được tiếp cận bởi các hành giả Nyingma hiện đại – đặc biệt là đệ tử Rigpa. Và vào buổi tối trước khi rời đi, Rinpoche kiên nhẫn giải đáp mọi thắc mắc của các đệ tử Rigpa, như một cách để tri ân họ vì đã tổ chức chuyến viếng thăm của Ngài và chăm sóc Ngài rất chu đáo.
Đây là giáo lý mà Rinpoche ban vào ngày 23 tháng 7 năm 2011. Trong đó, Ngài chỉ ra cách mà những giáo lý khác nhau – sự xả ly (Căn bản thừa), Bồ đề tâm (Đại thừa) và thực hành Bổn tôn (Kim Cương thừa) – phù hợp với nhau trên con đường Dzogchen[3], vai trò của chúng và cách thức hành trì. Luôn luôn đơn giản mà thực tiễn, giáo lý của Rinpoche đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Khi đọc nó, không có cách nào để bạn có thể nói rằng bạn không biết cách thức đạt giác ngộ!
Rinpoche nói một cách hùng hồn về đạo sư tâm linh, cách liên hệ với vị ấy và tầm quan trọng của lòng sùng mộ: “Từ quan điểm của con đường Đại Viên Mãn Dzogchen, để tích lũy công đức, lòng sùng mộ là rất quan trọng!”. Thông điệp bao quát của Rinpoche là nhảy quá nhanh vào con đường Dzogchen và chỉ thực hành mỗi Dzogchen thì đơn giản là chưa đủ. Ngài tiếp tục vạch ra cho chúng ta, với sự sáng suốt rõ ràng, điều mà chúng ta phải làm và lý do, sau đó dẫn dắt chúng ta đến việc nghiên cứu các giải thích và luận giải có sẵn – chẳng hạn Lời Vàng Của Thầy Tôi – để giúp mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm cho con đường của bản thân. Rinpoche cảm thấy công việc của Ngài là cung cấp cho chúng ta bản đồ về mọi thứ mà chúng ta cần hiểu để đi theo con đường Đại Viên Mãn Dzogpa-Chenpo cho đến sự giác ngộ.
Sáng tỏ. Không phức tạp. Dứt khoát.
GIỚI THIỆU
Những giáo lý Luật Tạng thuật lại rằng Phật Thế Tôn nói rằng, “Hãy tụ tập cùng với bạn bè để nói về Giáo Pháp”. Và những người bạn cần tụ tập lại để chia sẻ Giáo Pháp, bởi nói về Giáo Pháp giúp chúng ta hiểu về giáo lý, xua tan nghi ngờ hay do dự và khiến sự hành trì của chúng ta trở nên ổn định.
Nói chung, những giáo lý của Đức Phật nằm trong chín thừa tuần tự. Để đi theo những thừa này, bạn cần nương tựa một đạo sư. Những vị đi theo hai con đường của các thừa căn bản nương tựa một ‘thiện tri thức tâm linh’; khi họ thọ các giới luật của sự giải thoát cá nhân [Biệt Giải Thoát Giới] và thọ nhận những giáo lý liên quan, họ xem vị thầy là ‘người cha’ và bản thân là ‘những đứa con’.
Trong Đại thừa – thừa của những vị Bồ Tát – các đệ tử nghĩ về đạo sư của họ là một ‘bác sĩ’ và những giáo lý của Ngài là ‘thuốc’, nghĩ rằng, “Nếu áp dụng những giáo lý này, tôi sẽ được chữa trị; nếu không, tôi sẽ chết”.
Để đi theo Kim Cương thừa, các đệ tử trước tiên cần thọ nhận một quán đỉnh, bởi không có quán đỉnh, bạn không được phép lắng nghe những giáo lý. Vị đạo sư [Lama] mà từ Ngài, bạn thọ nhận quán đỉnh, thứ thuần thục bạn cho con đường Kim Cương thừa, phải được nhìn nhận là ‘Thủ lĩnh của Đàn tràng’, điều cũng là cách mà bạn cần nhìn nhận Ngài khi Ngài ban cho bạn ‘những chỉ dẫn giải thoát’ của Kim Cương thừa – nói cách khác, khi bạn thọ nhận giáo lý.
Khi thọ nhận những giáo lý từ thừa của Đại Viên Mãn Dzogpa-Chenpo, chúng ta thấy đạo sư chính là Đức Phật, bởi bậc thầy chỉ cho chúng ta một cách rõ ràng rằng tâm của chính chúng ta là Phật. Kiểu trao truyền này phải được ban bởi một vị đạo sư, nhưng nếu chúng ta không thấy vị đó là Phật, chúng ta không thể thực sự thọ nhận chỉ dẫn.
Buổi nói chuyện hôm nay không liên quan gì đến chúng bởi tôi không phải một vị thầy và chẳng có phẩm tính nào của một đạo sư. Ở đây, tôi chỉ là một khách du lịch. Và các bạn cần biết rằng tôi hiếm khi giảng dạy. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới nói vài lời để làm sáng tỏ những điểm quan trọng trong giáo lý, nhưng chỉ như một cách để giúp đỡ và hỗ trợ Sonam Gyaltsen Rinpoche.
Tôi đã du hành đến khắp nơi trên thế giới. Ban đầu như một thị giả của Dilgo Khyentse Rinpoche[4] và sau đó thì vì sở thích của bản thân. Dẫu vậy, tôi đã bước sang tuổi sáu mươi mà chưa từng viếng thăm đất nước Israel vô cùng nổi tiếng, nơi mà tôi đã nghe nói rất nhiều khi còn là một đứa trẻ và luôn cảm thấy rằng tôi muốn đến thăm. Bởi tôi đã ở đây, Philip nói rằng tôi cũng có thể ban một giáo lý; vì thế, tôi đồng ý. Thực sự tôi đã hứa khả và đó là cách mà cuối cùng thì tôi ngồi trên chiếc ghế này.
NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA MỘT ĐẠO SƯ
Kiến thức, Chứng ngộ, Hoạt động Tích cực
Nói chung, một Lama ban giáo lý cần có ba phẩm tính: (1) Ngài phải thông tuệ, (2) Ngài phải có kinh nghiệm và sự chứng ngộ của thực hành và (3) Ngài phải làm chủ các hoạt động tích cực.
Những giáo lý cũng giải thích rằng chỉ thông tuệ thì chưa hữu ích và rằng Ngài phải đưa Giáo Pháp mà Ngài đã nghiên cứu vào hành trì. Nhờ thực hành, Ngài phát triển các phẩm tính của kinh nghiệm thiền định và sự chứng ngộ và khi những kinh nghiệm này đã thâm nhập tâm Ngài, những giáo lý của Ngài mới lợi lạc. Nếu Ngài không thực hành những giáo lý mà Ngài nghiên cứu, cố gắng giảng dạy chúng sinh khác sẽ là vô ích.
Hãy lấy ví dụ về một người đàn ông dành cả đời nói về lòng bi mẫn và Bồ đề tâm cũng như sự tuyệt vời của nó. Anh ta nói về cách thức phát khởi lòng bi mẫn, cách mà sự giác ngộ trọn vẹn đến từ việc vun bồi lòng bi mẫn và v.v. nhưng dù có thể giải thích giỏi thế nào, bởi anh ấy không bao giờ áp dụng giáo lý về lòng bi mẫn cho bản thân, có lợi lạc nào từ việc nói mãi về nó? Chẳng có gì hết! Không có lòng bi mẫn trong tâm, sẽ chẳng có lợi lạc nào! Mặt khác, những giáo lý của người không giỏi trong việc nói về nó, nhưng đã thiền định về các giai đoạn khác nhau và đã phát triển một nhận thức tự nhiên về lòng bi mẫn trong chính mình, sẽ có ảnh hưởng tức thì với chúng sinh khác. Giảng dạy Giáo Pháp mà không thực hành thì giống như nói rằng, “Tôi sẽ trao cho bạn tất cả của cải của Hoa Kỳ!”. Nhưng, bởi bạn không sở hữu của cải đó, làm sao bạn có thể trao nó?
Điều này đúng với tất cả chín thừa. Bất cứ Giáo Pháp nào, một vị thầy phải thực hành và đã làm chủ ít nhất vài kết quả của sự hành trì.
Một vị thầy, người đã trở nên ‘uyên bác’ và có kinh nghiệm cũng như sự chứng ngộ từ thực hành tự động làm chủ khía cạnh thứ ba: hoạt động tích cực. Các ‘hoạt động tích cực’ là những hoạt động bạn tiến hành vì chúng sinh khác, được thúc đẩy bởi lòng bi mẫn và vị tha. Bất cứ điều gì bạn làm, thứ không làm lợi lạc chúng sinh khác, sẽ không nằm trong kiểu này.
Giống như cách mà bản chất của mặt trời là nó tỏa ra sự ấm áp và những tia sáng, một đạo sư, người sở hữu hai phẩm tính của sự thông tuệ cùng với kinh nghiệm và sự chứng ngộ – thứ là kết quả của sự hành trì, sẽ tự nhiên hành động vì lợi lạc của chúng sinh khác. Trong hai khía cạnh này, điều thứ hai, sự hành trì, là quan trọng nhất. Bởi sẽ chẳng có kết thúc về điều mà chúng ta có thể học, thực hành bất cứ điều gì bạn nghiên cứu và rằng sự hành trì của bạn đem đến kết quả thì quan trọng hơn nhiều việc dành tất cả thời gian để nghiên cứu. Các phẩm tính của Giáo Pháp thì không thể nghĩ bàn và vì thế, một vị đạo sư đã phát triển những phẩm tính này sẽ luôn luôn hiển bày và hành động vì lợi lạc của chúng sinh khác.
Uyên bác, Kỷ luật và Từ ái
Người ta cũng nói rằng chư đạo sư cần phải có ba phẩm tính khác: Ngài phải uyên bác, kỷ luật và từ ái.
Phẩm tính đầu tiên về sự uyên bác nghĩa là một vị thầy phải có khả năng giải thích những giáo lý của từng thừa mà không thành kiến và Ngài cần phải làm chủ không chỉ từ ngữ mà cả ý nghĩa của từng giáo lý. Ngoài ra, chỉ đơn thuần có thể giải thích những giáo lý thì chưa đủ. Vị đạo sư phải biết mọi khía cạnh khác nhau của chín thừa tuần tự và có khả năng giải thích rõ ràng Tri Kiến, Thiền Định, Hành Động, Các Nguyên Tắc và Đặc Tính Riêng Biệt của từng thừa, không trộn lẫn chúng. Đó là cách mà chư đạo sư phải giảng dạy, nếu không, những giáo lý sẽ giống như một kiểu súp. Chúng ta nấu súp thế nào? Bằng cách trộn những thành phần khác nhau, thứ sau đó không thể phân biệt với nhau khi đã được nấu. Tương tự, một vị thầy có thể giảng dạy cho bạn trong một hay hai giờ và sau bài giảng, bạn thậm chí có thể cảm thấy kinh ngạc trước điều mà bạn vừa nghe, nhưng lợi lạc chỉ là nó làm tâm bạn thoải mái một chút, giống như xem một bộ phim giúp bạn thư giãn. Và khi bạn cố gắng sử dụng điều bạn vừa nghe để thực hành Giáo Pháp một cách chân chính, ‘sự hiểu’ mà bạn có được từ ‘sự giảng dạy’ đó sẽ chẳng cho phép điều đó.
Khi Đức Phật giảng dạy, Ngài không bao giờ trộn lẫn các giáo lý khác nhau. Giống như thế, một đạo sư tốt trước tiên có thể xác định nhu cầu của những vị mà Ngài sắp nói với, sau đó, giảng dạy cho họ một cách tương ứng. Và bởi mỗi hữu tình chúng sinh thì có căn cơ và thiên hướng riêng, Đức Phật đã giảng dạy tám vạn bốn nghìn Pháp môn.
Bên cạnh sự uyên bác, vị thầy cũng phải có kỷ luật, tức là khía cạnh thứ hai. Điều này là bởi mỗi lời hứa mà chúng ta phát khởi trên con đường – từ các giới luật của quy y cho đến những thệ nguyện Samaya của Đại Viên Mãn – phải được duy trì. Và nếu bạn giữ gìn các giới của mỗi thừa, bạn sau đó có thể bảo người khác làm vậy – để có khả năng bảo người khác giữ giới, tự thân vị đạo sư phải giữ gìn chúng. Đó là ý nghĩa của ‘kỷ luật’.
Nếu bạn đã xem xét mọi phẩm tính cần thiết trong một ‘đạo sư’, sẽ dễ dàng để thấy rằng bản thân tôi thì không phải là một ‘Lama’. Tuy nhiên, tôi đã đi theo và thực hành Giáo Pháp từ thuở ấu thơ và đã thọ nhận giáo lý từ 55 vị thầy khác nhau – khá là nhiều giáo lý. Trong suốt cuộc đời, Giáo Pháp là điều rất quan trọng với tôi và tôi luôn cầu nguyện rằng tôi sẽ trở thành một hành giả Giáo Pháp chân chính.
1. PHẬT GIÁO LÀ GÌ?
Đầu tiên, về thuật ngữ ‘Phật giáo’ [Buddh-ism trong Anh ngữ] này. Thực sự chẳng có điều gì là ‘Phật-giáo’. Một truyền thống tôn giáo mới được gọi là ‘Phật giáo’ chưa từng được ‘tạo ra’.
‘Luân hồi là Khổ’
Cách tiếp cận của những vị đi theo giáo lý của Đức Phật là, đầu tiên, bạn phải nhận ra xem ‘luân hồi’, vòng tròn của sự tồn tại, thực sự là gì. Đức Phật giải thích rằng ‘luân hồi là khổ’ và trong luân hồi, thứ trải nghiệm khổ đau là tâm. Vì vậy, trước tiên, chúng ta cần hỏi bản thân: luân hồi có phải là khổ hay không? Khi bạn nhận ra rằng luân hồi là khổ, bạn sẽ bước vào được cộng đồng Phật giáo. Nếu bạn nghĩ rằng luân hồi không phải là ‘khổ’, rằng nó thực sự cũng khá tốt đẹp, bạn không cần đến những giáo lý của Đức Phật.
Đức Phật nói với chúng ta rằng, ‘luân hồi là khổ’, nhưng Ngài không chỉ nói mỗi vậy. Ngài còn chỉ cho chúng ta con đường giải thoát chúng ta khỏi khổ đau.
Không đơn thuần lý thuyết nữa, hãy thực hành!
Mặc dù Đức Phật cuối cùng đã giảng dạy các phương pháp giải phóng chúng ta khỏi khổ đau, ban đầu, chính Ngài đã đi theo con đường sai lầm và dành ba vô lượng kiếp trôi lăn trong luân hồi trước khi giải phóng bản thân bằng cách chứng ngộ Phật quả. Và khi giảng dạy, Ngài chỉ nói về điều Ngài thực sự trải nghiệm. Ngài không lý thuyết hóa hay xuyên tạc các sự thật theo bất kỳ cách nào. Ví dụ, Đức Phật nói rằng nếu bạn hành xử tiêu cực bằng cách sát sinh, khi hành động tiêu cực đó chín muồi, nó sẽ định đoạt cách mà bạn trải nghiệm luân hồi. Tương tự, nếu bạn ‘giải phóng’ hay bảo vệ sinh mạng, bạn sẽ trải nghiệm kết quả thích hợp. Về cơ bản, Đức Phật chỉ nói với chúng ta cách thức mà mọi thứ thực sự là.
Phật tính
Đức Phật nói rằng các cõi cao hơn trong luân hồi cung cấp nền tảng để trải nghiệm một cấp độ nào đó của niềm vui và hạnh phúc, trong khi các cõi thấp hơn thì không. Trong các cõi thấp hơn, chúng sinh chỉ ngày càng chìm sâu hơn trong khổ đau. Trong ba cõi cao hơn, nơi tốt nhất để tái sinh, theo Đức Phật, là cõi người, trong một thân người.
Mọi hữu tình chúng sinh trong sáu cõi giới của sự tồn tại đều có cùng một phẩm tính: họ đều có ‘nền tảng’ của sự giải thoát khỏi khổ đau. ‘Nền tảng’ này là gì? Đó là Phật tính – tâm thoát khỏi mê lầm. Chúng ta phải có ‘nền tảng’ này để đi theo con đường giác ngộ và cũng chính ‘nền tảng’ này là thứ đưa chúng ta chìm sâu hơn trong luân hồi.
Tâm – về cơ bản là Phật tính – của một người đang trôi lăn bất tận trong luân hồi thì không khác với tâm của Đức Phật; nền tảng là giống nhau. Điểm khác biệt duy nhất là một vị thì mê lầm trong khi vị kia thì không. Đức Phật đã giải thích sự khác biệt này và điều vô cùng quan trọng là các bạn cần nắm bắt nó ngay từ đầu. Điều các bạn không nên làm là giả bộ tin tưởng thứ gì đó dường như không đúng với bạn – “Đây là những lời linh thiêng”, “Đây là điều Phật đã dạy!”, “Đây là Luật!” hay “Ý tưởng này do người có quyền lực áp đặt cho tôi v.v.”. Đừng nghĩ như vậy, mọi chuyện không phải như thế.
Các đời quá khứ và tương lai
Luân hồi không có khởi đầu, nhưng nó có kết thúc: Phật quả. Chúng ta tái sinh trong luân hồi, đó là nơi mà chúng ta đã sống nhiều đời và sẽ sống thêm nhiều đời trong tương lai. Ngày nay, khoa học không thể chấp nhận các đời quá khứ và tương lai, nhưng vài người với tâm hướng về khoa học vẫn nghĩ rằng, “Chắc hẳn phải có thứ gì đó”; tôi đã phát hiện ra điều này trong những cuộc trò chuyện với nhiều người. Thực sự khá dễ dàng để chứng minh thông qua sự quán chiếu chân thật, khách quan, nhưng chúng ta chẳng cần làm thế hôm nay bởi mọi người ở đây đều là Phật tử!
Như thế, đây là những điểm đầu tiên thực sự quan trọng mà một hành giả cần nắm bắt. Dĩ nhiên, thêm vào đó là lý do mà chúng ta thực hành Giáo Pháp là để giải phóng bản thân khỏi luân hồi. Điều này cũng cần được hiểu rõ ràng. Hãy nghĩ về những lỗi lầm của luân hồi và các phẩm tính của một vị Phật v.v. nhưng tôi cũng không cần phải đi sâu vào điều này. Có nhiều cuốn sách giải thích về những điểm này, vì thế, các bạn cần nghiên cứu chúng.
Đó là điểm đầu tiên mà tôi muốn trình bày.
2. KÍNH TRỌNG CHƯ ĐẠO SƯ
Nếu bạn đã nhận ra rằng, “Tôi phải giải phóng bản thân khỏi luân hồi”, bây giờ bạn cần làm gì? Ồ, con đường đi đến giải thoát là điều mà Đức Phật đã dạy; vì thế, bạn cần nghiên cứu các giáo lý của Ngài và đưa chúng vào thực hành.
Hiện tại, những người như chúng ta không thể gặp Đức Phật; điều đó nghĩa là cách duy nhất để học hỏi về các giáo lý của Đức Phật là theo chân một đạo sư. Điều này cực kỳ quan trọng. Khi mà không còn đạo sư trên thế gian để chỉ cho chúng ta điều cần làm và điều cần tránh, các giáo lý sẽ kết thúc. Nhưng thậm chí nếu chỉ còn một người có thể giải thích đoạn kệ sau đây một cách thích hợp, những giáo lý sẽ vẫn còn ở đây.
“Không làm điều ác,
Làm các điều lành,
Điều phục tâm mình –
Đó là giáo lý của chư Phật[5]”.
Nếu giáo lý này được giải thích và trao truyền nhiều lần cho chúng sinh khác – nếu có một sự liên tục của việc giảng dạy – thì Giáo Pháp của sự trao truyền sẽ tiếp tục tồn tại. Và nếu những đệ tử tiếp tục phát triển một sự hiểu chân chính về giáo lý và sự hành trì và áp dụng chúng như được giảng dạy, thì Giáo Pháp của sự chứng ngộ vẫn còn. Sự hiện diện trên thế giới này của hai khía cạnh của Giáo Pháp – Giáo Pháp của sự trao truyền và Giáo Pháp của sự chứng ngộ – là món quà từ chư đạo sư của chúng ta. Tại sao chúng ta chỉ có thể nhận chúng từ một đạo sư? Bởi chư đạo sư của chúng ta nắm giữ gốc rễ, Giáo Pháp của sự trao truyền, thứ là nền tảng mà từ đó Giáo Pháp của sự chứng ngộ phát triển. Đây là lý do đạo sư lại quan trọng đến vậy.
Mối quan hệ đạo sư-đệ tử
Bây giờ tôi sẽ nói đến điểm chính yếu.
Trong quá khứ, những đạo sư chân chính cực kỳ hiếm. Chỉ những vị đã thọ nhận mọi giáo lý, thực hành chúng và nhờ đó, có linh kiến rõ ràng về Bổn tôn Yidam hay đạo sư của họ, mới giảng dạy. Điều này thậm chí vẫn đúng vào khoảng năm mươi hay sáu mươi năm trước. Không ai giảng dạy Giáo Pháp nếu anh ta chưa thực hành và đạt được các dấu hiệu thành tựu rõ ràng. Tại sao những đạo sư như vậy lại hiếm đến thế? Bởi chư vị nghĩ rằng, “Nếu bản thân tôi vẫn chưa được lợi lạc từ các giáo lý, làm sao tôi có thể làm lợi lạc chúng sinh khác?”. Những vị sẵn lòng ban quán đỉnh thậm chí còn hiếm hơn – ví dụ, Pháp Chủ Patrul Rinpoche[6] đã nói rằng Ngài không có khả năng ban quán đỉnh. Và chỉ một hay hai vị Lama đã giảng dạy Đại Viên Mãn Dzogpa-Chenpo.
Các đệ tử mong mỏi thực hành Dzogchen từ những đạo sư này sẽ phải nỗ lực lớn lao để tịnh hóa tâm họ bằng cách trước tiên rèn luyện trong mọi giai đoạn của Ngondro (các thực hành sơ khởi), sau đó, ‘Thực hành Chính yếu’ về Bổn tôn Yidam. Trong suốt quá trình này, họ sẽ liên tục kiểm tra đạo sư để đảm bảo rằng Ngài thực sự sở hữu đủ mọi phẩm tính của một đạo sư Dzogchen chân chính; và đạo sư cũng sẽ liên tục kiểm tra các đệ tử. Chỉ khi hoàn thành mọi điều này thì Dzogchen mới được giảng dạy.
Nhìn chung, những vị đã thọ nhận giáo lý Dzogchen theo cách này – chẳng hạn giáo lý Yeshe Lama[7] – không phải tái sinh lại trong luân hồi. Những ghi chép mà chúng ta đọc về cuộc đời của họ luôn luôn miêu tả ‘giải thoát’. Và khi một người như vậy hấp hối, những người bên cạnh thường bảo rằng, “Ồ, ông ấy đã thọ nhận Yeshe Lama”, nghĩa là “Đừng lo lắng, ông ấy sẽ ổn thôi”.
Thời nay thì mọi chuyện không như vậy. Vấn đề lớn nhất mà chư đạo sư gặp phải là cách tìm ra ai đó lắng nghe giáo lý. Nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ gặp rắc rối trong việc tìm kiếm đạo sư muốn giảng dạy. Chư đạo sư hiện đại quảng cáo bản thân một cách thô thiển, chẳng hạn, “Tôi sẽ ban những giáo lý sâu xa nhất. Tôi sẽ ban các quán đỉnh sâu xa nhất” và v.v. Hiển nhiên, mọi chuyện đã thay đổi. Tôi không biết làm sao lại như vậy. Nhưng đó là một thay đổi được khởi xướng bởi những vị quan trọng nhất trong tất cả những Lama của Phật giáo Tây Tạng – Đức Dalai Lama, Ngài Sakya Trizin, Ngài Karmapa và những Lama cao cấp nhất của truyền thống Nyingma – tất cả đều là chư đạo sư mà chúng ta xem là ‘những bậc trì giữ giáo lý’.
Dù thế nào, hãy quay trở lại chủ đề của chúng ta. Khi bạn muốn thọ nhận các giáo lý, quán đỉnh hay giáo huấn Dzogchen, trước tiên, bạn phải kiểm tra những phẩm tính và tiêu chuẩn để đảm bảo rằng Ngài là một đạo sư chân chính. Và dĩ nhiên, đạo sư cũng phải kiểm tra đệ tử. Thậm chí nếu đạo sư và đệ tử có những phẩm tính cần thiết, khi đã bước vào mối quan hệ đạo sư-đệ tử, họ cần tiếp tục tuân thủ những thệ nguyện Samaya. Thực sự, thệ nguyện Samaya là yếu tố quan trọng nhất trong mối quan hệ – điểm then chốt của điều mà tôi muốn nói với các bạn hôm nay. Tất nhiên, trước khi bước vào một mối quan hệ đạo sư-đệ tử, bạn khá tự do để làm điều bạn muốn, nhưng sẽ không còn như vậy khi mối quan hệ đã được thiết lập.
Ngày nay, rất nhiều đệ tử theo chân đạo sư một thời gian, sau đó chống lại Ngài và thậm chí còn chiến đấu với Ngài. Nhưng làm vậy sẽ chỉ đưa bạn đến cõi địa ngục tồi tệ nhất có thể, nơi mà khổ đau là lớn nhất. Nghiệp của việc chống lại đạo sư lớn đến mức khi bạn chết, nó sẽ kéo bạn thẳng xuống địa ngục đó. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là bạn không nên thiết lập mối liên hệ Samaya với một đạo sư quá nhanh, sau đó lại phát hiện ra rằng bạn chẳng thể duy trì nhận thức thanh tịnh hay ‘quan điểm linh thiêng’! Đừng đặt bản thân trong tình thế của việc tích lũy nghiệp khủng khiếp đó. Trong Phật giáo chẳng có chuyện ‘ép buộc cải đạo’! Không ai có thể nói với bạn rằng, “Bạn không thể không đến Pháp hội này. Bạn không thể tránh việc thọ nhận quán đỉnh này!”. Không ai cả! Đây là điểm quan trọng thứ hai của tôi, điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Cá nhân tôi không gặp phải vấn đề này. Tôi tin tưởng 100% rằng không có đệ tử nào của tôi sẽ chống lại tôi. Làm sao tôi có thể chắc chắn? Bởi tôi chẳng có đệ tử nào! Chẳng có ai! Không có ai mà tôi nói rằng, “Đây là đệ tử của tôi”. Tôi chỉ có vài người bạn tốt. Đó là điểm thứ hai của tôi.
3. ĐỂ ĐI THEO CON ĐƯỜNG DZOGCHEN, BẠN CẦN CÔNG ĐỨC
Người phương Tây thường không thích các giáo lý Thừa Căn bản của Phật giáo, họ yêu thích những giáo lý Đại thừa. Họ yêu mến Đại thừa và rất thích thú với giáo lý Kim Cương Mật thừa, với một thiên hướng đặc biệt dành cho đỉnh cao của tất cả các thừa, những giáo lý Đại Viên Mãn Dzogpa-Chenpo. Họ thực sự yêu thích Dzogchen.
Chắc chắn là những giáo lý Dzogchen cực kỳ lợi lạc, nhưng cực kỳ khó để đưa vào thực hành! Tại sao Dzogchen lại không dễ dàng? Bởi bạn cần ‘công đức’. ‘Công đức’! Trong Dzogchen, bạn được bảo rằng, “Tâm con là Phật”. Ngoài ra, trong trường hợp này, ‘Phật’ liên quan đến vị vĩ đại nhất trong ba sự hiển bày của Đức Phật, tức Pháp thân. Vì thế, “Tâm con là Pháp thân!”. Làm sao mà điều này hữu ích? Nếu bạn có công đức, khi bạn nghe rằng, “Tâm con là Phật”, thế là đủ để giải thoát bạn – đó là điều đã xảy ra khi Shri Singha[8] trao chỉ dẫn này cho Guru Rinpoche. Ngài nói, “Tâm con là Phật”. Và thế là đủ! Guru Rinpoche được giải thoát.
Nếu “Tâm con là Phật” chưa hiệu quả, đạo sư sẽ nói thêm một chút. Ngài sẽ giải thích rằng bản tính của tâm có ba khía cạnh: tinh túy tính Không, bản chất thấu suốt và lòng bi vô ngại. Tinh túy tính Không là Pháp thân, bản chất thấu suốt là Báo thân và lòng bi vô ngại – năng lượng mãnh liệt của Pháp thân và Báo thân hiển bày thành tất cả những gì xuất hiện – là Hóa thân. Như thế, theo cách này, đạo sư có thể phát triển giáo lý chỉ một chút, như một cách giúp những vị có công đức hiểu được.
Sonam Gyaltsen Rinpoche đã dạy điều này mỗi năm, ví dụ trong Tsik Sum Ne Dek, giáo lý Ba Lời Đánh Vào Điểm Trọng Yếu và Ngài sử dụng các kỹ thuật khác nhau để giới thiệu bản tính của tâm, chẳng hạn thốt lên ‘PHAT’ và v.v. Sau đấy, các đệ tử luôn nói rằng, “Điều đó thật tuyệt, tôi thực sự trải nghiệm nó!”. Họ nhận ra từ ‘Hedewa’ – ‘kinh ngạc’ và nghĩ rằng, “Đây chính xác là điều tôi đã trải qua”.
Ba Lời đó là:
“Giới thiệu diện mạo của giác tính trong chính nó.
Quyết chọn một thứ và chỉ một thứ.
Xác quyết trực tiếp trong sự giải phóng các ý niệm khởi lên”.
Bất cứ khi nào chúng được nhắc đến, mọi người luôn nói rằng, “Ồ vâng, tôi biết, trước kia tôi từng nghe rồi!”. Tôi không nghĩ rằng có ai đó chưa từng thọ nhận những giáo lý này! Nhưng, đến khi thực sự thực hành chúng, tôi không biết ai cả. Tôi chắc chắn rằng phải có vài người, nhưng trong số những người mà tôi biết và nói chuyện thì chẳng có ai. Và tôi chưa từng nghe nói về ai đó trong Tăng đoàn Rigpa, người đã được giới thiệu về bản tính của tâm và nhận ra nó một cách chân chính.
Nếu bây giờ bạn chưa có sự nhận ra đó, bạn sẽ không thể bất ngờ có nó khi chết. Và thậm chí cơ hội bất ngờ nhận ra bản tính của tâm trong Bardo Trở thành[9] thì còn ít hơn. Hiện tại, khi bạn còn sống, tâm bạn ở trong thân thể và thân thể của bạn cung cấp một kiểu hỗ trợ cho tâm. Nhưng trong Bardo Trở thành, chẳng có sự hỗ trợ vật lý cho tâm. Thêm nữa, gió nghiệp, thứ chơi đùa với tâm, ném nó đi khắp nơi, sẽ dữ dội hơn nhiều hiện tại và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Tại sao lại như vậy? Nếu bạn xem xét tình thế và nghĩ về nó một chút, việc thiếu các hành giả chứng ngộ trong số những đệ tử hiện đại có lẽ không phải bởi vì chưa gặp gỡ đạo sư chân chính. Ví dụ, trong trường hợp của Tăng đoàn Rigpa, mức độ thực hành của Sonam Gyaltsen Rinpoche cực kỳ cao, Ngài cực kỳ chứng ngộ – chính Nyoshul Khen Rinpoche[10] đã nói với tôi điều này. Và các Giáo Pháp mà Ngài ban rất tuyệt vời và cực kỳ mạnh mẽ! Nhưng để sự giới thiệu bản tính của tâm xảy ra thành công, Ba Sự Chân Chính phải hội tụ: lòng sùng mộ chân chính của đệ tử, sự gia trì chân chính của đạo sư, các chỉ dẫn chân chính của truyền thừa. Vì thế, bởi trong Tăng đoàn Rigpa, các bạn dường như đã có cả ba, vấn đề có lẽ là các đệ tử chưa có đủ công đức.
Dilgo Khyentse Rinpoche từng nói rằng nếu bạn cho một đứa bé ăn đồ ăn của người trưởng thành, đứa bé không thể tiêu hóa. Tương tự, nếu bạn thọ nhận những giáo lý Dzogchen nhưng không có công đức, bạn sẽ không thể tiêu hóa hay giữ lại được chúng. Vì thế, điểm cốt yếu mà tôi muốn nói là mọi người cần tập trung tích lũy công đức. Có hai kiểu tích lũy: ‘sự tích lũy với điểm tham chiếu hay đối tượng’ – thứ bao gồm chủ thể, đối tượng và hành động – và ‘sự tích lũy không có điểm tham chiếu hay đối tượng’, tức là sự thiền định. Trong trường hợp này, khi tôi nói rằng các bạn cần tích lũy công đức, điều đó nghĩa là kiểu tích lũy đầu tiên, với sự tham chiếu. Và có rất nhiều phương pháp thiện xảo để làm điều này.
Dĩ nhiên, bạn sẽ cần phải rèn luyện về Bồ đề tâm để tích lũy công đức. Có hai khía cạnh trong sự rèn luyện về lòng bi mẫn: Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh. Khi chúng ta thực hành Bồ đề tâm, chúng ta kết hợp cả hai. Ở Kham từng có một Lama tên là Trogme Arig, người giảng dạy Dzogchen nhiều lần. Cuối thời giảng, Ngài cầm tay đệ tử, siết chặt và bảo, “Đừng quên điểm chính yếu: Bồ đề tâm nguyện và hạnh!”. Tôi nghe nói rằng Ngài lặp lại câu này rất nhiều lần, trong khi tiếp tục siết chặt tay đệ tử. Tất cả những điều này nói với tôi rằng vun bồi Bồ đề tâm nguyện và hạnh là điều tuyệt đối cần thiết. Nhưng tôi nghĩ tôi chẳng cần nói về cách làm thế ở đây bởi thế giới giờ đây tràn ngập những người giải thích cách thức phát khởi Bồ đề tâm.
Cũng có sự tiếp cận của Kim Cương Mật thừa, mà thực hành chính yếu là ‘kye-rim’[11] – ‘giai đoạn phát triển’ hay ‘thiền định tạo thành’. Kye-rim bao gồm ba khía cạnh: quán tưởng rõ ràng, nhớ đến sự thanh tịnh và niềm tự hào kim cương. Đầu tiên, hành giả ‘thiết lập cấu trúc’ của ba định – định của chân như, định của sự hiển bày phổ quát và định nguyên nhân – để tạo ra ‘sự quán tưởng rõ ràng’ về chư Bổn tôn. Đã thiết lập sự quán tưởng rõ ràng như vậy, bạn ‘nhớ đến sự thanh tịnh’, điều thậm chí còn quan trọng hơn cả việc quán tưởng rõ ràng. Và dĩ nhiên, bạn cũng cần phát triển cảm giác của ‘niềm tự hào kim cương’. Khi thực hành, nếu bạn tưởng tượng rằng bạn và Bổn tôn là khác biệt, bạn đang không thực hành Mahayoga. Bạn không thể nói rằng, “Hiện tại chúng ta khác biệt, nhưng khi tôi tiếp tục thực hành, chúng ta sẽ trở nên giống nhau”. Điều này không được phép!
Trong truyền thống Giáo Pháp của [Tăng đoàn] Rigpa, các đệ tử trì tụng nghi quỹ rất nhiều, điều này rất tốt. Tuy vậy, bạn cũng phải thiền định về những từ mà bạn trì tụng; chỉ tụng đọc từ ngữ thì không hữu ích. Vì thế, trước tiên, bạn quán tưởng rõ ràng, sau đó, kết hợp các khía cạnh của ‘niềm tự hào kim cương’ và ‘nhớ đến sự thanh tịnh’.
Bên cạnh đó, truyền thống Nyingma bao gồm những chỉ dẫn đặc biệt. Nói chung, Tăng đoàn Rigpa được cho là truyền bá thái độ Rime hay bất bộ phái với Giáo Pháp trong khi thực hành những Terma của truyền thống Nyingma. Một trong những giáo lý Nyingma đặc biệt về thực hành Kye-rim là Bốn Cọc Trói Buộc Sinh Lực Của Sự Hành Trì: cọc của mọi hình tướng là Bổn tôn, cọc của mọi âm thanh là thần chú, cọc của sự hóa hiện và hóa tán của những tia sáng để hoàn thành các hoạt động và cọc của tâm trí tuệ bất biến. Bốn cọc này cần được ghi nhớ trong tâm trong mỗi thời khóa thực hành nghi quỹ.
Bằng cách thực hành Kinh điển (phát khởi Bồ đề tâm nguyện và hạnh) và Mật điển (Kye-rim và Dzog-rim[12]) và áp dụng những chỉ dẫn cốt tủy theo kinh nghiệm, bạn sẽ tích lũy công đức. Bằng cách hoàn thiện sự tích lũy công đức, bạn cũng sẽ tịnh hóa các che chướng.
Cách thức mà bạn tịnh hóa các che chướng có thể được giải thích nhờ ví dụ sau đây. Hãy tưởng tượng bạn có một đối tượng quý báu, thứ được bọc cẩn thận đến mức bạn không thể thấy nó. Để có thể thấy nó, trước tiên bạn cần mở phần bọc ra. Thấy đối tượng quý báu giống như thấy tâm. Khi bạn thấy tâm, bạn thấy Phật. Khi bạn thấy Phật, bạn tự động có mọi phẩm tính của Phật. Đó là điều mà chúng ta gọi là ‘thấy bản tính của tâm’. Khi bạn đã thấy bản tính của tâm, chẳng còn điều gì khác để làm. Nhưng cho đến khi bạn thấy nó, chỉ nói về nó sẽ chẳng khiến điều đó xảy ra.
Những phần ghi [âm/hình] của nhiều giáo lý Dzogchen mà chư đạo sư vĩ đại đã ban cho các đệ tử Rigpa đã nằm trong iPad của tôi và tôi đã dành khoảng một tháng để nghe chúng. Tôi nghĩ bây giờ tôi đã nghe hầu hết. Có vài giáo lý vô cùng tuyệt vời và diệu kỳ! Như thành ngữ nói rằng:
“Thiền định về nó vào ban ngày và bạn sẽ thành Phật vào ngày đó.
Thiền định về nó vào ban đêm và bạn sẽ thành Phật vào đêm đó.
Những kẻ may mắn có nghiệp thuận lợi chẳng cần thiền định:
Giáo lý này trao cho họ sự giải thoát chỉ nhờ nghe nó”.
Gần như không thể tin được khi những giáo lý như vậy đã được ban! Và bởi những đạo sư vĩ đại nhất! Có những giáo lý được trao truyền bởi Dilgo Khyentse Rinpoche, Dudjom Rinpoche[13], Dodrupchen Rinpoche[14], Penor Rinpoche[15] – người đã ban Nyingtik Yabshyi[16] [Tâm Yếu Bốn Phần] – nhiều giáo lý từ Nyoshul Khen Rinpoche – người mà giọng không rõ ràng lắm, nhưng đã được chuyển dịch bởi Sonam Gyaltsen Rinpoche – và những giáo lý tuyệt vời của Khenpo Jigme Phuntsok[17]. Và ngoài ra, Sonam Gyaltsen Rinpoche đã giảng dạy liên tục trong nhiều thập kỷ. Sức mạnh của những giáo lý này lớn đến mức mặt đất tại Lerab Ling phải liên tục chấn động – thậm chí các đối tượng vô tình, rắn chắc, chẳng hạn đá, bây giờ chắc cũng đã thấm nhuần tất cả trí tuệ vĩ đại đó!
Bởi những giáo lý được ban cho các đệ tử Rigpa có phẩm tính và số lượng đặc biệt đến thế và bởi những đạo sư xuất chúng như vậy, với tôi, dường như lý do duy nhất mà không có những đệ tử Rigpa chứng ngộ là vì họ thiếu công đức. Do đó, hoàn thiện sự tích lũy công đức là điều quan trọng và từ quan điểm của con đường Dzogchen, để tích lũy công đức, lòng sùng mộ là rất quan trọng!
Đã gặp khá nhiều đệ tử phương Tây, dường như với tôi, lòng sùng mộ của các đệ tử Rigpa thì khá tốt. Hầu hết đều có niềm tin. Nhưng nếu họ mất lòng sùng mộ, họ lập tức chống lại đạo sư và bắt đầu tấn công Ngài. Tuy vậy, khi họ có thể duy trì niềm tin, họ có lòng sùng mộ tốt đẹp. Họ cũng hoàn thành điều mà đạo sư của họ bảo họ làm. Vì vậy, tôi cho rằng về lòng sùng mộ, các bạn cần phải thật ổn.
Để tăng trưởng lòng sùng mộ, bạn phải cầu khẩn và cầu nguyện. Những bức tượng và hình ảnh được sắp xếp xung quanh các bạn như một sự hỗ trợ cho các lời cầu nguyện như vậy. Nếu bạn có một bức hình đạo sư trong phòng, bất cứ khi nào nhìn thấy nó, bạn sẽ nhớ đến Ngài. Và bất cứ khi nào nhớ đến Ngài, bạn cần cầu khẩn và cầu nguyện đến Ngài. Sau đó, hãy tiến hành thực hành hòa tâm bạn bất khả phân với tâm trí tuệ của Ngài. Đây là một phương pháp vô cùng mạnh mẽ cho Tăng đoàn Rigpa. Các bạn đều có rất nhiều bức hình, thậm chí trong điện thoại hay trong xe hơi, chúng ở khắp mọi nơi. Và đây là một dấu hiệu rằng các bạn đều cầu nguyện và cầu khẩn. Thậm chí nếu các bạn không cầu nguyện, chỉ nhớ đến đạo sư cũng rất tốt. Thực sự, người ta nói rằng, so với thiền định về hàng trăm nghìn vị Phật trong hàng nghìn năm, nhớ đến đạo sư trong một khoảnh khắc còn mạnh mẽ hơn nhiều – đây cũng là điều được nói trong truyền thống Dzogchen. Trong tất cả các truyền thống Giáo Pháp khác nhau, Dzogchen là truyền thống kính trọng đạo sư nhất. Theo Dzogchen, đạo sư là yếu tố quan trọng và linh thiêng nhất trong tất thảy.
Như vậy là đủ cho giáo lý, nếu bạn muốn gọi nó là một ‘giáo lý’. Thực sự, nó giống như một buổi nói chuyện hơn, vì thế, tôi sẽ không miêu tả nó là một ‘giáo lý’. Và tôi đang đặc biệt nói chuyện với các đệ tử Rigpa.
Tôi được thông báo rằng có vài đệ tử của Chokyi Nyima Rinpoche ở đây. Chokyi Nyima Rinpoche và tôi đi theo cùng một truyền thống, những giáo lý của Tổ Chokgyur Lingpa[18]. Rất lâu trước đây, tôi đã du hành cùng với Erik Pema Kunsang[19] và những vị khác đến Hoa Kỳ và nhiều nơi khác và khi ấy, tôi đã nói tất cả những gì tôi phải nói về Chokling Tersar. Vì thế, hãy lắng nghe những giáo lý này một cách cẩn thận.
Trong vài năm gần đây, tôi nói rằng tôi sẽ không đến các trung tâm Giáo Pháp thêm nữa – nó chẳng giúp ích cho bất kỳ ai và tôi thấy kiệt sức. Tại sao tôi lại nói rằng nó chẳng giúp ích cho bất kỳ ai? Bởi khi tôi giảng dạy, nó chẳng có chút tác động nào. Và đó là bởi những giáo lý mà chư đạo sư của tôi – những vị thầy tuyệt vời này – đã ban cho tôi, vẫn chưa có tác động với tôi. Chư đạo sư của tôi đã giảng dạy cho tôi trong suốt cuộc đời của tôi, nhưng tôi chẳng đạt được điều gì cả. Vì vậy, những từ ngữ của tôi liệu có thể có lợi lạc nào? Tuy vậy, tôi ở đây để giúp đỡ Sonam Gyaltsen Rinpoche bởi kết nối của Ngài với Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro.
Chokyi Nyima Rinpoche là một đạo sư rất tốt. Ngài uyên bác hơn tôi rất nhiều. Ngài thông thạo mọi ngành ‘khoa học’ và Ngài là một người tốt hơn nhiều – tôi là một kẻ rất ích kỷ. Chokyi Nyima Rinpoche luôn cố gắng hòa hợp với mọi người và đặc biệt giỏi trong việc giảng dạy cho đệ tử phương Tây và chăm sóc các học trò của Ngài. Trái lại, những người phương Tây mà tôi biết luôn than phiền rằng tôi chẳng ‘chăm sóc’ họ chút nào. Thay vào đó, tôi “chỉ sử dụng rồi ném họ đi như tờ khăn giấy đã qua sử dụng”. Tôi được bảo như vậy rất nhiều lần. Đó là sự chỉ trích chính yếu nhắm vào tôi.
Dẫu sao, những điểm chính yếu mà tôi trình bày hôm nay gồm:
- Đầu tiên, bạn phải tự hỏi bản thân rằng, “Tôi có cần những giáo lý của Đức Phật hay không?”. Nghĩa là, nếu bạn nghĩ rằng bạn cần được giải thoát khỏi luân hồi, bạn cần tuân theo những giáo lý này; còn nếu bạn không nghĩ rằng bạn cần giải thoát, bạn không cần những giáo lý này.
- Bản chất của luân hồi là khổ – đây là điều đầu tiên mà Đức Phật đã dạy. Giáo Pháp, những giáo lý của Phật, giải thích cách thức xoa dịu khổ đau của luân hồi. Điều này dựa trên kinh nghiệm của Đức Phật, chứ không phải một lý thuyết được Ngài phát minh.
- Nếu bạn cảm thấy sự cần thiết phải giải thoát bản thân khỏi luân hồi, bạn có thể đạt được sự tự do bằng cách theo chân một đạo sư.
- Đức Phật nói rằng những đệ tử cần kiểm tra đạo sư và giáo lý; vì thế, đạo sư trước tiên phải được kiểm tra cẩn thận. Ngài không bao giờ nói rằng bạn cần đến mọi buổi giảng Pháp một cách bừa bãi và khinh suất. Bạn cần kiểm tra một cách kỹ lưỡng những đạo sư mà bạn thọ nhận quán đỉnh và giáo lý Dzogchen, bởi khi bạn đã bước vào mối quan hệ đạo sư-đệ tử, bạn không bao giờ có thể chống lại vị đạo sư đó. Đây là điểm quan trọng nhất.
- Các thệ nguyện Samaya của Dzogchen cực kỳ linh thiêng. Tuy nhiên, không có công đức, chúng sẽ không hiệu quả; vì thế, tất cả các bạn đều cần tích lũy thêm công đức!
- Thực hành chính yếu trong Kinh thừa của những đặc tính để tích lũy công đức là Bồ đề tâm: Bồ đề tâm nguyện và hạnh. Trong Kim Cương Mật thừa, chúng ta tích lũy công đức bằng cách thực hành Kye-rim và Dzog-rim.
Đây là những điều tôi đã nói trong buổi nói chuyện này. Chẳng có điều gì trong đó là do tôi sáng tạo ra – tôi không có khả năng sáng tạo đến vậy. Đây là những chỉ dẫn mà tôi thọ nhận từ chư đạo sư của tôi và điều mà chư vị đã dạy tôi đều dựa trên dòng truyền thừa của những chỉ dẫn khẩu truyền. Hôm nay, tôi chỉ lặp lại điều mà chư vị đã nói với tôi. Nhưng tôi không thể nói quá nhiều; do vậy, thế là đủ! Như Trungpa Rinpoche từng nói: ‘Từ ngữ ngắn gọn, ý nghĩa bao la’[20].
Nguyên tác: Following the Dzochen Path (http://all-otr.org/public-talks/1-following-the-dzogchen-path).
Gyurme Avertin chuyển dịch Anh ngữ; Janine Schulz hiệu đính bản dịch Anh ngữ.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Theo Rigpawiki, Orgyen Tobgyal Rinpoche sinh năm 1951 ở Nangchen, Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài là con trai của Neten Chokling Rinpoche đời thứ 3. Mặc dù Ngài nổi tiếng là Gyalchen Tulku, hóa thân hoạt động của Tổ Taksham Nuden Dorje, Ngài không được chính thức công nhận là một vị Tulku – đạo sư tái sinh – khi còn trẻ, bởi người ta nói rằng điều này sẽ gây ra nhiều chướng ngại cho cuộc đời Ngài. Ngài là anh trai của Khyentse Yeshe Rinpoche – Jamyang Gyaltsen và Dzigar Kongtrul Rinpoche và được trìu mến gọi là Abu Rinpoche (Abu nghĩa là anh trai trong phương ngôn vùng Kham).
[2] Theo Rigpawiki, Chokyi Nyima Rinpoche (sinh năm 1951) – trưởng nam của Kyabje Tulku Urgyen Rinpoche, được công nhận là vị tái sinh thứ 7 của Ngài Gar Drubchen, một đạo sư Drikung Kagyu và là hóa thân của Bồ Tát Long Thọ khi Ngài 18 tháng tuổi. Không lâu sau, Ngài được tấn phong tại Tu viện của vị tiền nhiệm, Tu viện Drong Gon Tubten Dargye Ling ở Nakchukha miền Trung Tây Tạng.
Lên 13 tuổi, Ngài gia nhập Tu viện Rumtek và dành mười một năm tiếp theo để nghiên cứu truyền thống Karma Kagyu, Drikung Kagyu và Nyingma dưới sự chỉ dạy của Đức Gyalwang Karmapa thứ 16, Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche, Kyabje Tulku Urgyen Rinpoche và nhiều đạo sư lỗi lạc khác. Trước khi rời Rumtek, Ngài hoàn thành xuất sắc chương trình học tập dành cho các vị Tulku.
Năm 1974, Tulku Chokyi Nyima đã hỗ trợ Phụ thân xây dựng Tu viện ở thung lũng Kathmandu theo lời chỉ dạy của Đức Karmapa. Đức Karmapa cũng khuyên Rinpoche hướng nỗ lực vào việc chỉ dẫn các hành giả phương Tây. Với khả năng tiếng Anh tốt, Rinpoche đã và đang hướng dẫn các học trò phương Tây trong thực hành thiền định từ năm 1977.
[3] Theo Rigpawiki, Dzogchen hay Dzogpa-Chenpo là Đại Viên Mãn hay Đại Toàn Thiện. Thực hành Dzogchen là dòng suối trí tuệ cổ xưa và trực tiếp nhất trong truyền thống Phật giáo của Tây Tạng. Sonam Gyaltsen Rinpoche miêu tả nó là “tinh túy tâm yếu của tất cả con đường tâm linh và đỉnh cao về sự phát triển tâm linh của một cá nhân”. Như một cách thức để chứng ngộ bản tính sâu xa nhất của tâm – tức chúng ta thực sự là gì – Dzogchen là thực hành rõ ràng nhất, hữu hiệu nhất và liên quan nhất với thế giới hiện đại.
[4] Theo Rigpawiki, Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991) sinh ở vùng Derge thuộc Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài được công nhận là hóa thân về tâm của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) và là một trong những đệ tử thân thiết nhất của Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro (1893-1959), hóa thân hoạt động của Tổ Jamyang Khyentse Wangpo. Được đánh giá là một trong những đạo sư Dzogchen vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và là hiện thân chân chính của Đức Liên Hoa Sinh, Dilgo Khyentse Rinpoche là đạo sư của rất nhiều vị Lama quan trọng hiện nay.
[5] Kinh Biệt Giải Thoát.
[6] Về Patrul Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a26125/tieu-su-van-tat-dai-su-dza-patrul-rinpoche-1808-1887-.
[7] Theo Rigpawiki, đây là chỉ dẫn hay cuốn cẩm nang nổi tiếng về thực hành Dzogchen do Tổ Rigdzin Jigme Lingpa soạn. Đó là một tóm tắt của Vima Nyingtik. “Dựa trên pho sâu xa nhất, vô song của các chỉ dẫn cốt tủy, nó kết hợp tinh túy của các Mật điển Dzogchen và về cơ bản giới thiệu những chỉ dẫn thực tiễn cho Trekchod và Togal, cùng với những chỉ dẫn để giải thoát trong các trạng thái Bardo và giải thoát trong các cõi Tịnh độ Hóa thân”.
[8] Theo Rigpawiki, Shri Singha (Skt. Sri Simha) – Vinh Quang Sư Tử là một trong những đạo sư cổ xưa của truyền thừa Đại Viên Mãn Dzogchen, vị vốn đến từ vương quốc Khotan tọa lạc ở tỉnh Tân Cương ngày nay của Trung Quốc. Ngài là một đệ tử của Đức Manjushrimitra và là vị thầy chính yếu của Jnanasutra. Ngài nổi tiếng vì đã sắp xếp các giáo lý của Bộ Chỉ Dẫn Cốt Tủy thành bốn pho: bên ngoài, bên trong, bí mật và cực bí mật. Di chúc cuối cùng của Ngài, điều mà Ngài truyền cho Jnanasutra trước khi đắc thân cầu vồng, được gọi là Bảy Móng.
[9] Theo Rigpawiki, Bardo Trở thành (Tib. sipa le kyi bardo) – một trong bốn hay sáu Bardo. Bardo Trở thành là điều mà chúng ta thường gọi trạng thái trung ấm hay Bardo, thứ bắt đầu sau Bardo Pháp tính và kéo dài cho đến khi chúng ta có sự đầu thai mới.
[10] Theo Rigpawiki, Nyoshul Khen Rinpoche hay Nyoshul Khenpo Jamyang Dorje (1932-1999) là một đạo sư lỗi lạc của truyền thống Dzogchen và là một vị có thẩm quyền về những giáo lý của Tổ Longchenpa đến mức các đệ tử của Ngài xem Ngài là Đức Longchenpa bằng xương bằng thịt. Ngài là đạo sư của rất nhiều vị Lama thuộc thế hệ trẻ hơn, cũng như rất nhiều vị thầy Phật giáo phương Tây.
[11] Theo Rigpawiki, Kye-rim là ‘giai đoạn phát triển’ hay ‘sinh khởi’ của thực hành – cũng được biết đến là thực hành quán tưởng – mục đích là để tịnh hóa nhận thức của chúng ta trở thành sự thanh tịnh của bản tính cố hữu.
[12] Theo Rigpawiki, Dzog-rim hay ‘giai đoạn hoàn thiện’ là một trong những thực hành then chốt, cùng với ‘giai đoạn phát triển’, tức Kye-rim, của con đường Kim Cương thừa.
Nó có thể liên quan đến nhiều điều:
- giai đoạn hóa tán quán tưởng – giai đoạn thứ hai của thực hành nghi quỹ, thứ theo sau ‘giai đoạn phát triển’, hoặc
- các thực hành hay du-già khác nhau dựa trên kinh mạch, nội khí và tinh túy, tức Tsa Lung Tikle, của thân kim cương.
Các thực hành khác nhau của Dzog-rim cũng có thể được phân chia thành:
- Dzog-rim với sự tỉ mỉ hay nỗ lực và
- Dzog-rim không tỉ mỉ hay nỗ lực.
[13] Theo Rigpawiki, Kyabje Dudjom Rinpoche (1904 – 1987) là một trong những Yogi, học giả và đạo sư thiền định lỗi lạc của Tây Tạng. Ngài được công nhận là hóa thân của Đức Dudjom Lingpa (1835 – 1904), vị mà các hóa thân đời trước gồm có những đạo sư, Yogi và học giả vĩ đại nhất như Tôn Giả Shariputra [Xá Lợi Phất], Saraha và Khye’u Chung Lotsawa. Được coi là đại diện của Đức Liên Hoa Sinh, Ngài là tác giả lớn và một vị phát lộ “kho tàng” (terma) được chôn giấu bởi Đại Sư Liên Hoa Sinh. Là một tác giả lớn và một học giả cẩn trọng, Kyabje Dudjom Rinpoche biên soạn hơn 40 cuốn, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm đồ sộ “Những Nguyên Tắc Và Lịch Sử Của Truyền Thống Nyingma”.
[14] Theo Rigpawiki, Kyabje Dodrupchen Rinpoche – Dodrupchen Rinpoche đệ Tứ – Tubten Trinle Pal Zangpo hay Đức Jigme Trinle Palbar (sinh năm 1927) là một trong những vị đạo sư quan trọng nhất còn trụ thế của truyền thống Nyingma và Dzogchen. Là vị tái sinh thứ 4 của Tổ Dodrupchen Jigme Trinle Ozer (1745-1821) – tâm tử của Tôn giả Jigme Lingpa, người đã phát lộ pho Longchen Nyingtik, Dodrupchen Rinpoche là vị trì giữ chính yếu các giáo lý Longchen Nyingtik.
[15] Theo Rigpawiki, Kyabje Drubwang Pema Norbu Rinpoche (1932-2009) là bậc trì giữ Pháp tòa thứ 11 của truyền thừa Palyul thuộc trường phái Nyingma, Phật giáo Tây Tạng. Ngài là người đứng đầu truyền thừa Nyingma từ năm 1993 đến năm 2001.
[16] Nyoshul Khen Rinpoche giải thích rằng: “Để thực sự hành trì Dzogchen theo mười bảy Mật điển chính yếu của Đại Viên Mãn, Tổ Longchenpa đã kết tập các Terma của chính Ngài cũng như của Tổ Chetsun Senge Wangchuk (vị sau này tái sinh thành Đức Jamyang Khyentse Wangpo) và Pema Ledrel-tsal (hóa thân đời trước của Tổ Longchenpa) dưới hình thức 13 tập sách gọi là Nyingtik Yabshyi. Đây là khía cạnh thực hành trong các trước tác của Tổ Longchenpa và là nền tảng của Nyingtik Cổ Xưa. Trong đó, Ngài hệ thống hóa Vima Nyingtik của Tổ Vimalamitra và Khandro Nyingtik của Guru Rinpoche và giải thích mọi chi tiết hành trì dưới ánh sáng của sự chứng ngộ của Ngài”.
[17] Về Khenpo Jigme Phuntsok, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a29403/trai-tim-larung-gar-tieu-su-kyabje-jigmey-phuntsok-rinpoche.
[18] Về Tổ Chokgyur Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30774/cuoc-doi-duc-chokgyur-lingpa.
[19] Theo Rigpawiki, Erik Pema Kunsang là một trong những dịch giả Tạng ngữ được đánh giá cao nhất hiện nay. Erik là dịch giả và người hỗ trợ cho Tulku Urgyen Rinpoche và những con trai của Ngài từ cuối những năm 1970. Erik đã và đang chuyển dịch và hiệu đính hơn năm mươi tập các bản văn và giáo lý khẩu truyền Tây Tạng và là một trong những giám đốc của Nhà xuất bản Rangjung Yeshe.
[20] Trong dịp Orgyen Tobgyal Rinpoche đến Hoa Kỳ với tư cách là thị giả của Dilgo Khyentse Rinpoche theo lời mời của Chogyam Trungpa Rinpoche, khi Khyentse Rinpoche giảng dạy, Trungpa Rinpoche đã viết vài từ trên một mẩu giấy và trao cho Khyentse Rinpoche. Orgyen Tobgyal Rinpoche băn khoăn rằng lời nhắn đó là gì. Sau buổi giảng, khi Ngài đến bàn của Khyentse Rinpoche để thu thập đồ đạc của đạo sư, Ngài thấy mẩu giấy, mở nó ra và đọc được những lời của Chogyam Trungpa Rinpoche: ‘Từ ngữ ngắn gọn, ý nghĩa bao la’.
Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng ở Biển Carmel, Israel, 23/07/2011
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ