Đại Viên Mãn (Dzogchen) có thể nổi tiếng là bất dụng công, nhưng để thực hành pháp tu này ngay từ đầu một cách đúng đắn thì phải nỗ lực hết sức, để hiểu những gì được gọi là pháp tu sơ khởi ngoại tại và nội tại. Với tâm tinh tấn và trí tuệ thì Đại Viên Mãn sẽ trở thành một phương pháp vô cùng sâu sắc và hiệu quả để thành tựu giác ngộ, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.
Đại Viên Mãn là một pháp thiền rất cao cấp về những mức độ sâu sắc nhất, vi tế nhất, mức độ nền tảng của tâm thức. “Tâm” đề cập đến tâm hành (hoạt động tinh thần) không gián đoạn của việc nhận thức đối tượng, được mô tả từ một quan điểm khác như tâm hành làm phát sinh các hiện tướng (tâm ảnh ba chiều).
Thuật ngữ “dzogchen” có nghĩa là “đại viên mãn”, đề cập đến thực tế là tất cả các phẩm chất của Phật quả đều viên mãn ở mức độ của rigpa (tánh giác thanh tịnh), mức độ nền tảng sâu sắc nhất của tâm. Tuy không cần phải bổ sung thêm điều gì vào cái được gọi là “tánh giác nền tảng” vô thỉ và vô chung, nhưng dù sao đi nữa thì những phẩm chất này vẫn hoạt động với năng lực tối đa. Tại sao? Bởi vì yếu tố ám chướng của si mê (mù quáng) đã phát sinh đồng thời với nó, cũng vô thỉ.
“Si mê” là tâm vô minh sinh khởi một cách tự động về bản tánh vô tự tánh của vạn pháp – sự hoàn toàn vắng bóng của những cách tồn tại bất khả. Nó che chướng cái gọi là “tự chứng phần” của tánh giác, về bản tánh thanh tịnh của chính nó. Bản tánh thanh tịnh này gồm có ba yếu tố:
- Tánh thanh tịnh nguyên sơ – không có tất cả những mức độ nhận thức thô thiển hơn (nhận thức hạn chế, “sem”) mà ở đó, nhận thức khái niệm, phiền não và thậm chí nhận thức giác quan thông thường xảy ra. Nó cũng thanh tịnh một cách nguyên sơ, không có tất cả những cách tồn tại bất khả.
- Thiết lập tự phát – Nó làm sinh khởi tất cả các hiện tướng (tâm ảnh ba chiều).
- Phản ứng – Nó phát xuất để đáp ứng với nhân duyên và nhu cầu của người khác. Theo một nghĩa nào đó thì nó “truyền đạt thông tin” một cách bi mẫn, đối với những nhu cầu đó.
Bản tánh gồm có ba yếu tố này chịu trách nhiệm cho các khả năng của ý, thân và khẩu, theo đúng thứ tự tương ứng.
Khi tánh giác nền tảng đang trôi chảy cùng với yếu tố thoáng qua của tâm si mê này thì tánh giác nền tảng đang hoạt động như một tàng thức tập khí – ý thức nền tảng mà những điều sau đây được quy gán vào:
- Ký ức
- Nghiệp lực và tập khí nghiệp
- Xu hướng đối với những phiền não trên danh nghĩa
- Tập khí bám chấp vào những cách tồn tại bất khả.
Mục đích của pháp thiền Đại Viên Mãn là để đạt được (1) chân diệt của tâm si mê, do đó, cũng là một sự chân diệt của tàng thức tập khí và (2) hoạt động viên mãn của tất cả các phẩm chất tốt đẹp bẩm sinh của tánh giác, để tạo lợi lạc trọn vẹn cho tất cả chúng sinh.
Đại Viên Mãn được giảng dạy theo truyền thống Nyingma và Bon ở Tây Tạng, và sau đó cũng được đưa vào các trường phái Kagyu khác nhau. Trong hệ thống phân loại của Nyingma gồm có chín thừa, thì nó được xem là A tỳ du già (atiyoga): cao nhất trong sáu thừa Mật điển. Tuy nhiên, ngày nay, pháp thiền theo phong cách Đại Viên Mãn thường được dạy bên ngoài bối cảnh Kinh điển và Mật điển của nó, ví dụ như một phương pháp để làm lắng dịu tâm thức, và đạt được định tâm hoàn hảo của shamatha (một trạng thái định tĩnh). Như vậy thì nó có thể rất hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được giải thoát và giác ngộ thì pháp tu Đại Viên Mãn chỉ được thực hành trên cơ sở của việc nghiên cứu và tu tập sâu rộng của:
- Pháp tu sơ khởi ngoại tại – kiếp người quý báu, vô thường, những nỗi khổ trong luân hồi, luật nhân quả (đạo đức), lợi lạc của giải thoát (tâm xả ly), và mối quan hệ lành mạnh với một đạo sư hội đủ các phẩm chất cao quý.
- Pháp tu sơ khởi nội tại – quy y, cùng với lễ lạy, bồ đề tâm dựa vào lòng từ bi, pháp tịnh hóa Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), cúng dường mạn đà la, chod cúng dường thân thể của mình, và guru-yoga (bổn sư du già).
Sau khi hoàn thành tất cả những pháp tu này thì phải nhận lễ quán đảnh (điểm đạo) Mật tông, và giữ tất cả các giới nguyện mà mình đã thọ nhận một cách nghiêm ngặt. Trên cơ sở đó thì những pháp tu được yêu cầu thêm là:
- Pháp tu Đại du già Mật điển (mahayoga tantra) – Hộ Phật du già với Bổn tôn và mật chú.
- Pháp tu A nậu du già Mật điển (anuyoga tantra) – tu tập với khí vi tế, kinh mạch và giọt.
Nếu như không tích tập nhiều công đức và trí tuệ từ tất cả các hành trì này, cũng như có nguồn cảm hứng và chỉ giáo rõ ràng của một vị thầy hội đủ trình độ, thì không thể nào thành công với pháp tu Đại Viên Mãn; vì nó quá tinh tế và khó thực hành.
Đại Viên Mãn khởi đầu bằng cách làm lắng dịu tâm hành của mình xuống thành khoảng trống giữa các ý nghĩ về “cái này” và “cái kia”, mà không có bất kỳ định kiến, kỳ vọng hay lo lắng nào. Mỗi sát na và mỗi âm tiết trong lời nói của mỗi một ý nghĩ như vậy sinh, trụ và diệt trong cùng một lúc. Chỉ có thể xác định điều này một cách đúng đắn, nếu như trước đó, mình đã nghiên cứu và hành thiền về khai thị của trường phái Trung đạo (Madhyamaka) về Không tướng (tánh Không) của sự sinh, trụ và diệt, và sự hoàn toàn vắng bóng của một cái “tôi” có thể tìm thấy, kiểm soát hay quan sát quá trình. Bằng cách duy trì chánh niệm về sự sinh, trụ, và diệt đồng thời này thì không cần nỗ lực có ý thức, vì tư tưởng khái niệm sẽ tự động “giải thoát chính nó” – nghĩa là nó tự biến mất – và ta sẽ an trụ trong khoảng trống giữa các ý nghĩ.
Tiếp theo thì phải phân biệt sự sinh, trụ và diệt trong một phần triệu giây (microseconds) của nhận thức vô niệm bằng cảm giác của mình. Trong những phần triệu giây như vậy, là điều cực kỳ khó phân biệt, thì mình chỉ cảm nhận thông tin cảm giác của chỉ một giác quan (chẳng hạn như chỉ là hình dạng có màu đơn thuần) trước khi tổng hợp nó bằng khái niệm với thông tin từ các giác quan khác, và với thông tin từ một phần triệu giây khác, và chỉ định sự tổng hợp tinh thần đó như là đối tượng quy ước “này” hay đối tượng quy ước “kia”. Khi có thể ổn định vào mức độ tâm hành ở giữa những một phần triệu giây đó, thì mình đã tiếp cận A lại da thức dành cho tập khí. Tuy nhiên, đây vẫn là một loại nhận thức hạn chế, vì nó vẫn còn xen lẫn với yếu tố si mê.
Cần phải đi sâu hơn và vi tế hơn, để trải nghiệm và nhận ra nhận thức ở những khoảng giữa, có nhận thức sâu sắc về bản tánh gồm có ba khía cạnh của nó (tính thanh tịnh nguyên sơ, thiết lập tự phát và phản ứng). Ta sẽ làm điều này với sự giúp đỡ của đạo sư Đại Viên Mãn, sử dụng các phương pháp đặc biệt để giúp mình nhận ra bản tánh của tâm. Vì đã “làm trơn tru” những kinh mạch của mình bằng A nậu du già (anuyoga) trước đó, nên tất cả các mức độ tâm hành thô thiển hơn sẽ tự động tan biến, mà không cần ý thức nỗ lực để làm cho điều đó xảy ra.
Khi si mê chấm dứt, thì A lại da thức (alaya) của tập khí trở thành tánh giác sáng ngời – đó là tánh giác ở khía cạnh năng động, làm phát sinh tâm ảnh ba chiều, và nhận thức chúng, với điều thứ nhất nổi bật hơn. Nhưng cần phải đi sâu hơn nữa. Trong khi tập trung vào sự đồng thời sinh, trụ và diệt trong một phần triệu giây của sự hiển lộ thuần tịnh của tánh giác sáng ngời, thì phải nhận ra tánh giác tinh túy. Đây là tánh giác ở khía cạnh “không gian rộng mở”, hay “phạm vi nhận thức”, cho phép sự sinh khởi của các hiện tướng và nhận thức về chúng, với điều thứ hai nổi bật hơn. Khi mình nhận ra và tập trung vào điều này, thì sẽ đạt được sự đột phá, Kiến đạo (path of seeing), đạo lộ thứ ba trong ngũ đạo trên đường tu đưa đến giác ngộ.
Sau đó, tánh giác sáng ngời sẽ làm phát sinh và tự nhận thức nó như một thân cầu vồng, thay vì với các uẩn thông thường, như kết quả của việc hành trì với các Bổn tôn trong Đại du già (mahayoga). Do đó, ở giai đoạn nhảy vọt – tương đương với Tu tập đạo (path of meditation) – qua bốn giai đoạn thì tánh giác sáng ngời sẽ nổi bật hơn, trong khi đồng thời duy trì tánh giác tinh túy nổi bật. Khi tánh giác sáng ngời và tinh túy trở nên nổi bật như nhau, thì ta sẽ đạt giác ngộ và, nhờ kết quả của lòng từ bi và bồ đề tâm mãnh liệt được duy trì trong suốt hành trì này mà ta sẽ có khả năng tạo lợi lạc viên mãn nhất cho tất cả chúng sinh.
Tóm Tắt
Đại Viên Mãn lừng danh là đường tu trực tiếp, bất dụng công, chỉ cần tĩnh tâm để đi vào trạng thái tự nhiên của nó. Tuy đúng là chỉ cần nhận ra những gì đang xảy ra trong kinh nghiệm nhận thức của mình thì những tư tưởng khái niệm và tất cả những mức độ nhận thức bị hạn chế khác sẽ chấm dứt, và tâm sẽ hiển lộ hiện tướng thanh tịnh, với tất cả các năng lực viên mãn của một vị Phật, nhưng không một điều nào có thể xảy ra, trừ khi mình đã nỗ lực tu tập tất cả các pháp tu sơ khởi của Kinh điển và Mật điển rất nhiều trong kiếp này và những kiếp trước. Không nên ngây thơ và xem thường sự khó khăn trong pháp tu Đại Viên Mãn. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị đầy đủ thì đó là một trong những phương pháp sâu sắc nhất để đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.
Nguồn: Đại Viên Mãn là gì