Cuộc đời và sự giải thoát của Đức Liên Hoa Sinh, vị Phật thứ nhì |

Cuộc đời và sự giải thoát của Đức Liên Hoa Sinh, vị Phật thứ nhì

Đức Liên Hoa Sinh Home

Namo Guru-buddhādi-padmākara-pādāya

Liên Hoa Sinh, được biết đến là ‘vị Phật thứ nhì’, đã ảnh hưởng đến vô số chúng sinh nhờ giáo lý Kim Cương thừa trọng yếu của Mật chú Bí mật và đặc biệt, thông qua các hoạt động của kho tàng Terma sâu xa của Ngài ở đây, tại Tây TạngVị đạo sư vĩ đại này không phải một người bình thường trên con đường, cũng chẳng phải chỉ là một vị cao quý ở một trong các địa Bồ TátĐạo Sư Liên Hoa Sinh là hóa hiện của cả Phật Vô Lượng Quang và Phật Thích Ca Mâu Ni vô song và mục đích của Ngài là để điều phục con người và những tinh linh khó điều phục. Thậm chí chư Bồ Tát vĩ đại cũng không đủ năng lực để kể trọn vẹn câu chuyện về cuộc đời và sự giải thoát của Ngài, tôi sẽ đưa ra một đề cương ngắn gọn trong những trang sau đây.

Trong cõi Pháp thân ‘Tinh Túy Kim Cương Chói Ngời’, Ngài vốn đã tự nhiên giác ngộ trong sự thanh tịnh nguyên sơ – nền tảng của giải thoát – từ vô thủy. Ở đó, Ngài được biết đến là chúa tể nguyên sơ Bất Biến Quang[3].

Trong cõi Báo thân tự-hiển bày được biết đến là ‘Trống Vang Dội Viên Mãn’, Ngài xuất hiện là vô số chư vị của năm gia đình trí tuệ của Phật ‘Vô Biên Hải’[4]sở hữu năm sự chắc chắn. Như là sự hiển bày bên ngoài của năng lượng tự nhiên này, Ngài được nhìn nhận bởi tất cả chư Bồ Tát trên mười địa trong vô số thân tướng trong các cõi Phật của năm gia đìnhbao gồm các cõi Hóa thân tự nhiên, bán-hiển bày của Đại Phạm Thiên. Tất cả đều là những đám mây cuồn cuộn của sự hiển bày trí tuệ của Đạo Sư, ‘bánh xe trang hoàng không vơi cạn’ của Ngài, và vì thế, Ngài được biết đến là “Bông Sen Nắm Giữ Tất Cả’.

Từ đó, để điều phục chúng sinh trong vô số thế giới khắp mười phương, sự hiển bày diệu kỳ của các hóa hiện Hóa thân của Ngài xuất hiệnChúng ta được dạy rằng, chỉ trong vũ trụ này, được biết đến là ‘Kham Nhẫn’, Ngài chiếu tỏa năm mươi thế giới bằng các giáo lý của Kinh điển và Mật điểnđiều phục chúng sinh bằng tám hóa hiện thù thắng của Ngài.

Một ghi chép đặc biệt nói rằng Khandro Yeshe Tsogyal có một linh kiến về Đạo Sư là ‘Vô Biên Kim Cương Hải’[5]hiển bày ở phía Đông. Mỗi lỗ chân lông trên thân Ngài đều có một tỷ cõi giới và trong mỗi cõi giới lại có một tỷ hệ thống thế giới. Trong mỗi hệ thống thế giới này có một tỷ Đạo Sư, mỗi vị lại có một tỷ hóa hiện. Mỗi vị trong những hóa hiện này đang tiến hành hoạt động điều phục một tỷ đệ tử. Sau đấy, Bà thấy một sự hiển bày tương tự ở các phương khác và trung tâm.

Trong thế giới này của chúng taNam Thiệm Bộ ChâuĐạo Sư thường được biết đến là chỉ một Hóa thân, vị điều phục chúng sinh, nhưng tùy theo căn cơ và thiên hướng khác nhau của chúng sinh, Ngài được nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. Hầu hết các nguồn tài liệu Ấn Độ, cùng với Khẩu Truyền Phổ Ba[6]giải thích rằng Ngài sinh ra là con trai của một vị vua hay thượng thư ở Uddiyana, trong khi đa số những kho tàng Terma tuyên bố rằng Ngài chào đời một cách diệu kỳ. Trong vài bản văn, Ngài được cho là đã xuất hiện từ một tia chớp tại đỉnh Núi Malaya. Có nhiều sự khác biệt trong những ghi chép tuyệt diệu này về cuộc đời và sự giải thoát của Ngài. Người ta nói rằng:

‘Mười nghìn chín trăm câu chuyện về cuộc đời Ngài

đã được biên soạn và chôn giấu vì các đệ tử tương lai’[7].

Như những con số này chỉ ra, đây thực sự là một chủ đề nằm ngoài tầm với của trí tuệ bình phàm. Tuy vậy, tôi sẽ giới thiệu, như một quặng vàng đơn thuầncuộc đời của Đạo Sư theo sự chào đời diệu kỳ của Ngài, như nó xuất hiện trong các giáo lý Terma:

Trong các đại dương xung quanh vùng đất phía Tây của Uddiyana về phía Bắc, Nam và Đông, có một hòn đảo gần vùng đất của loài La Sát, được tìm thấy về phía Tây Nam của Uddiyana. Ở đó, ân phước gia trì của tất cả chư Phật đã mang hình tướng của một bông sen nhiều màu. Cảm thấy bi mẫn trước khổ đau của hữu tình chúng sinhVô Lượng Quang Phật, Chúa tể của cõi Cực Lạc, từ tim, phóng một chày kim cương vàng với chủng tự HRIH, xuống nụ của hoa sen. Sau đấy, một cách diệu kỳ, nó biến thành một đứa bé tám tuổi, với đủ mọi tướng tốt và vẻ đẹp và đang cầm một chày kim cương cùng bông sen. Đứa bé trẻ trung ở đó, hướng dẫn chư thiên và Không Hành Nữ của hòn đảo về Giáo Pháp sâu xa.

Lúc này, đức vua Uddiyana, Indrabhuti, không có người thừa kế ngai vàng. Bởi các hoạt động vĩ đại của Ngài trong việc cúng dường Tam Bảo và bố thí cho người nghèo khó, đức vua đã làm cạn kiệt ngân khố và bắt đầu chuyến du hành trên hồ lớn để tìm kiếm một viên ngọc như ý. Khi trở về cùng với viên ngọc, đầu tiên, thượng thư của Ngài – Trigunadhara và sau đó chính đức vua đã gặp cậu bé kỳ lạ này. Xem cậu bé là câu trả lời cho những lời cầu nguyện của Ngài, đức vua đưa cậu bé về cung điện hoàng gia, nơi cậu bé được trao cho danh hiệu Padmakara ‘Liên Hoa Sinh’ cũng như Tsokye Dorje ‘Hồ Sinh Kim Cương’. Họ đặt Đức Liên Hoa Sinh trên một tòa ngọc báu và trong thời gian dài, mọi thần dân rất hoan hỷ bởi cơn mưa thức ăn, quần áo và các đối tượng quý giá trút xuống nhờ năng lực diệu kỳ của viên ngọc như ý.

Khi hoàng tử trẻ trưởng thành, Ngài đem vô số chúng sinh đến sự chín muồi nhờ những trò chơi trẻ trung của Ngài. Ngài kết hôn với Dakini Prabhavati và cai quản vương quốc Uddiyana theo Giáo Pháp. Ngài khi ấy được biết đến là Vua Tortokchen ‘Vua Vấn Khăn’. Thấy rằng là một kẻ thống trị, Ngài không thể thực sự phụng sự chúng sinh khác và đem đến lợi lạc tâm linh ở mức độ lớn lao, Ngài khẩn cầu phụ thân cho phép thoái vị, nhưng bị từ chối. Vì thế, trong lúc nhảy múa, Ngài giả bộ rằng đinh ba của Ngài tuột khỏi tay, như thế đã giết chết con trai của một vị thượng thư ma quỷ và giải phóng cậu ấy vào cõi giới. Bởi đã vi phạm luật lệ khi giết hại trẻ nhỏ, Đức Liên Hoa Sinh lập tức bị đầy đến các nghĩa địa. Như thế, Ngài đến Sitavana ‘Rừng Lành’, Nandanavana ‘Rừng Hoan Hỷ’ và Sosadvipa ‘Vùng Đất Sosa’, nơi Ngài thực hành giới luật du già. Ngài thọ nhận các quán đỉnh và sự gia trì từ các Không Hành Nữ Marajita ‘Đấng Điều Phục Ma Vương’ và Santaraksita ‘Bậc Duy Trì Hỷ Lạc’ và Ngài kiểm soát toàn bộ chư Không Hành Nữ của các nghĩa địa. Ngài được biết đến với danh hiệu Santaraksita ‘Tịch Hộ’.

Giống như vậy, quay trở về hòn đảo ở Hồ Dhanakosa, Đức Liên Hoa Sinh kiểm soát chư Không Hành Nữ ở đó – nhờ các thực hành Mật thừa dưới dạng ngôn ngữ biểu tượng của chư Không Hành Nữ. Sau đấy, khi Ngài đang thực hành ở Parusakavana ‘Rừng Gồ Ghề’, Hợi Mẫu Kim Cương xuất hiện và ban gia trì cho Ngài. Ngài điều phục tất cả loài rồng (Naga) của các đại dương và tinh linh hành tinh của bầu trời. Chư Không Hành trí tuệ nam và nữ trao cho Ngài những sức mạnh siêu nhiên. Ngài khi ấy được biết đến là Dorje Drakpo Tsal ‘Kim Cương Phẫn Nộ Quyền Uy’.

Tại ‘Kim Cương Tòa’ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài hiển bày mọi kiểu thần thông. Người ta hỏi rằng, “Ngài là ai?” nhưng khi Ngài thừa nhận rằng Ngài là một vị Phật tự hóa hiện, họ không thể chấp nhận điều này và thay vào đó, lăng mạ và phỉ báng Ngài. Nhận thấy nhiều nguyên nhân tốt lành để có một đạo sư, Đức Liên Hoa Sinh đã du hành đến Zahor, nơi Ngài xuất gia với Đức Prabhahasti[8] và được trao danh hiệu Shakya Senge ‘Thích Ca Sư Tử’. Ngài thọ nhận những giáo lý Yoga Tantra từ vị này, mười tám lần, và có những linh kiến về chư Bổn tôn.

Sau đấy, Ngài thỉnh cầu quán đỉnh từ Ni sư Ananda, vị thực sự là Không Hành Nữ trí tuệ Guhyajnana [Mật Huệ] hóa hiện trong hình tướng một vị Ni[9]. Bà ấy biến Ngài thành chủng tự gốc HUM, nuốt Ngài và đưa Ngài qua thân thể mình và ra ngoài qua bông sen bí mật của Bà ấy, ban cho Ngài các quán đỉnh bên ngoài, bên trong và bí mật và tịnh hóa ba che chướng.

Từ tám Trì Minh Vương, Ngài thọ nhận những giáo lý về Kagye ‘Tám Mệnh Lệnh’. Từ Buddhaguhya, Ngài thọ nhận các giáo lý về Mayajala ‘Huyễn Võng’ và từ Sri Simha, Ngài thọ nhận các giáo lý về Atiyoga. Theo cách này, Ngài đã nghiên cứu và thọ nhận mọi Kinh điểnMật điển và các ngành khoa học từ vô số đạo sư uyên bác và thành tựu ở Ấn Độ. Đức Liên Hoa Sinh làm chủ một giáo lý ngay lần đầu tiên Ngài gặp và Ngài trải qua các linh kiến về chư Bổn tôn mà không cần thực hànhHiển bày sự thành tựu cấp độ Trì Minh Vương đầu tiên, giai đoạn của ‘cấp độ Trì Minh Vương chín muồi’, Đạo Sư được biết đến là Loden Chokse ‘Thánh Chủng Trí’.

Trở về Zahor, Đức Liên Hoa Sinh quyến rũ con gái của Vua Vihardhara – vị Không Hành Nữ chân chính Công chúa Mandarava và chấp nhận cô ấy là vị phối ngẫu. Cùng nhau, hai vị đến động Maratika, nơi hai vị đã thực hành nghi quỹ trường thọ trong ba tháng. Phật Vô Lượng Thọ Amitayus đã xuất hiện trước hai vị, ban cho hai vị sự trường thọ và gia trì để hai vị bất khả phân với Ngài. Hai vị được trao một tỷ Mật điển về trường thọ và cả hai đạt được cấp độ Trì Minh Vương thứ hai – ‘Trì Minh Vương làm chủ cuộc sống’.

Bởi hai vị đã đạt được thân kim cương vượt khỏi sinh và tử, Đạo Sư và Mandarava trở về để điều phục vương quốc Zahor. Ngày nọ, khi đang đi khất thực, hai vị bị các thượng thư hoàng gia bắt và thiêu sống, nhưng Đạo Sư biến đám cháy thành một hồ nước; Ngài và Mandarava được thấy là đang ngồi giữa một bông sen nở. Niềm tin được khơi dậy trong tất cả và như thế, chính Đạo Sư và vị phối ngẫu của Ngài đã khiến vương quốc tuân theo Giáo Phápthiết lập dân chúng trong trạng thái chẳng còn quay trở lại luân hồi.

Đạo Sư sau đấy cùng với Mandarava quay trở về Uddiyana, để điều phục vùng đất đó, nhưng một lần nữa, Ngài bị nhận ra khi đang đi khất thực và một lần nữa, hai vị bị thiêu trên giàn thiêu gỗ đàn hương – bởi vị thượng thư ma quỷ cùng những kẻ hầu cận. Sau một lúc, hai vị được thấy là đang ngồi trên một bông sen giữa hồ nước, đeo những tràng sọ, như là biểu tượng về hoạt động giải thoát mọi chúng sinh khỏi luân hồi. Đức Liên Hoa Sinh lúc này được biết đến là Pema Totreng Tsal ‘Liên Hoa Quyền Uy Tràng Sọ’. Trong mười ba năm, Đức Liên Hoa Sinh và Mandarava đã sống ở Uddiyana với tư cách là những đạo sư được hoàng gia bổ nhiệmthiết lập toàn bộ vương quốc trong Giáo Pháp. Lúc này, Đạo Sư ban quán đỉnh và giáo lý về Kadu Chokyi Gyatso ‘Đại Dương Giáo Pháp Thâu Nhiếp Mọi Giáo Huấn Được Trao Truyền’[10], nhờ đó, đức vua và hoàng hậu cũng như tất cả những kẻ tiền định đã đạt được cấp độ Trì Minh Vương thù thắng. Khi ấy, Ngài được biết đến là Pema Gyalpo ‘Liên Hoa Vương’.

Tuân theo một tiên tri trong Kinh Về Nhận Thức Diệu Kỳ[11], Đức Liên Hoa Sinh biến thành tu sĩ Indrasena để đưa Vua Asoka về với Giáo Pháp. Ngài thiết lập Asoka trong niềm tin không dao động; sau đấy, trong một đêm diệu kỳ, đức vua đã xây dựng một triệu bảo tháp trên khắp thế giới, tất cả đều lưu giữ xá lợi của Đức Phật[12].

Đạo Sư tiếp tục đánh bại một số vị vua dị giáo mạnh mẽ, những kẻ đang làm hại giáo lý Phật Đàsử dụng nhiều phương tiện thiện xảobao gồm việc chuyển di thần thức của họ. Lúc ấy, Ngài bị một vị vua ngoan cố đầu độc. Dẫu vậy, Ngài vẫn chẳng bị làm hại và khi họ ném Ngài xuống sông Hằng, Ngài đảo ngược dòng chảy và nhảy múa giữa không trung, nhận danh hiệu Khye’u Chung Khading Tsal ‘Đứa Con Quyền Uy Của Kim Sí Điểu’.

Ngài hóa hiện dưới nhiều vỏ bọc và mang nhiều danh hiệu, chẳng hạn Acarya Saroruha, vị Tổ của Mật điển Hevajra; Brahmin Saraha; Dombi Heruka vĩ đại; Virupa và Krsnacarya. Ở các nghĩa địa lớn, chẳng hạn Kuladzokpa ‘Hoàn Thiện Trong Thân’, Ngài giảng dạy Mật thừa cho chư Không Hành Nữ và trói buộc các tinh linh ngoại và nội như là những vị bảo vệ Giáo Pháp. Khi đó, Ngài được biết đến là Nyima Ozer ‘Nhật Quang’.

Ở Kim Cương Tòa của Bồ Đề Đạo Tràng, năm trăm vị thầy dị giáo đã phát động cuộc tấn công vào giáo lý Phật Đà. Đức Liên Hoa Sinh đã đối đầu với họ trong cuộc thi về tranh luận và sức mạnh và giành chiến thắng. Một vài vị thầy sau đấy phải dùng đến bùa chú tà thuật; khi ấy, Không Hành Nữ Marajita ‘Đấng Điều Phục Ma Vương’ đã trao cho Đạo Sư một Mật chú phẫn nộ mà nhờ đó Ngài giáng tia sét và giải thoát những kẻ âm mưu xấu ác. Những vị còn sống đã cải đạo sang Phật giáo và cuối cùng, ngọn cờ Giáo Pháp được giương lên tận trời cao. Đức Liên Hoa Sinh lúc đó được biết đến là Senge Dradrok ‘Sư Tử Hống’. Cho đến lúc này, Ngài đã làm cạn kiệt ba lỗi lầm và đã đạt đến ‘cấp độ Trì Minh Vương làm chủ mạng sống’, giai đoạn của việc hoàn toàn hoàn thiện con đường thù thắng.

Tiến đến Yanglesho, nơi tọa lạc ở giữa Ấn Độ và Nepal, Đạo Sư gặp Sakyadevi, con gái của Punyadhara, vua Newar và chấp nhận cô ấy là sự hỗ trợ nghi quỹ và vị phối ngẫu của Ngài. Cùng nhau, hai vị thực hành Sri Heruka vinh quang nhưng bị ngăn cản bởi ý định gây chướng ngại của các tinh linhLa Sát và sinh vật diệu kỳ – gây ra hạn hán trong ba năm và cùng với đó, nạn đói và bệnh tật. Vì vậy, Đức Liên Hoa Sinh phái hai sứ giả đến Ấn Độ để thỉnh cầu chư đạo sư của Ngài một giáo lý chống lại chúng. Họ trở vềmang theo những Mật điển và luận giải về Phổ Ba Kim Cương (Vajrakila). Khoảnh khắc họ đến nơi, các chướng ngại được xoa dịu. Trời đổ mưa và hạn hán, bệnh tật và nạn đói chấm dứtĐạo Sư và Sakyadevi đều đạt được thành tựu vĩ đại của cấp độ Trì Minh Vương thứ ba, ‘Trì Minh Vương của đại ấn – Mahamudra’.

Đạo Sư nổi tiếng công nhận rằng Sri Heruka giống như thương nhân tham gia vào buôn bán; thành tựu có thể lớn lao nhưng chướng ngại cũng tương ứng. Phổ Ba Kim Cương giống như vị hộ tống được trang bị, cần thiết để bảo vệ thương nhân trước các chướng ngại và vượt qua chúng. Đạo Sư đã biên soạn nhiều nghi quỹ kết hợp Sri Heruka và Phổ Ba Kim Cương. Ngài cũng trói buộc bởi lời thề tất cả tinh linh thế gian nam và nữ, chẳng hạn mười sáu vị bảo vệ Phổ Ba Kim Cương và thiết lập họ là những vị bảo vệ giáo lý.

Đức Liên Hoa Sinh đã viếng thăm các vùng đất biên giới của Uddiyana, chẳng hạn Hurmuju, Sikodhara, Dharmakosa và Rukma. Ngài cũng đến Tirahuti[13] và những vùng khác của vương quốc Tharu[14] cũng như các vùng đất khác, chẳng hạn Kamarupa. Ngài đã giảng dạy Giáo Pháp tùy theo căn cơ và khả năng, làm lợi lạc nhều chúng sinh nhờ sự hiển bày những thành tựu phổ thông, đem nước đến nơi không có và thậm chí làm cạn những hồ và sông lớn khi cần. Ở các vùng phía Nam, Đông và trung tâm của Ấn Độ, có những bức hình tự sinh của các vị thần ngoại đạo, điều gây ra nguy hại không thể miêu tả với giáo lý Phật Đà. Vì thế, Đạo Sư đã chấm dứt điều này nhờ sức mạnh của Phổ Ba Kim Cương.

Một câu chuyện khác kể về cách thức vua của người Thổ đã phái những đoàn quân xâm lăng đến vương quốc Kaccha, nơi các nhóm Phật giáo đang phát triển. Khi thuyền của vị vua này đến sông Nili, Đạo Sư bắt ấn đe dọa, nhấn chìm năm trăm thuyền lớn. Như thế, bạo lực do người Thổ gây ra kết thúc.

Không chắc chắn về thời điểm Ngài đến vùng đất Dravida[15], nhưng Đạo Sư đã dần dần điều phục con người và tinh linh ở đó, bao gồm cả chư Không Hành Nữ và Ngài cũng xây dựng những Tu viện lớn. Thậm chí cho đến ngày nay, truyền thống của vị đạo sư này về những chỉ dẫn để nghiên cứugiải thích và thiền định về bốn bộ Mật điển – đặc biệt là các giáo lý về Hevajra, Giọt Nguyệt Bí Mật, Sri Heruka, Hayagriva [Mã Đầu Minh Vương], Kila và Matrka – vẫn rất phổ biến. Những tường thuật Dravida kể rằng Ngài rời khỏi đất nước đó để đến vùng đất của La Sát ở phía Tây Nam. Chúng được tìm thấy trong các nguồn tài liệu của Ấn Độ và cũng nổi tiếng[16].

Đức Liên Hoa Sinh thường được cho là đã sống ở Ấn Độ trong 3600 năm, làm lợi lạc giáo lý và hữu tình chúng sinh. Nhưng dường như những vị uyên bác thấy rằng con số đó đại diện cho các nửa-năm và chấp nhận nó đơn giản như một sự biểu thị cho nhiều năm.

Để cải đạo dân chúng ở Mông Cổ và Trung Hoa, Đạo Sư hóa hiện trong hình tướng một vị vua thấu suốt và một Yogi mạnh mẽ. Hơn thế nữa, Ngài xuất hiện ở đất nước Shangshung như là đứa trẻ chào đời diệu kỳ – Tavi Hricha, vị đã ban các chỉ dẫn về truyền thừa nhĩ truyền Atiyoga và dẫn dắt nhiều đệ tử xứng đáng đạt đến thành tựu thân cầu vồng. Theo cách này, hoạt động của Đức Liên Hoa Sinh trong việc dẫn dắt dân chúng đến với con đường giải thoát, nhờ xuất hiện ở những nơi khác nhau và trong các hình tướng khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau, thực sự chẳng thể đo lường.

Bây giờ, khi vua Tây Tạng Trisong Deutsen, bản thân là một hóa hiện của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, hai mươi tuổi, Ngài phát nguyện mạnh mẽ về việc hoằng dương Giáo Pháp linh thiêng. Do vậy, Ngài thỉnh mời ‘Khenpo Bodhisattva’ [Viện Trưởng Bồ Tát], cũng được biết đến là Santaraksita [Tịch Hộ], từ Ấn Độ và Viện Trưởng giảng dạy sự khởi lên phụ thuộc và mười thiện hạnh. Một năm sau, nền móng được thiết lập cho một ngôi chùa lớn, nhưng các tinh linh bản địa gây chướng ngại và ngăn cản việc xây dựng. Theo tiên đoán của Ngài Santaraksita, đức vua đã phái năm sứ giả đến Ấn Độ để thỉnh mời đạo sư Liên Hoa Sinh vĩ đại.

Guru Rinpoche đã biết trước điều này và vốn đã lên đườngdần dần du hành từ Nepal và Ngài gặp họ ở Mangyul. Sau đó, Ngài viếng thăm các vùng Ngari, U-Tsang và Dokham – thực sự, không có nơi nào trong những vùng này mà Ngài không đặt chân lên một cách diệu kỳ. Lúc này, Đạo Sư trói buộc mười hai thiên nữ Tenma, mười ba Gurlha và hai mươi mốt Genyen, cũng như nhiều tinh linh mạnh mẽ khác, nắm giữ sinh lực của chúng và khiến chúng phải thề trung thành.

Đức Liên Hoa Sinh gặp đức vua ở Rừng Thánh Liễu tại Drakmar ‘Đá Đỏ’ và sau đấy, lên đỉnh Núi Hepori, nơi Ngài kiểm soát tất cả ‘thiên và ma’ của Tây Tạng. Ngài thiết lập thành công nền móng cho Tu viện Samye và giám sát cho đến khi hoàn thành, thậm chí sử dụng cả những vị thiên và ma quỷ vốn trước kia gây rắc rối. Sau năm năm xây dựng, ‘Chùa Samye Vinh quang – Không thể nghĩ bàn – Bất biến – Tự nhiên thành tựu’ được hoàn thànhtrọn vẹn với ba ngôi chùa của các hoàng hậu, tất cả đều giống như Núi Tu Di được bao quanh bởi bốn lục địa, tám tiểu lục địa, mặt trời và trăng, với một bức tường bên ngoài của những ngọn núi sắt. Và như thế, ngôi chùa được thánh hóa giữa năm kiểu dấu hiệu diệu kỳ và cát tường.

Đức vua mong muốn chuyển dịch các bản văn và thiết lập Giáo Phápvì vậy, đã sắp xếp để nhiều thanh niên Tây Tạng thông minh nghiên cứu để trở thành những dịch giả, được biết đến là ‘Lotsawa’. Thỉnh mời những đạo sư khác của Tripitaka ‘Tam Tạng’ giáo lý của Đức Phật từ Ấn Độ, đức vua yêu cầu Viện Trưởng Santaraksita truyền giới cho bảy tu sĩ đầu tiên của Tây Tạng và do đó, dần dần thiết lập Tăng đoàn. Ngài Santaraksita và Đức Liên Hoa Sinh, cùng với những học giả Ấn Độ khác và với Vairocana, Kawa Paltsek, Chokro Lu’i Gyaltsen, Shang Yeshe De và những dịch giả khác, sau đấy đã dịch sang tiếng Tạng tất cả những bản văn Phật giáo hiện có về Kinh điển và Mật điển, cũng như hầu hết các bộ luận giải thích chúng.

Vairocana và Namkhai Nyingpo, trong số những vị khác nữa, được phái đến Ấn Độ, nơi Vairocana nghiên cứu Atiyoga với Sri Simha và Namkhai Nyingpo thọ nhận những giáo lý về Sri Heruka từ đạo sư Humkara vĩ đại. Cả hai đạt được thành tựu và tiếp tục hoằng dương những giáo lý này ở Tây Tạng.

Vua Trisong Deutsen sau đó thỉnh cầu Đức Liên Hoa Sinh ban quán đỉnh và chỉ dẫn về Kim Cương thừaVì vậy, ở Chimphu, ẩn thất phía trên Samye, đạo sư vĩ đại đã khai mở đàn tràng (Mandala) Kagye và Ngài làm lễ kết nạp chín đệ tử chính, bao gồm cả đức vua. Mỗi vị được giao phó một trao truyền riêng biệt và cả chín vị đều đạt thành tựu (Siddhi) nhờ thực hành giáo lý tương ứng của mình. Đức Liên Hoa Sinh cũng ban vô số giáo lý sâu xa và phi phàm liên quan đến ba nội Mật điển cho nhiều đệ tử tiền định, chủ yếu là đức vua, các hoàng tử và hai mươi lăm đệ tử. Ngài đã làm điều này ở Lhodrak Kharchu, Shoto Tidro và nhiều nơi khác.

Đạo Sư lưu lại Tây Tạng trong tổng cộng năm mươi lăm năm và sáu tháng. Ngài đến khi đức vua là một chàng trai hai mươi mốt tuổi và ở lại cho đến khi đức vua băng hà vào năm sáu mươi chín tuổi. Ngài rời đi vài năm sau đó, đến vùng đất của ma quỷ La SátRõ ràng là khi ấy, Đạo Sư đã sống ở Tây Tạng trong bốn mươi tám năm khi đức vua còn sống và sau đó, thêm bảy năm sáu tháng nữa. Các thượng thư xấu xa, lo sợ sức mạnh của Đạo Sư, đã yêu cầu Ngài rời Tây TạngVì vậy, sau tám năm ở tại Samye, Ngài xuất hiện là ra đi bằng cách bay từ đèo Mangyul – nhưng đây chỉ là một hóa hiện.

Thay vào đó, Đạo Sư bí mật bàn bạc với các thí chủ và hiện thân thực sự của Ngài, cùng với Yeshe Tsogyal và những vị tiền định khác, đích thân viếng thăm hai mươi ngọn núi tuyết của Ngari, hai mươi mốt địa điểm nghi quỹ ở U và Tsang, hai mươi lăm địa điểm hành hương vĩ đại của Dokham, ba vùng đất ẩn giấu của Thượng, Trung và Hạ Tây Tạng, năm hẻm núi, ba cõi và một vùng. Mỗi nơi này đều được Đạo Sư gia trì là một địa điểm linh thiêng để thực hành – sông băng, cát, đá, đồi và hồ – giống như các gốc, nhánh và hoa của một cây lớn. Thực sự, chẳng có cục đất lớn bằng vết móng ngựa nào mà Ngài không chạm đến.

Biết rằng một hậu duệ của đức vua sau này sẽ cố gắng phá hủy Phật giáo ở Tây Tạng, Đức Liên Hoa Sinh đã ban nhiều tiên đoán cho tương lai. Hội ý với đức vua và những đệ tử thân thiết, Ngài chôn giấu vô số giáo lý Terma, cả có tên và không tên – mặc dù các kho tàng chính yếu là ‘một trăm kho tàng trọng yếu của đức vua’, năm kho tàng tâm vĩ đại và hai mươi lăm kho tàng sâu xaLý do mà những Terma này được chôn giấu là để ngăn các giáo lý của Mật thừa khỏi biến mất, để ngăn Kim Cương thừa khỏi bị sửa đổi hay chỉnh sửa bởi những trí thức và như thế, giữ gìn ân phước gia trì và làm lợi lạc các thế hệ đệ tử nối tiếp. Với mỗi kho tàng ẩn giấu này, Đức Liên Hoa Sinh đã tiên đoán thời điểm khai mở, người sẽ phát lộ kho tàng và những vị thọ nhận tiền định sẽ nắm giữ giáo lý này. Ở mười ba nơi gọi là Taktsang ‘Hang Hổ’ – ở Monka Nering Senge Dzong và v.v. Đạo Sư hiển bày trong hình tướng cực phẫn nộ của trí tuệ cuồng, trói buộc tất cả tinh linh kiêu ngạo, bất kể lớn – nhỏ, giao phó cho chúng lời thề giữ gìn những kho tàng Terma. Khi ấy, Ngài được biết đến là Dorje Drolo ‘Kim Cương Cực Phẫn Nộ’.

Để khơi dậy niềm tin trong các thế hệ tương lai, Đạo Sư và những vị phối ngẫu của Ngài để lại các dấu vết tại vô số địa điểm thực hành. Ví dụ, Ngài để lại một dấu thân ở Dorje Tsekpa, Bumtang, các dấu tay ở Namtso Chugmo và dấu chân ở Paro Drakar.

Hoàng tử Murub Tsepo được phái đi tấn công Tu viện Bhata Hor. Sau khi hoàng tử tước đoạt các tòa nhà thuộc về sở hữu của họ, tinh linh Gyalpo – Shing Cha Chen đã đuổi theo. Đức Liên Hoa Sinh đã hiển bày trong hình tướng Guru Drakpo ‘Đạo Sư Phẫn Nộ’ và trói buộc tinh linh này bởi lời thề, buộc ông ấy chịu trách nhiệm trông giữ kho tàng của [Tu viện] Samye.

Sau khi vua Trisong Deutsen băng hà, Đức Liên Hoa Sinh thiết lập Mutik Tsenpo trên ngai vàng. Ngài cử hành Pháp hội Đại Thành Tựu (Drubchen) về Kadu Chokyi Gyatso ở Tramdruk, nơi Ngài giao phó những giáo lý sâu xa cho Gyalse Lhaje, vị hoàng tử thứ hai, tiên đoán rằng hoàng tử sẽ làm lợi lạc chúng sinh bằng cách trở thành một vị phát lộ những kho tàng Terma ẩn giấu sau mười ba đời tương lai.

Không thể nào đếm chính xác bao nhiêu đệ tử ở Tây Tạng đã thọ nhận quán đỉnh từ chính Đức Liên Hoa Sinh, nhưng chính yếu trong số đó là hai mươi lăm đệ tử ban đầu, hai mươi lăm đệ tử giữa và mười bảy và hai mươi mốt đệ tử tiếp sau. Tám mươi vị trong số các đệ tử của Ngài đã đắc thân cầu vồng ở Yerpa cũng như một trăm linh tám thiền gia ở Chuwori, ba mươi Tantrika ở Yangdzong và năm mươi lăm vị chứng ngộ ở Sheldrak. Có hai mươi lăm đệ tử Không Hành Nữ và bảy vị Yogini. Ví dụ, có Ame Changchub Drekol, Gyu Changchub Shonnu, Rokben Namkha Yeshe, Nyang Deshin Shekpa, Pang Jetsen Trom, Sha Migocha, Ngab Mi và Ngab Dre, Che Gyatso Drak, Dre Sherab Drakpa. Cũng có những vị từ các dòng dõi huyết thống của Lang, Ngok, Khon, Rok, Go, Pang, So, Zur, Nub, Gyu, Kyo – rất nhiều trong số đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Do đó, nhiều đạo sư của các ‘Trường phái Mới’ Sarma [Tân Dịch] cũng có tổ tiên kết nối với gót sen của Đại Sư.

Khi Đạo Sư sắp rời đến vùng đất của La Sát ở phía Tây Nam, vua Tây Tạng, các thượng thư và tất cả đệ tử cố gắng khuyên can Ngài, nhưng vô ích. Với mỗi vị, Ngài ban lời khuyên và chỉ dẫn tâm yếu mở rộng và sau đấy, Ngài rời đi từ đèo Gungtang, cưỡi trên một con ngựa hay có lẽ một con sư tử và luôn luôn được đồng hành bởi vô số những vị linh thiêng, dâng lên các món dường. Đến Ngayab Ling ‘lục địa Camara’, Đạo Sư đến đỉnh Zangdok Palri ‘Núi Huy Hoàng Màu Đồng’, nơi Ngài giải thoát Raksha Totreng, vua của La Sát và mang hình tướng của vị này. Sau đấy, Ngài tạo ra cung điện Liên Hoa Quang một cách diệu kỳ, phú bẩm những món trang hoàng không thể nghĩ bàn và hóa hiện một bản sao của chính Ngài để an trụ trên mỗi đảo trong tám đảo xung quanh – tám vị vua giảng dạy Kagye ‘Tám Mệnh Lệnh’ trong số những giáo lý khác. Như thế, Ngài đã cứu dân chúng Nam Thiệm Bộ Châu chúng ta khỏi mối nguy hiểm chết người.

Hiện nay, Đạo Sư an trụ trong ‘cấp độ Trì Minh Vương tự nhiên hiện hữu’, con đường của sự hoàn thành, như là vị nhiếp chính Kim Cương Trì, không dao động chừng nào luân hồi còn. Với lòng bi vô tận, Ngài chăm lo cho Tây Tạng và liên tục gửi những hóa hiện. Thậm chí sau khi những giáo lý Luật Tạng (Vinaya) héo tànlần lượt các hóa hiện của Ngài sẽ xuất hiện trong số những hành giả Mật thừa. Cũng sẽ có nhiều đệ tử tiền định, vị sẽ đạt được thân cầu vồng. Và trong tương lai, khi Phật Di Lặc xuất hiện trên thế giới này, người ta nói rằng đích thân Đạo Sư Liên Hoa Sinh sẽ hóa hiện thành Bồ Tát Drowa Kundul ‘Đấng Điều Phục Tất Cả Chúng Sinh’ và sẽ hoằng dương giáo lý Mật thừa cho tất cả những vị có phước báu.

Bản tiểu sử ngắn gọn này chỉ là bài tường thuật một phần, tuân theo nhận thức của các đệ tử bình phàm khác nhau.


[1] Bản tiểu sử ngắn gọn sau đây của Guru Rinpoche được trích từ Tràng Hoa Lưu Ly Quý Báu (rin chen ba’i DU r.ya’i ‘phreng ba), một tuyển tập tiểu sử của 108 vị Terton chính yếu do Jamgon Kongtrul soạn và được tìm thấy trong Tập 1 của Kho Tàng Terma Quý Báu – Rinchen Terdzo.

[3] Tức Phổ Hiền Như Lai.

[4] Tức Tỳ Lô Giá Na.

[5] Tức Tỳ Lô Giá Na.

[6] Khẩu Truyền Phổ Ba (phur pa bka’ ma) liên quan đến luận giải nổi tiếng được gọi là Phurdrel Bum Nak (Luận Giải Trăm Nghìn Từ Đen Về Phổ Ba), điều được viết lại như là kết quả của cuộc gặp gỡ của Đức Liên Hoa Sinh với Vimalamitra và Silamanju ở Yanglesho, Nepal ngày nay.

[7] Điều này được tìm thấy trong Pema Kathang ‘Biên Niên Sử Liên Hoa’, được phát lộ bởi Orgyen Lingpa (sinh năm 1323).

[8] Theo Rigpawiki, Prabhahasti là một trong tám Trì Minh Vương của Ấn Độ; Ngài thọ nhận và thực hành Mật điển Phổ Ba Kim Cương từ pho Kagye.

[9] Cũng được biết đến là Không Hành Nữ Karmendrani hay Khandroma Lekyi Wangmo ‘Không Hành Nữ Nữ Hoàng Hoạt Động’.

[10] Đại Dương Giáo Pháp Thâu Nhiếp Mọi Giáo Huấn Được Trao Truyền là một pho giáo lý tập trung vào chư Bổn tôn Kagye. Nó được tìm thấy như một kho tàng Terma bởi Orgyen Lingpa và sau đấy được tái phát lộ như là Yangter bởi Đức Jamyang Khyentse Wangpo.

[11] Kinh Về Nhận Thức Diệu Kỳ (spyod yul rnam par ‘phrul pa). Tựa đề đầy đủ là Kinh Giảng Dạy Các Thần Thông Trong Phạm Vi Của Phương Tiện Thiện Xảo Mà Chư Bồ Tát Sở Hữu Theo Thiên Hướng (Bodhisattva­gocaropāyaviṣayavikurvita­nirdeśasūtra).

[12] Toàn bộ câu chuyện được tìm thấy trong John S. Strong, The Legend of King Asoka: A Study and Translation of the Asokavadana, (Princeton: Princeton University Press, 2014): [trang] 214-220.

[13] Tirahut (Tirhut) là tên gọi của thành phố cổ xưa của vương quốc Videha, cách khoảng 175 dặm về phía Tây Bắc của Varanasi.

[14] Vương quốc Tharu có thể liên quan đến bộ tộc Tharu ngày nay đang cư ngụ trong rừng nhiệt đới và thung lũng Terai ở biên giới phía Nam của Tây Nepal và Ấn Độ. Người ta nói rằng Hoàng đế Asoka đến từ bộ tộc này.

[15] Đó là miền Nam Ấn Độ.

[16] Về những phần cuối này, Jamgon Kongtrul có vẻ tuân theo ‘Phiên Bản Ấn Độ Về Cuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đức Liên Hoa Sinh’ do Tổ Taranatha soạn.

Đức Jamgon Kongtrul

Việt dịch: Pema Jyana 

Nguồn: Cuộc đời và sự giải thoát của Đức Liên Hoa Sinh, vị Phật thứ nhì

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung