Hôm nay, tôi sẽ nói về cách làm thế nào để có được tâm thức hạnh phúc, khi chúng ta thực hiện điều này bằng cách áp dụng các phương pháp thế tục. Tôi thấy vui vì có cơ hội nói chuyện với đông đảo thính chúng ở đây. Một trong những người bạn cao cả của tôi, đó là nhà khoa học người Mỹ, David Livingstone, người không còn tại thế nữa, đã nói rằng khi một người có trái tim nhân hậu gặp gỡ người khác thì mắt họ mở to hơn và con ngươi nở ra. Ông ấy nói rằng khi gặp tôi, mắt ông ấy mở lớn hơn và con ngươi cũng nở to ra như thế, và điều đó chỉ xảy ra với hai người, khi ông ấy gặp tôi và vợ của ông. Nhưng bây giờ, ở khắp nơi mà tôi đến, những người địa phương đều như vậy, họ thể hiện sự nồng hậu chân thành tới tôi và tôi rất cảm kích điều này, xin cảm ơn quý vị.
Vậy “chủ nghĩa thế tục” nghĩa là gì? Tôi sử dụng từ này theo cách nó được sử dụng trong truyền thống Ấn Độ. Tuy nhiên, một số bạn bè của tôi theo đạo Hồi và đạo Cơ Đốc lại cảm thấy rằng danh từ “chủ nghĩa thế tục” có chút ngụ ý chống lại tôn giáo, nên họ không thích tôi sử dụng nó, và cũng có một số người nghĩ rằng “đạo đức” cần phải dựa trên tôn giáo, nhưng Hiến Pháp Ấn Độ dựa trên chủ nghĩa thế tục; không chống lại tôn giáo. Ở Ấn Độ, mọi người rất tôn trọng tôn giáo. Gandhi và các nhà soạn thảo Hiến Pháp Ấn Độ là những người rất mộ đạo. “Thế tục” trong bối cảnh ngày có nghĩa là có sự tôn trọng đối với tất cả các truyền thống tôn giáo mà không có ý niệm là một tôn giáo nào được coi trọng hơn các tôn giáo khác; và qua hàng nghìn năm tại Ấn Độ, chủ nghĩa thế tục này đã tôn trọng cả quyền lợi của những người không có đức tin. Vì vậy nên tôi sử dụng từ “chủ nghĩa thế tục” với ý nghĩa này.
Là một con người, kể cả động vật và côn trùng, tất cả chúng ta đều muốn có được nhiều sự bình yên và an tĩnh hơn. Không ai muốn bất kỳ một sự phiền nhiễu nào. Mọi người đều có quyền đạt được hạnh phúc và vượt qua bất kỳ sự phiền nhiễu, vấn đề hay nỗi khổ nào. Không cần phải chứng minh điều này bằng lô-gíc hay thí nghiệm kiểm chứng. Điều này đơn thuần là lẽ tự nhiên; và tất cả các chúng sinh, chim chóc, động vật, con người, tất cả chúng ta đều cố gắng đạt tới mục đích này. Điều quan trọng là phương pháp đạt được mục đích này. Nó cần phải thực tế, và việc sử dụng các phương pháp không thực tế sẽ khiến chúng ta thất bại. Ví dụ như đôi khi chúng ta thấy rằng động vật quá hoảng sợ đến nỗi chúng chạy sai hướng; chúng chạy về hướng có sự nguy hiểm, thay vì tránh xa nguy hiểm. Nhưng chúng ta là con người và ta có một trí tuệ tuyệt vời, vì thế, ta có khả năng theo phương cách tiếp cận thực tế, nhờ lý luận và trí tuệ, nên chúng ta thành công hơn. Chúng ta có ý thức về kết quả dài hạn, do đó, đôi khi, ta sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt cho sự thành công lâu dài. Đây là một dẫn chứng cho thấy trí tuệ của chúng ta cao hơn loài vật, và vì có trí tuệ này, con người chúng ta cố gắng đạt được lợi ích lâu dài.
Thế thì câu hỏi đặt ra là mức độ kinh nghiệm nào sẽ mang lại cho chúng ta lợi ích tốt nhất? Kinh nghiệm bằng giác quan chủ yếu là tạm thời. Ví dụ, bạn nhìn thấy một vài bức tranh hoặc một buổi thi đấu thể thao, hay một khách du lịch đi tham quan các địa điểm và phong cảnh khác nhau, trang phục, con người; từ đó mà bạn có được một sự vui thích nào đó, chẳng hạn như bằng mắt của mình. Ví dụ như người lái xe của tôi ở Delhi, một người Ấn, yêu thích môn bóng gậy (cricket). Khi tôi hỏi anh ấy đã ngủ được mấy tiếng khi có một trận bóng gậy tối hôm qua, anh ấy nói bốn tiếng. Thế là tôi phê bình anh ấy, tôi nói thà là có một giấc ngủ ngon còn hơn là xem thể thao. Nó tốt hơn cho tâm thức. Rồi còn có âm nhạc, nước hoa đẹp, thực phẩm và những cảm giác thể chất dễ chịu. Các lạc thú ở mức độ giác quan chỉ tạm thời. Khi chúng chấm dứt, điều duy nhất còn sót lại là ký ức về chúng.
Mặt khác, một số kinh nghiệm thuộc về khía cạnh tinh thần và không phụ thuộc vào kinh nghiệm bằng giác quan; và niềm vui xuất phát từ các kinh nghiệm này kéo dài hơn nhiều. Vì thế, điều quan trọng là nhận thức rằng có hai mức độ kinh nghiệm hạnh phúc và bất hạnh. Một là ở mức độ giác quan, đó là điều tạm bợ và hai là mức độ khác, về mặt tinh thần thì sâu sắc hơn nhiều.
Trong thời hiện đại, con người bị dính mắc quá nhiều ở mức độ giác quan, điều mà họ xem là quan trọng nhất, nên họ luôn tìm kiếm hạnh phúc ở các nguồn vật chất bên ngoài và xem nhẹ nội tâm, mức độ sâu sắc hơn. Nhiều năm về trước, có một lần tôi ở Berlin, nước Đức và khách sạn của tôi ở nằm đối diện một hộp đêm. Khoảng 7 giờ rưỡi hay 8 giờ tối thì tôi đi ngủ và có thể nhìn thấy bên ngoài có các loại đèn màu, đỏ, xanh, nhấp nháy và âm thanh lớn thình thịch. Tôi đi ngủ và tỉnh dậy vào lúc nửa đêm và mọi thứ vẫn còn tiếp tục, và khi tôi thức dậy khoảng chừng 4 giờ sáng, mọi thứ thậm chí vẫn còn tiếp diễn. Tất cả năng lượng của những người ở trong hộp đêm đã được hấp thụ ở mức độ giác quan. Tôi nghĩ qua ngày hôm sau, tất cả mọi người đều hoàn toàn kiệt sức.
Gần đây, tôi gặp một gia đình Ấn Độ có trẻ con, bố mẹ của họ cũng có mặt ở đó và chúng tôi chỉ nói chuyện bình thường. Tôi nói rằng trong hai hay ba năm qua tôi không còn xem tivi nữa, mà chỉ nghe tin tức trên đài phát thanh BBC. Các thành viên trẻ của gia đình Ấn Độ này nói với tôi là, “Nếu không xem tivi thì chắc Ngài phải thấy buồn tẻ lắm!”. Điều này chứng tỏ họ xem tivi rất nhiều. Đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, trẻ con xem tivi quá nhiều. Điều này không hữu ích, bởi vì nó làm thay đổi khả năng phân tích bằng trí tuệ sắc bén. Vì vậy nên cách tìm kiếm hạnh phúc bằng cách chú trọng vào khía cạnh tinh thần thì có ý nghĩa hơn là ở khía cạnh giác quan.
Một điểm nữa là sự rối loạn cảm xúc thực sự bắt nguồn chủ yếu từ mặt tinh thần; nên chúng ta cần có một tâm thức an tĩnh để có được cuộc sống hạnh phúc. Khi nguồn gốc của sự rối loạn bắt nguồn từ mức độ tinh thần, chúng ta phải giải quyết nó ở mức độ đó, để đạt được hạnh phúc. Vì vậy, trước tiên, chúng ta cần phải chú ý hơn về thế giới nội tâm vào các giá trị nội tâm của mình. Trong một khoảng nhỏ của não bộ, chúng ta có thể khám phá một không gian rộng lớn của nội tâm, nhưng chúng ta thực sự biết rất ít về không gian bên trong này. Thế nên chúng ta cần phải xem xét các cảm xúc. Khi một cảm xúc mạnh mẽ phát sinh thì chúng ta phải xem xét cảm xúc này bằng một phần tâm trí của mình, rồi dần dần, chúng ta sẽ thấy nó lắng dịu. Chúng ta có khả năng để quan sát tâm bị khống chế vì sân hận; ngay khi chúng ta xem xét nó thì cường độ giận dữ sẽ giảm dần. Việc quan sát tâm thức một cách sâu xa hơn là điều khá thú vị.
Hiện nay, chúng ta đang ở thế kỷ 21. Dường như thế kỷ 20 là thế kỷ quan trọng nhất của lịch sử loài người, bởi vì chúng ta đã có rất nhiều sự phát triển trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Nhờ vậy, kiến thức của chúng ta gia tăng, mức sống cũng được nâng cao. Đồng thời, nó cũng là một thế kỷ đổ máu. Bố mẹ và ông bà chúng ta đã trải qua sự rối loạn và đau khổ lớn. Hơn hai trăm triệu người thiệt mạng, trong đó có một số bị sát hại bằng vũ khí hạt nhân. Nếu cho rằng bạo lực khủng khiếp đã tạo ra một số trật tự mới, có lẽ chúng ta có thể biện minh cho việc này, nhưng không phải vậy. Kể cả hiện nay, ở đầu thế kỷ 21, có quá nhiều vấn đề ở Iraq, Iran và Afghanistan (A Phú Hãn), quá nhiều chủ nghĩa khủng bố; đây là một triệu chứng của những sự sai lầm và sơ suất trong quá khứ. Có quá nhiều sự chú trọng chỉ riêng cho các yếu tố bên ngoài. Giờ đây, chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về giá trị nội tâm, không chỉ về hoàn cảnh bên ngoài.
Hơn nữa, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một vấn đề lớn, dù nói chung thì tiến bộ vật chất là điều ổn thỏa. Ở đây, trong nước Áo (Austria), mức độ bình đẳng khá tốt, nhưng năm ngoái, khi viếng thăm Mễ Tây Cơ (Mexico), Argentina và Brazil, tôi hỏi thăm về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là lớn hay nhỏ, người ta nói là rất lớn. Ở Áo, có lẽ là nhỏ.
Tôi cũng hỏi, “Mức độ tham nhũng là lớn hay nhỏ?” Ở các nước dân chủ, nơi có tự do ngôn luận và tự do báo chí, vẫn có thể có rất nhiều tham nhũng. Đó là vì con người thiếu sự tự giác, thiếu các nguyên tắc đạo đức. Ví dụ như Ấn Độ là một đất nước rất sùng đạo, thế mà vẫn có rất nhiều tham nhũng. Rất nhiều người Ấn có tượng của các vị thiên nam (gods) và thiên nữ (goddesses) ở trong nhà. Họ dâng cúng hương hoa và cầu nguyện, nhưng đôi khi tôi nói đùa rằng họ cầu nguyện là: “Mong cho việc tham nhũng của con được thành tựu”. Vì thế, điều này rất đáng buồn. Họ rất mộ đạo, nhưng có rất nhiều người tham nhũng. Đáng lý họ là những tín hữu, nhưng không phải là tín hữu đến mức mà họ thật sự thực hiện các nguyên tắc tôn giáo của mình và biết kinh sợ Thượng Đế.
Một vài năm trước, tôi có một cuộc thảo luận với một học giả về các công ty đa quốc gia và lợi nhuận của họ không được minh bạch ra sao. Chúng tôi đã thảo luận về những vấn đề này và tôi nói “những người điều hành các công ty này đáng lý phải kinh sợ Thượng Đế, nên họ nên có một số kỷ luật” và ông ấy bảo “đó là suy nghĩ của thế kỷ 18”. Vì vậy, mặc dù những người này có thể cầu nguyện với Thượng Đế, nhưng họ không thực sự nghiêm túc. Nếu họ thực sự nghiêm túc, họ nên làm theo lời răn của Thượng Đế là hành động một cách trung thực, quan tâm đến người khác và có đạo đức. Thế nên chúng ta phải quan tâm tới người khác và quan tâm tới môi trường. Vì vậy, chúng ta cần phải chú trọng hơn về đạo đức, và điều này có nghĩa là chú trọng hơn về sự tự giác, không phải từ ý thức trách nhiệm hay sợ hãi, mà là sự tự nguyện, dựa trên sự hiểu biết rằng “nếu tôi thực hiện hành động này thì nó sẽ đi ngược lại với các nguyên tắc đạo đức”.
Chúng ta cần phải nỗ lực hơn để thúc đẩy đạo đức, nếu không thì với dân số gia tăng quá cao và tài nguyên suy giảm, chúng ta sẽ càng có nhiều vấn đề hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực để làm cho thế kỷ 21 trở thành thế kỷ của lòng nhân ái. Đó là nguyên tắc cơ bản của luân lý, đạo đức thế tục.
Đạo đức liên quan rất chặt chẽ với sự nhiệt tình. Điều này có nghĩa là chúng ta ngày càng quan tâm đến người khác hơn. Họ cũng muốn hạnh phúc, họ không muốn bất hạnh và chúng ta đều có sự tương quan với nhau. Hạnh phúc của họ là nguồn hạnh phúc của chúng ta. Khi chúng ta hiểu điều này và tôn trọng người khác thì sẽ không có sự dối trá, gian lận, bắt nạt hoặc bóc lột xảy ra. Dựa trên ý nghĩa này mà sự nhiệt tình là cội nguồn hạnh phúc; và nó bắt nguồn từ yếu tố sinh học từ thời của những bà mẹ của mình: chúng ta sống sót nhờ tình thương của mẹ, nhờ sữa mẹ. Kinh nghiệm này đã được hấp thụ vào gen và máu của chúng ta. Câu hỏi được đặt ra là: trẻ con quan tâm đến tình thương của người khác hơn là tiền bạc và yếu tố văn hóa của họ, nhưng khi lớn lên, trừ khi chúng trở nên khôn ngoan hơn, nếu không thì giá trị của chúng lại giảm thiểu. Tại sao, bởi vì chúng quan tâm đến bản thân nhiều hơn. Nếu như chúng giúp đỡ người khác thì điều mà chúng quan tâm là “liệu mình có được lợi ích gì không?” Vì vậy nên tâm vị kỷ hỗ trợ cho cảm giác về một “cái tôi” to lớn, đó là nguồn gốc của các vấn đề lớn. Chúng ta cần phải xem toàn thể cộng đồng nhân loại như là “chúng ta”, bằng cách xem mình là một thành phần của Công Đoàn Châu Âu, hay một thành phần của cả thế giới. Chúng ta cần phải nghĩ về toàn thể bảy tỷ người trên thế giới này như là “chúng ta” và mình là một thành phần của “chúng ta”; không chỉ nghĩ về “cái tôi” nhỏ bé. Vì vậy, chúng ta cần phải tôn trọng tất cả mọi người, cả giàu lẫn nghèo. Mọi người cần có quyền lợi như nhau, về mặt kinh tế cũng như mọi lĩnh vực khác. Sự tôn trọng này sẽ phát sinh, nếu chúng ta phát triển sự quan tâm về hạnh phúc của người khác.
Điều này không nhất thiết là một thành phần của tôn giáo; tôn giáo là chuyện riêng tư; còn điều này là mối quan tâm của toàn thể nhân loại. Nếu chúng ta tôn trọng mọi người thì sẽ không có sự bóc lột. Ngoài ra, lòng nhiệt tình là sự hỗ trợ lớn đối với sức khỏe. Một số nhà khoa học nói rằng sự nguy hiểm và sợ hãi liên tục làm yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, nên khi có tâm vị kỷ, chúng ta sẽ thấy rất sợ hãi cho chính bản thân mình, và rất ngờ vực đối với người khác. Điều này dẫn tới cảm giác cô đơn và sợ hãi, đưa đến sự thất vọng và cuối cùng là tức giận, nhưng khi mở rộng lòng mình và quan tâm đến người khác, chúng ta sẽ có sự tự tin. Nhờ vậy, chúng ta có thể hành động một cách cởi mở và minh bạch. Bất kể gặp ai, nhìn thấy ai, chúng ta sẽ coi mọi người chung quanh như anh chị em; và nếu chúng ta lo lắng cho người khác một cách nhiệt tình, hầu hết mọi người sẽ có phản ứng tích cực. Nhưng điều này không phải luôn luôn là như vậy.
Bất cứ khi nào được đi khắp nơi bằng xe hơi, tôi luôn nhìn những người ở dọc đường và mỉm cười với họ. Có một lần ở Đức, khi tôi cười với một phụ nữ ở vỉa hè, bà ấy cảm thấy rất nghi ngờ. Thay vì nụ cười của tôi làm bà hạnh phúc thì lại khiến cho bà sợ hãi, nên tôi quay mặt sang hướng khác, nhưng việc này thường không xảy ra.
Nhiệt tình là một điều mà chúng ta học hỏi từ mẹ của mình, đây là điều mà chúng ta cần phải cưu mang trong suốt cuộc đời. Tại một buổi họp về khoa học, chúng tôi có một khẩu hiệu: “một tâm thức lành mạnh, một cơ thể khỏe mạnh”. Đối với điều này, chúng ta cần phải hiểu biết thực tại, chúng ta cần phải có sự bình tĩnh. Nếu như bối rối thì chúng ta sẽ trở nên thiên vị và không thể nhìn thấy thực tại, và điều này mang tới rất nhiều vấn đề. Vì vậy nên sự nhiệt tình giúp cho tâm ta có sự bình tĩnh.
Nếu ta không có sự bình tĩnh thì điều này sẽ tạo ra các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục. Nếu không có sự bình tĩnh và hạnh phúc thì việc học hỏi sẽ rất khó khăn. Vì vậy nên sự bình tĩnh sẽ giúp ta thực hiện mọi công việc và tất cả các ngành nghề, kể cả chính trị. Nói tóm lại, sự bình tĩnh dẫn tới sự tự tin, và với lòng tự tin, chúng ta có thể nhìn thực tại rõ ràng hơn và dựa vào đó, chúng ta sẽ càng phát triển nhiều nhiệt tâm hơn.
Đó là các nguyên tắc cơ bản của đạo đức thế tục và là chìa khóa của nghệ thuật hạnh phúc. Tôi thấy nó rất hữu ích cho bản thân. Nếu các bạn thấy nó có ý nghĩa thì hãy cố gắng thực hành. Nếu nó không có ý nghĩa gì đối với mình thì hãy quên nó đi. Cảm ơn các bạn.
Đức Dalai Lama 14
Việt dịch: Nguyễn Mai