Bây giờ chúng ta bắt đầu từ phần chuyển hóa nghịch cảnh qua hành động. Chánh văn ghi:
Phương tiện tối thượng có bốn hành vi.
Hãy sử dụng ngay thiền quán
Càng nhiều càng tốt
Mỗi khi cảm thấy khó khăn hoặc bất hạnh, hãy ngay lập tức áp dụng pháp hành vào bất cứ hoàn cảnh nào mà quý vị gặp phải. Thông qua việc áp dụng bốn hành vi, chúng sẽ giúp quý vị đương đầu với khó khăn, thử thách. Hành vi thứ nhất là động cơ. Dù làm bất cứ việc gì thì quý vị cũng cần động cơ mãnh liệt. Nếu có động cơ rất mạnh mẽ thì động cơ đó sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn, dù quý vị làm bất cứ việc gì hoặc thực hành bất cứ pháp nào. Nói chung, không chỉ đối với việc thực hành Pháp mà đối với tất cả mọi việc trong cuộc sống, quý vị cần có một động lực mạnh mẽ. Chính vì vậy, hành vi thứ nhất trong bốn hành vi là động lực. Để làm bất cứ một việc gì thì quý vị cần có động cơ mãnh liệt. Khi quý vị có động cơ rất mạnh thì việc thực hành Pháp hay bất cứ việc gì khác sẽ đều rất trôi chảy. Vì vậy, chánh văn nói về hành vi thứ nhất là động cơ.
Động cơ đến dưới nhiều hình thức, và có khi quý vị phải tự tạo động lực cho bản thân. Khi có động lực mạnh mẽ để thực hành Pháp thì mọi pháp hành đều trở nên rất đơn giản và dễ dàng. Khi quý vị không có động lực như thế thì sẽ có khó khăn. Để tạo động lực, quý vị phải xem xét lợi ích của việc thực hành Pháp, hoặc lợi ích của việc mà mình sắp thực hiện. Đôi lúc quý vị cần tạo động lực như vậy. Nói chung, quý vị có thể thấy một điều rất rõ là đối với mọi việc diễn ra trong cuộc sống, quý vị có thành công hay không tùy thuộc rất nhiều vào động lực của bản thân. Khi quý vị có động lực mãnh liệt thì thành công sẽ rực rỡ hơn.
Một sự việc rất buồn cười đã xảy ra vào sáng hôm qua. Lúc đó tôi đang ăn sáng trên ôtô trên đường đến nơi giảng. Tôi khởi hành vào sáng sớm nên phải ăn sáng trên xe. Vào giờ cơm trưa, tôi dùng trưa với nhiều người nên tôi phải nói chuyện với họ. Tôi đã không dùng hết bữa trưa vì tôi phải tập trung trò chuyện với mọi người nhiều hơn. Rồi đến bữa cơm tối thì tôi lại có lớp học khác [Thầy cười]. Nói chung, trong cuộc sống chúng ta phải đối mặt với rất nhiều chuyện khác nhau. Có khi ta gặp thử thách, những lúc khác ta lại gặp những sự việc thiện lành. Đôi lúc chúng ta phải đối diện với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Khi phải đối mặt với tất cả những điều này, trước hết quý vị cần có động lực. Quý vị cần có một động lực rất mãnh liệt rằng mình có thể làm được chuyện đó. Một khi có được động lực từ ý nghĩ “tôi có thể làm chuyện đó” thì quý vị sẽ có được sự tự tin. Hiện tại, tâm lý học dùng thuật ngữ “tự tin”, và “tự tin” không khác với khái niệm “động cơ mãnh liệt” trong đạo Phật. Sự tự tin chỉ đến khi quý vị cảm thấy bản thân có thể làm được chuyện đó. Do đó, đạo Phật luôn khuyến khích mọi người rằng ai cũng có tiềm năng giác ngộ, ai cũng có tiềm năng đắc Phật quả, và tất cả chúng ta đều có hạt giống Phật. Điều đó mang đến cho chúng ta động lực rất mạnh và sự tự tin cao độ.
Có một câu chuyện về hai đứa bé là bạn thân và thường chơi chung với nhau. Một lần khi đang chơi, một đứa bị rơi xuống giếng. Khi đứa bé bị rơi xuống giếng, ngoài người bạn thân của nó ra thì không có ai ở gần cái giếng đó cả. Cậu bé phía trên miệng giếng la hét kêu cứu nhưng không ai đến giúp vì đó là một vùng rất hẻo lánh. Thế rồi đứa bé phía trên thả xuống giếng một sợi dây thừng và cố hết sức kéo bạn mình lên. Khi nó đã kéo được bạn mình lên khỏi giếng, hai đứa cùng nhau về làng. Chúng kể lại câu chuyện nhưng không ai tin vì họ đều nghĩ làm sao một đứa bé còn nhỏ như vậy lại có thể kéo bạn mình lên khỏi giếng. Họ cho rằng đứa bé không đủ khỏe để kéo một đứa khác lên khỏi miệng giếng. Khi hai đứa bé về làng thuật lại câu chuyện, không ai tin và họ cho rằng chúng nói dối. Tuy nhiên, một cụ già trong làng cho rằng hai đứa trẻ đã nói sự thật. Lúc phải kéo đứa trẻ dưới giếng lên thì không còn một ai khác ở đó, vì vậy đứa bé phía trên phải tự mình làm việc đó. Khi đứa bé phía trên miệng giếng nghĩ rằng chỉ có nó mới làm được chuyện đó, nó được tiếp thêm sức mạnh nhờ động lực của mình. Nó đã có động lực rất mạnh muốn cứu bạn mình, chỉ có nó mới có thể cứu bạn, và động lực đó đã giúp đứa bé có thêm sức mạnh.
Trong cuộc sống cũng có nhiều chuyện giống như vậy. Đôi lúc, cuộc sống có nhiều thử thách nhưng chúng ta lại không đủ tự tin rằng mình thật sự có thể vượt qua những thử thách đó. Nhiều lúc, khó khăn thử thách ập đến trong cuộc sống và chúng làm lung lay sự tự tin của chúng ta, khiến ta càng khó đương đầu với thử thách. Đặc biệt là việc đối mặt với bệnh tật, khi một người mang một chứng bệnh thì đôi lúc nó thật sự làm chao đảo niềm tin và hy vọng của người bệnh vào việc hồi phục. Tôi nghĩ tôi đã nói trước đây, đối với trò chơi xổ số thì khả năng trúng số rất thấp. Tôi nghĩ có đến 99% số người mua vé số sẽ không thể trúng số, nhưng người ta vẫn có niềm tin và hy vọng họ sẽ trúng số. Có lẽ chỉ có 1% số người mua có cơ hội trúng số và 99% còn lại không thể trúng số, nhưng người ta vẫn cứ hy vọng là mình sẽ thắng giải. Tâm con người rất lạ. Dù biết rằng 99% số người mua vé số hoàn toàn không có cơ hội, nhưng quý vị vẫn hy vọng mình thuộc về 1% còn lại. Tôi nghĩ đó là lý do lĩnh vực kinh doanh xổ số phát triển rất tốt. Nhưng tâm con người lại rất kỳ lạ. Khi khó khăn thử thách xảy đến, dù trong tâm quý vị biết khả năng thành công là 50-50 nhưng quý vị vẫn không thể tự tin và có hy vọng mình sẽ vượt qua được thử thách. Có thể cơ hội để vượt qua thử thách là 50-50 nhưng quý vị vẫn gặp khó khăn trong việc phát khởi tự tin và hy vọng để vượt thử thách. Vậy mà với trò xổ số, chỉ cần 1% cơ hội còn lại mà quý vị đã có thể có hy vọng rất mãnh liệt rằng mình sẽ trúng số!
Chánh văn nói rằng:
Phương tiện tối thượng có bốn hành vi.
Hãy sử dụng ngay thiền quán
Càng nhiều càng tốt
Ở đây, “thiền quán” có nghĩa là thực hành Phật pháp của quý vị. Đôi lúc quý vị có động lực thực hành Pháp rất mãnh liệt, và có những lúc quý vị bị mất động lực thực hành Pháp. Khi bắt đầu thực hành thì quý vị có động lực rất mãnh liệt, sau một ngày, hai ngày rồi ba ngày, động lực thực hành Pháp dần dần mờ nhạt và trở nên bình thường, không còn mãnh liệt như lúc đầu nữa. Quý vị mất dần động lực thực hành là do quý vị không nghĩ đến lợi lạc của pháp thực hành. Nếu nghĩ đến lợi lạc của pháp hành nhiều hơn thì quý vị sẽ có thể phát khởi động lực thực hành.
Bây giờ chúng ta sang hành vi thứ hai. Nói chung, ta cần biết rằng vì chúng ta mang rất nhiều ác nghiệp nên đôi lúc việc thực hành Pháp gặp nhiều chướng ngại, cũng như có rất nhiều khó khăn xảy đến trong cuộc sống. Có hai hoàn cảnh khiến chúng ta đau khổ trong cuộc sống: thứ nhất là không đạt được những gì ta muốn, và thứ hai là buộc phải đối mặt với những điều ta không muốn. Hai điều này khiến chúng ta rất đau khổ và khó chịu. Như hôm trước tôi có kể chuyện tôi bị đau tay vì kéo một tấm nệm. Tôi không muốn bị đau tay nhưng vì kéo tấm nệm mà tay tôi bị đau. Tôi không muốn nhưng cơn đau tay vẫn cứ đến với tôi. Có một lý do giải thích vì sao chuyện đó xảy ra. Khi tôi kéo tấm nệm và bị đau tay, một học trò đã nói với tôi: “Rinpoche, ngài càng ngày càng lớn tuổi rồi, vì vậy ngài làm việc gì cũng nên thật cẩn thận khi tuổi đã lớn”. [Thầy cười] Tôi không chắc là mình có đang già đi hay không [Thầy cười]. Vấn đề ở đây là tại sao sự việc diễn ra như vậy? Đó là một nghi vấn. Những người khác cũng kéo tấm nệm nhưng không có gì xảy ra. Tôi cũng từng kéo tấm nệm nhiều lần trước đó nhưng đã không có gì xảy ra. Đôi lúc những sự việc như vậy xảy ra vì chúng ta mang ác nghiệp. Vào thời Đức Phật, thậm chí các thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đôi lúc cũng phải đối mặt với chướng ngại vì ác nghiệp.
Chúng ta đang nói đến bốn hành vi. Bốn hành vi này hướng dẫn chúng ta cách giảm thiểu ác nghiệp. Bốn hành vi cũng chính là bốn phương pháp để chúng ta tịnh hóa mọi ác nghiệp.
Vì sao những sự việc không mong muốn cứ xảy đến trong cuộc sống chúng ta? Câu hỏi này luôn hiện hữu. Vì nghiệp, nghiệp là yếu tố đưa đến mọi điều không mong muốn trong cuộc sống. Khi quý vị đã tịnh hóa nghiệp của mình thì phần lớn những sự việc diễn ra trong cuộc sống sẽ là những điều thuận lợi. Dưới góc nhìn của pháp luyện tâm, chúng ta có thể biến mọi điều xảy đến trong cuộc sống trở nên thuận lợi. Chúng ta có thể chuyển hóa chúng thành thuận duyên cho việc thực hành Pháp. Như tôi đã nói, mỗi khi cơn đau tay xuất hiện, nó mang đến cho tôi rất nhiều bài học và tôi không hề hối hận về sự việc đã xảy ra khiến tôi đau tay. Bây giờ tay tôi đã khỏi hẳn, nhưng vài tuần trước tôi đã gặp một số khó khăn [Thầy cười].
Hành vi thứ hai là biện pháp đối trị. Mọi khó khăn và ác nghiệp đều có pháp đối trị. Chúng ta phải tìm ra và áp dụng biện pháp đối trị. Vấn đề là quý vị sẽ tìm kiếm biện pháp đối trị như thế nào. Dù là thử thách hay ác nghiệp gì cũng có biện pháp đối trị, và quý vị cần phải áp dụng các biện pháp đó. Mọi chất độc đều có thuốc giải độc. Ví dụ khi nổi giận, thông thường quý vị không hề áp dụng pháp đối trị, và đó là lỗi lầm lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Ngày hôm kia tôi ăn tối ở Nam Đài Loan với học trò cùng gia đình của những vị ấy. Một gia đình đã thuật lại một câu chuyện trong giờ dùng cơm tối. Người cha có hai đứa con và đứa con lớn nay đã 5 tuổi. Anh ấy kể với tôi là khi dạy con, anh thường nói: “Nếu con tức giận thì con ma giận sẽ hiện lên trong tâm con. Nếu con càng tức giận thì con ma giận trong con sẽ càng lớn, và nó sẽ xúi giục con làm những điều xấu. Những khi tức giận con phải kiểm soát cơn giận của mình”. Anh ấy kể với tôi anh dạy con như thế. Rồi có những lúc người mẹ nổi giận, đứa con nói, “Nhìn kìa! Bây giờ con ma giận đã chui vào người mẹ!” [Thầy cười] Có lần tôi nói với một đứa trẻ khoảng năm đến sáu tuổi là tôi sẽ tặng cho cậu bé một con ngựa. Quý vị có nhớ ảnh bìa Tạp chí Dipkar Đài Loan in hình tôi cùng với một con ngựa ở Mông Cổ không? Tôi nghĩ cũng đứa trẻ đó, nó nhìn thấy hình bìa tạp chí và nói với mẹ: “Đây là con ngựa Rinpoche sắp tặng con!” [Thầy cười]
Hành vi thứ hai là áp dụng pháp đối trị mỗi khi có ác niệm nảy sinh trong tâm, tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ cố gắng áp dụng các pháp đối trị. Nếu ta cố gắng áp dụng pháp đối trị được một lần, thì các lần thứ hai, thứ ba… sẽ dễ dàng hơn. Nếu quý vị nhìn lại tâm mình, khi thấy khuyết điểm của người khác, dù không cần thiết nhưng quý vị đều cố gắng bắt lỗi họ, cố gắng soi vào điểm xấu của người khác. Quý vị chẳng bao giờ nghĩ đến việc áp dụng pháp đối trị khi trong tâm nghĩ xấu về người khác. Đó là lỗi lầm lớn mà quý vị đang mắc phải. Chính vì vậy, hành vi thứ hai là áp dụng pháp đối trị. Có rất nhiều điều tiêu cực, sai quấy mà chúng ta đang làm và ta không bao giờ áp dụng pháp đối trị lại chúng. Đó là lý do khiến cho ác niệm ngày càng mãnh liệt hơn, giống như người cha nói rằng con ma giận trong tâm sẽ ngày càng lớn hơn nếu chúng ta không áp dụng bất cứ pháp đối trị nào. Nếu ta liên tục áp dụng các pháp đối trị thì tất cả ác niệm nảy sinh trong tâm sẽ dần được tiêu trừ.
Hành vi thứ ba đối với mọi điều xấu ác là suy nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ tái phạm. Dù biết rằng những gì bản thân đang làm là sai trái, nhưng quý vị vẫn không có được tư tưởng là mình sẽ không tái phạm nữa. Khi đã nhận năm giới cư sĩ và quý vị lỡ phạm vào giới uống rượu, lúc đó quý vị nên nghĩ rằng mình sẽ không phạm lỗi nữa, và như thế quý vị sẽ có được tư tưởng không tái phạm trong tâm. Ví dụ, khi tranh luận hoặc chỉ trích người khác, nếu nhận ra mình đã làm sai thì quý vị nên có ý niệm mạnh mẽ rằng quý vị sẽ không tái phạm; chỉ như vậy quý vị mới có thể từ bỏ lỗi lầm.
Khi tôi đi từ Ấn Độ đến Đài Loan, tôi chỉ mua vé máy bay một chiều, và thông thường không có vấn đề gì. Lần này, tại quầy làm thủ tục ở sân bay, trước khi xuất vé cho tôi họ đã hỏi tôi vé lượt về. Họ nói với tôi họ cần xem vé lượt về. Tôi nói rằng tôi không biết chắc khi nào sẽ từ Đài Loan trở về Ấn Độ nên tôi sẽ mua vé lượt về ở Đài Loan. Lúc đó họ nói: “Nếu ông muốn mua vé lượt về ở Đài Loan thì ông phải cho tôi xem số dư tài khoản, để tôi biết ông có bao nhiêu tiền”. Tôi nói với anh ta tôi có thẻ ghi nợ (debit card), và anh nhân viên nói tôi phải đến máy ATM in số dư tài khoản cho anh ta xem. Nhưng thẻ của tôi chỉ có vài ngàn rupee Ấn, không đủ mua vé [Thầy cười]. Lúc đó tôi nói: “Xin lỗi anh, lần sau tôi sẽ không mắc lỗi này nữa. Chắc chắn lần sau tôi sẽ mua vé khứ hồi”. Tôi đã năn nỉ anh ấy, và anh nhân viên là một người rất tốt. Anh ta nói, “Lần sau ông đừng có làm vậy nữa!” [Thầy cười]
Tương tự, khi quý vị làm điều sai trái, quý vị nên có ý niệm là mình sẽ không phạm lỗi lần nữa. Nhiều lúc chúng ta phạm lỗi nhưng lại không có tư tưởng từ bỏ lỗi lầm, và ta lại tiếp tục phạm lỗi nhiều lần. Điều này cũng giống như ác niệm và sân giận cứ nảy sinh nhiều lần trong tâm vì quý vị không nghĩ rằng mình sẽ không nổi giận một lần nào nữa. Đối với các lỗi lầm khác như nói dối, không cần thiết như lại chỉ trích, soi mói khuyết điểm của người khác, chúng ta không hề có tư tưởng là mình sẽ không tái phạm. Tóm lại, chúng ta cần có thói quen tư duy rằng mình sẽ không tái phạm hành vi sai trái.
Tôi chưa từng nghĩ là mình sẽ bị nhân viên sân bay yêu cầu chứng minh số dư tài khoản ghi nợ. Lúc tôi đưa ra số dư tài khoản thì với số tiền đó tôi hoàn toàn không thể mua vé máy bay [Thầy cười]. Và tôi nhận ra lần sau tôi sẽ không như vậy nữa. Bấy giờ tôi học được một điều, trong tâm tôi có ý niệm là tôi sẽ không mua vé một chiều như vậy nữa [Thầy cười]. Tôi cảm thấy mình được Đức Phật trợ giúp và gia trì vì mọi việc đã rất suôn sẻ. Tôi nài nỉ anh nhân viên và nói với anh ấy lần sau tôi sẽ không như vậy nữa, năn nỉ anh hãy cho tôi đi. Việc kiểm soát vé khứ hồi cũng là một nguyên tắc của hãng hàng không.
Hành vi thứ tư là cầu nguyện với Đức Phật hoặc với Ruộng Phước. Đây là một trong những điều ta cần áp dụng khi đối mặt với khó khăn thử thách. Nói chung, khi nghịch cảnh đến trong cuộc sống, trước hết chúng sẽ khiến tâm ta phiền muộn, và với tâm đầy phiền muộn thì quý vị không thể nhìn nhận vấn đề sáng suốt. Cầu nguyện sẽ làm tâm an dịu, nó sẽ giúp tâm ta hết phiền muộn. Nghịch cảnh, thử thách và áp lực của cuộc đời khiến tâm quý vị phiền muộn, và trong hoàn cảnh đó chỉ một vấn đề nhỏ bé cũng có thể gây ra rắc rối to lớn vì bấy giờ tâm quý vị rất yếu đuối. Để làm cho tâm tĩnh lặng trở lại, bước đầu tiên là cầu nguyện. Cầu nguyện có giúp quý vị vượt qua khó khăn hay không, đó là câu hỏi khác. Ít nhất là khi cầu nguyện quý vị có một nơi để gửi gắm niềm tin, và điều đó sẽ xoa dịu tâm. Nếu quý vị đọc về cuộc đời Thánh Gandhi, Ngài đã đối mặt với rất nhiều thử thách, khó khăn. Thánh Gandhi nói rằng Ngài đã có được sức mạnh trước hết là nhờ cầu nguyện. Trong quyển tự truyện Trải nghiệm chân lý của tôi (My experiences with truth), Gandhi kể rằng mỗi khi gặp khó khăn thử thách, Ngài nương tựa vào năng lực cầu nguyện. Gandhi đã có được sức mạnh tinh thần rất vững chãi nhờ cầu nguyện. Thậm chí nếu đọc sách về Nelson Mandela, ông ấy cũng cầu nguyện rất nhiều, dù tôi không nghĩ ông thật sự tin vào cầu nguyện [Thầy cười].
Bây giờ nếu nhìn theo quan điểm đạo Phật, cầu nguyện cũng giống như thổ lộ ước muốn. Chúng ta cầu nguyện với Đức Phật, bằng năng lực của Ngài, sẽ giúp cho mong ước của ta thành hiện thực. Có hai yếu tố giúp ước muốn của quý vị thành hiện thực: thiện nghiệp của quý vị và năng lực gia trì của Đức Phật. Khi có đủ hai yếu tố đó thì bất cứ ước muốn nào của quý vị cũng thành hiện thực. Để kết hợp năng lực của Đức Phật và thiện nghiệp của bản thân, chúng ta tiến hành cầu nguyện. Cầu nguyện là cách duy nhất để kết hợp thiện nghiệp của bản thân và năng lực của Đức Phật. Quý vị có thiện nghiệp và Đức Phật có quyền năng, nhưng nếu quý vị không cầu nguyện thì điều ước cũng không thành sự thật.
Ở đây, chánh văn ghi:
Hãy sử dụng ngay thiền quán, càng nhiều càng tốt.
Câu này mang một thông điệp: dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống, tốt hoặc xấu, chúng ta hãy áp dụng pháp hành này. Điểm này nói về thực tại cuộc sống. Chúng ta đã học rất nhiều điều về thực tại, ví dụ như về lịch sử, thiên văn, cơ thể người…, nhưng ta chưa học một điều: thực tại của đời người. Phật pháp luôn đề cập đến vấn đề này: thực tại kiếp nhân sinh. Khi học từ các nền giáo dục khác nhau, quý vị học lịch sử, thiên văn, học về cơ thể con người… Tuy nhiên, chúng ta chưa học được một điều: thực tại kiếp nhân sinh. Nhiều lúc chúng ta sống như một con người nhưng lại không hiểu biết về kiếp người, như vậy thì làm sao ta sống được? Đó là điều không tưởng! Nếu không hiểu rõ về cơ thể người thì làm sao quý vị có thể chữa bệnh được? Không thể chữa được! Khi đã được sinh ra làm người, quý vị cần biết nhiều điều về thực tại của kiếp người; chỉ có như vậy thì quý vị mới có thể sống đúng đắn.
Ở một mặt nào đó thì đời người rất dài, nhưng ở mặt khác thì đời người rất ngắn ngủi. Rất khó nói đời người dài hay ngắn, có thể là không dài cũng không ngắn, hoặc vừa dài vừa ngắn [Thầy cười]. Nhiều lần chúng ta đã cầu nguyện cho một danh sách dài những người đã qua đời. Nhìn xung quanh ta, nhiều người đã qua đời, điều đó cho thấy kiếp người rất ngắn. Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác thì đời người lại rất dài. Đây là thực tại của kiếp người. Chúng ta chỉ thấy cái chết của người khác mà không thấy được cái chết của chính mình, vì vậy ta không tin là mình sẽ chết. Thời gian trôi qua nhất nhanh. Hãy nhìn lại ngày sinh của quý vị, từ đó đến nay đã bao lâu rồi? Rất nhanh! Theo khoa học thì thời gian có liên hệ đến chuyển động của Trái Đất. Mỗi ngày có 24 giờ, thời lượng đó tùy thuộc vào chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời. Trái Đất quay quanh Mặt Trời rất nhanh. Vì sao một ngày không phải có 26 giờ hoặc 22 giờ? Vì sao mỗi ngày có cố định 24 giờ? Vì thời lượng đó tùy thuộc vào tốc độ Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Trái Đất quay rất nhanh, và điều đó cho thấy rõ thời gian cũng trôi qua nhất nhanh. Thời giờ trôi qua rất nhanh nên cuộc đời rất ngắn ngủi. Nếu thời giờ không trôi nhanh như vậy thì ta có thể nói cuộc đời này rất dài. Bây giờ ta có thể kết luận: cuộc đời rất ngắn. Điều đó có nghĩa là từng khoảnh khắc trong cuộc đời này đều rất quý báu. Tôi đã từng nói thời giờ là thứ đắt đỏ nhất trong cuộc đời. Quý vị không thể mua thêm thời gian với bất cứ giá nào.
Tôi thích đi dạo ở công viên. Có lần khi tôi đi dạo ở công viên, người ta hỏi tôi: “Rinpoche, sao Ngài lại đi dạo ở công viên?” Tôi thường trả lời tôi là một tu sĩ, tôi không có gì để làm nên đi dạo ở công viên [Thầy cười]. Người ta thường nghĩ các vị tu sĩ không có việc gì để làm mà chỉ phí phạm thời gian mà thôi. Lúc ở công viên tôi cảm thấy mọi người phải làm việc nên họ rất hiếm khi đến công viên. Với những người không có việc làm thì họ đến công viên. Tôi để ý thấy người những lớn tuổi đã nghỉ hưu thường đến công viên. Họ làm gì? Họ chơi đùa và uống rượu, chỉ có vậy. Họ thật sự không có gì để làm cả [Thầy cười]. Từng khoảnh khắc của cuộc đời đều quý báu, vì vậy tôi muốn nói về cuộc đời, và chỉ rõ chúng ta phí phạm thời gian ra sao. Thời gian rất quan trọng, mỗi một giây đều đáng giá, và vì thời giờ trôi qua nhất nhanh nên đời người rất ngắn ngủi. Bởi cuộc đời ngắn ngủi nên mỗi một khoảnh khắc của cuộc đời đều rất quý báu. Đây là thực tại của kiếp người, cũng là lý do đạo Phật luôn đề cập đến vấn đề này. Bây giờ quý vị đều đã thấy và nghe, từng giây phút của cuộc đời đều đáng giá. Vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta phải cố gắng tận dụng thời gian thật tốt và có ý nghĩa hơn. Theo tôi, người ta không có việc gì để làm nên đi xem phim vào mỗi tối. Vì không có việc làm nên họ chán chường, và họ phải giết thời gian bằng cách đi xem phim. Họ lướt facebook, internet và xem ti-vi mỗi tối. Những người như vậy không có việc gì để làm cả [Thầy cười].
Sáng nay, trong lúc giảng Pháp, tôi đã nói với thính chúng một điều. Tôi trông thấy tấm bảng quảng cáo trong khách sạn ghi “Chúng tôi không có Wi-Fi, hãy trò chuyện với nhau.” Nhiều lúc chúng ta không biết là mình tốn quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, không biết rằng kiếp người này quý báu ra sao. Khi tốn nhiều thời gian cho các thiết bị cá nhân thì ta chỉ đang phí phạm thời giờ, không hơn không kém. Làm như vậy thì quý vị không tận dụng thời gian có ý nghĩa. Chúng ta phải tận dụng từng khoảnh khắc của cuộc đời này một cách đầy ý nghĩa.
Hôm nay tôi dừng ở đây. Nếu có một hoặc hai câu hỏi thì quý vị có thể hỏi. Sau đó chúng ta sẽ có bài cầu nguyện ngắn cho một người bệnh. Đôi lúc bệnh tật đến vì nghiệp, chướng ngại, vì chúng ta không chăm sóc sức khỏe tốt hoặc do ăn uống không đúng cách. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, và chủ yếu là do ăn uống không đúng cách.
Hỏi – Đáp
Hỏi: Có thông tin nói rằng, công đức của các thiện hạnh được thực hiện trong một số ngày trong năm sẽ tăng trưởng nhiều lần, nếu các ngày đó rơi vào nhật thực, ngày dakini hay ngày của các vị Phật hoặc là ngày của Đức Phật chuyển pháp luân, điều này có chính xác không? Xin ngài giải thích.
Rinpoche: Điều này chính xác. Công đức cũng tùy thuộc vào việc quý vị tích tập công đức đó trước các đối tượng linh thiêng, lúc đó công đức sẽ được nhân lên nhiều lần. Vào những ngày đặc biệt, như Ngày Đức Phật Thành Đạo, nếu quý vị làm thiện hạnh thì công đức cũng sẽ được nhân lên. Tuy nhiên, ngày thành đạo của Đức Phật khác nhau giữa các truyền thống. Ngày Phật thành đạo theo truyền thống Tây Tạng, truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, hoặc truyền thống Trung Hoa đều khác nhau [Thầy cười]. Tuy nhiên, điều này cũng tốt vì sẽ có đến ba ngày Phật thành đạo [Thầy cười]. Thật sự thì tôi nghĩ ngày của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy là đúng vì Phật giáo Nguyên thủy dùng hệ lịch Ấn Độ cổ. Tuy nhiên, tôi thực hành theo Tạng lịch vì thầy tôi theo hệ lịch đó. Trong câu hỏi này chúng ta không đề cập đến chuyện đúng hay sai.
Cảm ơn quý vị rất nhiều!
Nguyện cho các Bậc Thầy kính yêu phúc thọ an khang,
Nguyện cho cơn mưa to Mật pháp tối thượng thấm nhuần khắp mọi nơi,
Nguyện cho mật nhủ Kim Cang Thừa xuôi dòng Cửu Long đến tận quê hương tôi,
Nguyện cho giáo pháp diệu thâm của Đức Thích Ca chiếu sáng đời đời.
Đức Khangser Rinpoche
Việt dịch: Ban Biên Tập Dipkar Việt Nam