Chuyển hóa đau khổ thành an lạc |

Chuyển hóa đau khổ thành an lạc

Bồ Đề Tâm Thực hành

Tôi có đọc chuyện kể về một triết gia phái khắc kỷ ở Hy Lạp cổ đại rằng, khi được báo người con trai bị chết trong tai nạn, ông ta đáp: “Tôi vốn đã biết nó không bất tử mà”. Phải chăng đó là vâng phục? nếu phải, thì tôi không ưa chút nào. Có một số tình huống trong đó sự vâng phục dường như trái tự nhiên và phi nhân.

Cắt đứt tình cảm không phải là vâng phục. Nhưng chúng ta không biết rõ trạng thái nội tại của ông ta khi thốt lên câu nói ấy. Trong một số hoàn cảnh cực đoan, có lẽ bạn vẫn không thể chấp nhận cái Bây giờ. Nhưng bạn luôn luôn có cơ hội thứ hai để vâng phục.

Cơ hội thứ nhất của bạn là đối với từng khoảnh khắc bạn hãy vâng phục trước thực tại của khoảnh khắc ấy. Biết rằng cái đang là không thể không xảy ra – bởi vì nó vốn đã hiện hữu – thì bạn hoặc vâng phục hoặc không vâng phục cái đang là ấy. Lúc đó bạn làm việc bạn phải thực hiện, bất kể hoàn cảnh đòi hỏi ra sao đi nữa cũng vậy. Nếu bạn lưu trú trong trạng thái chấp nhận này, bạn sẽ không tạo ra thêm tiêu cực, thêm đau khổ, thêm bất hạnh nữa. Lúc ấy bạn sống trong trạng thái ân sủng và khinh an, tuyệt không còn có ý tranh đoạt gì nữa.

Khi bạn không thể làm như thế, khi bạn bỏ lỡ cơ hội đó – vì bạn không hiện trú hữu thức đúng mức để ngăn không cho một khuôn mẫu thói quen vô minh nẩy sinh, hoặc vì tình hình đó quá cực đoan khiến cho bạn tuyệt đối không chấp nhận được – rồi bạn gây ra một hình thức đau khổ nào đó. Xem ra hoàn cảnh đó dường như gây ra đau khổ, nhưng nói cho cùng thì không phải như vậy – chính sự phản kháng của bạn đã gây ra đau khổ.

Giờ đây là cơ hội thứ hai để bạn vâng phục: nếu bạn không thế chấp nhận cái đang là bên ngoài, vậy hãy chấp nhận cái đang là bên trong. Nếu không thể chấp nhận hoàn cảnh bên ngoài, bạn hãy chấp nhận tình cảnh bên trong. Tức là: Đừng phản kháng đau khổ. Hãy để cho nó hiện hành. Hãy vâng phục nỗi sầu khổ, thất vọng, sợ hãi, cô đơn, hay bất cứ hình thức đau khổ nào khác. Quan sát nó mà không để cho tâm trí đặt tên hay gắn nhãn hiệu cho nó. Hãy ôm trọn lấy nó. Rồi quan sát xem phép lạ vâng phục chuyển hóa đau khổ sâu sắc thành an lạc sâu sắc ra sao. Đây là “trường hợp đóng đinh cứu chuộc” của bạn. Hãy để cho nó trở thành sự hồi sinh, sự phục sinh của bạn.

Tôi không biết người ta có thể vâng phục đau khổ ra sao. Như chính ông đã nêu rõ, đau khổ là không vâng phục. vậy làm sao ông có thể vâng phục cái không vâng phục cho được?

Hãy tạm gác vâng phục lại một chốc. Khi nỗi đau khổ của bạn thật sâu sắc, thì tất cả mọi bàn bạc về vâng phục dường như đều không cần thiết và vô nghĩa. Khi nỗi đau khổ của bạn thật sâu sắc, thì rất có thể bên trong bạn nảy sinh thôi thúc tìm cách trốn chạy thay vì vâng phục nó. Bạn không muốn cảm nhận cái bạn đang cảm nhận được. Còn gì bình thường hơn? Thế nhưng vô phương trốn chạy, không còn ngõ thoát. Có nhiều cách trốn chạy như hư dối – như làm việc, rượu chè, ma túy, giận dữ, qui chiếu cảm giác (projection), đè nén, và vân vân chẳng hạn – nhưng chúng không giải thoát khỏi khổ đau. Đau khổ sẽ không giảm bớt cường độ khi bạn giải quyết nó bằng biện pháp vô minh. Khi bạn chối bỏ tình cảm đau khổ, thì mọi việc bạn làm, mọi điều bạn nghĩ, cũng như cái mối quan hệ của bạn đều bị ô nhiễm bởi đau khổ ấy. Bạn phát tán nó ra, khi năng lượng ô nhiễm ấy toát ra, thì những người khác vô tình phải hứng chịu nó. Nếu họ cũng vô minh, họ thậm chí có thể cảm thấy buộc lòng phải công kích hay làm tổn thương bạn theo cách nào đó, nếu không bạn có thể làm tổn thương họ bằng cách bất thức phóng chiếu nỗi đau khổ của bạn. Bạn chiêu cảm và biểu lộ bất cứ thứ gì tương ứng với trạng thái nội tâm của mình.

Khi không còn ngõ thoát, vẫn luôn có một lối xuyên thấu dành cho bạn. Cho nên đừng quay lưng với đau khổ. Bạn hãy đối mặt với nó. Hãy cảm nhận nó thật toàn diện. Cảm nhận – chứ đừng suy nghĩ về nó! Hãy biểu lộ nó nếu cần, nhưng đừng sáng tạo một kịch bản xoay quanh nó bên trong tâm trí bạn. hãy tập trung mọi chú ý của bạn vào cảm nhận, chứ không vào con người, sự kiện, hay hoàn cảnh dường như đã gây ra nỗi đau khổ ấy. Đừng để cho tâm trí mặc tình sáng tạo một hình ảnh nạn nhân từ nỗi đau khổ ấy, rồi gán ghép hình ảnh ấy cho bạn. Từ đó đâm ra thương cảm cho bản thân, rồi kể lể cho người khác nghe câu chuyện của mình. Việc làm này sẽ khiến cho bạn bị mắc kẹt trong vòng đau khổ. Bởi vì bạn không sao thoát được cái cảm nhận này, cho nên khả năng duy nhất là tiến sâu vào nó; nếu không, sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Vì vậy, hãy tập trung mọi chú ý vào điều bạn đang cảm nhận, và đừng để cho tâm trí đặt tên cho nó. Khi tiến vào cảm nhận ấy, bạn hãy đề cao cảnh giác. Thoạt đầu nó có vẻ giống như một vùng tối đen khủng khiếp, và khi thôi thúc trốn chạy xuất hiện, bạn hãy quan sát chứ đừng tác động đến thôi thúc ấy. tiếp tục tập trung chú ý vào nỗi khổ đau của bạn, không ngừng cảm nhận cơn sầu khổ, sợ hãi, khủng khiếp, cô đơn, bất kể nó thuộc dạng tiêu cực nào. Hãy cảnh giác, hãy hiện trú – hiện trú với toàn bộ Bản thể hiện tiền của bạn, với mọi tế bào trong cơ thể bạn. Làm như vậy, bạn rọi tia sáng vào vùng bóng tối này. Đây là tia sáng ý thức rực rỡ của bạn.

Ở giai đoạn này, bạn không cần quan tâm đến sự vâng phục nữa. Nó xảy ra rồi. xảy ra như thế nào? Chú ý triệt để chính là chấp nhận hoàn toàn, chính là vâng phục. Bằng cách chú ý như thế, bạn sử dụng sức mạnh của cái Bây giờ, vốn là sức mạnh hiện trú của bạn. Không hang ổ che giấu phản kháng nào có thể tồn tại bên trong bạn được, hiện chú giải trừ thời gian. Không có thời gian, thì không có nỗi đau nào, không tiêu cực nào có thể tồn tại được.

Chấp nhận đau khổ là chuyến du hành tiến vào cái chết. Đối mặt với đau khổ sâu sắc, cho phép nó hiện hành, và tập trung chú ý vào diễn biến của nó chính là tỉnh thức tiến vào cái chết. Chết theo kiểu này, bạn mới nhận ra rằng thực sự không có cái chết – và không có gì để sợ hãi. Chỉ có cái tự ngã hư ngụy mới chết đi. Hãy hình dung một tia sáng mặt trời quên bẵng đi rằng nó là một bộ phận không thể tách rời khỏi mặt trời, nó tự lừa dối mình để tin rằng nó phải đấu tranh để tồn tại, nó phái kiến tạo ra một cái tôi khác với mặt trời để sống bám vào đó. Chẳng phải cái chết của ảo tưởng này là sự giải thoát kỳ diệu sao?

Bạn muốn chết thật dễ dàng không? Phải chăng bạn thà chết chứ không chịu đau đớn, không chịu thống khổ? Vậy trong từng khoảnh khắc bạn hãy chết đi với quá khứ, và hãy để cho ánh sáng hiện trú của bạn đánh tan đi cái tôi mê muội, nặng nề, và bị trói buộc bởi thời gian mà bạn nghĩ là “con người bạn”.

Eckhart Tolle

Biên dịch: Hồ Kim Chung – Minh Đức

Trích: Sức mạnh của hiện tiền phi thời gian – NXB Tổng Hợp TP.HCM

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung