Khi Đức Padmasambhava và Đại Sư Bồ Tát dự định trở về Ấn Độ, Đạo Sư Liên Hoa nói với vua Trisong Deutsen như sau:
Ngài, vua Trisong Deutsen, sinh ra giữa Tây Tạng,
Bồ Tát thông thái đến từ xứ Sahor,
Và Ta, Padmakara đến từ xứ Uddiyana.
Trong quá khứ, chúng ta sinh ra,
Là 3 anh em trai hạ tiện ở Magadha.
Chúng ta xây một bảo tháp và phát nguyện.
Bởi nghiệp quả, chúng ta tái sinh tương ứng,
Đại Sư Bồ Tát sinh ra thành một Bà-la-môn,
Đức vua sinh ra trong dòng họ các hiền triết,
Và Ta sinh ra là kẻ man rợ Tramen.
Khi ba chúng ta gặp nhau Tại bảo tháp đó trong quá khứ,
Chúng ta dâng cúng vô số vật phẩm cúng dường,
Và phát khởi những đại nguyện này.
Con trai hiền triết phát nguyện rằng:
“Nguyện trong đời tiếp theo,
Con sẽ sinh ra làm vua Phật tử ở xứ Tuyết Tây Tạng,
Và thiết lập giáo lý của những Bậc Giác Ngộ”.
Bởi lời nguyện này,
Giờ đây ngài sinh ra là một vị vua hộ trì Phật Pháp.
Con trai Bà-la-môn phát nguyện rằng:
“Con muốn trở thành một học giả uyên bác,
Một đạo sư thiện xảo về ngũ minh,
Có thể thiết lập Phật Pháp của Đấng Chiến Thắng”.
Vì thế, giờ đây ngài là một vị Bồ Tát.
Con trai Tramen phát nguyện rằng:
“Nguyện cầu con trở thành Mật Chú Sư hùng mạnh,
Và bảo vệ Phật Pháp của vương quốc”.
Như thế, Ta phát khởi nguyện ước,
Và đã hoàn thành mong ước của ngài.
Nhờ nguyện lực chúng ta đã phát khởi,
Mặc dù sinh ở các quốc gia khác nhau,
Uddiyana, Tây Tạng và Sahor,
Chúng ta trở thành đạo sư, đệ tử và quốc sư.
Ngôi chùa Samye này, ước nguyện linh thiêng của ngài,
Được khởi công năm Dần và hoàn thành năm Ngọ,
Trong 5 năm, nó được thiết lập và các chướng ngại được tiêu trừ.
Samye, Vô Biên Ước Nguyện, giờ đây đã thành,
Và ước nguyện của ngài đã được đáp ứng.
Đại Sư Bồ Tát và Ta, Padmakara xứ Uddiyana,
Nay xin phép ngài trở về Ấn Độ.
Sau khi Đức Padmakara nói vậy, vua Trisong Deutsen đổ đầy bụi vàng vào hai bình bạc và dâng chúng lên nhị vị đạo sư cùng với nhiều món quà khác. Ngài cúi lạy, đi nhiễu quanh, khóc và dâng lên thỉnh cầu:
EMAHO!
Xin hãy lắng nghe,
Hai Bậc Đạo Sư Tôn Quý!
Trong các đời trước đây, chúng ta đã phát những đại nguyện,
Khi chúng ta sinh ra ở Ấn Độ.
Nhờ các đại nguyện khác nhau,
Hai bậc Đại Sư đản sinh ở Ấn Độ,
Vùng đất của Thánh Pháp.
Bởi nghiệp, Ta sinh làm vua xứ Tây Tạng,
Vùng đất của người mặt đỏ.
Nhờ công đức lành, Ta trở thành vua của dân đầu đen,
Và tại Đá Đỏ, bước vào năm Ngọ,
Ta sinh ra làm con Hoàng phi Gya Angchung.
Năm 13 tuổi, vua cha qua đời,
Và 20 tuổi, hạnh nguyện phát khởi trong tâm.
21 tuổi, năm Dần, Ta đặt nền móng.
Mặc dù Bồ Tát Đại Sư,
Tiến hành thánh hóa địa điểm xây dựng,
Nhưng các thế lực chướng ngại khiến Phật sự không hoàn thành.
Sau đó, Ta thỉnh mời Đạo Sư Liên Hoa,
Để hoàn thành ước nguyện cao quý.
Theo tiên đoán của Đại Sư Bồ Tát,
Ngài đến nhờ những hứa nguyện trước đây.
Và từ năm Dần tới năm Ngọ, việc xây dựng đã hoàn thành.
Mặc dù lòng Từ hai Ngài là vô cùng lớn lao,
Nhị vị Đạo Sư, thân hóa sinh và thân thai sinh,
Xin đừng bỏ rơi Ta!
Hai bậc Đạo Sư, xin đừng rời xứ Tạng!
Hãy thay đổi ý định, khẩn cầu các ngài!
Khi vua Trisong Deutsen thỉnh cầu như vậy, các ngài hội ý và Đạo Sư Liên Hoa nói rằng, “Hỡi Đức Vua, bởi chúng ta, ba anh em, đã có kết nối này trong các đời quá khứ, Ta sẽ không làm trái thỉnh cầu của ngài”.
Đại Sư Bồ Tát tuyên bố rằng, “Lành thay, Ta cũng sẽ làm vậy!”. Đạo Sư Liên Hoa sau đó bảo với Đức vua rằng:
Ba chúng ta, các đạo sư và đệ tử,
Cùng tới Tây Tạng do nghiệp lực chín mùi,
Từ những đại nguyện trong ba đời chúng ta.
Trong quá khứ, Ta đã làm hài lòng Đức vua,
Và trong tương lai, Ta sẽ không làm trái thỉnh nguyện của ngài.
Nghe vậy, vua Trisong Deutsen vô cùng hoan hỷ.
Đức Vua thỉnh cầu hai Đạo Sư thuyết Pháp. Đạo Sư Liên Hoa ngự trên ngai vàng, và Đại Sư Bồ Tát ngự trên ngai bạc. Đức Vua, ngự ở hàng giữa. Hàng trái là Chokro Lui Gyaltsen và Kawa Paltsek ngồi trên nệm lụa.
Vua Trisong Deutsen dâng lên mỗi vị một mạn-đà-la vàng lớn cỡ năm tấc, với những chồng ngọc lam tượng trưng cho Núi Tu Di và bốn lục địa. Ngài dâng lên hai dịch giả một mạn-đà-la đá quý. Sau đó, ngài thỉnh cầu chư vị chuyển Pháp luân:
EMAHO!
Sinh ra ở Ấn Độ,
Các ngài trở thành những học giả uyên bác, thành tựu,
Làm chủ toàn bộ Giáo Pháp.
Hai bậc Đạo Sư Tôn Qúy,
Xin hãy thuyết giảng tỉ mỉ cho đến khi chúng con thỏa mãn,
Mọi giáo lý Mật và Hiển.
Hỡi các dịch giả, xin hãy chuyển dịch!
Xin thắp lên ngọn lửa giáo pháp,
Nơi vùng đất tăm tối Tây Tạng.
Xin đổ xuống cơn mưa Giáo Pháp,
Lên đám lửa hung tàn của cảm xúc não phiền.
Như thế, ngài thỉnh cầu các bậc thầy thuyết pháp, và hai đạo sư đáp rằng, “EMAHO! Đức Vua vĩ đại, người Tạng không có niềm tin lớn lao, các thượng thư chống đối Pháp và nhiều thế lực mạnh mẽ tạo ra chướng ngại. Vì thế, chúng ta sẽ sắp xếp sự khế hợp tốt lành để thoát khỏi chướng ngại, bởi vậy, ngài, Đức Vua, cần ban hành luật lệ của Giáo Pháp”. Vua Trisong Deutsen sau đó đã ban hành luật tôn giáo.
Từ năm Mùi đến cuối năm Thân (Một khoảng thời gian xấp xỉ hai năm), Đạo Sư Liên Hoa và Chokro Lui Gyaltsen chuyển dịch 18 Nội Mật Điển của Mật chú thừa cùng nhiều bản văn khác.
Đầu tiên, các ngài chuyển dịch Mật Điển Nhập Thất Sáng Ngời Oai Nghi để ngăn chướng ngại khởi lên chống lại thực hành Mật thừa. Tiếp theo, Mật Điển Bổn Tôn An Bình Linh Thánh được chuyển dịch nhằm giải thoát luân hồi vào bản tánh nội tại và thành tựu thân như là mạn-đà-la linh thiêng, vì chấp ngã là nguồn gốc của luân hồi. Sau đó, các vị chuyển dịch Mật Điển Lửa Vũ Trụ Chói Ngời để tiêu trừ ma vương, dị giáo, la sát, tinh linh gây hại và thành tựu thân giác ngộ. Kế đó, các ngài dịch Mật Điển Hiển Hiện Đại Uy Lực để thành tựu ngữ giác ngộ, Mật Điển Hoa Sen Xanh Dương Phẫn Nộ để thành tựu tâm giác ngộ, Mật Điển Thiên Nữ Chánh Đạo để thành tựu phẩm tánh giác ngộ và Mật Điển Thành Tựu Trì Minh Vương để thành tựu hoạt động giác ngộ. Các ngài cũng dịch Mật Điển Tổng Tập Thành Tựu Minh Chú, Mật Điển Tập Hội Heruka Vinh Quang, Mật Điển Thân Văn Thù gọi là Hoạt Hiện Mã Đầu Minh Vương Tối Thượng, Mật điển Tâm Vishuddha gọi là Heruka Gyalpo và Bản Văn Siêu Nhiên, các Mật Điển Phẩm Tánh Cam Lồ gọi là Hoạt Hiện Cam Lồ Chính Phụ và Bản Văn Tám Chương, Mật Điển Hoạt động Kilaya gọi là Trăm Nghìn Trí Tuệ Vô Song, và Mật Điển Pháp giải thoát Bổn Tôn Mẹ, gọi là Trăm Nghìn Bản Văn Tika (Biên Niên Sử Tràng Hoa trích dẫn những điều này như là 18 Mật điển Mahayoga. Một hệ thống khác được liệt kê trong Bảng thuật ngữ.)
Hơn thế nữa, các ngài chuyển dịch Mật điển và bản văn trao truyền Sáu Phần Nghi Qũy. Để cải thiện các hoạt động và trang hoàng, Mật Điển Trang Hoàng Trí Tuệ Ngàn Phần được dịch. Để biểu lộ cách thức tiến hành các hoạt động rộng lớn như đại dương, các ngài chuyển dịch Mật Điển Tràng Hoa Hoạt Động. Để viên mãn hai sự tích lũy công đức và trí tuệ, các ngài dịch Mật Điển Tích Tập Chính Phụ. Để ban phước cho vật phẩm cúng dường trở thành kho tàng không vơi cạn, các ngài dịch Mật Điển Gia Trì Hư Không Tạng. Để tự nhiên tịnh hóa hoạt động giải thoát, các ngài dịch Mật Điển Giải Thoát Uy Lực. Để tự nhiên tịnh hóa hoạt động hợp nhất, các ngài dịch Mật Điển Tinh Túy Hỷ Lạc Vô Biên. Để thực hiện pháp du già phẫn nộ, các ngài dịch Mật Điển Hung Tợn. Để làm lễ hỏa tịnh cho sự cát tường, các ngài dịch Mật Điển Hủy Diệt. Bởi torma là sự mở đầu cho mọi hoạt động, các ngài dịch Mật Điển Torma Chính Phụ. Để triệu thỉnh hành động những vị hộ pháp ngoại vi của mạn-đà-la đi vào thọ nhận cúng phẩm thừa, các ngài dịch Mật Điển Phẫn Nộ Mẫu Vinh Quang. Để điều phục và đánh bại kẻ thù cùng những thế lực ngăn cản, các ngài dịch Mật Điển Giải Thoát Mười Đối Tượng. Đây là những Mật Điển thuộc về Mahayoga.
Về Mật Điển Anu Yoga, các ngài dịch Bốn Bản Văn và Tổng Tập, tổng cộng là năm bộ: Tập Hội Trí Tuệ, Lôi Chấn Trí Luân, Chim Cu Mộ Địa Phô Diễn và Đại Tiên Tri về Tâm Giác Ngộ. Như là sự tổng kết của tất cả các giáo lý, các ngài dịch Chư Như Lai Hiện Thân Chứng Ngộ.
Bên cạnh đó, các ngài dịch Bí Mật Lục Phần được biết tới là Sarvabuddha Samayoga Mật điển về thân Nhất Thiết Như Lai Thệ Nguyện Du Già, Mật Điển về ngữ Tâm Yếu Mặt Trăng Bí Mật, Mật Điển về tâm Tập Hội Bí Mật, Mật Điển về phẩm tính Đại Nhật Như Lai Diệu Huyễn Võng, Mật Điển về hoạt động Tràng Hoa Hoạt Động và Mật Điển tổng kết để cô đọng ý nghĩa của chúng, Tứ Kim Cương Tòa Mật Điển (Cả Bí Mật Lục Phần và Bát Phần Maya thuộc về Mahayoga và đôi khi chúng được xếp vào 18 Mật điển Mahayoga. Bởi tri kiến trong các Mật điển này là Ati Yoga, trong khi hành động là Mahayoga, chẳng có điều gì sai khi xếp chúng ở giữa, thuộc về kinh văn Anu Yoga.)
Sau đó, các ngài dịch Bát Phần Maya: Tâm Yếu Bí Mật để giảng dạy về tâm và trí tuệ theo kiểu tự nhiên của chúng, Tứ Thập Huyễn Võng để làm sáng tỏ các hoạt động trong sự trọn vẹn của chúng, Vô Song Huyễn Võng để thấu đạt sự làm chủ, Huyễn Võng Leulag để giải thích những giáo huấn khẩu truyền cùng những hứa nguyện linh thiêng, Bát Phần Diệu Huyễn Võng để giải thích ý nghĩa vắn tắt, Chư Minh Phi Diệu Huyễn Võng để thành tựu sự hóa hiện, Bát Thập Chương Diệu Huyễn Võng để làm viên mãn sự bất toàn trong kẻ khác, và Văn Thù Huyễn Võng để chứng tỏ rằng trí tuệ là tối hậu.
Những Nội Mật Điển của Mật thừa này được dịch bởi Đức Padmakara và dịch giả Chokro Lui Gyaltsen. Nhờ năng lực thần thông, Đạo Sư Liên Hoa đem về các bản gốc tiếng Phạn được cất giữ trong tu viện Nalanda vinh quang Xứ Ấn Độ. Không để ở Ấn Độ, chúng được giữ gìn cẩn thận trong thư viện Samye (Khi Đại Sư Ấn Độ Atisha Dipamkara đến Samye nhiều thế kỷ sau đó, Ngài vô cùng ngạc nhiên trước sự phong phú của văn học Kim Cương Thừa được bảo tồn ở Tây Tạng, bởi phần lớn các bản văn này đã biến mất ở Ấn Độ vào thời điểm đó.)
Đại Sư Bồ Tát và dịch giả Kawa Paltsek dịch tất cả các giáo lý của Ngoại Mật Điển. Đầu tiên, 6 Mật điển Kriya nói chung: Khuôn khổ của mọi thần chú trí tuệ Mật Điển Kriya Đại Hùng Lực, quán đảnh của mọi thần chú trí tuệ Mật Điển Mệnh Lệnh Kim Cương Thủ, sự sáng tỏ của mọi thần chú trí tuệ Mật Điển Trí Tối Thắng, tóm lược mọi thần chú trí tuệ gọi là Susiddhikara: Mật Điển Thành Tựu Siêu Việt, hoạt động của mọi thần chú trí tuệ Mật Điển Siêu Vượt Tam Giới, và giáo lý về mục đích của mọi thần chú trí tuệ Mật Điển Hậu Thiền Định.
Sau đó, các ngài dịch những Mật Điển Kriya riêng biệt. Trong các bộ của Pháp Chủ Ba Gia đình, bộ của Đức Quán Âm là Mật Điển Gốc Rễ Mũ Liên Hoa, Mật Điển Thần Chú Đồi Liên Hoa, Mật Điển Nghi Lễ Thần Chú Thâm Sâu, Mật Điển Quốc Vương Ngọc Như Ý, Amogha Pasha được biết tới là Mật Điển Bất Không Quyến Sách, Mật Điển Bài Trí Tráp Nhỏ Chính Phụ và nhiều Mật Điển khác.
Từ bộ Văn Thù Sư Lợi, các ngài dịch Mật Điển Văn Thù Trí Tuệ Hoàn Hảo, Mật Điển Văn Thù Linh Nhuệ Đại Trí, Mật Điển Văn Thù Cắt Đứt Mạng Lưới, Mật Điển Tán Lễ Manjushri Nama Sangiti cùng nhiều Mật Điển khác.
Từ bộ Kim Cương Thủ, các ngài dịch Mật Điển Quán Đảnh Kim Cương Thủ, Mật Điển Hạ Phương Kim Cương, Mật Điển Thượng Phương Kim Cương, Mật Điển Điều Phục Ngũ Đại, Mật Điển Kim Cương Chử, Mật Điển Hỷ Lạc Phẫn Nộ Bất Hoại, Mật Điển Linh Nhuệ Kim Cương, Mật Điển Mật Lý Bất Hoại, Mật Điển Kim Cương Sơn Huy Hoàng, và nhiều Mật Điển khác. Hơn thế nữa, Ngũ Bộ Linh Phù, Tam Bách Lục Thập Linh Phù và nhiều bản văn khác cũng được dịch.
Sau đó, các ngài dịch Bốn Mật Điển Ubhaya: Mật Điển Tỳ Lô Giá Na Viên Giác, Mật Điển Hỏa Quang Hủy Diệt Phiền Não, Mật Điển Quán Đảnh Kim Cương Trì và Mật Điển Tâm Vô Niệm.
Về Yoga Tantra, các ngài không dịch 300 phần trong các bản văn gốc vĩ đại (Đức Padmasambhava để lại chúng, Ngài nói rằng trong tương lai, nhiều học giả và dịch giả sẽ xuất hiện và dịch chúng.), thay vào đó các ngài đã dịch Bốn Phần Chính của Yoga Tantra: Mật Điển Gốc Tattvasamgraha, Mật Điển Kim Cương Đỉnh, Mật Điển Vinh Quang Nguyên Sơ và Mật Điển Trích Yếu Nhận Thức.
Đại Sư Bồ Tát và dịch giả Kawa Paltsek dịch những Ngoại Mật Điển này của Mật thừa, và mọi bản gốc của các Mật điển được đặt trong thư viện Samye.
Đây là chương mười hai trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức nhị vị đạo sư, Padmasambhava và Khenpo Bodhisattva, cùng hai dịch giả, Kawa Paltsek và Chokro Lui Gyaltsen chuyển dịch và thiết lập giáo lý Mật thừa.
Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa Trí
Trích: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh