Ngày thứ hai
Bài pháp mà quý vị sắp sửa nghe đây là pháp tu của Đại thừa, là pháp chuyển tâm Đại thừa, còn gọi là hoán chuyển ngã tha, hay là thay đổi vị trí mình và người. Đây là phương pháp hướng dẫn pháp cho và nhận, tiếng Tây Tạng gọi là tong-len. Trong số những bài pháp nằm trong pháp tu này thì ở đây quý vị sẽ được nghe chánh văn của bài pháp có tựa đề là Bảy Điểm Luyện Tâm.
Lần trước chúng ta đã xem qua về pháp tu Bảy Điểm Luyện Tâm này, bắt đầu là lời nhắn nhủ chúng ta cần tu theo pháp tu sơ khởi. Tiếp theo là phương pháp luyện tâm bồ đề, làm sao để luyện tâm bồ đề quy ước và làm sao để luyện tâm bồ đề cứu cánh. Khi chúng ta luyện tâm bồ đề quy ước, chúng ta quán pháp cho và nhận. Cho tức là cho ra tất cả những an vui hạnh phúc, tất cả những thiện căn công đức của chính mình, mang ra cho khắp chúng sinh. Còn nhận tức là từ chúng sinh mình nhận về tất cả mọi khổ đau, tất cả mọi ác nghiệp. Thì đây là những gì chúng ta đã xem qua trong kỳ trước, không cần phải lặp lại.
Chúng ta bây giờ đọc phần chánh văn. Bài chánh văn phần số ba, bắt đầu vào phần giảng về phương pháp chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ.
Chúng ta ngày hôm nay đang sống trong một thời kỳ dữ dội, trong rất là nhiều chướng ngại, có rất là nhiều trở ngại trong con đường tu tập, vì vậy chúng ta cần một phương pháp để chuyển tất cả mọi chướng ngại thành phương tiện tu hành. Ở đây chánh văn nói rằng:
Khi cõi thế gian chứa đầy tội lỗi, hãy chuyển nghịch cảnh thành đường giác ngộ.
Nói nghịch cảnh ở đây là tất cả những gì liên quan đến môi trường sinh sống, với hoàn cảnh sống và tất cả những người dân sinh sống ở đó. Chúng ta có thể nói rằng từ những việc làm của chúng ta mà sinh ra nhiều quả, nếu làm điều bất thiện sẽ sinh quả bất thiện. Quả bất thiện này có thể bao gồm nhiều thành phần, đưa tới nhiều loại quả khác nhau. Như các quả báo chính yếu thì đưa tới tất cả những quả liên quan tới con người của mình, còn những quả gọi là y báo thì sẽ đưa ra những nơi chốn mình sinh ra, hoàn cảnh sống của mình và môi trường sinh sống của mình. Nếu trong hoàn cảnh sống mình sinh vào gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh không được thuận tiện, đầy những nghịch cảnh thì chúng ta cần có một phương pháp để chuyển tất cả nghịch cảnh đó thành con đường tu giác ngộ của mình.
Tiếp theo, khi chúng ta nói rằng cần phải chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ, thì làm như thế nào để chúng ta có thể chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ? Phương pháp làm được điều này chia ra làm hai phần: thứ nhất là chúng ta chuyển bằng ý nghĩ của mình, và thứ hai là chúng ta chuyển bằng hành động của mình. Khi nói chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ qua ý nghĩ, chánh văn nói rằng:
Mỗi khi có dịp, hãy ngay tức thì áp dụng thiền quán.
Ở đây khi chúng ta gặp bất cứ cảnh gì, cho dù là cảnh vui hay cảnh buồn, cảnh an lạc hạnh phúc hay cảnh đớn đau khổ não, thì bất kể là tình huống nào, chúng ta cần phải chuyển ngay tức khắc kinh nghiệm vui hay buồn đó trở thành pháp tu hành để đạt giác ngộ. Như vậy thì bất kể chúng ta gặp hoàn cảnh sống như thế nào, trong mọi tình huống dù là vui hay khổ, dù là hạnh phúc hay là đớn đau, thì tất cả đều là những yếu tố rất là tốt lành để cho chúng ta tiếp tục tu tập. Khi chúng ta tu pháp chuyển tâm, tu pháp cho và nhận như vậy, thì ví dụ như gặp những cảnh khổ, những nghịch cảnh vô cùng khó khăn, thì đây là một điều rất tốt, chúng ta có thể nghĩ rằng: vì chúng ta đang tu pháp chuyển tâm, khổ như vậy nghĩa là đã có thể lấy được khổ đau của chúng sinh, và từ đó phát nguyện rằng mong cho chúng sinh, nguyện cho tất cả chúng sinh đều có thể thoát được mọi đớn đau khổ não trong cõi luân hồi. Tương tự như vậy, khi chúng ta gặp những hoàn cảnh vui thì nhớ ơn Tam Bảo, biết rằng nhờ Tam Bảo mà mình mới có được những thiện nghiệp, có được những kinh nghiệm tốt lành như vậy, từ đó khởi tâm quy y nơi Tam Bảo và dốc sức để tiếp tục thực hành thiện nghiệp. Cho dù là khổ hay vui, công phu tu hành cũng nhờ vào đó, nương vào đó để tiếp tục một cách tinh tấn và mãnh liệt hơn. Khi quý vị gặp cảnh khổ, đừng có ngừng tu pháp chuyển tâm này, đừng có nghĩ rằng tôi đang khổ nên không còn thì giờ để tu, không còn tâm trí để tu; ngược lại phải vận dụng khổ đau này làm nhân tố để tiếp tục tu hành. Và khi gặp cảnh vui cũng vậy, quý vị đừng có quên tu, đừng có ngừng tu pháp chuyển tâm này; phải dựa vào niềm vui đó, dựa vào năng lực đó để có thể tiếp tục thực hành thiện nghiệp để mà tinh tấn tu tập.
Nói chung khi nói về đường tu dành cho bậc sơ căn thì có pháp tu để san bằng tám mối bận tâm thế tục hay còn có nơi gọi là bát phong. Nói cho gọn lại, tám mối bận tâm thế tục này đó là cảm xúc vui vẻ hứng khởi khi gặp chuyện thuận ý và cảm thấy buồn phiền chán nản khi gặp việc nghịch ý; thì cảm giác vui và buồn này cần được san bằng. San bằng bằng cách nào? Bằng cách nhớ lại rằng là dù gặp chuyện thuận ý thì cũng không có gì đáng vui vì những hạnh phúc an lạc chỉ đang xài hết thiện nghiệp của mình mà thôi. Đồng thời khi gặp việc nghịch ý thì cũng thấy rằng là không có gì đáng cho chúng ta buồn khổ, đó là vì khi gặp việc nghịch ý như vậy, gặp đau khổ như vậy chúng ta sẽ làm tiêu tán hết ác nghiệp của mình. Thấy rằng là dù có gặp việc thuận ý hay là nghịch ý thì cũng không có gì đáng cho chúng ta buồn hay là vui, từ đó san bằng được cảm xúc của mình. Thì đó là cách san bằng cảm giác vui và buồn khi gặp những việc thuận ý hay nghịch ý, nói chúng là phương pháp hành trì để chế ngự tám mối bận tâm thế tục. Nhưng ở đây khi chúng ta hành trì pháp chuyển tâm theo pháp cho và nhận này, khi chúng ta gặp việc an lạc và hạnh phúc thì chúng ta lại nghĩ rằng đó là nhờ lòng biết quan tâm chăm sóc người khác và quên mình. Nghĩ như vậy, chúng ta lại càng tinh tấn hành trì việc mở ra quan tâm lo lắng cho người khác và quên chính bản thân của mình. Chúng ta lại hồi hướng tất cả những quả an lạc và hạnh phúc đó đến cho chúng sinh, phát nguyện là nguyện cho chúng sinh luôn được niềm an vui và an lạc này. Nếu chúng ta nghĩ được như vậy thì đó chính là hành trì pháp tu chuyển tâm. Đó là cách chuyển nghịch cảnh qua ý nghĩ.
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem về phương pháp chuyển nghịch cảnh bằng hành động. Có bốn thiện hạnh, bốn pháp hành trì để giúp cho chúng ta chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ. Thứ nhất đó là tích tụ công đức, thứ hai đó là thanh tịnh nghiệp chướng, thứ ba đó là thí thực cho các loài tà ma ác quỷ, và thứ tư là thỉnh cầu chư hộ pháp. Nói về tích tụ công đức, chúng ta tích tụ công đức để hồi hướng cho tâm bồ đề luôn được tăng trưởng, làm như vậy là tạo những sự thuận tiện để tu pháp tu chuyển tâm. Khi chúng ta thanh tịnh nghiệp chướng thì làm như vậy là chúng ta dẹp bỏ được tất cả những yếu tố cản trở pháp hành chuyển tâm của mình. Tiếp theo khi chúng ta cúng thực phẩm cho các loài tà ma ác quỷ thì chúng ta nguyện các loại tà ma ác quỷ đừng có tạo chướng ngại cho chúng ta trên bước đường tu. Ngoài ra thỉnh cầu chư hộ pháp hộ trì cho chúng ta tu hành có kết quả. Đây là phương pháp cầu nguyện dành cho những người mới bước vào đường tu chuyển tâm. Còn cho những vị đã tiến xa trên đường tu này rồi thì khi cầu nguyện chư hộ pháp, không phải cầu nguyện chư hộ pháp hộ trì để không gặp chướng ngại để tu hành có kết quả, mà ngược lại nguyện cho chư hộ pháp mang lại cho chúng ta thật nhiều vấn đề, thật nhiều khổ đau để chúng ta có thể hành trì một cách hữu hiệu pháp tu chuyển tâm. Đối với loài ta ma ác quỷ cũng vậy, chúng ta cúng thực phẩm không phải là để họ không tạo chướng ngại cho mình, mà là để cám hơn họ đã tạo thật nhiều chướng ngại cho mình, nhờ vào đó chúng ta mới có khả năng để tinh tấn tu tập pháp tu chuyển tâm. Đây là phương pháp hành trì dành cho những người đã tiến xa trên đường tu chuyển tâm. Đó là phương pháp chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ qua ý nghĩ và qua hành động.
Tiếp theo chúng ta sẽ xem đến phần số bốn đó là pháp hành một đời, dùng để phối hợp pháp tu này vào trong đời sống của chúng ta. Phối hợp qua hai phần: khi chúng ta đang sống và khi chúng ta chết. Nói về phương pháp hành khi sống, thể hiện qua 5 lực, trong chánh văn nói rằng:
Tóm lại, tinh yếu của lời khai thị là luyện năm lực.
Năm lực ở đây là lực của ý chí quyết tâm, lực huân tập, lực của hạt giống trắng, lực của hối cải, và năng lực của hướng nguyện. Nói về phương pháp ứng dụng đường tu vào trong cảnh sống, lực thứ nhất là lực của ý chí quyết tâm. Khi chúng ta hạ quyết tâm, chúng ta nhất quyết làm điều gì, thực hiện điều gì, như khi chúng ta nói “Tôi sẽ làm điều này,” hay “Tôi sẽ thực hiện điều kia” thì đây chính là năng lực của lòng quyết tâm. Hành trì năng lực này như thế nào? Buổi sáng khi chúng ta mới thức dậy, mở mắt ra thì chúng ta phải từ trong đầu mình phát tâm nguyện nhất quyết là trong ngày hôm nay chúng ta không để cho tâm ái ngã tác động lên tâm trí của mình, sẽ luôn luôn mở tâm ra thương lo cho người khác, sẽ luôn luôn hoán chuyển ngã tha, chăm lo cho người khác và quên chính mình. Giữ ý tưởng đó khi chúng ta mới thức dậy. Thứ hai là năng lực của sự huân tập. Sự huân tập có nghĩa là tập cho quen, nếu chúng ta cứ nghĩ hoài đến một việc gì, ví dụ như chúng ta mang tâm thương lo cho người khác, quên đi chính bản thân mình, cứ mang tâm đó, suy nghĩ theo cách như vậy hoài hoài và hoài hoài, thì đến lúc nào đó tâm sẽ mang cùng tính chất với ý nghĩ kia; và tính chất của tâm sẽ trở thành tâm không ái ngã, tâm biết thương lo cho người khác. Đây là năng lực của sự huân tập.
Tiếp theo, năng lực thức ba được gọi là năng lực bạch chủng, hay năng lực của hạt giống trắng. Ở đây chúng ta tích tụ thiện nghiệp là để hộ trì pháp tu không bị thoái chuyển, hộ trì cho tâm bồ đề không bị thoái chuyển. Khi tâm bồ đề được hộ trì không thối chuyển như vậy sẽ trở thành hạt giống trắng. Vì vậy pháp hành này được gọi là năng lực của bạch chủng. Tiếp theo là năng lực của lòng hối cải. Hối cải ở đây là hối cải cho tâm ái ngã. Có thể nói rằng khởi tâm ái ngã là lỗi lầm lớn nhất của một vị bồ tát hay của một người đang tu theo phương pháp phát tâm bồ đề. Cho dù có phạm giới thì cũng chưa phải là điều tai hại nhất. Đối với một người tu theo hạnh bồ tát thì tâm ái ngã chính là sự phạm giới trầm trọng và lớn lao nhất. Do đó, nếu như có lòng hối cải thì cần phải dành cho tâm ái ngã, phải thật sự hối cải cho tất cả những tâm niệm ái ngã dấy lên trong tâm thức của mình.
Tiếp theo là năng lực của hồi hướng, năng lực của hướng nguyện. Chúng ta tu tập được bao nhiêu công đức đều mang ra hồi hướng để có thể phát tâm bồ đề nếu như chưa phát tâm, hoặc đã phát tâm rồi thì hồi hướng cho tâm bồ đề sẽ mãi mãi tăng trưởng không bao giờ thối chuyển. Đây là cái được gọi là năng lực của sự hồi hướng. Nếu như chúng ta có thể tu như vậy thì công phu của một ngày sẽ trở nên rất là mãnh liệt. Nếu chúng ta có thể áp dụng được năm lực này vào đời sống hàng ngày của chúng ta, mỗi ngày đều hành trì năm lực này thì công phu của một ngày sẽ trở thành rất mạnh mẽ.
Năm lực này chúng ta cần phải áp dụng vào trong đời sống hàng ngày của mình. Buổi sáng khi mới thức dậy chúng ta cần phải phát tâm nguyện rất mãnh liệt cho ngày sống của mình hôm nay. Ví dụ như với hành giả sơ căn, khi mới thức dậy phát chí nguyện rằng trong ngày hôm nay tôi nhất quyết không để cho mình phạm ác nghiệp. Hoặc cho hành giả trung căn, khi mới thức dậy phát nguyện rằng trong ngày hôm nay tôi sẽ không để tâm mình tham dính đến chuyện của cõi luân hồi thế tục, phải giữ tâm nguyện muốn vượt thoát sinh tử luân hồi. Trong đời sống hàng ngày của mình, bằng lực quyết tâm đó, đến tối nhớ lại nguyên ngày, xét xem từng việc làm của mình trong ngày có đúng với tâm nguyện buổi sáng hay không. Nếu chúng ta thấy có lúc nào chúng ta không làm đúng theo như vậy thì hãy khởi lòng hối cải, đây chính là áp dụng năng lực của sự hối cải. Nếu chúng ta thấy có những lúc chúng ta làm đúng theo chí nguyện lúc đầu ngày thì chúng ta cần khởi tâm hoan hỷ. Khởi tâm hoan hỷ, tùy hỷ như vậy sẽ tạo thêm được nhiều công đức giúp tâm của chúng ta có nhiều khả năng để tạo thiện nghiệp hơn. Đây chính là áp dụng năn lực của bạch chủng hay là của hạt giống trắng. Được bao nhiêu công đức trong ngày, trong ngày làm được điều gì hay, chúng ta hồi hướng tất cả về cho tâm bồ đề. Làm như vậy sẽ giúp cho ngày hôm sau công phu tu tập của chúng ta sẽ dễ dàng hơn, thiện hạnh sẽ tăng trưởng, và đây chính là năng lực của sự hồi hướng. Cứ như vậy, một cách rất là đơn giản, chúng ta có thể đem năm lực này vào trong đời sống hàng ngày của mình. Nhờ áp dụng năm lực như vậy mà chúng ta chuyển đời sống hàng ngày của mình thành công phu tu tập pháp chuyển tâm.
Vừa rồi là pháp hành một đời áp dụng khi chúng ta đang sống. Làm sao có thể áp dụng phương pháp hành trì này khi chúng ta đi vào cõi chết? Chánh văn nói như sau:
Năm lực chính là giới pháp đại thừa hướng dẫn pháp tu chuyển di thần thức: hãy nên thuần dưỡng.
Cách chính xác để hành trì pháp tu chuyển di thần thức, còn gọi là pháp phowoa, đó là làm sao để chúng ta không phải sinh vào những cõi không thuận tiện cho công phu tu tập của mình, ngược lại có thể sinh vào những nơi tạo hoàn cảnh thuận tiện cho chúng ta tu tập, ví dụ như là sinh vào Tịnh Độ. Thì làm sao để có thể được như vậy? Chúng ta cần phải phát tâm nguyện mãnh liệt luôn hành trì pháp tu hoán chuyển ngã tha này, phải giữ tâm hạnh bồ đề không bao giờ lìa xa. Nếu chúng ta có thể suy nghĩ như vậy khi chúng ta đi vào cái chết thì chúng ta sẽ tạo được năng lực thứ nhất, năng lực của ý chí, của sự quyết tâm. Tiếp theo đó là năng lực của bạch chủng. Khi chúng ta gần chết, tất cả những tài sản chúng ta có hãy nên đem cho ra tất cả, đừng giữ lại bất cứ điều gì khiến chúng ta nổi lòng tham luyến. Hãy buông xả tất cả khi chúng ta đi vào cái chết. Đây là năng lực của bạch chủng hay là hạt giống trắng. Điều quan trọng là khi chúng ta đi vào cõi chết cần phải thận trọng, đừng để cho tâm mình chết đi trong lòng tham luyến. Ví dụ khi chết đi chúng ta dấy lên lòng tham luyến căn nhà, với lòng tham luyến như vậy không thể nào có tâm tự tại an lạc để đi vào một cõi tái sinh tốt đẹp; ngược lại chúng ta có thể chết đi và trở thành một con rắn nằm trong một hốc nhà hay là tái sinh thành một con chó sống trong căn nhà. Nếu chúng ta tham luyến thân thể của mình thì khi chết đi chúng ta có thể tái sinh làm loài sán lãi sống trong thân thể, hay những con dòi con bọ rúc trong thân thể. Tiếp theo là năng lực của lòng hối cải. Tất cả những yếu tố khiến chúng ta không thể tái sinh vào cõi thiện đạo đều nằm ở sự không giữ giới, những ác nghiệp chúng ta đã phạm. Khi chúng ta đi vào cái chết chúng ta cần phải khởi tâm hối cải, sám hối tất cả những ác nghiệp cản trở không cho chúng ta tái sinh vào cõi thiện đạo. Đây là năng lực hối cải áp dụng khi sắp chết. Tiếp theo là năng lực hướng nguyện. Thông thường, khi người ta chết thì phần lớn người ta cầu làm sao cho mình đừng tái sinh vào ác đạo, làm sao có thể sinh được vào thiện đạo, được vào cõi Tịnh Độ, v.v… Nhưng khi chúng ta tu pháp chuyển tâm chúng ta lại không cầu như vậy. Khi tu pháp tu chuyển tâm, đến thềm cửa tử chúng ta nguyện sao cho mình không bao giờ lìa xa pháp tu chuyển tâm, không bao giờ lìa xa tâm bồ đề, nguyện luôn luôn nhận tất cả khổ đau của chúng sinh và nguyện cho đi tất cả thiện nghiệp, bình an và hạnh phúc của chính mình. Người tu pháp chuyển tâm cần phải giữ sự hồi hướng của mình theo như vậy. Tiếp theo là năng lực của sự huân tập. Chúng ta tập cho tâm mình thật là quen thuộc trong cái tâm bồ đề. Nếu như đã thuần thục và quen thuộc trong tâm bồ đề thì khi chết, chúng ta sẽ chết trong tâm bồ đề, theo tâm bồ đề mà chết. Nếu có thể áp dụng năm lực như vậy thì chắc chắn rằng khi chúng ta chết, chúng ta sẽ sinh vào một cõi Tịnh Độ.
Nói chung khi tu pháp chuyển di thần thức, còn được gọi là pháp phowoa, thì chúng ta tập chuyển thần thức mình vào cõi Tịnh Độ. Tu như vậy cũng chưa chắc gì khi chết đi chúng ta sẽ thật sự được sinh vào cõi Tịnh Độ. Nhưng nếu chúng ta tu theo năm lực này, áp dụng được năm lực này khi chết thì chúng ta chắc chắn sẽ được sinh vào cõi Tịnh Độ.
Câu chót của phần bốn này nói rằng “hãy nên thuần dưỡng”. Thì thuần dưỡng ở đây bao gồm tất cả những gì Đức Phật đã làm, tất cả những phong thái, thái độ của Đức Phật khi Đức Phật nhập diệt. Khi chúng ta chết, chúng ta hãy chọn nằm theo tư thế của Đức Phật khi Đức Phật nhập diệt, có nghĩa là nằm nghiêng bên tay phải, bàn tay phải đặt dưới má bên phải, bàn tay trái để xuôi theo chân trái. Nếu như chúng ta chết và chúng ta chọn nằm theo tư thế này thì tâm của chúng ta lúc đó sẽ nhớ nghĩ đến Đức Phật, nghĩ rằng là khi Đức Phật nhập diệt thì Đức Phật đã nằm theo tư thế này, vì vậy bây giờ tôi nguyện cũng chọn nằm theo đúng như vậy. Nếu chúng ta chết với tâm nhớ nghĩ đến Đức Phật như vậy thì chắc chắn sẽ không sa vào ác đạo. Điều này cũng rất là quan trọng. Tư thế nằm mà chúng ta nói đến lúc nãy được gọi là thế nằm sư tử. Nếu chúng ta nằm theo tư thế này, tâm nghĩ đến Phật, cứ như vậy đi vào cái chết thì chắc chắn là sẽ không rơi vào ác đạo.
Tiếp theo phần thứ năm nói về tiêu chuẩn thuần tâm, có nghĩa là bằng những tiêu chuẩn nào chúng ta có thể xác định tâm mình đã được thuần luyện. Chánh văn ở đây nói như sau:
Đúc kết pháp Phật vào trong một niệm
Phải nên chú trọng nơi hai nhân chứng
Liên tục giữ gìn nội tâm hoan hỷ
Nói phối hợp tất cả giáo pháp Phật dạy vào trong một niệm, ở đây tất cả giáo pháp của Phật dạy cần phải thấy rằng hoặc là giáo pháp Phật dạy là liều thuốc trị tâm ngã ái, hoặc là liều thuốc trị tâm ngã chấp. Tất cả những giáo pháp Đại thừa chủ yếu nhắm vào tâm ngã ái, và những giáo pháp Thanh văn thừa chủ yếu nhắm vào tâm ngã chấp. Pháp tu của Đức Phật, hoặc là nhắm vào đối trị thái độ ái ngã, hoặc là để nhắm vào vô mình ngã chấp. Vì vậy khi chúng ta thấy lỗi lầm tai hại của tâm ái ngã, và thấy lợi ích lớn lao của tâm biết mở ra thương lo cho người khác, thì khi đó chúng ta bước vào phương pháp chuyển tâm để diệt bỏ tâm ái ngã và mở lòng biết thương lo cho người khác. Khi tu chuyển tâm như vậy, làm sao để xét xem tâm mình đã thuần luyện hay chưa. Muốn xét điều này chúng ta cần chú trọng vào hai nhân chứng. Hai nhân chứng ở đây đó là nhân chứng bên trong, tức là bản thân chính mình, và nhân chứng bên ngoài, tức là sự xét đoán của người khác. Nếu chúng ta tự xét tâm mình và thấy rằng tâm mình đã thuần, đã không còn ái ngã, đã biết thương lo cho người khác, thì đây là có được một nhân chứng. Nếu như người khác cũng thấy được như vậy, cũng thấy rằng tâm của mình đã rất quân bình, rất là ổn định, rất rộng rãi thương lo cho người khác và không quan tâm cho bản thân, thì đây có được nhân chứng thứ hai, là nhân chứng đến từ sự phán đoán của người khác. Chúng ta cần phải phối hợp đầy đủ cả hai nhân chứng bên ngoài và bên trong thì mới có thể nói là tâm của ta đã thuần luyện. Nếu chúng ta tự thấy mình tâm đã thuần nhưng người khác không thấy như vậy thì bấy nhiêu chưa đủ. Hoặc ngược lại, nếu người khác đã thấy tâm chúng ta được thuần nhưng bản thân chúng ta tự xét thấy mình chưa được như vậy thì ở đây cũng không đủ. Cần phải hội đủ tất cả hai nhân chứng bên ngoài và bên trong.
Tiếp theo chánh văn nói rằng “Liên tục giữ gìn nội tâm hoan hỷ.” Điều này cũng giống như đã nói trong phần liên quan đến tám mối bận tâm thế tục. Thông thường khi chúng ta gặp điều gì xấu, gặp chuyện đau khổ, gặp điều nghịch ý chúng ta luôn cảm thấy bất an. Khi gặp việc thuận ý thì lại cảm thấy thích thú vui vẻ. Người tu theo pháp chuyển tâm không nên như vậy, lúc nào cũng nên giữ cho tâm được bình lặng, vui vẻ. Tu theo pháp tu cho và nhận mà có gặp việc nghịch ý thì khi đó chúng ta thấy rằng pháp tu của mình đã có kết quả, đã bắt đầu thật sự có khả năng nhận về khổ đau của tất cả chúng sinh. Vì vậy, càng gặp cảnh khổ đau hãy càng tinh tấn và hoan hỷ. Nếu nghĩ vậy thì trong bất cứ tình huống nào cho dù là gặp chuyện vừa ý hay gặp chuyện bất như ý, tâm của chúng ta luôn giữ được sự bình an vui vẻ, thì đây cũng là một thước đo cho thấy tâm đã được thuần.
Pháp tu chuyển tâm trong Phật pháp Đại thừa này nếu tu đúng cách thì người tu sẽ không còn có cảm giác khổ đau nữa, bất kể gặp tình huống như thế nào, cho dù là gặp chuyện vừa ý hay không vừa ý, người tu đều chỉ thấy vui, đều chỉ thấy hoan hỷ. Vì vậy các đạo sư dòng Kadampa có ví pháp tu chuyển tâm này như một thành phố an vui và hỷ lạc. Khi bước vào thành phố này chúng ta chỉ có niềm an lạc, không còn khổ đau. Tu theo pháp chuyển tâm này, cho dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta, người tu, cũng đều chỉ thấy niềm an lạc; trong khi đó tâm ái ngã là cội nguồn của tất cả mọi điều không tốt lành, tất cả mọi điềm dữ, vì vậy mà ví tâm ái ngã như là một điều bất tường. Tiếp theo chánh văn nói rằng:
Tiêu chuẩn xác định tâm đã thuần luyện là tâm quay đầu.
Tâm quay đầu ở đây có nghĩa là trước đây, chúng ta luôn có thói quen chỉ biết lo cho bản thân của mình, chỉ chạy theo tâm ái ngã, thì nay tu theo pháp chuyển tâm, tâm đã quay đầu, không còn chạy theo tâm ái ngã nữa, không còn chỉ thương lo cho bản thân của mình mà đã biết quay về với tâm lo lắng quan tâm đến chúng sinh. Tiếp theo chánh văn nói rằng:
Tâm thuần có năm dấu hiệu cao cả
Năm dấu hiệu cao cả ở đây, thứ nhất là khi tâm đã thuần luyện theo pháp tu chuyển tâm rồi thì người tu có khả năng gánh vác chúng sinh, có được khả năng phụng sự vì lợi ích cho chúng sinh. Dấu hiệu thứ nhất đó là có khả năng chịu đựng khổ nhọc lớn lao để gánh vác chúng sinh. Khi người tu có khả năng vì người khác mà quên chính bản thân của mình, thì như vậy người tu sẽ trở thành bậc Thượng nhân, hướng về Thượng pháp, thành một bậc bồ tát Đại thừa. Đây là điều cao cả thứ hai. Khi người tu đã trở thành một vị bồ tát thì lúc đó có ai nổi sân với mình thì mình cũng không nổi sân trả lại, nếu có ai chơi xấu mình thì mình cũng không có tâm lý trả đũa, vì vậy mà nói rằng bậc tu theo pháp tu chuyển tâm có được đức hạnh cao cả.
Người tu pháp chuyển tâm còn được gọi là bậc hộ trì giới luật, bậc vĩ đại hộ trì giới luật. Đó là vì Phật dạy bất cứ giới luật nào thì người tu pháp chuyển tâm cũng đều có thể giữ gìn được trọn vẹn, không phá phạm một giới hạnh nào cả. Vì vậy gọi là bậc đại hộ trì của giới luật. Vì pháp tu chuyển tâm này là tinh túy của pháp Đại thừa, cho nên khi chúng ta hành thiền trong pháp tu chuyển tâm thì được gọi là bậc Đại hành giả, Đại Du già tu pháp Đại thừa. Đây là dấu hiệu cao cả thứ năm. Chánh văn cấu tiếp theo nói rằng:
Cho dù tán tâm vẫn luôn tự chủ.
Khi chúng ta tu theo pháp tu chuyển tâm này, nếu như khi chúng ta chú tâm biết nghĩ đến người khác và quên lợi ích cá nhân của mình, nhưng khi xao lãng, khi không chú tâm thì lại rơi vào tâm chấp ngã, tâm ái ngã. Nếu như vậy thì tâm chưa được thuần luyện, chưa thể gọi là tâm đã thuần luyện. Phải khi nào bất kể chúng ta đang chú tâm hay không chú tâm, cho dù có xao lãng thì tâm một cách rất tự nhiên cũng lo lắng cho người khác và quên chính bản thân của mình. Được như vậy thì mới gọi là tâm đã được thuần luyện. Đây là một trong những tiêu chuẩn để chúng ta xét xem tâm mình đã được thuần luyện hay chưa.
Vừa rồi chúng ta mới xem xong phần số năm nói về những tiêu chuẩn thuần tâm. Tiếp theo chúng ta bước qua phần số sáu nói về hạnh nguyện của pháp tu chuyển tâm. Những hạnh nguyện này giúp cho người tu pháp tu chuyển tâm giữ cho pháp tu của mình không bị thoái chuyển và có thể càng lúc càng tăng trưởng. Chánh văn nói:
Đã nguyện chuyển tâm, thì đừng đi ngược với pháp tu này.
Khi chúng ta tu pháp chuyển tâm có những lời chúng ta phát nguyện sẽ làm theo, khi chúng ta phát nguyện thì cần phải giữ cho chặt chẽ. Một trong những điều này là không được đi khoe khoang với người khác mình là người đang tu pháp chuyển tâm. Nếu tu pháp này mà không lặng lẽ tu, lại đi khoe khoang với tất cả mọi người, thì làm như vậy là phá mất giới của mình. Trong quá khứ đã từng thấy có những người tự xưng mình là bậc đạo sư, cho rằng mình đã có bồ đề tâm, vì vậy mà có thể làm bất cứ điều gì mình muốn kể cả việc phá giới; thì phải biết nếu có một người nói như vậy thì chính người đó đã phá giới bồ tát của mình. Chúng ta cần phải biết rõ điều này. Tiếp theo chánh văn nói rằng:
Đừng nên khinh suất trong khi tu tập.
Nếu chúng ta tu pháp tu chuyển tâm và tự xưng mình là người tu pháp tu chuyển tâm nên không sợ khổ đau, vì lý do đó mà tất cả những loài tà ma ác quỷ, hay quỷ thần không thể nào hại đến chúng ta được, và vì vậy mà không ngại khổ đau cho bản thân mình và cũng không quan tâm đến khổ đau của người khác, đi làm những điều khinh suất như là khuấy động nước, chặt cây, đào đất, v.v; thì trong nước, trong cây hay trong đất có những chúng sinh không phải người sống trong đó, chúng ta làm những việc làm khinh suất như vậy sẽ làm quấy động đến họ và sẽ gây khổ đau lớn lao cho những chúng sinh sống nơi đó. Khi chúng ta quấy động sự an lành của họ, tạo khổ đau lớn cho họ, chính họ cũng có thể phản trả và tạo nên những khổ đau lớn lao cho bản thân chúng ta. Nếu như lấy danh nghĩa tu pháp chuyển tâm để không để ý gì đến khổ đau của bản thân chính mình và khổ đau của những chúng sinh khác, làm những việc làm khinh suất như vậy, thì không nên làm. Đây là điều nói trong câu “Đừng nên khinh suất trong khi tu tập.” Tiếp theo chánh văn nói:
Không nên thiên vị, luôn luôn luyện tâm với ba điểm chính.
Ở đây, không nên thiên vị có nghĩa là chúng ta khi tu pháp bình đẳng mình và người, pháp hoán chuyển ngã tha, thì nếu như chúng ta chỉ có thể tu pháp này đối với người thân, đối với những người mình thương quý; còn đối với kẻ xấu, kẻ xa lạ hay kẻ thù thì mình không có khả năng tu pháp này, thì như vậy là không được. Vì vậy chúng ta cần phải không giữ lòng thiên vị, phải luyện tâm đồng đều đối với cả ba loại người là người thân, kẻ thù, và kẻ xa lạ. Hạnh nguyện tiếp theo, chánh văn nói:
Hãy chuyển tâm thức, nhưng cách cư xử phải giữ tự nhiên.
Ở đây chúng ta thấy rằng lúc trước thái độ của mình là chỉ biết quan tâm lo lắng đến cá nhân mình mà thôi, chỉ mong cầu hạnh phúc cho bản thân mình, trong khi đó không để ý lo lắng gì cho người khác; thì bây giờ chúng ta biết quan tâm đến hạnh phúc của người khác và không để ý nhiều đến cá nhân của mình. Đây chính là cái được gọi là “Hãy chuyển tâm thức,” đây chính là nội dung của pháp tu này. Nhưng những điều này là những gì xảy ra ở bên trong của chúng ta, ở trong nội tâm của chúng ta, còn thái độ bên ngoài phải giữ cho thật tự nhiên, không nên làm bộ tỏ ra rằng tôi là người quan tâm lo lắng cho người khác, tôi là người không để ý đến bản thân của mình, rồi từ đó phát sinh ra đủ mọi hành động, đủ mọi việc làm kỳ quái, thì đây là điều không nên. Chúng ta chỉ nên giữ pháp tu này ở phía bên trong của mình, ở trong tâm của mình, chứ không nên tỏ ra ở thái độ bên ngoài. Cho dù là chúng ta đã thật sự chuyển tâm đi chăng nữa, đã thật sự biết mở tâm ra chỉ biết quan tâm lo lắng cho người khác, không quan tâm cho hạnh phúc cá nhân của mình, cho dù là như vậy, nếu chúng ta đem điều này nói với người khác thì chính sự nói ra như vậy sẽ tạo rất nhiều chướng ngại cho bước đường tu tập của chúng ta. Hạnh nguyện tiếp theo là:
Đừng nhìn lỗi người.
Nếu chúng ta cố nhìn vào lỗi của người khác thì làm như vậy là phá hủy pháp tu phát tâm bồ đề của mình, gây tai hại đến cho người khác và cũng là phá giới bồ tát. Nếu chúng ta muốn tìm lỗi thì sẽ thấy lỗi nơi chính cả Đức Phật, vì vậy tốt hơn là đừng tìm lỗi người mà phải tìm những đức tính, những điều tốt nơi người khác.
Việc của thiên hạ, đừng nên quan tâm
Đối với phiền não, loại nào tệ hơn thì đối trị trước.
Trong tâm thức của mình khi phiền não nào dấy lên mạnh mẽ thì chúng ta cần phải áp dụng liều thuốc đối trị tương đương để phá hủy phiền não đó. Ví dụ như chúng ta có khuynh hướng muốn sát sinh thì phải áp dụng liều thuốc đối trị đó là nghĩ đến hậu quả tai hại của sự sát sinh, những hậu quả mà chúng ta phải chịu ngay trong đời này hoặc ở những kiếp về sau. Làm như vậy sẽ khiến cho tâm muốn sát sinh giảm thiểu sức mạnh và tan biến đi. Đối với những phiền não khác như sân hận, tham luyến cũng đều như vậy, khi dấy lên trong tâm thì chúng ta ngay tức khắc cần phải áp dụng liều thuốc đối trị.
Lý do chúng ta tu theo pháp tu chuyển tâm này là vì chúng ta có tâm nguyện muốn cho người khác được an vui và hạnh phúc, vì vậy không bao giờ nên hành trì pháp tu chuyển tâm này vì lợi ích của cá nhân. Phải luôn luôn vì lợi ích của người khác, vì tâm nguyện muốn người khác được vui mà hành trì pháp tu chuyển tâm. Câu tiếp theo là:
Thức ăn có độc, hãy tránh đừng ăn
Trong pháp tu chuyển tâm này cái được gọi là thức ăn có độc chính là tâm ái ngã, là chạy theo tám mối bận tâm thế tục. Khi chúng ta tu pháp tu này với tâm ái ngã, với tâm cầu hạnh phúc lợi lạc cho cá nhân mình, thì cũng giống như ăn thức ăn nhưng có lẫn chất độc, chúng ta cần lưu ý không bao giờ nhắm đến lợi ích cá nhân khi tu pháp tu này. Tiếp theo là:
Tấm lòng trung thành đặt không đúng chỗ thì đừng nên giữ
Ở đây muốn nói đến lòng trung thành đặt vào nơi vọng tâm phiền não. Nếu như vọng tâm phiền não vừa mới dấy lên chúng ta chặn đứng ngay tức thì sẽ rất dễ để đối trị với vọng tâm phiền não. Còn nếu cứ giữ lòng trung thành với vọng tâm phiền não, cứ chạy theo vọng tâm phiền não, thì càng lúc càng khó lòng dứt bỏ vọng tâm phiền não này hơn. Tiếp theo là:
Lời nói mai mỉa, đừng nên thốt ra.
Đừng nên rình rập chờ dịp phản kích
Những lời dùng để mỉa mai, để khinh thị xem thường người khác thì chúng ta cần tránh, không bao giờ nên nói ra. Đừng nên rình rập, đừng bao giờ có ý nghĩ là nó hại mình thì mình chờ dịp, đến lúc nào có thể mình sẽ trả đũa để phản công, đừng nên giữ tâm lý rình rập như vậy.
Điểm yếu chí mạng, đừng nên đánh vào
có nghĩa là đừng bao giờ nên nghĩ “nếu như tôi nói lời này thì sẽ làm cho người mà tôi ghét đó cảm thấy thật khó chịu”. Đừng bao giờ giữ những tâm lý độc hại như vậy. Tiếp theo là:
Đừng ép trâu thường gánh vác lực tải của loài trâu núi
Ở đây có nghĩa rằng sức mạnh, năng lực mình có trong tâm của mình, đừng bắt người khác phải có cùng năng lực giống như vậy. Tiếp theo là:
Đừng nên lạm dụng pháp tu của mình
Nếu chúng ta thực hành pháp tu chuyển tâm này để nhắm vào mục đích, mục tiêu ví dụ như để chữa bệnh cho mình, để mang lợi ích lại cho mình thì đây chính là thái độ lạm dụng pháp tu. Pháp tu chuyển tâm này, mục tiêu duy nhất là để mang lại an lạc và hạnh phúc cho người khác, nếu chúng ta nhắm vào hạnh phúc và an lạc cho cá nhân của mình thì như vậy là lạm dụng pháp tu. Ví dụ như chúng ta tu pháp tu này để hàng phục tà ma, để thỏa mãn tám mối bận tâm thế tục của mình, để đi làm lễ tịnh hóa nhà người khác để nhận của cúng dường, thì tất cả những việc này đều là lạm dụng pháp tu của mình, cần phải tránh. Tiếp theo là:
Đừng nên dốc sức vào việc ganh đua
Nếu chúng ta nỗ lực cố gắng đạt lấy sự quan tâm chú ý của người khác, hay là để dành một chút danh một chút lợi thì tất cả những điều này không bao giờ nên đổ sức ra để tranh đua giành lấy cả. Khi tu pháp tu chuyển tâm thì cần phải tránh tất cả những sự tranh đua trước những mối bận tâm thế tục như vậy. Câu tiếp theo là:
Chư thiên thiện thần, đừng biến tất cả thành loài ác ma
Chư thiên thiện thần là những vị chuyên hộ trì cho niềm an lạc và hạnh phúc của chúng sinh; còn các loài ác ma ngược lại mang đến sự bất hạnh. Chúng ta cần phải thấy pháp tu chuyển tâm dùng để thuần luyện tâm của mình để có thể hóa giải được tâm lý ái ngã. Nếu chúng ta vận dụng pháp tu này, dùng pháp tu này để hỗ trợ và phát huy cho tâm ái ngã thì làm như vậy chúng ta đã biến chư thiên thiện thần thành loài ác ma. Chúng ta cần phải quan tâm để tâm lý ái ngã không bao giờ có cơ hội dấy lên. Tiếp theo là:
Đừng lấy khổ người làm hạnh phúc mình.
Như chúng ta đã biết pháp tu chuyển tâm này mục tiêu chính là để mang lại bình an và lợi lạc cho người khác. Vì vậy nếu chúng ta lấy khổ của người khác để làm hạnh phúc của mình là đã hoàn toàn đi ngược với pháp tu này rồi. Vì vậy nếu muốn giữ gìn pháp tu chuyển tâm này thì phải dứt khoát đừng bao giờ lấy khổ của người khác làm hạnh phúc cho mình.
Vừa rồi là mười tám hạnh nguyện của pháp tu luyện tâm. Tiếp theo chánh văn sẽ nói đến những lời huấn dụ để luyện tâm, những giới luật để giữ gìn pháp luyện tâm.
Thứ nhất là:
Mọi pháp du già, phải tu như một
Ở đây chúng ta tu theo pháp tu chuyển tâm, bất kể chúng ta đang làm việc gì, hoặc là đang ăn, hoặc là uống, hoặc là đi ngủ, hoặc là nói chuyện, thì tất cả những gì chúng ta làm đều phải là phương pháp hành trì pháp tu chuyển tâm, làm bất cứ điều gì cũng phải phối hợp với pháp tu chuyển tâm này. Vì vậy mà nói “Mọi pháp du già phải tu như một.” Làm thế nào có thể phối hợp mọi hành động việc làm của mình trong ngày vào pháp tu chuyển tâm? Lấy ví dụ khi chúng ta ăn, chúng ta có thể nghĩ rằng mình ăn như vậy để nuôi tất cả các loài trùng sống trong cơ thể của mình, hoặc chúng ta có thể nghĩ rằng tôi cần thân này để lo lắng phụng sự cho người khác, vì vậy mà tôi ăn. Đó là ví dụ trong việc ăn. Trong tất cả những việc làm hành động khác, chúng ta có thể chuyển tâm thức của mình như vậy, để hướng tâm về lợi lạc của người khác. Tiếp theo là:
Tất cả lỗi lầm đều dùng một cách để mà hoán cải
Tất cả những lỗi lầm mà chúng ta có thể gặp phải, tất cả những việc tốt việc xấu xảy ra cho chúng ta, kể cả việc bị tà ma ám hại, thì bất kể là chướng ngại gì, bất kể là việc gì xảy ra, chúng ta đều áp dụng pháp tu chuyển tâm để đối trị, để hàng phục. Nếu khi gặp việc cần hàng phục chúng ta lại chọn phương pháp khác thì làm như vậy là đi ngược với pháp tu chuyển tâm này. Tiếp theo là:
Có hai pháp hành – khởi đầu, kết thúc.
Hai sự khởi đầu, kết thúc này chính là phát nguyện động cơ trước khi chúng ta bắt đầu công phu hành trì và sau đó khi kết thúc chúng ta phải hồi hướng công đức. Hai việc làm, phát nguyện và hồi hướng công đức, có thể nói là quan trọng hơn cả ngay chính nội dung của pháp hành trì. Nếu chúng ta thực hành pháp tu của mình rất tốt, nhưng phát nguyện ban đầu không tốt thì trọn vẹn pháp hành trì cũng trở thành không tốt. Nếu chúng ta thực hiện pháp hành trì rất tốt nhưng chỉ hồi hướng về cho hạnh phúc an lạc của đời này thì bất kể chúng ta hành trì giỏi thế nào chăng nữa thì cũng chỉ là cái nhân để đạt được quả hạnh phúc trong đời này mà thôi. Vì vậy chúng ta phải quan tâm giữ hai pháp hành khởi đầu và kết thúc, tức là lúc phát nguyện và lúc hồi hướng công đức cho thật là kỹ lưỡng. Tiếp theo là:
Bất kể thế nào, nhẫn với cả hai
Như đã nói, bất kể chúng ta gặp việc vui hay việc buồn, gặp việc thành công hay thất bại, thuận ý hay trái ý, thì bất kể ở trong trạng huống nào chúng ta phải vận dụng hoàn cảnh hiện tại để làm cơ hội tu pháp tu chuyển tâm. Tiếp theo là:
Giữ gìn cả hai như giữ sinh mạng
Ở đây cả hai điều cần giữ đó là những hạnh nguyện và những giới luật của pháp tu chuyển tâm. Pháp tu chuyển tâm này chúng ta thành tựu được bao nhiêu đều nhờ vào khả năng giữ gìn những hạnh nguyện và giới luật của pháp tu chuyển tâm. Vì lý do đó phải quý giới luật và hạnh nguyện này như giữ gìn sinh mạng của mình. Pháp tu chuyển tâm của mình có thành tựu được hay không đều tùy vào sự giữ gìn này. Tiếp theo là:
Luyện trong ba khó
Ba sự khó khăn ở đây đều đối với tâm ái ngã. Tâm ái ngã khi dấy lên sẽ rất khó để nhận diện được, tiếp theo cũng rất khó để áp dụng biện pháp đối trị tâm ái ngã, và rồi cho dù có đối trị được thì cũng rất khó khăn mới có thể tận diệt được tâm ái ngã. Ba điều này vô cùng khó khăn. Tuy vậy chúng ta không nên nản chí mà cần phải vận dụng, nỗ lực cố gắng để có thể nhận diện, đối trị, và tận diệt tâm ái ngã.
Tìm đủ ba nhân
Tâm bồ đề có thể phát sinh trong tâm thức mình hay không là tùy vào ba nhân tố chính, ba yếu tố chính. Chánh văn nói rằng cần phải truy tìm ba nhân, thì ba nhân ở đây đó là: thứ nhất là bậc chân sư, thứ hai là tâm phù hợp với công phu tu tập, thứ ba là có những phương tiện để sinh sống. Ba nhân tố này vô cùng cần thiết để tâm bồ đề có thể phát sinh. Tiếp theo là:
Giữ ba yếu tố đừng cho thối chuyển
Khi chúng ta tu pháp tu chuyển tâm, tất cả mọi thành tựu đều đến từ bậc thiện tri thức, đến từ bậc đại đạo sư của mình. Vì vậy yếu tố thứ nhất cần phải giữ không để thối chuyển đó là lòng kính ngưỡng đấng đạo sư, thiện tri thức của mình. Thứ hai là mọi thành tựu có được nhờ nỗ lực và cố gắng của bản thân, vì vậy chúng ta luôn giữ lòng hoan hỷ tinh tấn tu tập, đừng để cho yếu tố này thoái chuyển. Tiếp theo là mọi thành tựu đều tùy thuộc vào khả năng tỉnh giác, ý thức của mình, trước ba cửa thân khẩu ý của mình cần phải giữ gìn cho nghiêm ngặt. Đây là yếu tố thứ ba cần phải giữ không được để cho thối chuyển. Tiếp theo là:
Giữ ba sở hữu, đừng để lìa xa
Ba sở hữu ở đây là thân, khẩu, ý. Cần phải giữ ba cửa thân khẩu ý không bao giờ lìa xa pháp tu chuyển tâm. Lấy thân mình để lạy Phật; lấy khẩu mình để tụng chú, đọc những lời khấn nguyện, thỉnh nguyện; và giữ ý của mình gần với tâm bồ đề. Chúng ta cần phải vận dụng cả ba cửa thân khẩu ý, giữ gìn ngay trong pháp chuyển tâm, không bao giờ để lìa xa. Tiếp theo là:
Giữ tâm bình đẳng, đừng tùy đối cảnh
Chúng ta đã thấy rằng tu pháp tu chuyển tâm này chúng ta cần giữ cho tâm mình thật bình đẳng, bất kể đối với người thân, kẻ thù hay là kẻ xa lạ, chúng ta đều có khả năng hành trì pháp tu hoán chuyển ngã tha, pháp cho và nhận. Nếu như chúng ta tự thấy rằng mình không thể cho và nhận trước một người đặc biệt nào đó, không thể thực hành pháp hoán chuyển ngã tha với một người nào đó thì chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến người đó để nỗ lực tu hành nhiều hơn, dốc sức nhiều hơn để có thể hành trì pháp tu hoán chuyển ngã tha này đối với những người mà chúng ta cảm thấy khó khăn.
Lúc nãy chúng ta có nhắc đến những hoàn cảnh thuận tiện để chúng ta có thể tu hành được, ví dụ như phương tiện sinh sống, có áo quần thực phẩm, v.v… Ở đây nhắc nhở thêm rằng cho dù không có đầy đủ phương tiện sinh sống thì chúng ta cũng cần phải giữ pháp hành trì của mình, chứ không phải khi nào đầy đủ thì mới tu, đến khi thiếu thốn thì bỏ không tu nữa. Không phải là như vậy. Bất kể trong tình huống nào, đầy đủ hay thiếu thốn, chúng ta vẫn kiên định trong pháp tu của mình.
Hãy nên dấn thân tu ngay tức thì
Tu theo pháp tu chuyển tâm thì chúng ta không bao giờ nên hướng về lợi ích của đời này hay đời sau, mà phải luôn hướng đến lợi ích tối thượng, quả vị Phật cho tất cả chúng sinh. Để có thể làm được như vậy thì chúng ta phải bước theo con đường văn, tư và tu, tức là nghe pháp, tư duy suy nghĩ và thiền quán tu tập. Trong ba bước này, quan trọng nhất vẫn là pháp tu. Ở đây, nói tu là tu pháp tu chuyển tâm. Chúng ta đã nghe qua rằng khi tu pháp lamrim thì cần phải dồn hết sức tu nơi pháp lamrim, thì ở đây pháp tu chuyển tâm được nhấn mạnh. Chúng ta vừa xem qua phần “Hãy nên dấn thân tu ngay tức thì,” và bây giờ chúng ta xem tiếp đến câu:
Đừng nên áp dụng cái thấy sai lệch
Ở đây cái gọi là cái thấy sai lệch ứng với những việc kiên trì chịu đựng mà đặt sai chỗ. Ví dụ như chúng ta chịu khó, kiên trì chịu đựng được những việc làm trong cõi thế tục nhưng khi nói đến pháp tu Phật pháp, nói đến pháp tu chuyển tâm thì chúng ta không chịu khó, chúng ta không có được chí kiên trì. Đây là cái thấy sai lệch. Nếu chúng ta cảm thấy thích thú khi làm những việc trong cõi thế tục nhưng đối với pháp tu chuyển tâm, đối với Phật pháp thì lại không cảm thấy thích thú, tất cả những điều này được gọi là cái thấy sai lệch. Ngoài ra đối với những người tạo nhiều ác nghiệp, đối với những người gây hại lớn lao cho người khác mà chúng ta không mở lòng từ bi đối với họ, ngược lại chỉ biết mở lòng từ bi đối với những người đã tu theo Phật pháp, luôn luôn hướng tâm về Phật pháp thì như vậy gọi là lòng từ bi đặt sai chỗ. Đối với những người mình thương yêu, thay vì đưa họ về Phật pháp, cho họ cái nhân để giải thoát luân hồi, đạt nguồn an lạc tối thượng, thì mình lại chỉ quan tâm lo cho họ có được một chút an vui lợi lạc nhất thời ngay trong kiếp hiện tiền này, thì lòng thương yêu như vậy cũng được gọi là lòng thương yêu đặt sai chỗ. Nếu tâm nguyện của chúng ta, ước nguyện của chúng ta không phải hướng về Phật pháp, mà là hướng về những chuyện tầm thường thế tục, thì như vậy được gọi là ước nguyện, tâm nguyện đặt sai chỗ. Khi chúng ta tùy hỷ, nếu chúng ta không tùy hỷ theo những thiện đức, theo những điều thuận với chánh pháp, ngược lại với những người nhiều quyền năng thì chúng ta lại cảm thấy tùy hỷ vui vẻ, thì như vậy cũng được gọi là sự tùy hỷ đặt sai chỗ. Tiếp theo, giới thứ mười sáu nói rằng:
Đừng nên tu tập rời rạc tùy hứng
Khi tu pháp tu chuyển tâm này chúng ta cần phải tu cho thật đều đặn. Nếu có những lúc chúng ta nhiều cảm hứng, tu tập thật hăng say nhưng rồi có những lúc ngừng ngan phế bỏ; thì làm như vậy khi chúng ta tu tập có được bao nhiêu tiến bộ, những lúc chúng ta ngừng ngang, những lúc chúng ta không tu thì được bao nhiêu tiến bộ chúng ta đều đánh mất tất cả, pháp tu sẽ suy thoái rất nhanh. Vì lý do này chúng ta cần phải tu tập thật chuyên cần và đều đặn. Tiếp theo là:
Tu không chùn bước
Ở đây không phải chỉ là nói miệng mà còn phải thực hành, sau đó là tầm tư quán sát.
Cởi thoát nhờ vào tầm tư quán xét
Bất cứ pháp tu gì chúng ta đang tu và đang học thì cũng cần phải vận dụng lý trí của mình để mà phân tích, để mà quán xét cho thật kỹ lưỡng. Chúng ta vừa xem qua phần “Cởi thoát nhờ vào tầm tư quán xét”, tiếp theo là:
Đừng nên khoe khoang
Khi chúng ta tu pháp chuyển tâm này chỉ vì lợi lạc của người khác, chỉ vì chúng ta có ước nguyện và đã phát thệ nguyện sẽ vì chúng sinh mà ra sức, vì vậy bất kể là làm được chuyện gì trong khi tu pháp tu này thì cũng không có gì đáng để cho mình khoe khoang cả, chỉ là mình đang giữ lời thệ của mình mà thôi. Tiếp theo là:
Đừng nên nóng tính
Khi tu chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất là nhiều chướng ngại và khó khăn, thì khi chướng ngại và khó khăn xảy đến như vậy, đừng nóng nảy, hãy kiên nhẫn và đừng chán bỏ pháp tu của mình. Tiếp theo là:
Đừng chóng thay đổi
Ở đây cũng giống như khi lúc nãy nói đừng có tu rời rạc khi có khi không, cần phải giữ công phu tu hành của mình cho thật đều đặn.
Đừng cầu biết ơn.
Lý do chúng ta tu pháp tu chuyển tâm này là để điều phục tâm thức của mình, điều phục tâm của chính mình. Vì vậy chúng ta không bao giờ tu pháp tu này để cho người khác tỏ lòng biết ơn đối với mình. Nếu chúng ta tu và chờ đợi là mình tu như vậy thì người khác sẽ khen mình, sẽ thích mình, sẽ kính phục mình, nếu có sự chờ đợi như vậy khi tu pháp chuyển tâm thì chúng ta đã rơi vào tám mối bận tâm thế tục, và như vậy đã rơi vào tâm ái ngã và đi ngược lại với pháp tu của mình.
Đến đây chấm dứt pháp tu Bảy điểm luyện tâm. Pháp tu này thầy đã truyền thọ lại cho quý vị. Bài pháp này chấm dứt với câu kệ của thầy Chekawa, bậc thầy khéo léo thiện xảo trong pháp tu tâm bồ đề:
Vì ước nguyện nhiều trăm vạn nhánh của tôi
Mà tôi phải chịu biết bao lời sỉ nhục đớn đau
Thế nhưng tôi nay đã nhận được lời khai thị
để thuần phục vọng tâm chấp ngã
Cho dù có phải chết,
Cũng chẳng hối tiếc nào.
Ngài Chekawa là tác giả của pháp tu Bảy điểm luyện tâm này. Từ nhỏ Ngài đã bắt đầu pháp tu chuyển tâm, đã xả bỏ lòng ái ngã, không còn tham danh tham vọng, không còn vướng theo lời khen chê của thế gian, và Ngài đã đạt được tâm bồ đề. Vì lý do đó mà cuối bài kệ Ngài nói rằng:
Cho dù có phải chết,
Cũng chẳng hối tiếc nào.
Vừa rồi thầy Choden Rinpoche đọc lời cuối của bài giảng Bảy điểm luyện tâm. Chánh văn Bảy điểm luyện tâm có nhiều bản khác nhau. Ở đây, thầy Choden Rinpoche chọn chánh văn do Ngài Pabongka Rinpoche biên tập dựa theo lời giảng của Lama Tông Khách Ba, vì thâu âm bị cắt mất phần chót nên ở đây xin dựa vào lời của Ngài Pabongka Rinpoche viết lời tựa cho bài chánh văn Bảy điểm luyện tâm này để nói về xuất xứ biên tập của chánh văn chúng ta vừa mới tu học. Ngài Pabongka Rinpoche nói như sau:
“Trong hệ luận văn dòng cựu và tân Kadampa, có nhiều bản chánh văn và luận giải của pháp tu Bảy Điểm Luyện Tâm, so sánh lại thấy có nhiều khác biệt lớn lao giữa thứ tự các dòng và giữa số chữ mỗi dòng. Khi giảng pháp, nhiều lúc lại không thể phối hợp chánh văn vào với tiêu đề, nhiều bản còn thêm những câu lạ vào chánh văn. Vì lý do này, từ bao lâu nay tôi cứ nghĩ phải nên so sánh đối chiếu với các bản chánh văn trong Luyện Tâm Như Ánh Mặt Trời, Trang Nghiêm Tâm Ý Lobsang, và Tinh Túy Cam Lồ, soạn một bản chánh văn dùng làm định bản. Đến năm 1935 (năm Mộc Hợi), tại Chamdo Jampa Ling, khi thuyết giảng bài pháp LamRim (Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận) thì ngài Lamrimpa Phuntsok Palden, một hành giả với tâm chuyên nhất, đã mang một tấm khăn cùng phẩm vật cúng dường đến thỉnh tôi làm việc này. Vì vậy, sau khi thận trọng tham khảo với nhiều bản chánh văn và luận giải, tôi đã biên soạn bài pháp này cùng với tiêu đề bổ sung.”
Bài giảng của thầy Choden Rinpoche kết thúc ở đây.
Choden Rinpoche
Việt dịch: Hồng Như