Chết, Thể Dạng Trung Gian, Tái Sinh – Phần 2 |

Chết, Thể Dạng Trung Gian, Tái Sinh – Phần 2

Kim cương thừa Thực hành

 Như tôi đã nói đến trong ngày hôm qua, cần nhất quý vị phải luôn nhớ đến cơ sở hỗ trợ mà mình đang có [thân xác của chính mình]. Hiện chúng ta đang được thừa hưởng thân xác con người, ta phải hiểu rằng thân xác đó hàm chứa thật nhiều khả năng, chẳng hạn như tâm thức chúng ta tượng trưng cho một khả năng tuyệt vời. Không nên quên là với cơ sở quý giá đó và lòng quyết tâm chúng ta sẽ thực hiện được bất cứ mục tiêu mong cầu nào.

 Không phải chỉ cần nghe giảng, tu tập Đạo Pháp (Dharma) và suy tư một cách hời hợt về dịp may quý hiếm được làm người là đủ. Phải tâm niệm về các điều đó trong cuộc sống thường nhật, không phải chỉ nghĩ đến là đủ. Phải ý thức một cách sâu xa nhờ vào cơ sở hỗ trợ ta sẽ thực hiện được bất cứ mục tiêu mong muốn nào, vì thế phải sử dụng mọi phương tiện sẵn có, dồn tất cả sinh lực, sức cố gắng của mình để tu tập hầu mang lại hạnh phúc bền vững.

 Có rất nhiều phương pháp tu tập khác nhau, thế nhưng phương pháp mà tôi sắp đề nghị với quý vị hôm nay là phương pháp biến cải mọi hành vi thân xác, ngôn từ và tâm thức.

 Đấy là cách biến tất cả các hành động giữ gìn kỷ cương thân xác, ngôn từ và tâm thần trở thành vô số nguyên nhân mang lại hạnh phúc. Nếu chúng ta hội đủ vô số những nguyên nhân ấy, nhất định hậu quả sẽ phát sinh.

 Tất nhiên sẽ có người không hoàn toàn đồng ý : “Thế nhưng cũng phải lo làm ăn chứ ! Phải tìm kế sinh nhai !”. Tất nhiên ta phải làm việc, phải tự cáng đáng và lo cho sự sống của mình. Không ai làm thay những chuyện ấy cho ta được, thế nhưng đâu có gì mâu thuẫn và đối nghịch không thể giải quyết được giữa công ăn việc làm và sự giữ gìn kỷ cương trên thân xác, ngôn từ và tâm thức hầu mang lại hạnh phúc cho mình.

 Vậy làm thế nào để biến tất cả mọi sinh hoạt thường nhật và kỷ cương đạo đức trở thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc ? Có một phương pháp thật tốt, một phương pháp tối thượng, ấy là phương pháp giúp ta đạt được tâm thức giác ngộ, phát huy Bồ-đề-tâm (Bodhicitta) hầu tạo ra trong tim ta những xúc cảm từ bi, thúc dục ta cố gắng mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh. Nếu ta thực hiện được tâm thức đó, tự nhiên tất cả mọi kỷ cương đạo đức và mọi sự sinh hoạt của ta tự động biến thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho ta. Thật quan trọng và có thể nói là bắt buộc nữa mỗi chúng ta cần phải tạo ra cho mình thể dạng tâm thức giác ngộ đó. Được làm thân con ngườichúng ta phải lợi dụng dịp may đó để thực hiện Bồ đề tâm.

 Khi đạt được một tâm thức giác ngộ, tất cả các hành động của ta đều dễ dàng trở thành nguyên nhân mang lại hạnh phúc và thể dạng một vị Phật, đúng như câu châm ngôn người Pháp thường nói “dễ dàng như một chiếc xe lửa khi đã lăn bánh trên đường ray”.

 Một Đại sư thông thái người Ấn là Tịch Thiên (Shantideva, thế kỷ thứ VIII ) giải thích sự kiện ấy như sau : khi đã thực hiện được tâm thức giác ngộ, tất cả mọi sinh hoạt của ta kể cả trong giấc ngủ, trong lúc vô tư hoặc đang tản bộ… đều tượng trưng cho những gì xứng đáng trong ta và chúng không ngừng tăng trưởng.

 Trước mặt chúng ta trong giảng đường này là một pho tượng của Đức Phật Thích-ca Mâu-niChúng ta nên nhớ là tất cả chúng sinh muốn trở thành Phật phải đạt được thể dạng tâm thức Giác ngộ tương tợ như tâm thức của Ngài. Hiện nay chúng ta chưa đạt được thể dạng tâm thức đột khởi đó, thế nhưng chúng ta nên cố gắng thực hiện ngay trong lúc này và tại nơi này, hoặc ít ra cũng cố tình tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức tuy giả tạo nhưng phải gần giống với tâm thức Giác ngộ của Phật. Đấy là một trong các cách chuẩn bị và tạo ra những điều kiện tiên khởi giúp tất cả chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập với nhau.

 Chúng ta cố gắng học hỏi hay tu tập chính là nhờ có Bồ-đề tâm và tâm thức giác ngộ thúc đẩy. Thế nhưng vẫn chưa đủ chúng ta phải cố gắng nhiều hơn thế nữa trong từng hành động hàng ngày. Mỗi sáng sau khi thức dậy, tắm rửa thay quần áo xong ta phải nghĩ ngay đến các động cơ thúc đẩy ta trong ngày hôm nay. Ta nên nghĩ đến một sự kiện thật tuyệt vời, tối hôm qua sau khi nằm xuống giường và ngủ một giấc thật dài ta lại may mắn được thức dậy sáng hôm nay. Chỉ cần nghĩ đến sự kiện thật bình thường và đơn giản như thếcũng đủ mang lại sự hân hoan trong lòng mình. Đây lại thêm một ngày nữa đang mở ra trước mặt giúp ta sử dụng nó để mang lại an lành cho tất cả chúng sinh, tạo hạnh phúc cho họ và giúp họ vượt thoát khỏi khổ đau. Ta nhất quyết sử dụng ngày hôm đó để cố gắng đạt được thể dạng của một vị Phật hầu giúp ta đủ khả năng mang lại hạnh phúc cho người khác. Dù có quý vị nào không phải là người Phật giáo cũng cứ nghĩ rằng nên sử dụng ngày hôm ấy để mang lại một chút an vui cho người khác.

 Đến đây chúng ta thử nhìn vào chính chúng ta xem sao. Ta sẽ thấy rằng mình không muốn gánh chịu khổ đau dù đấy chỉ là một thứ khổ đau thật nhỏ nhoi, và đồng thời ta lại mong cầu lúc nào cũng đạt được hạnh phúc. Nếu đúng thế cũng nên hiểu rằng tất cả chúng sinh trong cõi ta-bà cũng chẳng khác gì với ta, tất cả đều mong cầu hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau. Tuy rằng mong muốn hạnh phúc, thế nhưng trên thực tế tất cả chúng ta luôn phải đương đầu với đớn đau và khổ nhọc. Ý thức được sự thật đó chính là nguyên nhân thúc dục chúng ta tu tập trong mục đích cứu giúp chúng sinh vượt thoát khỏi mọi khổ đau.

 Xin trở lại chủ đề học hỏi của chúng ta hôm nay là cái chết, thể dạng trung gian và sự tái sinh.

 Phật giáo đưa ra một phương pháp tu tập giúp biến ba giai đoạn ấy trở thành ba thể dạng gọi là Tam Thân của đấng Tối Thắng, tức của một vị Phật. Muốn tu tập theo phương pháp đó phải hiểu rõ ba thể dạng chết, bardo và tái sinh là gì, chúng diễn tiến ra sao.

 Đối với Phật giáo nói chung và riêng đối với Tan-tra thừa, khái niệm về Tam Thân được trình bày dưới ba thể dạng sau đây :

– Tam thân căn bản,

– Tam thân trên đường tu tập,

– Tam thân kết quả.

Tất nhiên là quý vị đã hiểu Tam Thân là gì, đấy là :

– Dharmakaya, hay Pháp Thân,

– Sambhogakaya hay Thụ dụng thân,

– Nirmakaya hay Biến hóa thân.

 Mỗi thân có ba cấp bậc : pháp thân căn bảnthụ dụng thân căn bảnbiến hóa thân căn bản ; pháp thân trên đường tu tậpthụ dụng thân trên đường tu tậpbiến hóa thân trên đường tu tập ; Pháp Thân kết quảThụ dụng thân kết quả và Biến hóa Thân kết quả.

 Các “thân căn bản” là gì ? Tuy gọi là “thân” thế nhưng chưa đúng là thuật ngữ dùng chỉ định cấp bậc “Thân” của chư Phật, “thân căn bản” chưa phải là Thân Phật. Đối với các loại “thân trên đường tu tập” cũng thế, chưa phải là Thân Phật. Cấp bậc “Tam thân kết quả” mới đúng là Tam Thân Phật.

 Vậy pháp thân căn bản hay thân Đạo Pháp căn bản là gì ? Chúng ta đã mô tả sơ lược hôm qua [nhưng không gọi tên một cách chính xác], “pháp thân căn bản” chính là “ánh sáng trong suốt của cái chết“, có nghĩa là tâm thức và “khí” cực kỳ tinh tế. Đối với một người bình thường, các giai đoạn thuộc quá trình của cái chết xảy ra tuần tự, một trong các giai đoạn đó là ánh sáng trong suốt của cái chết. Các giai đoạn như vừa kể cũng xảy ra khi ta rơi vào giấc ngủ, thế nhưng diễn tiến của quá trình xảy ra quá nhanh khiến ta không nhận thấy được. Những người bình thường không thể tạo ra [một cách giả tạo] các giai đoạn trong quá trình của cái chết vì chúng chỉ có thể thực sự xảy ra khi chết, chỉ có những người tu tập Tan-tra mới có thể tạo ra các giai đoạn tương tợ như thế để sử dụng vào việc tu tập.

 Phép tu tập Tan-tra dựa trên những nguyên tắc nào ?

 Trước hết nên hiểu rằng thân xác ta hàm chứa nhiều kinh mạch dùng để vận chuyển “khí”. Trong trường hợp bình thường các loại “khí” vận chuyển thường xuyên trong hệ thống kinh mạch hai bên [phải và trái]. Khi nào “khí” vẫn tiếp tục lưu hành thông suốt trong các kinh mạch hai bên, chúng sẽ không di chuyển vào kinh mạch trung tâm. Thật ra kinh mạch trung tâm lúc nào cũng bị khép kín và các “khí” luân chuyển trong cơ thể đều là các loại “khí” thô thiển. “Khí” là các cơ sở chống đỡ giữ vai trò chuyển tải các khái niệm, các cảm nhận thô thiển.

 Tu tập Tan-tra là cách chận đứng sự luân chuyển của các loại “khí” thô thiển, tức là các cảm nhận thô thiển. Khi sự luân chuyển của các “khí” thô thiển bị chận đứng, kinh mạch trung tâm sẽ được giải tỏa, “khí” sẽ tràn vào đó. “Khí” di chuyển vào kinh mạch trung tâm là loại “khí” vô cùng tinh tế giúp cho tâm thức cực tinh tế có thể vận hành. Đối với những người bình thườngtâm thức và “khí” thật tinh tế chỉ phát hiện và vận hành khi nào cái chết xảy ra vì chỉ vào lúc đó các loại “khí” và các cảm nhận thô thiển và tinh tế [nhưng chưa phải là cực tinh tế] đã hoàn toàn bị hóa giải.

 Tu tập Tan-tra là hình dung ra quá trình của cái chết trong mục đích hóa giải các loại “khí” và các cảm nhận thô thiển tạo điều kiện cho “khí” và tâm thức cực tinh tế phát hiện để sử dụng chúng trong việc tu tập. Vì thế, tất nhiên khi mới bắt đầu tu tập phải cố gắng tạo ra quá trình của cái chết [điều kiện cần thiết]. Lúc mới tập rất khó thành công, thế nhưng dần dần nhờ cố gắng ta sẽ hóa giải được các “khí” và các cảm nhận thô thiển và sử dụng được tâm thức và “khí” thật tinh tế.

 Trong cuộc sống thường nhật, nếu ta có thể làm phát hiện được tâm thức và “khí” thật tinh tế để sử dụng trong việc quán nhận tánh không, và nhất là khi tâm thức trực tiếp nắm bắt được bản chất vô ngã [của mọi hiện tượng] khi đó chắc chắn ta sẽ đạt được thể dạng của một vị Phật ngay trong kiếp nhân sinh này. Khi đã thành Phật, đương nhiên ta vượt khỏi cái chết và thể dạng trung gian.

 Trong cuộc sống nếu ta đủ khả năng sử dụng tâm thức thật tinh tế, tuy không quán nhận được tánh không một cách trực tiếp đi nữa mà chỉ hiểu được một cách gián tiếp (qua trung gian một hình ảnh tâm thần), chắc chắn đến khi xảy ra quá trình của cái chết ta sẽ quán nhận trực tiếp được tánh không trong giai đoạn ánh sáng trong suốt để trực tiếp trở thành một vị Phật không chuyển sang giai đoạn trung gian [tức là trước khi chuyển sang giai đoạn bardo, vì giai đoạn bardo hay trung gian là giai đoạn chuẩn bị cho sự tái sinh].

 Trong cuộc sống, nếu ta không đủ khả năng hiểu được thế nào là tánh không dù là gián tiếp đi nữa, ta vẫn có thêm một dịp may thứ hai như tôi đã trình bày hôm qua : đấy là cách hoán chuyển các giai đoạn của cái chết và thể dạng trung gian trở thành con đường tu tập, giúp ta tái sinh trong những điều kiện thuận lợi, mang một cơ sở [thân xác] thích nghi để tiếp tục tu tập Tan-tra trong kiếp sau.

 Tâm thức cực tinh tế hàm chứa một sức mạnh rất lớn, thế nhưng muốn khai thác sức mạnh đó cần phải có một căn bản. Muốn tạo cho mình căn bản ấy phải thực hiện hai điều kiện : thứ nhất là sự hiểu biết tánh không, thứ hai là phát huy tâm thức giác ngộ.

 Thực ra, nếu biết sử dụng tâm thức thật tinh tế nhưng thiếu một tâm thức giác ngộ, việc thiền định sẽ không thể tạo ra nguyên nhân mang lại thể dạng của một vị Phật ; vì thế tâm thức giác ngộ thật vô cùng cần thiết. Mặt khác nếu không đủ sức nắm bắt được tánh không, các hành động và tư duy dù phát hiện từ một tâm thức thật tinh tế cũng sẽ không hội đủ khả năng tạo ra nguyên nhân đưa đến giải thoát.

 Đối với cái chết, quý vị nên nhớ lại những gì đã được trình bày ngày hôm qua. Trong mỗi giai đoạn tan biến đều phát sinh nhiều dấu hiệu bên ngoài và một dấu hiệu bên trong. Nếu có quý vị không thể nhớ hết các dấu hiệu bên ngoài ít ra cũng phải nhớ được dấu hiệu bên trong.

 Khi thiền định về quá trình của cái chết, phải tự nhủ trong tâm thành phần “đất” tan biến vào thành phần “nước”, sau đó thành phần “nước” tan biến vào thành phần “lửa”. Thí dụ khi ta quán tưởng đến đến thành phần “nước” tan biến vào thành phần “lửa” ta phải nhớ ngay dấu hiệu bên trong là gì, và trước đó khi thể dạng “đất” tan biến vào thể dạng “nước” dấu hiện bên trong phát sinh ra sao, và khi thành phần “lửa” tan biến vào thành phần “khí” dấu hiệu bên trong nào sẽ sắp phát sinh. Tiếp tục theo dõi như thế để biết giai đoạn nào đang xảy ra, giai đoạn nào vừa mới xảy ra trước đó và giai đoạn nào sắp sửa xảy ra. Phải ghi nhớ nằm lòng các dấu hiệu của tất cả các giai đoạn để chuẩn bị cái chết của mình xảy ra sau này.

 Trong cuộc sống thường nhật nếu biết thường xuyên nghĩ đến phép tập luyện như trên đây ta sẽ quen dần và nhớ từng chi tiết, khi cái chết thật sự xảy đến ta sẽ nhớ lại dễ dàng các dấu hiệu và các giai đoạn của quá trình cái chết. Nếu không chuẩn bị và tập luyện cho quen, cái chết gần kề làm ta kinh hoàng và không còn làm gì được nữa.

 Hôm qua tôi có trình bày về các hiện tượng tan biến đầu tiên : tức là sự tan biến tuần tự của bốn thành phần, hết thành phần này đến thành phần khác, sau đó là các sự tan biến của thể dạng “bên ngoài“, “thăng tiến” và “gần thu đạt được“. Chúng ta nhận thấy trong khi các thành phần tan biến các cấp bậc cảm nhận cũng tan biến theo, chẳng hạn như sự tan biến của tám mươi khái niệm nhận biết vào lúc xảy ra thể dạng bên ngoài. Các cảm nhận tan biến cùng lúc với các thành phần và tám mươi khái niệm nhận biết là các cảm nhận thuộc loại thô thiển. Đấy là những gì mà ta gọi là tình thươnglòng từ bi, sự giận dữ, ganh tị, v.v…, tất cả các thứ ấy đều thuộc vào các khái niệm nhận biết thô thiển.

 Các cảm nhận thuộc các thể dạng bên ngoài, sự thăng tiến và gần thu đạt được là các cảm nhận thuộc loại tinh tế. Thế nhưng dù tất cả đều là tinh tế nhưng vẫn được phân biệt thành nhiều cấp bậc khác nhau. Thí dụ sự tinh tế của thể dạng bên ngoài thô thiển hơn so với sự tinh thế của thể dạng thăng tiếntính cách tinh tế tăng thêm nữa đối với thể dạng gần thu đạt được. Các loại cảm nhận rất phức tạp và gồm nhiều thể loại không thể trình bày hết được vì sẽ đòi hỏi rất nhiều thì giờ.

 Tôi chỉ xin xác nhận thêm khi nói đến tâm thức thô thiển và tâm thức tinh tế không nên hiểu theo cách định nghĩa của kinh sách Su-tra, bởi vì kinh sách Tan-tra và Su-tra định nghĩa khác nhau về “tâm thức thô thiển” và “tâm thức tinh tế” :

– Theo kinh sách Su-tra, các cảm nhận do giác cảm là các cảm nhận thô thiển, các cảm nhận mang tính cách tâm thần là các cảm nhận tinh tế.

– Theo kinh sách Tan-tra thì khác hơn. Người ta phân chia sự nhận thức thành tám mươi khái niệm cảm nhận [nhận thứcthô thiển, trong đó gồm chung cả hai loại cảm nhận : tức cảm nhận do giác cảm và cảm nhận do tâm thần.

 Tôi có thể kể ra đây tám mươi thứ cảm nhận đó, thế nhưng sẽ mất nhiều thì giờ vì quá phức tạp. Chỉ cần có một ý niệm thật tổng quát cũng đủ. Tám mươi cảm nhận được phân chia thành ba nhóm :

– Ba mươi ba cảm nhận tượng trưng hay tiêu biểu cho thể dạng bên ngoài,

– Bốn mươi cảm nhận tiêu biểu cho sự thăng tiến,

– Bảy cảm nhận tiêu biểu cho thể dạng gần thu đạt được.

Thế nhưng cũng nên nhớ rằng bên ngoàithăng tiến và gần thu đạt được là những cảm nhận tinh tế, trong khi đó tám mươi cảm nhận là các cảm nhận thô thiển. Điều đó cũng cho thấy ba mươi ba cảm nhận và thể dạng bên ngoài mà chúng tượng trưng không có cùng bản chất, vì ba mươi ba cảm nhận thuộc cấp bậc thô thiển và thể dạng bên ngoài thì tinh tế. Thế nhưng tại sao lại gọi ba mươi ba cảm nhận tiêu biểu cho thể dạng cảm nhận bên ngoài ? Bởi vì điều đó muốn nêu lên sự kiện nhờ vào ba mươi ba cảm nhận [thô thiển thông thường] mà người ta hình dung được thế nào là thể dạng bên ngoài [tức là một thể dạng tinh tế trong quá trình của cái chết]

Chúng ta không thể giải thích chi tiết hơn về các sự cảm nhận và các thể loại cảm nhận. Đến đây phải dừng lại, vì nếu muốn đi xa hơn phải được khai tâm và thụ pháp [có nghĩa là cần có một căn bản vững chắc hơn để hiểu].

Chúng ta vừa trình bày về tám mươi thứ khái niệm, đó là các cảm nhận (hay nhận thứcthô thiển, sau đó là các thể dạng bên ngoàisự thăng tiến và gần thu đạt được tượng trưng cho các cảm nhận tinh tế.

Phần còn lại cần giải thích thêm là ánh sáng trong suốt của cái chết. Đấy chính là tâm thức cực tinh tế. Không có sự cảm nhận hay nhận thức nào tinh tế hơn. Vào giai đoạn khi ánh sáng trong suốt của cái chết phát hiện, tâm thức cực tinh tế và “khí” cực tinh tế cũng phát hiện theo. “Khí” thuộc vào thể loại hình tướng và đồng thời cũng là thể loại hình tướng tinh tế hơn hết.

Hôm qua chúng ta dừng lại sau khi giải thích xong thế nào là ánh sáng trong suốt. Thể dạng ánh sáng đó hiển hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn hay có thể kéo dài hơn, đối với người bình thường thời gian này thông thường là ba ngày. Ánh sáng trong suốt sẽ tiếp tục hiển hiện khi nào tâm thức cực tinh tế còn bị khóa chặt bởi giọt trắng bên trên và giọt đỏ bên dưới. Khi giai đoạn của ánh sáng trong suốt chấm dứt hai giọt sẽ tách rời nhau, giọt đỏ di chuyển ngược lên phía trên và thoát ra ngoài bằng bằng hai lỗ mũi. Giọt trắng di chuyển xuống phía dưới và thoát ra ngoài từ bên dưới cơ thể [cơ quan sinh dục]. Vào thời điểm chính xác đó [khi hai giọt tách rời nhau] tâm thức cực tinh tế sẽ vĩnh viễn rời khỏi thân xác và tức khắc sau đó cá thể chuyển vào thể dạng trung gian hay bardo [quá trình của giai đoạn chết chấm dứt].

Đến đây chúng ta sẽ chuyển sang phần trình bày về bardo hay thể dạng trung gian. Thế nhưng rất có thể quý vị còn thắc mắc về những gì vừa được trình bày, vậy xin cứ nêu lên các câu hỏi.

Một thính giả : Người ta có cảm giác ra sao trong giai đoạn ánh sáng trong suốt ?

Rimpoché : Không êm ái cũng không khó chịu [thật ra êm ái hay khó chịu đều thuộc các loại nhận thức thô thiển, sự nhận thức tinh tế thuộc các thể dạng bên ngoài, thăng tiến, gần thu đạt được và ánh sáng trong suốt thuộc thể loại tinh tế do đó vượt lên trên các thể dạng này], thể dạng ánh sáng trong suốt mang tính cách trung hòa. Cũng như tất cả mọi thứ cảm nhận khác, ánh sáng trong suốt hàm chứa yếu tố cùng khắp của sự cảm nhận, sự cảm nhận phát sinh vào giai đoạn này mang tính cách trung hòa, bởi vỉ các cảm nhận êm ái hay khó chịu đều là các cảm nhận thô thiển.

Một thính giả : Thế nhưng tôi từng được nghe giải thích là các người bình thường khi cảm nhận ánh sáng trong suốt họ không hiểu đấy là sự cảm nhận của tánh không khiến họ sợ hãi, họ cảm thấy hiện tượng đó tương tợ như một sự hủy diệt khiến họ kinh hãi.

Rimpoché : Sự sợ sệt có thể xảy ra trước đó, không thể thuôc vào giai đoạn ánh sáng trong suốtThực ra sự sợ hải không phải là một thể loại cảm nhận. Người ta có thể lo sợ vì có cảm giác như cái tôi biến mất, cái tôi không còn nữa ; thế nhưng tôi tin rằng cái sợ đó xảy ra trước khi phát hiện ánh sáng trong suốt, [như vừa được giải thích trên đây, sự sợ hãi là một thể loại cảm nhận thô thiển không còn tồn tại trong thể dạng cực tinh tế của ánh sáng trong suốt].

Một thính giả : Thưa ngài, ngài có nói là quá trình được trình bày cũng xảy ra khi rơi vào giấc ngủ, thế nhưng quá trình đó [trong giấc ngủ] dừng lại ở cấp bậc nào, bởi vì quá trình đó [theo như tôi hiểu] không đạt được thể dạng ánh sáng trong suốt của cái chết ?

Rimpoché : Trên thực tế đấy không đúng là ánh sáng trong suốt của cái chết mà chỉ là ánh sáng trong suốt của giấc ngủ. Dù sao cũng rất ngắn nên không thể nhận biết được.

Một thính giả : Ánh sáng trong suốt có thể phát hiện trong tình trạng khi đang tỉnh hay không ?

Rimpoché : Người ta có thể tạo ra một thứ gì đó một thể dạng nào đó rất gần với ánh sáng trong suốt nhờ vào phép thiền định, ngoài thiền định ra không có kỹ thuật nào khác. Cũng cần xác định thêm ánh sáng trong suốt của giấc ngủ theo định nghĩa chỉ có thể xảy ra khi ta khởi sự ngủ, nhưng không thể xảy ra khi thức.

Một thính giả : Có lúc ngài dùng chữ nhận thức hàm chứa một ý niệm (perception significative – revealing or significant perception ) [sự nhận thức hàm chứa một ý nghĩa], đôi khi ngài lại nói là khái niệm hàm chứa một ý nghĩa (conception significative – revealing conception) ?

Rimpoché : Đúng ra đấy là hai từ thông dịch. Nguyên gốc tiếng Tây tạng là kun tog (kun rtog). Tog có nghĩa là “nhận thức gián tiếp” (perception indirecte – indirect perception) vì thế sự nhận thức đó mang tính cách khái niệm vì phải nhờ vào một hình ảnh tâm thần. Vì lý do đó khi dịch chữ này một cách từ chương sẽ là “conception significative”. Thế nhưng, tám mươi cảm nhận bao hàm cả hai thể loại cảm nhận : giác cảm vừa tâm thần, vì thế cũng nên thận trọng không nên quá chú trọng đến ý nghĩa của chữ “khái niệm” (conception).

Một thính giả : Trên phương diện tổng quát, từ kun tog chỉ định một khái niệm, một sự cảm nhận gián tiếp xuyên qua hình ảnh tâm thần. Thế nhưng tám mươi kun tog trong trường hợp này bao gồm cả các cảm nhận giác cảm tức là những cảm nhận trực tiếp. Vậy kun tog được sử dụng trong trường hợp này mang ý nghĩa bao quát hơn ý nghĩa nguyên thủy của nó ?

Rimpoché : Vừa rồi tôi có nêu lên sự kiện kinh sách Su-tra xem các cảm nhận giác cảm thuộc thể loại thô thiển và các cảm nhận tâm thần thuộc thể loại tinh tế. Thế nhưng kinh sách Tan-tra đưa ra các tiêu chuẩn khác hơn, dựa vào “khí” như một cơ sở chuyển tải tâm thức, khí sở dĩ đảm trách được vai trò chuyển tải là nhờ vào sự linh động của nó. “Khí” càng linh động càng thô thiển. Các cảm nhận đi kèm với “khí” [được khí chuyển tải] chuyển động không ngừng, do đó chúng là những sự cảm nhận thô thiển. Đối với các cảm nhận tinh tế, “khí” vẫn ở trong tình trạng linh động nhưng yên tĩnh hơn nhiều. Cách giải thích dựa vào chức năng của “khí”, tức sự linh động của “khí” chỉ được đề cập trong kinh sách Tan-tra. Kinh sách Su-tra không hề nêu lên hiện tượng này và cũng không chấp nhận cách giải thích trên đây của kinh sách Tan-tra.

 Tuy rằng có rất nhiều điểm và nhiều cách giải thích giống nhau hoặc tương tợ nhau giữa kinh sách Su-tra và Tan-tra, thế nhưng cũng có nhiều điểm đặc thù cho mỗi loại kinh sách. Hãy nêu lên một thí dụ, theo kinh sách Su-tra cội nguồn của ta-bà là sự nắm bắt cái tôi tự tại, thế nhưng theo kinh sách Tan-tra cội rễ của ta-bà là “khí” sử dụng như một cơ sở hay môt phương tiện chuyển tải sự nắm bắt cái tôi tự tạiTóm lại Su-tra chỉ nói đến các cảm nhận [các cảm nhận sai lầm về các hiện tượng là cội rễ của ta-bà], trong khi đó kinh sách Tan-tra vừa sử dụng các cảm nhận và cả “khí” chuyển tải các cảm nhận để chỉ định cội rễ của ta-bà. Kinh sách Tan-tra còn xác định thêm nếu sự nắm bắt cái ngã tự tại có thể xảy ra ấy là nhờ vào sự linh động của “khí” giữ vai trò chuyển tải sự cảm nhận [tức là sự cảm nhận sai lầm của sự nắm bắt cái ngã tự tại chỉ có thể xảy ra được là nhờ sự linh động của khí chuyển tải các cảm nhận ấy]. Nếu ta tìm cách làm cho “khí” chuyển tải sự nắm bắt cái ngã tự tại trở nên bất động, sự nắm bắt đó sẽ không thể xảy ra được [đấy cũng là một trong những kỹ thuật trong phép tu tập Tan-tra].

 Có một phương pháp tu tập làm tan biến tất cả các “khí” thô thiển thường xuyên luân chuyển trong cơ thể, đấy là cách gom chúng vào vị trí của ngực. Khi tất cả các loại “khí” thô thiển bị dồn hết vào trung tâm của ngực, chúng sẽ mất hết khả năng tác động. Chỉ còn lại “khí” thật tinh tế vận hành trong cơ thể.

 Trong giai đoạn ánh sáng trong suốttâm thức và “khí” cực tinh tế bị ép chặt giữa hai giọt đỏ và trắng. Khi hai giọt này tách rời nhau, tâm thức cực tinh tế và “khí” cực tinh tế rời khỏi thân xác người chết và đồng thời cá thể chuyển sang thể dạng trung gian.

Thể dạng trung gian hay bardo

 Sinh linh trong thể dạng trung gian gọi là bardowa [kinh sách Hán ngữ gọi là thân trung hữu], tâm thức cực tinh tế trực tiếp tác tạo ra tâm thức của sinh linh bardowa [sự tiếp nối liên tục của tri thức], “khí” cực tinh tế chỉ góp phần gián tiếp vào sự tạo tác tâm thức. Thế nhưng nó lại là nguyên nhân trực tiếp tác tạo ra “thân xác” của sinh linh này.

 Khi giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết chấm dứtcá thể chuyển sang thể dạng bardo và trở thành sinh linh của bardo gọi là bardowaSinh linh này mang thân xác tinh tế tạo ra bởi “khí” tinh tếSinh linh bardowa đạt được tâm thức cực tinh tế và thân xác cực tinh tế trong cùng một lúc.

 Trong thể dạng bardo quá trình mô tả trước đây [quá trình của cái chết] sẽ lập lại, thế nhưng quá trình đó xảy ra theo chiều đảo ngược. Có nghĩa là quá trình đó khởi sự bằng thể dạng tâm thức của sinh linh bardowa tức là thể dạng gần thu đạt được ; tiếp theo đó là thể dạng thăng tiến, thể dạng bên ngoàitám mươi khái niệm cảm nhận hàm chứa một ý niệm, v.v…

 Khi tám mươi khái niệm cảm nhận phát hiện, sinh linh bardowa bắt đầu có những sự nhận biết thô thiển và đồng thời cũng mang sự sống trong thể dạng của một sinh linh bardowa : nó tự nuôi dưỡng bằng mùi, rất linh động và có khả năng di chuyển. Điểm đặc thù của sinh linh bardowa là thân xác được hình thành một cách đột biến từ “khí” tinh tế. Tức khắc sau khi được hình thành thân xác của sinh linh bardowa hàm chứa đầy đủ các khả năng chẳng hạn như sáu loại giác cảm tức sáu giác quan và khả năng di chuyển không bị một chướng ngại nào ngăn chận, [các khả năng này chỉ có thể phát triển từ từ và từng giai đoạn một nơi thân xác một hài nhi] .

 Sinh linh trong thể dạng bardo còn gọi là “sambhogakaya căn bản” hay “thụ dụng thân căn bản“.

 Thể dạng trung gian sẽ kéo dài trong bao lâu ? Không có gì rõ rệt cả. Nếu các điều kiện tái sinh thuận lợithời gian sinh linh bardowa lưu lại trong thể dạng trung gian sẽ rất ngắn, trong trường hợp này sau khi vừa ra khỏi ánh sáng trong suốt của cái chết cá thể tức khắc chuyển sang thể dạng bardo và ngay sau đó chuyển sang thể dạng tái sinh [thụ thai]. Thế nhưng nếu các điều kiện thuận lợi không hội đủ, sinh linh bardowa phải lưu lại trong thể dạng trung gian trong bảy ngày, hết bảy ngày lại “chết” thêm một lần nữa để quay trở về thể dạng sinh linh bardowa như trước. Sự kiện này có thể lập đi lập lại tối đa bảy lần, tức bốn mươi chín ngày tất cả, đấy là thời gian tối đa sinh linh bardowa có thể lưu lại trong thể dạng trung gian.

 Khi sinh linh bardowa chết, quá trình của cái chết lập lại như trước và sau khi đã trở lại thể dạng bardo quá trình sẽ diễn tiến đảo ngược lại.

 Có thể xảy ra trường hợp sinh linh bardowa nhìn thấy thân xác mà mình vừa rời khỏi tức xác chết của cá thể [thây ma của người đã chết], thế nhưng vì tâm thức đã hoàn toàn rời khỏi thân xác nên sinh linh bardowa không có một phản ứng nào cả đối với thân xác đó.

 Người ta cho rằng thể dạng bardo trải qua từng giai đoạn và mỗi giai đoạn kéo dài bảy ngày. Thế nhưng ý nghĩa của “ngày” như thế nào ? Ngày trong thể dạng bardo cũng giống với ngày trong thế giới con người.

 Sinh linh bardowa mang hình dáng ra sao ? Nó mang hình dáng tương tợ với cá thể mà nó sắp tái sinh.

 Sinh linh bardowa mang màu sắc như thế nào ? Nếu tái sinh trong các điều kiện không tốt lành nó sẽ mang màu đen ; nếu tái sinh trong các điều kiện thuận lợi nó sẽ mang màu trắng.

 Những người bình thường không thể nhìn thấy các sinh linh trong thể dạng bardo, thế nhưng giữa các sinh linh bardowa với nhau có thể nhận ra nhau. Một số người nhờ khả năng sáng suốt có thể nhận ra các sinh linh bardowa.

 Vì lý do thân xác của các sinh linh bardowa được cấu tạo bằng “khí” và giữ vai trò chuyển tải tâm thức, vì thế mỗi khi tâm thức nghĩ đến một nơi nào đó tức thời thân xác cũng hiện ra nơi đó. Sinh linh bardowa không cần “ra sức” như chúng ta trong việc di chuyển, thân xác bardowa di chuyển nhanh như tốc độ của tư tưởng. Vì thế cuộc sống của của sinh linh bardowa không bao giời được êm ả, trái lại có thể nói là rất giao độngSinh linh đó tới lui không ngừng với mục đích tìm kiếm một nơi thận lợi để tái sinh, [tâm thức luôn luôn biến động do đó sinh linh bardowa cũng luôn luôn biến động theo].

 Những gì tôi vừa trình bày liên quan đến những người bình thường không hề biết tu tập. Vậy những gì xảy ra đối với những người biết lợi dụng thể dạng đó như một phép tu tập ? Thay vì trở thành một sinh linh bardowa trong thể dạng trung gian, người tu tập trực tiếp biến thành vị thần linh phù trợ mình. Thay vì chạy ngược chạy xuôi để tìm một hoàn cảnh thích hợp cho việc tái sinh họ biết thiền định và chờ đợi khi nào các điều kiện thuận lợi hội đủ tại một nơi nào đó, họ sẽ nhân đấy tái sinh không cần bôn ba tìm kiếm, [người luyện tập thiền định biết giữ cho tâm thức yên lặng].

 Tùy theo nghiệp tích lũy, nếu có quá nhiều nghiệp tiêu cực ta có thể gặp nhiều chuyện khiếp đảm hiển hiện trong giai đoạn bardo, bởi vì mọi thứ thể dạng bên ngoài còn có thể hiển hiện. Nếu tích lũy được nhiều nghiệp tích cực thể dạng bardo sẽ không đến nỗi kinh khiếp như thế. Dù sao đi nữa tất cả mọi hiển hiện trong thể dạng trung gian chỉ đơn thuần là các tạo tác tâm thần. Nếu là người tu tập thuần thục sẽ đủ sức thiền định về tánh không trước những sự hiển hiện ấy tức quán nhận thấy chúng không hiện hữu một cách nội tại và tuyệt đối, chúng chỉ đơn thuần là những khái niệm, những tạo tác tâm thần không hơn không kém.

 Tất cả chúng sinh khi chết có phải bắt buộc trải qua thể dạng trung gian như trên đây hay không ? Không nhất thiết vì còn tùy thuộc vào thể loại tái sinh của mình. Các cá thể sẽ tái sinh trong cõi vô hình tướng không trải qua thể dạng bardo. Bardo chỉ xảy ra đối với các sinh linh tái sinh trong các cõi tham dục và hình tướng.

 Khi ánh sáng trong suốt của cái chết chấm dứt, các sinh linh tái sinh trong cõi vô hình tướng tức khắc hiển hiện trở lại dưới thể dạng các thần linh trong thế giới vô hình tướng, đó là nhờ vào sức mạnh của samadhi [định] tức sức tập trung, bởi vì điểm đặc thù của các sinh linh trong thế giới vô hình tướng là lắng ngay vào thể dạng samadhi. Họ không trải qua quá trình diễn biến thông thường, không chuyển sang các thể dạng gần thu đạt được , thăng tiến v.v…

 Hãy lấy thí dụ cái chết xay ra cho một sinh linh nào đó, sinh linh này chuyển vào giai đoạn trung gian, vì tác động của nghiệp tiêu cực quá mạnh khiến sinh linh bardowa mang hình tướng một con thú và trên nguyên tắc sẽ tái sinh thành một con thú. Vậy sinh linh này còn có thể biến cải hoàn cảnh của mình trong thể dạng trung gian để thay đổi phần số của mình hay không ? Có thể trả lời là có, một sự chuyển hướng có thể xảy ra được.

 Quý vị có câu hỏi nào nêu lên hay chăng ?

Một thính giả : Tôi muốn hỏi ngài về vấn đề vừa được nêu lên, tức chuyển hướng sự tái sinh trong giai đoạn trung gian. Sự chuyển hướng đó nhờ vào đâu ? Có thể nhờ vào sự tụng niệm của người còn sống và các bài kinh tụng niệm nào đó hay không ?

Rimpoché : Trên thực tế sự chuyển hướng có thể thực hiện được trong giai đoạn bardo. Thí dụ một sinh linh mang quá nhiều nghiệp tiêu cực trên nguyên tắc sẽ phải tái sinh vào các cõi địa ngục. Thế nhưng nếu có một người thân thiết với sinh linh bardowa hồi hướng tất cả những gì đạo hạnh và xứng đáng của họ cho sinh linh bardowa có thể giúp sinh linh này chuyển hướng được sự tái sinh của mình.

Một thính giả : Tôi muốn biết các “khí” tinh tế và thô thiển có đúng là thuộc vào cấu hợp hình tướng hay không hay là một cấu hợp khác ?

Rimpoché : Đúng như thế. Theo Tan-tra thừa các loại “khí” thuộc cấu hợp hình tướng trong các cấp bậc tinh tế.

Một thính giả : Các sinh linh bardowa có thể nhận ra nhau và trao đổi [liên lạcgiao thiệpvới nhau hay không ?

Rimpoché : Các sinh linh có thể nhận ra nhau vì trên nguyên tắc các sinh linh cùng một thể loại có thể nhận ra nhau. Họ có thể trao đổi [đàm thoạivới nhau hay không thật khó trả lời, vì chính tôi chưa bao giờ trao đổi với một sinh linh bardowa [câu này có thể hiểu ngầm là Dagpo Rimpoché từng tiếp xúc với các sinh linh bardowa, thế nhưng giữa hai bên không có sự trao đổi nào xảy ra (?)], kinh sách cũng không đề cập đến trường hợp đặc biệt này. Rất có thể họ có trao đổi với nhau, thế nhưng nhất định không phải bằng tiếng nói [tất nhiên là như thế vì tiếng nói hoàn toàn là các khái niệm quy ước và thuộc thể loại thô thiển]. Bằng phương tiện nào ? Thật không thể biết rõ.

Một thínhgiả : Ngài giải thích thế nào về nguồn gốc của cõi hình tướng ?

Rimpoché : Người ta cho biết có nhiều cõi hiện hữu, trong đó có cõi hình tướng. Cõi hình tướng phát sinh bởi sức mạnh của các nghiệp tương tợ nhau, tích lũy bởi các chúng sinh sẽ cùng sống chung với nhau trong một số điều kiện hiện hữu nào đó. Bởi vì bạn nêu lên câu hỏi liên quan đến nguyên nhân tạo ra cõi hình tướng nên phải trả lời nguyên nhân ấy là các nghiệp hướng một số các sự tái sinh nào đó chung vào một cõi với các điều kiện phù hợp với các nghiệp ấy. Nói một cách khác các nghiệp tương tợ nhau làm phát sinh ra một cõi chung phù hợp với các sinh linh mang các nghiệp ấy. Các loại nghiệp hướng vào sự tái sinh trong cõi hình tướng không nhất thiết bắt buộc phải liên hệ mật thiết với các sinh linh hiện đang sống trong cõi ấy nhưng đúng hơn là tùy thuộc vào nghiệp ghi khắc trên dòng tiếp nối của bất cứ một sinh linh nào sẽ tái sinh trong trong cõi hình tướng, [các sinh linh đang sống trong cõi hình tướng là kết quả phát sinh từ nghiệp của họ trong quá khứ, các sinh linh này không đương nhiên và tự động tái sinh trở lại trong cõi hình tướng mà có thể tái sinh trong một cõi cao hơn hay thấp hơn. Trái lại các sinh linh sống trong các cõi khác tùy vào nghiệp mà họ đang hoặc sẽ tạo ra cho họ sẽ có thể phải tái sinh vào cõi hình tướng].

Một thính giả : Làm thế nào một sinh linh bardowa biết được mình sẽ tái sinh trong các điều kiện sẽ thích hợp với mình để chọn lựa, chẳng hạn như thể dạng súc vật, hay bất cứ một thể dạng nào khác ?

Rimpoché : Không thể dùng các thuật ngữ như “biết được” hay “thích hợp” vì không đúng nghĩa. Sinh linh bardowa không thể chọn lựa sự tái sinh theo ý muốn của mình mà đúng hơn bị lôi cuốn bởi sức mạnh của nghiệp. Xung năng của nghiệp kích động và xui khiến các sinh linh bardowa tìm đến cha mẹ tương lai của mình.

Một thính giả : Như thế nhất định không có sự chọn lựa ? Một sinh linh bardowa không có khả năng chọn lựa ? Thế nhưng tại sao các vị tulku lại có thể chọn lựa ?

Rimpoché : Bất cứ một nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ, có những trường hợp đặc biệt xảy ra. Đây cũng là một dịp nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác. Bạn nêu lên trường hợp các vị tulku [hóa thân], thế nhưng không phải vị tulku nào cũng có quyền lựa chọn sự tái sinh của mình trong tương lai. Tất cả còn tùy thuộc vào trình độ tu tập của họ. Muốn chủ động hoàn toàn sự tái sinh của mình phải đạt được sự tự do quyết định sẽ tái sinh hay không. Khi nào chưa đạt được sự tự do chọn lựa đó ta chỉ có thể nguyện cầu hay thệ nguyện hy vọng thực hiện được sở nguyện của mình, [thí dụ người bồ tát thệ nguyện tái sinh vào cõi luân hồi để giúp đỡ chúng sinh, hay một người tu hành cầu mong thoát khỏi thế giới ta bà].

Một thính giả : Một cách tổng quát có phải người ta thường tái sinh vào một nơi gần với nơi mình sinh sống trong kiếp trước hay không ? Có thể xảy ra trường hợp tái sinh trong một “nước” khác hay không ?

Rimpoché : Không có gì trói buộc, có thể tái sinh rất gần nhưng cũng có thể rất xa.

Một thính giả : Thế nhưng vì ảnh hưởng phát sinh từ các cảm nhận quen thuộc trong quá khứ cho nên…

Rimpoché Tùy thuộc vào nghiệp tích lũy trong quá khứ thì đúng hơn.

Một thính giả : Đối với một người bình thường, khi đã nhập vào giai đoạn bardo họ còn có thể tu tập được không, hoặc ít ra cũng có thể tìm lại các vị Thầy [trong kiếp trước] của mình và biết được Đạo Pháp trong kiếp tái sinh ? Một người bình thường có thể tu tập trong giai đoạn bardo giúp họ cải thiện sự quán thấy của họ trong kiếp tái sinh hay không ?

Rimpoché : Còn tùy thuộc vào việc tu tập trong kiếp trước. Nếu một cá thể chuyên cần tu tập khi còn sống, đến khi chuyển vào thể dạng bardo thói quen tu tập trước đây của họ sẽ hiển hiện trở lại trong tâm thứcThí dụ trước đây cá thể ấy từng thiền định về lòng từ bi, tình thương và lòng tin tưởng, thói quen sẽ phát hiện trở lại với cá thể ấy khi xảy ra thể dạng trung gian và nhất định sẽ mang lại kết quả tốt cho họ. Thế nhưng chỉ có những người tu tập Tan-tra cao thâm hoặc những người đã đạt được sự hiểu biết tánh không mới có thể thiền định hoặc tu tập trong thể dạng trung gian để mang lại các điều kiện thuận lợi cho sự tái sinh của mình.

Một thính giả : Tôi rất ái ngại khi nghĩ đến các cá thể phải tái sinh dưới thể dạng súc vật. Đấy có phải là một sự trừng phạt hay không ? Có cơ duyên biến cải nào đối với các chúng sinh dưới thể dạng súc vật hay không ? Có chúng sinh nào xả thân vì chúng để giúp đỡ chúng biến cải và vượt lên các cấp bậc cao hơn hay không ?

Rimpoché : Tái sinh dưới thể dạng súc vật không phải là một sự trừng phạt, dù bất cứ dưới hình thức nào ! Đấy chỉ là hậu quả của một số nghiệp nào đó đưa đến sự tái sinh cá biệt như thế. [đây là một câu giải thích rất đúng, ra rất hay và đồng thời cũng rất quan trọng. Tái sinh trong một thể dạng “thấp hơn” (trong trường hợp của giới súc vật chẳng hạn) không phải là một sự trừng phạt, sự trừng phạt hay cõi thấp kém chỉ là sự diễn đạt của tâm thức con người, không phải là cách “hình dung” hay “mô tả” hiện thực một cách khách quan]. Vì thế một con thú sau khi chết, nghiệp tác động (karma introducteur) có thể hướng nó vào một sự tái sinh thuận lợi hơn, chẳng hạn như thể dạng con người. Một con vật do đó cũng có thể tái sinh làm người, [về điểm này cũng cần giải thích thêm là con người không hẳn thuộc vào một cấp bậc “đứng lên trên” cấp bậc súc vật, mà chỉ có nghĩa là con người gánh chịu những khổ đau “phức tạp hơn” dưới những “hình thức khác hơn” so với súc vật, và đồng thời con người hàm chứa một số khả năng mà kinh sách gọi là “quý giá” vì nhờ đó con người biết tu tập. Thế nhưng con người cũng biết sử dụng những khả năng “quý giá” đó để gây ra đủ mọi thứ tội ác như sát nhân, xung đột, chiến tranh, biết chế tạo bom đạn… để quay trở lại cõi súc sinh. Xin đưa ra một thí dụ điển hình, tái sinh làm một con chim trên cành chưa hẳn là “khổ hơn” một người điện loạn la hét, chân tay bị cột vào giường trong một nhà thương tâm thần. Đấy chỉ là hai trường hợp liên quan đến hai thứ nghiệp khác nhau không thể so sánh được].

 Phần thứ hai của câu hỏi : “Thế có ai cứu giúp và âu lo cho sự an vui của súc vật hay không ?” Xin trả lời là có, rất nhiều sinh linh xả thân trong chiều hướng đó và sự giúp đỡ của họ mang lại nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng trên nguyên tắc một cá thể phải tự cố gắng để biến cải tình trạng của mình. Cầu nguyệnhồi hướng công đức có thể giúp ích phần nào cho súc vật, thế nhưng chính chúng nắm giữ tất cả các yếu tố cần thiết để tự biến cải. Sự cải thiện đó không thể chờ đợi từ bên ngoài [tiếc thay hầu hết các súc vật không đủ khả năng để ý thức hành động của mình, tóm lại chúng không có được “cơ sở” quý giá của con người]. Dù sao đi nữa phải chờ cho nghiệp mang lại sự tái sinh dưới thể dạng súc vật chấm dứt, [súc vật có thể tích lũy nhiều nghiệp tích cực từ trước, thế nhưng các nghiệp này lại bị các nghiệp tiêu cực lấn át khiến chúng phải tái sinh dưới thể dạng súc vật, khi nào các nghiệp tiêu cực chấm dứt tác động của chúng, các nghiệp tích cực từ trước có thể giúp cho một con thú tái sinh trong một cõi khác].

Một thính giả : Hai thành phần cấu tạo là giọt trắng và giọt đỏ phát sinh từ cha và mẹ có tiếp tục hiện hữu trong thân xác của sinh linh bardowa hay không, khi mà thân xác đó được cấu tạo một cách tự nhiên không cần đến cha mẹ ?

Rimpoché : Không, bởi vì giọt đỏ đã thoát ra bằng lỗ mũi và giọt trắng qua cơ quan sinh dục.

Một thính giả : Có sự giao tiếp nào giữa người chết và người còn sống trong những ngày đầu sau khi cái chết có xảy ra hay không ? Có thật là người chết đau khổ rất nhiều vì không giao tiếp được với chúng ta ? Khi quây quần bên cạnh người chết có gây bực bội cho họ hay ngược lại có thể mang lại sự trấn an cho họ ?

Rimpoché : Câu hỏi không được chính xác lắm, còn tùy vào giai đoạn nào trong quá trình của cái chết. Chúng ta đang đề cập đến giai đoạn của sinh linh bardowa, có nghĩa là một sinh linh đã chết thật sự và đang ở trong giai đoạn trung gian, không còn trong giai đoạn diễn biến của cái chết của thể xác bên ngoài. Vậy sinh linh bardowa có còn nhận ra thân thuộc của mình trước kia hay không ? Sinh linh bardowa có đau khổ vì không thể giao tiếp với người thân hay không ? Trên nguyên tắc là không, sinh linh bardowa cũng không nhận ra các người thân thuộc trước đây kể cả cha mẹ sinh ra mình. Điểm này đã được nhắc đến khi trình bày về thời điểm sinh linh bardowa rời bỏ thân xác, thân xác là những gì gần gủi nhất với nó trước đây thế nhưng nó vẫn không nhận raSinh linh bardowa có thể nhìn thấy xác chết của mình nhưng không ý thức được “đấy là tôi”, hay “đấy là thân xác của tôi”. Nó không còn giữ một mối liên hệ nào nữa với thân xác mà nó vừa rời bỏ vĩnh viễn. Đấy là lý do giải thích tại sao sinh linh bardowa không còn nhận biết được cha mẹ mình trước đây. Bạn tưởng tượng ra sinh linh bardowa đang đau khổ, v.v. thế nhưng đấy chỉ là các diễn đạt mang tính cách “đại chúng”, dựa vào truyền thuyết dân gian, không xuất phát từ các kinh sách triết học.

Một thính giả : Các sinh linh quá quyến luyến với nơi sinh sống trong kiếp trước của mình có tái sinh trở lại những nơi quen thuộc trước đây hay không ?

Rimpoché : Một lần nữa tôi phải nói là không thể biết chắc. Có thể thế thôi, không phải là một chuyển đương nhiên.

Một thính giả : Các giọt trắng và đỏ sau khi thoát ra khỏi thân xác sẽ ra sao ?

Rimpoché : Nhất định sẽ bị khô queo… Giọt đỏ và giọt trắng chỉ là hình tướng thuộc loại thô thiển.

Một thính giả : Thế nhưng thể dạng bên ngoài thuộc thành phần của thân xác tinh tế

Rimpoché : Không nên lầm lẫn giữa các khái niệm với nhau. Thể dạng bên ngoài, sự thăng tiến và gần thu đạt được là những cảm nhận, những ý nghĩ. Quả đúng tôi có nói là khi cảm nhận được thể dạng bên ngoài, cá thể có cảm giác nhìn thấy ánh sáng màu trắng và khi xảy ra sự thăng tiến thì nhìn thấy ánh sáng màu đỏ. Thế nhưng không nên lầm lẫn giữa sự cảm nhận và nguyên nhân mang lại sự quán thấy. Giọt đỏ và giọt trắng là những hình tướng vật chất.

Một thính giả : Ngài có nói đến các “khí” là các phưong tiện chuyển tải tâm thức hay các cơ sở chống đỡ cho tâm thức tinh tế. Vậy giữa vai trò chuyển tải tâm thức hay chống đỡ tâm thức và “khí” sự liên hệ ra sao ? Sự tương liên giữa chúng như thế nào ?

Rimpoché : Đối với “khí” hay các loại “khí”, người ta tạm gọi chúng là các cơ sở chống đỡ hay các phương tiện chuyển tải tâm thức hay các sự cảm nhận. Vậy cách phát biểu như thế có ý nghĩa như thế nào ? Khi phát biểu “khí” là cơ sở chống đỡ cho tâm thức không nên quên đấy là cách diễn đạt theo kinh sách Tan-tra. Kinh sách Su-tra không đề cập đến các vấn đề này. Thế nhưng kinh sách Su-tra và cả Tan-tra đều chấp nhận là phải có tâm thức mới có thể sinh ra cảm nhận, phải có sự phối hợp giữa hai phẩm tính là sự minh bạch và tính cách linh động. Nếu tâm thức không hàm chứa tính cách minh bạch, các đối tượng cảm nhận sẽ không thể phản chiếu và hiển hiện lên được ; nếu tâm thức không mang yếu tố linh động sẽ không có khả năng hướng vào các đối tượng.

 Muốn hình dung sự tương quan giữa tâm thức và “khí”, người ta thường đưa ra thí dụ về hai người khác nhau, một người có đôi mắt thật tinh tường nhưng cụt hai chân không di chuyển được, một người có đôi chân cứng cáp nhưng lại mù. Nếu cả hai hợp tác với nhau sẽ có thể tạo ra hành động. Sự tương quan giữa tâm thức và “khí” cũng tương tợ như thế. Tâm thức có thể xem như người có thị giác tốt thế nhưng không di chuyển được. Trong khi đó “khí” mang yếu tố linh động giống như người có đôi chân khoẻ nhưng lại mù. Nhờ vào “khí” tâm thức có khả năng di chuyển hướng vào các đối tượng. Chính vì thế người ta gọi “khí” là một phương tiện hay cơ sở chuyển tải tâm thức. Tương tợ như lưng ngựa chuyển tải người kỵ mã. Trả lời trên đây có đúng với câu hỏi hay chăng ?

Một thính giả : Rất đúng.

Một thính giả : Các giọt giữ một vai trò quan trong khi xảy ra cái chết, thế nhưng trong cuôc sống thường nhật thì sao ? Trong cuộc sống nếu não bộ bị chấn thương, các giọt có thể bị mất hay không ? Trường hợp đó có thể xảy ra hay không và hậu quả ra sao ?

Rimpoché : Tôi nghĩ rằng nếu não bộ bị chấn thương vì tai nạn, nơi vị trí của giọt trắng trên đỉnh đầu bị thương tích, giọt trắng sẽ chuyển đến một vị tri khác trên thân thểTuy nhiên trường hợp này không thấy kinh sách nói đến, [đây chỉ là một cách hỏi và trả lời lạc vào chi tiết đưa đến chỗ bế tắc, phải phân biệt giữa những gì mang tính cách tượng trưng và những gì “sờ mó” được]. Tôi tạm đề nghị cách trả lời trên đây vì nhiều người cho rằng không biết được đích xác vị trí của các giọt, các chất liệu ấy có thể phân tán trong cơ thể. Chúng chỉ hội tụ lại trong các vị trí nhất định nào đó vào các thời điểm nhất định. Người ta có thể hình dung trong cuộc sống thường nhật và trong một số trường hợp nào đó một thứ năng lượng đặc biệt hội tụ trên đỉnh đầu, thế nhưng đấy không phải là chất liệu của giọt trắng.

Một thính giả : Ngài mô tả về sự suy yếu tuần tự và toàn bộ của bốn thành phần khi xảy ra cái chết. Thế nhưng trong cuộc sống cũng có thể xảy ra những sự suy yếu không toàn vẹn [bệnh tật và tuổi tác], có thể sử dụng các sự suy yếu ấy để tu tập hay chăng ?

Rimpoché : Còn tùy theo cách hiểu câu hỏi của bạn. Tôi thấy có hai cách hiểu khác nhau. Nếu muốn nói đấy là quá trình của giấc ngủ hay của sự giao hợp tính dục quá trình tan biến sẽ tương tợ như sự sự suy yếu khả năng của bốn thành phần thân xác khi xảy ra quá trình của cái chết, thế nhưng không thể lợi dụng các quá trình ấy để tu tập vì chúng xảy ra quá nhanh.

 Cách hiểu thứ hai là khả năng của các thành phần bị yếu đi vì bệnh tật, trường hợp này chỉ là những thể dạng suy nhược tạm thời phát sinh từ sự mất thăng bằng của các thành phần, vì thế không thể sử dụng vào việc tu tậpThiết nghĩ cũng nên minh chứng rõ ràng hơn, sự suy yếu của các thành phần vì bệnh tật không thể sử dụng vào việc tu tập theo cách đã được trình bày trong ngày hôm qua, thế nhưng nhất định có thể lợi dụng tình trạng đó để hướng vào các cách tu tập khác. Trong khi ốm đau ta không thể thiền định về sự tan biến tuần tự của các thành phần, thế nhưng có thể lợi dụng tình trạng đó để tập luyện kiên nhẫn, hoặc suy tư về vô thườngluật nhân quả…, đó cũng là cách củng cố thêm sự tin tưởng nơi Đạo Pháp. Ta cũng có thể xem đó như một cơ hội để nghĩ đến các chúng sinh khác cũng đang bị đau yếu như mình để phát động lòng từ bi. Sự đau khổ của mình sẽ giúp mình nghĩ đến sự đau khổ của người khác và khơi động lòng từ tâm hy sinh nhận chịu mọi khó khăn thay cho tất cả chúng sinh.

Một thính giả : Tôi có đọc thấy trong các sách viết về phép tu tập Powa [còn viết là Phowa hay P’howa, Việt dịch là Chuyển di Thần thứcliên quan đến các lỗ dùng cho tri thức [thần thức] thoát ra khỏi thân xác, dù là tái sinh trong các điều kiện thuận lợi hay không. Một người tu tập Tan-tra hoặc bất cứ một người nào khác đạt được một cấp bậc tâm linh cao có thể chủ động được quá trình của cái chết và hóa giải các nghiệp tiêu cực tích lũy trên dòng tri thức hay không ?

Rimpoché : Còn tùy theo trường hợp. Nếu người ấy đã đạt được sự hiểu biết tánh không nhất định sẽ hóa giải được các nghiệp tiêu cực của mình vào lúc phát hiện ánh sáng trong suốt của cái chết nhờ vào sự hiểu biết tánh khôngHiểu biết tánh không là điều kiện tiên quyết để thực hiện được việc đó. Tại sao lại như thế ? Vào giai đoạn phát hiện của ánh sáng trong suốtchính tâm thức cực tinh tế sẽ quán thấy được tánh không và tâm thức đó thật cường lực. Nó có thể hóa giải dễ dàng các chướng ngại tức các vết hằn của nghiệp tiêu cực.

Một thính giả : Sự kiện biết rành rọt được toàn bộ quá trình của cái chết có làm thay đổi được nghiệp hay chăng ? Không cần biết đến những gì xảy ra [trong quá trình đó] có thay đổi gì không ? Chỉ đơn thuần ý thức được quá trình đó trong khi chết có làm thay đổi gì hay chăng ?

Rimpoché : Trong khi các giai đoạn của cái chết diễn tiến, nếu chỉ biết tức chỉ đủ khả năng nhận biết sự diễn tiến của các giai đoạn sẽ chẳng giúp ích được gì cả. Nhận biết được các giai đoạn phải được đi kèm với sự suy tư và thiền định. Cần nhất là trong khi các giai đoạn của quá trình của cái chết diễn tiến phải thiền định về tánh không và tâm thức giác ngộ. Khi các cảm nhận thô thiển còn tồn tại nên phát lộ một tâm thức đạo hạnh (chẳng hạn như thiền định về tánh khôngtình thươnglòng từ bi). Các cảm nhận đạo hạnh dù sẽ tan biến sau đó thế nhưng chúng sẽ tạo được ảnh hưởng tốt và tích cực đối với các cảm nhận tính tế phát hiện tiếp theo sau.

Sự sinh

  Đến đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu thế nào là sự sinh.

 Muốn xảy ra sự sinh cần phải hội đủ một số điều kiện cần thiếtCha mẹ trong tương lai không bị một vài thứ bệnh tật nào đó, họ đang giao hợp và sinh linh bardowa phải di chuyển đến nơi này.

 Tiến trình của sự sinh được giải thích bằng hai cách khác nhau. Một số kinh sách cho biết sinh linh trong giai đoạn bardo nhìn thấy cha mẹ đang giao hợp, một số kinh sách khác cho biết các sinh linh chỉ thấy các cơ quan sinh dục của cha mẹ. Dù sao đi nữa điều đáng chú ý là sinh linh bardowa bị thu hút khi nhìn thấy cha mẹ tương lai của mình. Thế nhưng khi sự bám víu thúc đẩy sinh linh bardowa đến gần hơn thì không nhìn thấy gì nữa, liền phát lộ sự giận dữ, dưới tác động của sự giận dữ cái chết xảy ra cho sinh linh bardowa.

 Cách giải thích thứ ha i được ghi chép trong các sách do đại sư Asanga [Vô Trước, khoảng thế kỷ thứ VI] trước tác. Theo vị đại sư uyên bác này sinh linh bardowa không nhìn thấy cha mẹ mà chỉ nhìn thấy tinh trùng và noãn cầu. Sinh linh bardowa ngỡ rằng nhìn thấy cha mẹ mình thế nhưng cuối cùng chỉ nhìn thấy các tế bào. Do đó sự giận dữ phát sinh khiến xảy ra cái chết cho mình. Sinh linh bardowa chết và trải qua quá trình thông thường của cái chết kể cả giai đoạn gần thu đạt được và ánh sáng trong suốt. Sau đó tâm thức cực tinh tế rời bỏ thân xác sinh linh bardowa và thâm nhập vào hai tế bào của cha và mẹ đang kết hợpCá thể tái sinh bắt đầu giai đoạn thứ nhất trong quá trình đảo ngược, tức là thể dạng gần thu đạt đượcTiếp theo đó xảy ra các giai đoạn khác là sự thăng tiến, thể dạng bên ngoài, tám mươi sự cảm nhận thô thiển, v.v.

 Dầu sao trên căn bản cách giải thích của Phật giáo cũng không khác với cách giải thích của khoa học hiện đại. Sau đó năm giai đoạn sẽ xảy ra cho cá thể vừa được sinh [nên hiểu Phật giáo định nghĩa sinh là lúc thụ thai tức là lúc tinh trùng phối hợp với noãn cầu, không phải là lúc lọt lòng mẹ]. Giai đoạn đầu tiên chỉ gồm có hai tế bào của cha và mẹ và cá thể trong giai đoạn này thuộc thể lỏng, dần dần sau đó mới trở nên cứng cáp hơn.

 Trong lúc thụ thai và vào đúng thời điểm khi tâm thức thật tinh tế thâm nhập vào hai tế bào của cha và mẹ vừa kết hợp sẽ xảy ra thể dạng gần thu đạt được, đấy cũng là thời điểm cá thể được hình thành. Người ta gọi thân xác vừa được hình thành là “thân xác biểu lộ căn bản” hay “nirmanakaya căn bản” [ứng thânứng hóa thân, hay hóa thân căn bản]

 Khái niệm về “tam thân căn bản” không quá phức tạpgồm có : dharmakaya căn bản [pháp thân căn bản] tức là tâm thức thuộc vào giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết, sambhogakaya căn bản [báo thân hay thụ dụng thân căn bản] tức là sinh linh bardowa và nirmanakaya căn bản [hóa thân căn bản] là cá thể vừa được hình thành.

 Sau khi “tam thân căn bản” được hình thành sẽ chuyển qua giai đoạn “tam thân trên con đường” [tu tập], khởi sự bằng pháp thân trên con đường. Trong cuộc sống thường nhật ta suy tư và ôn tập các giai đoạn của quá trình cái chết và nhờ đó đến khi cái chết xảy đến ta có thể thiền định dễ dàng để hóa giải các loại “khí” thô thiển, hút chúng vào giữa ngực và làm hiển lộ ánh sáng trong suốt. Vào thời điểm đó tâm thức cực tinh tế bắt đầu sinh hoạt, và khi nó quán nhận được tánh không sẽ trở thành dharmakaya trên con đường [pháp thân trên con đường tu tập].

 Trong trường hợp ta đủ khả năng thiền định trong giai đoạn pháp thân trên con đường tất nhiên ta sẽ cầu mong được tiếp tục thiền định thêm trong giai đoạn báo thân trên con đường, trên nguyên tắc thân này thuộc giai đoạn bardo tức giai đoạn trung gian, thế nhưng không có nghĩa là chuyển sang giai đoạn bardo, đấy là cách thiền định giúp báo thân trên con đường hoá thành một thân khác thật tinh tế gọi là sambhogakaya [báo thân]. Tất nhiên muốn thực hiện được sự hiển lộ một thân xác thật tinh tế dưới thể dạng báo thân phải có trình độ tu tập thật cao thâm về Tan-tra.

 Muốn thiền định về báo thân trên con đường cần nhớ lại những gì vừa được trình bày sáng nay, có nghĩa là phải phóng hiện ra bên ngoài thân xác thô thiển để từ đó hóa thành một thân xác khác tinh tế hơn gọi là thể dạng sambhogakaya [báo thân].

 Sau giai đoạn trên đây, nếu nghĩ rằng hiện hữu dưới thể dạng báo thân chẳng có ích lợi gì nhiều vì không thể giúp ích cho chúng sinh và quyết tâm tự nguyện chọn một thân xác thô thiển, sự tái sinh sẽ xảy ra. Sự hội nhập vào thân xác thô thiển tạo ra dharmakaya trên con đường [pháp thân trên con đường] .

 Sự thiền định qua ba giai đoạn tam thân trên con đường giúp hình thành một sự diễn tiến “giả tạo” vì do quyết tâm mà có, sự diễn tiến này bắt đầu từ giai đoạn tạo tác [sinh]. Thế nhưng sự diễn tiến trên đây không mang lại sự thực hiện đích thực [thể dạng của một vị Phật] trong giai đoạn hoàn thiện [viên mãn].

 Sau cùng là giai đoạn của “Tam Thân kết quả“. Khái niệm về Tam thân kết quả khá dễ hiểugồm có : Dharmakaya [Pháp thân], Nirmanakaya [Ứng thân] và Sambhogakaya [Báo thân] của chư Phật. Pháp Thân kết quả là Pháp Thân PhậtPháp thân kết quả hay PhápThân Phật là gì ? Làm thế nào để nhận biết được Pháp Thân kết quả của chư Phật ? Có quý vị nào giải thích giúp hay chăng ?… Thật ra nếu muốn dịch một cách thật chính xác phải gọi đấy là “Pháp Thân vào lúc thực hiện được kết quả“. Vậy có vị nào hiểu được “Pháp Thân vào lúc thực hiện được kết quả” là gì hay không ? Pháp thân ấy được cấu tạo như thế nào ?

 Thân ấy được cấu tạo bởi pháp thân trên con đường, nói cách khác đấy là sự tiếp nối không gián đoạn của tâm thức cực tinh tế nắm vững được tánh không. Xin quý vị nhớ lại là sự tiếp nối liên tục của pháp thân vào lúc đang trên con đường [tu tập] là tâm thức cực tinh tếhiểu biết được tánh không. Lúc tâm thức cực tinh tế hiểu biết tánh không ấy đạt được thể dạng một vị Phật thì gọi đấy là gì ? Những cách gọi nào được sử dụng để chỉ định thể dạng ấy của một vị Phật ?

 Câu trả lời thật đơn giản : đấy chính là tâm thức, sự quán thấy toàn năng, hay sự hiểu biết của một vị Phật. Tâm thức ấy của một vị Phật gọi là là Pháp Thân vào lúc đạt được kết quả [viên mãn]. Đối với Báo Thân [Sambhogakaya] và Ứng Thân [Nirmanakaya] có lẽ quý vị cũng hiểu đấy là gì [Báo Thân còn gọi là Thụ dụng thân là Thân Phật hiển hiện trong các cõi Tịnh độ, Ứng Thân còn gọi là Ứng Hóa Thân là Thân Phật hiển hiện trên địa cầu với mục đích cứu độ chúng sinh]. Mục đích là thực hiện được Tam Thân vào lúc đạt được kết quả. Vậy muốn thực hiện mục đích đó cần phải trải qua giai đoạn tam thân trên con đường gồm hai giai đoạn : giai đoạn thứ nhất tượng trưng cho việc thiền định trong giai đoạn tạo tác để thực hiện tam thân trên con đường, sau đó tiếp tục thiền định trong giai đoạn hoàn thiện [viên mãn] để đạt được Tam Thân kết quả.

 Trong quá trình diễn tiến trên đây, thật ra ta thiền định về tam thân trên con đường chỉ dưới một thể dạng tương tợ không phải tam thân đích thực trên con đường. Muốn đủ khả năng thiền định như trên đây để làm hiển hiện hình ảnh tương tợ với tam thân trên con đường cần phải tập luyện từ trước, tức trước đây đã từng luyện tập thiền định để quán thấy tam thân, và cũng đã từng luyện tập thiền định về các giai đoạn tạo tác [sinh] và hoàn thiện [viên mãn]. Thế nhưng muốn tu tập về các giai đoạn tạo tác và hoàn thiện phải được thụ pháp Tan-tra trong các cấp bậc cao.

 Muốn được thụ pháp Tan-tra có hai cách : nếu có khuynh hướng hay căn cơ thích nghi để tiếp nhận Tan-tra có thể thụ pháp ngay, nếu căn cơ chưa đủ để thích nghi sẽ được ban phép trong khi chờ đợi.

 Trở lại nhóm người thứ nhất tức những người có căn cơ thích nghitrường hợp này cũng được phân chia thành hai cấp bậc khác nhau : một số có căn cơ thật thích nghi, một số khác kém hơn.

 Muốn có căn cơ thích nghi cần hội đủ những điều kiện đặc biệt sau đây :

1- phải hiểu biết tánh không, bởi vì đối với Tan-tra phát hiện được tâm thức cực tinh tế chính là để hiểu biết tánh không một cách cực mạnh.

2- phải thực hiện được tâm thức giác ngộ.

 Cũng nên hiểu rằng không có một sự khác biệt nào đối với khái niệm tánh không giữa kinh điển Su-tra và Tan-tra. Hai loại kinh điển Su-tra và Tan-tra mô tả tánh không giống như nhau, hoàn toàn không có sự khác biệt nào trên lãnh vực đối tượng tức tánh không, thế nhưng có sự khác biệt trên lãnh vực chủ thể [sự nhận biết tánh không].

 Đối với kinh sách Su-tra, có thể sử dụng trí tuệ thông thường để đạt được sự hiểu biết tánh không, và trí tuệ ấy đạt được tánh không sẽ được xem là tinh tế. Thế nhưng kinh sách Tan-tra lại xem thể dạng trí tuệ ấy thuộc loại thô thiển. Bởi vì đối với kinh sách Tan-tra còn có nhiều thể dạng cảm nhận khác tinh tế hơn, chẳng hạn như dạng thể bên ngoài. Đối với kinh sách Tan-tra muốn hiểu được tánh không cần phải có một tâm thức thật cường lực : tâm thức đó gọi là tâm thức cực tinh tếTóm lại sự khác biệt giữa Su-tra và Tan-tra thuộc vào lãnh vực chủ thể. Kinh sách Su-tra không quan tâm đến chủ thể, trái lại kinh sách Tan-tra giải thích về chủ thể thật tường tận.

 Vậy quý vị nhận thấy mình có hội đủ căn cơ thích nghi để thụ pháp Tan-tra hay chưa ? Trong trường hợp chưa hoàn toàn chắc chắn và nếu nghĩ rằng mình chưa hiểuđược tánh không, chưa thực hiện được tâm thức giác ngộ, thế nhưng quý vị vẫn cứ mong muốn được khai tâm và thụ pháp, trong trường hợp đó tối thiểu cũng phải hội đủ các điều kiện sau đây :

1- hiểu được tánh không bằng sự suy luận,

2- cố tình tạo ra cho mình một tâm thức giác ngộ dù chỉ giả tạo,

3- cố gắng phát huy lòng mong muốn thoát khỏi cõi ta-bà dù quyết tâm còn hời hợt.

 Khi đã hội đủ ba điều kiện đó, ta cũng có thể được thụ pháp một cách bình thường. Trước khi xin thụ pháp phải cần chuẩn bị và thực hiện được một số phẩm tính nào đó. Càng chuẩn bị cẩn thận càng có nhiều cơ duyên được thụ pháp. Ngược lại nếu sự chuẩn bị không được nghiêm túc, hoặc không được thực thi đúng đắn, việc thụ pháp sẽ có phẩm chất thấp và không mang lại kết quả như mong muốn.

 Ngoài ra còn một tiêu chuẩn bắt buộc khác nữa, điều này thật hiển nhiên, đấy là sự tin tưởng nơi kinh sách Tan-tra, quả quyết tin rằng nhờ kinh sách Tan-tra mình sẽ đạt được một mục đích thật rõ rệt nào đó [thành một vị bồ-tát hay một vị Phật].

Chuẩn bị cho cái chết

  Đến đây chúng ta đạt được một tầm nhìn khá bao quát về cái chết, thế nào là thể dạng trung gian và sự sinh. Vậy đến lúc cái chết xảy đến cho mình thì phải làm gì ? Hoặc nếu có người thân thuộc hấp hối ta phải phản ứng như ra sao ?

 Khi cái chết xảy đến ta phải phản ứng ra sao ? Đối với một người tu tập Tan-tra sẽ không có chuyện gì khó khăn, đương nhiên người này sẽ hiểu phải xử trí ra sao. Thế nhưng đối với trường hợp một người chưa bao giờ tu tập Tan-tra, họ phải biết tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức đạo hạnh và lợi ích. Khi chết phải có một tâm thức giác ngộNếu không đủ sức thực hiện được như vừa kể, ít nhất cũng nên cầu khẩn Tam Bảo, hoặc nghĩ đến vị Thầy mình, phát lộ lòng tin tưởng, đặt trọn lòng tin vào Tam Bảo, sự giúp sức của Thầy mình, hoặc phát lộ lòng từ bi, lòng thương yêu tất cả chúng sinh… Cốt là lúc chết phải có những suy nghĩ tích cực hiển hiện trong tâm thức.

 Tất nhiên không phải chờ đến phút cuối cùng mới cố gắng tìm cách phát lộ những suy tư trên đây. Muốn thực hiện được những suy tư đó vào lúc hấp hối, ta phải tập cho quen từ trước. Muốn được chết với một thể dạng tâm thức đạo hạnh cần phải tập luyện lâu dài. Có nhiều phép tập luyện : chẳng hạn như phát lộ tâm thức giác ngộlòng từ bi, tình thươnglòng tin tưởng,v.v. Phải chọn một trong các phẩm tính ấy để thường xuyên thiền định và suy tư tập hằng ngày để quen dần với nó.

 Chết với tâm thức tràn đầy ý nghĩ tốt đẹp và đạo hạnh là một điều kiện tiên quyếtNgoài ra cũng cần chú ý trong cuộc sống của mình có những người thân thuộc mà mình quyến luyến, những đồ vật mà mình yêu quý, những thứ ấy có thể tạo ra cho mình sự bám víu và tiếc nuối, tốt hơn hết khi hấp hối các người ấy nên lánh xa, và các đồ vật ấy nên cho mang đi chỗ khác.

 Thật vậy, suốt hai ngày tôi chỉ nói toàn những chuyện không được vui. Quả thật đáng tiếc, thế nhưng đấy lại là đề tài đã được thông báo từ trước, chúng ta không thể tránh né được. Tuy thế đấy cũng chỉ là những gì thật tự nhiên, vì một ngày nào đó chúng ta đều phải chết. Nếu cái chết là một sự bắt buộc thì đấy cũng đúng là một sự thực, vậy tốt nhất chúng ta cứ nhìn nó trước mặt để chuẩn bị chờ đợi nó.

 Có thể chúng ta có một gian nhà, của cải, những đồ vật yêu quý. Vậy tốt hơn hết nên thanh toán những thứ ấy trước khi chết. Hãy chia cho cha mẹ, con cái, người thân. Tự tay mình phân chia cho họ hay ít ra mình cũng nên để lại di chúc.

 Cố gắng tránh lo buồn vì của cải vào phút lâm chung. Không nên chết mà còn thắc mắc tài sản sẽ về tay ai, ai thay ta để hưởng, hoặc hối tiếc không nghĩ đến việc thanh toán từ trước. Phải loại bỏ những mối lo lắng ấy khi ta còn khoẻ mạnh. Nếu bị sự hối tiếc dày vò trong phút lâm chung ta sẽ tái sinh trong những hoàn cảnh thật bất lợi.

 Tóm lại trước hết phải thanh toán của cải và những gì thuộc sở hữu của ta có thể tạo ra cho ta sự bám víu. Đối với những người thân yêu mà ta quyến luyến, nên khuyên họ không nên ở bên cạnh trong lúc ta sắp chết.

 Thật vậy, những người mà ta yêu mến không nên quây quần bên cạnh khi ta ra đi. Tôi có thể đưa ra một thí dụ điển hình, khi mẹ của Đức Đạt-lai Lạt-ma mất ở Dharamsala. Lúc ấy đúng ra là lúc Đức Đạt-lai Lạt-ma thường lưu ngụ tại Dharamsala, thế nhưng vào năm đó Ngài rời khỏi Dharamsala trước khi mẹ mất. Ngài đến viếng Bồ-đề Đạo-tràng (Bodhgaya). Trước khi lên đường Ngài biết rõ mẹ sắp mất và đã chuẩn bị tất cả cho mẹ. Ngài dặn dò và khuyên những người chung quanh phải làm gì khi mẹ qua đời. Không những Ngài ra đi mà còn dắt theo người em út. Tại sao Ngài lại làm như thế ? Bởi vì Ngài biết mẹ rất yêu quý người con út trong gia đình.

 Trước nhất nếu biết người hấp hối quyến luyến những ai nên khuyên họ lánh xa. Sau đó nếu biết người hấp hối trước đây từng tu tập Đạo Pháp nên tìm một người giỏi về Đạo Pháp nhắc nhở giáo lý cho người hấp hối. Khi nào người hấp hối vẫn còn nghe được cứ tiếp tục nhắc nhở họ chớ nên bám víu và hướng sự suy nghĩ của họ vào những điều đạo hạnh nào đó.

 Tuy nhiên còn tùy vào tánh tình của người chết, nếu người này không thích người chung quanh lo toan cho họ tốt hơn nên giữ yên lặng. Trong trường hợp này tốt nhất đừng nói một lời nào, hoặc nếu tin chắc là những lời khuyên nhủ của mình về một chủ đề nào đó sẽ mang lại lợi ích cho người hấp hối cũng nên nói thật ngắn và rõ ràng, chỉ chọn những gì cốt yếu.

 Theo truyền thống tại nhiều nước Phật giáo, người ta thường dùng đến “ảnh tượng phù trợ”, nước thiêng hay một viên thuốc…, gọi chung là tchine tène. Người ta thường đặt một viên thuốc vào miệng, cho người hấp hối uống nước, hoặc đặt ảnh tượng của Phật trong tầm mắt họ…

 Không bao giờ nên quên là người hấp hối cần sự yên tĩnh tuyệt đối. Người chung quanh phải giữ bình tĩnh không bị giao động. Phải tránh không được làm bất cứ gì phật ý khiến người hấp hối khó chịu hoặc tạo ra những xúc cảm bấn loạn cho họ. Người hấp hối cần được ra đi thanh thảnTóm lại nên cố gắng giúp người hấp hối không hối tiếc bất cứ một điều gì hay một đồ vật nào.

 Nếu người hấp hối theo một tôn giáo khác không phải là Phật giáo, nên tạo ra một khung cảnh thích hợp với tôn giáo của họ. Chẳng hạn như đối với một người Thiên chúa giáo nên nhắc lại cho họ một vài điều trong giáo lý Thiên chúa giáo và cho họ nhìn thấy chiếc thánh giá, v.v.

 Đối với một người không theo một tôn giáo nào cả, cũng nên tạo ra một khung cảnh an bình và êm ả, giúp họ không bị giao động để họ tìm thấy một cái chết an bình và toại nguyện. Đấy là tất cả những gì mà chúng ta có thể làm.

 Đối với một người tu tập Phật giáo, đương nhiên trước cái chết phản ứng tự nhiên của người này là tạo ra cho mình một tâm thức đạo hạnh, biết suy tư về giác ngộ, phát động lòng từ bi…, và nhất là họ sẽ hiểu không nên chần chờ. Dù là một người Phật giáo nhưng nếu không quen chuẩn bị cho mình như vừa trình bày, quả thật là một điều đáng tiếc, khi cái chết gần kề họ sẽ không còn đủ trầm tĩnh để tu tập được nữa.

Một thính giả : Tôi xin được nêu lên nhiều câu hỏi khác nhau. Thứ nhất : trong giai đoạn trung gian bardo, sinh linh bardowa chết vì nguyên nhân nào ? Không lẽ lại chết chỉ vì giận dữ ? Vậy cái chết thật sự có xảy ra cho sinh linh bardowa hay không ? Theo tôi hiểu cái chết chỉ xảy ra trên lãnh vực tâm thần, bệnh tật có xảy ra cho người bardowa hay không ?

Rimpoché : Khi người ta nói đến cái chết của một sinh linh bardowa đấy chỉ là một cách phát biểu bằng các ngôn từ dễ hiểu mà thôi. Đúng ra phải nói là thân xác của sinh linh bardowa bị phân tán. Tương tợ như ta thổi vào một tấm gương, hơi nước đọng lại trên mặt kính và tan biến dần. Sự phân tán của thân xác sinh linh bardowa cũng tương tợ như thế. Nguyên nhân gây ra sự tan biến thân xác của sinh linh bardowa là sự giận dữ.

Một thính giả : Có phải luôn luôn xảy ra đúng như thế hay chăng ?

Rimpoché : Đúng như thế đối với những người không tu tập, và đấy cũng là trường hợp mà chúng ta đề cập trong phần trình bày trên đây.

Một thính giả : Tôi không hiểu rõ khi ngài nói là quá trình của cái chết đối với sinh linh bardowa cũng giống như quá trình của cái chết đối với con người. Vì theo như tôi hiểu trong cơ thể con người có hai giọt và hai giọt đó như ngài nói không còn nữa đối với sinh linh bardowa.

Rimpoché : Những gì tương tợ trong quá trình cái chết của sinh linh bardowa và quá trình cái chết của con người là sự tan biến tuần tự của bốn thành phần, tức là thành phần này tan biến vào thành phần kia, ngoài ra bốn giai đoạn sau đây cũng xảy ra trong quá trình cái chết của sinh linh bardowa : sự tan biến của tám mươi cảm nhận thô thiển, của thể dạng bên ngoàisự thăng tiếngần thu đạt được và sau đó xảy ra thể dạng ánh sáng trong suốt của cái chết. Bốn thành phần đều hiện hữu đối sinh linh bardowa, thế nhưng các thành phần này không thô thiển trái lại thật vô cùng tinh tế, khác hẳn đối với trường hợp thân xác con người.

Một thính giả : Hình hài của sinh linh bardowa có giống với hình hài thân xác trước đây của cá thể hay giống với với bất cứ hình hài thuộc bất cứ một kiếp nào trước đó ?

Rimpoché : Sinh linh bardowa không mang hình hài thân xác kiếp trước mà mang hình hài của cá thể mà nó sẽ đầu thai.

Một thính giả : Có gì khác biệt trong trường hợp chết vì tại nạn, tức một cái chết xảy ra đột ngột ?

Rimpoché : Sự khác biệt là cái chết do tai nạn quá trình diễn tiến thật nhanh, các giai đoạn tan biết xảy ra chớp nhoáng. Thay vì trải qua một quá trình tuần tựcá thể tức khắc chuyển sang giai đoạn bardo. Đấy là những gì khác biệt.

Một thính giả : Sự giận dữ của sinh linh bardowa xảy ra như thế nào ?

Rimpoché : Cách giải thích sau đây có thể áp dụng cho con người cũng như súc vật và tất cả những sinh linh được sinh ra từ cha mẹ. Nếu thể dạng tái sinh tương lai mang nữ tính, sự bám víu hướng vào người cha, nếu sự tái sinh là nam tính sự bám víu hướng vào người mẹ. Sinh linh bardowa bị thu hút bởi giới tính của cha hay của mẹ, thế nhưng khi đến gần thì không nhìn thấy [cha hay mẹ hay các cơ quan sinh dục của họ] khiến cho sinh linh bardowa nổi giận, [có thể Dagpo Rimpoché cố ý không muốn trình bày điểm này trong phần thuyết giảng, thế nhưng vì bị hỏi dồn nên ngài đành phải giảng. Sự nổi giận của sinh linh bardowa liên quan đến bản năng tính dục có nghĩa là bị thu hút bởi người khác phái, sự thất vọng do bản năng tác động rất mạnh gây ra cái “chết” cho sinh linh bardowa].

Người thông dịch : Xin nhắc lại câu hỏi trước đây của một thính giả là trong giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết, tâm thức thật tinh tế bị khóa chặt bởi hai giọt, ánh sáng trong suốt của cái chết phát sinh và tồn tại cho đến khi nào tâm thức cực tinh tế vẫn còn bị ép chặt bởi hai giọt. Trong trường hợp của sinh linh bardowa, hai giọt không còn nữa, vậy những gì xảy ra ?

Rimpoché : Khi tôi trình bày về các giọt là có ý nói đến trường hợp của những cá thể thô thiển như chúng ta, tức cấu tạo bằng thịt, xương và máu, v.v… Đối với sinh linh bardowa, mọi sự đều khác vì thân xác sinh linh này thật tinh tế, được cấu tạo bằng khí tinh tế để giữ vai trò chuyển tải tâm thức. Dưới thể dạng thân xác ấy sinh linh bardowa có tám mươi cảm nhận thô thiển và có thể di chuyển trong không gian, do dó khi “chết” sinh linh này trải qua các giai đoạn như sau : trước hết các thành phần tan biến, sau đó là tám mươi cảm nhận hiểu biết thô thiển tan biến, thể dạng bên ngoài tan biến, v.v… Lúc quá trình này chấm dứt tất cả các cấp bậc thô thiển của sinh linh bardowa đều được hóa giải, chỉ còn lại tâm thức thật tinh tế. Đấy là giai đoạn ánh sáng trong suốt của cái chết của sinh linh bardowa, trong giai đoạn này chỉ còn lại duy nhất tâm thức cực tinh tế.

 Trước đây tôi có trình bày về sự kiện hai giọt khép chặt tâm thức cực tinh tế đối với những người bình thườngNgoài ra chúng ta cũng có nói thêm là khi nào tâm thức còn bị hai giọt giam giữ, cá thể vẫn còn lưu lại trong ánh sáng trong suốtthời gian này có thể kéo dài ba ngày hoặc hơn nữa, hoặc cũng có thể ngắn hơn. Thế nhưng đối với sinh linh bardowa giai đoạn này xảy ra thật ngắn.

Một thính giả : Xin ngài giảng thêm cho chúng tôi về trường hợp tự tử ?

Rimpoché : Câu hỏi quá bao quát, bạn muốn biết thêm về các điểm nào ? Nếu muốn biết thêm về tính cách đột ngột của cái chết tức một cái chết bất tử, quá trình cũng giống như trường hợp cái chết xảy ra vì tai nạn, chẳng hạn như tai nạn xe cộ. Tuy nhiên cũng có trường hợp tự tử nhưng không chết ngay. Nếu cái chết xảy ra tuần tựtoàn thể quá trình như đã được mô tả sẽ có thể diễn tiến trọn vẹnTuy nhiên nếu muốn biết chính xác hơn về một chi tiết nào đó cứ xin cho biết ?

Một thính giả : Tôi muốn biết rõ hơn về các vết hằn của nghiệp trong các trường hợp đó [tự tử].

Rimpoché : Có nghĩa là bạn muốn biết thêm về hậu quả của hành động tự tử có đúng không ? Thông thường người ta cho rằng hành động tự tử là một hành động sai lầm và đáng tiếc. Kinh sách cho biết là hậu quả của hành động tự tử sẽ phát sinh sau năm trăm kiếp, trước khi xảy ra hành động tự tử khác. Ngoài ra không thấy kinh sách đề cập rõ ràng hơn đến những tác động khác của hành động tự tử [tự tử là một cách tránh né hậu quả của nghiệp mà mình phải gánh chịu, không “trả” hết trong kiếp này sẽ “trả” tiếp trong kiếp sau, tương tợ như một sự khất nợ, hoặc hành động tự tử cũng có thể là nợ đã hết hay một hình thức chấm dứt của nghiệp (?)]. Có thể kinh sách có giải thích về các trường hợp tự tử, thế nhưng tôi không được biết. Dầu sao đấy cũng là những trường hợp ngoại lệ và đặc biệt liên quan đến cá nhân của mỗi người. Đối với một người tu tập Tan-tra tự tử là một sai lầm rất lớn, có thể tệ hại hơn cả việc giết một vị thần linh.

Thiền định

  Đến đây chúng ta cùng nhau thiền định một vài phút về các giai đoạn của cái chết.

 Chúng ta thiền định giống như hôm qua. Ta tưởng tượng từ ngực ta các luồng ánh sáng xanh thật đậm tỏa rộng ra khắp hướng, tràn ngập không gianvũ trụ, bao trùm tất cả chúng sinh. Tất cả vũ trụ và mọi sinh linh tan biến và hội nhập với ánh sáng xanh đậm, sau đó ta tưởng tượng ánh sáng thu trở về và tan biến vào ngực mình, chỉ còn lại trơ trọi một mình ta. Chung quanh hoàn toàn là cõi trống không. Ta hấp thụ vào ngực mình tất cả vũ trụ.

 Đến đây ta tưởng tượng phần bên trên và phần bên dưới của thân xác ta cũng trở thành ánh sáng xanh. Ánh sáng này thu nhỏ và tập trung vào giữa ngực, sau cùng chỉ còn lại một bầu hình cầu ánh sáng xanh nằm ở vị trí trung tâm của lồng ngực.

 Bầu ánh sáng thu nhỏ thêm. Thể dạng “đất” tan biến vào thể dạng “nước”, ta nhận ra dấu hiệu bên trong là một ảo ảnh. Giai đoạn tiếp theo là sự tan biến của thành phần “nước” vào thành phần “lửa”, một dấu hiệu bên trong khác sắp hiển hiện, ta cố gắng nhớ lại dấu hiệu này là gì.

 Khi thành phần “nước” tan vào thành phần “lửa”, ta sẽ nhận thấy dấu hiệu bên trong là một làn khỏi mỏng màu xanh nhạt. Tiếp theothành phần “lửa” tan biến vào thành phần “khí” và dấu hiệu bên trong sắp hiển hiện, ta cố nhớ lại dấu hiệu này sẽ như thế nào.

 Thành phần “lửa” tan biến trong thành phần “khí”, ta nhận thấy dấu hiệu bên trong là những tia lửa bắn toé ra, tương tợ như một đàn đom đóm bay loạn trong tối. Ta lại tưởng tượng đến bầu ánh sáng xanh càng lúc càng teo nhỏ thêm.

 Thành phần “khí” tan biến vào tri thức. Dấu hiệu bên trong là ngọn lửa của một ngọn đèn dầu.

 Đến đây ta tưởng tượng ra tám mươi cảm nhận thô thiển tan biến vào thể dạng bên ngoài. Dấu hiệu bên trong khi xảy ra sự tan biến của tám mươi cảm nhận là sự quán thấy ánh sáng trắng thật rạng rỡ như ánh trăng. Bầu ánh sáng xanh thu nhỏ lại bằng kích thước một hạt đậu.

 “Khí” giữ vai trò chuyển tải thể dạng bên ngoài bị hóa giải. Thể dạng bên ngoài tan biến vào sự thăng tiến. Dấu hiệu bên trong khi sự thăng tiến phát hiện là cảm giác nhìn thấy màu đỏ hay màu cam, tương tợ như ánh sáng buổi bình minh khi mặt trời chưa kịp ló dạng.

 Sau đó, “khí” đi kèm với sự thăng tiến cũng bị hóa giải và giai đoạn gần thu đạt được phát hiện. Đến đây đốm sáng màu xanh thu nhỏ thêm và trở thành một chấm sáng thật nhỏ cỡ bằng đầu sợi tóc. Dấu hiệu bên trong là cảm giác chìm vào bóng tối thật sâu.

 Sau đó ta tưởng tượng chấm sáng biến mất, hoàn toàn tan biến, không còn gì nữa. Sau đó ta ra thoát khỏi màn đen thật đậm và thật sâu và nhận thấy chung quanh chỉ có sự trống không, một sự trống không thật trong trẻohoàn toàn tinh khiết. Ta liên tưởng đến tất cả mọi hiện tượng không hề hàm chứa bất cứ sự hiện hữu tuyệt đối và nội tại nào.

* * * *

 Hôm nay ta tập luyện gần giống như hôm qua. Thế nhưng sau khi đã được thụ pháp, quý vị vẫn cứ tiếp cứ tục thiền định theo phương pháp đó. Tuy nhiên đối với người đã được thụ pháp việc thiền định đòi hỏi phải theo đúng các quy tắc rõ rệt hơn. Trong lúc này quý vị chỉ cần ghi nhớ những gì tôi trình bày và cứ theo đó tập cho quen dần cũng tạm đủ.

 Tóm lại, nên nhớ là giáo huấn của Đức Phật được phân chia thành hai nhánh là Su-tra và Tan-tra. Sự khác biệt không thuộc vào lãnh vực đối tượng [giáo lý] mà chỉ thuộc vào chủ thể tức là người tu tập [thực hành].

 Đối với những người có khả năng thật cao Đức Phật giảng cho họ Tan-tra, đối với những người khác Ngài giảng Su-tra. Tuy nhiên người ta cũng có thể nêu lên vấn đề trên đây dưới một hình thức khác : đối với các sinh linh chưa đủ khả năng hoán chuyển sự bám víu trở thành con đường tu tập Đức Phật thuyết giảng Su-tra cho họ.

 Vậy “đủ khả năng hoán chuyển sự bám víu trở thành con đường tu tập” có nghĩa là gì ? Khi sự bám víu phát hiện, thay vì cứ để cho sự bám víu tác động và khống chế mình ta quyết tâm chủ động, điều khiển và sử dụng nó để chuyển sức mạnh của nó hướng vào việc tu tập. Đấy là ý nghĩa của câu trên đây.

 Sự hoán chuyển cá thể dạng bám víu trở thành con đường tu tập gồm có bốn cấp bậc. Một số người chỉ đủ khả năng hoán chuyển các xúc cảm bám víu thứ yếu và thường bị các sự bám víu mạnh hơn chi phối, một số khác chủ động được các sự bám víu mạnh hơn thế nhưng vẫn bị khống chế bởi những sự bám víu cực mạnh, v.v… Căn cứ vào sự thăng tiến đó người ta phân chia các người tu tập thành bốn nhóm hay bốn cấp bậc.

 Vì thế các phép tu tập Tan-tra cũng được phân chia thành bốn cấp bậc để thích nghi với với từng trình độ. Trước hết là Tan-tra sử dụng cho người có khả năng chủ động được các xúc cảm bám víu ở cấp bậc thứ yếu, chưa đủ sức khống chế các bám víu quá mạnh. Trong cấp bậc này Đức Phật giảng dạy phương pháp chuyển hoá các sự bám víu thấp có nghĩa là tương đối yếu trở thành con đường tu tập. Tan-tra trong cấp bậc này gọi là “Tan-tra hành động”.

 Sự khác biệt giữa Su-tra và Tan-tra còn có thể hình dung trên một khía cạnh khác nữa. Mục đích tu tập của Phật giáo Đại thừa nói chung là đạt được thể dạng của Phật gồm các phẩm tính như : Phật địa [cõi Phật], các phẩm tính sở hữu của Phật , tập thể [tăng đoàn ?] và sự sinh hoạt của Phật. Riêng đối với Tan-tra việc tu tập là thực hiện thể dạng của Phật bằng cách thiền định về các thể dạng tương tợ với Phật địa, với các phẩm tính sở hữu của Phật và sự sinh hoạt của Phật, đấy là những gì đặc thù trong phép tu tập Tan-tra. Tất cả các phương pháp tu tập nào không sử dụng đến phép thiền định trên đây có thể gọi là tu tập Su-tra.

 Ngay cả đối với Tan-tra người ta cũng phân biệt thành hai con đường khác nhau : con đường chung và con đường chuyên biệt. Con đường chung căn cứ trên các phẩm tính như lòng quyết tâm từ bỏ cõi ta-bà, tâm thức giác ngộ vá các quan điểm triết học về tánh không. Tại sao lại gọi đấy là con đường chung ? Bởi vì đấy là con đường chung với Su-tra. Muốn tu tập Tan-tra cũng phải đạt được một căn bản chung với Su-tra, căn bản đó thật thiết yếu.

 Con đường thứ hai là con đường chuyên biệt. Trước hết phải vượt qua ngưỡng cửa mở vào con đường Tan-tra, đấy là sự thụ pháp. Khi nói đến thụ pháp phải thật thận trọng vì chữ này mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có nhiều cấp bậc thụ pháp khác nhau như Đại thụ pháp, thụ pháp tuần tự và thụ pháp suốt đời. “Cửa vào” giúp tu tập Tan-tra gọi là “Đại thụ pháp”. Thụ pháp tuần tự chưa được phép tu tập Tan-tra.

 Đại thụ pháp là gì ? Trước hết đấy là một hình thức nghi lễ ban phép giúp tẩy uế ba cửa ngõ là thân xác, ngôn từ và tâm thức, sau đó là truyền ban sức mạnh tức tiềm năng giúp đạt được Tam Thân Phật vào một ngày nào đó. Đại thụ Pháp gồm nhiều giai đoạn, tuy nhiên trong lúc này chưa cần biết chi tiết. Dầu sao ý nghĩa chính yếu của Đại thụ pháp là sự ban phép cho người đệ tử trong mục đích tinh khiết hóa thân xác, ngôn từ và tâm thức, truyền sang cho người đệ tử tiềm năng và sức mạnh đạt được Thân, Khẩu và Ý của một vị Tối Thắng, tức là một vị Phật. Hơn nữa sau khi được thụ pháp mới có quyền và có đủ khả năng tu tập và thiền định về giai đoạn tạo tác và giai đoạn hoàn thiện. Giai đoạn hoàn thiện tức giai đoạn cuối cùng thuộc phép tu tập của Anouttarayogatantra [Tối thượng du-già Tan-tra], tức Tan-tra trong cấp bậc cao nhất. Cấp bậc “Tan-tra hành động” chưa giảng dạy các phép tu tập về các giai đoạn tạo tác và hoàn thiện [kết thúc hay viên mãn, tức thể dạng của một vị Phật].

 Hãy lấy một thí dụ trong Đại thụ pháp, chẳng hạn như thụ pháp nước. Phép thụ pháp này tượng trưng bằng một cái bình, đấy là nghi lễ trao nước cho đệ tử, mỗi đệ tử uống một ngụm. Khi uống người đệ tử phải cảm thấy một sự êm đềm và hạnh phúc. Khi người đệ tử cảm thấy hạnh phúc phải hiểu đấy là nhờ vào tánh không. Vào lúc đó nếu đủ khả năng hiểu được tánh không là gì người đệ tử sẽ đạt được trí tuệ tối thượng của Đại thụ pháp. Thế nhưng nếu không đủ sức quán nhận được tánh không, trong khi thực thi nghi lễ như trao nước, uống nước, v.v… cũng cần tự nhắc nhở mình phải thiền định về một số chủ đề nào đó, chẳng hạn như tánh không, v.v… Tuy nhiên hiệu quả thụ pháp không hoàn toàn như ý muốn.

 Kể từ lúc được thụ pháp, người đệ tử phải thực hiện một số quyết tâm nào đó. Nếu nghĩ rằng không đủ sức thực hiên các quyết tâm đó không nên thụ pháp, vì nếu không tuân thủ việc thụ pháp sẽ không mang lại kết quả nào cả.

 Khi tiếp nhận sự thụ pháp cũng không nên lấy đó làm thỏa mãn hay cho là đã đủ. Phải hiểu rõ ý nghĩa của lòng quyết tâm và các điều cam kết khi thụ phápNếu không nắm vững ý nghĩa các lời cam kết sẽ khó thực hiện. Dù hiểu rõ các lời cam kết thế nhưng ta cũng có thể tự hỏi thụ pháp sẽ mang lại cho ta những gì thiết thực ? Thụ pháp giúp ta thiền định về giai đoạn tạo tác, giai đoạn hoàn thiệnđạt được tam thân trên con đường và sau cùng là Tam Thân kết quả.

 Trong hai ngày liên tiếp tôi trình bày với quý vị những gì cần thiết để chuẩn bị quý vị tiếp nhận lễ thụ pháp Kalachakra [Thời luận (bánh xe thời gian) tên của một bộ kinh Tan-tra quan trọng] sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay do chính Đức Đạt-lai Lạt-ma chủ lễ. Trước đây hai khóa thuyết giảng khác với hai chủ đề “Tâm thức Giác ngộ” và “Tánh không” cũng đã được tổ chức nhằm mục đích này. Tóm lại chúng ta có tất cả sáu ngày chuẩn bị, thế nhưng đừng quên là sau này còn phải tu tập rất nhiều.

 Muốn thụ pháp Kalachakra cần phải có một động cơ thúc đẩy thật mạnh. Không nên tham dự vì tò mò hoặc vì muốn tìm hiểu và xem nghi lễ là những thứ bày vẽ mang tính cách lạ thường và kỳ quặc. Cần phải có lòng quyết tâmĐộng cơ thúc đẩy quý vị là gì ? Đấy là lòng quyết tâm đạt được thể dạng của một vị Phật. Quý vị nên nhắc nhở mình với bất cứ giá nào phải nhất quyết thành Phật trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi này. Đạt được thể dạng của một vị Phật trong một thời gian ngắn ngủi chỉ có thể thực hiện được bằng con đường Kim cương thừa tức là con đường Tan-tra. Thế nhưng muốn tu tập Tan-tra cần phải được thụ pháp. Quý vị nên nghĩ đến các điều vừa trình bày trước khi lên đường sang Thụy sĩ tham dự lễ thụ pháp. Đấy là một dịp giúp quý vị phát huy lòng đại từ bi đối với tất cả chúng sinh.

 Tóm lại động cơ thúc đẩy quý vị là tâm thức giác ngộ, lòng mong muốn đạt được thể dạng của một vị Phật vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Nếu thực hiện được như thế thật không gì bằng. Nếu không đủ khả năng cũng cố gắng luôn nhắc nhở trong tâm mình những điều ấy.

 Được thụ pháp trực tiếp với Đức Đạt-lai Lạt-ma là một điều vô cùng may mắn. Thật vậy trong thời đại chúng ta và trên địa cầu này không dễ gì tìm được một vị Thầy Tan-tra với tầm cỡ của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Nếu được Ngài đích thân thụ pháp cho mình thì còn gì bằng. Dù chưa hoàn toàn đủ khả năng để tiếp nhận toàn bộ hiệu quả của sự thụ pháp thì đấy cũng là một dịp may mắn vô cùng, vì sau này khó tìm được một vị Thầy tốt hơn ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này.

 Cũng xin minh chứng khi tôi nói rằng được Đức Đạt-lai Lạt-ma thụ pháp là một dịp tốt

không hẳn chỉ có nghĩa là Đức Đạt-lai Lạt-ma mang tước vị lớn, nổi tiếng và là một vị Đạt-lai Lạt-ma, Ngài còn là một vị Đại sư vô cùng uyên bácgiữ giới thật nghiêm túc, thấu triệt thật sâu xa cả Su-tra lẫn Tan-tra. Đức Đạt-lai Lạt-ma hội đủ những phẩm tính vô cùng quý giá của một vị Thầy, được thụ pháp với Ngài không còn gì hơn.

 Chúng ta sắp chấm dứt, thế nhưng vẫn còn một điểm cần phải nêu lên. Chúng ta vẫn thường nói trên đầu môi các từ “hạnh phúc”, “an bình trong thế gian này”. Nói lên những điều ấy thật tốt, thế nhưng trước hết phải hiểu rằng khi nào ta chưa tạo được sự an bình và hạnh phúc trong lòng mình, khi đó ta không thể hy vọng hạnh phúc và an bình tự nhiên có thể trải rộng trong thế giới này. Trước hết phải đạt được sự an bình và hạnh phúc nội tâm, đừng chờ đợi những thứ ấy từ bên ngoài đến một cách ngẫu nhiên, không phát xuất từ một nguyên nhân hay một lý do nào rõ rệt.

 Hơn nữa ngày nay tình trạng chung trên thế giới ngày càng trở nên tệ hại và trầm trọng thêm, luôn xảy ra biến động. Đấy là dịp thúc đẩy chúng ta cố gắng và quyết tâm mang lại an bình và hạnh phúc nội tâm trong lòng mỗi người chúng ta.

 Khi thực hiện được sự an bình và hạnh phúc nội tâm ta mới đủ sức mang lại những gì tốt đẹp cho bối cảnh bên ngoài. Đấy là cách duy nhất giúp mỗi người trong chúng ta góp phần trong việc trải rộng sự bình an và hạnh phúc trong thế gian này.

 Chúng ta có nói đến con đường trải rộng và con đường sâu xa, vậy hai con đường ấy là gì ? Con đường trải rộng là con đường của bodhicitta (bồ tát hạnhtức tâm thức giác ngộcon đường sâu xa chính là con đường của tánh không. Vậy chúng ta hãy tụng niệm bài Kinh về Trí tuệ [tức Bát nhã Tâm kinh] và cầu mong con đường trải rộng và con đường sâu xa được nhanh chóng viên mãnTrước mặt chúng ta có một pho tượng Phật, thế nhưng đừng xem đấy là một pho tượng, đấy chính là Đức Phật đang hiện hữu trước mặt chúng ta, đang lắng nghe chúng ta tụng niệm bài kinh Su-tra.

 (Tất cả những người tham dự tụng niệm Tâm Kinh)

 (Và sau đó tụng niệm kinh Tán thán 21 vị Tara [dịch âm là Đa-la, tức các thần linh nữ tínhhóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm mang sứ mạng hỗ trợ và cứu độ chúng sinh])

 Suốt trong hai ngày học hỏi vả tu tậpchúng ta tạo được một số phẩm hạnh xứng đáng. Chúng ta nếu là người Phật giáo hãy hồi hướng những công đức đó cũng như tất cả những gì đạo hạnh mà chúng ta gom góp được trong hai ngày hôm nay và cả trong ba thời gian [quá khứhiện tại và tương lai] để cầu mong thực hiện được thể dạng của một vị Phật trong mục đích giúp đỡ chúng sinh tìm thấy an lạc. Nếu những ai không phải là người Phật giáo cũng nên hồi hướng những công đức của mình để cầu mong chúng sinh thoát khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc.

Dagpo Rimpoché

Hoang Phong chuyển ngữ

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung