Dakini Yeshe Tsogyal là một nữ đệ tử tâm yếu của Đạo sư Liên Hoa Sinh và về sau trở thành đệ tử truyền thừa trực tiếp từ Ngài. Trong lúc Liên Hoa Sinh ngồi yên trong một động đá ở Tây Tạng thì Yeshe Tsogyal lúc đó khoảng ba mươi tuổi đi hành hương ở Nepal, thăm viếng các thánh địa, kể cả đến Boudhanath tại Talkessel của Katmandu – Nepal. Yeshe Tsogyal cúng dường một ít bột vàng nơi chánh điện của Tu viện và cầu nguyện đến Đạo sư của mình để xin sự gia hộ, “Khổ của chúng sinh trên thế gian thật vô cùng, làm sao con đủ trí lực để giải thoát cho họ khỏi vô minh? Con làm sao để thực sự hữu dụng?”. Yeshe Tsogyal cầu xin cho đến lúc mái điện bằng vàng sáng rực lên và chói như mặt trời trước mắt nàng. Trong ánh sáng rực rỡ đó Liên Hoa Sinh hiện ra và nói: “Con gái thân yêu của ta, hôm nay con hãy ra chợ và mua một nô lệ, người nô lệ này là phối ngẫu tâm linh của con, điều này đã được định từ trước. Người phối ngẫu của con được gọi là Cao Quý (Āchāraya) vì anh ta siêu đẳng so với người khác. Và vì tiền chuộc của anh ta là vàng nên anh ta được gọi là “Ánh Sáng Vàng” và Khi đó con sẽ đạt tới tâm thức siêu việt và trí lực con sẽ phát triển. Sau đấy hãy cùng người đó về lại Tây Tạng. Sau đó ta sẽ hướng dẫn cho hai con vào các phép tu Mật tông bí ẩn nhất”. Yeshe Tsogyal vào thành và đi xem các hàng quán, luôn luôn lắng nghe tiếng nói của trực giác, vì trực giác chính là vị đạo sư thầm kín bên trong. Nàng nhìn mặt hàng trăm người và đi từ đầu chợ đến cuối chợ, lúc tới cổng phía nam thì một người thanh niên gợi chuyện với Yeshe Tsogyal. Lúc này Āchāraya Sale chỉ quấn ngang người một tấm vải. Trên ngực của Āchāraya Sale có một nốt ruồi đỏ. Yeshe Tsogyal thấy mặt và tay của Āchāraya Sale có nhiều dấu hiệu bí ẩn. Āchāraya Sale hỏi người phụ nữ Tây Tạng: “Cô từ đâu đến? Tôi tên là Āchāraya Sale. Lúc tôi còn nhỏ, người ta bắt tôi từ Ấn Độ qua Nepal và sống bẩy năm nay như nô lệ của một thương gia giàu có” Yeshe Tsogyal vui mừng, nói nhỏ: “Ôi đúng là người mà ta cần tìm rồi. Hãy đưa ta đến chủ ngươi ta sẽ mua lại ngươi, để ta đưa ngươi đến nơi chốn đích thực của ngươi”. Trong phút chốc Yeshe Tsogyal giải thích cho Āchāraya Sale nghe để Āchāraya Sale tin và hiểu. Cả hai liền đến nhà của vị thương gia nọ và Arya Sale phải tạm thời giã từ Yeshe Tsogyal. Còn Yeshe Tsogyal ngồi trước cửa và bắt đầu tụng lên những lời cầu nguyện và những bài chứng đạo ca.
Không bao lâu sau, chủ nhà thân hành ra đến cửa và hỏi mục đích của người phụ nữ tây Tạng lạ lùng này. Yeshe Tsogyal thẳng thắn trả lời, Yeshe Tsogyal được Liên Hoa Sinh cử đến đây và Đức Liên Hoa Sinh thấy Āchāraya Sale xuất hiện trong linh thị để mua người nô lệ này và đưa đi xa. Vị thương gia giật mình: “Người nô lệ đó đã chiếm cảm tình của ta, ta coi nó như con ruột. Ngoài ra hồi xưa ta đã trả giá đắt để mua. Không, không thể được”. Yeshe Tsogyal giơ hai tay lên trời và bắt đầu ca bài ca về giải phóng con người khỏi sự trói buộc và sự giải thoát tột cùng. Vị thương gia thở dài và suy nghĩ cặn kẽ. Không, ông không thể xua đuổi người đàn bà mới nhìn như một kẻ ăn xin nhưng thật sự là một người tâm linh rất sâu kín này. Vì xung quanh nhiều người tụ lại để nghe giọng hát tuyệt vời của Yeshe Tsogyal, ông mời Yeshe Tsogyal vào nhà nói chuyện. Trong nhà, vợ của thương gia cũng tham gia câu chuyện. Sau khi nghe Yeshe Tsogyal kể mọi chuyện, bà nói: tôi cảm phục lòng can đảm và niềm tin của cô, Yeshe Tsogyal đi từ rất xa đến đây và xem ra là một người đặc biệt và nhân hậu. Hãy đưa cho chúng ta năm trăm đồng tiền vàng và đó là số tiền ngày xưa ta đã trả để mua người nô lệ này. Mặc dù ngày nay người đã khác hẳn và giá trị cao hơn nhiều, và người này là của Cô, hãy lấy danh nghĩa của Liên Hoa Sinh. Nhưng xin hỏi Cô muốn gì ở người này? Cô muốn cưới người này hay để nó làm kẻ hầu cận cho Cô”. ‘Tôi sẽ giải phóng người này”, Yeshe Tsogyal nói. “Và vì tôi đã cúng dường hết vàng bạc, tôi xin tạm đi để kiếm tiền chuộc Āchāraya Sale”.
Không biết phải làm thế nào, Yeshe Tsogyal cứ theo những dấu hiệu dẫn nàng kiếm được số vàng này. Tại một góc phố Yeshe Tsogyal nghe tiếng than khóc. Tới nghe chuyện thì Yeshe Tsogyal biết thêm một thương gia bán thực phẩm nọ vừa mất đứa con trai trong một trận đấu kiếm tại biên giới Nepal. Xác đứa con trai vừa được đưa về nhà và tang quyến đang chờ một vị tăng tới cầu siêu. Yeshe Tsogyal nhờ người chỉ đường đến nhà thương gia đó. Vừa thấy cha mẹ người chết đang gục đầu đau khổ, Yeshe Tsogyal cất tiếng ca một bài ca về lòng từ bi. Yeshe Tsogyal hát về sự sống vươn lên từ cái chết, hát về mong ước được giải phóng Āchāraya Sale và các chúng sinh khác. Tiếng hát của nàng đầy năng lực và chất thiện mỹ làm cha mẹ người chết quì xuống bên Yeshe Tsogyal khi Yeshe Tsogyal chấm dứt tiếng hát. “Yeshe Tsogyal là một nữ tu hát hay”, họ vừa tuyệt vọng, vừa hy vọng. “Yeshe Tsogyal đầy uy lực, chúng ta chỉ biết thế nhưng không thể đo lường. Nếu Cô đến đây để cứu sống con ta, ta sẽ cho Cô đủ tiền để cứu cả con vua Nepal. Nhưng ta không biết, phép lạ có xảy ra với người phước đức nhỏ như chúng ta được hưởng hay không?”. Yeshe Tsogyal cúi đầu ba lần trước cha mẹ người chết và gật đầu. Tự đáy lòng Yeshe Tsogyal tri ân và cầu nguyện đến Đạo sư Liên Hoa Sinh và bắt đầu hát: “Cúi lạy đấng đã sinh trong hoa sen, Đạo sư Liên Hoa Sanh, Ngài là hiện thân của tự tính bất diệt. Tự tính của tất cả mọi sự, là Phật tính vĩnh viễn thanh tịnh, bất sinh bất diệt. Đó là gốc sinh ra mọi hiện tượng, giữa cái bất ly của Tánh không và năng lực, thì hành động thiện ác, chỉ sinh ra nghiệp lực không tránh khỏi. Nhưng ta là một Đạo sư đã xa rời tính nhị nguyên. Nên cái chết hay sống không hề gây ngăn ngại. Năng lực này là của ta, năng lực hàn gắn mọi đổ vỡ: Hãy tuôn trào phép mầu nhiệm”.
Yeshe Tsogyal đưa tay trỏ đụng vào trái tim và cúi đầu nhả một giọt nước bọt vào miệng của người chết và đọc thần chú bên tai và hai tay vuốt lên vết thương trên ngực người chết, bỗng nhiên vết thương khép kín, mắt người chết mở to. Chàng trai trẻ ngồi dậy và cười ngạc nhiên. Cả tang quyến vội đến cảm tạ Yeshe Tsogyal nhưng Yeshe Tsogyal từ chối. Đừng cám ơn tôi, hãy cảm tạ năng lực, năng lực đã hàn gắn lại những gì chúng ta muốn huỷ hoại. Hãy cảm tạ Chư phật và Đạo sư Liên Hoa Sinh đã truyền cho năng lực đó”. Vị thương gia bán thực phẩm lòng tràn hạnh phúc, trao cho Yeshe Tsogyal môt túi vàng và Yeshe Tsogyal cảm ơn nhận lãnh. Một đám đông người đi theo khi Yeshe Tsogyal đi mua lại Āchāraya Sale. Yeshe Tsogyal trả cho thương nhân nọ đến một ngàn đồng tiền vàng để mua người nô lệ, mà giờ đây đã trở thành phối ngẫu tâm linh của Yeshe Tsogyal. Đức Āchāraya Sale và Yeshe Tsogyal lên đường đi bộ về Tây Tạng để được Liên Hoa Sinh trực tiếp dạy các giáo lý thâm diệu của Kim Cương Thừa. Trong một hang núi cao bao quanh đầy tuyết đóng quanh năm, Đức Āchāraya Sale và Yeshe Tsogyal đã cùng nhau thực hành phép tu Yoga, thiền quán về Đại lạc và Tánh không và đạt được Giác ngộ Viên mãn. Cuối cùng Yeshe Tsogyal sống đến 106 tuổi, là đệ tử quan trọng nhất của Đức Liên Hoa Sinh, Yeshe Tsogyal đã đưa vô số đệ tử đến giải thoát hoàn toàn. Theo lệnh của Liên Hoa Sinh, Yeshe Tsogyal cất giấu nhiều giáo lý ẩn mật (hay gọi là Terma) trong nhiều hang động tại miền núi Tây Tạng và nhờ vậy mà giữ được các kinh điển để đem lại lợi ích cho chúng đời sau. Các tàng kinh này lần lượt được các đệ tử (hay gọi là các Terton) tái sinh trở lại của Đức Liên Hoa Sinh tái khám phá trong các thế kỉ sau.
Việt ngữ: Nguyễn Tường Bách
Hiệu đính: Liên Hoa Trì Pháp (Padma Tenzin)
Ghi chú:
Nếu quý vị độc giả muốn đọc chi tiết hơn về câu chuyện này có thể đọc tác phẩm “Vũ Điệu Dakini – Đời sống bí mật và những bài ca của Đức Bà Yeshe Tsogyel”